Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

TẬP II - CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN (2)

TẬP II - THIÊN NHÂN DUYÊN

--------------

 

Chương I: Tương Ưng Nhân Duyên (2)

-ooOoo-

 

IV. Phẩm Kalàra - Vị Sát Ðế Lỵ

 

I. Sanh (Tạp 14.3 Tập sanh, Ðại 2,95b) (S.ii.47)

 

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi.

 

I

 

2) Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Sàriputta:

 

-- Này Sàriputta, trong kinh Paràyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:

 

Thuần thục pháp hữu vi,

Ở đây nhiều hữu học,

Trí tuệ những vị ấy,

Trong uy nghi của họ,

Hãy đáp lời ta hỏi,

Nói lên, này Thân hữu!

 

Này Sàriputta, lời nói tóm tắt này, ý nghĩa cần phải được nhận hiểu một cách rộng rãi như thế nào?

 

Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta giữ im lặng.

 

3) Lần thứ hai, Thế Tôn gọi Tôn giả Sàriputta... (như trên)... Lần thứ hai, Tôn giả Sàriputta giữ im lặng.

 

4) Lần thứ ba, Thế Tôn gọi Tôn giả Sàriputta:

 

-- Này Sàriputta, trong kinh Karàyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:

 

Thuần thục pháp hữu vi,

Ở đây nhiều hữu học,

Trí tuệ những vị ấy,

Trong uy nghi của họ,

Hãy đáp lời ta hỏi,

Nói lên, này Thân hữu!

 

Này Sàriputta, lời nói tóm tắt này, ý nghĩa cần phải được nhận hiểu một cách rộng rãi như thế nào?

 

Lần thứ ba, Tôn giả Sàriputta giữ im lặng.

 

II

 

5) -- Này Sàriputta, Ông có thấy cái này được sinh thành? Này Sàriputta, Ông có thấy cái này được sinh thành?

 

6) -- Cái này được sinh thành. Bạch Thế Tôn, vị ấy với chánh trí tuệ thấy như chơn cái này được sinh thành. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy thấy với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt sự tục sanh do một loại đồ ăn.

 

Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị sự đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, vị ấy thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt. Như vậy, bạch Thế Tôn, là bậc hữu học.

 

7) Và bạch Thế Tôn, như thế nào là thuần thục pháp hữu vi? Bạch Thế Tôn, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ cái này được sinh thành. "Cái này được sinh thành"; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy được giải thoát không có chấp thủ. Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy được giải thoát, không chấp thủ.

 

Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành phải bị đoạn diệt; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ. Như vậy, bạch Thế Tôn, là thuần thục pháp hữu vi.

 

8) Như vậy, bạch Thế Tôn, như đã được nói trong kinh Paràyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:

 

Thuần thục pháp hữu vi,

Ở đây nhiều hữu học,

Trí tuệ những vị ấy,

Trong uy nghi của họ,

Hãy đáp lời ta hỏi,

Nói lên, này Thân hữu!

 

Bạch Thế Tôn, lời nói tóm tắt này, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

 

III

 

9) -- Lành thay, lành thay! Cái này được sinh thành, này Sàriputta, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Cái này được sinh thành; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt, đối với cái được sinh thành. Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn.

 

Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt với một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, vị ấy thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt.

 

Như vậy, này Sàriputta, là bậc hữu học.

 

10) Và này Sàriputta, như thế nào là thuần thục pháp hữu vi? Này Sàriputta, cái này được sinh thành, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Cái này được sinh thành; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ.

 

Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn, đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt, vị ấy được giải thoát, không chấp thủ.

 

Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành phải bị đoạn diệt; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt, vị ấy được giải thoát không có chấp thủ.

 

Như vậy, này Sàriputta, là thuần thục pháp hữu vi.

 

11) Như vậy, này Sàriputta, như đã được nói trong kinh Paràyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:

 

Thuần thục pháp hữu vi,

Ở đây nhiều hữu học,

Trí tuệ những vị ấy,

Trong uy nghi của họ,

Hãy đáp lời ta hỏi,

Nói lên, này Thân hữu!

 

Này Sàriputta, lời nói tóm tắt này cần hiểu ý nghĩa một cách, rộng rãi như vậy.

 

II. Kalàra (S.ii,50)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

I

 

2) Rồi Tỷ-kheo Kalàra Khattiya (dòng Sát-đế-lỵ) đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

 

3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kalàra Khattiya nói với Tôn giả Sàriputta:

 

-- Này Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo Moliyaphagguna đã từ bỏ học tập và hoàn tục.

 

-- Vậy vị Tôn giả ấy, không tìm được sự an ủi trong Pháp và Luật này?

 

4) -- Vậy Tôn giả Sàriputta đã đạt được sự an ủi trong Pháp và Luật này?

 

-- Này Hiền giả, tôi không có nghi ngờ gì!

 

5) -- Này Hiền giả, còn đối với tương lai?

 

-- Tôi không có băn khoăn, này Hiền giả.

 

6) Rồi Tỷ-kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 

7) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:

 

-- Con được biết, bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta tuyên bố được chánh trí như sau: "Sanh đã tận; Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm; không còn trở lại trạng thái này nữa".

 

8) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:

 

-- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, gọi Sàriputta: "Hiền giả Sàriputta, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả".

 

9) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta: "Bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả".

 

10) -- Thưa vâng, Hiền giả.

 

Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 

II

 

11) Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi một bên:

 

-- Này Sàriputta, có đúng sự thật chăng là Ông có tuyên bố đã chứng được chánh trí: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"?

