CHƯƠNG IV - BỐN PHÁP
XIII. Phẩm Sợ Hãi
(I) (121) Tự Trách
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi tự mình trách, sợ hãi người khác trách, sợ hãi hình phạt, sợ hãi ác thú.
2.-Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sợ hãi tự mình trách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy xét: "Nếu thân ta làm ác, lời nói ta ác, ý nghĩa ta ác, thời tự ngã có thể trách ta về phương diện giới: "Sao lại làm nghiệp ấy?". Người ấy do sợ hãi tự trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành, đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành, đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi tự trách.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về người khác trách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy xét: "Nếu thân ta làm ác, lời nói ta ác, ý nghĩ ta ác, thời các người khác có thể trách ta về phương diện giới: "Sao lại làm nghiệp ấy?". Người ấy do sợ hãi người khác trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành, đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành, đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi người khác trách.
4.- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi hình phạt?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thấy vua chúa khi bắt được người ăn trộm, kẻ đi cướp đường, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình (lấy xương và thịt cho rộng ra, rồi đổ dầu sôi vào miệng), hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), đốt tay, lấy rơm bện lại rồi siết chặt, lấy vỏ cây làm áo, hình phạt con dê núi, lấy câu móc vào thịt, cắt thịt thành hình đồng tiền, quẳng sắt chảy trên thân đầy vết thương rồi chà mạnh, chuyển hình (bắt nằm dưới đất, đâm một gậy sắt qua hai lỗ tai rồi xoay tròn), cao đạp đài (lột da phần trên, lấy chày giã cho nát thân). Họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Người ấy suy nghĩ như sau: "Do nhân làm các nghiệp ác như vậy, các vua chúa khi bắt được người ăn trộm, kẻ đi cướp đường, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác ... họ lấy gươm chặt đầu". Người ấy vì sợ hãi sự sợ hãi hình phạt, không có đi trộm, cướp tài sản người khác.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi hình phạt.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sợ hãi ác thú?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy nghĩ như sau: "Với ai thân làm ác, có ác dị thục trong tương lai, với ai lời nói ác ... với ai ý nghĩ ác, có ác dị thục trong tương lai. Làm thế nào cho ta sau khi thân hoại mạng chung, không có sanh tại cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?". Người ấy vì sợ hãi ác thú, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành; đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành; đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống với tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi ác thú.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại sợ hãi này.
(II) (122) Sóng Biển
1. - Có bốn sự sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi với người đi xuống nước. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ. Có bốn sự sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi với người đi xuống nước.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, đối với một số thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, có bốn sự sợ hãi được chờ đợi. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo: "Thầy cần phải đi ra như vậy, Thầy cần phải đi về như vậy, Thầy cần phải ngó tới như vậy, Thầy cần phải ngó quanh như vậy. Thầy cần phải co tay như vậy, Thầy cần phải duỗi tay như vậy, Thầy cần phải mang y sanghati như vậy, mang bát y như vậy". Vị ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia, khi chúng ta chưa xuất gia, chính chúng ta giảng dạy, khuyên giáo người khác. Những người này giống như con chúng ta, giống như cháu chúng ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy chúng ta, cần phải khuyên giáo chúng ta". Vị ấy phẫn nộ, không hoan hỷ, từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là vị Tỷ-kheo bị sợ hãi về sóng. Này các Tỷ Kheo sợ hãi về sóng là đồng nghĩa với phẫn não. Này các Tỷ Kheo đây gọi là sợ hãi về sóng.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo: "Thầy cần phải nhai cái này, Thầy không nên nhai cái này; Thầy nên ăn cái này, Thầy không nên ăn cái này; Thầy nên nếm cái này, Thầy không nên nếm cái này; Thầy nên uống cái này, Thầy không nên uống cái này. Cái gì Thầy được phép, Thầy nên nhai; cái gì Thầy không được phép, Thầy không nên nhai. Cái gì được phép, Thầy nên ăn; cái gì không được phép, Thầy không nên ăn. Cái gì được phép, Thầy nên nếm, cái gì không được phép, Thầy không nên nếm. Cái gì được phép, Thầy nên uống, cái gì không được phép, Thầy không nên uống. Đúng thời, Thầy nên nhai; không đúng thời, Thầy không nên nhai. Đúng thời, Thầy nên ăn; không đúng thời, Thầy không nên ăn. Đúng thời, Thầy nên nếm; không đúng thời, Thầy không nên nếm. Đúng thời, Thầy nên uống; không đúng thời, Thầy không nên uống". Vị ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia, khi chúng ta chưa xuất gia, cái gì chúng ta muốn, chúng ta nhai, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nhai. Cái gì chúng ta muốn, chúng ta ăn; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không ăn. Cái gì chúng ta muốn, chúng ta nếm; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nếm. Cái gì chúng ta muốn, chúng ta uống; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không uống. Cái gì được phép, chúng ta nhai; cái gì không được phép, chúng ta cũng nhai. Cái gì được phép, chúng ta ăn; cái gì không được phép, chúng ta cũng ăn. Cái gì được phép, chúng ta nếm; cái gì không được phép, chúng ta cũng nếm. Cái gì được phép, chúng ta uống; cái gì không được phép, chúng ta cũng uống. Cái gì đúng thời, chúng ta nhai; cái gì không đúng thời, chúng ta cũng nhai. Cái gì đúng thời, chúng ta ăn; cái gì không đúng thời, chúng ta cũng ăn. Cái gì đúng thời, chúng ta nếm; cái gì không đúng thời, chúng ta cũng nếm. Cái gì đúng thời, chúng ta uống; cái gì không đúng thời, chúng ta cũng uống. Khi các gia đình có tín tâm cúng dường chúng ta ban ngày, phi thời, những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như những món này, chúng ta bị chận đứng lại trên miệng". Như vậy, vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Này các Tỷ kheo, đây được gọi là vị Tỷ kheo bị sợ hãi với sự sợ hãi về cá sấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi về cá sấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không phòng hộ, hưởng thụ được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ, được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong đó. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thụ tài sản, vừa làm các công đức". Vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là vị Tỷ-kheo bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi về nước xoáy.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh. Khi thấy những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh, ái dục phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị ái dục phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá dữ, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về cá dữ là đồng nghĩa với phụ nữ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi về cá dữ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này, ở đây, một số thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này.
