Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

CHƯƠNG MỘT PHÁP (PHẨM 15-21)

CHƯƠNG I - MỘT PHÁP

 

XV. Phẩm Không Thể Có Ðược

 

1-28. Chấp Nhận Các Hành Là Thường Còn

 

1. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một người thành tựu chánh kiến có thể chấp nhận các hành là thường còn, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu có thể chấp nhận các hành là thường còn, sự kiện này có xảy ra.

 

2. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một người thành tựu chánh kiến có thể chấp nhận các hành là lạc, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Kẻ phàm phu có thể chấp nhận các hành là lạc, sự kiện này có xảy ra.

 

3. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một người thành tựu chánh kiến có thể chấp nhận các pháp là ngã, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu có thể chấp nhận các pháp là ngã, sự kiện này có xảy ra.

 

4-9. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một người thành tựu chánh kiến có thể đoạt mạng sống của mẹ... của cha... của vị A-la-hán... có thể với ác tâm làm bậc Như Lai chảy máu...có thể phá hòa hợp Tăng... có thể tuyên bố một vị Ðạo Sư khác, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu có thể đoạt mạng sống của mẹ... có thể tuyên bố một vị Ðạo Sư khác, sự kiện này có xảy ra.

 

10. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Trong một Thế giới, hai vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, không trước không sau, xuất hiện một lần, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Trong một Thế giới, chỉ có một vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, sự kiện này có xảy ra.

 

11. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Trong một Thế giới, có hai Chuyển Luân Vương, không trước không sau, xuất hiện một lần, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, trong một thế giới, chỉ có một Chuyển Luân Vương xuất hiện, sự kiện này có xảy ra.

 

12. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một phụ nữ có thể là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Người đàn ông có thể là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sự kiện này có xảy ra.

 

13. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một phụ nữ có thể là vị Chuyển Luân Vương, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Một người đàn ông có thể là vị Chuyển Luân Vương, sự kiện này có xảy ra.

 

14-16 Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một phụ nữ có thể là vị Ðế Thích (Sakka)... là Ác Ma... là Phạm Thiên, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, một người đàn ông có thể là Vị Ðế Thích... là Ác Ma... là Phạm Thiên, sự kiện này có xảy ra.

 

17. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: là quả dị thục của thân làm ác có thể là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là quả dị thục của thân làm ác là không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, sự kiện này có xảy ra.

 

18-19. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: là quả dị thục của miệng nói ác... của ý nghĩ ác, có thể là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là quả dị thục của miệng nói ác... của ý nghĩ ác, là không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, sự kiện này có xảy ra.

 

1-9 Không Thể Xẩy Ra

 

1. - Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: là quả dị thục của thân làm thiện có thể là không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là quả dị thục của thân làm thiện là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện này có xảy ra.

 

2-3. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: là quả dị thục của miệng nói thiện... của ý nghĩ thiện có thể là không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là quả dị thục của miệng nói thiện... của ý nghĩ thiện là khả lạc, khả hỷ, khả ý, sự kiện này có xảy ra.

 

4. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: là người đầy đủ thân làm ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi lành, cõi Trời, cõi đời này, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là người đầy đủ thân ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, sự kiện này có xảy ra.

 

5-6. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được là người đầy đủ, miệng nói ác... ý nghĩ ác, do nhân ấy, do duyên ấy... (như số 4 trên)..., sự kiện này có xảy ra.

 

7-9. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: là người đầy đủ thân làm thiện... miệng nói thiện... ý nghĩ thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là người đầy đủ thân làm thiện,... miệng nói thiện... ý nghĩ thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh cõi lành, cõi Trời, cõi đời này, sự kiện này có xảy ra.

 

 

XVI. Phẩm Một Pháp

 

1-10. Niệm Phật

 

1. - Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

 

2-10. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đế nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Pháp... niệm Tăng... niệm Giới... niệm Thí... niệm Thiên... niệm Hơi thở vô, Hơi thở ra... niệm Chết... niệm Thân... niệm An tịnh. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

 

 

XVII. Phẩm Chủng Tử

 

1-10. Tà Kiến v.v...

 

1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

 

2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

 

3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt.

 

4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt.

 

5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, tà kiến chưa sanh được sanh khởi, hay tà kiến đã sanh đi đến tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, tà kiến chưa sanh được sanh khởi, hay tà kiến đã sanh được tăng trưởng.

 

6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng.

 

7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

 

8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi lành, cõi Trời, cõi đời này, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Các chúng sanh có đầy đủ chánh kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời, cõi đời này.

