1. Như vầy tôi nghe. Một thời đức Thế Tôn ở tại Ujunnà (Uy-nhã-quốc), tại vườn nai Kannakatthala. Lúc bấy giờ, lõa thể Kassapa (Ca-diếp) đến chỗ đức Phật, nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với đức Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, lõa thể Kassapa thưa với Thế Tôn:
2. - Tôn giả Gotama, tôi nghe như vầy: "Sa-môn Gotama chỉ trích mọi khổ hạnh, tuyệt đối phỉ báng, mạt sát mọi khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ", có phải những vị ấy nói đúng lời của Tôn giả Gotama? Có phải những vị ấy đã vu oan không xác thật cho Tôn giả Gotama? Có phải những vị ấy đã tuyên bố như pháp, thuận pháp không? Có những chủ trương nào chính và phụ gặp phải cật nạn không? Thật sự chúng tôi không muốn chỉ trích sai lạc Tôn giả Gotama.
3. - Này Kassapa, những ai nói: "Sa-môn Gotama chỉ trích mọi khổ hạnh, tuyệt đối phỉ báng, mạt sát mọi khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ", những vị ấy nói không đúng lời của Ta, đã vu oan không xác thật cho Ta. Này Kassapa, ở đời này, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Ta thấy một số người tu khổ hạnh, sống khắc khổ... Sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này Kassapa, ở đời này, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Ta thấy một số người tu khổ hạnh, sống khắc khổ... Sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện chú, thiên giới, thanh tịnh, siêu nhân, Ta thấy một số người tu khổ hạnh nhưng sống ít khắc khổ hơn... Sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này Kassapa, ở đời này, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Ta thấy một số người tu khổ hạnh nhưng sống ít khắc khổ hơn... Sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này Kassapa, khi đã biết đúng với sự thật sự lai, khứ, sanh, diệt của những người tu khổ hạnh như vậy, làm sao Ta lại chỉ trích mọi khổ hạnh và tuyệt đối phỉ báng mạt sát mọi khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ?
4. Này Kassapa, có một số Sa-môn, Bà-la-môn là những nhà bác học, tế nhị, biệt tài trong tranh luận, (nhà thiện xạ) bắn chẻ hai sợi tóc, đi chỗ này chỗ kia như đả phá mọi tà kiến với trí tuệ của mình. Giữa Ta và những vị này, có những điểm tương đồng và có những điểm không tương đồng. Có điểm những vị này công nhận là phải, chúng tôi cũng công nhận là phải. Có điểm những vị này công nhận là không phải, chúng tôi cũng công nhận là không phải. Có điểm những vị này không công nhận là phải, chúng tôi công nhận là phải. Có điểm chúng tôi công nhận là phải, các vị này cũng công nhận là phải. Có điểm chúng tôi không công nhận là phải, các vị này cũng không công nhận là phải. Có điểm chúng tôi công nhận là phải, các vị này không công nhận là phải. Có điểm chúng tôi không công nhận là phải, các vị này công nhận là phải.
5. Ta đến các vị ấy và nói: "Này các Hiền giả, những điểm bất đồng ý, hãy để chúng yên như vậy. Những điểm đồng ý, các vị có trí hãy hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, giáo sư với giáo sư, hay chúng đệ tử với chúng đệ tử: "Những pháp bất thiện hay được xem là bất thiện, những pháp lỗi lầm hay được xem là lỗi lầm, những pháp không nên tuân hành hay được xem là không nên tuân hành, những pháp không xứng bậc Thánh hay được xem là không xứng đáng bậc Thánh, giữa những pháp ô nhiễm hay được xem là ô nhiễm, giữa quí vị hiền giả này, ai đã hoàn toàn xả ly những pháp ấy, Sa-môn Gotama hay những vị Tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia?"
6. Này Kassapa, và sự tình này xảy ra. Khi các vị có trí hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau. Các vị này nói: "Những pháp bất thiện hay được xem là bất thiện, những pháp lỗi lầm hay được xem là lỗi lầm, những pháp không nên tuân hành hay được xem là không nên tuân hành, những pháp không xứng bậc Thánh hay được xem là không xứng bậc Thánh, những pháp ô nhiễm hay được xem là ô nhiễm, giữa những vị hiền giả này, Sa-môn Gotama đã hoàn toàn xả ly những pháp ấy, còn những vị tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia chỉ xả ly một phần thôi". Như vậy, này Kassapa, những vị có trí khi hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, một phần lớn tán thán chúng tôi về vấn đề này.
