Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

Tìm Hiểu Về Niết Bàn

TÌM HIỂU VỀ NIẾT-BÀN

(ON THE NATURE OF NIBBĀNA)

 

“Bản Chất của Niết-bàn” hay “Tìm Hiểu Về Niết-Bàn” là một cuốn sách Pháp nói về những gì liên quan đến Niết-bàn. Nó bao gồm phương pháp căn bản thực hành minh sát thực tiễn cũng như cách làm thế nào để thành tựu sự bình yên của Niết-bàn trong khi hành thiền minh sát. Những chỗ Pāḷi và Chú Giải khó hiểu đã được Tôn giả Mahāsi Sayadaw, tác giả của cuốn sách, làm cho rõ ràng và chính xác hơn. Có thể nói cuốn sách cung cấp những chỉ dẫn trong sáng, dễ hiểu cho những hành giả nào đang hành theo tà đạo với những quan niệm lầm lạc giúp họ đặt chân lên Chánh Đạo. Có thể dẫn ra đây một ví dụ, Sayadaw đã chỉ dẫn rõ ràng rằng nếu ngay lúc ban đầu hành thiền các hiện tượng xảy ra tại sáu cửa giác quan không thể ghi nhận được, thời một trong những thân hành rõ rệt nhất phải được ghi nhận trước, nghĩa là trong khi đang đi, hành động đi và sự chuyển động của tứ chi phải được quán sát và ghi nhận trước; đối với các thân hành (hoạt động của thân) khác cũng làm như vậy. Do đó, hiện tượng rõ rệt nhất của sắc (rūpa), đó là sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, được xem như nổi bật nhất để hành giả ghi nhận. Chỉ khi định (samādhi) có được đà hay lực đẩy tới thì tất cả mọi hiện tượng khác xuất hiện tại sáu cửa giác quan mới có thể được ghi nhận.

Trong cuốn sách Pháp (dhamma) này, khái niệm Niết-bàn đã được giải thích một cách đầy đủ bắt đầu từ giai đoạn chứng đắc hữu-dư y Niết-bàn (sa-upādisesa nibbāna) cho đến đích cuối cùng — vô-dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna). Khi vị A-la-hán nhập Niết Bàn vào lúc chết gọi là ‘Bát-Niết-bàn’ (Parinibbāna). Sự giải thích thêm được đưa ra là “Đức Phật thuyết rằng với sự thành tựu giai đoạn A-la-hán khi các phiền não không còn hiện hữu, nhưng tàn dư của sắc uẩn (rūpakkhandhā) vẫn còn và rằng trạng thái này được gọi là hữu-dư y Niết Bàn. Sau sự diệt độ hay ‘vô-dư-y Niết Bàn’ của một vị A-la-hán, cả tàn dư của sắc uẩn lẫn phiền não đều chấm dứt hiện hữu và các hành danh – sắc hoàn toàn tuyệt diệt. Sự chấm dứt và tuyệt diệt hoàn toàn này được gọi là vô-dư-y Niết Bàn.

Trong uốn sách này cũng như trong các bài pháp hay các bài viết về pháp của mình, Tôn giả Mahāsī Sayadaw đã giải thích cả hai phương diện — phương diện lý thuyết của pháp dựa trên kinh điển, đó là pháp học (pariyatti-pháp học), và phương diện thực tiễn của việc thực hành thiền minh sát, tức pháp hành (paṭipatti-pháp hành), nhờ đó cung cấp cho hành giả một kiến thức toàn diện về pháp. Ngài cũng nói về gánh nặng của Năm Thủ Uẩn và về gánh nặng của bất thiện pháp (akusala dhamma), của thắng hành (abhisankhāra-行作, 為作 hành tác hay vi tác), và phương pháp quăng bỏ gánh nặng để thoát khỏi mọi khổ đau phát sanh từ phiền não (kilesā), tham ái và tái sanh sau đó.

Tôn giả Mahāsī Sayadaw đã giải thích nó một cách rõ ràng và thuyết phục bằng thứ ngôn ngữ giản dị  rằng sự hiện hữu mới (tái sanh) là kết quả của thiện pháp và bất thiện pháp, hay của phước và phi phước; những kết quả của chúng được gọi là Dị Thục Quả (vipāka) trong Đạo Phật. Sự hiện hữu mới này khiến cho các hành danh và sắc uẩn có mặt và tạo ra những phiền não. Phiền não, tham ái thuộc mọi hình thức, tạo ra nghiệp (kamma). Nghiệp quá khứ đã tạo các duyên cho hiện tại, trong khi nghiệp hiện tại tạo ra các duyên (điều kiện) cho sự hiện hữu trong tương lai. Bao lâu nghiệp lực này còn tồn tại, chừng đó còn có tái sanh. Để loại trừ phiền não, nghiệp và quả của nghiệp, người ta cần phải nỗ lực để thực hành bố thí (dāna), trì giới (sīla) và hành thiền (bhāvanā) đặc biệt chú trọng đến thiền minh sát (vipassanā), loại thiền nếu thực hành cuối cùng sẽ đạt đến Đạo Quả Trí (magga-phala ñāṇa) và Niết-bàn. Vào lúc đắc đạo quả A-la-hán, tất cả nghiệp và quả của của nghiệp sẽ chấm dứt.

Liên quan đến giáo lý về Niết-bàn, Đức Phật dạy rằng: Niết-bàn là một pháp vốn là kết quả tự nhiên và chắc chắn của sự diệt tận tham ái. Và hữu ái hay sự khát khao được hiện hữu trong đời này và đời sau là một trong số những hình thức của tham ái phải được bứng gốc.

Có một số những quan niệm hiện hành về Niết-bàn theo các trường phái tư tưởng khác nhau. Một số cho rằng Niết-bàn là một thiên cung hay một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ; một trú xứ có kích thước khủng khiếp, một đô thị lớn, một vầng hào quang hay một ánh sáng chói lòa kỳ vỹ. Một số chấp vào quan niệm cho rằng Niết-bàn là một trạng thái trong đó cái ngã cá nhân bị hút hoàn toàn vào trong cái ngã vũ trụ (tiểu ngã nhập vào làm một với đại ngã),  v.v… Tất cả những quan niệm này chỉ là sự mơ tưởng phát sanh từ vô minh.

Nāgasena, Triết Gia Phật giáo vĩ đại so sánh Niết-bàn với bông sen và kết luận bằng cách nói: “Và nếu ngài hỏi, làm thế nào để biết được Niết-bàn? Tôi sẽ nói Niết-bàn được đạt đến bằng sự giải thoát khỏi khổ đau và nguy hiểm, bằng niềm tin, bằng sự bình yên, bằng sự an tịnh, bằng hỷ lạc, bằng sự tinh tế, bằng sự thanh tịnh, bằng sự tươi mát.” (Milindapañhā Mi-tiên Vấn Đáp).

“Thưa Đại Vương Niết-bàn là như vậy. Nó có thể được nhận thức bằng tâm thanh tịnh, cao thượng, chánh trực, không chướng ngại, không có những ước muốn trần tục. Có Niết-bàn, nhưng nó không thể được mô tả bằng màu sắc hay hình dạng.”

Sau hết, Niết-bàn nhắm mục đích làm cho cuộc sống của chúng ta an bình bằng cách dập tắt mọi hình thức của tham ái. Vì ngay chính ý niệm Niết-bàn đã là trạng thái tâm cùng sanh với sự an bình này. Và chính trong cái khái niệm của Đạo Phật về Niết-bàn này mà chúng ta có sự phân tích toàn diện nhất về vũ trụ. Không có sự bình an và hạnh phúc chân thực nào là khả dĩ trừ phi một người thoát khỏi những tham muốn ích kỷ và ngã mạn do ba loại ái sanh ra. Chính con đường giải thoát khỏi tham ái và đạt đến bình yên vĩnh hằng được dạy trong giáo lý về Niết-bàn này được xem như định mệnh tối cao đang chờ đợi toàn nhân loại.

Từ đầu tiên và cuối cùng về Niết-bàn được ngài Nāgasena nói trong một cụm từ: “Niết-bàn là!” Vì không có sự thảo luận nào có thể giúp một người với tâm trí hữu hạn nhận thức được cái Vô Hạn. Niết-bàn không thể được nhận thức; nó chỉ có thể được kinh nghiệm.

Hy vọng rằng sau khi đọc hết cuốn sách này một cách thấu đáo, bạn sẽ thấy được những gì Niết-bàn muốn nói mà không có bất kỳ sự mơ hồ nào. Ngài Mahāsī đã giải thích nó bằng những từ ngữ dứt khoát có thể được đúc kết như: “Niết-bàn là sự bình yên vĩnh hằng”.  Nó được tạo ra bởi sự chứng đắc A-la-hán Thánh Đạo vốn có thể đạt được bằng cách đi theo Chánh Đạo qua việc thực hành thiền minh sát (vipassanā) đích thực. Mọi dấu vết của phiền não (kilesās), nghiệp (kamma) và quả (vipāka) hoàn toàn bị xoá sạch và tuyệt diệt khi một người đạt đến Niết-bàn. Với sự hoàn thành này một trạng thái tâm được đạt đến nhờ đó mọi tham ái chuyển thành parinibbāna (Bát Niết-bàn). Đây là sự chấm dứt mọi khổ đau.

Cầu mong các bạn được an vui và giác ngộ

 

Min Swe

Thư ký

Buddha Sāsanā Nuggaha Organization

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NIBBĀNAPAṬISAMYUTTA KATHA

BẢN CHẤT CỦA NIẾT BÀN

Hay

LUẬN VỀ NIẾT-BÀN

Thiền sư Mahāsī Sayadaw

 

PHẦN I

GIỚI THIỆU

 

Phần cuối bài giảng tuần vừa rồi của tôi về Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūlavedalla Sutta), Tôi có nhắc đến cuộc đối đáp giữa nam cư sĩ Visākha và Trưởng lão ni Dhammadinnā. Visākha hỏi ”Cảm thọ lạc giống như thế nào?” Trưởng lão ni Dhammadinnā trả lời: “Nó giống như thọ khổ.” Lạc và khổ hoàn toàn đối nghịch nhau; nhưng điều mà Trưởng lão ni Dhammadinnā muốn gây ấn tượng trên nam cư sĩ Visākha là về phương diện hiện tượng, lạc và khổ là một và giống như nhau[1].

Những câu hỏi và trả lời sau đây cũng vậy:

H: Bất lạc bất khổ thọ giống như thế nào?

Đ: Nó giống như vô minh.

Khi lạc và khổ khởi lên hoặc ở thân hoặc trong tâm nó có thể dễ dàng được nhận ra. Nhưng bất khổ bất lạc hay thọ xả thì không thể cảm nhận một cách dễ dàng như vậy. Chẳng hạn, tham và sân có thể được nhận biết ngay khi chúng tự khẳng định; nhưng khi vô minh đang tác hành nó không tự hiển lộ một cách rõ ràng. Do đó, sự thể hiện của thọ xả rất giống như vô minh.

H: Vô minh giống như thế nào?

Đ: Vô minh giống như minh.

Minh ở đây có nghĩa là A-la-hán Thánh Đạo trí (ariyāmagga-ñāṇa), trong khi vô minh che đậy trí đó. Minh nhận thức Tứ Thánh Đế và truyền đạt nó đến mọi người, trong khi vô minh, không hiểu biết Tứ Đế, cố gắng che đậy chúng. Như vậy, minh ở đây là chính đề (thesis) và vô minh là phản đề (antithesis) của nó.

H: Thế nào là minh?

Đ: Đó là giải thoát (vimutti)

Vimutti (giải thoát) biểu thị kết quả của Đạo. Thực tế, Đạo (magga) và Quả (Phala) là như nhau, bởi vì chúng chỉ là những phương diện khác nhau của cùng một sự thành tựu. Quả là kết quả lợi ích của sự chứng đắc Đạo mà các bậc Thánh thành tựu. Nó là sự tái diễn. Do đó, minh và giải thoát là đồng nghĩa.

H: Vậy giải thoát giống như thế nào?

Đ: Giải thoát giống Niết Bàn.

Khi một người đắm chìm trong quả của Đạo (nhập vào thiền quả), người ấy đang trong trạng thái bình yên của Niết Bàn. Do đó Niết Bàn coi như tương đương với quả của Đạo.

H: Còn Niết Bàn giống như thế nào?

Ở giai đoạn này của câu hỏi, Trưởng Lão ni Dhammadinnā đã trừng trị Visākha. “Hiền giả đã đi quá xa!” bà nói, “Hiền giả không biết dừng lại ở chỗ hiền giả nên dừng. Theo lời dạy của Đức Phật, Niết Bàn là tối thượng. Giới, định và tuệ kết thúc ở Niết Bàn. Chúng không thể vượt qua Niết Bàn. Vì thế, lẽ ra hiền giả không nên hỏi câu hỏi Niết Bàn giống như thế nào này. Nếu hiền giả không thỏa mãn với sự giải thích của tôi, hiền giả có thể hỏi vấn đề với chính Đức Phật.”

Visākha liền đi đến Đức Phật và thuật lại với Ngài việc ông đã đặt những câu hỏi và nhận được những câu trả lời như thế nào. Đức Phật nói, “Nếu ông hỏi Ta thì Ta cũng sẽ trả lời những câu hỏi của ông y như Dhammadinnā đã trả lời mà thôi.” Đức Phật đã tán dương bà như vậy. Và đó là chỗ bài giảng của tôi chấm dứt.

Lúc đó tôi cũng nghĩ đến việc giảng một bài pháp về Niết Bàn cho quý vị hiểu. Nhưng do thiếu thời gian nên tôi không thực hiện được việc đó. Cho đến hôm nay tôi mới sắp xếp được thời gian để thuyết bài pháp này vì lợi ích của quý vị.

 

NIẾT-BÀN LÀ GÌ?

 

Niết Bàn có nghĩa là sự dập tắt hay hủy diệt. Cái gì bị dập tắt hay bị diệt? Cái khổ trong phiền não luân (kilesa vaṭṭa), nghiệp luân (kamma vaṭṭa) và quả luân (vipāka vaṭṭa) bị dập tắt hay hủy diệt. Phiền não luân bao gồm vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), và chấp thủ (upādāna). Nghiệp luân bao gồm cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp góp phần cho sự xuất hiện của vòng tử sanh luân hồi bất tận. Vòng nghiệp quả (kamma-vipāka) muốn nói đến những hậu quả của nghiệp, hoặc thiện hoặc bất thiện. Mỗi nghiệp đều tạo ra một quả gồm danh, sắc, sáu xúc xứ, thọ,…. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ chỉ là những sự thể hiện của quả nghiệp (vipāka).

Vô minh là không hiểu biết hay không nhận ra bản chất thực của hiện hữu với minh sát trí khi thấy hay nghe một cái gì. Và khi người ấy tuyên bố rằng vị ấy thấy hay nghe một cái gì, vị ấy tuyên bố như vậy với tà kiến cho rằng thực sự chính tự ngã của vị ấy thấy hay nghe. Nhưng thực tế không có cái ngã nào cả. Tà kiến này đánh lừa một người khiến họ tin rằng các pháp là thường hoặc lạc,….từ đó phát sinh tham ái, và khi ái này tăng cường độ, nó trở thành thủ. Đây là cách phiền não xây dựng lên đế chế của nó.

Ngay khi sự chấp thủ đối với các đối tượng giác quan phát triển, người ta liền ra sức nỗ lực để thỏa mãn lòng ham muốn đối với các đối tượng giác quan ấy. Sau đó các hành (saṅkhāras) sẽ bắt đầu hoạt động. Trong ngữ cảnh hiện tại saṅkhāras có thể được gọi là các hành nghiệp, vì chúng trách nhiệm cho sự tạo thành hay quyết định tính chất của nghiệp. Như kết quả của các hành này, khi cái chết xảy ra trong tiến trình hiện hữu, chắc chắc nó sẽ được theo sau bởi sự tái sanh, vì tâm tục sanh (paṭisandhi citta), khởi lên ngay sau tâm tử (cuti citta). Cái chết được theo sau bởi sự trở thành hay tái sanh. Nói cách khác, một kiếp sống mới bắt đầu. Có thể nói sự tái sanh này là kết quả của các hành nghiệp vốn tạo ra thức, danh, sắc, lục nhập (sáu xúc xứ), xúc, thọ,… liên tục không ngừng.

Do đó, duyên quả luân (vipāka vaṭṭa), phiền não luân (kilesa vaṭṭa) sanh; và duyên phiền não luân, nghiệp luân (kamma vaṭṭa) sanh. Ba luân này cứ xoay vần không dứt trong suốt cuộc luân hồi bất tận. Chỉ khi minh sát trí được áp dụng để thực hành việc ghi nhận các hiện tượng sanh diệt của các uẩn thì tâm Đạo mới được phát triển và Niết-bàn mới được đưa đến gần. Ở giai đoạn này, vô minh, cùng với phụ tá trung thành của nó là phiền não, bị hủy diệt. Khi phiền não vắng mặt thời không có nghiệp mới nào có thể được tạo thành. Bất kỳ tàn dư của nghiệp nào còn tồn tại sau sự hủy diêt của phiền não cũng sẽ bị làm cho vô hiệu hay không còn hiệu quả. Đối với một bậc A-la-hán, sau tâm tử sẽ không có kiếp sống mới nào được hình thành. Bởi vì có sự cắt đứt hoàn toàn sợi dây hiện hữu biểu thị cho sự huỷ diệt trong cái thấy Niết-bàn.

Vì thế, sự định nghĩa về Niết-bàn sẽ là như vầy:

Nibbāti vaṭṭadukkham etthāti nibbānaṃ, nibbāti vaṭṭadukkham etasmim adhigatehi va nibbānam.

Trong Niết-bàn, khổ luân (vòng khổ đau ) chấm dứt một cách bình yên. Vì thế diệt khổ là Niết-bàn. Nói cách khác, khi A-la-hán thánh Đạo được đạt đến, khổ luân chấm dứt. Tóm lại, chỉ cần lưu ý điều này ­— Niết-bàn là đồng nghĩa với sự bình yên tuyệt đối. Sự huỷ diệt (tham) khiến cho phiền não luân, nghiệp luân và quả luân diệt hoàn toàn.­Chú giải nói rằng trạng thái mát lạnh bình yên hay Santi (An Tịnh) là một đặc tính của Niết-bàn. Khi sự mát lạnh xảy ra thì than hồng của khổ bị dập tắt. Nhưng cái phải được ghi nhận với nỗ lực chuyên cần là sự huỷ diệt hoàn toàn của tam luân — phiền não luân, nghiệp luân và quả luân vốn luôn luôn tạo ra danh, sắc, hành nghiệp,…

Trong Kinh Châu Báu (Ratana Sutta), sự huỷ diệt này được mô tả như dập tắt ngọn lửa. “Nibbāti dhīrā yathāyam padīpo,” (‘Bậc trí chứng Niết-bàn ví như ngọn đèn tắt’). Với những người có trí tuệ giống như các bậc Thánh A-la-hán, tất cả hữu (sự trở thành hay tái sanh) đều bị dập tắt giống như cách ngọn đèn bị tắt vậy. Những nghiệp cũ của họ sau khi đã kiệt quệ, không có nghiệp mới tạo ra tái sanh nào có thể sanh khởi. Như vậy ngọn lửa hiện hữu đã bị dập tắt.

 

KINH BẢO HỘ CHÂU BÁU

(RATANA SUTTA PARITTA)

 

Một đoạn kệ có liên quan trong Kinh Châu Báu nói như vầy:

Khīnaṃ purā naṃ navaṁ natthi sambhavaṁ

Virattacittā yatike bhavasmiṁ

Te khīṇabijā avirūḷhichanda

Nibbanti dhārā yathā yaṁ padīpo

(Nghiệp cũ đã tiêu mòn,

Nghiệp mới không sanh khởi

Nhàm chán kiếp lai sanh,

Chủng tử dục đoạn tận

Bậc trí chứng Niết-bàn

Ví như ngọn đèn tắt.)

 

Bậc thánh A-la-hán diệt phiền não với sự huỷ diệt mọi dấu vết của chúng bằng Thánh Đạo. Và Thánh Đạo này được thành tựu nhờ minh sát trí mà vị ấy đạt được qua việc hành thiền minh sát ghi nhận sự sanh-diệt của danh và sắc xuất hiện ở sáu cửa giác quan. Một khi đã thoát khỏi các kiết sử, bậc A-la-hán không còn phạm vào bất cứ điều ác nào nữa, mặc dù vị ấy vẫn tiếp tục làm các nghiệp công đức một cách bình thường. Vị ấy làm điều thiện theo một số cách. Chẳng hạn, vị ấy thuyết Pháp hay lắng nghe người khác thuyết Pháp. Vị ấy thường xuyên lễ bái Đức Phật và các bậc Trưởng Lão. Vị ấy bố thí đồ ăn uống và y phục một cách dồi dào đến những ai cần. Vị ấy hành Giới, Định, Tuệ với lòng mộ đạo. Nhưng vì vị ấy không có những phiền não như mọi người nên những nghiệp công đức này không có hiệu lực cho quả. Tất cả những điều thiện vị ấy làm đều không cho quả. Do không có nghiệp mới nên không có kiếp sống mới đối với vị đã đặt chân lên Thánh Đạo (A-la-hán).

Tôi để ý thấy có những người cư sĩ dốt nát không những đã giải thích sai kinh điển mà còn thuyết giảng cho những người theo họ rằng không nên tạo tác thiện nghiệp (hay làm những nghiệp công đức) vì thường thì các bậc Thánh A-la-hán không làm. Nếu những lời dạy này được người ta tin và hành theo thời họ sẽ không có được chút phước báu nào; thay vào đó, họ sẽ chỉ làm những điều sẽ dẫn họ xuống bốn cõi khổ mà thôi. Bạn có thể cố ý tránh làm điều thiện. Nhưng điều đó có thể không gây hại gì cho bạn, bởi vì việc tránh đó không tạo ra những phản ứng. Tuy nhiên một khi bạn nhượng bộ cho điều ác, bạn sẽ có khuynh hướng đắm chìm trong điều ác mà không cảm thấy e sợ hay hối hận, do bị xúi giục bởi tham, sân, si, ngã mạn và tà kiến. Những ác nghiệp của bạn chắc chắn sẽ dẫn đến những ác quả tương xứng, trong trường hợp đó bạn sẽ bị dẫn độ vào những cõi khổ sau khi chết.

 

RA LỆNH NGỪNG TẠO NGHIỆP

 

Nếu bạn thực sự muốn ra lệnh cho nghiệp mới ngừng sanh khởi vào lúc nghiệp cũ diệt, bạn phải hành thiền minh sát với ý định chứng đắc Đạo Quả. Tôi sẽ nói cho bạn biết cách hành như thế nào. Trước tiên bạn phải thành thạo trong việc giữ giới.  Sau khi giới đã được làm cho vững chắc, bạn phải có được trí tuệ thiền định để hoàn thiện thiền của mình. Nếu bạn có một bậc thiền (jhāna) nào đó thì tốt; vì với thiền định làm nền tảng bạn có thể nỗ lực hành minh sát một cách dễ dàng hơn. Nhưng cho dù bạn không thể tập trung vào thiền định, bạn vẫn có thể thực hành bài tập canh chừng sáu cửa giác quan và ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc, hợp với những chỉ dẫn trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta).

Xét cho cùng thì việc ghi nhận này tự thân nó đã là thực hành thiền minh sát. Trước khi bạn có thể ghi nhận được tất cả những gì đang xảy ra tại sáu cửa giác quan, lúc ban đầu bạn nên ghi nhận bất cứ sự chuyển động nào của thân mà bạn thấy dễ ghi nhận nhất. Chẳng hạn, nếu bạn đang đi, hãy bắt đầu hành minh sát với việc ghi nhận hiện tượng đi. Nếu bạn đang ngồi hãy biết rõ chính cái hành động ngồi của bạn. Bắt đầu với sự chuyển động của thân nào, như tôi đã nói, dễ cảm thấy nhất. Riêng tôi thì tôi khuyên hành giả (yogis) nên ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của thành bụng khi chúng ta thở vào và thở ra. Trong khi bạn đang ghi nhận sự chuyển động của bụng có thể tâm bạn sẽ phóng đi. Bạn có thể nghĩ về chuyện này chuyện nó, hay bạn có thể tưởng tượng mọi thứ. Hãy ghi nhận sự suy nghĩ và tưởng tượng này. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi. Hãy ghi nhận sự mệt mỏi này. Bạn có thể cảm thấy nóng hay đau khi gắng sức. Hãy ghi nhận sự sanh và diệt của những cảm giác này. Khi thấy bạn ghi nhận hiện tượng thấy hay khi nghe ghi nhận hiện tượng nghe. Khi bạn cảm giác những cảm thọ lạc bạn cũng phải ghi nhận chúng.

 

TÂM THANH TỊNH

 

Lúc mới đầu hành thiền minh sát (vipassanā), định lực của bạn còn yếu. Vì thế tâm bạn có thể đi chệch ra ngoài đối tượng thiền. Khi tâm lang thang hay phóng tâm, hãy ghi nhận sự lang thang của nó. Khi bạn lập đi lập lại việc ghi nhận các hiện tượng nhiều lần, định lực của bạn sẽ càng lúc càng trở nên mạnh hơn, và tâm bạn lúc đó không thể rời khỏi đối tượng mà bạn đang ghi nhận nữa, mà sẽ hợp nhất với nó. Thỉnh thoảng bạn có thể tưởng tượng thế này thế kia. Hãy ghi nhận nó ngay lập tức và cuối cùng bạn sẽ quen với tiến trình suy nghĩ này. Ngay khi bạn nhận ra mình đang trong tiến trình suy nghĩ hay tưởng tượng, hãy ngừng suy nghĩ về nó và đưa tâm đến sự phồng xẹp của bụng liền. Lúc này bạn sẽ nhận ra rằng tâm ghi nhận đối tượng ở sát-na hiện tại được đi trước bởi tâm ghi nhận tương tự đã qua và rằng nó đang được theo sau bởi tâm sẽ làm cái việc ghi nhận tương tự ở sát-na kế tiếp. Khi tâm hoàn toàn bận rộn với việc ghi nhận đối tượng trong mọi lúc nó sẽ trở nên thanh tịnh. Và điều này được gọi là citta visuddhi hay tâm thanh tịnh.

 

KIẾN THANH TỊNH

 

Khi tâm đã được làm cho thanh tịnh như vậy, nó sẽ trong sáng, có thể nhận biết các đối tượng giác quan một cách rõ ràng. Sự trong sáng này sẽ đưa bạn đến chỗ thấy rõ rằng tâm ghi nhận khác biệt với các đối tượng giác quan đang được ghi nhận. Sau khi tập đi tập lại nhiều lần, hành giả sẽ đi đến kết luận rằng chỉ có hai thứ trong toàn bộ tiến trình ghi nhận này, đó là tâm biết và đối tượng được biết. Ở giai đoạn này hành giả kể như đã phát triển được trí hiểu biết về thực tại của các hiện tượng do phân tích các uẩn thành danh và sắc (nāmarūpapariccheda ñāṇa – danh-sắc phân tích trí). Một khi trí này thành thục, Kiến Thanh Tịnh (diṭṭhi visuddhi) kể như đã thành tựu.