 

9. Ðối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỷ-kheo.

 

Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây nimba, hay hột giống cây Kosàtaki (một loại cây leo), hay hột giống cây mướp đắng, được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh đắng, tánh cay, tánh không lạc của nó. Vì cớ sao? Vì tánh ác của hột giống, này các Tỷ-kheo.

 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành... Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỷ-kheo.

 

10. Ðối với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo chánh kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo chánh kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, đưa đến hạnh phúc, an lạc. Vì cớ sao? Vì tánh hiền thiện của chánh kiến, này các Tỷ-kheo.

 

Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây mía, hay hột giống cây lúa, hay hột giống cây nho được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh ngọt, thích ý, tánh ngon ngọt của nó. Vì cớ sao? Vì tánh hiền thiện của hột giống.

 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành... Vì tánh hiền thiện của chánh kiến, này các Tỷ-kheo.

 

 

XVIII. Phẩm Makkhali

 

1-17 Một Pháp

 

1. Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.

 

2. Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.

 

3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại phạm tội lớn, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Tối thắng tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phạm tội lớn.

 

4. Ta không thấy một người nào khác, này các Tỷ-kheo, được tuân theo đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, thất lợi cho đa số, đem đến bất hạnh, bất lạc cho chư Thiên và loài Người, này các Tỷ-kheo, như kẻ ngu si.

 

Ví như, này các Tỷ-kheo, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá, đem lại bất hạnh đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài Người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình.

 

5. Ai khuyến khích chấp nhận một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, thời người khuyến khích và người được khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại nhiều vô phước. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo.

 

6. Ai khuyến khích chấp nhận một pháp luật được khéo thuyết, thời người khuyến khích và người được khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại nhiều phước đức. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo.

 

7. Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người cho biết, chớ không phải do người nhận. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết.

 

8. Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người nhận biết, không phải do người cho. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết.

 

9. Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết.

 

10. Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, người biếng nhác sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết.

 

11. Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống biếng nhác, người ấy sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết.

 

12. Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết.

 

13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít phân có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.

 

14-17. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít nước tiểu có mùi hôi thúi... một ít nước miếng có mùi hôi thúi.... một ít mủ có mùi hôi thúi... một ít máu có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.

 

 

XIX. Phẩm Không Phóng Dật

 

1-44 Một Pháp

 

1. Ví như trong cõi Jambudipa (Diêm-phủ-đề) này, số ít là các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các vùng đất khả ái, các hồ ao khả ái, còn nhiều hơn là các chỗ đất cao đất thấp, các con sông khó lội qua, các khu vực râm rạp những gậy gộc, gai góc, các núi non lởm chởm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các loài hữu tình sanh trên đất liền. Và số nhiều là các loài hữu tình sanh ở trong nước.

 

2. ...Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các loài hữu tình được tái sanh giữa loài Người. Và nhiều hơn là các loài hữu tình được tái sanh ra ngoài loài Người. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các loài hữu tình ấy được tái sanh ở các quốc độ trung ương. Và nhiều hơn các loài hữu tình phải tái sanh ở quốc độ biên địa, giữa các loài man rợ không biết nhận thức.

 

3. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh có trí tuệ, nhanh trí, không điếc, không câm, có khả năng suy xét ý nghĩa của những lời khéo thuyết hay vụng thuyết. Và nhiều hơn là các chúng sanh có ác trí tuệ, chậm trí, điếc và câm, không có khả năng suy xét ý nghĩa của những lời khéo thuyết hay vụng thuyết.

 

4. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh đầy đủ cặp mắt trí tuệ của bậc Thánh. Và nhiều hơn là các chúng sanh bị chìm đắm trong vô minh si ám.

 

5. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh được thấy Như Lai. Và nhiều hơn là các chúng sanh không được thấy Như Lai.

 

6. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh được nghe pháp luật do Như Lai thuyết giảng. Và nhiều hơn là các chúng sanh không được nghe pháp luật do Như Lai thuyết giảng.

 

7. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi nghe, thọ trì pháp. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi nghe không thọ trì pháp.

 

8. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh quán sát ý nghĩa các pháp chúng học thuộc lòng. Và nhiều hơn là các chúng sanh không quán sát ý nghĩa các pháp chúng học thuộc lòng.

 

9. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi hiểu được ý nghĩa, sau khi hiểu được pháp, thực hành đúng theo pháp và tùy pháp. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi hiểu được ý nghĩa, sau khi hiểu được pháp, không thực hành đúng theo pháp và tùy pháp.