(III) (123) Hạng Người Sai Khác (1)
1. - Có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy ... được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp này, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Quang âm thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú ... Ðây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy ... được sanh cộng trú với chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú ... Ðây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng các chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(IV) (124) Các Hạng Người Sai Khác (2)
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly ác pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc tưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng với các hàng phàm phu.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ ... Thiền thứ hai ... Thiền thứ ba ... Thiền thứ tư và an trú. Vị ấy, ở đây về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc trưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng các hàng phàm phu.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(V) (125) Từ (1)
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm, cùng khởi với từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên. Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ỏ cõi Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy . Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với bi ... với tâm cùng khởi với hỷ ... với tâm cùng khởi với xả, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp, này các Tỷ-kheo, là thọ mạng của các chư Thiên ở Quang âm Thiên ... được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Biến tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỷ kheo là thọ mạng của chư Thiên ở cõi Biến Tịnh Thiên ... được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở cõi Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ của chư Thiên ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(VI) (126) Từ (2)
- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm cùng khởi với từ ... (như kinh 125, 1Ẩ) không hận, không sân. ... (như kinh 121, 1) là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Này các Tỷ-kheo, sự sanh khởi này, không có chung cùng các hàng phàm phu. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.
(VII) (127) Vi Diệu (1)
1- Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có xuất hiện. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, khi Bồ-tát từ bỏ thân ở cõi trời Ðâu-suất, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy, một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh, không có nền tảng, tối tăm u ám, tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có thứ nhất xuất hiện.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi Bồ-tát chánh niệm tỉnh giác, từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy, một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh, không có nền tảng, tối tăm u ám, tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai chứng ngộ được vô thượng Chánh Ðẳng Giác, khi ấy trong thế giới chư Thiên ... (như trên)... "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, xuất hiện, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai chuyển bánh xe pháp vô thượng, khi ấy trong thế giới chư Thiên.. (như trên)... "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, xuất hiện, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện.
Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán,Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện.
(VIII) (128) Vi Diệu (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, quần chúng ưa thích chấp giữ, thích thú chấp giữ, hoan hỷ chấp giữ, khi pháp không chấp giữ được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất xuất hiện.
2. Này các Tỷ-kheo, quần chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú kiêu mạn, hoan hỷ kiêu mạn, khi pháp không kiêu mạn được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện.
3. Này các Tỷ-kheo, quần chúng ưa thích không an tịnh, thích thú không an tịnh, hoan hỷ không an tịnh, khi pháp an tịnh được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện.
4. Này các Tỷ-kheo, quần chúng đi đến vô minh, trở thành mù quáng, bị trói buộc che đậy, khi Như Lai thuyết pháp nhiếp phục vô minh, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện.
Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện.
(IX) (129) Vi Diệu (3)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo đi đến yết kiến Ananda, hội chúng ấy hoan hỷ được yết kiến Ananda. Ở đây, nếu Ananda thuyết pháp, hội chúng ấy hoan hỷ với lời thuyết giảng. Chúng Tỷ-kheo không được vui vẻ, này các Tỷ-kheo, nếu Ananda giữ im lặng.
2. Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo-ni ... nếu chúng nam cư sĩ ... nếu chúng nữ cư sĩ đi đến yết kiến Ananda. Hội chúng ấy hoan hỷ được yết kiến Ananda. Tại đấy, nếu Ananda thuyết pháp, hội chúng ấy được hoan hỷ với lời thuyết giảng. Chúng Tỷ-kheo-ni ... nếu chúng nam cư sĩ, chúng nữ cư sĩ sẽ không được vui vẻ, này các Tỷ-kheo, nếu Ananda giữ im lặng.
(X) (130) Vi Diệu (4)
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về vua Chuyển Luân. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Sát-đế-lỵ đến yết kiến vua Chuyển Luân, hội chúng ấy được hoan hỷ vì được yết kiến vua Chuyển Luân. Tại đấy, nếu vị vua Chuyển Luân nói chuyện, hội chúng được hoan hỷ với bài nói chuyện. Và nếu vua Chuyển Luân im lặng, chúng Sát-đế-lỵ bị thất vọng.
2. Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Bà-la-môn, ... nếu có chúng gia chủ , nếu có chúng Sa-môn đến yết kiến vua Chuyển Luân, hội chúng ấy được hoan hỷ vì được yết kiến vua Chuyển Luân. Tại đấy, nếu vị vua Chuyển Luân nói chuyện, hội chúng được hoan hỷ với bài nói chuyện. Và nếu vua Chuyển Luân im lặng, chúng Sa-môn bị thất vọng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về vua Chuyển Luân.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về Ananda. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo đến để yết kiến Ananda ... nếu Ananda giữ im lặng.
4. Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo-ni ...
5. Này các Tỷ-kheo, nếu chúng nam cư sĩ ...
6. Này các Tỷ-kheo, nếu chúng nữ cư sĩ ...
Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về Ananda.
XIV. Phẩm Loài Người
(I) (131) Kiết Sử
1. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử không được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, nhưng các kiết sử khiến được sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, nhưng các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu được đoạn tận.
2. Ðối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử không được đoạn tận, các kiết sử khiến được tái sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận?
Ðối với vị Nhất Lai. Ðối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử ... các kiết sử khiến được sanh ... các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.
3. Ðối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận?
Ðối với hạng người Thượng lưu, đi đến Sắc cứu kính. Ðối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, ... các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.
4. Ðối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận?
Ðối với hạng người Trung gian Bát-Niết-bàn. Ðối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.
5. Ðối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu được đoạn tận?
Ðối với bậc A-la-hán. Ðối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu được đoạn tận.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(II) (132) Trả Lời
1. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Trả lời tương ứng, trả lời không tự tại; trả lời tự tại, trả lời không tương ứng; trả lời tương ứng và trả lời tự tại; trả lời không tương ứng và trả lời không tự tại.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(III) (133) Lanh Trí
1. Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Biết một cách tổng quát, biết một cách rộng rãi với các chi tiết, biết cần phải hướng dẫn, chỉ giỏi về chữ nghĩa.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(IV) (134) Nỗ Lực
- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Sống nhờ kết quả của nỗ lực, sống nhờ kết quả của hành động, sống không nhờ kết quả của hành động, sống không nhờ kết quả của nỗ lực; Sống nhờ kết quả của nỗ lực và sống nhờ kết quả của hành động; Sống không nhờ kết quả của nỗ lực và sống không nhờ kết quả của hành động.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(V) (135) Có Tội
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Có tội, nhiều tội, ít tội, không có tội.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có tội?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu với thân nghiệp có tội, thành tựu với khẩu nghiệp có tội, thành tựu với ý nghiệp có tội. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có tội.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nhiều tội?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu với thân nghiệp có tội nhiều, không tội ít, thành tựu với khẩu nghiệp có tội nhiều, không tội ít, thành tựu với ý nghiệp có tội nhiều, không tội ít. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người với nhiều tội.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với ít tội?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp với không tội nhiều, với có tội ít, thành tựu khẩu nghiệp với không tội nhiều, với có tội ít, thành tựu ý nghiệp với không tội nhiều, với có tội ít. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người ít tội.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không tội?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu với thân nghiệp không có tội, thành tựu với khẩu nghiệp không có tội, thành tựu với ý nghiệp không có tội. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có tội.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(VI) (136) Có Giới (1)
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không đầy đủ về giới, không đầy đủ về định, không đầy đủ về tuệ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đầy đủ về giới, không đầy đủ về định, không đầy đủ về tuệ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đầy đủ về giới, đầy đủ về định, không đầy đủ về tuệ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đầy đủ về giới, đầy đủ về định, đầy đủ về tuệ.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(VII) (137) Có Giới (2)
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người không kính trọng giới, không xem giới là tốt thượng, không kính trọng định, không xem định là tốt thượng, không kính trọng tuệ, không xem tuệ là tốt thượng, Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người kính trọng giới, xem giới là tốt thượng, không kính trọng định, không xem định là tốt thượng, không kính trọng tuệ, không xem tuệ là tốt thượng. Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người kính trọng giới, xem giới là tốt thượng, kính trọng định, xem định là tốt thượng, không kính trọng tuệ, không xem tuệ là tốt thượng, Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người kính trọng giới, xem giới là tốt thượng, kính trọng định, xem định là tốt thượng, kính trọng tuệ, xem tuệ là tốt thượng,
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(VIII) (138) Viễn Ly
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Thân viễn ly, tâm không viễn ly; thân không viễn ly, tâm viễn ly; thân không viễn ly, tâm không viễn ly; thân viễn ly và tâm viễn ly.
