CHƯƠNG XI - MƯỜI MỘT PHÁP
I. Phẩm Y Chỉ
(I) (1) Có Lợi Ích Gì
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc.
- Nhưng bạch Thế Tôn, không hối tiếc có ý nghĩa gì? Có lợi ích gì?
- Này Ananda, không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.
- Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.
- Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.
- Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc.
- Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.
- Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.
- Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán.
- Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán có ý nghĩa gì, có lợi ý gì?
- Này Ananda, nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham.
- Nhưng bạch Thế Tôn, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.
2. Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa gì như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán. Nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham. Ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn đến tối thượng.
(II) (2) Nghĩ Với Dụng Ý
(Giống như kinh số 2, Chương Mười Pháp, chỉ khác "nibbidà viràgatthà", nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp)
(III) (3) Sở Y, Do Bậc Ðạo Sư Thuyết
(Tương tự kinh số 3, Chương Mười Pháp, chỉ khác "nibbidà viràgatthà", nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).
(IV) (4) Sở Y, Do Tôn Giả Sariputta Thuyết
(Tương tự kinh số 4, Chương Mười Pháp, chỉ khác "nibbidà viràgatthà", nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).
(V) (5) Sở Y, Do Tôn Giả Ananda Thuyết
(Tương tự kinh số 5, Chương Mười Pháp, chỉ khác "nibbidà viràgatthà", nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).
(VI) (6) Tai Họa
1. Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những vị đồng Phạm hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong mười một tai họa. Thế nào là mười một?
2. Không chứng điều chưa chứng, đã chứng được thời mất đi, diệu pháp không được tỏ rõ, hay là tự kiêu trong diệu pháp, hay là không hoan hỷ sống Phạm hạnh, hay phạm một tội ô uế, hay từ bỏ Phạm hạnh và hoàn tục, hay là thọ bệnh nặng, hay là đạt đến điên cuồng loạn tâm, hay là bất tỉnh khi mệnh chung, sau khi thân hoại mạng chung rơi vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những đồng Phạm hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong mười một tai họa này.
(VII) (7) Tưởng Hay Tác Ý (1)
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định, như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau, và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
2. Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
3. Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất... trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau... vị ấy có thể không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
4. Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo tưởng như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước... trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau... vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
(VIII) (8) Tưởng Hay Tác Ý (2)
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Thế Tôn, rồi đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
2. Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy... được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
3. Nhưng thưa Tôn giả Sàriputta, như thế nào, một Tỷ-kheo, khi chứng được Thiền định như vậy... được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
4. Ở đây, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo tưởng như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Như vậy, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất... trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau... vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
5. Thật vi diệu thay, thưa Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa Hiền giả! Sự giải thích của Ðạo Sư và đệ tử tương hợp, tương hội, không tương phản nhau, nghĩa với nghĩa, lời với lời, tức là đối với câu tối thượng. Thưa Hiền giả, vừa rồi tôi đã đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này, Thế Tôn với những câu thế này với những lời thế này, đã trả lời về ý nghĩa này, giống như Tôn giả Sàriputta. Thật vi diệu thay, Hiền giả! Thật hy hữu thay, Hiền giả! Sự giải thích của Ðạo Sư và đệ tử sẽ tương hợp, sẽ tương hội, không tương phản nhau tức là về câu tối thượng.
(IX) (9) Tác Ý
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc, có thể không tác ý đến tai, có thể không tác ý đến tiếng, có thể không tác ý đến mũi, có thể không tác ý đến hương, có thể không tác ý đến lưỡi, có thể không tác ý đến vị, có thể không tác ý đến thân, có thể không tác ý đến xúc, có thể không tác ý đến đất, có thể không tác ý đến nước, có thể không tác ý đến lửa, có thể không tác ý đến gió, có thể không tác ý đến Không vô biên xứ, có thể không tác ý đến Thức vô biên xứ, có thể không tác ý đến Vô sở hữu xứ, có thể không tác ý đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có thể không tác ý đến đời này, có thể không tác ý đến đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý?
2. Này Ananda, có thể như vậy: Một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc... (như trên, 9.1)... được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý.
3. Bạch Thế Tôn, nhưng thế nào, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc... được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý?
4. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tác ý như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn". Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc... được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý.
(X) (10) Sandha
1. Một thời Thế Tôn trú ở Nàtika, tại ngôi nhà có lợp ngói. Rồi Tôn giả Sandha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sandha đang ngồi một bên:
2. Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có với Thiền định của con ngựa chưa thuần thục. Và này Sandha, thế nào là Thiền định của con ngựa chưa thuần thục?
3. Con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, liền Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn". Vì sao? Này Sandha, con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có nghĩ như sau: "Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp? " Con ngựa bị cột vào máng ăn, chỉ Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn! " Cũng vậy, này Sandha, ở đây có hạng người chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng, hay khi đi đến gốc cây, hay khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán, trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối... trú với tâm bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh, bị nghi hoặc chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán. Người ấy Thiền tư, y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, Thiền tư y chỉ vào lửa, Thiền tư y chỉ vào gió, Thiền tư y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư y chỉ vào đời này, Thiền tư y chỉ vào đời sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều ý chỉ vào đấy người ấy Thiền tư. Như vậy, này Sandha là người Thiền tư không thuần thục. Và này Sandha, như thế nào là Thiền tư như con ngựa thuần thục?
