TẬP I - THIÊN CÓ KỆ
--------------
Chương X: Tương Ưng Dạ Xoa
-ooOoo-
I. Indaka (S.i,206)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), núi Indakuuta, tại trú xứ của Dạ-xoa Indaka.
2) Rồi Dạ-xoa Indaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
Chư Phật, Ngài dạy rằng,
Sắc không phải sinh mạng,
Vậy sao sinh mạng này,
Lại có trong thân này?
Từ đâu xương thịt đến,
Trong thân thể hiện tại?
Làm sao sinh mạng này,
Gá dính trong thai tạng?
3) (Thế Tôn):
Trước tiên, Kalala,
Rồi từ Kalala,
Abbuda có mặt.
Rồi từ Abbuda,
Pesì (thịt mềm) được sanh ra.
Pesì sinh Ghana (thịt cứng),
Rồi đến Pasàkha (chi tiết),
Tóc, lông và các móng,
Tiếp tục được sanh ra.
Những gì người mẹ ăn,
Ðồ ăn, đồ uống nào,
Con người trong bụng mẹ,
Ở đấy, lấy nuôi dưỡng.
II. Sakka (S.i,206)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakuuta (Linh Thứu).
2) Rồi Dạ-xoa tên Sakka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
Thật không tốt lành gì,
Một Sa-môn như Ngài,
Ðã đoạn mọi triền phược,
Ðã sống chơn giải thoát,
Lại tiếp tục giảng dạy,
Những kẻ khác tu học.
3) (Thế Tôn):
Này Dạ-xoa Sakka,
Dầu vì lý do gì,
Loài Người sống chung nhau,
Không một lý do nào,
Xứng đáng bậc trí tuệ,
Với lòng từ lân mẫn,
Nếu với tâm tín thành,
Giảng dạy những người khác,
Do vậy không hệ lụy,
Vì lòng từ lân mẫn.
III. Suciloma (S.i,207)
1) Một thời Thế Tôn ở Gayà, trên hòn đá Tankita tại trú xứ của Dạ-xoa Suciloma.
2) Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara và Dạ-xoa Suciloma đi ngang qua, không xa Thế Tôn bao nhiêu.
3) Rồi Dạ-xoa Khara nói với Dạ-xoa Suciloma:
-- Ðây là một Sa-môn.
4) -- Ðây không phải Sa-môn. Ðây là Sa-môn giả. Hay ít nhất cho đến khi ta biết được Sa-môn hay Sa-môn giả.
5) Rồi Dạ-xoa Suciloma đi đến Thế Tôn, sau khi đến liền nghiêng thân về phía Thế Tôn.
6) Thế Tôn liền tránh né thân của mình.
7) Dạ-xoa Suciloma nói với Thế Tôn: -- Có phải Sa-môn sợ ta?
8) -- Này Hiền giả, Ta không sợ Ông. Nhưng xúc chạm với Ông là điều đáng ghét (pàpaka).
9) -- Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.
10) -- Này Hiền giả, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, Ta không thấy một ai có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân Ta, quăng Ta qua bờ bên kia. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như Ông muốn.
11) (Dạ-xoa):
Tham dục và sân hận,
Do nhân gì sanh khởi?
Bất mãn và thỏa mãn,
Sợ hãi từ đâu sanh?
Từ đâu được khởi lên,
Các tư tưởng, tư duy,
Như quạ được bầy trẻ,
Thả bay rồi kéo lại?
12) (Thế Tôn):
Tham dục và sân hận,
Do nhân này sanh khởi,
Bất mãn và thỏa mãn,
Sợ hãi từ đây sanh.
Từ đây được khởi lên,
Các tư tưởng, tư duy,
Như quạ được bầy trẻ,
Thả bay rồi kéo lại.
Chính do tham ái sanh,
Chính do tự ngã sanh.
Như cây nigroda (cây bàng),
Do từ thân cây sanh.
Phàm phu bám ác dục,
Như cây leo khắp rừng.
Những ai hiểu biết được,
Do nhân ấy sanh khởi,
Họ diệt trừ nhân ấy.
Hãy nghe, này Dạ-xoa,
Họ vượt bộc lưu này,
Bộc lưu thật khó vượt,
Từ trước chưa vượt qua,
Không còn phải tái sanh.
IV. Manibhadda (S.i,208)
1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Magadha, tại điện thờ Manimàlaka, tại một trú xứ của Dạ-xoa Manibhadda.
2) Rồi Dạ-xoa Manibhadda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay, thường chánh niệm,
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.
Có niệm, mai đẹp hơn,
Hận thù được giải thoát.
3) (Thế Tôn):
Lành thay, thường chánh niệm,
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng,
Có niệm, mai đẹp hơn,
Hận thù chưa giải thoát.