 

THẨM SÁT TRÍ

 

Khi quan kiến của một người đã được thanh tịnh, và khi họ tiếp tục hành thiền minh sát ghi nhận các hiện tượng sanh diệt của danh và sắc, họ sẽ phân biệt được nhân và duyên cho danh sắc. Sự phân biệt này gọi là nhân duyên phân biệt trí (paccayapariggaha ñāṇa). Trí này tẩy sạch mọi hoài nghi; và giai đoạn thanh tịnh này được gọi là đoạn nghi thanh tịnh (kaṅkhāvitaraṇa visuddhi), sự thanh tịnh nhờ vượt qua hoài nghi. Nếu hành giả tiếp tục hành thiền thêm nữa, hành giả sẽ nhận ra rằng các đối tượng của sự quan sát sanh khởi đi sanh khởi lại liên tục và biến mất ngay sau khi xuất hiện. Ghi nhận tất cả những điều này, hành giả có thể phân biệt được ba giai đoạn của hiện tượng, đó là giai đoạn sanh, giai đoạn trú và giai đoạn diệt. Điều này có nghĩa là danh sắc đang xảy ra hiện giờ là do quá khứ làm duyên, và nó cũng sẽ làm duyên cho danh sắc trong tương lai. Giai đoạn trí này thẩm sát các uẩn như những tập hợp; và kết quả của sự thẩm sát như vậy nhất định sẽ là sự phát hiện ra rằng những gì xuất hiện và biến mất là vô thường, khổ và vô ngã. Trí thẩm sát này trong Pāḷi gọi là samāsana ñāṇa.

 

TRÍ THẤY SỰ SANH VÀ DIỆT CỦA CÁC UẨN

 

Khi hành giả tiếp tục ghi nhận và quan sát sự sanh và diệt của các uẩn qua sáu cửa giác quan, niệm (sati) sẽ có được sức mạnh và hành giả nhận ra sự sanh và diệt ngay tức thời khi chúng xảy ra. Nhờ đó vị ấy làm vững chắc thêm tịnh và hỷ (pītipassadhi). Trí thấy sự sanh diệt của danh sắc này là sanh diệt trí (udayabba ñāṇa).

Quan sát thêm nữa, bản chất rỗng không của các pháp hữu vi sẽ hiển lộ  cùng với sự biến mất của hình tướng và thực chất của chúng . Cả tâm biết và đối tượng biết tan rã nhanh như khi chúng xuất hiện. Trí liên quan đến sự diệt của các pháp này được gọi là diệt trí (bhaṅga ñāṇa).

 

  NHẬP LƯU

 

Sự gắn tâm vào Diệt Trí (bhaṇga ñāṇa) làm cho trí này phát sanh cái nhìn vào các pháp đang tan hoại với sự sợ hãi hoặc ghê tởm. Vì thế nó sẽ dẫn đến sự phát triển hành xả trí (saṇkhāruppekkhā ñāṇa), tức trí bình thản đối với tất cả pháp hữu vi, xem tất cả các hành nghiệp như không đáng ghê tởm cũng không đáng ưa thích. Khi trí hành xả này phát triển nhờ tiếp tục thực hành thiền minh sát, tâm biết bị hút vào sự diệt của tất cả danh, sắc và các hành (hành nghiệp). Sự chứng đắc trí này là sự chứng đắc Thánh Đạo và Thánh Quả. Khoảnh khắc giai đoạn này được đạt đến, dù chỉ một lần duy nhất, người hành thiền liền trở thành một bậc Nhập Lưu (Sotāpanna). Với vị ấy tất cả nghiệp quá khứ đi đến chấm dứt; và nghiệp bất thiện mới vốn có thể kéo vị ấy xuống bốn ác đạo cũng không phát sanh.  

Nếu một bậc Nhập Lưu tiếp tục hành thiền minh sát và phát triển minh sát trí bắt đầu với sanh diệt trí (udayabbaya ñāṇa), vị ấy sẽ chứng đắc Thánh Đạo và Thánh Quả phù hợp với một bậc Nhất-Lai và trở thành Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmi).

Tiếp tục hành thiền minh sát, bậc Nhất Lai tiến lên giai đoạn kế tiếp như một bậc Thánh Bất Lai (anāgāmi). Ở giai đoạn này, tất cả những nghiệp quá khứ có thể dẫn vị ấy đến cõi dục, kāmabhava (dục hữu), sẽ chấm dứt và không nghiệp mới nào hướng vị ấy xuống bốn ác đạo có thể sanh. Ở đây người ta có thể hỏi liệu những thiện nghiệp (kusala kammas) thuộc dục giới (kāmāvacara) có thể không sanh khởi được không. Chắc chắn những thiện nghiệp ấy sẽ xuất hiện, nhưng vì chúng không đi kèm với dục ái, kāmabhava (dục hữu), hay mong muốn tái sanh trong cõi dục, nên họ sẽ không trở lại (cõi dục). Nhưng một câu hỏi khác lại nảy sanh là liệu những thiện nghiệp dục giới ấy có không cho quả không. Do việc mọi nghiệp phải tạo ra quả, nên chắc chắn chúng sẽ tiếp tục tạo ra quả; nhưng trong trường hợp này quả sẽ là Thánh Đạo và Thánh Quả. Điều này có thể được biết từ câu chuyện của gia chủ Ugga

 

ĐẠO QUẢ A-LA-HÁN NHỜ BỐ THÍ

 

Một lần nọ, gia chủ Ugga, đặt bát đến Đức Phật và các vị đệ tử của ngài, nguyện rằng ông làm việc bố thí (dāna) này với mục đích đắc được những gì ông xem là phần thưởng cao quý nhất. Phải nhớ rằng, vào lúc thực hành pháp bố thí ấy, ông đã là một bậc thánh Bất Lai; và như vậy phần thưởng cao quý nhất mà ông nghĩ trong tâm đương nhiên sẽ là Đạo Quả A-la-hán, giai đoạn kế tiếp mà một bậc Thánh A-na-hàm nguyện đạt đến. Khi ông chết, ông được tái sanh làm một vị Phạm Thiên (Brahma) trong cõi Tịnh Cư Thiên (Suddhāvāsa). Nhớ đến Đức Phật, ông đi xuống quả đất để đảnh lễ bậc Đạo Sư. “Thế nào rồi!” Đức Phật hỏi: “Ông đã hiểu rõ những gì ông yêu quý nhất chưa?” Vị Phạm thiên trả lời, “Có, con đã hiểu.” Không lâu sau đó ông đắc Đạo Quả và trở thành một bậc Thánh A-la-hán. Điều này cho thấy rằng một bậc A-na-hàm có thể chứng đắc Đạo Quả như kết quả của thiện nghiệp vị ấy đã làm lúc sinh thời của vị ấy ở cõi dục.

 

ĐẠO QUẢ A-LA-HÁN NHỜ THIỀN MINH SÁT

 

Mặc dù Đạo Quả A-la-hán có thể được thành tựu nhờ bố thí (dāna) như đã nói, nhưng phải nhớ rằng nó không đến một cách tự nhiên hay tự động không cần phải hành thiền minh sát. Một vị Bất Lai vẫn phải hành thiền với ý định chứng đắc Đạo Quả thích hợp với một bậc A-la-hán. Nếu tiếp tục hành thiền minh sát vị ấy sẽ thấy Niết-bàn. Một khi đã trở thành bậc A-la-hán, mọi phiền não như vô minh và tham ái bị huỷ diệt hoàn toàn. Tất cả nghiệp quá khứ của vị ấy chấm dứt. Ở giai đoạn này, vị ấy có thể hành bố thí, giữ giới, thiền minh sát, v.v…, như thói quen của vị ấy; nhưng tất cả những thiện nghiệp này, do không còn phiền não, nên không tạo ra quả. Chúng ta có thể nói rằng tất cả nghiệp của vị ấy đều trở thành vô hiệu lực (trên phương diện cho quả).

Hàng phàm nhân có một sự dính mắc rất lớn đối với thế gian mà họ đang sống trong đó. Họ muốn có một cuộc sống không bị quấy nhiễu bởi già, bệnh và chết. Nhưng họ vẫn phải bị chi phối bởi quy luật tử sanh. Vì vậy họ phải chết. Nhưng khi họ chết họ lại mong muốn được tái sanh trong một thế giới khác tốt đẹp hơn cái thế giới mà họ bỏ lại đằng sau. Ngay cả những bậc Nhập Lưu và Nhất Lai cũng không thể loại trừ được sự dính mắc này một cách hoàn toàn. Chẳng hạn, những bậc Bất Lai sau khi chết vẫn nguyện được tái sanh lên các cõi Phạm Thiên Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới. Đó là lý do vì sao sau khi từ bỏ cõi đời này các vị tái sanh lên các cõi Phạm Thiên ấy. Với các bậc A-la-hán, không còn khao khát hay tham ái đối với sự sống.

 

KHÔNG KHAO KHÁT CHẾT CŨNG KHÔNG KHAO KHÁT SỐNG

 

Bài kệ sau đây thường được các vị A-la-hán nói lên trong niềm vui thành tựu (Đạo Quả A-la-hán) của họ:

Nābinandāmi maraṇaṃ

Nābinandāmi jīvitaṃ,

Kālanca paṭikankhāmi,

Nibbisaṃ bhatako yathā.

 

Ta không khao khát chết

Cũng không khao khát sống;

Ta chờ thời Niết Bàn

Như người làm chờ lương

(Ta không mong muốn chết cũng không khao khát sống; Nhưng ta háo hức chờ đến thời (để nhập Niết Bàn) cũng giống như người làm công ăn lương chờ tới ngày được người ta trả lương cho mình vậy.)

 

Những người không có đức tin thường xuyên tạc hạnh phúc của Niết Bàn bằng cách nói rằng chính những người nói về Niết Bàn cũng hoài nghi về tính xác thực của nó. Họ lý luận “Một người làm điều thiện được nói là có thể sanh vào cõi chư thiên hay chứng nhập Niết Bàn sau khi chết. Nếu sự tình là vậy, sẽ chẳng phải tốt hơn cho những người giới đức ấy tự kết liễu mạng sống của mình để được thành tựu hạnh phúc cõi trời nhanh hơn hay sao? Nhưng sự thực là chẳng ai dám từ bỏ mạng sống hiện tại của mình vì hạnh phúc (Niết-bàn) tương lai cả. Điều này cho thấy rằng không người nào thực sự tin vào những gì bản thân họ thuyết giảng.” Tuy nhiên ở đây, những người chỉ trích không có hảo ý này đang làm việc trên những tiền đề sai lạc. Một bậc A-la-hán không có mong muốn đối với cái được gọi là  hạnh phúc trong kiếp kế sau khi ngài nhập Niết-bàn. Thực tế là vị ấy không mong muốn chết cũng không mong muốn sống. Về phương diện đó vị ấy giống như một người làm công ăn lương đề cập trong bài kệ ở trên. Một người là công ăn lương làm việc không phải vì người ấy yêu thích công việc của mình. Lý do duy nhất tại sao người ấy làm việc là người ấy sợ mất việc. Nếu mất việc anh ta có thể tìm đâu ra cơm ăn áo mặc cho bản thân mình? Vì thế anh ta phải cẩn thận để giữ công việc cho mình, tuy nhiên vẫn trông chờ ngày phát lương. Tương tự như vậy, một vị A-la-hán không có sự ưa thích đối với chết cũng không có sự ưa thích đối với sống. Vị ấy chỉ chờ thời nhập vô dư Niết-bàn, sự huỷ diệt của năm uẩn, vì chỉ khi vị ấy thành tựu bát Niết-bàn vị ấy mới có thể quăng bỏ được gánh nặng (năm uẩn) này.

Các vị A-la-hán xem sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn như gánh nặng. Thân này phải được chăm sóc và nuôi dưỡng, phải được mặc quần áo và cho ăn. Nó không những phải được cho ăn với đồ ăn mà còn phải có những đối tượng hấp dẫn các giác quan (căn) của nó nữa. Nó phải thường xuyên được củng cố với bốn oai nghi (iriyapatha), đi, đứng, nằm, ngồi. Nó phải được hít thở để sống. Thực vậy, vì sức khoẻ của nó, nó phải thường xuyên được chăm sóc. Đối với các vị A-la-hán tất cả những công việc này là gánh nặng.

Chỉ nói riêng kiếp cuối cùng của vị A-la-hán (trước khi chứng đắc Niết-bàn), từ lúc kiết sanh thức khởi lên khi thụ thai trong bào thai người mẹ vị ấy đã phải đeo mang cái gánh nặng năm uẩn này. Và từ lúc đó trở đi các hành nghiệp bắt đầu vận hành và do sự vận hành này mà danh-sắc (nāma-rūpa) phát sanh không ngừng. Tái sanh là do nghiệp (kamma) và các phiền não thừa hưởng từ quá khứ tạo ra. Nhìn từ kiếp sống hiện tại, vị ấy chỉ là sản phẩm của các uẩn quá khứ, nó hình thành như kết quả của nghiệp và phiền não quá khứ. Càng nghiên cứu sâu thêm vào quá khứ theo cách này, bạn sẽ càng khám phá ra rằng chỉ có các hiện tượng sanh khởi không ngừng của các uẩn mà thôi. Do đó, bạn không bao giờ có thể biết được “sự hiện hữu” bắt đầu khi nào.

Hãy nghĩ xem cái nào bắt đầu trước, quả trứng hay con gà, và hột xoài hay cây xoài. Con gà đẻ ra trứng từ đó nở ra những con gà con, rồi những con gà con này lớn lên thành những con gà mái đẻ; tiến trình này cứ tiếp diễn vô cùng tận và người ta không bao giờ biết được đâu là thuỷ tổ. Điều này cũng có thể áp dụng cho trường hợp cây xoài và hột xoài.

Có lẽ, người ta có thể đưa ra quan điểm cho rằng con gà và cây (xoài) là khởi thuỷ, hiện hữu ngay lúc bắt đầu của thế gian. Nhưng khi xét đến các uẩn danh-sắc, bạn không bao giờ có thể biết được sự khởi đầu của chúng. Sau khi đã mang lấy gánh nặng năm uẩn từ cái thời vô thủy này, một vị A-la-hán chỉ ôm ấp một ước nguyện duy nhất, đó là, trút bỏ cái gánh nặng này khỏi đôi vai khi thời nhập Niết Bàn (pari-nibbāna) đến mà thôi.

Hàng phàm phu dưới sự thống trị của các phiền não phải chấp nhận cái gánh nặng từ lúc tâm tử nối tiếp với tâm tục sanh không biết bao nhiêu lần trong suốt vòng luân hồi này. Gánh nặng đã nặng càng trở nên nặng hơn khi luân hồi tiếp diễn. Với các vị A-la-hán, vì không khao khát đối với sự hiện hữu tương lai, chủng tử dục tàn héo và sự tái sanh mới không thể xảy ra. Như vậy gánh nặng được nhẹ đi. Đây là điều khao khát của các vị.

 

TÁI SANH DO THAM ÁI

 

Ám ảnh với tham ái, con người chấp thủ mãnh liệt vào kiếp sống hiện tại của họ. Nếu chết có thể được miễn trừ, họ muốn được sống một cách vĩnh hằng. Và nếu đó là điều không thể xảy ra, họ thích được bắt đầu một kiếp sống mới đúng theo nghĩa đen. Vì thế con người khó có thể chấp nhận ý tưởng về sự không tái sanh. Đối với họ chính nghiệp (kammas) làm mới các uẩn của họ với thức tái sanh sau khi tâm tử đã hoàn tất lộ trình của nó. Do không có tham ái đối với một kiếp sống mới, bậc A-la-hán ước muốn chấm dứt các uẩn của mình. Ước muốn một kiếp sống mới là tham ái (taṇhā). Ước muốn đối với sự huỷ diệt là duy tác dục (kiriyā chanda), một loại tâm không cho quả. (Những thiện nghiệp của Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán được gọi là kiriyā (duy tác) bởi vì những hành động đó không tích luỹ nghiệp do đã vượt qua thiện  ác). Ở đây chúng ta cần lưu ý sự khác nhau giữa taṇhā (tham ái) và chanda (dục hay ước muốn). Tham ái thì năng động còn dục thụ động; một cái thì mong muốn hiện hữu còn cái kia mong muốn chấm dứt sự hiện hữu hay chấm dứt tái sanh luân hồi.

 

          KHÔNG THAM ÁI, KHÔNG TÁI SANH

 

Với các bậc thánh A-la-hán, do không có tham ái, hạt giống của nghiệp thức (kammaviññāṇa), khô héo và chết. Nghiệp thiện hay bất thiện là mảnh đất; tâm tạo-nghiệp là nước và phân. Khi một người sắp chết, họ nhớ lại những hành động (nghiệp) thiện hoặc ác mà họ đã làm trong cuộc sống của mình. Lại nữa, người ấy có thể thấy những cảnh sắc hay nghe những âm thanh kết hợp với những nghiệp của mình. Đây là thấy nghiệp tướng (kamma-nimitta). Trong một vài trường hợp, người sắp chết có thể thấy những tướng hay biểu tượng báo trước số phận của họ sau khi chết. Đây là thú tướng (gati-nimitta — thú tướng, nơi họ sẽ đi đến sau khi chết).

Ở đây, cho phép tôi thêm vào một ghi chú để làm sáng tỏ ý nghĩa của từ kammaviññāṇa. Nó là một từ đồng nghĩa với abhisaṅkhāraviññāṇa (thắng hành tâm) vốn tự khẳng định vào lúc sắp chết như tốc hành tâm cận tử (maranāsanna javaṇa), với sự bổ sung của nghiệp thiện hoặc bất thiện. Nó không vô hiệu lực giống như tâm duy tác (kiriya citta) mà là tâm tích cực. Và vì thế nó tiếp nhận các đối tượng giác quan vào lúc chết và khiến cho kiết sanh thức (paṭisandhiviññāṇa) khởi lên sau khi chết. Điều này hợp với lời dạy trong  Kinh Điển Pāḷi: “Duyên hành (nghiệp) thức sanh, ‘saṅkhāra paccaya viññāṇaṃ’.” Đối với các bậc A-la-hán vào lúc Bát Niết-bàn nghiệp thức (tâm nghiệp) không có chỗ mà chỉ có các tâm duy tác (kiriya cittas) vốn không thể tạo ra bất kỳ quả nào xuất hiện. Khi tâm Bát Niết-bàn thực sự sanh khởi, không có kiết sanh thức, không có danh (nāma), không có sắc (rūpa) nào có thể xuất hiện trở lại. Do đó, có thể nói rằng không có hữu (tái sanh) nào sanh khởi bởi vì hạt giống của nghiệp thức không có mặt hay vô hiệu lực. Những người có học Kinh Điển Pāḷi phải nhớ điều này.

Khi một vị A-la-hán sắp nhập Niết-bàn, vị ấy không bị quấy rầy bởi nghiệp (kamma), nghiệp tướng (kamma-nimitta) và thú tướng (gati-nimitta). Tâm tích cực cũng không hoạt động, và do đó không quả nghiệp nào có thể ngóc đầu lên được. Chỉ có những tâm duy tác kết hợp với thiền minh sát hoạt động. Ngoài những tâm duy tác ra chỉ có tâm tử thuộc Parinibbāna, và khi vị A-la-hán thực sự Niết-bàn thì hạt giống nghiệp trở thành vô hiệu lực. Do đó, có một sự huỷ diệt hoàn toàn của hiện hữu.

 

GIỐNG NHƯ NGỌN ĐÈN TẮT

 

Một lần nọ, theo chỉ dẫn của Đức Phật, Tôn-giả Ānandā đã tụng Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) khi đi quanh kinh thành Vesāli. Trong khi tụng ngọn lửa của một cây đèn dầu đang cháy phụt tắt bởi vì dầu và tim (bấc) đã hoàn toàn cạn. Tôn-giả Ānandā quan sát “Giống như ngọn đèn này đã bị tắt, tất cả pháp hữu vi cũng đã bị dập tắt (trong vị A-la-hán).” Ngọn lửa có mặt nhờ bấc và dầu. Nếu cây đèn được đổ đầy dầu mới và thay bấc mới, ngọn đèn sẽ tiếp tục tỏa sáng. Khi quan sát kỹ một ngọn lửa người ta sẽ thấy rằng sự đốt cháy được hỗ trợ liên tục bởi dầu do bấc hút lên. Những người quan sát ngẫu nhiên để ý thấy toàn bộ hiện tượng (cháy) chỉ là một tiến trình liên tục. Theo cách tương tự, các uẩn (khandhas), do nghiệp (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu), và vật thực (āhāra) tạo ra, được làm mới lại liên tục, lúc sanh lúc diệt. Nếu bạn muốn biết trạng thái tự nhiên này, hãy duy trì ghi nhận bất cứ điều gì xảy ra ở sáu cửa giác quan của bạn khi bạn thấy, nghe, cảm giác hay biết một đối tượng giác quan. Bạn sẽ để ý thấy rằng một hiện tượng xuất hiện và diệt ngay lập tức giống như khi nó sanh. Khi chánh niệm có được sức mạnh, bạn sẽ nhận ra sự diệt tức thời của tất cả mọi hiện tượng thấy, nghe, v.v… Đối với những người bình thường thì tất cả những hiện tượng này là liên tục. Vì vậy các uẩn (khandhas) cũng giống như một ngọn lửa (sanh diệt liên tục).

Vì sự diệt của các uẩn cũng giống như ngọn lửa bị dập tắt, những người bị ám ảnh với ý niệm về tự ngã thường nghĩ và nói rằng vị A-la-hán như một cá nhân hay con người đã biến mất. Sự thật thì cái được gọi là cá nhân con người không có căn cứ thực tế. Theo ngôn ngữ quy ước, những gì chúng ta mô tả như một cá nhân, suy cho cùng chỉ là một hợp thể của danh (nāma) và sắc (rūpa) hay tâm và thân tự chúng thể hiện. Với các bậc thánh A-la-hán, những pháp cấu thành (hữu vi) này bị diệt tận. Diệt ở đây không có nghĩa là sự biến mất của một cá nhân.

Nếu một người chấp chặt vào niềm tin cho rằng cá nhân hay người ấy biến mất, họ sẽ phạm tội đoạn kiến (uccheda diṭṭhi- tà kiến cho rằng sự hiện hữu chấm dứt cùng với cái chết). Như Tôi đã nói, không có cá nhân hay con người nào cả. Chúng ta chỉ có một chuỗi danh-sắc tiếp nối nhau sanh và diệt. Vị A-la-hán là một ví dụ điển hình của hiện tượng sanh và diệt nối tiếp nhau ấy. Ngoài các uẩn (khandhas) không có cá nhân hay con người nào. Vì thế, với các vị A-la-hán sự diệt có nghĩa là sự chấm dứt của chuỗi sanh và diệt của các uẩn. Chính với sự diệt này trong tâm mà Tôn-giả Ānandā ám chỉ đến ngọn lửa đã tắt.

 

Ý NGHĨA CỦA NIẾT-BÀN

 

Chữ Nibbāti xuất hiện trong Kinh Ratana (Kinh Châu Báu) có nghĩa là sự diệt tận hay dập tắt [消盡(煩惱), tiêu tận hay diệt tận (phiền não)]. Về mặt từ nguyên, nó xuất phát từ ‘ni’, một tiếp đầu ngữ phủ định, và ‘va’, nghĩa là tham ái. Như vậy Niết-bàn biểu thị sự chấm dứt hay sự dập tắt những ngọn lửa tham, sân, si vốn là nhân căn để của khổ. Kinh nói: ‘nibbāti vaṭṭadukkhaṃ etthati nibbānaṃ’ nghĩa là ở đâu vattadukkhaṃ (khổ luân, vòng xoay của khổ) ngừng xoay ở đó có Niết-bàn. Vào lúc thấy Niết-bàn, chứng đắc Đạo Quả, như kết quả của việc hành thiền minh sát, những phiền não như tham ái và vô minh bị diệt trừ, nhờ đó không tạo cơ hội cho nghiệp và và quả của nghiệp phát sanh dưới hình thức của thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, v.v… Đây là sự chấm dứt của phiền não luân (kilesa vaṭṭa), nghiệp luân (kamma vaṭṭa) và quả luân (vipāka vaṭṭa). Ở đây, theo phép ẩn dụ tính chất đặc biệt của Niết-bàn được dùng cho vị trí của Niết-Bàn trong định nghĩa này, nhưng trong thực tế Niết-Bàn không có nơi chốn.

Kinh cũng nói: Nibbāti vaṭṭadukkham etasmim adhigateti vā nibbānaṃ, có nghĩa là: Khi Niết-Bàn được đạt đến, vòng khổ luân bị huỷ diệt. Ở đây Kinh nhấn mạnh rằng Đạo và Quả là công cụ dẫn đến sự chấm dứt khổ. Như vậy Niết-Bàn cũng có thể được mô tả như phương tiện nhờ đó sự chấm dứt khổ được thành tựu. Nhưng điều này cũng chỉ nói theo nghĩa bóng mà thôi.

Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là bản chất của Niết-Bàn là sự huỷ diệt của mọi phiền não. Với sự huỷ diệt của vòng phiền não (phiền não luân), sự hiện hữu mới không phát sanh, và tất cả đều là sự tĩnh lặng.  Có thể tóm tắt lại cho dễ nhớ như sau:

Nibbāna là nơi vòng khổ luân dừng lại.

Nibbāna là công cụ dẫn đến sự chấm dứt của khổ luân.

Trong nghĩa đầy đủ nhất thì bản chất của Niết-Bàn là sự chấm dứt của vòng luân hồi khổ.

Đối với hành giả minh sát, những phiền não trở nên trơ ì chỉ trong một khoảnh khắc trong lúc đang hành thiền minh sát. Chúng không thể bị bứng gốc hoàn toàn. Sự diệt hoàn toàn chỉ khả dĩ với sự chứng đắc Thánh Đạo, dẫn đến việc tâm đạo chảy vào dòng hủy diệt.

Theo nghĩa bóng, Niết Bàn được trình bày như nơi chấm dứt mọi khổ đau do phiền não tạo ra. Còn theo phép ẩn dụ, bản chất của Niết Bàn được mô tả như chính yếu tố tĩnh lặng, kết quả của sự chấm dứt khổ đau. Trong thực tế, bản chất của Niết Bàn chính là sự hủy diệt của Tam Luân (phiền não luân, nghiệp luân và khổ luân). Đặc tính của nó, theo chú giải, là sự an tịnh (santi).

 

Ý NGHĨA CỦA SANTI

 

Santi cũng có nghĩa là sự diệt của tất cả Khổ Luân. Bản chất hay đặc tính của nó là sự an tịnh. Khi tất cả khổ đau đã được diệt trừ sự bình an tuyệt đối ngự trị tối cao trong Niết Bàn. Tôi nghĩ điều này cần phải được làm sáng tỏ ở đây. Nhưng để có một sự hiểu biết rõ hơn trước tiên tôi sẽ giải thích chi tiết bản chất của tam luân (vaṭṭa).  

 

KILESA VAṬṬA

 

Theo Pháp Duyên Sanh thì phiền não luân (vòng phiền não) được vô minh (avijjā), ái (taṅhā) và thủ (upādāna) làm cho chuyển động. Sự sanh khởi không ngừng của các pháp hữu vi như danh và sắc, tại sáu môn được xem như bất toại nguyên bởi vì bản chất ngắn ngủi, vô thường của chúng. Điều này mang lại không gì khác ngoài Khổ (dukkha). Hiện thực về bản chất của hiện hữu này bị che đậy bởi những âm mưu của tham ái; và vì thế chân lý vẫn mãi bị che phủ, không được hiểu biết một cách đúng đắn. Sự xa rời chân lý này là vô minh (avijjā). Các dục lạc xuất phát từ những cảnh sắc và âm thanh khả ái và những mẩu kiến thức thú vị đều là khổ; nhưng vô minh chấp nhận chúng là lạc (sukha). Do vô minh hay sự không hiểu biết này người ta nghĩ, “Ta hiện hữu. Nó hiện hữu. Sự hiện hữu này là vĩnh hằng.” Đối với người ấy các đối tượng giác quan mà anh ta quan sát có vẻ tốt đẹp, hấp dẫn. Khi anh ta xem chúng là tốt đẹp, anh ta khao khát chúng; và sự khao khát này thúc giục anh ta thoả mãn chúng, do kết quả này chấp thủ được tạo ra. Những nỗ lực có chủ ý của anh ta nhằm đạt được ước muốn của mình dẫn đến hành nghiệp và nghiệp hữu (kammabhava), như kết quả của nghiệp thiện hoặc nghiệp bất thiện.