4. Con ngựa hiền lương, này Sandha, con ngựa được thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn! " Vì sao? Này Sandha, con ngựa đã thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, suy nghĩ như sau: "Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp? " Con ngựa bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn! " Con ngựa hiền lương, này Sandha, được thuần thục, nhìn sự áp dụng cây gậy thúc ngựa hiền lương như là món nợ, như là trói buộc, như là một thiệt hại, như là một điềm xấu. Cũng vậy, này Sandha, con người hiền thiện, thuần thục, khi đi đến khu rừng, khi đi đến gốc cây, khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm không bị dục tham ám ảnh, không bị dục tham chinh phục, như thật quán tri sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Vị ấy an trú với tâm không bị sân ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị si ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị trạo hối ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị nghi hoặc ám ảnh, không bị nghi hoặc chinh phục, như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư. Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết.
5. Khi nghe nói như vậy, Tôn giả Sandha bạch Thế Tôn:
- Thiền tư như thế nào, bạch Thế Tôn là con người hiền thiện thuần thục Thiền tư? Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, và phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý suy tư, vị ấy Thiền tư, không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy vị ấy vẫn thiền tư. Thiền tư như thế nào, bạch Thế Tôn là con người hiền thiện thuần thục, khiến chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết?
6. Ở đây này Sandha, với con người hiền thiện thuần thục, tưởng đất trong đất được sáng tỏ, tưởng nước trong nước được sáng tỏ, tưởng gió trong gió được sáng tỏ, tưởng lửa trong lửa được sáng tỏ, tưởng Không vô biên xứ trong Không vô biên xứ được sáng tỏ, tưởng Thức vô biên xứ trong Thức vô biên xứ được sáng tỏ, tưởng Vô sở hữu xứ trong Thức vô sở hữu xứ được sáng tỏ, tưởng Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ được sáng tỏ, tưởng thế giới này trong thế giới này được sáng tỏ, tưởng thế giới sau trong thế giới sau được sáng tỏ, phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý suy tư, tưởng ấy được sáng tỏ. Thiền tư như vậy, này Sandha là người đã hiền thiện thuần thục, vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau. Phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy vẫn có Thiền tư. Do Thiền tư như vậy, này Sandha, là con người hiền thiện thuần thục, khiến chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết.
(XI) (11) Rừng Khổng Tước
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại chỗ nuôi dưỡng khổng tước ở khu vườn các du sĩ. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh Phạm hạnh, cứu cánh mục đích, bậc tối thượng giữa chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
3. Vô học giới uẩn, vô học định uẩn, vô học tuệ uẩn.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh Phạm hạnh, cứu cánh mục đích, bậc tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.
4. Lại thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh... chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
5. Thần biến thần thông, ký tâm thần thông, giáo hóa thần thông.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh... chư Thiên và loài Người.
6. Lại thành tựu ba pháp khác, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh... chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
7. Với chánh tri kiến, với chánh trí, với chánh giải thoát.
Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh... chư Thiên và loài Người.
8. Thành tựu với hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh... chư Thiên và loài Người. Thế nào là hai?
9. Với minh và với hạnh.
Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh... chư Thiên và loài Người.
10. Này các Tỷ-kheo, đây là những bài kệ do Phạm thiên Sanamkumàra nói lên:
Sát-lỵ, chúng tối thắng,
Với người tin chủng tánh,
Bậc Minh Hạnh đầy đủ,
Tối thắng giữa Nhân, Thiên.
Này các Tỷ-kheo, những bài kệ này được khéo hát lên, không phải vụng hát, được khéo nói lên, không phải vụng nói, liên hệ đến mục đích, không phải không liên hệ đến mục đích, và được Ta chấp nhận. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng nói lên như vậy:
Sát-lỵ, chúng tối thắng,
Với người tin chủng tánh,
Bậc Minh Hạnh đầy đủ,
Tối thắng giữa chư Thiên.
II. Phẩm Tùy Niệm
(I) (12) Mahànàma (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: "Y làm xong, sau ba tháng, Thế Tôn sẽ bộ hành ra đi". Họ Thích Mahànàma được nghe: "Nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: "Y làm xong, sau ba tháng, Thế Tôn sẽ bộ hành ra đi". Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
- Con nghe như sau, bạch Thế Tôn: Có nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn nghĩ rằng: "Y làm xong, sau ba tháng, Thế Tôn sẽ bộ hành ra đi". Bạch Thế Tôn, giữa các người an trú với những an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú nào?
2. Lành thay, lành thay, này Mahànàma! Như vậy thật xứng đáng cho thiện nam tử các người, sau khi đến Thế Tôn đã hỏi, đã thưa như vậy: "Bạch Thế Tôn, giữa các người an trú với những an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú nào? " - "Hãy nhập cuộc, này Mahànàma với lòng tin, không phải với không lòng tin. Hãy nhập cuộc với tinh cần tinh tấn, không với biếng nhác. Hãy nhập cuộc với trú niệm, không với thất niệm. Hãy nhập cuộc với định, không với không định. Hãy nhập cuộc với trí tuệ, không với liệt tuệ".
Sau khi an trú trong năm pháp này, này Mahànàma, hãy tu tập thêm sáu pháp nữa.
3. Ở đây, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh, trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Như Lai. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Phật tùy niệm.
4. Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Pháp: "Khéo thuyết là pháp Thế Tôn thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu". Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh, trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Pháp. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp; khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ, khi có cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Pháp tùy niệm.
5. Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Tăng: "Thiện hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Tịnh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời". Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Tăng. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Tăng tùy niệm.
6. Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Giới của mình: "Không có bể vụn, không có cắt xén, không có vết nhơ, không có chấm đen, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đi đến Thiền định". Này Mahànàma, khi nào bậc Thánh đệ tử tùy niệm Giới... trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Giới... nhập được pháp lưu, tu tập Giới tùy niệm.
7. Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Thí của mình: "Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta! Vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng, để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí". Này Mahànàma, khi nào bậc Thánh đệ tử tùy niệm Thí... Trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Thí... nhập được pháp lưu, tu tập tùy niệm Thí.
8. Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Thiên: Có bốn Thiên vương thiên, có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusita (Ðâu-suất), có chư Thiên Hóa lạc, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Ðầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia, giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, đựợc sanh tại chỗ kia. Nghe như Pháp vậy cũng đầy đủ nơi Ta. Ðầy đủ với thí như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia, thí như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Ðầy đủ với tuệ như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta". Trong khi vị ấy tùy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ duyên chư Thiên... nhập được pháp lưu, tu tập chư Thiên tùy niệm.
(II) (13) Mahànàma (2)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Lúc bấy giờ, họ Thích Mahànàma mới khỏi bệnh, khỏi bệnh không bao lâu. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: "Y làm xong, Thế Tôn sẽ ra đi, bộ hành..." (Tới đây, kinh này giống như kinh số 12 trước, từ số 1 đến số 2, số 3 cho đến câu...) "Khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tùy niệm Phật này, này Mahànàma, Ông cần phải tu tập khi đi, Ông cần phải tu tập khi đứng, Ông cần phải tu tập khi ngồi, Ông cần phải tu tập khi nằm, Ông cần phải tu tập khi chú tâm vào các công việc, Ông cần phải tu tập khi Ông sống tại trú xứ đầy những con nít".
4. Lại nữa, này Mahànàma, , Ông cần phải tu tập tùy niệm Pháp... tùy niệm Tăng... tùy niệm Giới của mình... tùy niệm Thí của mình... tùy niệm chư Thiên. Có bốn Thiên vương Thiên, có chư Thiên cõi trời Ba mươi ba; có chư Thiên Dạ ma, có chư Thiên Ðâu suất đà, có chư thiên Hóa Lạc, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy, cũng có đầy đủ nơi Ta. Ðầy đủ với nghe Pháp như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia, nghe Pháp như vậy cũng có đầy đủ ở nơi Ta. Ðầy đủ với thí như vậy... đầy đủ với trí tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh tại chỗ kia. Trí tuệ như vậy, cũng có đầy đủ ở nơi Ta. Trong khi vị ấy tùy niệm tín, giới, nghe pháp, thí, tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị ám ảnh; trong khi ấy, tâm không bị sân ám ảnh; trong khi ấy, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ duyên chư Thiên. Này Mahànàma, vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tùy niệm chư Thiên này, này Mahànàma, Ông cần phải tu tập khi đi, Ông cần phải tu tập khi đứng, Ông cần phải tu tập khi ngồi, Ông cần phải tu tập khi nằm, Ông cần phải tu tập khi chú tâm vào các công việc, Ông cần phải tu tập, khi Ông sống tại trú xứ đầy những con nít.
(II) (14) Nandiya
1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Lúc bấy giờ, Thế Tôn muốn an cư vào mùa mưa tại Sàvatthi. Họ Thích Nandiya được nghe: "Thế Tôn muốn an cư vào mùa mưa tại Sàvatthi". Họ Thích Nandiya suy nghĩ như sau: "Ta hãy đến trú ở Sàvatthi vào mùa mưa. Tại đây, ta sẽ chăm lo công việc, và thỉnh thoảng có dịp được yết kiến Thế Tôn". Rồi Thế Tôn đến trú ở Sàvatthi trong mùa mưa và họ Thích Nandiya cùng đến trú ở Sàvatthi vào mùa mưa, và tại đấy chăm lo công việc, và thỉnh thoảng có dịp được yết kiến Thế Tôn.
2. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỷ-kheo làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: "Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ bộ hành ra đi". Họ Thích Nandiya được nghe: "Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ bộ hành ra đi". Họ Thích Nandiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Nandiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con nghe nói, nhiều Tỷ-kheo làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: "Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ bộ hành ra đi". Bạch Thế Tôn, giữa những người an trú với những an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú của ai?
3. Lành thay, lành thay, này Nandiya. như vậy thật xứng đáng cho thiện nam tử các Ông, sau khi đi đến Thế Tôn đã hỏi như vậy: "Bạch Thế Tôn, giữa các người an trú với các an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú của ai? ". Này Nandiya, hãy nhập cuộc với lòng tin, không với không có lòng tin. Hãy nhập cuộc với có giới, không phải với không giới. Hãy nhập cuộc với tinh cần tinh tấn, không với biếng nhác. Hãy nhập cuộc với trú niệm, không với thất niệm. Hãy nhập cuộc với định, không với không định. Hãy nhập cuộc với trí tuệ, không với liệt tuệ.
Sau khi an trú trong sáu pháp, này Nandiya, hãy tu tập thêm nữa năm pháp này.
4. Ở đây, này Nandiya, Ông hãy tùy niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Như vậy, này Nandiya, duyên vào Như Lai, ông hãy an trú niệm trong nội tâm.
5. Lại nữa, này Nandiya, Ông phải tùy niệm Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo nói, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Như vậy, này Nandiya, duyên vào Pháp, Ông hãy an trú niệm trong nội tâm.