 

-- Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy.

 

12) -- Vậy với pháp môn nào, này Sàriputta, Thiện nam tử nói đến sự chứng đắc trí, lời tuyên bố cần phải được xem đúng như lời tuyên bố.

 

13) -- Bạch Thế Tôn, chính con đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy".

 

14) -- Nếu họ có hỏi Ông, này Sàriputta: "Ông biết như thế nào, này Sàriputta, Ông thấy như thế nào mà Ông tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa' ?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?

 

15) -- Nếu họ có hỏi con, bạch Thế Tôn: "Hiền giả biết như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả thấy như thế nào mà tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta đã biết, sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:

 

16) "Vì rằng này Hiền giả, trong (danh từ) tận diệt, ta hiểu được là sự tận diệt của nhân, chính do nhân ấy sanh sanh khởi. Sau khi hiểu được nghĩa tận diệt trong (danh từ) tận diệt, ta mới biết: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.' "

 

Ðược hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

 

17) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi như vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?

 

18) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân... (như trên)... lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: "Sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

 

19) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?

 

20) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân... lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: "Hữu lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh, lấy thủ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

 

21) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, thủ lấy gì làm nhân... (như trên)..".

 

22-23) -- Và này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?

 

24) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì hiện hữu?". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: "Này Hiền giả, ái lấy thọ làm nhân, lấy thọ tập khởi, lấy thọ tác sanh, lấy thọ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

 

25) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Làm sao, này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả biết như thế nào, Hiền giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?

 

26) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả biết như thế nào, Hiền giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc không tồn tại?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:

 

27) "Này Hiền giả, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này Hiền giả, ba cảm thọ này vô thường, khi biết được cái gì vô thường là khổ, thời cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại".

 

Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

 

28) -- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Pháp môn (phương tiện) này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ.

 

29) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Hiền giả được giải thoát như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, mà Hiền giả tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?

 

30) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Hiền giả được giải thoát như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, mà Hiền giả tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:

 

31) "Do tự giải thoát, chư Hiền giả, do đoạn diệt tất cả chấp thủ, ta sống an trú chánh niệm như vậy. Nhờ sống an trú chánh niệm như vậy, các lậu hoặc không còn tiếp tục rỉ chảy, và ta không chấp nhận tự ngã".

 

Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

 

32) -- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Pháp môn (phương tiện) này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Những cái gì được vị Sa-môn gọi là lậu hoặc, ta không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã được ta diệt tận. Ta không còn phân vân gì nữa.

 

33) Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.

 

III

 

34) Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi Thế Tôn đi chẳng lao lâu, liền bảo các Tỷ-kheo:

 

35) -- Này chư Hiền giả, Thế Tôn hỏi ta câu hỏi thứ nhất mà ta chưa được biết trước, lúc ấy trí ta còn chậm chạp. Nhưng này chư Hiền giả, khi Thế Tôn tùy hỷ trả lời câu hỏi thứ nhất của ta, ta suy nghĩ như sau:

 

36) "Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.

 

37) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn đêm với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác.

 

38) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn đêm và trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn đêm và trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác.

 

39) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn hai đêm hai ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn hai đêm hai ngày.

 

40) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn ba đêm ba ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn ba đêm ba ngày.

 

41) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn bốn đêm bốn ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn bốn đêm bốn ngày.

 

42) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn năm đêm năm ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn năm đêm năm ngày.

 

43) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn sáu đêm sáu ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn sáu đêm sáu ngày.

 

44) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác".

 

IV

 

45) Rồi Tỷ-kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 

46) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:

 

-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta đã rống lên tiếng rống con sư tử như sau: Này chư Hiền giả, Thế Tôn hỏi ta câu hỏi thứ nhất, mà ta chưa được biết trước, lúc ấy trí ta còn chậm chạp. Nhưng này chư Hiền giả, khi Thế Tôn tùy hỷ trả lời câu hỏi thứ nhất của ta, ta suy nghĩ như sau: "Nếu Thế Tôn hỏi ta về ý nghĩa này trọn ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác. Nếu Thế Tôn hỏi ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm... cho đến trọn đêm và trọn ngày... cho đến trọn ba... trọn bốn..., cho đến trọn năm... trọn sáu... trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác".

 

47) -- Này các Tỷ-kheo, pháp giới ấy (Dhammadhàtu) được Sàriputta khéo thành đạt. Do khéo thành đạt pháp giới ấy, nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này trọn ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, thời Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn ngày, với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, thời Saụriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm và trọn ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm và trọn ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn cả hai đêm và hai ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn cả hai đêm hai ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn cả ba đêm ba ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến cả ba đêm ba ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn bốn đêm bốn ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến bốn đêm bốn ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn năm đêm năm ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn năm đêm năm ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn sáu đêm sáu ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn sáu đêm sáu ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác, Sàriputta có thể trả lời cho Ta về ý nghĩa ấy cho đến trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.

 

III. Những Căn Bản Của Trí (Tạp 14.15 Chủng Trí, Ðại 2, 99c) (S.ii,56)

 

1)... Ở Sàvatthi.

 

2). .. Này các Tỷ-kheo. Ta sẽ thuyết về bốn mươi bốn căn bản của trí cho các Ông. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.

 

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

 

3) Thế Tôn nói như sau:

 

-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bốn mươi bốn căn bản của trí?

 

4) Già chết trí, già chết tập trí, già chết diệt trí, trí về con đường đưa đến già chết diệt.