 

KAMMA VAṬṬA

 

Khi ba phiền não chính­ —­ vô minh, ái, và thủ được kể ra thì những phiền não phụ tuỳ của chúng như sân (dosa), mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi) cũng phải được xét đến. Thúc đẩy bởi ái, lobha (tham) tự khẳng định mình. Do tham kích động, một người cố gắng hết sức để có được cái mà anh ta mong muốn bằng mọi giá. Khi không được thoả mãn, sân sanh khởi. Không chế ngự được, anh ta tranh giành cái đối tượng của lòng tham ấy bất chấp phải hy sinh sinh mạng và tài sản của đồng loại. Một hành động như vậy được đi kèm với si (moha), một hình thức khác của vô minh vốn đi cùng với các pháp bất thiện (akusala). Như vậy khi một người cảm thấy sân hận hay tham muốn thì si luôn luôn có mặt làm trầm trọng thêm tình huống. Kế tiếp, nói về ngã mạn (māna). Nó làm cho người ta nghĩ quá cao về bản thân mình. Vì nó không cho phép ai bằng mình, nên nó cố gắng để đạt được uy quyền tối cao. Người ngã mạn, ám ảnh bởi quan niệm sai lầm cho rằng họ luôn luôn đúng; và với thái độ này họ luôn tính toán để duy trì những mộng tưởng sai lầm của họ hoặc bằng cách thuyết phục hoặc bằng lối tuyên truyền hung hăng. Tất cả những hành động này đều bắt nguồn từ phiền não luân và làm cho vòng nghiệp hay nghiệp luân (kamma vaṭṭa) tăng trưởng.

Sát nhân, trộm cắp và nói dối là những hành động bất thiện trong khi bố thí và trì giới là thiện. Hàng phàm nhân và thậm chí các bậc thánh, ngoại trừ bậc thánh A-la-hán, đều phải chịu sự vận hành của vòng phiền não (phiền não luân); và vì vậy, những hành động mà họ làm có thể là phước hoặc phi phước. Khi sự chủ ý hay tư tâm sở trong lúc thực hiện những hành động này kết hợp với tham, sân và si thì đó là bất thiện nghiệp và sẽ tạo ra những quả xấu hay phi phước. Ở đâu ba phiền não chính này vắng mặt, các thiện nghiệp (kusala kamma) hay phước nghiệp được thành tựu. Những ác nghiệp chỉ đường đến các cõi khổ, trong khi những thiện nghiệp đưa đến nhân giới, thiên giới và Phạm thiên giới. Thông thường những thiện nghiệp dẫn đến trường thọ, khoẻ mạnh và tài sản vật chất. Và nếu muốn một người thậm chí có thể nguyện đắc các Đạo Quả và Niết Bàn tối hậu, nhờ thực hiện các thiện nghiệp. Nếu một người muốn không bị tái sanh trong bốn cõi khổ hoặc bị những quả nghiệp xấu quấy rầy, họ phải tránh sát sanh, trộm cắp, v.v…Nếu một người muốn được tái sanh vào nhân giới, thiên giới và Phạm thiên giới, họ phải hành bố thí, trì giới và tu thiền. Người nguyện đắc Đạo Quả và Niết-bàn tối hậu, phải hành vipassanā hay thiền minh sát.

 

TRÁNH XA KẺ NGU

 

Ngày nay một số người hiểu biết sai lầm về Pháp (Dhamma), thuyết giảng những tà kiến của họ nói rằng những ai mong muốn chấm dứt khổ đau không còn tái sanh thì không nên hành bố thí, giữ giới và tu thiền, vì tất cả những thiện nghiệp này xuất phát từ vòng nghiệp luân do vô minh, ái và thủ hay phiền não luân tạo điều kiện. Rồi đến lượt nó, vòng nghiệp luân này cũng tạo ra thức tái sanh, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, v.v… Nếu sự tình là như vậy thì thật là vô ích, vì làm điều thiện chỉ kéo dài thêm vòng tái sanh luân hồi mà thôi. Dòng suy nghĩ như vậy rõ ràng đã tạo ra sự sai lệch trong tâm của những người thiếu trí. Một khi đã chấp nhận những lời dạy này họ sẽ không còn làm điều thiện nữa,  họ sẽ không còn bố thí, không còn giữ giới, không còn tu tập từ tâm, và cuối cùng nhưng không kém quan trọng là họ thậm chí còn không thực hiện những lễ nghi tại các chùa tháp và tu viện. Người ta nói rằng họ bị trĩu nặng bởi những cảm giác hối hận vì đã làm một số những thiện nghiệp như bố thí! Đối với những người có tư tưởng thiên lệch như vậy, mọi công đức lẽ ra đã tích tạo được do làm điều thiện sẽ bị quăng bỏ vào hư không. Nhưng những nghiệp phi phước chắc chắn sẽ tích luỹ cùng với họ mà kết quả tất yếu là họ sẽ đi đến địa ngục. Họ sẽ không có khả năng để cưỡng lại lòng tham, vì thế họ sẽ không ngại nghĩ điều ác, nói điều ác và làm điều ác bất khi nào họ cố gắng để thoả mãn những ước muốn của họ. Họ cũng sẽ khó có thể kềm chế được tâm sân phát sanh do không được thoả mãn những ước muốn của họ.

Kusala citta hay tâm khuynh hướng về làm điều thiện và akusala citta tâm khuynh hướng về điều ác không cùng sanh, cái sanh trước cái sanh sau. Cũng như khi đi, chân trái dở lên trong khi chân phải đứng vững trên đất. Khi chân phải dở lên, chân trái đứng vững. Hai chân không thể  dở lên hay đặt xuống cùng lúc được. Hai tâm (cittas) phải hoạt động theo cùng một cách. Trong khi những hành động thiện đang hoạt động, những hành động bất thiện sẽ không hoạt động. Nhưng những thiện nghiệp lúc nào cũng phải là kết quả của sự nỗ lực có chủ ý; trong khi những nghiệp bất thiện hầu như không đòi hỏi phải có bất kỳ sự chủ ý đặc biệt nào. Chúng luôn luôn đến một cách tự nhiên tuân theo sự sai khiến của tham, sân và v.v… Ngay cả khi một người đang hành Dhamma (Pháp) để chế ngự chúng, chúng cũng ngóc đầu dậy ít nhất khi có cơ hội. Do đó, chắc chắn rằng khi một người từ bỏ điều thiện (kusala), điều ác nhất định sẽ tăng trưởng. Con đường đi đến các cõi khổ luôn mở rộng cho một người làm điều ác. Xét cho cùng, chính vì những tà kiến người thầy ấp ủ mà người đệ tử đã lầm đường lạc lối. Chính vì những chỉ dẫn sai lầm ấy mà Đức Phật đã nói trong Kinh Hạnh Phúc (Maṅgala Sutta):

Asevanā ca bālānaṃ

Paṇḍitānañca sevanā

Pūjā ca pūjanīyānaṃ

Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ

Không gần gũi kẻ ác

Thân cận bậc trí hiền

Đảnh lễ người đáng lễ

Là phúc lành cao thượng.

 

VIPĀKA VAṬṬA (QUẢ LUÂN)

 

Những hành động, hoặc thiện hoặc bất thiện sẽ tạo ra những kết quả, tốt hay xấu. Và vì thế, nghiệp luân tạo ra quả luân (vipāka vaṭṭa). Để thoát khỏi vòng này, người ta phải hành bố thí, giữ giới và tu tập tâm, đặc biệt là tu tập thiền minh sát vốn cuối cùng sẽ đưa người ta đến Đạo Quả của bậc A-la-hán hay A-la-hán Thánh Đạo. Lúc đó tái sanh dừng lại không tạo cơ hội cho sự sanh khởi của “hữu (bhava)” mới, hay của danh (nāma) và sắc (rūpa) mới. Vì thế quả luân (vipāka vaṭṭa) có thể được định nghĩa như sự tái diễn của các uẩn hay của các pháp hữu vi, như kết quả của nghiệp thiện và bất thiện.

 

LOANH QUANH LUẨN QUẨN

 

Vaṭṭa (luân) chỉ có nghĩa đi loanh quanh (luân hồi). Phiền não luân chuyển sang nghiệp luân, rồi đến lượt nó, nghiệp luân chuyển thành quả luân, và theo cách này chúng cứ luân hồi, xoay chuyển trong một vòng tròn bất tận không biết đâu là đầu đâu là cuối. Không ai có thể làm dừng lại cái bánh xe luân hồi này.

Liên quan đến bản chất của nghiệp và quả, một người có thể dễ dàng ngưng làm điều thiện; nhưng anh ta sẽ hoàn toàn không thể kháng lại điều ác. Nếu bạn không làm được những thiện nghiệp, chắc chắn những ác nghiệp sẽ thắng thế hơn trong bạn. Những quả nghiệp do thiện nghiệp tạo ra sẽ rất có lợi cho bạn, vì chúng có thể đưa bạn đến cõi người và các cõi chư thiên; nhưng những phi phước do phiền não thúc ép được tích luỹ bởi ác nghiệp chắc chắn sẽ kéo bạn xuống địa ngục. Nếu nghiệp của bạn thuận lợi, bạn sẽ có cơ hội gần gũi với những người có trí và giới đức; nhưng nếu nghiệp xấu đang vận hành bạn sẽ trở thành kẻ đồng hành với những yếu tố ác và bạn có thể tiếp tục phạm vào những ác nghiệp (akusala-kamma) suốt cuộc đời bạn. Trong cuộc đời một người, có thể họ đã làm hàng tỷ nghiệp; nhưng vào lúc lìa khỏi cõi đời này chỉ có một nghiệp tạo ra quả (tái sanh),  làm cho những nghiệp còn lại trở thành vô hiệu hay không cho quả.

Tuy nhiên những nghiệp còn lại này sẽ là báo nghiệp (trì nghiệp hay chướng nghiệp); và một khi bạn đi xuống các cõi khổ, bạn sẽ chịu khổ ở đó trong nhiều kiếp. Nếu một người trở thành peta (ngạ quỷ), họ sẽ mãi mãi bị đói khát; hoặc họ có thể bị thiêu sống, hay bị đả thương bằng kiếm hay các vũ khí giết người khác. Đối với những khổ đau này họ chỉ có thể khóc than chứ không thoát ra được. Nếu một người bị tái sanh làm thú, làm­ một con bọ hay một con côn trùng nào đó, hay làm một con trâu, một con bò, một con ngựa, hay một con voi — họ sẽ đối mặt với những khổ đau không thể nói hết được; vì, trong thế giới loài vật, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu­, và cuối cùng kẻ yếu sẽ trở thành bữa ăn cho kẻ mạnh. Tôi kể ra những ví dụ này để các bạn biết những gì sẽ xảy ra đối với người tích tạo nhiều điều phi phước hay nhiều ác nghiệp.

Ngay cả khi những nghiệp thuận lợi đang vận hành và một người được tái sanh làm người, họ cũng không thể thoát khỏi già, bệnh và chết vốn gây ra sầu, bi, ưu, não,… mà tất cả đều là khổ. Nếu không may mắn, họ còn phải sống trong cảnh nghèo hèn trong kiếp sống mới của mình. Hoặc, một người có thể bị áp bức hay bị hiếp đáp bởi những kẻ mạnh. Hay họ có thể bị cám dỗ để phạm vào những tội ác. Và rồi, như kết quả của những ác nghiệp này họ có thể lại phải đi xuống các cõi khổ sau khi chết. Nếu may mắn, một người có thể được sanh lên cõi chư thiên; nhưng cho dù là ở cõi chư thiên; một người vẫn có thể cảm thấy buồn khổ, thay vì vui sướng, khi thấy rằng những ước muốn của mình không được thành tựu hoàn toàn. Hoặc, thậm chí như một chư thiên, nếu một người quên Pháp (Dhamma) trong việc theo đuổi các dục lạc, họ cũng có thể phải rơi xuống các cõi khổ sau khi chết ở cõi chư thiên.

Không có cách nào thoát khỏi ba vòng xoay của khổ[2] này trừ khi một người thực hành Bát Chánh Đạo đã được Đức Phật nói rõ như con đường trung đạo trong Kinh Chuyển Pháp Luân.  Thực hành Bát Chánh Đạo là thực hành sự tu tập giới, định và tuệ là những đối tượng chính của việc phát triển tâm như đã được nói ở một phần trước. Người hành thiền trong Giáo Pháp này đã quen với thiền minh sát tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna vipassanā) vốn mô tả các phương pháp ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc hay của tâm và thân cũng như lục nhập (sáu căn), xúc, thọ, … do quả luân của kiếp sống hiện tại làm duyên.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THOÁT KHỎI TAM LUÂN

 

Tôi sẽ giải thích chi tiết pháp hành thiền minh sát này ở đây cho quý vị hiểu. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ là những công việc của sáu thức, đó là, nhãn thức với cảnh sắc, nhĩ thức với cảnh thinh, tỷ thức với  cảnh khí, thiệt thức với cảnh vị, thân thức với cảnh xúc, và ý thức với cảnh pháp. Thức hay tâm luôn luôn được đi kèm bởi các tâm sở của nó, và được gọi chung là Danh (nāma). Trú xứ của các căn, thân, dĩ nhiên là Sắc (rūpa). Khi con mắt, cảnh sắc, và xứ (āyatana), gặp nhau thời xúc được thành tựu và kết quả là thọ (vedanā) phát sanh. Năm quả thuộc quả luân (vipāka vaṭṭa) này, đó là danh (nāma), sắc (rūpa), xứ (āyatana), xúc (phassa)và thọ (vedanā) thuộc sát-na hiện tại, vì lẽ chúng xảy ra hàng ngày; và nếu chúng không được thiền trên đó với minh-sát trí, tham ái sẽ phát triển hợp theo loại thọ được tạo ra, dù là lạc hay bất lạc. Ái sanh ra thủ. Do không thể ghi nhận năm quả thuộc quả luân đúng như thực, là vô minh. Như vậy vô minh, ái, thủ tạo thành phiền não luân từ đây nghiệp luân sanh ra và đến lượt nó nghiệp luân tạo ra quả luân. Để ngăn vòng thứ nhất (phiền não luân) này không cho sanh khởi thì công việc của vòng quả luân phải được quan sát và ghi nhận với Tam Tướng vô thường, khổ và vô ngã, vì thực tại tuyệt đối của các pháp hữu vi sẽ xua tan mọi phiền não. Khi vô minh vắng mặt, ái không thể sanh; và ái không có mặt, thủ sẽ tàn lụi. Lúc đó, do vòng nghiệp luân ngừng hoạt động nên những quả nghiệp cũng không thể được tạo ra. Theo cách này cả ba vòng xoay (tam luân) giảm lần.

Ở đây tôi xin trích dẫn một đoạn Kinh trong Nidānavagga Samyutta:

 Katamo ca bhikkhave lokassa samudayo. Cakkhuñca paticca rūpe ca upajjati cakkhuviññāṇaṃ: tiṇṇaṃ sangati phasso; phassa paccayā vedanā; vedanā paccayā taṇhā, taṇhā paccayā upādānaṃ; upādāna paccayā bhavo; bhava paccayā jāti; jāti paccayā jarāmaranaṃ, soka parideva dukkhadomaṇassupāyāsā sambhavanti. Ayaṃ kho bhikkhave lokassa samudayo.

Thế nào, này các Tỳ-kheo, là tập khởi (hay nguồn gốc) của thế gian này? Duyên con mắt và cảnh sắc, nhãn thức sanh khởi. Sự gặp gỡ của ba ­— con mắt, đối tượng và thức (căn, trần, thức) — tạo ra xúc. Do xúc, thọ sanh; do thọ, ái sanh; do ái thủ sanh; do thủ, hữu sanh; do hữu, tái sanh sanh. Và tái sanh tạo ra già, chết kèm theo bởi sầu, bi, khổ, ưu và não. Và này các Tỳ-kheo, đây là cách khối khổ gọi là thế gian hình thành.

 

Như vậy từ hành động thấy, tập khởi của sự sống, và vòng khổ luân của nó phát sanh khiến cho vòng xoay của sự sanh và rồi tái sanh bất tận chuyển động. Con mắt nắm lấy đối tượng của nó, và cái thấy sanh khởi tạo ra một cảm thọ tương ứng với cái nó thấy. Nếu hiện tượng này không được phân tích với minh sát trí để xác định đúng đắn bản chất của các pháp, tham ái sẽ tàn phá cuộc đời bạn khi bạn ra sức cố gắng để hoàn thành mong muốn của mình bằng mọi phương tiện. Rồi nghiệp dẫn đến tái sanh và tái sanh đó mang lại những nỗi  khổ của già và chết. Điều này cũng áp dụng cho các căn hay giác quan khác. Theo cách này vòng Luân Hồi (saṃsāra) hay bánh xe sanh hữu xoay chuyển mãi không ngừng.

 

HUỶ DIỆT SỰ HIỆN HỮU

 

Vòng luân hồi này được cắt đứt như thế nào? Tôi sẽ nói cho các bạn biết về sự huỷ diệt của vòng tái sanh luân hồi, dựa trên cùng bài Kinh trong Nidānavagga Samyutta ở trên.

Katamo ca bhikkhave lokassa atthaṅgamo: Cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇam tiṇṇam saṇgati phasso; phassapaccaya vedanā; vedanāpaccayā taṇhā; tassāyeva taṇhāya asesavirāga nirodhā upādānanirodho; upādāna nirodhā bhavaniroho; bhavanirodhā jāti nirodho; jātinirodhā jarāmaranaṃ, soka, parideva, dukkha, domanassupāyāsā nirujjhanti. Eva me tassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti. Ayam kho bhikkhave lokassa atthaṅgamo.

Thế nào, này các tỳ-kheo là sự huỷ diệt của thế gian hay sự hiện hữu? Duyên con mắt và cảnh sắc, nhãn thức sanh. Sự gặp gỡ của ba yếu tố — con mắt, đối tượng và thức — tạo ra xúc. Do xúc thọ sanh; do thọ, ái sanh. Tham ái đó bị huỷ diệt hoàn toàn (bằng A-la-hán Thánh Đạo) không còn dư tàn. Khi ái diệt thì thủ cũng diệt; khi thủ diệt, hữu cũng diệt, khi hữu diệt, sanh cũng diệt; khi sanh diệt thì già và chết không thể sanh khởi. Và lúc đó sầu, bi, khổ, ưu, não bị phá huỷ hoàn toàn. Theo cách này, tất cả ba vòng xoay của khổ đi đến chấm dứt. Này các tỳ-kheo, đây là cách khối khổ gọi là thế gian bị huỷ diệt.

Từ hành động thấy, thọ sanh; và khi thọ này được quan sát và ghi nhận một cách đúng đắn bằng thiền minh sát, tất cả ba vòng xoay của khổ sẽ bị huỷ diệt. Để có một sự hiểu biết thêm về đề tài Tôi sẽ trích dẫn bài Kinh Sammasa trong Tương Ưng (Samyutta).

Ye hi keci bhikkhave etarahi samaṇā vā bhramanā vā yamloke piyarūpaṃ; taṁ aniccato passanti; dukkhato anattato rogato bhayato passanti; te taṇhaṁ pajahanti­ — upadhiṁ pajahanti — ; ye dukkhaṁ pajahanti; te parimuccanti jātiyā jarāya maraṇena sokehi parivedehi domanassehi upāyāsehi; parimuccanti dukkhasmāti vadāmi.

“Ở đây, này các tỳ-kheo, có một số sa-môn hay Bà-la-môn quán thấy rằng cái xuất hiện là khả lạc và khả ái rốt cuộc cũng vô thường, khổ, và vô ngã, được coi là bệnh tật, và đáng ghê tởm. Họ từ bỏ tham ái, và do tham ái được từ bỏ sanh y (nền tảng của tái sanh) cũng được từ bỏ và cuối cùng đoạn trừ tất cả khổ. Như vậy họ được giải thoát khỏi sự nắm giữ của tái sanh với những hệ luỵ của nó — sầu, bi, khổ, ưu và não. Và ta nói rằng bằng cách này họ đã được giải thoát khỏi mọi khổ đau.”

Theo bài Kinh này, nếu một người thấy một đối tượng và quán trên hiện tượng của nó trong ánh sáng của Tam Tướng — vô thường, khổ, vô ngã, thời tham ái sẽ được diệt trừ ngay khoảnh khắc minh-sát trí sanh; và lúc đó tất cả vòng xoay của khổ sẽ bị dừng lại. Sát-na chứng ngộ đặc biệt ấy là sát-na của sự thật. Nó là sát-na tadaṅga nibbāna (tadaṇga nibbāna 一向涅槃 nhất hướng niết bàn) hay sát-na huỷ diệt tạm thời tất cả vòng khổ luân do phiền não, nghiệp và quả tạo ra.

 

GIỐNG NHƯ THÂN CÂY SA-LA

 

Khi minh-sát trí được tu tập và khi Đạo và Quả được chứng đắc, tất cả phiền não đều bị huỷ diệt. Lúc đó nghiệp lực ngưng vận hành và không có nghiệp mới nào được tạo ra. Vì vậy sau khi Bát-Niết bàn, tức là sau khi tâm tử xảy ra, các uẩn (khandhas) dừng lại. Đây gọi là vô-dư-y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna), Niết-bàn không còn sanh y. Nó có nghĩa là các uẩn và tham ái  đã bị trút bỏ hoàn toàn. Thực sự thì vào lúc chứng Đạo, sự diệt hoàn toàn đã có hiệu lực rồi; nhưng nó không rõ ràng như khi cái chết tối hậu hay Bát Niết-bàn xảy ra. Khi một cây sa-la (nguyên văn: cây cọ) bị cắt làm đôi, thân trên rơi xuống đất, thân dưới vẫn đứng thẳng. Thân dưới này làm phát sinh cái ảo tưởng cho rằng cây không bị gì cả, vẫn còn sống. Nhưng khi nó mục và đổ xuống thì toàn bộ cái cây biến mất. Một vị A-la-hán cũng giống như cái thân cây đó. Vị ấy đã đoạn trừ các uẩn và tham ái hoàn toàn vào lúc chứng Đạo. Nhưng các uẩn cũ vẫn còn, và vì thế sự diệt không dễ nhận ra. Nhưng với sự thành tựu của Bát Niết-bàn, vị ấy biến mất hoàn toàn cũng như thân cây sa-la. Trước đây tôi đã đề cập đến bài kệ do tôn-giả Ānanda tụng, nói về sự diệt của các uẩn được ví giống như ngọn đèn tắt. Tất cả những ngụ ngôn này đều nhằm mô tả cách các uẩn diệt như thế nào.

Sau khi đã trục xuất tất cả phiền não, không có khổ nào sanh nữa. Nhưng vì chưa vất bỏ thân vật lý, bậc A-la-hán vẫn phải trải nghiệm những bất tiện ở thể xác có thể được hiểu như khổ thân. Các hành nghiệp vẫn tiếp tục làm công việc của chúng bên trong cái ngã vật chất này, vì thế những khổ đau liên hệ đến thân của vị A-la-hán vẫn còn. Tuy nhiên khi Niết-bàn được thành tựu, sự bình yên cùng với pháp đồng sanh của nó là mát mẻ sẽ ở cùng với vị ấy.

NIẾT BÀN ­­­­­­— LẠC

 

Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) thường hoan hỷ nói, “Chư hiền! Niết-bàn quả thực là lạc! Quả thực, Niết-bàn là lạc!” Tỳ-kheo Lāludayi cảm thấy không thuyết phục với lời tuyên bố này, vì thế vị ấy đã hỏi, “Lạc này sẽ nằm ở đâu trong thế gian (năm uẩn) này, khi mà trong Niết-bàn không có thọ cũng không có dục?”

Thực sự là vậy, không có thọ (vedanā) trong Niết-bàn. Thế thì lạc có thể ở đâu? Tỳ-kheo Lāludayi đã lao vào nơi mà ác ma sợ không dám đặt chân đến, bởi vì vị ấy là một kẻ ngu si. Vị ấy có biệt danh là Lāludayi, trong Pāḷi Lālu là một từ chỉ kẻ hay đùa.

Tôn-giả Xá-lợi-phất trả lời “Quả thực, trong Niết-bàn không có thọ cũng không có dục; và sự vắng mặt (của thọ và dục) này tự nó là lạc.”

Có hai loại lạc, lạc liên hệ tới ngũ dục và lạc không liên hệ tới ngũ dục. Khi sáu đối tượng giác quan mang lại sự thoả mãn hay lạc, nó được gọi là vedayita sukha, lạc xuất phát từ cảm thọ. Trong cõi dục, năm thứ lạc của giác quan — thấy, nghe, ngửi, nếm, và xúc chạm được xem như tốt nhất. Không ai thích bị tước đoạt chúng. Những người thích nhai trầu hay hút thuốc đều không muốn sống trong một môi trường ở đấy những thứ xa xỉ này bị từ chối. Những kẻ háu ăn không thích sanh vào cõi Phạm thiên nơi mà việc ăn uống tuyệt đối không cần thiết. Trong cõi Phạm thiên không có sự phân biệt giới tính. Sự vắng mặt của hoạt động tình dục làm cho năm món dục lạc trở nên dư thừa; nhưng những người thích khoái cảm lại không thích sự vắng mặt ấy. Ở đâu vô minh và tham ái thắng thế, ở đó Niết-bàn không được mong muốn vì thiếu các dục lạc. Lāludayi là một điển hình về loại người không thích Niết-bàn. Tôn-giả Xá-lợi-phất phải quở trách vị ấy, ngài nói rằng sự vắng mặt của thọ (vedanā) chính là Niết-bàn. Sự bình yên và hạnh phúc chân thực không xuất  phát từ các dục lạc mà từ avedayita sukha (lạc không xuất phát từ cảm thọ hay không liên hệ tới ngũ dục).

 

LẠC CHÂN THỰC

 

Lạc chân thực là santi sukho, lạc của sự bình yên và an tịnh. Bạn có thể nghĩ rằng các dục lạc sẽ cho bạn hạnh phúc; nhưng đó không phải là hạnh phúc chân thực. Những khoái lạc này chỉ giống như sự thoả mãn mà người hút thuốc có được từ việc hút thuốc. Chúng cũng giống như khoái lạc của một người đang khổ vì ngứa cảm thấy rằng việc gãi sẽ đem lại cho họ những cảm giác khoái lạc vậy.

Giả sử bạn bị buộc phải hưởng những khoái lạc của việc ngắm nhìn những nam thanh nữ tú, hay những bức tranh đẹp không chút ngừng nghỉ trong thời gian một phút hay một giờ, hay trong một tháng, một năm… Liệu bạn có thể làm được điều đó không? Giả sử bạn được yêu cầu phải nghe một bản nhạc hay suốt cả ngày, hay suốt cả tháng. Bạn có làm được không? Nếu bạn đang ăn những món cao lương mỹ vị, liệu bạn có thể tiếp tục thưởng thức được những món ấy hết ngày này sang ngày khác không? Bạn có thể hưởng những xúc chạm khả lạc vô hạn định được không? Nếu tất cả những thú vui có thể được tận hưởng không ngừng nghỉ hay ngủ, chắc chắn cuối cùng bạn sẽ trở nên nhàm chán mà thôi. Chẳng phải sự nghỉ ngơi hay ngủ là một khoảnh khắc bình yên đem lại hạnh phúc chân thực mà không cần có sự can thiệp của các đối tượng giác quan đó sao?