6. Lại nữa, này Nandiya, cần phải tùy niệm bạn lành: "Thật có lợi cho ta! Thật khéo có lợi cho ta, rằng ta có các bạn lành biết thương mến ta, muốn ta được lợi ích, giáo giới giảng dạy". Như vậy, này Nandiya, duyên vào bạn lành, Ông hãy an trú niệm trong nội tâm.
7. Lại nữa, này Nandiya, cần phải tùy niệm thí của mình: "Thật có lợi cho ta! Thật khéo có lợi cho ta, rằng ta sống an trú với tâm ly cấu uế, xan tham, cùng với quần chúng bị xan tham ám ảnh, bố thí rộng rãi, với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí". Này Nandiya, như vậy duyên vào thí, Ông hãy an trú niệm trong nội tâm.
8. Lại nữa, này Nandiya, hãy tùy niệm chư Thiên: "Các chư Thiên ấy, vượt qua sự cộng trú với chư Thiên dùng các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý tác thành, các chư Thiên ấy quán thấy tự mình không có gì nữa phải làm, không cần phải làm lại những gì đã làm. Ví như, này Nandiya, Tỷ-kheo được phi thời giải thoát quán thấy tự mình không có gì nữa phải làm, không cần phải làm lại những gì đã làm. Cũng vậy, này Nandiya, các chư Thiên ấy vượt qua sự cộng trú với chư Thiên dùng các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý tác thành, các chư Thiên ấy quán thấy tự mình không có gì nữa phải làm, không cần phải làm lại những gì đã làm. Như vậy, này Nandiya, duyên vào chư Thiên, Ông hãy an trú niệm trong nội tâm.
Thành tựu với mười một pháp này, này Nandiya, vị Thánh đệ tử từ bỏ các ác bất thiện pháp, không chấp thủ chúng. Ví như, này Nandiya, một cái ghè bị úp ngược, nước đã đổ ra, không thể đem hốt lại. Ví như ngọn lửa đốt một khóm rừng đầy cỏ khô đã được cháy lan tới, không có trở lui đốt lại vật đã bị cháy. Cũng vậy, này Nandiya, thành tựu với mười một pháp này, vị Thánh đệ tử từ bỏ các ác bất thiện pháp, không có chấp thủ chúng.
(VI) (15) Subhùti
1. Rồi Tôn giả Subhùti, cùng với một Tỷ-kheo có lòng tin đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Subhùti đang ngồi một bên:
- Này Subhùti, Tỷ-kheo này tên là gì?
- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này có lòng tin, con một người nam cư sĩ có lòng tin, đã vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
- Này Subhùti, Tỷ-kheo có lòng tin này, con một người nam cư sĩ có lòng tin, đã xuất gia vì lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy có được thấy là sống trong những tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin không?
- Bạch Thế Tôn, nay là thời cho vấn đề này! Bạch Thiện Thệ, nay là thời cho vấn đề này, để Thế Tôn thuyết các tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin; nay con sẽ biết được: "Vị Tỷ-kheo này có được thấy là sống trong những tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin hay không? "
- Vậy này Subhùti, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Subhùti vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
2. Ở đây, này Subhùti, Tỷ-kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Này Subhùti, vị Tỷ-kheo nào có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
3. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo nghe nhiều, thọ trì những gì đã nghe, tích tập những gì đã nghe. Những pháp nào, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã thọ trì, đã tụng đọc bằng lời, đã quán sát với ý, đã thể nhập với chánh kiến. Này Subhùti, Tỷ-kheo nào nghe nhiều... với chánh kiến. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
4. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này Subhùti, Tỷ-kheo nào làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
5. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo là người dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới. Này Subhùti, Tỷ-kheo nào dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
6. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo phàm có những công việc gì cần phải làm, hoặc lớn, hoặc nhỏ, đối với các vị đồng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy khéo léo và tinh cần, thành tựu sự quán sát các phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Này Subhùti, Tỷ-kheo nào, phàm có những công việc gì... vừa đầy đủ để tổ chức. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của mọi người có lòng tin.
7. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo ưa pháp, lời nói dễ thương, hân hoan lớn trong thắng Pháp, trong thắng Luật. Này Subhùti, phàm Tỷ-kheo nào ưa pháp, lời nói dễ thương hân hoan lớn trong thắng Pháp, thắng Luật. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
8. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp. Này Subhùti, phàm vị Tỷ-kheo nào sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
9. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Subhùti, phàm vị Tỷ-kheo đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
10. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, sáu đời, bảy đời, tám đời, chín đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Subhùti, phàm Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. Này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
11. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Này Subhùti, phàm Tỷ-kheo với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Như vậy này Subhùti, là tiêu chuẩn về lòng tin của người có lòng tin.
12. Lại nữa, này Subhùti, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nầy Subhùti, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc..., sau khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú, này Subhùti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của người có lòng tin.
13. Khi nghe nói vậy, Tôn giả Subhùti bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, các tiêu chuẩn về lòng tin của người có lòng tin này được Thế Tôn thuyết giảng, là có trong Tỷ-kheo này, và Tỷ-kheo này được thấy là có chúng. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này là có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nghe nhiều, thọ trì những gì đã nghe, chất chứa tích tập những gì đã nghe, những pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã thọ trì, đã tụng đọc bằng lời, đã quán sát với ý, đã thể nhập với chánh kiến. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này là người dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này, phàm có những công việc gì cần phải làm, hoặc lớn, hoặc nhỏ, đối với các vị đồng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy khéo léo và tinh cần, thành tựu sự quán sát các phương tiện vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này ưa pháp, lời nói dễ thương, hân hoan lớn trong thắng Pháp, thắng Luật. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này sống tinh cần tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này, đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân.... rõ biết các chúng sanh, tùy theo hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này do đoạn diệt các lậu hoặc... chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Bạch Thế Tôn, các tiêu chuẩn về lòng tin này được Thế Tôn thuyết giảng là có trong Tỷ-kheo này. Và Tỷ-kheo này được thấy là có chúng.