7. Này Kassapa, lại nữa các vị có trí lại hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, giữa giáo sư với giáo sư, giữa chúng đệ tử với chúng đệ tử: "Những pháp thiện hay được xem là thiện, những pháp không lỗi lầm hay được xem là không lỗi lầm, những pháp nên tuân hành hay được xem là nên tuân hành, những pháp xứng bậc Thánh hay được xem là xứng bậc Thánh, những pháp thanh tịnh hay được xem là thanh tịnh, giữa quí vị hiền giả này ai đã hoàn toàn thành tựu những pháp này, Sa-môn Gotama hay những vị tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia?
8. Này Kassapa, và sự tình này xảy ra. Khi các vị có trí hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, các vị này nói: "Những pháp thiện hay được xem là thiện, những pháp không lỗi lầm hay được xem là không lỗi lầm, những pháp nên tuân hành hay được xem là nên tuân hành, những pháp xứng bậc Thánh hay được xem là xứng bậc Thánh, những pháp thanh tịnh hay được xem là thanh tịnh, Sa-môn Gotama đã hoàn toàn thành tựu những pháp này, còn những vị tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia chỉ thành tựu một phần". Như vậy này Kassapa, những vị có trí hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, một phần lớn tán thán chúng tôi về vấn đề này.
9. Này Kassapa, lại nữa, các vị có trí lại hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, giữa giáo sư với giáo sư, giữa chúng đệ tử với chúng đệ tử: "Những pháp bất thiện hay được xem là bất thiện, những pháp lỗi lầm hay được xem là lỗi lầm, những pháp không nên tuân hành hay được xem là không nên tuân hành, những pháp không xứng bậc Thánh hay được xem là không xứng bậc Thánh, những pháp ô nhiễm hay được xem là ô nhiễm, giữa những vị hiền giả này ai đã hoàn toàn xả ly những pháp ấy, chúng đệ tử của Gotama hay chúng đệ tử của những tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia?"
10. Này Kassapa, và sự tình này xảy ra khi các vị có trí hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau. Các vị này nói: "Những pháp bất thiện hay được xem là bất thiện, những pháp lỗi lầm hay được xem là lỗi lầm, những pháp không nên tuân hành hay được xem là không nên tuân hành, những pháp không xứng bậc Thánh hay được xem là không xứng bậc Thánh, những pháp ô nhiễm hay được xem là ô nhiễm, giữa những vị hiền giả này, chúng đệ tử của Gomata đã hoàn toàn xả ly những pháp ấy, còn chúng đệ tử của những vị tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia chỉ xả ly một phần thôi". Như vậy, này Kassapa, những vị có trí khi hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau một phần lớn tán thán chúng tôi về vấn đề này.
11. Này Kassapa, lại nữa, các vị có trí lại hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, giữa giáo sư với giáo sư, giữa chúng đệ tử với chúng đệ tử: "Những pháp thiện hay được xem là thiện, những pháp không lỗi lầm hay được xem là không lỗi lầm, những pháp nên tuân hành hay được xem là nên tuân hành, những pháp xứng bậc Thánh hay được xem là xứng bậc Thánh, những pháp thanh tịnh hay được xem là thanh tịnh, giữa những vị hiền giả này ai đã hoàn toàn thành tựu những pháp này, chúng đệ tử của Gotama hay chúng đệ tử của những tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia?"
12. Này Kassapa, sự tình này xảy ra khi các vị có trí hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau. Các vị này nói: "Những pháp thiện hay được xem là thiện, những pháp không lỗi lầm hay được xem là không lỗi lầm, những pháp nên tuân hành hay được xem là nên tuân hành, những pháp xứng bậc Thánh hay được xem là xứng bậc Thánh, những pháp thanh tịnh hay được xem là thanh tịnh, giữa những vị hiền giả này, chúng đệ tử của Gotama đã hoàn toàn thành tựu những pháp này, còn chúng đệ tử của những vị tôn giả, sư trưởng các giáo phái kia chỉ thành tựu một phần thôi". Như vậy này Kassapa, những vị có trí hỏi nhau, tìm hiểu và đàm luận với nhau, một phần lớn tán thán chúng tôi về vấn đề này.