Người chỉ quen với việc hưởng thụ sẽ coi trọng chúng. Sự hưởng thụ được xem là chí thiện đối với anh ta. Trong thời Đức Phật một chủ thuyết phổ biến giữa những người ngoại đạo hàm ý rằng khổ đau có thể được chấm dứt ngay trong kiếp sống hiện tại này mà không cần diệt hữu (tái sanh). Những người theo chủ thuyết đó được gọi là diṭṭhadhammanibbānavādis, Hiện tại Niết-bàn luận thuyết giả. Họ thường thuyết rằng: “Hãy hưởng thụ mọi loại lạc thú ở chỗ nào có thể (hưởng thụ). Đây là cái chí thiện.” Điều này được đề cập trong Kinh Phạm Võng (Brahmājāla Sutta). Những người chỉ biết lạc của thiền hay lạc của Phạm thiên và loại trừ các loại lạc khác thì ca tụng nó đến tận mây xanh. Thực vậy, Phạm Thiên Baka đã nói với Đức Phật rằng lạc của Phạm thiên là tối thượng lạc.

Người ta thường nghĩ rằng loại đồ ăn mua ở thành phố hay thị trấn có vẻ ngon hơn đồ ăn ở làng quê. Tương tự, người ta thường nghĩ rằng lạc của thiền tốt hơn các dục lạc. Trong thực tế, loại lạc đạt được nhờ Đạo và Quả tốt hơn lạc của thiền. Tiến thêm một bước nữa, lạc của Niết-bàn còn tốt hơn lạc của Đạo và Quả của nó.

 

LẠC SƠ THIỀN TỐT HƠN LẠC XUẤT PHÁT TỪ CÁC DỤC LẠC

 

 Tôn-giả Xá-lợi-phất có lần đã nhận xét về lạc của sơ thiền như sau, trước tiên ngài chỉ ra bản chất của các dục lạc.

Một sắc trần (cảnh sắc) làm phát sanh nhãn thức, một thinh trần (cảnh thinh) làm phát sanh nhĩ thức, một hương trần làm phát sanh tỷ thức, một vị trần làm phát sanh thiệt thức và xúc trần (cảnh xúc) làm phát sanh thân thức. Tất cả những đối tượng giác quan này lôi cuốn tâm, sinh ra cảm giác yêu thích hay ưa mến, tạo ra khoái cảm và kích động tham dục. Tất cả chúng tạo thành ngũ dục (kāmaguna-năm dục công đức). Trong cõi dục những ai có cơ hội được hưởng ngũ dục này đều cảm thấy như họ đã đạt đến hạnh phúc.

Khi hành sơ thiền, các dục lạc được từ bỏ. Người đắc thiền bị cuốn hút  vào các thiền chi tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggata).  Dòng hỷ lạc của sơ thiền chảy liên tục không gián đoạn không giống như những niềm vui trần tục của các giác quan phát sanh một cách thất thường. Trong cõi dục người ta có thể lúc này cảm thấy vui nhưng lúc khác lại thấy buồn. Nhưng cảm giác hỷ lạc của thiền có thể kéo dài không gián đoạn trong một khoảng thời gian dài hơn. Nếu, trong khoảng thời gian trước khi tập trung trên lạc của thiền này, người hành thiền có tình cờ nhớ đến các dục lạc mà mình đã thọ hưởng trước khi nhập vào trạng thái an chỉ, họ sẽ bị hối hận, chịu đựng sự khổ tâm không khác gì cái đau của một vết thương cũ bị bồi thêm một cú đánh mới vậy. Điều đó có nghĩa rằng khi một hành giả nhập thiền, chỉ riêng cái ký ức về các dục lạc thôi cũng đủ để tạo ra cái cảm giác ghê tởm và sợ hãi. Vì thế vị ấy mong mỏi sự chứng đắc Niết-bàn, nơi đây thọ (vedanā) không sanh.

 

NHỮNG GIAI ĐOẠN LẠC KHÁC NHAU CỦA THIỀN

 

Khi một người nhập vào nhị thiền, thiền thứ hai sau sơ thiền, hỷ và lạc có được đà nhập vào nhất tâm chiếm ưu thế liên tục không có bất kỳ chướng ngại nào trong suốt một hoặc hai giờ liền. Nếu, do tình cờ tâm sơ thiền sanh khởi trong lúc tầm và tứ, người hành thiền đang tập trung trên nhị thiền sẽ cảm giác khổ đau khi nghĩ đến tâm thiền ấy cũng giống như một người cảm thấy đau đớn khi bị bồi thêm một cú đấm mới vào vết thương cũ vậy. Những nhận xét này cũng áp dụng cho những người đang nhập tam thiền và tứ thiền khi nhớ đến các bậc thiền thấp hơn trong suốt lúc nhập định.

Điều này cho thấy rằng lạc xuất phát từ sơ thiền vượt xa lạc xuất phát từ các dục lạc. Cũng vậy, lạc của nhị thiền vượt xa lạc của sơ thiền, lạc của tam thiền vượt xa lạc của nhị thiền, và lạc của tứ thiền vượt xa lạc của tam thiền. So với lạc của các thiền (sắc giới) này thì hỷ lạc của bốn thiền vô sắc (arūpa jhāna) còn vượt xa hơn nữa. Bốn thiền vô sắc là: Không vô biên xứ (Akāsanañcayatana)  thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana), vô sở hữu xứ (Akiñcaññāyatana) và phi tưởng phi phi tưởng xứ (N’evasaññān’asaññāyatana). Mỗi thiền chứng sau tốt hơn thiền chứng trước. Nhưng ngay cả trong thiền chứng vô sắc (arūpa jhāna) cao nhất, đó là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, những cảm thọ cực kỳ vi tế vẫn có thể sanh. Vì thế lạc của Niết-bàn ở đây mọi cảm thọ đều dừng lại vượt xa loại thọ mà người ta có thể gặp trong trạng thái vô sắc.

Như vậy, lạc của Niết-bàn cao hơn lạc của thiền. Người hành thiền biết rằng hỷ và lạc được kinh nghiệm ở giai đoạn Hành Xả Trí (saṅkharūpakkha ñāṇa) vượt xa hỷ lạc được kinh nghiệm ở giai đoạn Sanh Diệt Trí (udayabbaya ñāṇa). Khi quả của Đạo được thành tựu, hỷ và lạc kinh nghiệm ở giai đoạn ấy là tối thượng. Do đó chúng ta có thể nói rằng avedayita sukha (lạc vô thọ) hay santi sukha (an tịnh lạc) vượt xa vedayita sukha (lạc hữu thọ). Những ai không thể hành minh sát hay thiền định dù có thể thưởng thức được các cấp độ hạnh phúc hay lạc khác nhau đến đâu như đã liệt kê ở đây thì cũng phải đi đến kết luận rằng an tịnh lạc (santi sukha) là tối thượng.

Họ cũng có thể nhận ra rằng trong Đạo Phật, có những lý tưởng cao siêu mà họ không dễ gì đo lường được; và điều này có thể dùng như một động lực nhằm cố gắng phát triển niềm tin trong pháp (dhamma).

Lời dạy của ba đời chư Phật đều nói rằng Niết-bàn là tối thượng. Nó là sự chấm dứt của mọi cảm thọ. Khi không còn các cảm thọ, sự bình yên và mát mẻ ngự trị tối thượng. Tất cả khổ đau liên quan đến già, bệnh, chết và sự tan hoại chấm dứt. Vì Niết-bàn là bất tử nên lạc của nó là bất khả hoại. Và do đó nó là lạc tối hượng.

Trước khi đóng lại phần này tôi sẽ tóm lược lại những gì đã nói.

Niết-bàn là chỗ vòng khổ luân chấm dứt. Nó cũng là khí cụ qua đó sự chấm dứt này được tạo ra. Như vậy có thể nói Niết-bàn là trạng thái huỷ diệt vòng khổ luân.

Vô minh, ái, thủ tạo thành vòng phiền não (phiền não luân).

Những nghiệp mà một người phạm theo sự sai khiến của phiền não luân tạo thành nghiệp luân, dù là thiện hay bất thiện.

Các uẩn được sanh ra vào lúc tái sanh như kết quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp tạo thành Quả luân.

Hạnh phúc hay lạc xuất phát từ sự tiếp xúc với sáu đối tượng giác quan được gọi là vedayita sukha (lạc hữu thọ).

Sự bình yên và an tịnh kết hợp với sự vắng mặt của thọ phát sanh do  sáu đối tượng giác quan được gọi là avedayita sukha (lạc vô thọ).

 

Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để nghe một bài pháp về Niết-bàn. Đối với người thuyết cũng vậy, những cơ hội để thuyết một bài pháp như thế này là rất hiếm. Trong cuộc đời Đức Phật, Ngài thường hay thuyết về Niết-bàn liên hệ đến một câu chuyện (Nibbāna Paṭisamyutta Kathā). Sự kiện này được ghi lại trong Udāna Pāḷi (Kinh Phật Tự Thuyết, thuộc Tiểu Bộ Kinh) và dịp tới tôi sẽ có một số điều để nói về nó.

 

PHẦN II

 

Trong bài giảng về Niết-bàn lần trước, tôi đã xác định nó như sự chấm dứt của ba khổ luân (ba vòng xoay của khổ - phiền não luân, nghiệp luân và quả luân). Hôm nay tôi sẽ cố gắng để phân biệt sự khác nhau giữa saṅkhāra và Niết-bàn theo Kinh Điển Pāli, bộ Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga). Saṅkhāra là một từ có nhiều nghĩa, thông thường nó muốn nói tới các trạng thái tâm. Nó cũng còn được dịch là ý hành hay các hoạt động duyên sanh (hữu vi), hay tâm hành hay hành nghiệp. Tuy nhiên ở đây chỉ áp dụng cho các pháp hữu vi phải chịu sự thay đổi vô thường.

 

Saṅkhāra và Nibbāna

 

Uppāda và Anuppāda

Kinh nói: Uppādo saṅkhāra; anuppādo nibbāna, sanh là hữu vi, và không sanh là Niết-bàn

Trong thâm tâm người hành thiền biết rằng mọi pháp hữu vi đều sẽ sanh khởi trở lại mỗi lần nó diệt đi. Khi Hành-xả trí (saṅkhāruppekkha ñāṇa) phát triển vị ấy bắt đầu ý thức được một trạng thái vượt qua hiện tượng sanh diệt này. Điều đó muốn nói rằng nó đã vượt qua pháp hữu vi (saṅkhāra) để đến gần hơn Niết-bàn. Saṅkhāra đối nghịch hoàn toàn với Niết-bàn; và hai pháp này không tương hợp nhau. Nếu pháp này có mặt, pháp kia biến mất. Ở đâu không có sanh, ở đó có Niết-bàn; và ngược lại ở đâu có sanh ở đó không có Niết-bàn. Không có ánh sáng trong bóng tối, và không có bóng tối trong ánh sáng.

Với những chúng sanh hữu tình, nāma (danh) và rūpa (sắc) làm mới lại trạng thái của nó vào thời tục sinh. Nó xảy ra theo cách này. Liền sau kiết sanh thức (tâm tục sinh), bhavaṇga hay hữu phần sanh. Chính từ sát-na sanh này sắc do tâm tạo xuất hiện.  Tiến trình này tiếp tục và danh-sắc cứ nối tiếp nhau sanh ra phù hợp với các loại tâm tương thích với đối tượng được nhận thức không ngừng. Chẳng hạn, ý thức phát sinh khi người ta nghĩ đến một đối tượng, và ý-xúc xuất hiện khi người ta xúc chạm nó; và do ý xúc này nāma-rūpa được tạo điều kiện, hay danh và sắc của thực thể tâm vật lý được sanh ra. Sự “trở thành” này diễn ra suốt cuộc đời, sau khi sự tái sanh đã xảy ra. Khi kiếp sống này chấm dứt, nó được làm mới lại trong kiếp sau và điều này cứ tiếp diễn bất tận. Nói cách khác, các pháp hữu vi, do nghiệp, tâm, thời tiết và vật thực cùng tác động, gọi là saṅkhāra (hành) có thể được nhận thức bằng minh sát trí. Sau khi hành thiền nhiều lần, hành giả sẽ kinh nghiệm thấy rằng tâm của mình trôi chảy không ngừng giống như một dòng suối vào cái vùng phi hữu (non esse) một cách tự động. Khoảnh khắc chứng nghiệm sự diệt ấy là khoảnh khắc an lạc của Niết-bàn và tự nó được cảm nhận qua Đạo trí và Quả trí.

 

PAVATTA VÀ APPAVATTA

 

Kinh nói: Pavattaṃ saṅkhārā; appavattaṃ nibbānaṃ. Có nghĩa: sanh là hữu vi, và không sanh là Niết-bàn. Pavatti chính xác có nghĩa là một tiến trình hiện hữu giữa tâm tái sanh (kiết sanh thức) và tâm tử (thời bình nhật).

Nāma và rūpa hay danh-sắc được tạo thành liên tục qua tiến trình sanh và diệt và chúng trôi chảy giống như một dòng suối. Khi một đối tượng của tâm hay đối tượng của giác quan đi vào dòng này, các loại tâm khác, chẳng hạn như ý thức tâm hay ý xúc sanh khởi, như đã nói ở trước, tương thích với đối tượng được nhận thức. Các pháp hữu vi được tạo thành theo cách này và dòng đời tiếp diễn giống như một dòng suối trôi chảy. Vì vậy mà hàng phàm nhân nghĩ rằng cái khối danh sắc tương tục này hiện hữu không phải chịu bất cứ sự thay đổi nào. Họ nghĩ rằng cái thân mà họ đang thấy ngay lúc hiện tại này cũng giống với cái thân đã hiện hữu khi họ còn trẻ. Từ những quan niệm đại loại như vậy làm phát sinh sự tham chấp đối với tự ngã và ý tưởng về sự thường hằng của cái tôi. Do sự tham chấp này, họ không thấy được những thực tại đang là. Khi họ cảm giác một cảm thọ lạc đang xâm chiếm tâm họ, họ nhầm lẫn đó là hạnh phúc. Khi không thể nắm bắt được sự thực cùng tột về bản chất của các pháp hữu vi giống như danh và sắc, họ bị dẫn dắt đến chỗ tin vào thường, lạc, ngã, và tịnh.

Người hành thiền, nhờ tuệ giác, biết rõ tiến trình hình thành và hoại diệt của các pháp hữu vi. Cho nên niềm tin vào vô thường của người ấy rất vững chắc. Vị ấy cũng nhận ra rằng cái gì vô thường là bất toại nguyện, và cái gì bất toại nguyện là khổ. Vị ấy thấy không có cái “Tôi” trong bất kỳ hiện tượng danh sắc nào. Khi vị ấy ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc, vị ấy nhận thức được rằng cái vòng hình thành và hoại diệt này là bất tận. Những gì vị ấy thấy với sự trợ giúp của thiền minh sát như vậy là Pavatta[3] (sanh khởi). Tập trung tâm không ngừng trên sự sanh diệt, vị ấy đạt đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa), khi vị ấy khuynh hướng về sự bình yên (Niết-bàn giới) ở đây dòng danh-sắc ngừng trôi chảy. Vì không có gì sanh khởi giai đoạn này nên nó được gọi là apavatta (不轉起 bất chuyển khởi hay 無作用 vô tác dụng). Khoảnh khắc ấy, tức khoảnh khắc khi trí này khai mở nhờ tâm đạo và tâm quả, là khoảnh khắc của sự thật khi người hành thiền trở thành một với Niết-bàn.

 

NIMITTA VÀ ANIMITTA

 

Kinh nói: Nimittaṃ saṅkhāra; animittaṃ nibbānaṃ, có tướng là saṅkhāra (hữu vi); và không có những tướng ấy là Niết-bàn. Nói cách khác Niết-bàn là vô tướng.

Những người không chuyên tâm hành thiền minh sát tin rằng các đối tượng mà họ thấy có hình thù hay hình tướng hay kích thước xác định. Ngay cả những người hành thiền lúc ban đầu cũng nghĩ như vậy. Hợp theo quy luật của Satipaṭṭhāna (Niệm Xứ), khi đi vị ấy có thể ghi nhận sự thật rằng vị ấy đang đi, nhưng vị ấy không thể giũ bỏ cái biết rằng trong tiến trình đi, chân vị ấy đang nhấc lên và thân vị ấy đang chuyển động. Vị ấy cảm nhận được cái cảm giác chuyển động của thân mình. Tương tự, khi vị ấy đang ghi nhận sự phồng và xẹp của bụng, vị ấy luôn luôn bị nhớ về cái hình dạng hay hình thù của bụng. Điều đó có nghĩa rằng vị ấy đang biết những tướng hiện tại của các hành vốn phải chịu thay đổi. Những tướng này là Hành (Saṅkhāra).

Tuy nhiên khi vị ấy đạt đến một giai đoạn minh sát trí cao hơn, vị ấy chỉ biết yếu tố chuyển động (vāyo, phong đại) sanh lên rồi biến mất. Lúc này vị ấy mới có sự tin chắc rằng tất cả đều vô thường. Theo cách này, vị ấy đạt đến diệt trí (bhaṅga ñāṇa), trí biết về sự diệt của các pháp hữu vi.

 

VÔ TƯỚNG CẢM NHẬN QUA DIỆT TRÍ

 

Thanh Tịnh Đạo nói:

Nāne tikkhe vahante saṅkhāresu lahum upaṭṭhahantesu uppādam vā thitin vā pavattam vā nimittaṃ vā na sampāpuṇāti, khaya vaya bheda nirodhe yeva sati santiṭṭhati.

Khi, trí của hành giả được làm cho sắc bén nhờ hành thiền, việc ghi nhận và sự nhận biết đối tượng dưới sự quan sát trở nên nhanh đến mức, khi vị ấy nhận biết các hành (saṅkhāra) vị ấy có thể mở rộng niệm chỉ đến sự diệt của các hiện tượng. Điều đó xảy ra theo cách này.

Bản dịch của Ngài Ñāṇamoli trong Thanh Tịnh Đạo có hơi khác: Khi trí của vị ấy làm việc (saṅkhāra) một cách sắc bén, các hành nhanh chóng trở nên rõ ràng. Lúc đó vị ấy không còn mở rộng niệm đến sự sanh hay sự hiện diện hay sự xuất hiện của tướng nữa mà đưa niệm tập trung trên chỉ sự diệt của chúng như sự huỷ diệt, rơi rụng và tan rã. (Đây là bản dịch của Ngài Ñāṇamoli trong cuốn Visuddhimagga do R. Semage, Colombo, 1956 xuất bản.)

Mỗi sát-na tâm có ba sát-na tiểu, đó là sanh (uppādi) kể như sự bắt đầu, trú (thīti) kể như chặng giữa và diệt (bhaṅga) kể như sự chấm dứt của hiện tâm xảy ra.

Trước khi hành minh sát, người hành thiền không ý thức được ba sát-na tiểu của sát-na tâm này. Do đó, đối với vị ấy tất cả hình dạng, khái niệm chế định và tướng đều chỉ ra rằng mọi hiện tượng xảy ra như một chuỗi tương tục của các sự kiện. Vị ấy nghĩ rằng các sự kiện trôi chảy giống như một dòng suối không gián đoạn. Khi vị ấy bắt đầu tu tập bước đầu tiên trong thiền minh sát, đó là Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa pariccheda ñāṇa) trí đạt đến nhờ phân tích danh sắc hay thân và tâm thành những phần cùng tột của chúng, những ý niệm về sự tương tục của vị ấy giảm thiểu đến một mức nào đó.  Khi trí thẩm sát tam tướng hay tư duy trí (sammāsana ñāṇa, 思惟智 tư duy trí) phát triển trong vị ấy, vị ấy có được trí hiểu biết về sự sanh và diệt của các sự kiện quá khứ, hiện tại và vị lai như sanh (uppāda), trú (thīti) và diệt (bhaṅga). Tuy nhiên ngay cả như vậy vị ấy vẫn nghĩ rằng chúng là vững bền vì lẽ chúng móc nối hay liên kết với nhau thành một chuỗi. Khi vị ấy chứng được Sanh Diệt Trí (Udayabbaya ñāṇa), trí về sự sanh và diệt của các uẩn, vị ấy mới biết về sự bắt đầu, uppāda, và sự chấm dứt (bhaṅga), của sát-na tâm, nhưng sát-na trú hay sự xảy ra thực sự, pavatta (chuyển khởi hay hiện hành), không rõ ràng. Khi Diệt trí (Bhaṅga ñāṇa) được chứng ngộ, những tướng của các hành liên quan đến sự sanh khởi và phát triển lắng xuống chỉ còn lại sự diệt cho người hành thiền ghi nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng giờ đây vị ấy đã thấy Niết-bàn. Chỉ khi gắn tâm vào Tam Tướng ­— anicca, dukkha, anatta, vị ấy mới có thể nhận ra các hành (saṅkhāra). Và chỉ khi vị ấy đạt đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa), trí xả đối với các các hành (các pháp hữu vi), vị ấy mới có thể phát triển thái độ dửng dưng đối với tất cả tướng biểu thị cho các hành (saṅkhāra), đó là sự sanh, trú và diệt. Cuối cùng khi vị ấy suy xét trên Đạo, quả, tham đã đoạn trừ, tham còn phải đoạn trừ thêm nữa và Niết-bàn với phản khán trí (paccavekhaṇa ñāṇa), lúc đó vị ấy đạt đến giai đoạn tối hậu ở đây tất cả tướng của hành biến mất.

 

NIẾT BÀN: ĐẶC TÍNH, NHIỆM VỤ VÀ SỰ THỂ HIỆN

Các bản chú giải mô tả Niết-bàn bằng đặc tính, nhiệm vụ, và sự thể hiện của nó. Đặc tính của Niết-bàn là sự bình yên, nhiệm vụ của nó là bất tử và sự thể hiện của nó là vô tướng. Tuệ tri vô tướng chỉ có thể được thành tựu nhờ đạo trí và quả trí với sự trợ giúp của phản khán trí. Khi các bậc Thánh suy xét trên Đạo và quả thì sự vắng mặt của hình dạng, khái niệm chế định và tướng mới trở nên rõ ràng.

 

NIẾT BÀN LÀ VÔ TƯỚNG

 

Trong Milinda Pañhā (Mi Tiên Vấn Đáp) Ngài Nāgasena nói với đức Vua Milinda rằng không gì có thể được xem là đồng đẳng với Niết-bàn. Nó không có hình thù hay hình dáng, nó không có kích cỡ, và không có kích thước. Nó không thể được nhận thức bằng lý trí, hay bằng sự tranh luận, hay trình bày theo cách ẩn dụ. Niết-bàn nằm ngoài sự so sánh. Nó không trắng cũng không đen, không sáng cũng không tối, không lớn cũng không nhỏ. Niết-bàn là sự chấm dứt của tam luân — phiền não luân, nghiệp luân và quả luân. Tôi có viết lời giới thiệu trong tác phẩm “Thiền Minh Sát” của tôi xuất bản năm 1973 như sau:

Niết-bàn không phải là một toà lâu đài hay một cung điện. Nó không phải là thành phố, không phải là ánh sáng. Không có hào quang trong Niết-bàn. Nó không có yếu tố trong sáng và mát mẻ. Vì lâu đài, cung điện, thành phố, ánh sáng, hào quang, trong sáng và mát mẻ đều không phải là vô vi (asaṅkhata)[4] , hay những thực tại tối hậu (paramattha).

Tôi đã viết lời giới thiệu đó một cách khách quan không có ý định công kích hay bài bác bất cứ điều gì hay người nào. Nhưng sau đó tôi tìm thấy một cuốn sách mô tả Niết-bàn như một sự phát triển của ánh sáng. Những người đọc có thể nghĩ rằng tôi đang viết một bài chỉ trích tác giả cuốn sách đó. Nhưng không! Tôi viết không mảy may nghĩ về điều đó. Tôi chỉ lập lại những lời trong Mi Tiên Vấn Đáp khi nói rằng Niết-bàn là Vô Sắc (không hình tướng). Một hành giả khi đang tập trung trên đối tượng minh sát với Hành Xả Trí (saṅkhāruppekkhā ñāṇa), Thuận Thứ Trí (anuloma ñāṇa) và Chuyển Tộc Trí (gotrabhū ñāṇa – trí chuyển từ phàm tộc sang Thánh tộc với Niết-bàn là đối tượng), sẽ bị lạc vào dòng tâm thừa nhận sự diệt của tất cả hành. Ở giai đoạn này, cả tâm ghi nhận lẫn đối tượng ghi nhận có vẻ như đang tan ra.

 

ĀYŪHANĀ VÀ ANĀYŪHANĀ

 

Kinh nói: Āyūhanā saṅkhāra; anāyūhanā nibbānaṃ, sự tích luỹ (nghiệp) là hữu vi và sự không tích lũy là Niết-bàn. Hàm ý ngữ pháp của āyūhanā là “xây dựng hay tập hợp” như trong việc xây dựng một căn nhà ở đây những người thợ xây dựng tập hợp những vật liệu lại theo một cách thích hợp nào đó. Những nỗ lực tích luỹ nghiệp tạo thành saṅkhāra (hành). Ở đâu không có những nỗ lực như vậy, ở đó bạn sẽ tìm thấy Niết-bàn.

Vì nhiệm vụ của hành (saṇkhāra) là tích luỹ, đặc tính của nó là Tạo thành, có thể là thụ động hay chủ động. Khi sự hình thành được làm duyên bởi bốn yếu tố — nghiệp lực, tâm, thời tiết và vật thực, nó là thụ động. Danh (Nāma) và sắc (rūpa) tuỳ thuộc vào bốn yếu tố này. Khi chúng ta nói tất cả hành là vô thường, khổ và vô ngã là chúng ta muốn nói đến danh và sắc này. Tâm sở (cetasika) là pháp đồng sanh của tâm, và nó cũng được gọi là hành uẩn (saṇkhārakkhandhā). Khi nó hoạt động để tạo ra thân hành, khẩu hành và ý hành, thì đặc tính của hành (saṇkhāra) được nói là chủ động. Cetanā là tư hay ý chí là một thành phần của tâm sở. Nó tạo ra dị thục quả (vipāka), hoặc tốt hoặc xấu, phù hợp với thân hành, khẩu hành và ý hành đã thực hiện một cách tốt đẹp hay không tốt đẹp. Có thể nói những thiện nghiệp (kusala kamma) và bất thiện nghiệp (akusala kamma) phát sanh theo cách này, và chính nghiệp này là saṇkhāra chủ động khiến cho có sự hiện hữu mới sau khi các uẩn cũ diệt. Chỗ nào Cetanā không xảy ra, chỗ đó danh sắc mới không sanh.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trước, khi không có phiền não, các nghiệp chủ yếu trở thành duy tác. Các phiền não bị huỷ diệt khi đạt đến Đạo Quả nhờ thiền minh sát. Thoát khỏi ảnh hưởng của các phiền não (kilesas), các nghiệp quá khứ bị làm cho kiệt sức, và chúng hoàn toàn không thể đưa đến sự hình thành của một hiện hữu mới. Với các bậc A-la-hán tất cả khandhās (các uẩn) đều dừng lại cùng với sự diệt của tham ái và trạng thái Niết-bàn này được gọi là vô dư y (anupādisesa).