14. Lành thay, lành thay này Subhùti! Vậy này Subhùti, Thầy hãy an trú với Tỷ-kheo, có lòng tin này. Khi nào, này Subhùti, Thầy muốn yết kiến Như Lai, hãy cùng với Tỷ-kheo có lòng tin này đi đến yết kiến Như Lai.
(V) (16) Từ
1. Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một?
2. Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả); được sanh lên Phạm thiên giới.
Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích.
(VI) (17) Gia Chủ Dasama
1. Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Vesàli, tại làng Beluvagàmaka. Lúc bấy giờ, gia chủ Dasama, trú ở thành Atthaka, đã đi đến Pàtiliputta vì một vài công việc. Rồi gia chủ Dasama, dân ở thành Atthaka đi đến một Tỷ-kheo, sau khi đến, thưa với Tỷ-kheo ấy:
- Thưa Tôn giả, Tôn giả Ananda nay trú ở đâu? Thưa Tôn giả, con muốn yết kiến Tôn giả Ananda.
- Này Gia chủ, Tôn giả Ananda nay trú ở Vesàli, tại làng Beluvagàmaka.
2. Rồi gia chủ Dasama, dân ở thành Atthaka, sau khi làm công việc xong ở Pàtiliputta, đi đến Vesàli, Beluvagàmaka, đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Dasama, dân ở thành Atthaka thưa với Tôn giả Ananda:
- Có một pháp nào, thưa Tôn giả Ananda được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khéo nói, chính ở nơi đây, Tỷ-kheo trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sẽ giải thoát tâm chưa được giải thoát, hay sẽ đưa đến chấm dứt các lậu hoặc chưa được đoạn tận, hay đạt được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được?
- Này Gia chủ, có một pháp, được Thế Tôn, bậc đã biết... hay đạt được vô thượng an ổn khỏi các ách khổ chưa đạt được.
- Nhưng thưa Tôn giả Ananda, một pháp ấy là gì, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khéo thuyết, chính ở nơi đây, Tỷ-kheo trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sẽ giải thoát tâm chưa được giải thoát, hay sẽ đưa đến chấm dứt các lậu hoặc chưa được đoạn tận, hay đạt được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được?
3. Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy quán sát như sau: "Thiền thứ nhất này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm". Phàm cái gì thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm, vị ấy quán tri: "Cái gì là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy an trú ở đấy, đạt được sự đoạn diệt các lậu hoặc. Nếu không đạt được sự đoạn diệt các lậu hoặc, với tham ái ấy đối với Pháp, với hoan hỷ ấy đối với Pháp, với sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp này, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.
4. Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo, làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm,... và an trú Thiền thứ ba... và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy quán sát như sau: "Thiền thứ tư này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm". Phàm cái gì... không còn phải trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp này, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.
5. Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo với tâm câu hữu với từ, an trú biến mãn một phương; như vậy phương thứ hai; như vậy phương thứ ba; như vậy phương thứ tư; như vậy cùng khắp thế giới trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm cầu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy quán sát như sau: "Từ tâm giải thoát này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm". Phàm cái gì... không còn trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.
6. Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả, an trú biến mãn một phương; như vậy phương thứ hai; như vậy phương thứ ba; như vậy phương thứ tư; như vậy cùng khắp thế giới trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy quán sát như sau: "Xả tâm giải thoát này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm". Phàm cái gì... không còn trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.
7. Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt qua một cách hoàn toàn các sắc tưởng, chấm dứt các tưởng chướng ngại, không tác ý các tưởng sai biệt, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy quán sát như sau: "Chứng đắc Không vô biên xứ này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm". Phàm cái gì... không còn trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.
8. Lại nữa, này Gia chủ, sau khi vượt Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ... sau khi vượt Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Vô sở hữu xứ", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy quán sát như sau: "Chứng đắc Vô sở hữu xứ này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm". Phàm cái gì... không còn trở lui thế giới ấy nữa. Này Gia chủ, đây là một pháp, được Thế Tôn, bậc đã biết, bậc đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt được.
9. Khi nghe nói vậy, gia chủ Dasama, dân ở thành Atthaka thưa với Tôn giả Ananda:
- Thưa Tôn giả Ananda, ví như một người tìm một cái cửa vào chỗ chôn cất, trong một lúc, tìm ra được mười một cái cửa. Cũng vậy, thưa Tôn giả, trong khi đi tìm một cửa bất tử, trong một lúc, con tìm ra mười một cái cửa bất tử. Ví như, thưa Tôn giả, trong một ngôi nhà chỉ có một cái cửa, và nhà ấy bị cháy, người ấy chỉ có thể ra bằng một cửa để có thể được an toàn cho mình. Cũng vậy, thưa Tôn giả, với mười một cửa bất tử này, con có thể tạo được sự an toàn cho con với chỉ một cửa bất tử. Thưa Tôn giả, các ngoại đạo này sẽ tìm cầu tài sản của sư cho sư, tại sao con lại không đảnh lễ Tôn giả Ananda?