 

5) Sanh trí, sanh tập trí, sanh diệt trí, trí về con đường đưa đến sanh diệt.

 

6) Hữu trí, hữu tập trí, hữu diệt trí, trí về con đường đưa đến hữu diệt.

 

7) Thủ trí, thủ tập trí, thủ diệt trí, trí về con đường đưa đến thủ diệt.

 

8) Ái trí, ái tập trí, ái diệt trí, trí về con đường đưa đến ái diệt.

 

9) Thọ trí, thọ tập trí, thọ diệt trí, trí về con đường đưa đến thọ diệt.

 

10) Xúc trí...

 

11) Sáu xứ trí...

 

12) Danh sắc trí...

 

13) Thức trí...

 

14) Hành trí, hành tập trí, hành diệt trí, trí về con đường đưa đến hành diệt.

 

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bốn mươi bốn căn bản của trí.

 

15) Này các Tỷ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc về chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị một diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vất bỏ; đây gọi là chết. Như vậy là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già chết.

 

16) Do sanh tập khởi nên già chết tập khởi. Do sanh diệt nên già chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già chết diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.

 

17) Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già chết tập khởi như vậy, biết già chết diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy.

 

18) Ðây là pháp trí của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập (pariyogathena) hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ và tương lai.

 

19) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ già chết, đã hiểu rõ già chết tập khởi, đã hiểu rõ già chết diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.

 

20) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ (abhijanissanti) già chết, sẽ hiểu rõ già chết tập khởi, sẽ hiểu rõ già chết diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí (anvaye nànam) của vị ấy.

 

21) Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, (dithisampanno) đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã thấy diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ (nibbedhi kapanno), đã đứng gõ vào cửa bất tử.

 

22) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh?...

 

23) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu?...

 

24) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ?...

 

25) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái?...

 

26) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ?...

 

27) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc?...

 

28) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ?...

 

29) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc?...

 

30) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức?...

 

31) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có ba hành này, này các Tỷ-kheo, thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.

 

32) Do vô minh tập khởi, hành tập khởi. Do vô minh diệt, hành diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến hành diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.

 

33) Vì rằng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết hành như vậy, biết hành tập khởi như vậy, biết hành diệt như vậy, biết con đường đưa đến hành diệt như vậy. Ðây là pháp trí của vị ấy, vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập, hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ, tương lai.

 

34) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ các hành, đã hiểu rõ hành tập khởi, đã hiểu rõ hành diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến hành diệt; tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.

 

35) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ các hành, sẽ hiểu rõ hành tập khởi, sẽ hiểu rõ hành diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến hành diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy; như vậy, như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí của vị ấy.

 

36) Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh, thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Thánh đệ tử đạt tri kiến, đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, thấy diệu pháp này, đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.

 

IV. Những Căn Bản Của Trí (Tạp 14.16 Chủng Trí, Ðại 2, 99c) ( S.ii.59)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông bảy mươi bảy căn bản của trí. Hãy nghe và khéo tư niệm... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy mươi bảy căn bản của trí?

 

3) Trí biết rằng già chết do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời không có già, chết. Trí biết rằng trong quá khứ già chết cũng do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời không có già chết. Trí biết rằng trong tương lai già chết cũng do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời sẽ không có già chết. Phàm khi nào có trí về trú pháp, chỗ ấy cũng có trí tận pháp, hoại pháp, ly tham pháp, diệt pháp.

 

4) Trí biết rằng sanh do duyên hữu...

 

5) Trí biết rằng hữu do duyên thủ...

 

6) Trí biết rằng thủ do duyên ái...

 

7) Trí biết rằng ái do duyên thọ...

 

8) Trí biết rằng thọ do duyên xúc...

 

9) Trí biết rằng xúc do duyên sáu xứ...

 

10) Trí biết rằng sáu xứ do duyên danh sắc...

 

11) Trí biết rằng danh sắc do duyên thức...

 

12) Trí biết rằng thức do duyên hành...

 

13) Trí biết rằng hành do duyên vô minh. Trí biết rằng không có vô minh thời không có hành. Trí biết rằng trong quá khứ hành cũng do duyên vô minh. Trí biết rằng không có vô minh thời không có hành. Trí biết rằng trong tương lai hành cũng sẽ do duyên vô minh. Trí biết rằng không có vô minh thời sẽ không có hành. Phàm khi nào có trí về trú pháp, thời cũng có trí về tận pháp, hoại pháp, ly tham pháp, diệt pháp.

 

14) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy mươi bảy căn bản của trí.

 

V. Do Duyên Vô Minh (Tạp 14.17-8 Vô Minh Tăng, Ðại 2, 100a) (S.ii,60)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi...

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, do duyên vô minh có hành; do duyên hành có thức... như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

3) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là già chết? Và già chết này là của ai?

 

Thế Tôn đáp:

 

-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là già chết, và già chết này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Già chết là khác và người già và chết là khác", hai câu hỏi này nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên sanh nên có già chết".

 

4) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là sanh và sanh này là của ai?

 

Thế Tôn đáp:

 

-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là sanh, và sanh này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Sanh là khác và người sanh là khác", hai câu hỏi này có nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên hữu nên có sanh".

 

5) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là hữu và hữu này của ai?

 

Thế Tôn nói:

 

-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể hỏi: "Thế nào là hữu và hữu này của ai?", hay Ông có thể nói: "Hữu khác và người có hữu này khác", hai câu hỏi này là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên thủ nên có hữu".