 

KHÔNG NỖ LỰC CÁC HÀNH NGHIỆP KHÔNG DỪNG LẠI

 

Có gợi ý cho rằng, anāyūhanā (非努力, phi nỗ lực) là đối nghịch của sự nỗ lực tích luỹ những hành động tạo ra nghiệp. Nếu điều này không được xem xét trong ánh sáng thích hợp của nó, nó có thể bị hiểu sai cho rằng người ta không nên nỗ lực để tích luỹ nghiệp. Những gì muốn nói ở đây là khi không có phiền não, nghiệp không thể tích luỹ, và do đó đối với các vị A-la-hán những thiện nghiệp có vẻ không cần thiết. Bạn không nên thừa nhận một cách vội vã quan niệm cho rằng nếu bạn không làm gì cả thời sẽ không có nghiệp lực, và nếu không có nghiệp lực thì sẽ không có quả của nghiệp. Điều đó có thể là khả dĩ, nhưng lại không thể thực hiện được. Một vài nhân tố giải thích sai Kinh Điển và nói, “Mọi nỗ lực đều dẫn đến khổ. Không nỗ lực là dừng lại và dừng lại là Niết-bàn. Bố thí, giữ giới và hành thiền để phát triển tâm linh là thừa. Hãy giữ tâm bất động. Tâm bất động này sẽ dẫn đến Niết-bàn.” Năm 1951, khi tôi đi đến Yangon, tôi được nghe qua radio những lời dạy mà có thể làm hài lòng những người không quan tâm đến nỗ lực thực hành pháp này. Những lời dạy như vậy trái ngược với những gì Đức Phật dậy. Trong Kinh Tạng luôn nói rằng tất cả điều ác (akusala) nên tránh và tất cả điều thiện — bố thí, trì giới, tu tập tâm phải được thực hành. Không ở đâu trong kinh nói điều thiện không nên làm cả!  Không tích chứa thiện nghiệp, ác nghiệp có thể chằng bao giờ được xoá bỏ.

 

THAM DỤC THIÊN VỀ ĐIỀU ÁC

 

Làm điều thiện cần phải có đức tin, hảo ý và nỗ lực. Vì thế điều thiện rất khó làm. Để hoàn thành nó giống như đi ngược thuỷ triều vậy. Tuy nhiên điều ác lại dễ làm, vì không cần thiết phải có một sự nỗ lực đặc biệt hay thúc đẩy nào để làm chúng. Nó vận hành một cách tự nhiên. Do đó, chúng ta có thể nói rằng người làm điều ác trôi giạt với thuỷ triều. Những việc làm xấu hay bất thiện nghiệp chỉ được kiểm soát ở một mức độ nào đó khi có sự can thiệp của luật pháp và sự thận trọng. Đối với hàng phàm nhân chỉ có hai điều chọn lựa — làm điều thiện (kusala kamma) hay làm điều ác (akusala kamma) mà thôi. Vì bao lâu điều thiện còn chưa làm, điều ác sẽ thắng thế. Nếu, cứ mỗi một trăm phút hết chín mươi phút dành để làm điều ác với tâm bất thiện (akusala citta), thì sẽ chỉ còn lại mười phút cho tâm thiện làm theo cách của nó. Nếu mười phút ít ỏi làm điều thiện này mà bị bỏ đi nữa, điều ác sẽ thắng thế trong bạn đủ cả trăm phút.

Một người không tu tập tâm sẽ không thể nào biết được cách chế ngự điều ác. Vì, khi đối diện với muốn vàn đối tượng khác nhau đem lại sự thích thú cho các giác quan, làm thế nào một người bình thường có thể kiểm soát được tâm mình không để dính mắc vào các dục lạc cho được? Họ sẽ mãi mãi hài lòng với những đối tượng hấp dẫn nào họ thấy hay nghe.oọ se

Một người có gia đình khó mà kiềm chế trong việc đáp ứng những mong muốn của gia đình, anh ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm được để thực hiện nó. Một người độc thân, dù không bị những ràng buộc của hôn nhân, nhưng cũng sẽ không thể kháng lại sự cám dỗ mà các đối tượng giác quan khả lạc mang đến. Vì lẽ anh ta có tất cả những đặc quyền thọ hưởng những gì có sẵn để thọ hưởng, nên anh ta sẽ không quan tâm đến việc kiểm soát những dục tham, sân hận và si mê của mình. Anh ta chắc chắn sẽ bộc lộ sự tức giận của mình nếu gặp bất kỳ đối tượng nào mà anh ta xem như không mong muốn. Liên quan đến việc kiểm soát tâm này, có câu chuyện kể về một người chú và người cháu nọ. Người cháu thường nói, “Hãy để tâm yên, cứ trao dây cương cho nó, nó có thể tự tránh khỏi phiền não.” Người chú có vẻ đã chán ghét những lời nói lém lỉnh như vậy bèn tát vào má đứa cháu. Khi được hỏi tại sao lại làm như vậy, người chú giải thích rằng chú đang kiểm tra tính xác thực của lời tuyên bố cháu đưa ra thôi mà. Người cháu, không cần phải nói, trở nên rất tức giận. Sân hận chỉ có thể được loại trừ khi một người đạt đến A-la-hán Thánh Đạo qua việc hành thiền minh sát.

Trong thời Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) nổi tiếng vì sự điềm tĩnh. Ngài không bao giờ sân hận. Một vị Bà-la-môn kia, không tin Tôn giả đã chiến thắng được sự giận dữ, đi đến phía sau ngài và đánh vào ngài một cái. Tuy nhiên Tôn giả Xá-lợi-phất vẫn tiếp tục đi một cách bình thản. Chỉ lúc đó người Bà-la-môn mới nhận ra lỗi lầm của mình và cầu xin tha lỗi. Một bậc Thánh A-la-hán có sự bình thản nhờ đã diệt mọi sân hận,… bằng việc thực hành thiền minh sát làm phát sinh tâm Đạo.

Khi nhìn thấy những điều đáng ghét bạn có thể kiểm soát được tâm bạn để không cảm thấy ghê tởm, buồn bã, chán nản hay phiền muộn không? Có thể bạn chẳng bao giờ biết cách làm thế nào để kiểm soát tâm mình nếu không hành thiền minh sát.

 

THIẾU THIỆN PHÁP, BẤT THIỆN PHÁP SẼ THỐNG TRỊ

 

Ở đâu thiện pháp không được thực hành, ở đó bất thiện pháp sẽ thắng thế. Nếu một người hành bố thí, giữ giới và tu thiền, cho dù người ấy không nguyện đắc Đạo Quả, người ấy vẫn có thể thoải mái tái sanh trong cõi người hoặc cõi chư thiên. Sau này, trong tình trạng khó khăn không thể chứng đắc Đạo Quả, nếu một người tiếp tục hành thiền ở bất cứ nơi đâu được sanh ra, cuối cùng họ vẫn có thể bước trên Đạo Lộ. Nhưng nếu họ sao lãng làm điều thiện, không tích luỹ thiện nghiệp, thời ác nghiệp của họ sẽ dẫn đến những kết quả tương xứng với những gì họ đã làm, và họ sẽ phải chịu khổ vì chúng. Thậm chí họ có thể phải đi đến các cõi khổ. Vì thế, những chỉ dẫn không làm điều thiện phải được xem xét với sự hiểu biết. Đó là lý do vì sao tôi luôn luôn kêu gọi mọi người phải làm điều thiện. Hãy để tôi nhắc lại ở đây rằng anāyūhanā (phi nỗ lực) không có nghĩa là tránh làm điều thiện. Mà nó chỉ có nghĩa là từ bỏ thiện (kusala) hay bất thiện (akusala) làm sanh khởi tâm tục sanh mà thôi. Thiện nghiệp giúp phát triển bố uý trí (bhaya ñāṇa 怖畏智), trí thấy các pháp tan hoại như đáng sợ hãi, quá hoạn trí (ādinava ñāṇa -過患智) trí thấy những pháp đáng sợ hãi như có lỗi hay nguy hiểm, và yểm ly trí (nibbidā ñāṇa 厭離 智) trí thấy các pháp có lỗi như đáng nhàm chán.

 

BẬC THÁNH A-LA-HÁN KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ THIỆN NGHIỆP

 

Các bậc Thánh A-la-hán không bao giờ phạm vào những điều ác vì đã thoát khỏi mọi phiền não như tham, sân và vô minh. Điều đó rất rõ ràng. Tuy nhiên, câu hỏi có thể phát sanh là liệu những thiện nghiệp mà các ngài đã làm có tích lũy phước báu không. Như tôi đã giải thích trước đây, các ngài vẫn tích lũy phước báu do thực hành bố thí, giữ giới, hành thiền định, thiền minh sát, hành tâm từ và đảnh lễ Đức Phật, nhưng vì không còn phiền não, nên những thiện nghiệp ấy không tạo ra quả. Trong bài kệ Đảnh Lễ Namakara có thể các bạn còn nhớ, Đức Phật đã mô tả như sau: Như Lai đã từ bỏ cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp vì nghiệp luân và phiền não luân (vòng xoay của nghiệp và phiền não) đã diệt. Các bậc Thánh A-la-hán cũng như vậy. Nhưng không giống Đức Phật các vị A-la-hán không thể loại bỏ được vāsanā[5] (tiền khiên tật), ấn tượng về những thiện nghiệp hay ác nghiệp còn đọng lại trong tâm. Ở đây trong bài kệ Đảnh Lễ sự từ bỏ cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp có nghĩa là những nghiệp ấy được làm cho vô hiệu bởi vì các phiền não đã bị huỷ diệt bằng tâm Đạo. 

Đối với hàng phàm nhân, những nghiệp thiện hoặc bất thiện cả ở quá khứ lẫn hiện tại, đều có thể tạo ra quả trong hình thức kiết sanh thức. Có thể nói những hữu tình chúng sanh trải qua vô số kiếp sống theo cách này. Vì bao lâu các uẩn còn tiếp tục sanh khởi, khổ đau không bao giờ hết.

 

PAṬISANDHI VÀ APPAṬISANDHI                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

 

Vô-ngại-giải Đạo đã nói về kiết sanh (paṭisandhi) này như sau: Paṭisandhi saṅkhārā; appaṭisandhi nibbānaṃ. Có nghĩa, kiết sanh là hữu vi; không kiết sanh là Niết-bàn (vô vi).

Nó được gọi là paṭisandhi hay kiết sanh là vì nó nối kết cái khe hở tách rời sát-na cuối của kiếp sống trước với sát-na khởi đầu của kiếp sống sau. Kiếp sống quá khứ nối liền với kiếp sống hiện tại một cách bất tận bao lâu quy luật của nghiệp còn vận hành. Sự nối kết này tạo ra kiếp sống trong cõi địa ngục, hoặc trong cõi ngạ quỷ (peta), hoặc trong cõi bàng sanh, hoặc, cũng có thể trong các cõi giới khác. Phải sanh đi sanh lại trong những cõi khổ vừa nói quả thực là khủng khiếp. Trừ phi một người đạt đến Đạo Quả A-la-hán bằng không họ sẽ miệt mài trong cõi luân hồi. Ngay cả các bậc Thánh Nhập Lưu (sotāpanna) cũng sẽ phải trải qua bảy lần trong cõi dục giới. Một bậc Nhất Lai (sakdāgāmi) phải đi qua hai kiếp sống nữa. Một bậc Bất Lai (anāgāmi) sẽ lang thang trong cõi Tịnh Cư (suddhavāsa) nơi đây nhất định vị ấy sẽ đắc A-la-hán. Đối với những chúng sanh còn lại sẽ ở trong cõi của phiền não chuẩn bị cho những cuộc tái sanh bất tận. Tuy nhiên, như tôi đã nói, với các bậc A-la-hán cả ba vòng xoay của nghiệp, phiền não và quả đã dừng lại. Đây là không kiết sanh (appaṭisandhi), đặc tính của Niết-bàn. Do đó chúng ta có thể nói rằng Niết-bàn là Vô Sanh.

Những người đã phát triển được các minh sát trí — bhaya ñāṇa (bố uý trí), ādinava ñāṇa (quá hoạn trí) và nibbidā  ñāṇa (yểm ly trí), thường cảm thấy chán nản và trở nên ghê tởm đối với vòng khổ luân sau khi chứng ngộ chân lý bằng tâm Đạo. Mong chờ Niết-bàn, họ hành thiền minh sát để diệt các phiền não và đặt chân vào Đạo Quả. Điều này tự nó là sự chứng ngộ Niết-bàn; nhưng vì nền tảng của sự hiện hữu vẫn chưa được đoạn trừ nên nó được gọi là hữu dư y Niết-bàn (saupādisesa nibbāna) khác với vô dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna), ở đây không còn các uần sau khi diệt tận mọi tham dục.

 

BA GÁNH NẶNG

 

Chúng ta đang đeo mang những gánh nặng — gánh nặng của phiền não, gánh nặng của sự tích tụ (abhisankhāra 積 聚) và gánh nặng của năm uẩn.

Gánh Nặng Phiền Não

Kilesa hay phiền não bao gồm tất cả mọi cảm xúc mạnh mẽ như tham, sân, và si. Nó đặt một gánh nặng lên chúng ta ­—­ một gánh nặng của tội lỗi, vì con người rất dễ phạm tội sát sanh, trộm cắp, v.v…, do những cảm xúc mạnh mẽ của mình sai khiến.

Gánh Nặng Tích Tụ (Ābhisaṅkhāra)

Sự tích luỹ các nghiệp, thiện hay bất thiện mà một người thực hiện, là abhisaṅkhāra, vốn là một tên khác chỉ hành nghiệp. Nó cũng là một gánh nặng. Khi những nghiệp được thực hiện là ác, chúng dẫn người làm điều ác xuống các cõi khổ như địa ngục, ngạ quỷ,…. Khi một người được tái sanh trong những điều kiện hạnh phúc, chẳng hạn trong cõi trời, như kết quả của thiện nghiệp, anh ta vẫn sẽ phải khổ với tuổi già, tật bệnh và cái chết. Dù anh ta có hài lòng với số phận (những quả nghiệp) hay không, anh ta cũng không thể tránh khỏi ba tình trạng — già, bệnh, chết không mong muốn này. Vì thế dù muốn hay không muốn, khi đã mang cái gánh nặng của nghiệp, anh ta không thể tránh khỏi vòng khổ luân. Ngay cả khi anh ta được tái sanh làm người, anh ta có thể phải tái sanh trong cảnh bần cùng thiếu thốn, khổ sở với tật bệnh và phiền muộn với sức khoẻ yếu kém. Cho dù anh ta có những quả nghiệp thiện đang chờ đợi, anh ta có thể không có cơ hội để hưởng những quả ấy nếu nghiệp xấu bắt kịp anh ta sau đó. Anh ta sẽ buộc phải chịu đựng những đau khổ như thường. Trong hiện thực cuộc sống, có thể xảy ra trường hợp anh ta tránh được sự trừng phạt của pháp luật vì tội ác của mình. Nếu may mắn có được một luật sư giỏi bào chữa, anh ta có thể thoát khỏi vụ xử như một người vô tội. Trong những tình tiết giảm nhẹ, anh ta có thể hối lộ để được tự do. Và rồi có lệnh ân xá để cứu anh ta. Nhưng với Kamma (nghiệp) thì không thoát khỏi luật quả báo. Nó có thể ngủ ngầm hàng kiếp trong quá trình luân hồi, nhưng khi nó tìm được một cơ hội để ngóc đầu lên, nó sẽ làm cho sự hiện diện của nó được cảm nhận. Do đó gánh nặng của nghiệp và quả của nghiệp thật nặng thay!

Cách duy nhất để buông bỏ gánh nặng abhisaṅkhāra (tích tụ) là phải hành thiền minh sát. Nếu người hành thiền đạt đến trạng thái của một bậc nhập lưu (sotāpanna), tất cả nghiệp bất thiện dừng lại; và vị ấy không bao giờ còn đi xuống bốn cõi khổ nữa. Nếu vị ấy đạt đến Đạo Quả A-la-hán, tất cả mọi gánh nặng sẽ được nhấc ra khỏi vai vị ấy, “hữu (sự trở thành)” mới sẽ không sanh. Nhưng trước khi một bậc A-la-hán nhập vào trạng thái vô dư Niết-bàn (parinibbāna), những nghiệp xấu của vị ấy có thể vẫn cho quả. Kinh nói rằng ngay cả Đức Phật cũng không thể tránh được quả của nghiệp, hay quả của những nghiệp xấu còn dư tàn (từ những kiếp quá khứ).

Gánh Nặng Năm Uẩn

Do gánh nặng abhisaṅkhāra (tích tụ) chúng ta phải mang cái gánh nặng năm uẩn hết kiếp này sang kiếp khác. Các uẩn mới phát sanh như kết quả của các uẩn cũ quá khứ. Chúng rất năng động, di chuyển không ngừng, hết đi, đến đứng, hết nằm đến ngồi,…. Chúng phải được cho ăn uống, tắm rửa và mặc quần áo. Chúng thích khoái lạc vì thế chúng phải được dỗ dành với những đối tượng đem lại cho chúng những cảm giác khả lạc (thọ lạc). Trong nỗ lực để hoàn thành những ước muốn của chúng con người buộc phải làm những điều tội lỗi. Khi đã phạm vào một tội ác, nó không chỉ tác động đến tự thân anh ta mà còn đến cả môi trường chung quanh kẻ tội phạm nữa, và đó là sự kết thúc của nó. Nhưng khi một ác nghiệp được làm, nó khiến người phạm tội lo lắng suốt cả cuộc đời. Để thoát khỏi chúng anh ta sẽ phải tích luỹ những thiện nghiệp cùng với sự phát triển các tưởng thiện, hành thiện và thức thiện. Khi một người về già, họ mới cảm nhận được sự nằng nề của gánh nặng. Họ biết rằng nó phải được mang không chỉ trong một thoáng ngắn ngủi mà suốt đời, nói đúng ra là suốt kiếp luân hồi (saṃsāra), không giây phút nghỉ ngơi, không có bất kỳ giới hạn nào về trọng lượng hay khoảng cách, hay thời gian. Ở một phần trước tôi đã nói về tam luân ­— phiền não luân, nghiệp luân và quả luân. Về cơ bản, tam luân này có liên quan đến ba gánh nặng mà tôi đang nói về.

Tóm lại, tất cả những phiền não của tâm giống như tham, sân, si tạo thành gánh nặng của Phiền não, tất cả những thiện nghiệp và ác nghiệp tạo thành gánh nặng của Abhisaṅkhārā (tích tụ), và tất cả năm uẩn tạo thành gánh nặng của Năm Uẩn.

 

DỠ BỎ GÁNH NẶNG

 

Vì lẽ các bậc A-la-hán nhờ tâm Đạo đã diệt tận mọi phiền não, nên việc đặt gánh nặng phiền não xuống kể như đã hoàn thành, và vì lý do đó những nghiệp quá khứ của các ngài sẽ trở thành vô hiệu sau khi Bát Niết Bàn. Điều này có nghĩa là những nghiệp quá khứ không thể tạo ra “sanh hữu” mới cho các ngài nữa. Nhưng trong lúc sinh thời của các ngài, những nghiệp ấy vẫn tiếp tục cho quả. Chú giải nói rằng Đức Phật được sống phong lưu trong suốt cuộc đời là nhờ những thiện nghiệp của ngài. Nhưng ngài cũng bị nữ du sĩ ngoại đạo Sundari cáo buộc ngài vô đạo đức, bởi vì quả nghiệp quá khứ của ngài lúc đó đang vận hành chống lại ngài. Với Trưởng lão Sīvali, sự hào phóng là đặc điểm của ngài, bởi vì ngài đã bố thí một cách hào phóng trong những kiếp quá khứ. Với Trưởng lão Losaka sự nghèo đói và thiếu thốn luôn luôn làm khổ ngài vì nghiệp bất thiện ganh tỵ và bỏn xẻn quá khứ của ngài.

 

SỢI DÂY SANH HỮU

 

Các bậc A-la-hán thường được mô tả như bậc Thánh đã đặt gánh nặng xuống (hay không còn gánh nặng trên vai). Sự thành tựu của các ngài là chứng đắc Đạo Quả. Với các ngài sợi dây sanh hữu đã bị cắt đứt. Theo cách nói hiện đại chúng ta có thể dùng sự diễn đạt: cắt đứt xích xiềng. Nhưng với các bậc A-la-hán nó còn hơn cả cắt đứt những xích xiềng trói buộc con người nữa. Samyojana (kiết sử), sự trói buộc của những dục vọng làm cho con người rối ren trong vòng luân hồi bất tận, đã bị các bậc A-la-hán cắt đứt hoàn toàn. Sau khi đã thoát khỏi xích xiềng của sanh hữu, sự tái sanh mới đối với các ngài không còn cần thiết nữa. Một người dễ duôi trong Pháp, không cắt đứt được xích xiềng sanh hữu vốn có thể, không lúc này thì lúc khác kéo anh ta xuống bốn cõi khổ nếu những nghiệp anh ta làm là xấu. Vì thế trong Kinh Pháp Cú có nói, “Một phàm nhân dễ duôi trong Pháp sẽ lấy bốn cõi khổ làm nơi thường trú của mình.”

 

Con người sống trong căn nhà của họ. Nếu hoàn cảnh buộc họ phải đến thăm nhà của người khác, họ có thể ở đó trong một thời gian nào đó với tư cách là khách và rồi phải trở lại căn nhà riêng của họ. Tương tự như vậy, khi địa chỉ thường trú của họ là địa ngục, thỉnh thoảng họ có thể đến thăm những cõi sống cao hơn rồi lại phải quay về với nơi ở hợp pháp của họ. Đôi khi, những người sinh vào thế giới này như đàn ông hay đàn bà, nhờ những thiện nghiệp của mình họ có thể đi lên cõi Phạm thiên. Nhưng sợi dây dục hữu lại kéo họ xuống cõi người. Vì thế họ chết như một vị Phạm thiên rồi phải tái sanh làm người đàn ông hay đàn bà trở lại trong cõi người này.

Khi sợi dây dắt (bò) ngắn con bò không thể lang thang ra ngoài những gì sợi dây ấy cho phép. Theo cách tương tự nếu một người bị cột bằng một sợi dây với phạm vi hạn hẹp của sanh hữu họ không thể vượt qua phạm vi đó. Khi sợi dây sanh hữu chỉ cho phép họ lang thang trong cõi sắc giới và vô sắc giới, họ sẽ chẳng thể nào vượt qua được những giới hạn ấy để đạt đến Niết-bàn. Vì thế họ phải tiếp tục sống trong khổ đau, trong già, bệnh và chết. Nhưng các bậc A-la-hán biết rằng họ đã cắt đứt vĩnh viễn sợi dây sanh hữu ấy.

 

NGŨ CĂN

 

Các bậc thánh A-la-hán đã diệt tận các lậu hoặc[6] (āsava), và phiền não (kilesa). Giống như tất cả hữu tình chúng sanh khác, bậc A-la-hán cũng có các căn hay giác quan thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm vì các căn này nằm trong thân vật lý của họ. Do các căn này còn nguyên vẹn, nên các ngài vẫn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm với các đối tượng và phân biệt được cái nào trong chúng là tốt hay xấu. Có thể nói giác quan của các ngài hoạt động bình thường như mọi người vì các ngài vẫn chưa thể loại trừ được các cảm thọ (vedanā). Các ngài vẫn biết khổ là gì và hạnh phúc hay lạc là như thế nào. Nhưng vì các ngài đã loại trừ được phiền não như tham, sân,… nên các ngài không cảm thấy khó chịu, dù các ngài vẫn có thể nhận ra sự bất an của thân. Khi điều kiện thời tiết thay đổi các ngài có thể cảm thấy nóng hoặc lạnh, hay cảm thấy khoẻ hay không khoẻ. Khi gặp những đối tượng giác quan không hài lòng, các ngài có thể cảm thấy không thoải mái về thân, nhưng về tâm các ngài vẫn thản nhiên. Các ngài hầu như không quan tâm đến tạc hay khổ. Dù những cảm thọ lạc sanh khởi do các đối tượng giác quan tạo ra cũng không có tham, hay sân hay vô minh nào sanh khởi nơi các ngài.

 

DIỆT DỤC

 

Rāga hay tham dục không còn sanh khởi nơi vị A-la-hán, sân và vô minh cũng vậy. Khi thấy, nhãn thức sanh; vị ấy biết nhưng không có những cảm giác tham, sân và vô minh. Tất cả cảm xúc mạnh mẽ này đã tàn lụi trong vị ấy. Sự diệt của những cảm xúc mạnh mẽ này được gọi là Hữu dư y Niết Bàn — sự huỷ diệt những ngọn lửa tham, sân và vô minh với sanh y vẫn còn.

Một khi A-la-hán Thánh Đạo được chứng vị A-la-hán sẽ thọ hưởng Hữu Dư Y Niết Bàn cho đến khi nhập vào Vô Dư Niết Bàn (parinibbāna). Vị ấy an vui tuyệt đối trong trạng thái hữu dư y Niết Bàn vì đã loại bỏ được tất cả khổ do phiền não luân gây ra. Tuy nhiên thân ngũ uẩn vẫn còn và nếu trường hợp ngài chứng Đạo trong cõi Phạm Thiên thân ngũ uẩn này có thể kéo dài một hay hai ngàn năm nữa. Về một phương diện nào đó thì điều này là tốt, vì trong cõi phạm thiên khổ thân và những đối tượng bất lạc không hiện hữu. Nhưng đối với những vị đắc Đạo trong cõi người, họ sẽ phải chịu đựng những cái khổ mà xác thịt này thừa hưởng, chẳng hạn, sự nhọc nhằn trong việc đi khất thực, phải tắm rửa hàng ngày,… Như vậy, dù là một bậc thánh A-la-hán , các ngài cũng phải mang cái gánh nặng ngũ uẩn bất chấp sự thực rằng ngài không còn dính mắc vào chúng.

Trưởng lão Bākula, người được xem là tối thắng về sức khoẻ (vô bệnh đệ nhất) trong số những đệ tử của Đức Phật, sống đến 160 tuổi, trở thành bậc A-la-hán lúc 80 và nhập vô dư Niết Bàn tám mươi năm sau. Điều đó có nghĩa rằng ngài đã mang cái gánh nặng năm uẩn này trong 160 năm và chỉ sau khi nhập vô dư Niết Bàn ngài mới được giải thoát khỏi sự trói buộc của các uẩn cũng như những nhọc nhằn của kiếp người. Nhưng ngài không mong muốn sống lâu cũng không muốn chết sớm. Ở một đoạn trước tôi đã nói về điều này rồi — rằng một vị A-la-hán không mong muốn sống cũng không mong muốn chết mặc dù ngài háo hức chờ vô dư Niết Bàn.

 

ANUPĀDISESA NIBBĀNA

Anupādisesa nibbāna (Vô dư y Niết Bàn) là sự huỷ diệt tất cả những cảm xúc mãnh liệt (tham, sân, si) cùng với các uẩn. Vì điều này đã được giải thích trong Itivuttaka như vậy. Trong Itivuttaka Đức Phật nói Anupādisesa nibbāna (Vô dư y Niết Bàn) là sự chứng đắc của một bậc thánh tỳ-kheo A-la-hán nhờ đoạn tận các lậu hoặc và phiền não, đời Phạm hạnh đã tành tựu, đã thực hành tất cả những gì cần phải thực hành (việc cần làm đã làm xong), đã đặt xuống gánh nặng của năm uẩn, đã cắt đứt sợi dây sanh hữu (hữu kiết sử), đã được giải thoát nhờ chánh trí, đã loại bỏ các cảm thọ (vedanā), vì không còn thích thú, và cuối cùng, sau khi đã đạt được sự bình yên và tĩnh lặng trong suốt cuộc đời.

Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là Thọ (vedanā) diệt cùng với sự nhập Vô dư y Niết Bàn của vị A-la-hán. Đối với phàm nhân và ngay cả đối với các bậc hữu học, thọ không thể bị loại bỏ. Họ có thói quen chấp nhận nó như là cái gì đó thích thú, và do đó một sự chấp thủ đã sanh khởi trong họ. Bị dính mắc vào thọ (vedanā), họ chấp nhận nó thậm chí cho đến sát-na tâm tử. Vì thế, thọ tiếp tục trôi chảy, như nó đã từng, và xuất hiện cùng với thức tái sanh. Kết quả là sanh hữu mới sanh khởi. Nhưng với vị A-la-hán sự diệt của thọ đã được bắt đầu trong đời sống của vị ấy. Liên quan đến sự diệt này có thể mọi người còn nhớ đến sự giống nhau đã được rút ra từ ngọn đèn đang tắt. Sự tắt này bắt đầu trong đời sống của vị ấy. Vì lẽ thọ đã được kìm lại như vậy nên cơ hội cho sự trở thành không thể có được sau vô dư Niết-bàn của vị ấy.

Những gì đã được nói về thọ cũng áp dụng chính xác cho tưởng (saññā), hành (saṅkhāra) và thức (viññāṇa), vốn tất cả đều diệt khi thọ diệt. Cùng với sắc (rūpa), chúng (thọ, tưởng, hành và thức) tạo thành năm uẩn dựa vào quả của nghiệp để hiện hữu. Với sự vô hiệu lực của các uẩn và quả (vipāka), cuối cùng bậc Thánh A-la-hán thành tựu sự diệt không còn tàn dư của sanh y (vô dư y Niết-bàn).

 

HAI BÀI KỆ ĐÁNG CHÚ Ý

 

Liên quan đến hai Niết-bàn giới này, hai bài kệ (gathas) rút ra từ Itivuttaka (Phật Tuyết Như Vậy) rất đáng chú ý:

Duve imā cakkhumatā padāsitā,

Nibbānadhātu anissitena tādimā:

Ekā hi dhātu idha diṭṭhadhammikā,

Saupādisesā bhavanettisaṅkhayā.

Anupādisesā pana samparāyikā

Yamhi nirujjhanti bhavāni sabbaso.

Hai Niết-bàn giới này,

Ðược vị có pháp nhãn,

Trình bày và thuyết giảng,

Không y tựa như vậy,

Một loại Niết-bàn giới,

Ở đây, thuộc hiện tại

Còn có các dư y,

Nuôi dưỡng hữu bị diệt.

Không dư y Niết bàn,

Lại thuộc về tương lai,

Với vị đạt giới này,

Mọi hữu diệt hoàn toàn.

 

Ye etadaññāya padaṃ asaṅkhataṃ,

Vimuttacittā bhavanettisaṅkhayā;

Te dhammasārādhigamā khaye ratā,

Pahaṃsu te sabbabhāvāni tādino.

Những ai với chánh trí,

Biết con đường vô vi,

Tâm tư được giải thoát,

Nuôi dưỡng hữu bị diệt,

Những ai chứng đạt được

Gốc lõi của các pháp,

Hoan hỷ trong diệt tận,

Những vị ấy như vậy,

Ðã từ bỏ hoàn toàn,

Tất cả mọi sanh hữu.

 

Không y tựa (vào những tà kiến do tham ái tạo ra), an trú trong xả toàn diện (đối với các đối tượng giác quan, khả ý hay bất khả ý), và vận dụng tuệ nhãn, Đức Phật đã trình bày rõ hai Niết-bàn giới — Niết-bàn Giới Hữu Dư Y (Saupādisesa Nibbāna), sự diệt của các phiền não vẫn còn căn cứ tái sanh, và điều này được thấy rất rõ ngay trong hiện tại. Nó biểu thị sự cắt đứt của sợi dây sanh hữu (hữu kiết sử đoạn tận).

Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna) chỉ thể hiện rõ ràng sau Bát Niết-bàn (pariibbāna). Trong Niết-bàn giới này, sự huỷ diệt của sanh hữu là toàn diện. Biết hai Niết-bàn giới này là Vô Vi hay Không Tạo Tác nhờ tâm Đạo, các bậc Thánh A-la-hán được giải thoát khỏi bị tái sanh. Sau khi đã chứng ngộ lõi cây của Pháp, và sau khi đã thành tựu xả đối với các trần cảnh, tốt hoặc xấu, các vị hoan hỷ trong sự diệt của các hành.

 

Trong bài giảng trước, Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna)  đã được trình bày như một nơi chốn ở đây bình yên giới cư trú. Điều này được nói theo cách ẩn dụ mà thôi. Vì Niết-bàn không có nơi chốn. Nó không phải là nhân cũng không phải là quả. Trong các bản Chú giải, Hữu Dư Y Niết-bàn được trình bày như sự diệt của tham (rāga), và không chỉ định bất kỳ nơi chốn hay nhân và quả nào. 

Sẽ không hoàn toàn thích đáng khi nói rằng Đạo và Quả của nó nghiêng về phía đối tượng của chúng — Niết-bàn, là nhân và sự diệt của các phiền não trong hai Niết-bàn giới là quả. Người ta cũng có thể cho rằng sự Bình Yên mà Đạo và Quả nghiêng về là Niết-bàn bình thường còn hai Niết-bàn giới đang xem xét ở đây là Niết-bàn đặc biệt. Tuy nhiên cả hai Niết-bàn chỉ là một và có cùng sự an tịnh (santi), một trong những đặc tính của Niết-bàn.

Niết bàn là phi thời gian. Và vì thế sẽ không thích hợp tương tự khi hỏi liệu Đạo, ở sát-na diệt của phiền não, nghiêng về phía Niết-bàn ngay trong tiến trình hình thành của nó, tức là, trong thời hiện tại phải không, hay nó mong chờ  Niết-bàn tương lai với sự huỷ diệt của các uẩn sau Bát Niết-bàn (nhập diệt) của vị A-la-hán. Nhưng ở đây Niết-bàn là kālavimutti, vượt ngoài khái niệm về thời gian. Hãy xét về các tuỳ miên (anussayas), những khuynh hướng góp phần vào sự hình thành của tham, sân, và si. Phàm nhân có những khuynh hướng này rất nhiều. Chúng sanh khởi khi những điều kiện thuận lợi. Chúng không thể được gán cho là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Vì lẽ chúng là phi thời gian, sự diệt của chúng cũng phi thời gian.

Chúng ta cũng hãy xem xét đến hiện tượng diệt. Nó không phải là một cái gì đó đang xảy ra cũng không phải là một cái gì đó đang sanh. Bạn không thể nói rằng nó đã sanh hay nó đang sanh, hay nó sẽ sanh. Nó đến cùng một lúc với sát-na khi tâm Đạo sanh. Khi các phiền não diệt, các uẩn, tuỳ thuộc vào chúng, mất đi cơ hội để sanh. Hiện tượng xảy ra trong trường hợp này là phi thời gian (kālavimutti). Do đó không ích lợi gì khi hỏi liệu tâm Đạo khuynh hướng về hiện tại hay tương lai.

Ở đâu vòng sanh (upāda), trú (thiti), diệt (bhaṅga) đang hoạt động thì pháp (dhamma) tốt nhất vẫn là tập trung và thiền trên Quả của Đạo. Khi đạt đến cái Tuyệt Đối cùng với sự biến mất  của ba sát-na tiểu — sanh, trú, diệt của sát-na tâm, Niết-bàn được chứng ngộ. Nó là giai đoạn cao nhất. Khi các bậc A-la-hán xuất khỏi thiền quả (suốt quá trình chứng quả của Đạo) họ thường bầy tỏ niềm hân hoan của họ như sau:

Susakhaṃ vata nibbānaṃ, samāsambuddha desitaṃ;

Asokaṃ virajaṃ, khemaṃ yattha dukkhaṃ nirujjhati.

Tất cả khổ bị diệt tại Niết-bàn nơi không có ưu sầu, không có cấu uế của phiền não và hiểm nguy. An lạc thay là Niết-bàn đã được Đấng Chánh Biến Tri tuyên thuyết.

 

Do đó, các bậc A-la-hán khuynh hướng về trạng thái an lạc này của Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna) nơi tất cả sắc, tâm và tâm sở đều tận diệt. Vì lẽ các ngài đã loại trừ vòng khổ luân nên sanh hữu không sanh.

 

PHẦN III

Bài giảng sẽ được tiếp tục với bài Kệ Khải Hoàn mà Đức Phật đã thốt lên nhân dịp Tôn giả Bāhiyadārucīriya, Bậc A-la-hán nhập Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna).

Yattha āpo ca pathavī,

tejo vāyo na gadhati;

Na tattha sukhā jotanti,

adhicco nappakāsati;

Natattha candimā bhāti,

tamo tattha na vijjati.

Yadā ca attanā vedi,

Muni monena brāhmano;

Atha rūpa arūpā ca,

Sukhadukkhā pamuccati.

 

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không chấp trước,

Tại đây sao không chói,

Mặt trời không chiếu sáng,

Tại đây trăng không chiếu,

Tại đây u ám không,

Khi ẩn sĩ Phạm chí,

Tự mình với trí tuệ,

Thể nhập vào Chánh pháp,

Vị ấy được giải thoát

Khỏi sắc và vô sắc,

Khỏi an lạc, đau khổ.

 

Trong lĩnh vực của Niết-bàn, không có thuỷ đại, không có địa đại, không có hoả đại (nóng và lạnh), hay phong đại. Không có những ngôi sao toả rạng, không có mặt trời và không có mặt trăng chiếu sáng. Tuy vậy, bóng tối vẫn không có mặt.

Một  bậc hiền nhân thể nhập Niết-bàn bằng chính nỗ lực của mình khi vị ấy đạt đến giác ngộ nhờ Đạo trí, và cuối cùng trở thành một bậc A-la-hán. Lúc đó vị ấy được giải thoát khỏi sắc và vô sắc, giải thoát khỏi lạc và khổ.

 

Dựa vào tứ đại — đất, nước, lửa, gió —  sắc sanh khởi khiến cho có sự dính mắc vào các đối tượng giác quan như sắc, thinh, hương, vị, xúc,… Khi các đại này bị dập tắt, sắc hoà tan vào hư vô. Nó không có mặt trong Niết-bàn. Ở đâu không có sắc ở đó không có ánh sáng hay bóng tối.

Tôi đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại nhiều lần điểm này rằng Niết-bàn không có chỗ đặt chân ở bất kỳ đâu, bởi vì để xác định vị trí chỗ dừng lại của danh và sắc đang sanh xảy ra là điều không thể. Trong một bài kinh (Sutta) nó đã được tuyên bố một cách dứt khoát rằng Niết-bàn vô xứ sở. Và trong một Kinh khác nó đã được đề cập như: trong tấm thân dài một sải (1m82) tứ Thánh Đế đã được công bố. Tuy nhiên, trong Abhidhammā (Vi-diệu Pháp) nói rằng Niết-bàn ở ngoài thân. Bạn sẽ tìm thấy những giải thích về điều này khi tôi nói về sáu nội xứ và ngoại xứ (Āyatana) sau này.

Sắc hay vật chất hiện hữu trong cõi Sắc Giới và danh hay tâm trong cõi Vô Sắc Giới. Nhưng Parinibbāna (Bát Niết-bàn) giải thoát một bậc A-la-hán khỏi sự thống trị của danh và sắc. Như vậy chúng ta có thể nói về sự nhập Niết-bàn của Tôn giả Bāhiyadārucīriya như sự giải thoát khỏi vòng khổ luân.

 

CÂU CHUYỆN VỀ TÔN GIẢ BĀHIYADĀRUCĪRIYA

 

Thời Đức Phật, một thương buôn có tên là Bāhiya, đã vượt qua bảy vùng biển để buôn bán. Trong các chuyến mạo hiểm trước vị ấy đã thành công; nhưng chuyến cuối cùng, con tàu của vị ấy bị đắm. Tất cả thuỷ thủ và người trên tàu đều bị chết đuối duy chỉ mình vị ấy được cứu. Vị ấy bị sóng đánh vào bờ biển của bến cảng Supparaka. Do bị tung ném trên biển, vị ấy mất hết quần áo. Khi trôi dạt vào đất liền, vị ấy tự làm cho mình một chiếc áo lá đan lại với nhau bằng những chiếc que nhỏ. Vị ấy trộm lấy cái bát xin ăn từ một miếu thờ, và với chiếc bát ấy vị ấy đi quanh làng để khất thực. Nhờ chiếc áo lá vị ấy mặc, dân làng lầm tưởng vị ấy là một bậc A-la-hán và cúng dường vị ấy rất nhiều đồ ăn và y phục. Nhưng Bāhiya tự nhủ rằng nếu mình mặc y phục do họ cúng dường thì lòng kính trọng của mọi người đối với mình như một bậc A-la-hán sẽ tiêu tan. Vì thế vị ấy giữ lại chiếc áo lá để mặc. Dân làng tiếp tục tôn kính vị ấy như một bậc A-la-hán và nhờ vậy tiếng tăm của vị ấy lan truyền đi khắp mọi nơi. Theo thời gian, chính vị ấy cũng tin rằng mình thực sự là một bậc A-la-hán.

Lúc bấy giờ có một vị Phạm thiên, một bậc Bất Lai (anāgāmi) trên cõi Phạm thiên, biết được những việc làm của Bāhiya. Ngài liền đi xuống cõi người để gặp Bāhiya và nói sự thực rằng vị ấy không phải là bậc A-la-hán và cũng không đang hành Pháp xứng đáng một bậc A-la-hán.

“Này Bāhiya!” Vị Phạm thiên nói, “ông là một trong bảy người trong chúng ta đã hành pháp trong suốt thời Đức Phật Kassapa. Trong số bảy người ấy Ta là lớn nhất, và hiện giờ được tái sanh làm một bậc Bất Lai trong cõi Phạm thiên này. Thời ấy niềm tin của ông trong pháp (dhamma) mãnh liệt đến nỗi khi ông được một bậc A-la-hán cúng dường thức ăn ông đã từ chối vì sợ rằng nó sẽ cản trở con đường chứng đắc Pháp. Bây giờ ông đã trở thành một kẻ mạo phạm, hài lòng với sự sung túc mà ông đạt được do lừa đảo. Ông không phải là A-la-hán, cũng không có những phẩm chất đạo đức của một bậc A-la-hán.”

Khi nghe những lời này, Bāhiya trở nên cực kỳ xấu hổ và thỉnh cầu vị Phạm thiên hướng dẫn cho mình đến diện kiến một bậc A-la-hán, nếu có. Vị Phạm thiên lúc đó mới nói rằng Đức Phật, bậc A-la-hán đích thực, hiện đang trú ngụ trong ngôi chùa Kỳ Viên ở Sāvatthi.

Bāhiya đi đến chùa Kỳ Viên theo chỉ dẫn, nhưng khi vị ấy đến được đó Đức Phật đã đi vào làng khất thực. Ngay lập tức vị ấy đuổi theo Đức Phật, và khi gặp Đức Thế Tôn, ông thỉnh cầu thuyết pháp. Nhưng lời thỉnh cầu của ông bị từ chối, vì thời gian và cơ hội không thích hợp. Nhưng Bāhiya cứ nằng nặc thỉnh cầu Đức Phật thới ba lần. Cuối cùng Đức Phật kham nhẫn và đưa ra cho vị ấy lời khuyên sau:

 

THẤY CHỈ LÀ THẤY

 

Trong Kinh Bāhiya Đức Phật dạy:

Tasmātiha te Bāhiya evam sikkhitabbam, “Diṭṭhe diṭṭhamattam bhavissati, sute sutamattam bhavissati, mute mutamattam bhavissati, viññāte viññātamattam bhavissati” ti; evañhi te Bāhiya sikkhitabbam.

Này Bāhiya, do ông nài nỉ (ta dạy), nên bây giờ Như Lai dạy ông phải hành như vầy: Khi ông thấy, ông chỉ thấy nó; khi ông nghe, ông chỉ nghe nó; khi ông thức tri (mute[7]), ông chỉ thức tri nó; và khi ông nghĩ, ông chỉ nghĩ nó. Ông phải hành theo cách nhận thức hiện tượng chỉ như nó (đang) xảy ra như vậy.

Đây là phương pháp minh sát (vipassanā) gọi là diṭṭhe diṭṭhamattam (thấy chỉ là thấy, và không còn gì nữa). Có sáu môn qua đó sáu căn nhận thức sáu đối tượng giác quan tương ứng. Ở đây, để ngắn gọn, chỉ bốn ví dụ về sự nhận thức được đưa ra. Khi một người thấy một đối tượng, anh ta không để yên cái thấy. Anh ta không dừng lại ở cái thấy. Anh ta không chỉ thấy nó. Anh ta đi xa hơn cái thấy đó và chú tâm vào những thứ đi kèm theo hành động thấy, chẳng hạn, hình thù và hình dáng của cái được thấy, cân lường trong tâm xem nó là đáng ưa hay đáng ghét và cảm nhận những cảm thọ khổ hay lạc phản ứng theo tính chất của nó. Tất nhiên anh ta hài lòng khi nó đem lại cho anh ta niềm vui; nhưng nếu anh ta thấy cái mà anh ta xem như xấu xí, anh ta không chỉ trở nên thất vọng mà còn ghê tởm và giận dữ. Ngay cả khi anh ta không quan tâm tới nó, sự thực vẫn là cái tôi (ego-entity) đã xuất hiện trong anh ta. “Tôi thấy nó,” anh ta nghĩ; và cái “Tôi” ấy đối với anh ta có vẻ như thường hằng. Nếu anh ta chỉ thấy nó và ghi nhận rằng anh ta đã thấy nó, mà không ngẫm nghĩ về bản chất của chủ thể thấy nó, về đối tượng được thấy và những thứ có liên quan với cái thấy, thời đó sẽ chỉ đơn thuần thấy chỉ là thấy. Nhưng để thấy một vật và dừng lại ở chỉ là cái thấy không dễ làm chút nào. Nếu bạn không nhận ra chỉ có hành động thấy vì (bạn) đang thấy, chắc chắn bạn sẽ chấp cái nhận thức về người hay vật mà bạn thấy, nghĩ trong tâm không biết người ấy hay vật ấy có khả ái với bạn hay không. Nếu bạn thích những gì bạn thấy, cảm giác ưa thích hay tham sẽ phát sanh; nhưng nếu bạn không, sân sẽ gặm nhấm trái tim bạn. Ngay cả khi bạn không quan tâm tới người mà bạn thấy, bạn cũng đã phát triển trong tâm cái ý niệm về người và sự thường hằng của người ấy. Bạn sẽ thấy khó để dứt mình ra khỏi cái ý niệm về ngã thể. Chỉ có hành thiền minh sát bạn mới biết cách làm thế nào để thấy chỉ là thấy (hay chỉ thấy những gì bạn thấy) và không thêm gì nữa một cách đúng đắn.

Không hành thiền minh sát, việc một người có thể dừng lại ngay ở chỗ chỉ nghe khi nghe, chỉ ngửi khi ngửi, chỉ nếm khi nếm, và chỉ xúc chạm khi xúc chạm, sẽ là điều không thể xảy ra. Điều khó làm nhất là dừng lại ở chỗ chỉ suy nghĩ khi suy nghĩ. Do đó người hành thiền được khuyên là nên ghi nhận liên tục các hiện tượng khi chúng xảy ra. Lúc ban đầu hầu như bạn không thể ghi nhận được mọi hiện tượng thấy, nghe,… vì thế hãy bắt đầu với một hiện tượng đặc biệt nào đó khi bạn hành thiền. Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) Đức Phật dậy rằng khi đi hành giả phải ghi nhận đi. Ghi nhận ở đây là quan sát hiện tượng chuyển động, sự hoạt động của phong đại (vāyo). Khi đứng, ghi nhận đứng; khi ngồi, ghi nhận ngồi. Trong suốt những chuyển động như vậy bạn có thể kinh nghiệm một số điều hiển nhiên đang xảy ra trong thân bạn. Hãy ghi nhận chúng. Riêng tôi, tôi khuyên bạn quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của bụng khi hành thiền.

Khi bạn đang quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của bụng theo đúng phương pháp thiền, tâm bạn có thể lang thang (phóng tâm), và bạn sẽ bắt đầu nghĩ điều này điều nọ. Ghi nhận cái bạn đang nghĩ về đó. Thỉnh thoảng, khi hành thiền, bạn có thể cảm thấy mệt, hay cảm thấy nóng bức, ngột ngạt hay đau nhức. Những cảm giác này cũng phải được ghi nhận. Khi bạn cảm thấy mệt, bạn có thể cải thiện oai nghi của mình. Ghi nhận từng chuyển động bạn đang thực hiện để tìm sự thoải mái. Khi đang hành thiền có thể bạn nghe thấy những âm thanh lạ, cũng phải ghi nhận khi chúng sanh. Tóm lại, bạn phải ghi nhận mọi hoạt động của mình, cả ở thân và tâm, cùng với các cảm thọ bạn cảm giác. Khi không có gì đặc biệt để ghi nhận, hãy tập trung tâm trên bụng như lúc ban đầu.

Khi định phát triển bạn sẽ nhận thấy rằng, khi bạn thấy, cái thấy được thiết lập trong giây lát chỉ để tan biến ngay trong sát-na kế tiếp. Đối với các hiện tượng nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ cũng cần được hiểu như vậy. Khi bạn ghi nhận hoạt động nghe, thì cả âm thanh và sự nhận thức về âm thanh ấy đều biến mất. Khi bạn ghi nhận cảm giác đau, thì cả sự tổn thương gây ra cái đau và cảm giác đau biến mất. Bạn tập trung trên cái thấy, ghi nhận trong tâm cái bạn biết như đang thấy. Liền đó, cái thấy, sự ghi nhận và tâm biết liền tan biến. Lúc ấy trí hiểu biết sẽ sanh lên trong bạn rằng cái gì sanh lên sẽ diệt và do đó hiện tượng thấy là vô thường, Trí hiểu biết về bản chất vô thường này là aniccānupassanā ñāṇa (vô thường tuỳ quán trí). Cái gì sanh lên chỉ để tan hoại thì bất toại nguyện; và do đó hiện tượng này xét cho cùng chỉ là khổ (dukkha). Trí nhận thức sự thực liên quan đến khổ này là dukkhānupassanā ñāṇa (khổ tuỳ quán trí). Thêm nữa, anattānupassanā ñāṇa (vô ngã tuỳ quán trí) hay trí nhận thức về bản chất không thật của các pháp, cũng phát triển khi bạn có được sự tin chắc rằng bản chất của các pháp chỉ xảy ra theo đường lối tự nhiên của chúng.

Bāhiya, nhờ có đầy đủ Ba-la-mật (pārami) đã đắc tuệ giác khi nghe những gì Đức Phật dậy cho ông. Khi vị ấy thấy một đối tượng, vị ấy ghi nhận chỉ những gì vị ấy thấy và không làm thêm gì nữa. Khi vị ấy quan sát hiện tượng như nó  xảy ra, không có gì sanh khởi trong tâm vị ấy ngoài sự thực rằng vị ấy đang thấy. Khi quan sát hiện tượng vị ấy không tự nghĩ, “Ta thấy nó. Chính cái tự ngã này của ta đang thấy nó.” Khi tâm vị ấy được xả ly chấp thủ thì ngã mạn và tà kiến cùng với ý niệm về tự ngã được xua tan.

Đức Phật đã nói thêm cho vị ấy rằng,…

Tato tvaṃ Bāhiya nevidha na huraṃ na ubhayamantarena, esevanto dukkhassa.

Này Bāhiya! Nếu không có sự chấp thủ khởi lên khi ông thấy, thời với ông sẽ không có đời này và đời sau. Sự hiện hữu bị phủ nhận như vậy sẽ giải thoát ông khỏi vòng khổ luân. Trong trạng thái đó ông đã đạt đến sự tối hậu — Niết Bàn.

Với sự biến mất của chấp thủ, ngã mạn và tà kiến, mọi phiền não dừng lại. Ở đâu không có phiền não, ở đó sự hiện hữu, dù trong đời hiện tại hay trong đời tương lai, có thể nói là đã tuyệt diệt. Không-trở thành (tức không còn tái sanh) có nghĩa là sự chấm dứt của khổ hay còn được gọi là Vô Dư Y Niết-bàn (Anupādisesa Nibbāna).

Ở đây những dẫn giải trong Udāna aṭṭhakathā đã gợi ý thêm. Có mười hai xứ — sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, sáu nội xứ gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm và sáu ngoại xứ gồm sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Khi một người, nhờ phát triển trí tuệ minh sát, thoát khỏi những những phiền não như tham (chấp thủ), v.v…  , họ cũng thoát khỏi sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Những khái niệm Tôi hay “tự ngã” của tôi không còn trú trong ý môn (căn), trong đối tượng (trần) và trong thức. Khi những nhiệm vụ của các căn xứ này dừng lại chính là Niết-bàn.

Điều này hợp với kinh nghiệm thực tiễn của người hành thiền. Ở giai đoạn đầu của thiền minh sát, người hành thiền thường phải hướng tâm mình vào ý môn, đối tượng và thức để ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc. Có thể nói lúc nào vị ấy cũng phải hay biết về sự sanh và diệt của các uẩn. Khi minh sát trí thuần thục, tâm vị ấy trôi vào sự diệt của tất cả hiện tượng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và hay biết, lúc này vị ấy được nói là đã đối diện với Niết-bàn.

 

BĀHIYA TRỞ THÀNH MỘT BẬC A-LA-HÁN

 

Trong khi Bāhiya chăm chú nghe lời dạy của Đức Phật, vị ấy trở thành một bậc A-la-hán. Sau đó Đức Phật tiếp tục đi khất thực như thường lệ, Bāhiya cũng trên đường đi tìm vải mà người khác quăng bỏ để làm thành tấm y của vị sư, vì bây giờ vị ấy đã có ý định xuất gia. Nhưng không may thay, một con bò đang chăm con đã tấn công vị ấy. Và vị ấy chết ngay tại chỗ.

Khi Đức Phật trên đường trở về chùa, ngài nhìn thấy thi thể của A-la-hán Bāhiya. Đức Phật đã cho hoả táng xác ngài theo nghi thức thích hợp và nói với các đệ tử dựng lên một ngôi tháp thờ (cetiya) để tưởng nhớ. Các vị tỳ-kheo trong chùa đã hỏi Đức Phật về sanh thú của Bāhiya. Đức Phật trả lời rằng Bāhiya đã trở thành một bậc A-la-hán trước khi chết, và vì thế vị ấy đã nhập Niết-bàn Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna), sau đó Đức Phật nói lên bài kệ đã trích dẫn ở trước liên quan đến Niết-bàn ở đây tứ đại không hiện hữu:

Yattha āpo ca pathavī,

tejo vāyo na gadhati;

Na tattha sukhā jotanti,

adhicco nappakāsati;

Natattha candimā bhāti,

tamo tattha na vijjati.

Yadā ca attanā vedi,

Muni monena brāhmano;

Atha rūpa arūpā ca,

Sukhadukkhā pamuccati.

 

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không chấp trước,

Tại đây sao không chói,

Mặt trời không chiếu sáng,

Tại đây trăng không chiếu,

Tại đây u ám không,

Khi ẩn sĩ Phạm chí,

Tự mình với trí tuệ,

Thể nhập vào Chánh pháp,

Vị ấy được giải thoát

Khỏi sắc và vô sắc,

Khỏi an lạc, đau khổ.

 

Chú giải nói rằng Bāhiya chết vì bị húc bởi một con bò vốn là một phụ nữ trong một tiền kiếp trước. Kiếp đó Bāhiya đã phạm sai lầm là hiếp và cướp đoạt tài sản của cô ta; cô này trước khi chết đã thề sẽ trả thù. Sau đó rất nhiều lần cô tái sanh làm Da-xoa nữ để giết chết ngài.