10. Rồi gia chủ Dasama, dân ở thành phố Atthaka mời họp các Tỷ-kheo chúng ở Vesàli và Pàtaputta, với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, tự tay dâng cúng cho đến khi chúng Tăng được thỏa mãn, và mỗi Tỷ-kheo cúng một đôi y. Nhưng riêng đối với Tôn giả Ananda, vị ấy cúng ba y đầy đủ và xây dựng một ngôi tinh xá giá trị 500 đồng tiền.
(VII) (18) Người Chăn Bò
1. Thành tựu mười một chi phần, này các Tỷ-kheo, một người chăn bò không có thể lãnh đạo đàn bò và khiến đàn bò được tăng trưởng. Thế nào là mười một?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chăn bò không biết sắc, không thiện xảo trong tướng; không trừ khử trứng ruồi; không băng bó vết thương; không có xông khói; không biết chỗ nước có thể lội qua; không biết chỗ nước uống được; không biết đường; không thiện xảo chỗ bò có thể ăn; nặn sữa đến kiệt quệ; đối với các con bò đực, con bò cha, con bò lãnh đạo, không có đặc biệt kính trọng.
Thành tựu mười một chi phần này, người chăn bò không có thể lãnh đạo đàn bò và khiến đàn bò được tăng trưởng.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với mười một pháp, Tỷ-kheo không có thể được tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng rãi trong pháp luật này. Thế nào là mười một?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không biết sắc; không thiện xảo trong tướng; không trừ khử trứng ruồi; không băng bó vết thương; không có xông khói; không biết chỗ nước có thể lội qua; không biết chỗ nước uống được; không biết đường; không thiện xảo chỗ bò có thể ăn; nặn sữa đến kiệt quệ; đối với với Tỷ-kheo trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, bậc cha trong Tăng chúng, bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, không có đặc biệt kính trọng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không biết sắc?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, phàm sắc gì do bốn đại hay do bốn đại tác thành, vị ấy không như thật quán tri sắc ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không biết sắc. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo không thiện xảo trong các tướng?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật quán tri nghiệp tướng của người ngu, nghiệp tướng của người trí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không thiện xảo trong các tướng. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo không trừ khử trứng ruồi?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với dục tầm được khởi lên, chấp nhận, không từ bỏ, không tẩy sạch, không chấm dứt, không đưa đến không thể tái sanh. Ðối với sân tầm được khởi lên... đối với hại tầm được khởi lên, chấp nhận, không từ bỏ, không tẩy sạch, không chấm dứt, không đưa đến không thể tái sanh.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không trừ khử trứng các loài ruồi. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không có băng bó vết thương?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến tham, ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo không tự chế ngự nguyên nhân ấy, không hộ trì nhãn căn, không thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương...... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, vị ấy nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo không chế ngự nguyên nhân ấy, không hộ trì ý căn, không thực hành sự hộ trì ý căn.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không băng bó vết thương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không xông khói?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thuyết pháp rộng rãi cho các người khác, như đã được nghe, như đã được hiểu biết.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không xông khói. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo không biết chỗ nước có thể lội qua.
10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, được trao truyền giáo điển, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Tỷ-kheo thỉnh thoảng đến thăm những vị ấy, nhưng không đặt câu hỏi, không thẩm vấn: "Thưa Tôn giả, vấn đề này thế nào? Nghĩa vấn đề này là gì? " Các vị Tôn giả ấy không có khai mở những gì chưa khai mở, không có hiển lộ những gì chưa hiển hộ, không có tẩy sạch sự nghi ngờ đối với các pháp còn chỗ nghi ngờ.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không biết chỗ nước có thể lội qua được. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không biết chỗ nước uống?
11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi Pháp và Luật được thuyết giảng do Như Lai thuyết giảng, không được nghĩa tín thọ, không được pháp tín thọ, không được hân hoan liên hệ đến Pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không biết chỗ nước uống. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không biết con đường?
12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật quán tri con đường Thánh đạo tám ngành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không rõ biết con đường. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không thiện xảo trong các chỗ bò ăn cỏ?
13. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật quán tri Bốn niệm xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thiện xảo trong các chỗ bò ăn cỏ. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo nặn sữa bò cho đến khô kiệt?
14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi các tín nam, tín nữ cúng dường, đem lại cúng dường hết sức đầy đủ các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, ở đây Tỷ-kheo không biết thâu nhận vừa phải.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo nặn sữa bò đến khô kiệt. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào, đối với các Tỷ-kheo Trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, bậc cha trong Tăng chúng, bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, không có đặc biệt kính trọng?
15. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo nào là bậc Trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, bậc cha trong Tăng chúng, bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, với các vị ấy, không có đối xử với từ thân hành, trước mặt và sau lưng... với từ khẩu hành... với từ ý hành, trước mặt và sau lưng.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo Trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, là bậc cha trong Tăng chúng, là bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, đối với các vị ấy không có đặc biệt tôn kính.
Thành tựu với mười một pháp này, Tỷ-kheo không có thể tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng rãi trong Pháp và Luật này.
16. Thành tựu với mười một chi phần, này các Tỷ-kheo, người chăn bò có thể lãnh đạo đàn bò và khiến đàn bò được tăng trưởng. Thế nào là mười một?
17. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chăn bò biết sắc; thiện xảo trong tướng; trừ khử trứng ruồi; băng bó vết thương; có xông khói; biết chỗ nước có thể lội qua; biết chỗ nước uống được; biết đường; thiện xảo chỗ bò có thể ăn; không nặn sữa đến kiệt quệ; đối với các con bò đực, con bò cha, con bò lãnh đạo, có đặc biệt kính trọng.