 

10. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh được khích động bởi những vấn đề đáng được khích động, Và nhiều hơn là các chúng sanh không được khích động bởi những vấn đề đáng được khích động.

 

11. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi được khích động, như lý tinh tấn. Và nhiều hơn các chúng sanh, sau khi được khích động, không như lý tinh tấn.

 

12. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhất tâm. Và nhiều hơn các chúng sanh, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, không được định, không được nhất tâm.

 

13. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh được đồ ăn tối thắng, được vị ăn tối thắng. Và nhiều hơn, là các chúng sanh không được đồ ăn tối thắng, không được vị ăn tối thắng, chỉ nuôi sống với các áo và đồ ăn lượm lặt.

 

14. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh đã được vị ngọt của mục đích, vị ngọt của pháp, vị ngọt của giải thoát. Và nhiều hơn là các chúng sanh không được vị ngọt của mục đích, vị ngọt của pháp, vị ngọt của giải thoát. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ là những người được vị ngọt của mục đích, vị ngọt của pháp, vị ngọt của giải thoát". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

 

15-17. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong cõi Diêm-phủ-đề này, số ít là các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các vùng đất khả ái, các hồ ao khả ái. Và nhiều hơn là các chỗ đất cao đất thấp, các con sông khó lội qua, các khu vực rậm rạp những gậy gộc gai góc, các núi non lởm chởm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là chúng sanh sau khi chết từ loài Người được tái sanh trong loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người, bị tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

18-20. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người được tái sanh giữa chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người bị tái sanh ở địa ngục... bị tái sanh ở loài bàng sanh... bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.

 

21-23. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên bị tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

24-26. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên được tái sanh giữa loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ chư Thiên bị tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

27-29. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ địa ngục, được tái sanh giữa loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi địa ngục bị tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bảng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

30-32. ...Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi địa ngục, được sanh lên chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi địa ngục bị tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

33-35. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ loài bàng sanh bị tái sanh giữa loài Người, Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh bị tái sanh ở địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

36-38. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh được tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

39-41. ... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết ở cõi ngạ quỷ được tái sanh giữa các loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết ở cõi ngạ quỷ bị tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

42-44. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết ở cõi ngạ quỷ được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết, ở cõi ngạ quỷ bị tái sanh ở cõi địa ngục... ở các loài bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ.

 

 

XX. Phẩm Thiền Ðịnh

 

1-192 Thật Sự Là Vậy

 

1. Thật sự cái này là một trong những điều lợi, này các Tỷ-kheo, tức là sống trong rừng ... sống khất thực ... mang y phấn tảo ... chỉ mang ba y thuyết pháp ... trì luật ... biết nhiều về sự thật ... đã lâu ngày là vị trưởng lão ... có oai nghi nghiêm chỉnh ... có được hội chúng quy tụ ... có đại hội chúng đoanh vây, con gia đình tốt đẹp ... diện mạo đoan chánh ... ngôn ngữ hòa nhã ... thiểu dục ... không có bệnh hoạn.

 

2-9. Nếu chỉ trong thời gian búng ngón tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Thiền thứ nhất, vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là một Tỷ-kheo trú Thiền không phải uổng phí, đã làm theo lời dạy bậc Ðạo sư, là vị chịu nghe lời giáo giới, ăn đồ ăn quốc độ không phải vô ích, còn nói gì vị ấy làm cho sung mãn Thiền ấy.

 

Nếu chỉ trong thời gian búng ngón tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Thiền thứ hai, ... Thiền thứ ba, ... Thiền thứ tư ... tu tập Từ tâm giải thoát ... tu tập Bi tâm giải thoát ... tu tập Hỷ tâm giải thoát ... tu tập Xả tâm giải thoát ...

 

10-13. Nếu vị ấy trú quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời ... quán thọ trên các cảm thọ ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời ...

 

14-17. ... Ðối với các pháp ác, bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng ... Ðối với các pháp ác, bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng ... Ðối với các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng ... Ðối với pháp thiện đã sanh, khởi lên ý muốn làm an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng ...

 

18-21. Tu tập như ý túc câu hữu với Dục định tinh cần hành ... câu hữu với Tinh tấn định tinh cần hành ... câu hữu với Tâm định tinh cần hành ... câu hữu với Tư duy định tinh cần hành ...