 

6) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là thủ và thủ này của ai?... (như trên)... "Do duyên ái nên có thủ".

 

7)... "Do duyên thọ nên có ái"

 

8)... "Do duyên xúc nên có thọ".

 

9)... "Do duyên sáu xứ nên có xúc".

 

10)... "Do duyên danh sắc nên có sáu xứ".

 

11)... "Do duyên thức nên có danh sắc".

 

12)... "Do duyên hành nên có thức".

 

13) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là các hành, và các hành này là của ai?

 

Thế Tôn đáp:

 

-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Các hành là khác và người có các hành này là khác", hai câu hỏi này là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên vô minh nên có các hành". Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận (hý luận), dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.

 

14) Như câu hỏi: "Thế nào là già chết và già chết này là của ai?". Hay "Già chết là khác và người có già chết là khác?" hay "Sinh mạng và thân thể này là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác", tất cả đều được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho tương lai không thể sanh khởi. Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.

 

15) Như câu hỏi: "Thế nào là sanh và sanh này là của ai?". Hay "Sanh là khác và người có sanh là khác", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác", tất cả đều được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến trong tương lai không thể sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.

 

16) Thế nào là hữu...

 

17) Thế nào là thủ...

 

18) Thế nào là ái...

 

19) Thế nào là thọ...

 

20) Thế nào là xúc...

 

21) Thế nào là sáu xứ...

 

22) Thế nào là danh sắc...

 

23) Thế nào là thức... Này các Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.

 

24) Như câu hỏi: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?". Hay "Các hành là khác và người có các hành này là khác", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác"; tất cả đều được đoạn tận cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho trong tương lai không thể sanh khởi.

 

VI. Do Duyên Vô Minh (S.ii,63)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) ... Này các Tỷ-kheo, do duyên vô minh nên có các hành. Do duyên hành nên có thức... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

3) Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Thế nào là già chết và già chết này của ai?" Hay này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Già chết là khác và người có già chết là khác" hai câu này đồng một nghĩa, chỉ có văn sai khác. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng là khác, thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan ấy Như Lai thuyết pháp theo trung đạo, nói rằng: "Do duyên sanh có già chết.."..

 

4) Thế nào là sanh?...

 

5) Thế nào là hữu?...

 

6) Thế nào là thủ?...

 

7) Thế nào là ái?...

 

8) Thế nào là thọ?...

 

9) Thế nào là xúc?...

 

10) Thế nào là sáu xứ?...

 

11) Thế nào là danh sắc?...

 

12) Thế nào là thức?...

 

13) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?" Hay này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Các hành và người có các hành này khác", hai câu hỏi ấy đồng nghĩa, chỉ có văn sai khác. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy, này các Tỷ-kheo, không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy, này các Tỷ-kheo, không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo, nói rằng: "Do duyên vô minh, có các hành".

 

14) Do sự đoạn diệt, ly tham vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào...

 

15) Thế nào là sanh?...

 

16) Thế nào là hữu?...

 

17) Thế nào là thủ?...

 

18) Thế nào là ái?...

 

19) Thế nào là thọ?...

 

20) Thế nào là xúc?...

 

21) Thế nào là sáu xứ?...

 

22) Thế nào là danh sắc?...

 

23) Thế nào là thức?...

 

24) "Thế nào là hành và những hành này là của ai?" Hay "Các hành là khác và có ai có những hành này là khác", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác"; tất cả những loại liên hệ này được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho trong tương lai không thể sanh khởi.

 

VII. Không Phải Của Ông (Tạp 12.13, Phi Nhữ Sở Hữu, Ðại 2, 84a) (S.ii,64)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, thân thể này không phải của các Ông, không phải của người khác.

 

3) Thân này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ.

 

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đa văn khéo léo chân chánh suy nghiệm định lý duyên khởi như sau:

 

5) "Cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt." Tức là do duyên vô minh có các hành. Do duyên hành có thức... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

VIII. Cetanà: Tư Tâm Sở (Tạp 14.19, Tư Lường. Ðại 2,100a) (S.ii,65)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) ... Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

3) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý (canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

IX. Tư Tâm Sở (Tạp 14.20 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, chúng ta tư lường, chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành (sở duyên) cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc.

 

3) Do duyên danh sắc nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ... ái... thủ... hữu... sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường nhưng có thầm ý, thời cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc.

 

5) Do duyên danh sắc nên có sáu xứ... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

6) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng nên danh sắc không hạ sanh. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

X. Tư Tâm Sở (Tạp 14.21 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) ... Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, cái gì chúng ta tư lường, cái gì chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức an trú.

 

3) Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về (hệ trước: nati). Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến tái sanh. Do có sự đi đến tái sanh nên có từ bỏ và sanh khởi. Do có từ bỏ và sanh khởi nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

4) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường, nhưng chỉ có thầm ý, thời cái ấy là sở duyên cho thức an trú. Do sự có mặt của sở duyên nên thức an trú.

 

5) Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về. Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến tái sanh. Do có sự đi đến tái sanh nên có từ bỏ và sanh khởi. Do có từ bỏ và sanh khởi, nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

6) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không có an trú.

 

7) Do thức ấy không an trú, không tăng trưởng nên không có thiên về, hướng về. Do không có thiên về, hướng về nên không có đi đến tái sanh. Do không có sự đi đến tái sanh nên không có từ bỏ và sanh khởi. Do không có từ bỏ và sanh khởi nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

 

 

V. Phẩm Gia Chủ - Thứ Năm

 

I. Năm Hận Thù Sợ Hãi (S.ii,68)

 

1) Trú ở Sàvatthi...