Thành tựu mười một chi phần này, người chăn bò có thể lãnh đạo đàn bò và khiến đàn bò được tăng trưởng.
18. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với mười một pháp, Tỷ-kheo có thể được tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng rãi trong Pháp và Luật này. Thế nào là mười một?
19. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết sắc; thiện xảo trong tướng; trừ khử trứng ruồi; băng bó vết thương; có xông khói; biết chỗ nước có thể lội qua; biết chỗ nước uống được; biết đường; thiện xảo chỗ bò có thể ăn; không nặn sữa đến kiệt quệ; đối với với Tỷ-kheo trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, bậc cha trong Tăng chúng, bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, có đặc biệt kính trọng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết sắc?
20. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, phàm sắc gì do bốn đại hay do bốn đại tác thành, vị ấy như thật quán tri sắc ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết sắc. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo trong các tướng?
21. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật quán tri nghiệp tướng của người ngu, nghiệp tướng của người trí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo thiện xảo trong các tướng. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo trừ khử trứng ruồi?
22. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với dục tầm được khởi lên, không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đưa đến không thể tái sanh. Ðối với sân tầm được khởi lên... đối với hại tầm được khởi lên, không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đưa đến không thể tái sanh.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trừ khử trứng các loài ruồi. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo băng bó vết thương?
23. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến tham, ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương...... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn được chế ngự, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo băng bó vết thương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo xông khói?
24. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thuyết pháp rộng rãi cho các người khác, như đã được nghe, như đã được hiểu biết.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo xông khói. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo biết chỗ nước có thể lội qua?
25. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, được trao truyền giáo điển, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Tỷ-kheo thỉnh thoảng đến thăm những vị ấy, đặt câu hỏi, thẩm vấn: "Thưa Tôn giả, vấn đề này thế nào? Nghĩa vấn đề này là gì? " Các vị Tôn giả ấy có khai mở những gì chưa khai mở, hiển lộ những gì chưa hiển lộ, tẩy sạch nghi vấn trong những vấn đề còn nghi vấn.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết chỗ nước có thể lội qua. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết chỗ nước uống được?
26. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi Pháp và Luật được thuyết giảng do Như Lai thuyết giảng, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết chỗ nước uống được. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết con đường?
27. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật quán tri con đường Thánh đạo tám ngành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo rõ biết con đường. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo trong các chỗ bò ăn cỏ?
28. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật quán tri Bốn niệm xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo trong các chỗ bò ăn cỏ. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo nặn sữa bò còn để lại sữa?
29. Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi các tín nam, tín nữ cúng dường, đem lại hết sức đầy đủ các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, ở đây Tỷ-kheo biết thâu nhận vừa phải.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo nặn sữa bò còn để lại sữa. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào, đối với các Tỷ-kheo Trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, bậc cha trong Tăng chúng, bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, có đặc biệt kính trọng?
30. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo nào là bậc Trưởng lão, các bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, bậc cha trong Tăng chúng, bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, với các vị ấy, có đối xử với từ thân hành, trước mặt và sau lưng... với từ khẩu hành... với từ ý hành, trước mặt và sau lưng.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo Trưởng lão, kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, là bậc cha trong Tăng chúng, là bậc lãnh đạo trong Tăng chúng, với các vị ấy, có đặc biệt tôn kính.
Thành tựu với mười một pháp này, Tỷ-kheo có thể tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng rãi trong Pháp và Luật này.
(VIII) (19) Thiền Ðịnh (1)
1. Bấy giờ có một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước, không tưởng đến nước; trong lửa, không tưởng đến lửa; trong gió, không tưởng đến gió; trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, không tưởng đến Thức vô biên xứ; trong Vô sở hữu xứ, không tưởng đến Vô sở hữu xứ; trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tại, có thể không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sau, có thể không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng?
- Này các Tỷ-kheo, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước, không tưởng đến nước; trong lửa, không tưởng đến lửa; trong gió, không tưởng đến gió; trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, không tưởng đến Thức vô biên xứ; trong Vô sở hữu xứ, không tưởng đến Vô sở hữu xứ; trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tại, không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng.
- Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất...; trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tưởng như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước, không tưởng đến nước...; trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau. Và trong những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý suy tư, tại đấy, vị ấy có thể không có tưởng. Tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng.
(IX) (20) Thiền Ðịnh (2)
1. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước, có thể không tưởng đến nước; trong lửa, có thể không tưởng đến lửa; trong gió, có thể không tưởng đến gió; trong Không vô biên xứ, có thể không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, có thể không tưởng đến Thức vô biên xứ; trong Vô sở hữu xứ, có thể không tưởng đến Vô sở hữu xứ; trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có thể không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tại, có thể không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sau, có thể không tưởng đến thế giới đời sau. Phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý suy tư. Tại đấy, vị ấy có thể không có tưởng. Tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng?
2. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất...; được ý suy tư. Tại đấy, vị ấy không có tưởng. Tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng.
- Như thế nào, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất...; được ý suy tư. Tại đấy, vị ấy không có tưởng. Tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo,. Tỷ-kheo tưởng như sau: ""Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước, không tưởng đến nước...; được ý suy tư, tại đấy, vị ấy có thể không có tưởng. Tuy vậy vị ấy vẫn có tưởng.