13. Này Kassapa, có con đường, có phương pháp khiến ai tuân theo sẽ tự thấy và tự biết: "Sa-môn Gotama nói đúng thời, nói chân thật, nói lợi ích, nói hợp pháp, nói đúng luật". Này Kassapa, con đường ấy là gì, phương pháp ấy là gì khiến ai tuân theo sẽ tự thấy và biết: "Sa-môn Gotama nói đúng thời, nói chân thật, nói lợi ích, nói hợp pháp, nói đúng luật?" Chính là con đường Thánh tám ngành tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này Kassapa, chính con đường này, chính phương pháp này khiến ai tuân theo sẽ tự thấy và tự biết: "Sa-môn Gotama nói đúng thời, nói lời chân thật, nói lợi ích, nói hợp pháp, nói đúng luật".
14. Nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch đức Thế Tôn:
- Hiền giả Gotama, những pháp khổ hạnh này được những Sa-môn và Bà-la-môn công nhận là đưa đến Sa-môn quả và Bà-la-môn quả: Sống lõa thể, - Sống phóng túng, không theo lễ nghi (như đứng mà đi đại tiểu tiện, đứng ăn, không chịu ngồi theo lễ nghi), - Liếm tay cho sạch (sau khi ăn, không chịu rửa), - Ði khất thực không chịu bước tới (theo yêu cầu để thí chủ bỏ đồ ăn vào bát), - Không nhận đồ ăn mang đến (cho mình, trước khi đi khất thực), - Không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình. - Không nhận mời đi ăn. - Không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo (sợ nồi chảo bị nạo, bị cạy để cúng dường đồ ăn), - Không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa (sợ dành riêng cho mình), - Không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy (sợ dành riêng cho mình), - Không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo (sợ dành riêng cho mình), - Không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn (sợ đồ ăn chỉ do một người cho), - Không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai (sợ đứa con trong bụng mẹ bị thiệt thòi), - Không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú (sợ sữa đàn bà sẽ bớt đi), - Không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu (sợ làm trở ngại sự giao cấu), - Không nhận đồ ăn đi quyên (bởi tín đồ khi có nạn đói), - Không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng (sợ chó mất phần ăn), - Không nhận đồ ăn tại chỗ ruồi bu (sợ ruồi mất phần ăn), - Không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. - Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy chỉ nuôi sống với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần.
Này Hiền giả Gotama, những pháp khổ hạnh này được chúng Sa-môn, Bà-la-môn công nhận là đưa đến Sa-môn quả và Bà-la-môn quả. Vị này chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, ăn nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống.
Này Hiền giả Gotama, những pháp khổ hạnh này được công nhận bởi những Sa-môn, Bà-la-môn là đưa đến Sa-môn và Bà-la-môn quả. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện bằng từng mảnh da của con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường (kusa), mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không dùng chỗ ngồi, là người ngồi chò hỏ, sống theo hạnh ngồi chò hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, theo hạnh ăn các uế vật (phân bò, nước tiểu bò, tro và đất), sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi).
15. - Này Kassapa nếu một người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay... như vậy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần, nhưng nếu vị này không tu và không chứng được giới cụ túc, tâm cụ túc, tuệ cụ túc, thời vị ấy cách rất xa Sa-môn vị, cách rất xa Bà-la-môn vị. Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
Này Kassapa, nếu một người chỉ ăn cỏ lúa để sống, này Kassapa nếu người ấy chỉ ăn lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivàra... ăn trái cây, rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống, nhưng nếu vị này không tu và không chứng được giới cụ túc, tâm cụ túc, tuệ cụ túc thời vị ấy cách rất xa Sa-môn vị, cách rất xa Bà-la-môn vị. Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
Này Kassapa, nếu một người mặc vải gai thô, mặc vải gai thô trộn với các vải khác,... sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi), nhưng nếu vị này không tu và không chứng được giới cụ túc, tâm cụ túc, tuệ cụ túc, thời vị ấy cách rất xa Sa-môn vị, cách rất xa Bà-la-môn vị. Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
16. Khi nghe nói đến đây, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh!
- Này Kassapa, đó là lời nói thường tình ở đời: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh! Này Kassapa, như một người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay... như vậy sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần. Này Kassapa, nếu sự khó hành, sự rất khó hành của Sa-môn hạnh, của Bà-la-môn hạnh chỉ tùy thuộc khổ hạnh này và chỉ tùy thuộc sự thực hành khổ hạnh này, thời thật không xứng mà nói: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh!" Một người cư sĩ, hay con một người cư sĩ cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh: "Tôi sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay.... như vậy sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng ăn một lần".