2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân viễn ly, tâm không viễn ly?
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; vị ấy nghĩ đến dục tầm, nghĩ đến sân tầm, nghĩ đến hại tầm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân viễn ly, nhưng tâm không viễn ly.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân không viễn ly, nhưng tâm viễn ly?
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người không sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; vị ấy tại đó nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm vô sân, nghĩ đến tầm bất hại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân không viễn ly, nhưng tâm viễn ly.
4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân không viễn ly, tâm không viễn ly?
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người không sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; Tại đấy, vị ấy nghĩ đến dục tầm, nghĩ đến sân tầm, nghĩ đến hại tầm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân không viễn ly, tâm không viễn ly.
5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân viễn ly và tâm viễn ly?
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; vị ấy tại đó nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm không sân, nghĩ đến tầm không hại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân viễn ly và tâm viễn ly.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(IX) (139) Thuyết Pháp
1. - Có bốn hạng người thuyết pháp này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, ít nói và không liên hệ đến vấn đề; và hội chúng không thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, ít nói và liên hệ đến vấn đề; và hội chúng thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, nói nhiều và không liên hệ đến vấn đề; và hội chúng không thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.
4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, nói nhiều và liên hệ đến vấn đề; và hội chúng thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người thuyết pháp này.
(X) (140) Hạng Thuyết Trình
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng thuyết trình này. Thế nào là bốn?
Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa, không về văn; Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, đi đến ngõ bí về văn, nhưng không về nghĩa; Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn; Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, không đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng thuyết trình này.
Không có trường hợp nào, này các Tỷ-kheo, không có cơ hội này, là một người thành tựu bốn vô ngại giải, lại đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.
XV. Phẩm Ánh Sáng
(I) (141) Hào Quang.
- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hào quang. Thế nào là bốn?
Hào quang mặt trăng, hào quang mặt trời, hào quang ngọn lửa, hào quang trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hào quang này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại hào quang là hào quang trí tuệ.
(II) (142) Ánh Sáng
- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn?
Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa, ánh sáng trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh sáng là ánh sáng trí tuệ.
(III) (143) Ánh Lửa
- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh lửa. Thế nào là bốn?
Ánh lửa mặt trăng, ánh lửa mặt trời, ánh lửa ngọn lửa, ánh lửa trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh lửa này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh lửa là ánh lửa trí tuệ.
(IV) (144) Ánh Chiếu
- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh chiếu. Thế nào là bốn?
Ánh chiếu mặt trăng, ánh chiếu mặt trời, ánh chiếu ngọn lửa, ánh chiếu trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh chiếu này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh chiếu là ánh chiếu trí tuệ.
(V) (145) Ánh Ðèn
- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh đèn. Thế nào là bốn?
Ánh đèn mặt trăng, ánh đèn mặt trời, ánh đèn ngọn lửa, ánh đèn trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh đèn này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh đèn là ánh đèn trí tuệ.
(VI) (146) Thời Gian (1)
- Có bốn loại thời gian này. Thế nào là bốn?
Nghe pháp đúng thời, đàm luận về pháp đúng thời, chỉ đúng thời, quán đúng thời.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại thời gian này.
(VII) (147) Thời Gian (2)
1. - Có bốn thời gian này, này các Tỷ-kheo, nếu khéo tu tập, nếu khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn?
Nghe pháp đúng thời, đàm luận về pháp đúng thời, chỉ đúng thời, quán đúng thời.
Bốn thời gian này, này các Tỷ-kheo, nếu khéo tu tập, khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đỉnh núi, trời mưa nặng hột, và nước chảy theo triền thấp, tràn đầy hang núi, khe núi, thung lũng. Khi các hang núi, khe núi, thung lũng được tràn đầy, thời ao nhỏ được tràn đầy. Ao nhỏ được tràn đầy, thời ao lớn được tràn đầy. Ao lớn được tràn đầy, thời sông nhỏ được tràn đầy. Sông nhỏ được tràn đầy, thời sông lớn được tràn đầy. Sông lớn được tràn đầy, thời biển lớn đại dương được tràn đầy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bốn thời gian này, nếu khéo tu tập, nếu khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.
(VIII) (148) Hạnh Ác Về Lời Nói
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh ác về lời nói này. Thế nào là bốn?
Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh ác về lời nói này.
(IX) (149) Hạnh Thiện Về Lời Nói.
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh thiện về lời nói này. Thế nào là bốn?
Nói thật, không nói hai lưỡi, nói lời nhu hòa, nói lời thông minh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh thiện về lời nói này.
(X) (150) Lõi (Tinh túy)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn lõi này. Thế nào là bốn?
Lõi về giới, lõi về định, lõi về tuệ, lõi về giải thoát.
Này các Tỷ-kheo, có bốn loại lõi này.
XVI. Phẩm Các Căn
(I) (151) Các Căn
- Này các Tỷ-kheo, có bốn căn này. Thế nào là bốn?
Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn.
Này các Tỷ-kheo, có bốn căn này.
(II) (152) Lực (1)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. Thế nào là bốn?
Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực.
Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này.
(III) (153) Lực (2)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. Thế nào là bốn?
Tuệ lực, tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực.
Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này.
(IV) (154) Lực (3)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. Thế nào là bốn?
Niệm lực, định lực, vô tội lực, năng nhiếp lực.
Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này.
(V) (155) Lực (4)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này. Thế nào là bốn?