Với ai trọn ngày đêm,
Tâm ý lạc, bất hại,
Từ tâm mọi hữu tình,
Vị ấy không thù hận.
V. Sanu (S.i,209)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Sànu, con một nữ cư sĩ bị Dạ-xoa ám ảnh.
3) Nữ cư sĩ ấy than khóc, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:
Con ta là La-hán,
Ðối với ta là vậy,
Và chính ta được nghe,
Vị La-hán nói vậy.
Nay ta thấy Sànu,
Bị Dạ-xoa ám ảnh.
Ngày mười bốn, mười lăm,
Và ngày tám nửa tháng,
Cả ngày lễ đặc biệt,
Khéo tu tám trai giới,
Tuân trì lễ Bố-tát.
Và chính ta được nghe,
Vị La-hán nói vậy,
Nay ta thấy Sànu,
Bị Dạ-xoa ám ảnh.
Ngày mười bốn, mười lăm,
Và ngày tám nửa tháng,
Cả ngày lễ đặc biệt,
Khéo tu tám trai giới,
Tuân trì lễ Bố-tát.
Những ai sống Phạm hạnh,
Dạ-xoa không ám ảnh,
Và chính ta được nghe,
Vị La-hán nói vậy.
Người nói với Sànu,
Có trí và sáng suốt,
Ðây là lời Dạ-xoa,
Chớ có làm điều ác,
Công khai hay bí mật.
Nếu người làm điều ác,
Sẽ làm hay đang làm,
Ông không thoát khổ đau,
Dầu có đứng lên chạy,
Chạy một mạch, chạy dài.
4) (Sànu được khỏi ám ảnh):
Này mẹ, người ta khóc,
Là khóc cho người chết,
Hay khóc cho người sống,
Nhưng không được thấy mặt?
Này mẹ, chúng thấy con,
Hiện có mặt đang sống.
Vậy sao mẹ khóc con,
Này người mẹ thân yêu?
5) (Bà mẹ):
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết.
Nay con được kéo ra,
Khỏi than hừng đỏ rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
Nay con được thoát ra,
Khỏi địa ngục đau khổ,
Con còn muốn rơi vào,
Cõi địa ngục ấy chăng?
Hãy dong ruổi đời con,
Ta chúc con hạnh phúc,
Hãy sống như thế nào,
Không làm ai bực phiền.
Ðồ vật thoát lửa cháy,
Con muốn đốt lại chăng?
VI. Piyankara (S.i,209)
1) Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuruddha thức dậy khi đêm vừa mới sáng, đang tụng đọc pháp cú.
3) Một nữ Dạ-xoa, mẹ của Piyankara dỗ cho con nín như sau:
Này Piyankara,
Chớ có sanh tiếng động,
Vị Tỷ-kheo đang tụng,
Những lời về pháp cú.
Nếu chúng ta biết được,
Học được pháp cú này,
Rồi như pháp hành trì,
Chúng ta được lợi ích.
Không sát hại sanh vật,
Không cố ý nói láo,
Tự học tập giới luật,
Chúng ta thoát ngạ quỷ.
VII. Punabbasu (S.i,209)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo về vấn đề liên hệ đến Niết-bàn, tuyên thuyết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy chú tâm, chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.
3) Rồi một nữ Dạ-xoa, mẹ Punabbasu dỗ con nín như sau:
Hãy gìn giữ im lặng,
Này Uttarika!
Hãy gìn giữ im lặng,
Này Punabbasu!
Ðể mẹ được nghe pháp.
Ðạo Sư, tối thượng Phật,
Thế Tôn giảng Niết-bàn,
Thoát ly mọi triền phược,
Mẹ đối với pháp ấy,
Thật cực kỳ ái lạc.
Ðời ái lạc con mình,
Ðời ái lạc chồng mình,
Nhưng đối với đạo pháp,
Mẹ ái lạc nhiều hơn.
Con hay chồng dầu thân,
Không cứu ta thoát khổ,
Không như nghe diệu pháp,
Chúng sanh được thoát khổ.
Trong đau khổ đời sau,
Dính liền già và chết,
Chánh pháp Ngài giác ngộ,
Giải thoát khỏi già chết.
Mẹ muốn nghe pháp ấy
Hãy nín đi con ơi!
Này Punabbasu.
4) (Punabbasu):
Thưa mẹ, con không nói,
Uttarà nín lặng.
Mẹ hãy lắng nghe pháp,
Nghe pháp được an lạc.
Vì không biết diệu pháp,
Chúng ta trôi sanh tử.
Giữa Nhân, Thiên mù quáng,
Ngài đem cho ánh sáng,
Giác ngộ, thân tối hậu,
Bậc Pháp nhãn thuyết pháp.