(X) (21) Thiền Ðịnh (3)
1. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Sàriputta... (như kinh số 7, chương mười pháp, chỉ khác đây là Tôn giả Sàriputta).
(XI) (22) Thiền Ðịnh (4)
1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta nói với các Tỷ-kheo:
- Này chư Hiền, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định... được ý suy tư. Tại đấy, vị ấy có thể không có tưởng; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
- Thưa Hiền giả, chúng tôi từ xa đi đến để được biết ý nghĩa của lời nói này từ Tôn giả Sàriputta. Lành thay, nếu ý nghĩa lời nói này được Tôn giả Sàriputta nói lên. Sau khi nghe Tôn giả Sàriputta, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này chư Hiền, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
- Thưa vâng, Hiền giả, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
2. Này các Hiền giả, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất... được ý suy tư. Tại đấy, vị ấy có thể không có tưởng. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
- Như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất... được ý suy tư; tại đấy, vị ấy có thể không có tưởng; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
- Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo tưởng như sau... (như số 20 kinh trước)... tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
III. Phẩm Ba : Tổng Kết
(I) (23) Người Chăn Bò
1. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với mười một chi phần, người chăn bò không có thể là người lãnh đạo bò và đưa đàn bò đến tăng trưởng. Thế nào là mười một?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chăn bò không biết sắc; không thiện xảo trong tướng; không trừ khử trứng ruồi; không băng bó vết thương; không có xông khói; không biết chỗ nước có thể lội qua; không biết chỗ nước uống được; không biết đường; không thiện xảo chỗ bò có thể ăn; nặn sữa đến kiệt quệ; đối với các con bò đực, bậc cha đàn bò, bậc lãnh đạo đàn bò, không có đặc biệt kính trọng.
Thành tựu mười một chi phần này, người chăn bò không có thể lãnh đạo đàn bò và không thể khiến đàn bò được tăng trưởng.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với mười một pháp, vị Tỷ-kheo không có thể trú tùy quán vô thường trong con mắt... không có thể trú tùy quán khổ trong con mắt... không có thể trú tùy quán vô ngã trong con mắt... không có thể trú tùy quán hoại diệt trong con mắt... không có thể trú tùy quán hủy diệt trong con mắt.. không có thể trú tùy quán ly tham trong con mắt... không có thể trú tùy quán đoạn diệt trong con mắt... không có thể trú tùy quán từ bỏ trong con mắt... trong lỗ tai... trong lỗ mũi... trong lưỡi... trong thân... trong ý... trong các sắc... trong các tiếng... trong các hương... trong các vị... trong các xúc... trong các pháp... trong nhãn thức... trong nhĩ thức... trong tỷ thức.... trong thiệt thức... trong thân thức... trong ý thức... trong nhãn xúc... trong nhĩ xúc... trong tỷ xúc.... trong thiệt xúc... trong thân xúc... trong ý xúc... trong thọ do nhãn xúc sanh... trong thọ do nhĩ xúc sanh... trong thọ do tỷ xúc sanh... trong thọ do thiệt xúc sanh... trong thọ do thân xúc sanh... trong thọ do ý xúc sanh... trong sắc tưởng... trong thanh tưởng... trong hương tưởng... trong vị tưởng... trong xúc tưởng... trong pháp tưởng... trong sắc tư... trong thanh tư... trong hương tư... trong vị tư... trong xúc tư... trong pháp tư... trong sắc ái... trong thanh ái... trong hương ái... trong vị ái... trong xúc ái... trong pháp ái... trong sắc tầm... trong thanh tầm... hương tầm... trong vị tầm... trong xúc tầm... trong pháp tầm... trong sắc tứ... trong thanh tứ... trong hương tứ... trong vị tứ... trong xúc tứ... trú tùy quán vô thường trong pháp tứ... trú tùy quán khổ... trú tùy quán vô ngã... trú tùy quán hoại diệt... trú tùy quán hủy diệt... trú tùy quán ly tham... trú tùy quán đoạn diệt... trú tùy quán từ bỏ.
4. Thành tựu mười một pháp, này các Tỷ-kheo, người chăn bò có thể lãnh đạo đàn bò và khiến đàn bò tăng trưởng. Thế nào là mười một?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chăn bò biết sắc...
6. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với mười một pháp, Tỷ-kheo có thể trú tùy quán vô thường trong con mắt... có thể trú tùy quán từ bỏ.
(II) (24) Tham Ái (1)
1. Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, mười một pháp cần phải tu tập. Thế nào là mười một?
2. Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Từ tâm giải thoát, Bi tâm giải thoát, Vỷ tâm giải thoát, Xả tâm giải thoát, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ.
Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, mười một pháp cần phải tu tập.
(III) (25) Tham Ái (2)
1. Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, để liễu tri, để liễu diệt, để đoạn tận, để hoại diệt, để hủy diệt, để ly tham, để đoạn diệt... để xả ly, để từ bỏ... mười một pháp cần phải tu tập.
2. Ðể thắng tri sân... si... phẫn nộ... hiềm hận.... gièm pha... não hại... tật đố... xan tham... man trá... lừa đảo.... cứng đầu.... hung hăng... mạn... quá mạn... say đắm... phóng dật... để liễu tri, để liễu diệt, để đoạn tận, để hoại diệt, để hủy diệt, để ly tham, để đoạn diệt, để xả ly, để từ bỏ... mười một pháp này cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
[Hết Kinh Tăng Chi]
-ooOoo-
08-04-2019 - 946 lượt xem