 

2) Rồi Gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 

Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên :

 

3) -- Khi nào, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi, hận thù, khi nào được đầy đủ bốn Dự lưu chi, khi nào Thánh lý (nàya) nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, khi ấy, vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn diệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".

 

4) Thế nào là năm sợ hãi, hận thù được nhiếp phục?

 

5) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người sát sinh, vì duyên sát sinh đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt sát sanh, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.

 

6) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người lấy của không cho, vì duyên lấy của không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt lấy của không cho, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.

 

7) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người sống tà hạnh trong các dục, vì duyên sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt sống tà hạnh trong các dục vọng, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.

 

8) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người nói láo, và duyên nói láo đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt nói láo, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.

 

9) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người đắm say rượu men, rượu nấu, và duyên đắm say rượu men, rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.

 

Như vậy, năm sợ hãi, oán thù này được nhiếp phục.

 

II

 

10) -- Thế nào là bốn Dự lưu chi được đầy đủ?

 

11) Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử đầy đủ lòng tin bất động, đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

 

12) Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu".

 

13) Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh; tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời".

 

14) Vị ấy đầy đủ các giới đức, được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định, bốn Dự lưu chi này được đầy đủ.

 

15) Thế nào là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập?

 

16) Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử khéo chánh tư duy định lý Duyên khởi như sau: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt".

 

17) Tức là do duyên vô minh có hành. Do duyên hành có thức... (như trên)... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Ðây là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập.

 

18) Này Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi hận thù này, khi nào đầy đủ bốn Dự lưu chi này, khi nào Thánh lý này nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, khi ấy vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn diệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".

 

II. Năm Sợ Hãi Hận Thù (S.ii,70)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... (như trên)... Thế Tôn nói như sau:

 

3) -- Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi hận thù, đầy đủ bốn Dự lưu chi, và khi nào Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, khi ấy vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục... (như trên)... Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".

 

Thế nào là năm sợ hãi hận thù được nhiếp phục?

 

Này các Tỷ-kheo, sợ hãi hận thù do người sát sanh... này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người lấy của không cho...

 

Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người sống tà hạnh trong các dục...

 

Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người nói láo...

 

Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người đắm say rượu men, rượu nấu...

 

Như vậy, năm sợ hãi, hận thù này được nhiếp phục.

 

4) Thế nào là bốn Dự lưu chi được đầy đủ?

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đối với Phật... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy đầy đủ các giới đức được bậc Thánh quý mến...

 

Như vậy, bốn Dự lưu chi này được đầy đủ.

 

5) Thế nào là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập?

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo chánh tư duy định lý Duyên khởi như sau:... Ðây là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập.

 

6) Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi hận thù, được đầy đủ bốn Dưu lưu chi, Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn điệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".

 

III. Khổ. (S.ii,71)

 

1) ... Trú Tại Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng sự tập khởi và sự đoạn diệt của khổ. Hãy nghe...

 

I

 

3) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ tập khởi?

 

4) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội nên xúc khởi. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ tập khởi.

 

5) Do duyên tai và các tiếng...

 

6) Do duyên mũi và các hương...

 

7) Do duyên lưỡi và các vị...

 

8) Do duyên thân và các xúc...

 

9) Do duyên ý và các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ tập khởi.

 

II

 

10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?

 

11) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ đoạn diệt.

 

12) Do duyên lỗ tai và các tiếng, nên nhĩ thức sanh khởi...

 

13) Do duyên mũi và các hương, nên tỷ thức sanh khởi...

 

14) Do duyên lưỡi và các vị nên thiệt thức sanh khởi...

 

15) Do duyên thân và các xúc nên thân xúc sanh khởi...

 

16) Do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

17) Này các Tỷ-kheo, đây là khổ đoạn diệt.

 

IV. Thế Giới (S.ii,73)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) ... Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế giới. Hãy nghe...

 

I

 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới tập khởi?

 

4) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Ðây là thế giới tập khởi.

 

5) Do duyên lỗ tai và các tiếng...

 

6) Do duyên lỗ mũi và các hương...

 

7) Do duyên lưỡi và các vị...

 

8) Do duyên thân và các xúc...

 

9) Do duyên ý với các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ... Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tập khởi của thế giới.

 

10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới đoạn diệt?

 

11) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Ðây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Ðây là thế giới đoạn diệt.

 

12) Do duyên lỗ tai và các tiếng...

 

13) Do duyên lỗ mũi và các hương...

 

14) Do duyên lưỡi và các vị...

 

15) Do duyên thân và các xúc...

 

16) Do duyên ý và các pháp, ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Ðây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

17) Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới đoạn diệt.

 

V. Nàtika (S.ii,84)

 

1) Như vầy tôi nghe.

 

Một thời Thế Tôn ở Nàtika, trong căn nhà gạch.

 

2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tọa tuyên thuyết pháp môn này:

 

3) -- Do duyên con mắt và các sắc nên nhãn thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

4) Do duyên lỗ tai và các tiếng...

 

5) Do duyên lỗ mũi và các hương...

 

6) Do duyên lưỡi và các vị...

 

7) Do duyên thân và các xúc...

 

8) Do duyên ý và các pháp nên ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

9) Do duyên con mắt và các sắc nên nhãn thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

10) Do duyên lỗ tai và các tiếng...