Này Kassapa, vì ngoài khổ hạnh này, ngoài sự thực hành khổ hạnh này, Sa-môn hạnh hay Bà-la-môn hạnh vẫn khó hành trì, vẫn thật khó hành trì, do vậy thật xứng đáng mà nói: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh!" Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự tận diệt các lậu hoặc tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
Này Kassapa, nếu một người chỉ ăn cỏ lúa để sống, ăn lúa tắc, gạo lức... ăn trái cây, rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống, nếu sự khó hành, sự rất khó hành của Sa-môn hạnh, của Bà-la-môn hạnh chỉ tùy thuộc khổ hạnh này, và chỉ tùy thuộc sự thực hành khổ hạnh này thời thật không xứng mà nói: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh". Một người cư sĩ, hay con một người cư sĩ, cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh: "Tôi chỉ ăn cỏ lúa để sống, ăn lúa tắc, gạo lức... ăn trái cây, rễ cây trong rừng, ăn trái cây rừng để sống". Này Kassapa, vì ngoài khổ hạnh này, ngoài sự thực hành khổ hạnh này, Sa-môn hạnh hay Bà-la-môn hạnh vẫn khó hành trì, vẫn thật khó hành trì, do vậy thật xứng đáng mà nói: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh!" Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn!
Này Kassapa, nếu một người mặc vải gai thô, mặc vải gai thô trộn lẫn với các vải khác... sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi), nếu có sự khó hành, sự rất khó hành của Sa-môn hạnh, của Bà-la-môn hạnh chỉ tùy thuộc khổ hạnh này và chỉ tùy thuộc sự thực hành khổ hạnh này, thời thật không xứng mà nói: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh!" Một người cư sĩ hay con một người cư sĩ cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh: "Tôi chỉ mặc vải gai thô, mặc vải gai thô trộn lẫn với các vải khác... sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi)", này Kassapa, vì ngoài khổ hạnh này, ngoài sự thực hành khổ hạnh này, Sa-môn hạnh hay Bà-la-môn hạnh vẫn khó hành trì, vẫn thật khó hành trì, do vậy thật xứng đáng mà nói: "Khó hành thay Sa-môn hạnh! Khó hành thay Bà-la-môn hạnh!" Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
17. Khi nghe nói vậy, lão thể Kassapa bạch đức Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, khó biết thay một vị Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!
- Này Kassapa, đó là lời nói thường tình ở đời: "Khó biết thay một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!" Này Kassapa, nếu một người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay... như vậy sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần. Này Kassapa, nếu trở thành một Sa-môn, nếu trở thành một Bà-la-môn chỉ tùy thuộc khổ hạnh này, và chỉ tùy thuộc sự thi hành khổ hạnh này, thời thật không xứng mà nói: "Khó biết thay một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!" Một người cư sĩ, hay con một người cư sĩ cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh: "Tôi sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay... như vậy sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần". Này Kassapa, nếu trở thành một Sa-môn, nếu trở thành một Bà-la-môn chỉ tùy thuộc khổ hạnh này, chỉ tùy thuộc sự thi hành khổ hạnh này, thời thật không xứng mà nói: "Khó biết thay một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!" Một người cư sĩ, hay con một người cư sĩ cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh này: "Tôi sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay... như vậy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần". Này Kassapa, vì ngoài khổ hạnh này, ngoài sự thực hành khổ hạnh này, vẫn khó biết vẫn thật khó biết một người Sa-môn hay một người Bà-la-môn, do vậy thật xứng đáng mà nói: "Khó biết thay, một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!" Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, vị Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
Này Kassapa, nếu một người chỉ ăn cỏ lúa để sống, ăn lúa tắc, gạo lức... ăn trái cây, rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Này Kassapa, nếu trở thành một Sa-môn, trở thành một Bà-la-môn chỉ tùy thuộc khổ hạnh này và chỉ tùy thuộc sự thực hành khổ hạnh này, thời thật không xứng đáng mà nói: "Khó biết thay một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!" Một người cư sĩ, hay con một người cư sĩ, cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh: "Tôi chỉ ăn lúa để sống, ăn lúa tắc, gạo lức... ăn trái cây, rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống". Này Kassapa, vì ngoài khổ hạnh này, ngoài sự thực khổ hạnh này, vẫn khó biết một người Sa-môn hay một người Bà-la-môn. Do vậy thật xứng đáng mà nói: "Khó biết thay, một Sa-môn! Khó biết thay, một Bà-la-môn".
Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
Này Kassapa, nếu một người mặc vải gai thô, mặc vải gai thô trộn lẫn với các vải khác... sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Này Kassapa, nếu trở thành một Sa-môn, trở thành một Bà-la-môn chỉ tùy thuộc khổ hạnh này, và chỉ tùy thuộc sự thực hành khổ hạnh này thời thật không xứng mà nói: "Khó biết thay một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!"
Một người cư sĩ hay con một người cư sĩ, cho đến một người đầy tớ gái đội ghè nước có thể làm theo những hạnh: "Tôi mặc vải gai thô, mặc vải gai thô trộn lẫn với các vải khác ... sống một đêm tắm ba lần". Này Kassapa, vì ngoài khổ hạnh này vẫn rất khó biết một người Sa-môn hay một người Bà-la-môn. Do vậy thật xứng đáng mà nói: "Khó biết thay một Sa-môn! Khó biết thay một Bà-la-môn!" Này Kassapa, nếu Tỷ-kheo sống tu tập từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy được gọi là Sa-môn, được gọi là Bà-la-môn.
18. Khi nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch đức Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, thế nào là giới cụ túc? Thế là tâm cụ túc? Thế nào là tuệ cụ túc?
- Này Kassapa, nay ở đời, Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri... (xem Kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40-42)... thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh, sanh hoạt trong sạch, giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, đầy đủ chánh niệm, chánh trí và biết tri túc.
Này Kassapa, thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh cụ túc? Ở đây, này Kassapa, Tỷ-kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật ... (như Kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 43-61),... Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như dùng các ảo thuật để được an ổn, để khỏi làm các điều đã hứa... (như Kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 62).... ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới cụ túc của vị ấy. Và như vậy, này Kassapa, vị Tỷ-kheo ấy, nhờ giới luật cụ túc nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về sự hộ trì giới luật. Này Kassapa, như một Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi chỗ nào về sự thù địch. Cũng vậy, này Kassapa, Tỷ-kheo ấy nhờ giới luật cụ túc, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về sự hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ cụ túc giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm thanh tịnh. Như vậy, này Kassapa, Tỷ-kheo giới luật cụ túc.
19. Này Kassapa, thế nào là vị Tỷ-kheo bảo hộ các căn? Này Kassapa, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung... (như Kinh Sa-môn quả, đoạn số 64)... những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm thanh tịnh... Như vậy, này Kassapa Tỷ-kheo hộ trì các căn... (như Kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 64-75)... khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không do hỷ lạc từ ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này Kassapa, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này Kassapa Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Như vậy là tâm cụ túc của vị ấy.
Lại nữa, này Kassapa, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm... (như Kinh Sa-môn quả , đoạn kinh số 77-79)... đệ tam thiền (như Kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 79-81)... chứng và trú vào thiền thứ tư... (như Kinh Sa-môn quả , đoạn kinh số 81-82)... đó là tâm cụ túc của vị ấy. Này Kassapa, đó là tâm cụ túc.
20. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: "Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc."
Này Kassapa, ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt khéo giũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy ở trên tay sẽ thấy: "Hòn ngọc lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi dây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hay màu vàng nhạt". Cũng vậy, này Kassapa, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: "Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt. Trong thân ấy, thức ta lại nương tựa và bị trói buộc". Ðó là tuệ cụ túc của vị ấy... (như Kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 85-98)... Vị ấy biết: "... không có đời sống nào khác nữa". Ðó là tuệ cụ túc của vị ấy. Này Kassapa, đó là tuệ cụ túc.
Này Kassapa, và không có một giới cụ túc, tâm cụ túc, tuệ cụ túc nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới cụ túc, tâm cụ túc và tuệ cụ túc này.
21. Này Kassapa, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương giới luật. Những vị này dùng nhiều phương tiện tán thán giới luật. Này Kassapa, nói về giới luật tôn kính cao thượng nhất, Ta nhận thấy không có một ai bằng giới luật của Ta, làm sao có ai hơn được. Như vậy Ta hơn trên tất cả về giới luật, tức là tăng thượng giới.
Này Kassapa, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương khổ hạnh, yểm ly. Những vị này dùng nhiều phương tiện tán thán khổ hạnh, yểm ly. Này Kassapa, nói về khổ hạnh yểm ly tôn kính cao thượng nhất, Ta nhận thấy không có một ai bằng được khổ hạnh yểm ly của Ta, làm sao có ai hơn được. Như vậy Ta hơn trên tất cả về khổ hạnh yểm ly, tức là tăng thượng yểm ly.