Giản trạch lực, tu tập lực, vô tội lực, năng nhiếp lực.
Này các Tỷ-kheo, có bốn lực này.
(VI) (156) Kiếp
- Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp này. Thế nào là bốn?
Khi kiếp chuyển thành, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để ước tính có bao nhiêu năm như vậy, có nhiều trăm năm như vậy, có nhiều ngàn năm như vậy. Có nhiều trăm ngàn năm như vậy.
Khi kiếp đã chuyển thành và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính như vậy.
Khi kiếp chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính có nhiều năm như vậy ... như vậy.
Khi kiếp đã chuyển hoại và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính ... như vậy.
Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp này.
(VII) (157) Bệnh
1. - Này các Tỷ-kheo, có hai loại bệnh này. Thế nào là hai? Bệnh về thân và bệnh về tâm.
Này các Tỷ-kheo, chúng ta thấy có chúng sanh tự nhận mình là không thân bệnh được một năm, tự nhận mình là không thân bệnh được hai năm, được ba ... được bốn ... được năm ... được mười ... được hai mươi ... được ba mươi ... được bốn mươi ... tự nhận mình là không thân bệnh được năm mươi năm, tự nhận mình là không thân bệnh được một trăm năm. Các chúng sanh ấy, này các Tỷ-kheo, rất khó tìm được ở đời là những chúng sanh tự nhận mình là không tâm bệnh dầu chỉ trong một khoảnh khắc, trừ những vị đã đoạn trừ các lậu hoặc.
2. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bệnh này cho người xuất gia. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người có dục lớn, bực bội tức tối, không tự bằng lòng với các đồ vật như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Người ấy vì nhiều dục lớn, bực bội tức tối, không tự bằng lòng với các vật dụmg như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các điều không được tán thán, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Vị ấy nỗ lực, cố gắng, tinh tấn để được các điều không được tán thán, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Vị ấy sau khi tính toán, đi đến các gia đình; sau khi tính toán, ngồi xuống; sau khi tính toán, thuyết pháp; sau khi tính toán, ngưng nín tiểu tiện, đại tiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bốn chứng bệnh của người xuất gia.
3. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Ta sẽ không có dục lớn, bực bội tức tối, tự bằng lòng với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ta sẽ không khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các điều không đáng được tán thán, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Ta sẽ không nỗ lực, không cố gắng, không tinh tấn để được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Ta sẽ kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm với ruồi và muỗi, với gió và mưa và các vật bò sát, (kham nhẫn) các hình thức nói phô khó chịu, khó chấp nhận. Ta sẽ chịu đựng các khổ thọ về thân, khởi lên khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không khả hỷ, không khả ý, đứt mạng sống". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
(IX) (158) Thối Ðọa
1. Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Hiền giả Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
- Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào thấy trên tự thân có bốn pháp này, cần phải đi đến kết luận rằng: "Tôi thối đọa khỏi các thiện pháp ". Ðây được Thế Tôn gọi là thối đọa. Thế nào là bốn?
Tham ái tăng thịnh, sân tăng thịnh, si tăng thịnh, đối với các vấn đề có mặt, không có mặt, không có tuệ nhãn soi thấu.
Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào thấy trên tự thân có bốn pháp này, cần phải đi đến kết luận rằng: "Tôi thối đọa khỏi các thiện pháp ". Ðây được Thế Tôn gọi là thối đọa.
2. Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào thấy trên tự thân có bốn pháp này, cần phải đi đến kết luận rằng: "Tôi không thối đọa khỏi các thiện pháp ". Ðây được Thế Tôn gọi là không thối đọa. Thế nào là bốn?
Tham ái giảm thiểu, sân giảm thiểu, si giảm thiểu. Ðối với các vấn đề có mặt, không có mặt, có tuệ nhãn soi thấu.
Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào thấy trên tự thân có bốn pháp này, cần phải đi đến kết luận rằng: "Ta không thối đọa khỏi các thiện pháp ". Ðây được Thế Tôn gọi là không thối đọa.
(IX) (159) Tỷ-Kheo Ni
1. Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi một Tỷ-kheo ni gọi một người và nói:
"- Hãy đến đây, thưa Ông. Hãy đi đến Tôn giả Ananda, và nhân danh tôi, với đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda và nói: "Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo-ni tên là ... bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Tỷ-kheo-ni với đầu đảnh lễ Tôn giả Ananda và nói như sau: "Thưa Tôn giả, lành thay, nếu Tôn giả đi đến trú xứ của Tỷ-kheo-ni, đi đến Tỷ-kheo-ni ấy vì lòng từ mẫn".
"- Thưa vâng, nữ Tôn giả". Người ấy vâng đáp Tỷ-kheo-ni ấy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy nói với Tôn giả Ananda:
- Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo-ni tên này bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, với đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, và nói như sau: "Thưa Tôn giả, lành thay, nếu Tôn giả đi đến trú xứ của Tỷ-kheo-ni, đi đến Tỷ-kheo-ni ấy vì lòng từ mẫn".
Tôn giả Ananda im lặng nhận lời.
2. Rồi Tôn giả Ananda, đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ Tỷ-kheo-ni. Tỷ-kheo-ni ấy thấy Tôn giả Ananda từ xa đi đến, sau khi thấy, liền trùm đầu và nằm trên giường. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tỷ-kheo-ni ấy, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Tôn giả Ananda nói với Tỷ-kheo-ni ấy:
3. - Này chị, thân này do đồ ăn được tác thành, y cứ vào đồ ăn; đồ ăn cần phải đoạn tận. Này chị, thân này do ái được tác thành, y cứ vào ái; ái cần phải đoạn tận. Này chị, thân này do kiêu mạn được tác thành, y cứ vào kiêu mạn; kiêu mạn cần phải đoạn tận. Này chị, thân này do dâm dục được tác thành, y cứ vào dâm dục; dâm dục, sự phá đổ cây cầu được Thế Tôn nói đến.
4. Này chị, thân này do đồ ăn được tác thành, y cứ vào đồ ăn; đồ ăn cần phải đoạn tận. Như vậy, được nói đến, chính do duyên này được nói đến. Này chị, ở đây, Tỷ-kheo như lý quán sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu, và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". Vị ấy sau một thời gian, dầu cho y cứ vào đồ ăn, vẫn không đắm trước đồ ăn.
Này chị, thân này do đồ ăn được tác thành, y cứ vào đồ ăn; đồ ăn cần phải đoạn tận. Như vậy, được nói đến, chính do duyên này được nói đến.
5. Này chị, thân này do ái được tác thành, y cứ vào ái; ái cần phải đoạn tận. Như vậy, được nói đến, y cứ vào gì được nói đến như vậy? Ở đây, này chị, Tỷ-kheo nghe: "Tỷ-kheo tên này do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Vị ấy suy nghĩ: "Thật vậy, ta cũng do đoạn tận các lậu hoặc ... ta sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Vị ấy, sau một thời gian, dầu y cứ vào ái, đoạn tận ái.