 

11) Do duyên lỗ mũi và các hương...

 

12) Do duyên lưỡi và các vị...

 

13) Do duyên thân và các xúc...

 

14) Do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

II

 

15) Lúc bấy giờ, một vị Tỷ-kheo đang đứng nghe trộm Thế Tôn.

 

16) Thế Tôn thấy vị Tỷ-kheo đang đứng nghe trộm.

 

17) Sau khi thấy, Thế Tôn nói với vị Tỷ-kheo ấy:

 

-- Này Tỷ-kheo, Ông có nghe pháp môn này không?

 

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

 

18) -- Này Tỷ-kheo, Ông hãy học pháp môn này. Này Tỷ-kheo, Ông hãy học thuộc lòng pháp môn này. Này Tỷ-kheo, pháp môn này liên hệ đến mục đích và căn bản Phạm hạnh.

 

VI. Một Vị (Bà-La-Môn) (Tạp 12.18 Tha, Ðại 2,85c) (S.ii,75)

 

1) ... Trú Tại Sàvatthi.

 

2) Rồi một vị Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu bèn ngồi xuống một bên.

 

3) Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

 

-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động là người cảm thọ?

 

-- Này Bà-la-môn, người hành động là người cảm thọ, ấy là một cực đoan.

 

4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động khác, người cảm thọ khác?

 

-- Người hành động khác, và người cảm thọ khác, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.

 

5) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức. Do duyên thức nên có danh sắc... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

6) Khi được nói vậy, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

 

-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.

 

VII. Jànussoni (S.ii,76)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm...

 

Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

 

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?

 

-- Này Bà-la-môn, tất cả đều có, ấy là một cực đoan.

 

4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?

 

-- Này Bà-la-môn tất cả đều không có, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.

 

5) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức... (như trên)... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh ấy một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

6) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

 

-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!...

 

VIII. Thuận Thế Phái (S.ii,77)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) Rồi một Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế đi đến Thế Tôn...

 

Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:

 

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?

 

-- Này Bà-la-môn, tất cả đều có, là chấp kiến thứ nhất của thế gian.

 

4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?

 

-- Tất cả đều không có, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ hai của thế gian.

 

5) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là một?

 

-- Tất cả đều là một, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ ba của thế gian.

 

6) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là nhiều?

 

-- Tất cả đều là nhiều, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ tư của thế gian.

 

Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo.

 

7) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

8) Khi nghe nói vậy, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:

 

-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!... con xin trọn đời quy ngưỡng.

 

IX. Thánh Ðệ Tử (Tạp 14,8 Thánh đệ tử. Ðại 2,98b) (S.ii,77)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, cái gì hiện hữu? Do cái gì sanh khởi, cái gì sanh khởi? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì có mặt, danh sắc hiện hữu? Do cái gì có mặt, sáu xứ hiện hữu? Do cái gì có mặt, xúc hiện hữu? Do cái gì có mặt, thọ hiện hữu? Do cái gì có mặt, ái hiện hữu? Do cái gì có mặt, thủ hiện hữu? Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Do cái gì có mặt, sanh hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu?"

 

3) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên người khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức. Do duyên thức nên có danh sắc... Do duyên sanh nên có già chết. Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự sanh khởi của thế giới này".

 

4) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, cái gì không hiện hữu? Do cái gì diệt, cái gì diệt? Do cái gì không có mặt, hành không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, danh sắc không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, sáu xứ không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, xúc không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thọ không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, ái không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thủ không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, hữu không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, sanh không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?".

 

5) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên theo người khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu. Do các hành không có mặt, thức không hiện hữu. Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do danh sắc không có mặt, sáu xứ không hiện hữu. Do sáu xứ không có mặt, xúc không hiện hữu. Do xúc không có mặt, thọ không hiện hữu. Do thọ không có mặt, ái không hiện hữu. Do ái không có mặt, thủ không hiện hữu. Do thủ không có mặt, hữu không hiện hữu. Do hữu không có mặt, sanh không hiện hữu. Do sanh không có mặt, già chết không hiện hữu". Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự đoạn diệt của thế giới này.

 

6) Và này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử như thật biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế gian như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử này được gọi là kiến đạt... (như trên)... đã đứng gõ cửa bất tử.

 

X. Thánh Ðệ Tử (S.ii,79)

 

1) ... Tại Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, cái gì hiện hữu? Do cái gì sanh khởi, cái gì sanh khởi? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì có mặt, thức hiện hữu? Do cái gì có mặt, danh sắc hiện hữu? Do cái gì có mặt, sáu xứ hiện hữu? Do cái gì có mặt, xúc hiện hữu? Do cái gì có mặt, thọ hiện hữu? Do cái gì có mặt, ái hiện hữu? Do cái gì có mặt, thủ hiện hữu? Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Do cái gì có mặt, sanh hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu?".

 

3) Rồi này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên một ai khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do vô minh có mặt, hành hiện hữu. Do hành có mặt, thức hiện hữu. Do thức có mặt, danh sắc hiện hữu. Do danh sắc có mặt, sáu xứ hiện hữu. Do sáu xứ có mặt, xúc hiện hữu. Do xúc có mặt, thọ hiện hữu. Do thọ có mặt, ái hiện hữu. Do ái có mặt, thủ hiện hữu. Do thủ có mặt, hữu hiện hữu. Do hữu có mặt, sanh hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu". Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự sanh khởi của thế giới này.