Như vậy ngài đã nhiều lần chết trong tay của nữ Dạ-xoa này. Nghiệp bất thiện của ngài đi theo ngài như một cái bóng, gây ra những khổ đau không nói hết được và thường là trong bốn cỗi khổ. Tất cả đều là kết quả của ác nghiệp ngài đã tạo. Nếu không đắc A-la-hán sau khi gặp Đức Phật, chắc chắn ngài sẽ còn phải tiếp tục chịu khổ do những ác nghiệp ấy. Tuy nhiên, bây giờ, mặc dù cái chết của ngài là do một con bò gây ra theo cách đã mô tả, tất cả khổ đều dừng lại cùng với sự chứng đắc Vô Dư Y Niết-bàn của ngài. Vì thế Đức Phật đã coi cái chết của ngài như một sự chiến thắng. Thực vậy, Đức Phật đã tôn vinh ngài như bậc tối thắng trong số các đệ tử của ngài về vấn đề đắc các thắng trí trong thời gian nhanh nhất có thể.

 

MẮT VÀ SẮC TƯỞNG

 

Trong Tương Ưng Sáu Xứ (Salāyatana Samyutta) điều này đã được Đức Thế Tôn nói:

Tasmātiha bhikkhave se āyatane veditabbe; Yattha cakkhu ca nirujjhati, rūpasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Này các tỳ-kheo!  ý-xứ hướng đến Niết-bàn phải được tuệ tri, ở đâu con mắt (nhãn căn), và cảnh sắc do mắt nhận thức (rūpasaññā-sắc tưởng), cùng diệt. Sự diệt (về tập khởi của nhãn thức) này chính là Niết-bàn.

 

Đức Phật đã nói như vậy về sự diệt của hai xứ (āyatana) — nội xứ (các căn) và ngoại xứ (đối tượng).  Đây là cách Niết-bàn được chứng ngộ nhờ hành thiền trên hiện tượng thấy. Khi một hành giả đang quan sát sự phồng xẹp của bụng, hay quan sát sự chuyển động của thân khi đang ngồi hay đang đứng, hay quan sát hiện tượng thấy, nghe, v.v…trong lúc hành thiền, tự nhiên vị ấy sẽ hay biết về tiến trình diệt. Như vậy, diệt trí (bhaṅga ñāṇa) đã phát triển trong vị ấy. Từ quan điểm của chủ thể thấy, tuyệt đối không có gì cho vị ấy để nói, “Nó (cái thấy ấy) là tôi” hay “Tôi hiện hữu.” Và từ quan điểm của đối tượng được thấy, cũng không có gì để chỉ ra, “Nó là một vật. Nó là một người.” Như vậy người ta không thể tìm thấy bất kỳ cái gì đáng để dính mắc. Khi sự kiện này được minh sát, hành giả có được Hành Xả Trí (saṅkhārūppekkha ñāṇa), sự hay biết về các trạng thái của tâm, thân và các tâm hành. Cuối cùng vị ấy sẽ hay biết được sự diệt của tất cả uẩn. Khi đạt đến giai đoạn này, thậm chí bạn có thể cảm giác rằng tất cả vật chất trong thân bạn đã biến mất. Đó là lý do vì sao kinh nói: “Cakkhu ca niujjhati,” (con mắt diệt), ý muốn nói rằng cơ quan thấy hay nhãn căn dừng (hoạt động). Khi hành thiền thêm, hành giả sẽ để ý thấy rằng cảnh sắc, tâm và nhãn thức, tất cả cái liên quan đến hiện tượng thấy, đã bị quét sạch mọi điều tưởng tượng. Câu trích dẫn liên quan là “Rūpasaññā ca nirujjhati” nghĩa là “và sắc tưởng cũng diệt” (sự nhận thức của con mắt về sắc diệt). Nói chung, điều này biểu thị sự diệt của căn (nội xứ) và cảnh (ngoại xứ). Một khi hai xứ này diệt, Niết Bàn có thể được nói là đã trong tầm mắt.

 

TAI VÀ THANH TƯỞNG

 

Yattha sotañca nirujjhati, saddasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết Bàn nhĩ xứ diệt, và thanh tưởng cũng diệt.

Tuệ tri sự diệt của hai xứ (nhĩ xứ và thanh xứ) liên quan đến sự nghe này là Niết Bàn.

Khi Hành Xả Trí phát triển, nếu bạn nghe một âm thanh, bạn ghi nhận nó; và ngay khi bạn ghi nhận nó, bạn liền hay biết về sự tan hoại của các uẩn danh, sắc và các tâm hành. Ở giai đoạn này bạn cảm thấy rằng toàn thân bạn, cùng với nhĩ căn của nó, hoàn toàn biến mất. Nó như thể là bạn không nghe tiếng, và do đó bạn không có sự nhận thức về nó vậy.

 

MŨI VÀ KHÍ TƯỞNG

 

Yattha ghānañca nirujjhati, gandhasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết Bàn tỷ xứ diệt, và khí tưởng (hương tưởng) cũng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — tỷ xứ và khí xứ liên quan đến sự ngửi này là Niết Bàn.

 

Khi Hành Xả Trí phát triển, bạn sẽ ngửi mùi khi gặp nó. Khi bạn tiếp tục hành thiền trên sự ngửi đó, bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây bạn biết được sự diệt của danh, sắc và các tâm hành. Toàn bộ tiến trình nhận thức của khứu giác (khí tưởng) dường như hoàn toàn biến mất khi bạn ghi nhận nó.

 

LƯỠI VÀ VỊ TƯỞNG

 

Yattha jivhā ca nirujjhati, rasasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết-bàn thiệt xứ diệt, và vị tưởng cũng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — thiệt xứ và vị xứ liên quan đến sự nếm này là Niết-bàn.

 

Khi Hành Xả Trí phát triển, người hành thiền có thể ghi nhận vị của đồ ăn mình đang ăn; và từ sự ghi nhận này vị ấy tiến đến giai đoạn ở đây vị ấy nhận ra các uẩn danh, sắc và các tâm uẩn diệt như thế nào.

Chú giải đề cập đến rất nhiều trường hợp ở đây các vị tỳ-kheo đạt đến Đạo Quả A-la-hán khi họ hành thiền trên vị của món cháo họ đang ăn. Khi họ đang ăn cháo với chánh niệm, họ hay biết được sự diệt của các uẩn danh sắc và các tâm hành.

 

THÂN VÀ XÚC TƯỞNG

 

Yattha Kāyo ca nirujjhati, phoṭṭhabba-saññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết-bàn thân xứ diệt, và xúc tưởng cũng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — thân xứ và xúc xứ liên quan đến sự xúc chạm của thân này là Niết-bàn.

Đối với một hành giả đang hành thiền, thân là đối tượng phải được quan sát trong mọi lúc. Nếu Hành Xả Trí phát triển khi vị ấy đang ghi nhận thân tạo ra xúc tưởng, vị ấy hay biết được sự diệt của danh, sắc, các tâm hành, và tâm ghi nhận biến mất hoàn toàn.  

 

Ý VÀ PHÁP TƯỞNG

 

Yattha mano ca nirujjhati, dhammasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết-bàn ý cùng với pháp tưởng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — ý xứ và pháp xứ này là Niết-bàn.

Đây là sự khám phá Niết-bàn xuyên qua sự nhận thức của tâm. Sự khám phá này có thể được xem là thường xuyên nhất. Khi người hành thiền ghi nhận sự sanh và diệt của các hiện tượng, saṅkhārupekkhā ñāṇa hay hành xả trí phát triển, những đối tượng thô biến mất, các đối tượng vi tế hơn thay thế chỗ của chúng. Đến đây vị ấy nghĩ rằng toàn thân mình đã biến mất chỉ có tưởng (sự nhận thức) còn lại. Vì, khi vị ấy ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, thì sự phồng và xẹp biến mất, vị ấy chỉ còn hay biết thực tại là mình đang nhận thức sự phồng xẹp mà thôi.  Khi tập trung trên sự thực này, danh, sắc và các tâm hành dừng lại. Và chính cái biết về sự diệt này là Niết-bàn.

 

SỰ DIỆT CỦA CÁC XỨ LÀ NIẾT-BÀN

 

Tóm lại, sự diệt của các xứ (āyatanas — sáu nội xứ và sáu ngoại xứ) là Niết-bàn. Trong chú giải Kinh Pañcattaya, sự phủ định của sáu xúc xứ này được trình bày là Niết-bàn. Tôn giả Ānandā xác nhận điều này bằng cách nói rằng, theo Đức Phật, Niết-bàn có nghĩa là sự diệt của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, và tất nhiên sự diệt này chỉ muốn nói đến sự ngưng hoạt động của chúng mà thôi. Duyên các nội xứ — mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, những ý niệm về ngã-thể (ego-entity) khởi lên, và lúc dó chúng ta nói rằng, đây là một cá nhân, đây là một người đàn ông, đây là một người đàn bà… Khi những ý niệm vị kỷ này bị xua tan, bình yên được thiết lập cùng với sự diệt của khổ liên quan đến già, chết. Sự diệt của các ngoại xứ — sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp chỉ là thứ yếu so với sự diệt khổ; nhưng vì chúng là những thứ phụ thuộc của các nội xứ nên chỉ khi chúng diệt thì những thứ khác mới diệt theo. Sự phủ định của hai xứ này là Niết-bàn.

 

GẮN CHẶT TÂM TRÊN NIẾT-BÀN

 

Trong Milinda Pañhā (Mi Tiên Vấn Đáp), có một đoạn đề cập đến việc hướng sự chú ý vào Niết-bàn.

Tassa taṃ cittaṃ aparāparam manasikaroto pavatam samatikkamitvā appavattam okkamati, appavattamanuppatto mahārāja sammāpaṭipanno nibbānam sacchikarotīti vuccati.

Hành giả gắn tâm không ngừng (trên một pháp) tác ý vượt qua sự sanh khởi (pháp hữu vi) đến trạng thái bất sanh.

Thưa Đai Vương! Nếu vị ấy, nhờ hành theo chánh đạo, đạt đến trạng thái bất sanh như vậy có thể nói vị ấy đã đối mặt với Niết-bàn.

 

Nếu người hành thiền nhận biết được sự hoại diệt của các pháp khi quan sát sự sanh diệt của chúng, một ý thức nhàm chán tấn công vị ấy và vị ấy liền phát triển ước muốn từ bỏ chúng. Danh và Sắc sanh lên rồi diệt, trôi chảy không ngừng  giống như một dòng suối. Khi người hành thiền tập trung trên cái dòng trôi chảy này, vị ấy chỉ nhận thức nó một cách tự động. Vị ấy không vượt qua được giai đoạn tưởng tri này. Sau đó vị ấy trở nên dửng dưng đối với nó, bởi vì bây giờ vị ấy đã phát triển được Hành Xả Trí. Tập trung vào hiện tượng ấy thêm nữa, vị ấy khám phá ra rằng tâm nhận thức và đối tượng được nhận thức diệt cùng nhau. Đây là sự chuyển tiếp từ sanh đến bất sanh. Mọi người chắc còn nhớ đến những gì tôi đã nói ở đâu đó về Niết-bàn: Cái gì sanh là hữu vi (saṅkhāra); và cái gì không sanh là Niết-bàn.

 

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐÚNG

 

Tôn giả Nāgasena (Na-tiên) đã bắt Đức Vua Milanda hành theo chánh đạo như đã được giải thích ở đây.

Bất kỳ người nào mong muốn chứng đắc Niết-bàn trước tiên phải thành tựu giới thanh tịnh (sīla visuddhi). Một người tại gia cư sĩ ít nhất phải giữ ngũ giới và ājīvaṭṭhamaka sīla (活命第八戒 — hoạt mạng đệ bát giới — Giới này liên quan đến việc thực hành Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng), Chánh ngữ có thể được tu tập bằng cách tránh nói dối, tránh nói lời gây chia rẽ, tránh nói lời thô lỗ và tránh nói lời vô ích. Chánh nghiệp được thành tựu nhờ tránh sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Chánh mạng có nghĩa là cách sinh sống chân chánh. Sau khi đã thành tựu giới thanh tịnh này, tâm thanh tịnh (citta visuddhi) phải được thực hành thông qua định hay các bậc thiền (jhāna). Nếu một người đã tu tập hoàn hảo, vị ấy có thể hành sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền theo tuần tự. Vào lúc chứng thiền, các triền cái (nivaraṇas) sẽ được loại trừ. Triền cái hay những pháp ngăn che tiến bộ là tham dục, sân hận, hôn trầm-thuỵ miên, trạo cử-hối hận và hoài nghi. Sau khi chứng thiền, vị ấy phải hành minh sát.

Ngay cả khi một hành giả không mong muốn đắc các bậc thiền, vị ấy cũng bắt buộc phải nỗ lực để có được cận định (upacāra samādhi). Thậm chí nếu vị ấy không thể làm được điều này (tức hành để có cận định), vị ấy phải bắt đầu với việc tập trung tâm trên tứ đại, hay 18 loại sắc (thực tính), hay 12 xứ, hay năm uẩn, hay ít nhất cũng phải trên hai phương diện danh-sắc (nāmarūpa). Theo Kinh Đại Niệm Xứ, vị ấy phải tập trung tâm trên bốn oai nghi, trên các hoạt động của thân do tứ đại — đất, nước, lửa, gió và nóng, lạnh gây ra, trên các cảm thọ, trên tâm, v.v… Kinh nói, “Khi đi, vị ấy biết mình đi.” Theo cách này vị ấy ghi nhận để biết rằng vị ấy đang đứng khi đứng, đang ngồi khi ngồi, v.v…Nhờ vậy tâm sẽ không lang thang. Nó sẽ như thể dính chặt vào đối tượng ghi nhận. Lúc đó, khi tất cả các triền cái được loại trừ, bạn biết rằng bạn đã thành tựu tâm thanh tịnh. Giai đoạn này được xác nhận là sát-na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi), một loại niệm được thiết lập trong sát-na, cũng tốt như khi đạt đến cận định vậy. Nói tóm lại, thanh tịnh tâm có nghĩa là một trạng thái tâm không bị cản trở bởi những thân hành thấp hèn và phiền não.

Một hành giả đã hoàn thành thanh tịnh tâm xong thì tiếp tục ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc liên quan đến tam tướng — vô thường, khổ và vô ngã. Vị ấy suy ngẫm: “Sắc là vô thường; thọ là vô thường, v.v…”

Sau đó vị ấy trở nên nhàm chán và ghê tởm đối với tất cả danh-sắc này. Do nhàm chán, vị ấy trở nên dửng dưng đối với danh, sắc và các hành bằng tất cả sự chân thật, vị ấy không còn tham đắm đối với chúng. Do mệt mỏi với sự sống, vị ấy trở nên nhàm chán, từ bỏ mọi ước muốn, và cuối cùng đạt được sự giải thoát. Lúc này Đạo được thành tựu.

Vô-ngại-giải Đạo (Paṭisambhidā Magga) đề cập đến nhiều giai đoạn tuệ minh sát phải được người hành thiền chứng đắc theo tuần tự.

Tuy nhiên những ai miễn cưỡng hành minh sát hay chỉ khuyến khích người khác hành minh sát sẽ tuyên bố những điều lẽ ra không nên tuyên bố. Họ thường nói rằng: “Bây giờ chúng ta đã biết về bản chất bất toại nguyện của các hành nghiệp rồi, hành thiền đâu cần thiết nữa hay hành thiền cũng bằng thừa. Nếu bạn tập trung vào khổ, bạn sẽ phải đương đầu với khổ. Bạn chỉ cần buông xả tâm, mọi việc kể như xong. Bạn không cần phải phiền phức ghi nhận nó làm gì.” Một lời khuyên như vậy rõ ràng mâu thuẫn với giáo lý mà Đức Phật tuyên bố. Thực sự những người hay khuyên dạy này biết được gì? Sự hiểu biết của họ về các hành là khổ chỉ ở bề mặt. Họ không thể đi sâu vào những thực tại tuyệt đối. Nếu họ thực sự thấy rõ khổ (dukkha) là gì, họ chắc chắn sẽ cảm thấy nhàm chán nó và cố gắng để thoát ly khỏi nó. Họ quả quyết rằng họ biết khổ, nhưng thực sự họ lại không cảm thấy danh-sắc đó là bất toại nguyện. Cảm giác nhàm chán không phát triển trong tâm họ. Vì thế họ không có ước muốn đoạn trừ chúng. Mà thực tế họ thích ôm giữ và chấp nhận chúng hơn.

 

CẢM GIÁC NHÀM CHÁN

 

Trí hiểu biết về các pháp xấu xa như đáng nhàm chán là Nibbidā ñāna (‘厭離智’ yểm ly trí). Cảm giác nhàm chán này được mô tả trong các bản chú giải với hình ảnh tương tự một ngư dân bắt cá bằng một cái nơm. Khi anh ta nghĩ rằng một con cá đã bị bắt, anh ta liền thọc tay vào cái nơm ấy và kéo nó ra. Nhưng anh khám phá ra rằng anh đã bắt trúng một con rắn với ba khoang tròn quanh cổ. Nhận ra mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng nhất trong đời, anh ta trở nên nhàm chán với chính mình và cảm thấy ghê tởm đối với con rắn độc. Anh ta quay nó ba lần quanh đầu và cuối cùng quăng nó ra xa với hết sức mình.

Những ai xem các uẩn danh-sắc như đáng mong muốn cũng rất giống như người đánh cá nắm con rắn trong tay vậy. Trước khi biết được mình đã nắm cái gì, anh ta rất vui thích, nhưng khi phát hiện ra nó có ba khoang quanh cổ, anh ta trở nên vô cùng kinh hãi. Khi một hành giả ghi nhận sự sanh và diệt của các uẩn, vị ấy sẽ được nhắc nhở về tam tướng vô thường, khổ và vô ngã, và khi vị ấy áp chúng trên các hiện tượng vị ấy đang thiền, vị ấy sẽ nhận thức rõ rằng tất cả pháp hữu vi đều xấu xa và đáng nhàm chán. Không một người bình thường nào có thể xem cái thân năm uẩn của mình rất giống một con rắn như vậy. Chỉ hiểu biết đơn thuần sự giống nhau của nó với một sinh vật đáng ghê tởm nào đó sẽ không đủ khiến người ta nhàm chán với chính thân của mình. Họ thực sự phải bị thuyết phục về thực tại khổ đau của con người trên phương diện lý thuyết.

Chỉ khi một hành giả có được cái nhìn thấu suốt vào bản chất thực của danh và sắc (tâm và thân) họ mới cảm thấy ghê tởm đối với chúng và xem tất cả sự tham chấp của mình là vô ích và rỗng không. Cuối cùng vị ấy phát triển được thái độ thản nhiên đối với sự sanh và diệt của các uẩn để đạt đến Hành Xả Trí, khi tất cả hành có thể được nhìn với tâm xả. Lúc ban đầu hành giả phải thực hiện một nỗ lực đặc biệt để đạt đến giai đoạn trí này, nhưng với sự thực hành liên tục xả sẽ sanh một cách tự nhiên ngay khi quán sự sanh diệt của các pháp hữu vi. Khi bạn có được trí này bạn cảm thấy rằng mình ngay lập tức hiểu biết rất rõ về các hiện tượng, nhưng không bị ảnh hưởng bởi chúng, dù chúng có vừa ý hay không vừa ý. Tham không sanh trong tâm bạn khi nó chăm chú trên các đối tượng khả lạc. Bạn cũng sẽ không bị bối rối bởi những đối tượng không vừa ý. Bây giờ bạn đã phát triển được khả năng kham nhẫn trước mọi hoàn cảnh theo cách của các vị A-la-hán. Ở giai đoạn phát triển tâm linh này, có thể có những lúc tâm bạn muốn lang thang ra khỏi đối tượng quán, nhưng khi bạn lấy lại kinh nghiệm tâm bạn sẽ không còn đi ra khỏi đối tượng trên đó nó quán nữa.

Với phương pháp hành thiền minh sát đúng này, bạn tiến từ Hành Xả Trí đến Thuận Thứ Trí (anuloma ñāṇa), một loại trí chuẩn bị cho sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế. Sự bình yên được thiết lập ngay khi bạn vất bỏ trạng thái sanh để có được cái bất-sanh như đối nghịch của nó.

Niết-bàn không thể được thấy với mắt trần. Nó chỉ có thể được thấy ở bên trong như sự diệt của tất cả các hiện tượng.

Như kết quả của việc lắng nghe bài pháp này với sự chú tâm tôn trọng, cầu mong các bạn có thể thực hành thiền minh sát đúng cách trên sự diệt của tất cả khổ do ý môn, do các đối tượng giác quan và tâm gây ra, và được giải thoát khỏi sự trói buộc của hai xứ — đó là nội xứ và ngoại xứ để đạt đến giai đoạn tối hậu nơi đây dòng tương tục danh-sắc vĩnh viễn dừng lại!

 

PHẦN IV

 

Niết-bàn, sự diệt của tham và sân, là sự đối lập hoàn toàn của phiền não. Từ “saṅkhāra nirodho,” (“hành diệt”) có nghĩa là sự diệt của tất cả những hành nghiệp, được áp dụng cho Niết-bàn. Vì thế nó đối nghịch trực tiếp với saṅkhāra. Khi bản chất của Niết-bàn được giải thích, nó chỉ thích hợp nếu phiền não (kilesa) và hành (saṅkhāra) cũng được giải thích. Vì thế đến đây tôi sẽ cố gắng để giải thích nó.

 

SỰ CHÚ TÂM KÍNH TRỌNG

 

Khi Đức Phật đang trú ngụ tai Kỳ Viên Tịnh Xá ở Sāvatthi (Xá-vệ), ngài thường thuyết về Niết-bàn cho các vị đệ tử vào buổi tối ở căn phòng trước hương thất của ngài. Và điều này đã được nói:

Này các tỳ-kheo, hãy lóng tai với ước muốn chân thành khi nghe Pháp,  để có được lợi ích về mặt trí tuệ, và với chánh niệm và định chú tâm trên một đối tượng.

 

Ở đây cũng vậy, tôi thúc giục mọi người hãy nghe bài giảng này giống như cách các vị tỳ-kheo chăm chú vào lời dạy của Đức Phật, toàn tâm toàn ý tập trung vào pháp (dhamma) với lòng kính trọng.

 

SỰ CHÚ TÂM CỦA DẠ-XOA NỮ

 

Có lần, khi Đức Phật đang thuyết pháp, một nữ dạ-xoa (yakkha), cùng với những đứa con của mình đi loanh quanh gần chùa Kỳ Viên để tìm thức ăn. Mặc dù dạ-xoa được xếp loại như chư thiên, nhưng địa vị của họ rất thấp. Họ không có trú xứ riêng, cũng chẳng bao giờ được ăn mặc đầy đủ. Punabbasumātā — tên của dạ-xoa nữ, một cái tên được ghép từ tên con gái Uttarā và con trai Punabbasu của cô.

Khi nữ dạ-xoa này đi đến cổng chính dẫn vào chùa Kỳ-Viên, tất cả đều yên lặng. Cô nghĩ ở đó có thể đang có bố thí, vì thế cô đi vào với hy vọng có được cái gì đó để ăn.

Khi vào đến bên trong điện thờ, cô thấy mình ở giữa một hội chúng gồm các vị tỳ-kheo và cư sĩ đang lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Vì Đức Phật thuyết pháp với một chất giọng ngọt ngào, cô lắng nghe chăm chú như bị mê hoặc hoàn toàn. Nhưng các con cô, do bị cơn đói quấy rầy, chúng không thể giữ yên lặng. “Mẹ ơi! Hãy cho chúng con đồ ăn đi!” chúng khóc la.

“Này các con thân!” Punabbasumātā khẩn nài,”Làm ơn hãy giữ yên lặng trong lúc bậc Đại Đạo Sư của trời người đang thuyết pháp. Ngài đang nói về Niết-bàn, pháp chặt đứt mọi xích xiềng của khổ đau. Tình yêu và sự trung thành đối với Niết-bàn đang trỗi dậy mãnh liệt trong mẹ.”

Niết-bàn là sự chấm dứt khổ. Do đó khi một người bị đau khổ vì sầu ưu, họ khao khát Niết-bàn. Đó là điều tự nhiên. Khi một người đang trong điều kiện sức khoẻ tốt nhất, họ không quan tâm tới y tế. Trong tình trạng khoẻ mạnh không ai xem vấn đề sức khoẻ là quan trọng. Nhưng khi về già và trở nên suy yếu, họ mới suy ngẫm đến những lợi ích của sức khoẻ. Vì muốn chữa bệnh, bây giờ họ phải biết lắng những nghe người có thiện ý kê toa thuốc cho mình với sự chú tâm kính trọng.

Tương tự như vậy Punabbasumātā đã chăm chú lắng nghe bài pháp về Niết-bàn của Đức Phật. Có thể lúc này cô đang khổ sở vì đói bụng; và vì cơ cực cô phải đi xin ăn cho bản thân và con cái. Sanh trong cõi dục này cô cần phải chăm lo cho những đứa con mà mình sinh ra nữa. Nhưng do phải chịu muôn vàn khổ đau nên cô khao khát Niết-bàn. Cô nói với những đứa con của mình rằng cô yêu chúng, nhưng cô nhấn mạnh rằng tình yêu và sự trung thành của cô với Niết-bàn còn lớn hơn tình mẫu tử đó.

Piyo loke sako putto,

Piyo loke sako pati,

Tato piyatarā mayham,

Assa dhammassa magganā

(Đời ái lạc con mình,

Đời ái lạc chồng mình,

Nhưng đối với đạo pháp

Mẹ ái lạc nhiều hơn. Tương Ưng I).

Yêu con, yêu chồng là đường lối thế gian. Nhưng ta yêu Pháp hơn yêu chúng. Vì yêu chồng và yêu con ta không thể thoát khỏi khổ.  Chỉ nhờ nghe pháp ta mới có thể được giải thoát khỏi vòng khổ luân.

Những người mẹ sùng đạo thường chú tâm nghe pháp một cách kính trọng; nhưng họ bị quấy rầy bới những đứa con đang kêu khóc; nhưng những đứa con của nữ dạ-xoa này có vẻ ngoan ngoãn và biết vâng lời. Sau khi bị mẹ trách móc chúng đã lắng nghe bài pháp của Đức Phật một cách chăm chú và kính trọng.

Đức Phật thấy trước rằng cả hai mẹ con nữ dạ-xoa này sẽ trở thành bậc nhập lưu, sotāpannas sau khi nghe pháp. Vì thế ngài đã thuyết về Tứ Thánh Đế. Punabbasumātā và con trai nhờ đó trở thành những bậc nhập lưu.

Sau khi trở thành bậc thánh nhập lưu, cuộc đời cô thay đổi hoàn toàn. Ngay lập tức cô biến thành một thiên nữ giáng trần, xinh đẹp, xiêm y lộng lẫy. Con gái cô, Uttarā, do còn quá nhỏ để hiểu pháp; tuy vậy nó cũng có được lợi ích từ tích luỹ phước của người mẹ.

 

VỀ BẢN CHẤT CỦA NIẾT-BÀN

 

Trong Udāna (Kinh Phật Thuyết Như Vậy) đoạn kinh sau đã được Đức Phật thốt lên trong niềm vui chiến thắng liên quan đến bản chất của Niết-bàn. Bài kệ khải hoàn này sau đó đã được sát nhập vào Kinh Điển Pāḷi như Nibbāna-paṭisamyutta Udāna (Cảm Hứng Ngữ Liên Hệ Đên Niết Bàn).