 

22-31. Tu tập Tín căn ... tu tập Tấn căn ... tu tập Niệm căn ... tu tập Ðịnh căn ... tu tập Tuệ căn ... Tu tập Tín lực ... tu tập Tấn lực ... tu tập Niệm lực ... tu tập Ðịnh lực ... tu tập Tuệ lực ...

 

32-38. Tu tập Niệm giác chi ... tu tập Trạch pháp giác chi ... tu tập Tinh tấn giác chi ... tu tập Hỷ giác chi ... tu tập Khinh an giác chi ... tu tập Ðịnh giác chi ... tu tập Xả giác chi ...

 

39-46. Tu tập Chánh tri kiến ... tu tập Chánh tư duy ... tu tập Chánh ngữ ... tu tập Chánh nghiệp ... tu tập Chánh mạng ... tu tập Chánh tinh tấn ... tu tập Chánh niệm ... tu tập Chánh định ...

 

47-54. Quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ... "

 

Quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ... "

 

Quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ... "

 

Quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu, vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ... "

 

Quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ... "

 

Quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ..."

 

Quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ..."

 

Quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy ..."

 

55-62. Tự mình có sắc, thấy các sắc. Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các loại ngoại sắc ... quán tưởng sắc là tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy ... Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không suy tư đến các tưởng khác biệt, với suy tư: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ ... vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ ... vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ ... vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ....Vượt khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng ...

 

63-72. Tu tập địa biến xứ ... tu tập thủy biến xứ ... tu tập hỏa biến xứ ... tu tập phong biến xứ ... tu tập xanh biến xứ ... tu tập vàng biến xứ ... tu tập đỏ biến xứ ... tu tập trắng biến xứ ... tu tập hư không biến xứ ... tu tập thức biến xứ ...

 

73-82. Tu tập tưởng bất tịnh ... tu tập tưởng về chết ... tu tập tưởng yếm ly các món ăn ... tu tập tưởng không hỷ lạc đối với tất cả thế giới ... tu tập vô thường tưởng ... tu tập tưởng khổ trên vô thường ... tu tập tưởng vô ngã trên khổ ... tu tập tưởng đoạn tận ... tu tập tưởng ly tham ... tu tập tưởng đoạn diệt ...

 

83-92. Tu tập tưởng vô thường ... tu tập tưởng vô ngã ... tu tập tưởng về chết ... tu tập tưởng ghê tởm đối với các món ăn ... tu tập tưởng không hỷ lạc đối với tất cả thế giới ... tu tập tưởng hài cốt ... tu tập tưởng bị trùng bọ ăn ... tu tập tưởng bị xanh bầm ... tu tập tưởng bị đầy những lỗ hổng ... tu tập tưởng bị sưng phồng lên ...

 

93-102. Tu tập niệm Phật ... tu tập niệm Pháp ... tu tập niệm Tăng ... tu tập niệm Giới ... tu tập niệm Thí ... tu tập niệm Thiên ... tu tập niệm Hơi thở vô, Hơi thở ra ... tu tập niệm Chết ... tu tập Thân niệm ... tu tập An tịnh niệm ...

 

103-112. Tu tập Tín căn đồng với sơ Thiền ... tu tập Tấn căn đồng với sơ Thiền ... tu tập Niệm căn đồng với sơ Thiền ... tu tập Ðịnh căn đồng với sơ Thiền ... tu tập Tuệ căn đồng với sơ Thiền ... tu tập Tín lực ... tu tập Tấn lực ... tu tập Niệm lực ... tu tập Ðịnh lực ... tu tập Tuệ lực đồng với sơ Thiền.

 

113-122. Tu tập Tín căn đồng với Thiền thứ hai ... Tu tập Tuệ lực đồng với Thiền thứ hai ...

 

123-132. Tu tập Tín căn đồng với Thiền thứ ba ... Tu tập Tuệ lực đồng với Thiền thứ ba ...

 

133-142. Tu tập Tín căn đồng với Thiền thứ tư ... Tu tập Tuệ lực đồng với Thiền thứ tư ...

 

143-152. Tu tập Tín căn câu hữu với Từ ... Tu tập Tuệ lực câu hữu với Từ ...

 

153-162. Tu tập Tín căn câu hữu với Bi ... Tu tập Tuệ lực câu hữu với Bi ...

 

163-172. Tu tập Tín căn câu hữu với Hỷ ... Tu tập Tuệ lực câu hữu với Hỷ ...

 

173-182. Tu tập Tín căn câu hữu với Xả ... Tu tập Tuệ lực câu hữu với Xả ...