Này Kassapa, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương trí tuệ. Những vị này dùng nhiều phương tiện tán thán trí tuệ. Này Kassapa, nói về trí tuệ tôn kính cao thượng nhất, Ta nhận thấy không có một ai bằng được trí tuệ của Ta, làm sao có ai hơn được. Như vậy Ta hơn trên tất cả về trí tuệ, tức là tăng thượng trí tuệ.
Này Kassapa, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương giải thoát. Những vị này dùng nhiều phương tiện tán thán giải thoát. Này Kassapa, nói về giải thoát tôn kính cao thượng nhất, Ta nhận thấy không có một ai bằng được giải thoát của Ta, làm sao có ai hơn được. Như vậy, Ta hơn trên tất cả về giải thoát, tức là tăng thượng giải thoát.
22. Này Kassapa, sự tình này có thể xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Sa-môn Gotama rống tiếng rống con sư tử nhưng chỉ tại chỗ vắng người, không ở giữa đại chúng". Nên nói với chúng: "Chớ có nói như vậy. Sa-môn Gotama rống tiếng rống con sư tử tại chỗ vắng người và cả giữa đại chúng". Này Kassapa, nên nói với chúng như vậy.
Này Kassapa, sự tình này có thể xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi: "Sa-môn Gotama rống tiếng rống con sư tử giữa đại chúng, nhưng rống không với tinh thần vô úy... với tinh thần vô úy... và "Không có ai hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi gì... và "có người hỏi Sa-môn Gotama"... "Khi có người hỏi, Sa-môn Gotama không thể trả lời"... và "Khi có người hỏi, Sa-môn Gotama trả lời cho chúng"... và "Dầu cho có trả lời, câu trả lời không làm tâm người ta thỏa mãn"... và "Câu trả lời làm tâm người ta thỏa mãn"... "Nhưng người ta không xem ý kiến của Sa-môn Gotama là đáng được nghe".... "Người ta xem ý kiến của Sa-môn Gotama là đáng được nghe".... "Dầu cho có được nghe, người ta cũng không tin tưởng"... "Người ta nghe có lòng tin tưởng"... "Dầu cho người ta có lòng tin tưởng, người ta không biểu lộ lòng tin tưởng"... "Người ta có lòng tin tưởng và biểu lộ lòng tin tưởng" ... "Dầu cho có biểu lộ lòng tin tưởng, người ta không đạt đến chỗ như thực".... "Người ta đạt đến chỗ như thực".... "Dầu cho đạt đến chỗ như thực, người ta không đem ra thực hành được". Nên nói với chúng: "Chớ có nói như vậy. Sa-môn Gotama rống tiếng rống con sư tử, rống ở giữa đại chúng, rống với tinh thần vô úy, có người hỏi Sa-môn Gotama, Sa-môn Gotama trả lời khi được hỏi, câu trả lời làm tâm người ta được thỏa mãn, người ta xem ý kiến của Sa-môn Gotama đáng được nghe, sau khi được nghe người ta tin tưởng, khi có lòng tin tưởng người ta biểu lộ lòng tin tưởng, người ta đạt đến chỗ như thực, đạt đến chỗ như thực, người ta đem ra thực hành". Này Kassapa, nên nói với chúng như vậy.
23. Này Kassapa, một thời Ta ở tại Vương Xá trên núi Linh Thứu. Lúc bấy giờ, có người Phạm chí tu khổ hạnh tên là Nigrodha đến hỏi về tối thắng khổ hạnh yểm ly. Khi được hỏi về tối thắng khổ hạnh yểm ly, Ta đã trả lời. Và khi được Ta trả lời, vị ấy phát tâm hoan hỷ như với một hoan lạc tối thượng.
- Bạch Ðại đức, ai có thể sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, lại không hoan hỷ như với một hoan lạc tối thượng? Thật vi diệu thay, bạch Ðại đức! Thật vi diệu thay, bạch Ðại đức! Bạch Ðại đức, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Bạch Ðại đức, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.
24. - Này Kassapa, ai trước kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt trú, chúng Tăng nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.
- Bạch Ðại đức, nếu những người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này phải sống bốn tháng biệt trú, sau khi sống bốn tháng biệt trú chúng Tăng nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm, nếu chúng Tăng đồng ý, mong chúng Tăng xuất gia cho con, thọ đại giới cho con để thành vị Tỷ-kheo.
Và lõa thể Kassapa được xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Ðại đức Kassapa ở một mình an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến. Ðó là vô thượng cứu cánh phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ và an trú: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa". Ðại đức Kassapa liễu tri như vậy.
Và đại đức Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
17-02-2019 - 1136 lượt xem