5) (Bà mẹ):
Hữu trí thay, con ta!
Con ta sanh ẵm ngực.
Nay con ta ái lạc,
Tịnh pháp Vô thượng Phật.
Này Punabbasu!
Hãy sống chơn an lạc,
Nay ta được sống lại,
Thấy được chơn Thánh đế,
Này con Uttara!
Hãy nghe theo lời ta.
VIII. Sudatta. (S.i,210)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại rừng Sìta.
2) Lúc bấy giờ cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) đã đến Ràjagaha để làm một vài công việc.
3) Cư sĩ Anàthapindika được nghe đức Phật đã ra đời và muốn đến yết kiến Thế Tôn.
4) Rồi cư sĩ Anàthapindika suy nghĩ: "Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Ngày mai mới phải thời ta đến yết kiến Thế Tôn". Như vậy với ý nghĩ đi yết kiến đức Phật, ông Anàthapindika nằm ngủ. Trong đêm, ông ấy thức dậy ba lần, tưởng rằng trời đã sáng.
5) Rồi cư sĩ Anàthapindika đi đến cửa Sìvatthika (nghĩa địa), và có những phi nhân mở cửa.
6) Và khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối hiện ra. Ông sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược và muốn đi trở về.
7) Rồi Dạ-xoa Sìvaka ẩn hình, lên tiếng như sau:
Trăm voi và trăm ngựa,
Trăm xe do ngựa kéo,
Cả trăm ngàn thiếu nữ,
Ðược trang sức bông tai,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi tới này.
Cư sĩ, hãy tiến tới!
Cư sĩ, hãy tiến tới!
Tiến tới, tốt đẹp hơn,
Chớ có lui, thối bước!
8) Rồi với Anàthapindika, tối tăm biến mất, ánh sáng hiện ra. Và sợ hãi, hốt hoảng, lông tóc dựng ngược đã khởi lên được dịu hẳn xuống.
9) Lần thứ hai... (như trên)...
10) Lần thứ ba, với Anàthapindika, ánh sáng biến mất, bóng tối hiện ra. Và sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược khởi lên. Và Anàthapindika muốn trở lui. Lần thứ ba, Dạ-xoa Sìvaka ẩn hình lên tiếng như sau :
Trăm voi và trăm ngựa,
Trăm xe do ngựa kéo,
Cả trăm ngàn thiếu nữ,
Ðược trang sức bông tai,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi tới này.
Cư sĩ, hãy tiến tới!
Cư sĩ, hãy tiến tới!
Tiến tới, tốt đẹp hơn,
Chớ có lui, thối bước!
11) Rồi với Anàthapindika, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra và sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược đã khởi lên được dịu bớt.
12) Rồi Anàthapindika đi đến rừng Sìta, đi đến Thế Tôn.
13) Lúc bấy giờ Thế Tôn thức dậy vào lúc đêm vừa mãn và đang đi kinh hành ngoài trời.
14) Thế Tôn thấy Anàthapindika từ xa đi đến, khi thấy vậy, từ chỗ kinh hành đi xuống, và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Anàthapindika:
-- Hãy đến đây, Sudatta!
15) Rồi cư sĩ Anàthapindika nghĩ: "Thế Tôn kêu tên ta", rồi cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ngủ có an lạc chăng?
(Thế Tôn):
Bà-la-môn tịch tịnh,
Luôn luôn sống an lạc,
Không đèo bồng dục vọng,
Thanh lương, không sanh y,
Mọi ái trước đoạn diệt,
Tâm khổ não điều phục,
Tịch tịnh, sống an lạc,
Tâm tư đạt hòa bình.
IX. Sukkà (S.i,212)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Sukkà, có đại chúng đoanh vây, đang thuyết pháp.
3) Rồi một Dạ-xoa có lòng tịnh tín đối với Tỷ-kheo-ni Sukkà, đi từ đường xe này đến đường xe khác, đi từ ngã tư này đến ngã tư khác ở Ràjagaha, và ngay lúc ấy, nói lên những bài kệ này:
Này người Vương Xá thành,
Các Người đã làm gì,
Mà nay lại nằm dài,
Như say vì rượu ngọt.
Không hầu hạ Sukkà,
Ðang thuyết pháp bất tử?
Pháp ấy không trở lui,
Cam lồ không lưng vơi.
Ta nghĩ người trí tuệ
Uống nước (cam lồ) ấy,
Chẳng khác một đám mưa,
Ðối với kẻ lữ hành.
X. Sukkà (S.i,212)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, một người cư sĩ đang cúng dường đồ ăn cho Tỷ-kheo-ni Sukkà.