Này chị, thân này do ái được tác thành, y cứ vào ái; ái cần phải đoạn tận. Như vậy, được nói đến, do duyên này được nói đến.
6. Này chị, thân này do kiêu mạn được tác thành, y cứ vào kiêu mạn; kiêu mạn cần phải đoạn tận. Như vậy, được nói đến, y cứ vào gì được nói đến như vậy? Ở đây, này chị, Tỷ-kheo nghe: "Tỷ-kheo tên này do đoạn diệt các lậu hoặc ... vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Vị ấy suy nghĩ: "Vậy sao ta không như vậy?". Vị ấy, sau một thời gian, dầu y cứ vào kiêu mạn, đoạn tận kiêu mạn.
Này chị, thân này do kiêu mạn tác thành, y cứ vào kiêu mạn; kiêu mạn cần phải đọan tận. Như vâỵ được nói đến, do duyên này được nói đến.
7. Này chị, thân này do dâm dục tác thành, dâm dục, sự phá đổ cây cầu được Thế Tôn nói đến.
8. Rồi Tỷ-kheo-ni ấy, từ giường đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, với đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, và thưa với Tôn giả Ananda:
- Một lỗi con đã vi phạm, thưa Tôn giả, vì ngu đần, vì si mê, vì bất thiện. Thưa Tôn giả, mong Tôn giả Ananda chấp nhận cho con tội lỗi này là một tội lỗi để con ngăn ngừa trong tương lai !
9. - Thật vậy, này chị, thật sự chị đã phạm tội vì ngu đần, vì si mê, vì bất thiện. Chị đã làm như vậy. Này chị, vì Chị thấy phạm tội là phạm tội, và như Pháp phát lộ, nên chúng tôi chấp nhận tội ấy cho chị. Này chị, như vậy Luật của bậc Thánh được tăng trưởng khi thấy được phạm tội là phạm tội, và như pháp phát lộ để ngăn giữ trong tương lai.
(X) (160) Luật Của Bậc Thiện Thệ
1. - Này các Tỷ-kheo, khi bậc Thiện Thệ hay Luật của Thiện Thệ an trú ở đời là vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thiện Thệ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai có mặt ở đời, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Nghự Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn. Này các Tỷ-kheo, đây là bậc Thiện Thệ.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Luật của bậc Thiện Thệ?
Vị ấy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, nói lên Phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây là Luật của bậc Thiện Thệ.
Này các Tỷ-kheo, khi bậc Thiện Thệ hay Luật của Thiện Thệ an trú ở đời là vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
3. Có bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn. Do văn cú bị sắp đặt đảo lộn, này các Tỷ-kheo, nên nghĩa lý bị hướng dẫn sai lạc. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người khó nói, thành tựu với những pháp khiến cho trở thành khó nói, khó kham nhẫn. Họ không kính trọng lời giáo giới. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ hai đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập A-hàm, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Các vị ấy không nói lại kinh cho người khác một cách cẩn thận. Khi họ mệnh chung, kinh bị cắt đứt tại gốc rễ, không có chỗ ý cứ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ ba đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Trưởng lão Tỷ-kheo là những vị sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly, không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt được, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và những thế hệ sau tiếp nối theo tà kiến của họ. Thế hệ ấy cũng sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly, không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt được, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ tư đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
7. Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh được khéo lãnh thọ, với văn cú sắp đặt đúng đắn. Do văn cú được sắp đặt đúng đắn, này các Tỷ-kheo, nên nghĩa lý được hướng dẫn đúng đắn. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp an trú không hỗn loạn và không biến mất.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người dễ nói, thành tựu với những pháp khiến cho trở thành dễ nói, kham nhẫn. Họ kính trọng những lời giáo giới. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ hai đưa đến Diệu pháp an trú không hỗn loạn và không biến mất.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập A-hàm, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Các vị ấy nói lại kinh cho người khác một cách cẩn thận. Khi họ mệnh chung, kinh không bị cắt đứt tại gốc rễ, có chỗ ý cứ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ ba đưa đến Diệu pháp an trú không hỗn loạn và không biến mất.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Trưởng lão Tỷ-kheo không là những vị sống đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly, cố gắng, tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt được, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và những thế hệ về sau tiếp nối theo chánh kiến của họ. Thế hệ ấy không sống đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly, cố gắng, tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt được, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ tư đưa đến Diệu pháp an trú không hỗn loạn và không biến mất.
Này các Tỷ-kheo, bốn pháp này đưa đến diệu pháp được an trú, không bị hỗn loạn, không biến mất.
XVII. Phẩm Ðạo Hành
(I) (161) Tóm Tằt
- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
Này các Tỷ-kheo, cố bốn đạo hành này.
(II) (162) Với Chi Tiết
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
2.-Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành khổ, thắng trí chậm?
Ở đây, có người bản tánh tham dục rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh; bản tánh sân rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do sân hận sanh; bản tánh si rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất mềm yếu, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này mềm yếu, người ấy đạt được Vô gián định một cách chậm chạp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành khổ, thắng trí chậm.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành khổ, thắng trí nhanh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bản tánh tham dục rất cường thịnh ... luôn luôn cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra hết sức dồi dào, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này hết sức dồi dào, người ấy đạt được Vô gián định một cách mau chóng để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành khổ, thắng trí nhanh.
4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành lạc, thắng trí chậm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bản tánh tham dục không có cường thịnh ... thường không có cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh ... bản tánh sân không có cường thịnh ... bản tánh si không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất mềm yếu, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này mềm yếu, người ấy đạt được Vô gián định một cách chậm chạp để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc, thắng trí chậm.
5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành lạc, thắng trí nhanh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bản tánh tham dục không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh; bản tánh sân không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do sân sanh; bản tánh si không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất dồi dào, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này dồi dào, người ấy đạt được Vô gián định một cách nhanh chóng để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc, thắng trí nhanh. Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(III) (163) Bất Tịnh
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn? Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
2.- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành khổ, thắng trí chậm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng nhàm chán đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng chết, khéo an trú nội tâm. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực, tàm lực, quý lực, tấn lực, tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện ra rất mềm yếu, tức là tín căn ... tuệ căn. Vị ấy, do năm căn này hiện ra rất mềm yếu, đạt được Vô gián định một cách chậm chạp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành khổ, thắng trí chậm.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành khổ, thắng trí nhanh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng nhàm chán đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng chết, khéo an trú nội tâm. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện khởi rất dồi dào, tức là tín căn ... tuệ căn. Vị ấy, do năm căn này hiện ra rất dồi dào, chứng được Vô gián định một cách nhanh chóng để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành khổ, thắng trí nhanh.