 

183-192. Nếu tu tập Tín căn ... nếu tu tập Tấn căn ... nếu tu tập Niệm căn ... nếu tu tập Ðịnh căn ... nếu tu tập Tuệ căn ... nếu tu tập Tín lực ... nếu tu tập Tấn lực ... nếu tu tập Niệm lực ... nếu tu tập Ðịnh lực ... nếu tu tập Tuệ lực ... , vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là một Tỷ-kheo trú Thiền không phải trống không, đã làm theo lời dạy bậc Ðạo sư, là vị chịu nghe lời giáo giới, ăn đồ ăn quốc độ không phải uổng phí, còn nói gì vị ấy làm cho sung mãn pháp ấy.

 

 

XXI. Phẩm Thiền Ðịnh (2)

 

1-70.

 

1. Như một ai, này các Tỷ-kheo, với tâm biến mãn cùng khắp biển lớn, có thể bao gồm tất cả con sông bé nhỏ đổ vào biển cả, cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai tu tập, làm cho sung mãn thân hành niệm, cũng bao gồm tất cả thiện pháp, gồm những pháp thuộc về minh phần.

 

2-8. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Ðây là một pháp, này các Tỷ-kheo, tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn... , đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

 

9-12. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn một pháp này, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm và tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm chi viên mãn.

 

13. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, khi làm cho sung mãn một pháp này, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn tận.

 

14-15. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, khi làm cho sung mãn một pháp này, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh....đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

 

16-21. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi, ngã mạn được đoạn tận, các tùy miên được nhổ sạch, các kiết sử bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, vô minh bị đoạn tận... các kiết sử bị đoạn tận.

 

22-23. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích của trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích .... không có chấp thủ.

 

24-26. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự thông đạt của nhiều giới, sự thông đạt của nhiều giới sai biệt, sự vô ngại giải của nhiều giới. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự thông đạt ... sự vô ngại giải của nhiều giới.

 

27-30. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A-la-hán. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự lưu,.... quả A-la-hán.

 

31-46. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến đại trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến thâm sâu trí tuệ, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ hoan hỉ, đưa đến trí tuệ tốc hành, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ,... đưa đến trí tuệ thể nhập.

 

47-48. Những vị này không hưởng được bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị không thực hiện thân hành niệm. Những vị này hưởng được bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị thực hành thân hành niệm.

 

49-50. Những vị này không chia sẻ bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị không chia sẻ thân hành niệm. Những vị này chia sẻ bất tử, này các Tỷ-kheo, là những vị chia sẻ thân hành niệm.

 

51-52. Bất tử bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với những ai đoạn tận thân hành niệm. Bất tử không bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không đoạn tận thân hành niệm.

 

53-54. Bất tử bị khiếm khuyết, này các Tỷ-kheo, đối với những ai khiếm khuyết thân hành niệm. Bất tử được viên thành, này các Tỷ-kheo, đối với những ai viên thành thân hành niệm.

 

55-56. Bất tử bị xao lãng bỏ phế, này các Tỷ-kheo, đối với những ai bỏ phế thân hành niệm. Bất tử không bị bỏ phế, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không bỏ phế thân hành niệm.

 

57-58. Bất tử bị vong thất, này các Tỷ-kheo, đối với những ai vong thất thân hành niệm. Bất tử không bị vong thất, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không vong thất thân hành niệm.

 

59-60. Bất tử không được thực hiện, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không thực hiện thân hành niệm. Bất tử được thực hiện, này các Tỷ-kheo, đối với những ai thực hiện thân hành niệm.

 

61-62. Bất tử không được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không tu tập thân hành niệm. Bất tử được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với những ai tu tập thân hành niệm.

 

63-64. Bất tử không được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không làm cho sung mãn thân hành niệm. Bất tử được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đối với những ai làm cho sung mãn thân hành niệm.

 

65-66. Bất tử không được thắng tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không thắng tri thân hành niệm. Bất tử được thắng tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai thắng tri thân hành niệm.

 

67-68. Bất tử không được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không liễu tri thân hành niệm. Bất tử được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với những ai liễu tri thân hành niệm.

 

69-70. Bất tử không được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với những ai không chứng ngộ thân hành niệm. Bất tử được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với những ai chứng ngộ thân hành niệm.

 

Thế Tôn thuyết như vậy, các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

-ooOoo-

24-03-2019 - 2012 lượt xem

back-to-top.png