Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỊNH SỰ

Hòa thượng Tịnh Sự Santakicco

(1913-1984)

 

 

 

Ngài TỊNH SỰ, thế danh là VÕ VĂN ĐANG, sanh năm 1913 tại xã Hòa Long, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp ngày nay).

 

Thân phụ của Ngài là cụ Ông VÕ VĂN TỔ, thân mẫu của Ngài là cụ Bà TRẦN THỊ THÔNG. Ngài được sanh trong một gia đình Nho giáo, với bản chất thông minh, nên vừa bảy (7) tuổi, thân phụ Ngài cho học vỡ lòng chữ Nho. Ngài tiếp thu rất lẹ, lãnh hội rất mau. Những người thân tộc vui tánh gọi Ngài là "thần đồng Lê Quí Đôn".

 

Khi mười hai (12) tuổi, Ngài vào chùa Bửu Hưng (cùng xã Hòa Long) tu và học kinh luật Sa di thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông. Thấy Ngài thông minh, thầy của Ngài bấy giờ đặt pháp danh cho Ngài là HUỆ LỰC.

 

Lúc hai mươi (20) tuổi, Ngài sang chùa Kim Huê (tại Sa Đéc) tu và học kinh Luật Tỳ khưu.

 

Đến hai mươi lăm (25) tuổi, Ngài về trụ trì Chùa Phước Định ở chợ Lách.

 

Khi ba mươi (30) tuổi, Ngài sang trụ trì chùa Viên Giác tại Long Hồ, Vĩnh Long.

 

Lúc ba mươi lăm (35) tuổi, Ngài sang nước Campuchia (Cao Miên) thọ giới Sa di tại chùa Kùm-pung (Treyloko) ở Trà Pét, trong truyền thống Phật giáo Nam tông Theravada.

 

Đến ba mươi tám (38) tuổi, Ngài sang nước Thái Lan, thọ giới Tỳ Khưu tại chùa Paknam ở Bangkok. Vì thấy Ngài chuyên tâm hành đạo, nên vị thầy tế độ đặt pháp danh cho Ngài là TỊNH SỰ (Santakicco). Nơi đây, Ngài chấp trì nghiêm túc hạnh Đầu đà (Dhutanga), hành Thiền Chỉ (Samatha), tu Thiền Quán (Vipassana) và học Luận A-tỳ-đàm (Abhidhamma) đến sáu năm bảy tháng mới trở về Việt Nam.

 

Khi bốn mươi lăm (45) tuổi, Ngài về trụ trì chùa Viên Giác lại như trước, nhưng bây giờ, Ngài thay đổi sinh hoạt chùa, từ hình thức lẫn nội dung, hoàn toàn hành trì theo truyền thống Phật giáo Nam Tông. Trong thời gian trụ trì tại chùa Viên Giác, Ngài dịch Tạng Luật, các bộ Kinh Tạng, dạy Pháp học Siêu Lý và Pháp hành Tứ Niệm Xứ.

 

Lúc năm mươi chín (59) tuổi, Ngài về trụ trì chùa Siêu Lý tại Phú Định, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Ngài mở trường Phật học, chuyên dạy môn Abhidhamma và dịch các sách giáo khoa Phật học như: Vô Tỷ Pháp sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng và tạng A-tỳ-đàm.

 

Đến bảy mươi (70) tuổi, Ngài mới hoàn thành các dịch phẩm nói trên.

 

Qua năm bảy mươi mốt (71) tuổi, Ngài thọ bệnh tại chùa Siêu Lý ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi về chùa Viên Giác ở Vĩnh Long dưỡng bệnh.

 

Đêm mùng 6 tháng 5 năm Giáp Tý, Ngài thọ bệnh kiết lỵ. Đến nữa đêm, Ngài gọi Chư Tăng đến ban lời di huấn và gởi lời sám hối phổ thông đến toàn thể Chư Tăng trong Giáo Hội, rồi gom tâm an trú trong Chánh niệm, Tỉnh giác. Lúc 6 giờ 15 phút, sáng ngày mùng 7 tháng 5 ÂL (nhằm ngày 5 tháng 6) năm 1984, Ngài đang ngồi với sư Giác Tâm, bỗng Ngài ngước lên nhìn trần nhà và mĩm cười rồi tịch.

 

Sự nghiệp Đạo pháp của Ngài có thể kể tóm lược như sau :

 

A. DỊCH PHẨM

 

    - Bộ Pháp Tụ (Dhammasangini)

    - Bộ Phân tích (Vibhanga)

    - Bộ Chất Ngữ (Dhātukāthā)

    - Bộ Nhơn Chế Định (Puggalapaññatti)

    - Bộ Ngữ Tông (Kāthāvatthu)

    - Bộ Song Đối (Yamaka)

    - Bộ Vị Trí (Patthāna)

 

    - Diệu Pháp Lý Hợp (Abhidhammatthasangaha)

    - Vô Tỷ Pháp Sơ Đẳng

    - Vô Tỷ Pháp Trung Đẳng

    - Vô Tỷ Pháp Cao Đẳng

    - Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)

 

B. TẠO TỰ

 

    - Chùa Viên Giác

    - Chùa Pháp Độ

    - Chùa Long Linh

    - Chùa Trúc Lâm

    - Chùa Giác Phước

    - Chùa Siêu Lý

    - Chùa Thiền Quang I

    - Chùa Thiền Quang II

    - Chùa Tứ Phương Tăng

 

C. TẠO TĂNG

 

    Ngài cho xuất gia hằng trăm vị Tăng sĩ. Vị đệ tử đầu tiên là Tỳ khưu Hòa Thiện, vị đệ tử cuối cùng là Sa-di Chánh Tâm.

Sự ra đi của Ngài đã để lại cho toàn thể Tăng Tín đồ một niềm kính tiếc vô biên.

 

(Trích trang web Diệu Pháp, http://www.dieuphap.com)

 

-ooOoo-

24-03-2019 - 3423 lượt xem

Các bài viết khác

back-to-top.png