4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành lạc, thắng trí chậm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện ... chứng và trú Thiền thứ nhất; làm cho tịnh chỉ tầm và tứ ... chứng và trú Thiền thứ hai; ly hỷ trú xả ... chứng và trú Thiền thứ ba ... xả lạc, xả khổ, chấm dứt khổ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện khởi rất mềm yếu, tức là tín căn ... tuệ căn. Vị ấy, do năm căn mềm yếu này, đạt được Vô gián định một cách chậm chạp để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc, thắng trí chậm.
5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành lạc, thắng trí nhanh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện ... chứng và trú Thiền thứ nhất ... chứng và trú Thiền thứ hai ... chứng và trú Thiền thứ ba ... chứng và trú Thiền thứ tư ... Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực này, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện khởi rất dồi dào, tức là tín căn ... tuệ căn. Do năm căn hiện khởi rất dồi dào này, vị ấy chứng được Vô gián định một cách nhanh chóng để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc, thắng trí nhanh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(IV) (164) Kham Nhẫn (1)
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành không kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục, đạo hành an tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành không kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưởi mắng lại kẻ đã chưởi mắng, sân hận lại với kẻ đã sân hận, gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành không kham nhẫn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành nhiếp phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với nhãn căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, sống với sự chế ngự nhãn căn. Khi tai nghe tiếng ... khi mũi ngửi hương ... khi lưỡi nếm vị ... khi thân cảm xúc ... khi ý biết pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì ý căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, thọ trì ý căn, sống với sự chế ngự ý căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành nhiếp phục.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là đạo hành an tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu, không có chấp nhận sân tầm khởi lên ... không có chấp nhận hại tầm khởi lên ... không có chấp nhận các pháp ác bất thiện tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành an tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(V) (165) Kham Nhẫn (2)
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành không kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục, đạo hành an tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành không kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; không kham nhẫn những hình thức chưởi mắng, phỉ báng, không thể chịu đựng được cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không khả hỷ, không khả ý, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành không kham nhẫn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người kham nhẫn lạnh, nóng ... chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành nhiếp phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng chung ... (như kinh 164.4). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành nhiếp phục.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành an tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không chấp nhận dục tầm khởi lên ... (như kinh 164.5) ... Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành an tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(VI) (166) Với Các Chi Tiết
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn? Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này khổ, thắng trí chậm. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này về cả hai phương diện gọi là hạ liệt. Vì đạo hành này là khổ, do duyên này, đạo hành được gọi là hạ liệt. Vì đạo hành này thắng trí chậm, do duyên này, đạo hành được gọi là hạ liệt. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này về cả hai phương diện gọi là hạ liệt.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này là khổ, thắng trí nhanh. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này do đau khổ nên gọi là hạ liệt.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này là lạc, thắng trí chậm. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này do chậm nên gọi là hạ liệt.
5. Tại đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này lạc, thắng trí nhanh. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này cả hai phương diện, được gọi là thù thắng. Ðạo hành này lạc, do duyên này, đạo hành được gọi là thù thắng. Ðạo hành này nhanh chóng, do duyên này, đạo hành được gọi là thù thắng. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này cả hai phương diện, được gọi là thù thắng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(VII) (167) Sàriputta Và Moggallàna
1. Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Tôn giả Moggallàna, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Moggallàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Moggallàna:
- Này Hiền giả Moggallàna, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
Này Hiền giả, có bốn đạo hành này.
2. Trong bốn đạo hành này, này Hiền giả, đạo hành nào do đi đến đạo hành này, tâm của Hiền giả được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ?
- Này Hiền giả Sàriputta, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh. Này Hiền giả, có bốn đạo hành này. Trong bốn đạo hành này, này Hiền giả, đạo hành này khổ, thắng trí nhanh. Do đi đến đạo hành này, tâm của tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
(VIII) (168) Moggallàna và Sàriputta
1. Tôn giả Moggallàna đi đến Tôn giả Sàriputta ... Ngồi xuống một bên, Tôn giả Moggallàna nói với Tôn giả Sàriputta:
- Này Hiền giả Sàriputta, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn? ... Này Hiền giả, có bốn đạo hành này.
2. Trong bốn đạo hành này, này Hiền giả, đạo hành nào do đi đến đạo hành này, tâm của Hiền giả được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ?
- Này Hiền giả Moggallàna, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
Này Hiền giả, trong bốn đạo hành này, đạo hành này lạc, thắng trí nhanh. Do đi đến đạo hành này, tâm của tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
(IX) (169) Với Một Vài Nỗ Lực
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ngay trong hiện tại chứng được Hữu hành Niết-bàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi thân hoại mạng chung, chứng được Hữu hành Niết-bàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ngay trong hiện tại chứng được Vô hành Niết-bàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi thân hoại mạng chung, chứng được Vô hành Niết-bàn.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người ngay trong hiện tại chứng được Hữu hành Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng nhàm chán đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng chết, khéo an trú nội tâm. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện khởi rất dồi dào, tức là tín căn ... tuệ căn. Vị ấy, do năm căn này hiện ra rất dồi dào, ngay trong hiện tại, chứng được Hữu hành Niết-bàn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi thân hoại mạng chung, chứng được Hữu hành Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân ... với tưởng chết, khéo an trú trên nội tâm. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện khởi mềm yếu, tức là tín căn ... tuệ căn. Vị ấy, do năm căn này hiện ra mềm yếu, khi thân hoại mạng chung, vị ấy chứng được Hữu hành Niết-bàn.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người ngay trong hiện tại chứng được Vô hành Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này hiện khởi dồi dào, tức là tín căn ... tuệ căn. Do năm căn này dồi dào, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng được Vô hành Niết-bàn.
Như vậy này các Tỷ kheo, Có hạng người ngay trong hiện tại chứng được vô hành Niết Bàn.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi thân hoại mạng chung, chứng được Vô hành Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy sống y cứ trên năm hữu học lực, tức là tín lực ... tuệ lực. Với vị ấy, năm căn này khởi lên mềm yếu, tức là tín căn ... tuệ căn. Do năm căn này mềm yếu, vị ấy khi thân hoại mạng chung, chứng được Vô hành Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(X) (170) Gắn Liền Cột Chặt
1. Một thời, Tôn giả Ananda sống ở Kosàmbi, tại khu vườn Ghosita. Tại đấy, Tôn giả Ananda gọi các Tỷ-kheo:
- Thưa các Hiền giả Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả. Tôn giả Ananda nói như sau:
- Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả vị ấy được đầy đủ bốn chi phần này, hoặc là một trong bốn chi phần này. Thế nào là bốn?
2. Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập quán, có chỉ đi trước; do vị ấy tu tập quán có chỉ đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
3. Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo tu tập chỉ, có quán đi trước. Do vị ấy tu tập chỉ có quán đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
4. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau. Do vị ấy tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
5. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả vị ấy được đầy đủ bốn chi phần này, hoặc là một trong bốn chi phần này.
XVIII. Phẩm Tư Tâm Sở
(I) (171) Với Tư Tâm Sở
- Này các Tỷ-kheo, khi nào có hành động về thân, do nhân thân tư tâm sở, khởi lên lạc khổ nội tâm. Khi nào có hành động về lời, do nhân tư tâm sở về lời, khởi lên lạc khổ nội tâm. Khi nào có hành động về ý, do nhân ý tư tâm sở , khởi lên lạc khổ nội tâm. Hay là do vô minh ...
2. Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm thân hành, do duyên này, khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm thân hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
3. Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm khẩu hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
4. Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm ý hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
5. Này các Tỷ-kheo, trong những pháp này, có vô minh tháp tùng. Do sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn của vô minh, thân hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy; khẩu hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy; ý hành không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Thửa ruộng không có, căn cứ không có, xứ không có, duyên sự không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
(II) (172) Ðược Ngã Tánh
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn cách này để được ngã tánh. Thế nào là bốn?
Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở hoạt động, không phải do tư tâm sở của người khác. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, tư tâm sở của người khác hoạt động, không phải tư tâm sở của mình. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng hoạt động. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác không hoạt động.
Này các Tỷ-kheo, có bốn cách này để được ngã tánh.
2. Khi được nói vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở hoạt động, không phải do tư tâm sở của người khác. Do nhân ngã tư tâm sở, có sự mệnh chung từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy. Tại đấy, bạch Thế Tôn, có các được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, tư tâm sở của người khác hoạt động, không phải ngã tư tâm sở. Do nhân tư tâm sở của người khác, có sự mệnh chung từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy. Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng hoạt động. Do nhân ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác, có sự mệnh chung, từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy. Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác không có hoạt động.
3. Trong trường hợp ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác không có hoạt động, thời hạng chư Thiên nào cần được xem là trong trường hợp này?
- Này Sàriputta, hạng chư Thiên đi đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ cần được xem là trong trường hợp ấy.
- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi mạng chung từ bỏ thân ấy, đã trở lui lại, đã trở lui lại trong trạng thái này? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung từ bỏ thân ấy, đã trở không trở lui lại, không trở lui lại trong trạng thái này?
4. - Ở đây, này Sàriputta, đối với hạng người năm hạ phần kiết sử chưa đoạn tận, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy hưởng thọ vị ngọt ấy, có tâm ái luyến, tìm được hạnh phúc trong ấy. An trú ở đây hướng mạnh về đấy, sống nhiều với trạng thái ấy, không có thối đọa, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy mệnh chung, từ bỏ (thân ái), đã trở lui lại, đã trở lui lại trạng thái này.
5. Ở đây, này Sàriputta, đối với hạng người năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy hưởng thọ vị ngọt ấy, có tâm ái luyến, tìm được hạnh phúc trong ấy. An trú ở đây hướng mạnh về đấy, sống nhiều với trạng thái ấy, không có thối đọa, khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy mệnh chung, từ bỏ (thân ái) ấy, nhưng không trở lui lại, không trở lui lại trạng thái này.
Này Sàriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi mạng chung, từ bỏ thân ấy ... đã không trở lui lại, không trở lui lại trạng thái này.
(III) (173) Phân Tích
Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
- Thưa các Hiền giả Tỷ-kheo.
- Thưa vâng Hiền giả. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như:
- Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới nửa tháng, nghĩa là vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt, vừa theo văn cú. Vấn đề ấy, với nhiều pháp môn, tôi nói lên, tôi thuyết giảng, tôi nêu rõ, tôi trình bày, tôi an lập, tôi mở rộng, tôi phân tích, tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới nửa tháng, pháp vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt ... tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới trong nửa tháng, từ vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt ... tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới nửa tháng, biện tài vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt, vừa theo văn cú. Vấn đề ấy, với nhiều pháp môn, tôi nói lên, tôi thuyết giảng, tôi nêu rõ, tôi trình bày, tôi an lập, tôi mở rộng, tôi phân tích, tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
(IV) (174) Kotthita
1. Rồi Tôn giả Mahàkotthita đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón thăm hỏi ... ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàkotthita thưa với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Hiền giả, sau sự đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có một cái gì khác nữa?
- Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có một cái gì khác nữa?
- Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa?
- Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có và không không còn có một cái gì khác nữa?
- Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
2.- Thưa Hiền giả, khi được hỏi: "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có một cái gì khác nữa", Hiền giả nói: "Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả". Khi được hỏi: "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có một cái gì khác nữa", Hiền giả nói: "Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả". Khi được hỏi: "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa", Hiền giả nói: "Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả". Sau khi được hỏi: "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có và không không còn có một cái gì khác nữa", Hiền giả nói: "Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả". Thưa Hiền giả, như thế nào cần phải hiểu ý nghĩa lời nói này?
3.- "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có một cái gì khác nữa !", nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ... không có dư tàn, không có cái gì khác nữa !", nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ... không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa !", nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. "Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ... không có dư tàn, không còn có và không không còn có một cái gì khác nữa !", nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. Thưa Hiền giả, cho đến khi nào có sự đi đến sáu xúc xứ, cho đến khi ấy có sự đi đến hý luận. Cho đến khi nào có sự đi đến hý luận, cho đến khi ấy có sự đi đến sáu xúc xứ. Thưa Hiền giả, do sự đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, hý luận được đoạn diệt, hý luận được chỉ tịnh.
4. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Mahàkotthita, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahàkotthita những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Mahàkotthita:
- Thưa Hiền giả, do sự đoạn diệt ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, có phải còn có vật gì khác?
- Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
... (giống như đoạn trước, khi Sàriputta trả lời cho Mahàkotthita ... cho đến... "hý luận được chỉ tịnh").
(V) (175) Upavàna
1. Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta ... ngồi xuống một bên.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh hay không?
- Thưa không, này Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh hay không?
- Thưa không, này Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh hay không?
- Thưa không, này Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh hay không?
- Thưa không, này Hiền giả.
2. - Khi được hỏi: "Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh hay không?", Tôn giả nói: "Thưa không, này Hiền giả". Khi được hỏi: "Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh hay không?", Tôn giả nói: "Thưa không, này Hiền giả". Khi được hỏi: "Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh hay không?", Tôn giả nói: "Thưa không, này Hiền giả". Khi được hỏi: "Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh hay không?", Tôn giả nói: "Thưa không, này Hiền giả". ... Như thế nào, thưa Tôn giả, (cần phải hiểu) có người chấm dứt (đau khổ)?
