Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

GIẢNG GIẢI KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

 

 

******

 

LỜI TỰA

⇒ Click vào đây để đọc GIẢNG GIẢI KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

 

Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi sẽ giảng giải bài Pháp Đầu Tiên của Đức Thế Tôn, đó là kinh Dhamma Cakkappavattana, hay Kinh Chuyển Pháp Luân.

 

Là bài Pháp Đầu Tiên do Đức Thế Tôn thuyết, Kinh Chuyển Pháp Luân được xem là cổ xưa nhất và dễ hiểu nhất trong số những Lời Dạy của Đức Phật. Hiếm người nào, trong số những người tại gia cư sĩ của xứ sở Phật Giáo Myanmar (Miến Điện) này, không từng nghe về bài kinh Chuyển Pháp Luân. Có rất nhiều người còn nhớ nằm lòng bài Kinh này. Hầu như ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, người ta lập thành những nhóm Phật tử dưới danh nghĩa “Hội Tụng Đọc Kinh Chuyển Pháp Luân”, để chuyên trì tụng và lắng nghe bài Kinh ấy. Nói chung, những người theo Phật Giáo rất xem trọng bài kinh này vì nó là Giáo Pháp Đầu Tiên của Đức Thế Tôn vậy.

 

Hiện nay có rất nhiều Nissaya hay các hình thức dịch, giảng giải, và giải thích khác nhau về Kinh Điển Pāḷi ở Miến Điện. Nhưng chắc chắn là không có bất kỳ tác phẩm nào chỉ rõ những phương pháp thực hành cụ thể từ Kinh Điển và làm thế nào để những người hành thiền nhiệt tâm và chân thành mong muốn chứng đắc Đạo Quả có thể ứng dụng được những phương pháp ấy.

 

Kinh này đã được chúng tôi giảng giải chi tiết trong nhiều dịp, nhấn mạnh đến sự áp dụng thực tiễn của nó vào thiền học. Chúng tôi đã chính thức khai mạc Trung Tâm Thiền Yangon này bằng một bài thuyết trình về Kinh Chuyển Pháp Luân và cũng ở nơi đây chúng tôi đã thuyết giảng bài Kinh này nhiều lần. Ở các nơi khác cũng vậy, bất cứ khi nào có một Trung Tâm Thiền mới mở, chúng tôi luôn luôn dùng bài kinh này như một bài giảng khai mạc.

 

Kinh Điển của Đạo Phật có ba phần chính gọi là Tam Tạng hay Ti Piṭaka trong Pāḷi: 1. Tạng Kinh (Sutta Piṭaka); 2. Tạng Luật (Vinaya Piṭaka); (3) Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka). Kinh Chuyển Pháp Luân được gồm trong Tạng Kinh mà Tạng này lại được tạo thành từ năm Nikāya (thường dịch là ‘Bộ’), đó là, Trường Bộ (Dīgha Nikāya), Trung Bộ (Majjhima Nikāya), Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya); Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) và Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya).

 

Tương Ưng Bộ được chia làm năm phẩm (vagga): (a) Sagāthāvagga (Phẩm Có Kệ) (b) Nidānavagga (Phẩm Nhân Duyên) (c) Khandhavagga (Phẩm Uẩn) (d) Salāyatanavagga (Phẩm Sáu Xứ) (e) Mahāvagga (Đại Phẩm). Mahāvagga (Đại Phẩm) lại được chia thành mười hai tiểu phẩm như Maggasaṃyutta (Tương Ưng Đạo), Bojjhaṅgasaṃyutta (Tương Ưng Giác Chi), Satipaṭṭhānasaṃyutta (Tương Ưng Niệm Xứ) v.v…, tương ưng cuối cùng trong đó là Tương Ưng Sự Thật (Saccāsaṃyutta).

 

Kinh Chuyển Pháp Luân xuất hiện như bài pháp đầu tiên trong phẩm thứ hai của tiểu phẩm Tương Ưng Sự Thật và nó đã được trùng tuyên chính xác như vậy trong nghi thức của Đại Hội (Kết Tập Kinh Điển) Lần Thứ Sáu. Trong lần biên tập Tam Tạng của Đại Hội Kết Tập Lần Thứ Sáu này, nó đã được ghi chép trên các trang 388-371 trong quyển ba của Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Piṭaka). Trong đó phần giới thiệu bài Kinh: “Evaṃ me suttaṃ, ekaṃ samayaṃ...Như vầy tôi nghe: một thời…” do ngài Ānandā xướng lên khi được Tôn-giả Ca-Diếp (Mahākassapa) vấn tại Đại Hội Kết Tập tổ chức chỉ hơn ba tháng sau sự diệt độ của Đức Thế Tôn.

 

Tôn-giả Ca-diếp đã hỏi Tôn-giả Ānandā: “Này Hiền-giả Ānandā, Kinh Chuyển Pháp Luân này được thuyết ở đâu? Do ai thuyết, vì lợi ích của ai và được thuyết như thế nào? Tôn-giả Ānandā trả lời, “Bạch Ngài đại Trưởng-lão Ca-diếp. Tôi được nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn đang trú tại nơi Vãng Lai của các Bậc Thánh, Vườn Isipatana, (nơi đây chư Phật Độc Giác và chư Phật Chánh Đẳng Giác thường hạ xuống từ trên hư không), Vườn Bảo Tồn Nai (Lộc Giả Uyển), trong thị tứ Benares. Lúc ấy, Đức Thế Tôn gọi nhóm năm vị Tỳ kheo và nói: “Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người đã lìa xa đời sống thế tục, sống đời xuất gia không nên hành theo.”

...

 

⇒ Click vào đây để đọc tiếp GIẢNG GIẢI KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

21-04-2017 - 5364 lượt xem

back-to-top.png