 

4) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, cái gì không hiện hữu? Do cái gì diệt, cái gì diệt? Do cái gì không có mặt, các hành không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu... (như trên)... Do cái gì không có mặt, già, chết không hiện hữu?"

 

5) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên một ai khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu? Do cái này diệt, cái kia diệt. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu. Do các hành không có mặt, thức không hiện hữu. Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do danh sắc không có mặt, sáu xứ không hiện hữu. Do sáu xứ không có mặt, xúc không hiện hữu... (như trên)... Do sanh không có mặt, già, chết không hiện hữu". Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự đoạn diệt của thế giới này.

 

6) Vì rằng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử như thật biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế giới này như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là kiến đạt, vị ấy thấy diệu pháp này, vị ấy đầy đủ trí của bậc hữu học, vị ấy đầy đủ minh của bậc hữu học, đã nhập được Pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, là vị đã đứng gõ cửa bất tử.

 

 

 

VI. Phẩm Cây

 

I. Tư Lường (Tạp 12.10, Ðại 2,82c) (S.ii,80)

 

1) Như vầy tôi nghe.

 

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

 

2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

 

3) Thế Tôn nói như sau:

 

-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tư lường, phải tư lường như thế nào để chơn chánh diệt khổ một cách trọn vẹn?

 

-- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm điểm tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

 

4) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.

 

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 

5) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đang tư lường, tư lường như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết; sự đau khổ này lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?"

 

6) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết, sự đau khổ này lấy sanh làm nhân, lấy sanh làm tập khởi, lấy sanh làm tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh không có mặt, già chết không hiện hữu".

 

7) Và vị ấy biết già chết, biết già chết tập khởi, biết già chết đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành.

 

8) Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt già chết.

 

9) Tư lường thêm nữa, vị ấy tư lường như sau: "Còn hữu này, do cái gì làm nhân? Còn thủ này, do cái gì làm nhân? Còn ái này, do cái gì làm nhân? Còn thọ này, do cái gì làm nhân? Còn xúc này... Còn sáu xứ này... Còn danh sắc này... Còn thức này... Còn các hành này, do cái gì làm nhân, cái gì tập khởi, cái gì tác sanh, cái gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì không có mặt các hành không hiện hữu?"

 

10) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Các hành lấy vô minh làm nhân, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm tác sanh, lấy vô minh làm hiện hữu. Do vô minh có mặt, các hành hiện hữu. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu".

 

11) Và vị ấy biết các hành, biết các hành tập khởi, biết các hành đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến các hành đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt các hành.

 

12) Này các Tỷ-kheo, nếu người nào bị vô minh chi phối, dự tính làm phước hành, thức (của người ấy) đi đến phước. Nếu người ấy dự tính làm phi phước hành, thức (của người ấy) đi đến phi phước. Nếu người ấy dự tính làm bất động hành, thức (của người ấy) đi đến bất động.

 

13) Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Tỷ-kheo đoạn tận vô minh, minh được sanh khởi. Vị ấy do vô minh đoạn tận, minh sanh khởi, không dự tính làm phước hành, không dự tính làm phi phước hành, không dự tính làm bất động hành.

 

14) Không có dự tính, không có dụng ý, vị ấy không chấp thủ một sự gì ở đời. Không chấp thủ, vị ấy không sợ hãi. Không sợ hãi, vị ấy hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

 

15) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy biết lạc thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy biết khổ thọ vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ.

 

16) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly (visannutto).

 

17) Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên".

 

18) Này các Tỷ-kheo, ví như một người từ trong lò nung của người thợ gốm lấy ra một cái ghè nóng và đặt trên một khoảng đất bằng phẳng để sức nóng ở đấy được nguội dần, và các miếng sành vụn được gạt bỏ một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên".

 

19) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc có dự tính làm các phước hành, hay có dự tính làm các phi phước hành, hay có dự tính làm các bất động hành?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

20) -- Hay nếu các hành không có mặt một cách trọn vẹn, do các hành đoạn diệt, thời thức có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

21) -- Hay nếu thức không có mặt một cách trọn vẹn, do thức đoạn diệt, thời danh sắc có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

22) -- Hay nếu danh sắc không có mặt một cách trọn vẹn, do danh sắc đoạn diệt, thời sáu xứ có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

23) -- Hay nếu sáu xứ không có mặt một cách trọn vẹn, do sáu xứ đoạn diệt, thời xúc có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

24) -- Hay nếu xúc không có mặt một cách trọn vẹn, do xúc đoạn diệt, thời thọ có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

25) -- Hay nếu thọ không có mặt một cách trọn vẹn, do thọ đoạn diệt, thời ái có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

26) -- Hay nếu ái không có mặt một cách trọn vẹn, do ái đoạn diệt, thời thủ có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

27) -- Hay nếu thủ không có mặt một cách trọn vẹn, do thủ đoạn diệt, thời hữu có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

28) -- Hay nếu hữu không có mặt một cách trọn vẹn, do hữu đoạn diệt, thời sanh có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

29) -- Hay nếu sanh không có mặt một cách trọn vẹn, do sanh đoạn diệt, thời già chết có hiện hành không?

 

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 

30) -- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Phải là như vậy, này các Tỷ-kheo! Không thể khác vậy. Hãy tin ở Ta, này các Tỷ-kheo! Hãy quyết định, chớ có nghi ngờ, chớ có phân vân! Ðây là khổ được đoạn tận.