3.- Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ. Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ. Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ. Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh, thời một người phàm phu có thể là người chấm dứt (đau khổ). Thưa Hiền giả, người phàm phu không có minh và hạnh nên không như thật thấy và biết, nhưng nếu có minh và hạnh đầy đủ như thật thấy và biết, là người chấm dứt (đau khổ).
(VI) (176) Mong Cầu
1.- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: "Mong ta sẽ được như Sàriputta, Moggallàna".
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử Tỷ-kheo của ta, tức là Sàriputta, Moggallàna.
2. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: "Mong ta sẽ được như Khema và Tỷ-kheo-ni Uppalavannà".
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử Tỷ-kheo-ni của ta, tức là Khema và Uppalavannà.
3. Này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: "Mong ta sẽ được như gia chủ Citta, và Hatthaka người Alavì".
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử nam cư sĩ của ta, tức là gia chủ Citta và Hatthaka người Alavì.
4. Này các Tỷ-kheo, nữ cư sĩ có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: "Mong ta sẽ được như nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantaki, mẹ của Nandà".
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử nữ cư sĩ của ta, tức là nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantaki, mẹ của Nandà.
(VII) (177) Rahula
1. Rồi Tôn giả Ràhula đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ràhula đang ngồi xuống một bên:
- Này Ràhula, phàm có nội địa giới gì, phàm có ngoại địa giới gì, đều là địa giới này. Cần phải như thật thấy địa giới ấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi". Do thấy như thật (địa giới) này với chánh trí tuệ, vị ấy nhàm chán địa giới. Với trí tuệ, vị ấy tẩy sạch tâm.
2-4. Này Ràhula, phàm có nội thủy giới gì, phàm có ngoại thủy giới gì, đều là thủy giới này...., phàm có nội hỏa giới gì, phàm có ngoại hỏa giới gì, đều là hỏa giới này...., phàm có nội phong giới gì, phàm có ngoại phong giới gì, đều là phong giới này. Cần phải như thật thấy phong giới ấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi". Do thấy như thật (phong giới) này với chánh trí tuệ, vị ấy nhàm chán phong giới. Với trí tuệ, vị ấy tẩy sạch tâm.
5. Khi nào, này Ràhula, Tỷ-kheo đối với bốn giới này, không có tùy quán là tự ngã hay thuộc ngã sở, này Ràhula, vị này được gọi là Tỷ-kheo đã cắt dứt ái, đã giải tỏa các kiết sử, đã chơn chánh minh quán kiêu mạn, đã chấm dứt khổ đau.
(VIII) (178) Hồ Nước Ở Làng
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm không phấn chấn, không có tịnh tín, không an trú, không giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được có thân diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người lấy tay có dính nhựa cầm một cành cây, tay của vị ấy sẽ dính vào, nắm lấy, cột vào cành cây ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm không phấn chấn, không có tịnh tín, không an trú, không giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được có thân diệt.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chứng đạt và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm vị ấy phấn chấn, tịnh tín, an trú và giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được chờ đợi là có được có thân diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người lấy tay sạch cầm một cành cây, tay của vị ấy không dính vào, không nắm lấy, không cột vào cành cây ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm vị ấy phấn chấn, tịnh tín, an trú và giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được chờ đợi là có được có thân diệt.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh, không có phấn chấn, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được vô minh phá hoại. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước đã được nhiều năm, có người đến bịt tất cả các lỗ nước chảy vào, mở ra tất cả các lỗ nước chảy ra, và trời lại không mưa đều đặn. Hồ nước như vậy, này các Tỷ-kheo, không có chờ đợi tức nước vỡ bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh. Do vị ấy tác ý phá hoại vô minh, tâm không có phấn chấn, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được vô minh phá hoại .
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh. Do vị ấy tác ý phá hoại vô minh, tâm có phấn chấn, có tịnh tín, có an trú, có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy có chờ đợi được vô minh phá hoại. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước đã được nhiều năm, có người đến bịt tất cả các lỗ nước chảy ra, mở ra tất cả các lỗ nước chảy vào, và trời lại mưa đều đặn. Hồ nước như vậy, này các Tỷ-kheo, có chờ đợi tức nước vỡ bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh. Do vị ấy tác ý phá hoại vô minh, tâm có phấn chấn, có tịnh tín, có an trú, có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy có chờ đợi được phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(IX) (179) Niết Bàn
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Sàriputta. sau khi đến ... ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Sàriputta:
- Do nhân dì, thưa Hiền giả Sàriputta, do duyên gì ở đây, lại có một số chúng sanh ngay trong hiện tại không có chứng nhập Niết-bàn?
- Ở đây, này Hiền giả Ananda, chúng sanh không có như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào thối đọa", không có như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào an trú", không có như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào thù thắng", không có như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào thể nhập". Này Hiền giả Ananda, đây là nhân, đây là duyên, do vậy ở đây có hạng chúng sanh ngay trong hiện tại, không chứng nhập Niết-bàn.
2. - Thưa Hiền giả Sàriputta, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh ngay trong hiện tại chứng nhập được Niết-bàn?
- Ở đây, này Hiền giả Ananda, chúng sanh như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào thối đọa", như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào an trú", như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào thù thắng", như thật quán tri: "Các tưởng này dự phần vào thể nhập". Do nhân này, do duyên này, này Hiền giả Ananda, ở đây có các chúng sanh ngay trong hiện tại, chứng nhập Niết-bàn.
(X) (180) Căn Cứ Ðịa
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bhoganagara, tại điện Ananda. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về bốn đại căn cứ địa này. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bốn đại căn cứ địa?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo nói như sau: "Này Hiền giả, đối diện với Thế Tôn, tôi nghe như vậy, đối diện với Thế Tôn, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo nói như sau: "Này Hiền giả, đối diện với Thế Tôn, tôi nghe như vậy, đối diện với Thế Tôn, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo tốt đẹp". Này các Tỷ-kheo, đây là đại căn cứ địa thứ nhất các Thầy cần phải thọ trì.
4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có Tăng chúng ở với vị thượng tọa, với vị thủ chúng. Ðối diện Tăng chúng, tôi nghe như vậy, đối diện với Tăng chúng, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
5. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có Tăng chúng ở với vị thượng tọa, với vị thủ chúng. Ðối diện với Tăng chúng, tôi nghe như vậy, đối diện với Tăng chúng ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỷ-kheo, như vây là đại căn cứ địa thứ hai các Thầy cần phải thọ trì.
6. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo trưởng lão ở, những vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với các trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với các trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
7. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo trưởng lão ở, những vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với các trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với các trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời ấy là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỷ-kheo, như vậy là đại căn cứ địa thứ ba các Thầy cần phải thọ trì.
8. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
9. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"". Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỷ-kheo, như vậy là đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đại căn cứ địa này.
-ooOoo-
06-04-2019 - 1008 lượt xem