3) Rồi một Dạ-xoa, khởi lòng tịnh tín đối với Tỷ-kheo-ni Sukkà, liền đi từ đường xe này đến đường xe khác, đi từ ngã ba này ba khác ở Ràjagaha, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:
Cư sĩ có trí này,
Chắc hưởng nhiều công đức,
Ðã cúng dường món ăn,
Dâng cúng lên Sukkà,
Một vị đã giải thoát,
Tất cả mọi triền phược.
XI. Cirà hay Virà (S.i,215)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, một cư sĩ dâng y cúng dường Tỷ-kheo-ni Cirà.
3) Rồi một Dạ-xoa, khởi lòng tịnh tín đối với Tỷ-kheo-ni Cirà, liền đi từ đường xe này đến đường xe khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác tại thành Vương Xá, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:
Cư sĩ có trí này,
Chắc hưởng nhiều công đức,
Ðã cúng dường tấm y,
Dâng cúng lên Cirà,
Một vị đã giải thoát,
Tất cả mọi khổ ách.
XII. Alava (S.i,218)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Alavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavakka.
2) Rồi Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
-- Này Sa-môn, hãy đi ra!
-- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn nói và đi ra.
-- Này Sa-môn, hãy đi vào.
-- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn nói và đi vào.
3) Lần thứ hai, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
-- Này Sa-môn, hãy đi ra.
-- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn nói và đi ra.
-- Này Sa-môn, hãy đi vào.
-- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn nói và đi vào.
4) Lần thứ ba, Dạ-xoa Alavika nói với Thế Tôn:
-- Này Sa-môn, hãy đi ra.
-- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn nói và đi ra.
-- Này Sa-môn, hãy đi vào.
-- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn nói và đi vào.
5) Lần thứ tư, Dạ-xoa Alavika nói với Thế Tôn:
-- Này Sa-môn, hãy đi ra.
6) -- Này Hiền giả, Ta không đi ra. Hãy làm gì Ông nghĩ là phải làm.
7) -- Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu hỏi. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.
8) -- Này Hiền giả, Ta không thấy một ai, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta hay nắm lấy chân, quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như Ông muốn.
9) (Dạ-xoa):
Cái gì đối người đời,
Là tài sản tối thượng?
Cái gì khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc?
Cái gì giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Phải sống như thế nào,
Ðược gọi sống tối thượng?
10) (Thế Tôn):
Lòng tin đối người đời,
Là tài sản tối thượng.
Chánh pháp khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc.
Chân lý giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng.
Phải sống với trí tuệ,
Ðược gọi sống tối thượng.
11) (Dạ-xoa):
Làm sao vượt bộc lưu?
Làm sao vượt biển lớn?
Làm sao siêu khổ não?
Làm sao được thanh tịnh?
12) (Thế Tôn):
Với tín, vượt bộc lưu.
Không phóng dật, vượt biển.
Tinh tấn, siêu khổ não.
Với Trí, được thanh tịnh.
13) (Dạ-xoa):
Làm sao được trí tuệ?
Làm sao được tài sản?
Làm sao đạt danh xưng?
Làm sao kết bạn hữu?
Ðời này qua đời khác,
Làm sao không sầu khổ?
14) (Thế Tôn):
Ai tin tưởng Chánh pháp
Của bậc A-la-hán,
Pháp ấy khiến đạt được,
Niết-bàn (chơn an lạc),
Khéo học, không phóng dật,
Minh nhãn khéo phân biệt,
Nhờ hành trì như vậy,
Vị ấy được trí tuệ.
Làm gì khéo thích hợp,
Gánh vác các trách nhiệm,
Phấn chấn, thích hoạt động,
Như vậy được tài sản,
Chơn thật đạt danh xưng,
Bố thí kết bạn hữu,
Ðời này qua đời khác,
Như vậy không sầu khổ.
Tín nam gia chủ nào,
Tìm cầu bốn pháp này,
Chơn thực và chế ngự,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy sau khi chết,
Không còn phải sầu khổ.
Ðời này qua đời khác,
Sau chết, không sầu khổ.
Ta muốn Ông đến hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có những pháp nào khác,
Tốt hơn bốn pháp này:
Chơn thực và chế ngự,
Xả thí và kham nhẫn.
15) (Dạ-xoa):
Làm sao nay ta hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Khi nay ta được biết,
Nguyên nhân của đời sau.
Phật đến Alavi,
Thật lợi ích cho ta.
Nay ta được biết rõ,
Cho gì được quả lớn.
Nên ta sẽ bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Thành này qua thành khác,
Ðảnh lễ Phật Chánh Giác,
Cùng đảnh lễ Chánh pháp,
Các vị chứng Pháp tánh.
-ooOoo-
10-06-2019 - 1065 lượt xem