 

II. Thủ (Tạp 12.4 Thủ, Ðại 2,80b) (S.ii,84)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống, thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ (upàdàniyadhammà), ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ có mặt. Do duyên thủ nên hữu có mặt. Do duyên hữu nên sanh có mặt. Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Này các Tỷ-kheo, ví như một đống lửa lớn làm bằng mười xe củi, hay hai mươi xe củi, hay ba mươi xe củi, hay bốn mươi xe củi đang cháy đỏ. Tại đây có người thỉnh thoảng ném cỏ khô vào, và ném củi khô vào. Này các Tỷ-kheo, như vậy đống lửa lớn ấy được nuôi dưỡng, được tiếp tế, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài.

 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

6) Này các Tỷ-kheo, ví như một đống lửa lớn làm bằng mười xe củi, hay hai mươi xe củi, hay ba mươi xe củi, hay bốn mươi xe củi đang cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng ném cỏ khô vào, hay phân khô, hay củi khô vào. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đống lửa lớn ấy do nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt, do nhiên liệu khác không được đem lại, không được nuôi dưỡng, bị tắt.

 

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

III. Kiết Sử (Tạp 12.3, Phật Phước, Ðại 2,79c) (S.ii,86)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) ... Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ có mặt. Do duyên thủ nên hữu có mặt. Do duyên hữu nên sanh có mặt. Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đây có người thỉnh thoảng rót dầu thêm và khơi tim lên. Này các Tỷ-kheo, ngọn đèn dầu ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài.

 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

6) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và do duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng rót thêm dầu vào và không khơi tim lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngọn đèn ấy do nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt và do nhiên liệu khác không được đem thêm, không được nuôi dưỡng, sẽ bị tắt.

 

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

IV. Kiết Sử (S.ii,87)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, ví như duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy có người thỉnh thoảng rót thêm dầu và khơi tim lên. Này các Tỷ-kheo, ngọn đèn dầu ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Này các Tỷ-kheo, ví như duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng rót thêm dầu và khơi tim lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngọn đèn dầu ấy do chính nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt, do nhiên liệu khác không được đem thêm, không được nuôi dưỡng, sẽ bị tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. .. (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

V. Cây Lớn (Tạp 12,2 Ðại Thọ, Ðại 2,79b) (S.ii,87)

 

1) ... Trú tại Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm sâu xuống dưới và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều đem lên nhựa sống cho cây ấy. Này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

4) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

5) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có một người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ các rễ lớn cho đến các rễ con, các rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc. Sau khi chặt cây thành từng khúc, người ấy bửa, sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn hay đổ tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.

 

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy được sự nguy hiểm trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

VI. Cây Lớn (S.ii,88)

 

1) ... Trú tại Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, ví như có một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm sâu xuống dưới và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều đem lên nhựa sống cho cây ấy. Này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.

 

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

4) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ các rễ lớn... (như trên)... hay đổ tro vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho cây ấy không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.

 

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

VII. Cây Non (Tạp 12,1 Chủng Thọ, Ðại 2, 79a) (S.ii.89)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ được sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây non, có người thỉnh thoảng vun xới các rễ, thỉnh thoảng bỏ thêm phân, thỉnh thoảng tưới thêm nước. Này các Tỷ-kheo, cây non ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh.

 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây non, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy, sau khi chặt đứt, người ấy đào cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con và rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc. Sau khi chặt từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi phơi giữa nắng và gió, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn hay đổ tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây non ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.

 

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

VIII. Danh Sắc (S.ii, 90)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) ... Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm thẳng xuống dưới và đâm ngang ra, tất cả rễ ấy đem lên nhựa sống. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể được đứng vững trong một thời gian dài.

 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi... (như trên)...

 

5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, danh sắc không có sanh khởi. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có một người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ... (như trên)... Trong tương lai không thể sống lại được.

 

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, danh sắc không có sanh khởi. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

IX. Thức (S.ii, 91)

 

1) ... Trú ở Sàvatthi.

 

2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức, nên danh sắc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, rễ của các cây ấy... (như trên)...

 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không sanh. Do thức diệt nên danh sắc diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ... (như trên)... trong tương lai không thể sống lại được.

 

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không có sanh khởi. Do thức diệt nên danh sắc diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

X. Nhân (S.ii, 92)

 

1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammàsadamma.

 

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

 

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, sâu xa thay là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Nhưng đối với con định lý ấy có vẻ rõ ràng, minh bạch!

 

4) -- Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Sâu xa thay, này Ananda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ananda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập pháp này mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

 

5) Này Ananda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, hữu có mặt. Do duyên hữu, sanh có mặt. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

6) Này Ananda, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm xuống và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều hút lên nhựa sống cho cây ấy. Này Ananda, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.

 

7) Cũng vậy, này Ananda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ có mặt. Do duyên thủ, hữu có mặt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

8) Này Ananda, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

9) Này Ananda, ví như một cây lớn, rồi có người đi đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con, rễ phụ. Người ấy chặt cây ấy ra từng khúc. Sau khi chặt ra từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ ra từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ ra từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun lại thành đống tro. Sau khi vun lại thành đống tro, hoặc người ấy sàng trong gió lớn hay đổ vào dòng nước chảy mạnh để nước cuốn đi. Như vậy, này Ananda, cây lớn ấy sẽ bị chặt đứt, làm thành như cây ta-la, không thể nào tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.

 

10) Như vậy, này Ananda, ai sống thấy tai hại trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

-ooOoo-

10-06-2019 - 1074 lượt xem

back-to-top.png