Atthi bhikkhave tadāyatanam; yattha neva pathavī na āpo, na tejo, na vāyo, na ākāsānañcāyatanam, na viññāṇañcāyatanam, na akiñcanaññāyatanm, na nevasaññānāsaññāyatanm; nāyam loko na paro loko; na ubbo candimasuriyā; tatrāpāham bhikkhave neva āgatim vadāmi, na gatim, na ṭhitim, na cutim, na upapattim; uppatiṭṭham appavattam anārammaṇa mevetam; esevanto dukkhassa.

(Này các Tỳ-kheo! Niết-bàn mà sáu xứ hướng đến là thực. Nhưng tại đó không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên xứ, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố trong Niết-bàn không có đến, không có đi, không có trú. Niết-bàn là Bất-Tử, Bất-Sanh, Vô Vi. Nó không có xứ sở. Không có gì từng xảy ra ở đó. Nó không có cảnh hay đối tượng giác quan. Niết-bàn là sự đoạn tận khổ đau.)

 

NIẾT BÀN LÀ CÓ THỰC

 

Vì lẽ Niết-bàn có nghĩa là sự chấm dứt của danh, sắc, và các hành cho nên người ta thường đưa ra những gợi ý cho rằng Niết-bàn không biểu thị cho một cái gì, và vì thế nó là vô ích. Tuy nhiên, Niết-bàn là thực tại tuyệt đối, là thực tại vô hiệu hoá những hoạt động của danh, sắc và các hành mà Đạo trí, Quả trí và Phản Khán trí khuynh hướng về. Nó là đối tượng tâm hay pháp mà trí này hướng tới. Chư Phật, các vị A-la-hán và các bậc Thánh đã xác chứng sự thực về thực tại của nó. Vì lợi ích của sự tranh luận, chúng ta hãy giả sử rằng không có Niết-bàn nơi đây tất cả ba vòng xoay — phiền não luân, nghiệp luân, quả luân dừng lại. Thời sẽ không một ai trong Vũ Trụ này có thể tìm được sự bình yên. Không có Niết-bàn phiền não sẽ tàn phá cuộc sống của chúng ta để tạo ra nghiệp, và nghiệp sẽ tạo ra quả, rồi quả sẽ tạo điều kiện cho sự sanh khởi của một thân ngũ uẩn mới dự phần bởi khổ. Chỉ có Đạo Quả mới có thể huỷ diệt các phiền não, và sự huỷ diệt này sẽ đặt dấu chấm hết cho vòng khổ luân. Sự chấm dứt của khổ là có thực. Chư Phật và các bậc thánh A-la-hán thực sự đã đạt đến giai đoạn thực tại này, và sau khi các vị nhập Vô Dư Niết Bàn (parinibbāna) tất cả khổ đều chấm dứt.

 

KHÔNG CÓ TỨ ĐẠI TRONG NIẾT-BÀN

 

Trong Niết-bàn không có địa đại (yếu tố đất hay tính rắn chắc), không có thuỷ đại (yếu tố nước hay chất lỏng), không có hoả đại (yếu tố lửa hay nhiệt lượng) và không có phong đại (yếu tố gió hay lực chuyển động), mà thông thường chúng ta có thể gặp trong Dục giới, như nhân giới hay thiên giới, hay trong Sắc giới (thế giới của các vị Phạm thiên hữu sắc),v.v… Do sở hữu tính rắn chắc (địa đại) con người, chư thiên và Phạm thiên mang lấy những hình dạng và hình thù. Sự diệt có nghĩa là sự chấm dứt của những hình dạng và hình thù có khối lượng ấy. Không có khối lượng (địa đại), sẽ không có thủy đại, hoả đại và phong đại.

 

SẮC KHÔNG HIỆN HỮU TRONG NIẾT-BÀN

 

Không có tứ đại thì không thể có sắc y đại sanh (upādā rūpa — sắc do nương tứ đại hình thành), chẳng hạn, mắt và đối tượng của mắt, tai và đối tượng của tai v.v… Vì chúng không có mặt nên sẽ không có hiện tượng thấy, nghe, v.v… xảy ra trong Dục Giới như tâm dục giới và trong Sắc Giới như tâm sắc giới.

Hãy suy xét điều này. Không có mắt người ta không thể thấy; không có tai không thể nghe; không có mũi không thể ngửi; không có lưỡi không thể nếm; và không có thân không thể cảm giác sự xúc chạm. Các sắc thần kinh (pasāda rūpas — tịnh sắc) là những trung khu cảm giác hay năm giác quan tạo thành căn cứ của thức. Không có các giác quan, thức không thể sanh. Trong cõi Phạm Thiên (Brahmas), chỉ có thần kinh nhãn (cakkhu pasāda, tịnh nhãn) và thần kinh nhĩ (sota pasāda, tịnh nhĩ), còn thần kinh tỷ (ghāna pasāda, tịnh tỷ), thần kinh thiệt (jivhā pasāda, tịnh thiệt), và thần kinh thân (kāya pasāda, tịnh thân) vắng mặt. Vì thế các vị Phạm Thiên có thể có mũi và lưỡi trong những hình thức thô hay có thân hình kích thước to lớn, nhưng không biết mùi là gì, vị là gì và những cảm giác trên thân là gì. Tuy nhiên trong tất cả hữu tình chúng sanh, dù là người hay chư thiên hay phạm thiên đều có hadaya vatthu, chỗ trú của tâm thường được gọi là tâm cơ hay sắc ý vật. Vì thế trong tam giới, tư duy, trí tuệ và an chỉ thiền đều có thể xảy ra.

 

SỰ VẮNG MẶT CỦA TÂM DỰA VÀO SẮC

 

Như trên đã nói, vì không có tứ đại trong Niết Bàn nên tất cả sắc (rūpa) dựa trên tứ đại này không hiện hữu. Bởi vì sự vắng mặt của các sắc này, nên không có tâm thuộc dục giới (kāmāvācara), hay sắc giới (rūpāvācara), như tâm sơ thiền chẳng hạn. Vì để ngắn gọn tôi chỉ nói về tâm (citta), nhưng phải nhớ rằng bất cứ khi nào tâm được đề cập thì các tâm sở (cetasikas) của nó cũng bao gồm trong đó.

Bây giờ câu hỏi phát sanh là liệu trong Niết Bàn tâm (citta) không dựa vào sắc (rūpa), chẳng hạn như tâm vô sắc giới (arūpāvācara citta) vẫn còn sanh không.

 

SỰ VẮNG MẶT CỦA TÂM VÔ SẮC GIỚI

 

Ở đây Kinh cũng đã rất dứt khoát về sự vắng mặt của Tâm Vô Sắc Giới (Arūpāvācara), trong Niết Bàn, dù đó là tâm Không vô biên xứ, hay tâm Thức vô biên xứ, hay tâm Vô sở hữu xứ, hay tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ. trong cõi Không Vô Biên, kiết sanh hay tái sanh bắt đầu với sự xuất hiện của tâm quả (vipāka citta) và các tâm sở của nó. Bình thường đối với hàng phàm nhân, trong suốt quá trình sống giữa kiết sanh và tử (tức trong thời bình nhật), các tâm thiện hay tâm bất thiện cùng với những pháp đồng sanh của chúng sanh khởi. Khi những phàm nhân này được tu tập đúng đắn trong pháp họ được gọi là bậc hữu học (sekhas). Những bậc hữu học này có thể trở thành Thánh A-la-hán khi họ trái sanh trong cõi Không Vô Biên Xứ. Trong trường hợp đó, chỉ những tâm thiện và tâm duy tác sanh khởi cùng với các pháp đồng sanh tương ứng của chúng. Nhưng sắc vắng mặt ở cõi đó. Có thể nói chỉ có nāma (danh), tâm, và tâm sở — tất cả trong trạng thái thay đổi liên tục — có mặt. Trong cõi đó mọi hiện tượng đều là tâm lý. Tôi nghĩ những chúng sanh chỉ có tâm này (phạm thiên vô sắc) không cần ăn, không cần mặc cũng không cần trú xứ. Tuy nhiên đối với những hoạ sĩ hay nghệ sĩ vẽ tranh thì thường mô tả cõi này và các cõi Vô Sắc khác là có những cung điện và các toà thiên cung... Nhưng trong Niết Bàn chúng sẽ là dư thừa, vì trong Niết Bàn không có tâm cũng không có sắc.

Ngày nay những người không phải Phật tử đã rất mực quan tâm đến (các chương trình) không gian, nhưng không gian có trong tâm họ là không gian trong nghĩa vật chất. Do đó không gian này không thể được đánh đồng với ý niệm về sự hiện hữu trong cõi không vô biên xứ (Hư Không Vô Biên). Ở đây Đức Phật phân biệt rất rõ cõi có tâm và các tâm sở cùng với trạng thái thiền (jhāna) với cõi vô tưởng nơi đây tất cả các pháp đồng sanh với nó và tâm thiền đều bị vô hiệu hoá. Một hành giả tập trung tâm trên sự sanh-diệt của các uẩn có thể đạt đến giai đoạn Hành Xả Trí. Nếu vị ấy đạt đến giai đoạn này, vị ấy sẽ cảm thấy sự biến mất của cái ngã vật lý, chỉ kinh nghiệm một dòng ý thức bềnh bồng trong hư không. Khi trí của vị ấy phát triển thêm dòng ý thức này sẽ càng lúc càng trở nên rõ hơn. Nói đúng hơn, đây không phải là trạng thái an chỉ thiền trong Không Vô Biên mà là một loại tuệ minh sát giống với thiền đó mà thôi.

Từ những gì đã nói ở trên, cũng có thể viện dẫn rằng không có tâm và các tâm sở thuộc cõi Thức vô biên xứ; và tương tự như vậy đối với tâm và các tâm sở thuộc Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cõi cuối cùng này được xem là cao nhất ở đây tưởng vi tế đến nỗi nó có thể được mô tả như một giai đoạn nằm ở giữa tưởng và vô-tưởng. Cũng vi tế tương tự là xúc (phassa), thọ (vedanā), tâm (citta) và các tâm sở (cetasika) có thể gặp trong cõi đó. Trong Niết Bàn những trạng thái vi tế nhất của tâm cũng hoàn toàn không có.

Những người thiếu niềm tin trong pháp và không thể thực hiện được sự chứng thiền hay samāpatti (nhập định), sẽ không chấp nhận những lời dạy liên quan đến các cõi hiện hữu vừa đề cập ở trên. Cái mà những người hoài nghi này nên làm là hãy thực hành thiền định và thiền minh sát như lời Đức Phật dậy. Nếu họ làm được điều này họ sẽ đắc thiền, kể cả phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, lúc đó họ sẽ nhận ra sự khác nhau giữa trạng thái thiền trong Cõi Vô Sắc và Niết Bàn nơi đây một trạng thái như vậy không còn cần thiết nữa.

 

TRONG NIẾT-BÀN KHÔNG CÓ CẢ DANH VÀ SẮC

 

Trong Niết-bàn không có những thứ như danh (nāma) hay tâm hay các tâm sở mà người ta có thể gặp ở cõi Dục Giới hay Sắc Giới. Do đó danh và sắc thuộc 31 cõi hoàn toàn vắng mặt trong Niết-bàn là điều tự nhiên. Nhưng có số người lại thích đưa ra một gợi ý khác thường cho rằng sau khi Đức Phật và các đệ tử A-la-hán của ngài nhập Vô Dư Niết-bàn (Parinibbāna), họ có được một loại danh-sắc đặc biệt trong Niết-bàn. Một kiểu suy nghĩ lạ thường như vậy có thể hấp dẫn đối với những người chưa thể loại bỏ cái ảo tưởng về atta hay tự ngã.  

Liên quan đến sự gợi ý này một vị Sayadaw đa văn nọ lý luận rằng nếu có một loại danh-sắc đặc biệt trong Niết-bàn, thời cũng phải có một loại tái sanh đặc biệt để sanh ra loại già, bệnh, chết đặc biệt từ đó tạo ra một loại sầu, bi, khổ, ưu, não đặc biệt,…Khi Kinh nói dứt khoát Niết-bàn là sự diệt thời vượt qua nó và lập ra cái ý niệm về một loại hiện hữu đặc biệt sẽ là điều không thích hợp. Sự diệt chỉ rõ không có gì ngoài hư vô. Niết-bàn, vốn không liên quan đến danh-sắc (nāma-rūpa), nên không thể được làm cho nó dính líu đến đời này hay đời sau.

 

NIẾT-BÀN NẰM NGOÀI TAM GIỚI

 

Ở đây Kinh nói, “Nāyaṃ loko, na paroloko.” Nghĩa là “không ở trong thế giới này cũng không ở trong thế giới khác.” Không có sắc không thể có khái niệm về bóng tối; và không có khái niệm về bóng tối, không thế có khái niệm về ánh sáng. Vì vậy trong Niết-bàn không có mặt trời cũng không có mặt trăng. Ở đâu không phát sanh thân năm uẩn mới ở đó không thể có bóng tối và ánh sáng. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu có thể có những hữu tình chúng sinh đi đến Niết-bàn như cách những chúng sinh từ cõi địa ngục đi đến cõi người, hay những chúng sinh từ cõi người  đi đến cõi chư thiên hay không. Vấn đề là trong Niết-bàn không có khứ lai hay đến đi như vậy. Để mô tả sự chứng đắc Niết-bàn theo cách nói thông thường là chư Phật và chư vị A-la-hán “nhập” (đi vào) Niết-bàn, hay cụ thể hơn nhập vô dư Niết-bàn (anupādisesa Nibbāna). Điều này không có nghĩa là sự đi đến của các uẩn mới mà là sự cắt đứt của dòng danh-sắc tạo ra sự hiện hữu. Nó là sự diệt hoàn toàn của các uẩn; và sự diệt này được nhìn nhận là Vô Dư Y Niết-bàn  (Anupādisesa Nibbāna). Vì vậy Niết-bàn không phải là một nơi ở đây các chúng sinh từ các cõi sống khác đáp xuống.

Cũng không có người nào đi ra khỏi hay được vận chuyển từ Niết-bàn đến các cõi sống khác. Các chúng sinh có thiện nghiệp rời khỏi cõi người để đi đến thiên giới; và những chúng sinh từ cõi trời cũng có thể đi xuống quả đất này như những con người. Hoặc ai có những bất thiện nghiệp có khuynh hướng thích đi xuống bốn ác đạo hơn. Nhưng trong Niết-bàn không những chuyện đến đi như vậy.

 

NHỮNG THUỘC TÍNH CỦA NIẾT-BÀN

NIẾT-BÀN KHÔNG CÓ KHỐI LƯỢNG

 

Người ta thường hỏi là liệu Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán có tồn tại như những cá nhân trong Niết-bàn không. Không có khối lượng trong Niết-bàn. Vì Niết-bàn không được xây dựng bằng một loại vật chất (sắc) hay tâm đặc biệt nào, nên nó không thể được xem như một quả núi sừng sững giữa bầu trời giống như thiên giới hay quả đất trên đó người ta cư trú.

 

NIẾT-BÀN LÀ BẤT TỬ VÀ BẤT SANH

 

Con người được sanh ra để chết, rồi lại tái sanh và chết,...không ngừng trong 31 cõi. Niết-bàn thì Bất tử và Bất sanh. Trong thế giới của chư thiên (devas) và Phạm thiên (Brahmas) sanh có nghĩa là sự xuất hiện thình lình, và chết cũng biến mất thình lình (hoá sanh, và hoá tử). Có thể nói Niết-bàn là sự diệt hay chấm dứt của tất cả Uẩn (khandhas). Trong sự diệt này không có gì xuất hiện cũng không có gì biến mất.

 

NIẾT BÀN KHÔNG XỨ SỞ

 

Niết-bàn không có xứ sở, vì thế không thể định vị nó. Niết-bàn không ở chỗ này cũng không ở chỗ kia. Nó không ở trên các cõi trời. Mặc dù dưới dạng danh-sắc (nāma-rūpa), Niết-bàn được xem là danh pháp, nhưng trong nội dung đó nó không phải là tâm (citta) cũng không phải tâm sở (cetasikas). Vì thế ba phương diện của tâm, đó là sanh (upāda), trú (ṭhīti) và diệt (bhaṅga), không hiện hữu trong Niết-bàn. Nói một cách bóng bẩy thì Niết-bàn trú ngay trong tấm thân dài một sải tay này.

 

KHÔNG CÓ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NĀMARŪPA

 

Trong thân năm uẩn này, nāma và rūpa hay danh-sắc luôn trong tình trạng thay đổi và vì thế chúng ta nói chúng trôi chảy không ngừng giống như một dòng suối. Một người hành thiền sau khi đã chứng được trí về sự sanh và diệt của các hành sẽ biết được danh-sắc sanh lên và diệt liền như thế nào. Khi vị ấy phát triển được Hành Xả Trí trong tự thân vị ấy có cảm giác rằng toàn bộ dòng danh-sắc này đã dừng lại hay không còn trôi chảy nữa. Đây là sự diệt.

 

NIẾT-BÀN KHÔNG MANG ĐẾN CHO BẠN

CÁC ĐỐI TƯỢNG GIÁC QUAN

 

Không có danh, sắc, tâm, tâm sở, v.v…, không thể có các đối tượng giác quan; và trong sự vắng mặt của các đối tượng giác quan các hành không có cơ hội sanh khởi để thực hiện vai trò của chúng.

 

NIẾT BÀN LÀ SỰ CHẤM DỨT KHỔ

 

Vì lẽ không có tứ đại và nāma-rūpa (danh-sắc), nên mọi thứ đều chấm dứt, và điều này đem lại sự bình yên vĩnh hằng. Tất cả khổ đoạn tận.

 

ROHITASSA SUTTA

 

Niết-bàn không toạ lạc ở bất cứ đâu, nhưng nói một cách bóng bẩy thì Niết-bàn nằm ngay trong thân của vị A-la-hán. Điều này được đề cập trong Kinh Rohitassa của Tương Ưng và Tăng Chi Bộ Kinh.

Khi Đức Phật đang trú tại Kỳ Viên tịnh xá ở Xá-vệ (Sāvatthi), một vị thiên (deva) tên là Rohitassa đã đi đến ngài và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Liệu một người có thể đi đến tận cùng của thế giới ở đây không có trở thành (hữu), không có già, không có chết và không có tái sanh?”

 

KHÔNG AI CÓ THỂ ĐI ĐẾN TẬN CÙNG THẾ GIỚI

 

Đức Phật đã trả lời câu hỏi này như sau:

Yutta kho āvuso na jāyati, na jīyati, na mīyati, na vacati, na upappajjati; nāham “tam gamanena lokassa antaṁ ñātayyaṃ daṭṭheyyaṃ patteya” yanti vadāmi.

Này hiền giả! Ta chưa bao giờ xác nhận một người có thể đi đến tận cùng thế gian ở đây không có trở thành (becoming), không có già, không có chết và không có tái sanh. Ta chưa bao giờ nói rằng bằng những phương tiện như vậy, như vậy tận cùng của thế gian có thể được đạt đến, được chứng ngộ, được biết.

Rohitassa rất hài lòng với lời giải thích của Đức Phật. Một thời vị ấy từng là một đạo sĩ có năng lực thần thông (thắng trí) và với nó vị ấy đã cố gắng tìm kiếm tận cùng của thế gian. Với một bước từ cõi này đến cõi khác, vị ấy đã đi khắp cùng vũ trụ trong suốt một trăm năm; nhưng cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ của vị ấy không đem lại kết quả gì.  Vào cuối sứ mệnh của mình, vị ấy chết và được tái sanh làm một vị thiên trong chính cái thế gian mà vị ấy đã chu du khắp nơi như một đạo sĩ quyền năng. Tuy nhiên cái thế gian vị ấy nghĩ trong tâm vẫn chỉ là thế gian vật chất. Còn cái thế gian mà Đức Phật nghĩ trong tâm khi trả lời vị ấy là cái vòng khổ luân do dòng chảy không ngừng của danh-sắc gây ra. Chỉ khi vòng này dừng lại người ta mới có thể đạt đến tận cùng của thế giới.

 

KHỔ VÀ SỰ TẬN CÙNG CỦA THẾ GIAN

 

Sau đó Đức Phật nói tiếp:

Na kho panāham āvuso appatvā lokassa antam dukkhassa antakiriyam vadāmi; api ca khvāham āvuso imasmim yeva vyāmamatte kaḷevare sasaññimhi samanake lokañca paññapemi lokasamudayaña lokanirodhañca lokanirodhagāminiñca paṭipadam.

 

“Và, này hiền giả, Ta không nói rằng tất cả khổ sẽ chấm dứt mà không đạt đến tận cùng của thế gian. Nhưng, trong nghĩa thông thường, Ta nói rằng thế gian hay vũ trụ nằm trong tấm thân dài một sải tay có tưởng và thức này. Ta cũng dạy sự sanh khởi của thế gian, sự diệt của thế gian và con đường dẫn đến sự diệt của thế gian.”

 

Nếu một người không thể đi đến tận cùng của thế gian bằng những nỗ lực của thân vật lý, họ có thể đi đến đó bằng sự vận dụng trí tuệ. Thế gian Đức Phật muốn nói ở đây là thế gian của khổ. Một người không đạt đến tận cùng của thế gian bằng trí tuệ thì cũng không thế đạt đến trạng thái diệt khổ. Toàn bộ cái thế gian do dòng danh-sắc trôi chảy không ngừng này làm duyên là cái thế gian của khổ và vượt qua nó là Niết-bàn.

 

BỐN THÁNH ĐẾ NẰM TRONG TỰ THÂN

 

Trong tấm thân dài một sải tay này có thể tuyên bố thế gian. Thân này là Khổ, và vì thế nó tiết lộ Sự Thực về Khổ (Khổ Thánh Đế). Nhân sanh khổ cũng có thể được tìm thấy trong đó, vì thế nó dạy cho chúng ta biết Sự Thực về Nhân Sanh Khổ (Tập Thánh Đế). Sự giải thoát khỏi khổ có thể được tìm thấy trong thân này, và như vậy nó cũng chỉ cho chúng ta thấy Sự Thực về Sự Diệt Khổ (Diệt Khổ Thánh Diệt Đế). Và, sự diệt này có thể được chứng ngộ trong tự thân. Do đó, nó chỉ cho chúng ta biết Con Đường Dẫn Đến sự Diệt Khổ (Đạo Diệt Khổ Thánh Đế). Như vậy cả bốn Thánh Đế đều có thể được khám phá trong thân của các chúng sanh thuộc thế gian này.

Bạn không thể định vị Niết-bàn. Trước khi nhập Niết-bàn (parinibbāna) các vị A-la-hán vẫn phải mang gánh nặng của các uẩn vốn chỉ ngừng sanh sau khi nhập Vô Dư Niết-bàn. Có thể nói sự diệt này xảy ra bên trong thân của các vị A-la-hán. Vì vậy, theo quy ước, chúng ta nói sự hiện hữu của Niết-bàn nằm ở bên trong thân năm uẩn của chúng ta. Tuy nhiên theo Abhidhammā (Vi-diệu Pháp), Niết-bàn không liên quan tới thân này. Đó là lý do vì sao trong Udāna (Kinh Phật Tự Thuyết) Niết-bàn được mô tả như appatiṭṭham có nghĩa là “không có chỗ đứng,  無足場 —vô túc trường, không có chỗ đặt chân.”

 

THẾ GIAN BÊN TRONG CHÚNG TA

 

Khổ Đế là cái khổ cố hữu trong năm thủ uẩn (upādānakkhandhā), khởi lên trong căn xứ khi suy nghĩ đến đối tượng giác quan đi vào căn môn. Khi bạn nhìn vào một vật, nhãn căn tiếp nhận hình ảnh của đối tượng qua nhãn môn, và xúc thiết lập giữa căn và cảnh để cho bạn biết rằng bạn đã thấy vật ấy. Hiện tượng thấy này khá rõ ràng. Bạn biết rằng bạn có mắt, và cảm giác rằng bạn hoàn toàn sở hữu chúng. Bạn, kể như người thấy, có mặt. Đối tượng bạn thấy là rõ ràng và làm vừa lòng tâm bạn. Đối với hiện tượng nghe, nếm,… còn lại cũng suy xét theo cách tương tự như vậy. Bất cứ khi nào một trong những hiện tượng này sanh khởi, sự dính mắc hay chấp thủ vào các đối tượng giác quan đang được quan sát sẽ phát triển. Khi bạn thấy một người nào đó, bạn nhận ra người đó là đàn ông hay đàn bà và mang những nét có vẻ hợp ý bạn. Ngay lập tức bạn bị dính mắc và anh ta hay cô ta. Như vậy con mắt và đối tượng của con mắt (cảnh sắc) tạo thành Sắc Thủ Uẩn (rūpupādānakkhandhā).

Khi bạn nhận ra mình thấy (cái gì đó), bạn nên biết rằng thức (viṇṇāṇa) đang hoạt động. Lúc này bạn có Thức Thủ Uẩn (viññāṇupādānakkhandhā). Sau khi thấy một đối tượng, thọ, lạc hay khổ, sanh khởi trong bạn. Thọ là vedanā. Bây giờ bạn đã phát triển — Thọ Thủ Uẩn (vedanupādānakkhandhā). Bạn thường ghi nhớ những gì mình thấy để khi có dịp cần đến bạn có thể nhớ lại. Tưởng (saññā) kể như đã phát triển trong bạn; và lúc này bạn có Tưởng Thủ Uẩn (saññupādānakkhandhā). Kế tiếp những hoạt động ý chí xảy ra trong tâm bạn liên hệ đến những thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp mà bạn phạm. Những trạng thái tâm nằm ngoài lãnh vực của thọ và tưởng này tạo thành Hành (saṅkhāra) và bạn bị dính mắc vào nó. Khi có sự dính mắc thì Hành Thủ Uẩn (saṅkhārupādānakkhandha) kể như đã sanh. Như vậy từ hành động thấy, nghe, v.v…, cả năm thủ uẩn đã phát sanh. 

Những thủ uẩn này luôn luôn sanh khởi trong chúng ta; nhưng sự sanh khởi của chúng xảy ra tức thời đến nỗi chúng ta khó mà nhận ra nó. Hầu như chúng ta luôn luôn thất bại trong việc nắm bắt cái khoảnh khắc khi hiện tượng xảy ra. Nhưng với thiền chánh niệm hoặc thiền minh sát chúng ta có thể ghi nhận sự sanh và diệt của các thủ uẩn để nhận ra sự thực rằng trạng thái thay đổi liên tục này là cực kỳ bất toại nguyện, và chính sự bất toại nguyện ấy là Dukkha (khổ).

Năm thủ uẩn tạo thành thế gian này. Chúng tiết lộ cho chúng ta biết Sự Thực về Khổ (Khổ Thánh Đế). Vì một người bình thường không thể ghi nhận thấy chỉ là thấy, do đó họ không thể hiểu được bản chất thực của hiện tượng ngay khoảnh khắc nó sanh, họ cảm giác rằng cái thấy của họ là khả lạc. Họ xem khổ (dukkha) là lạc (sukha); và như vậy một sự ưa thích lạc đã phát triển. Ái trở nên mãnh liệt thành thủ. Khi người ấy cố gắng để hoàn thành ước muốn của mình, làm khuây khoả cái cảm giác dính mắc của mình, hành nghiệp xảy ra. Bây giờ hành (saṅkhāra) bắt đầu hoạt động. Do hành nghiệp này một người lúc sắp chết nhận thức qua ý môn những nghiệp (kamma) mình đã làm, hoặc nghiệp tướng (kamma-nimitta, dấu hiệu liên quan đến nghiệp), hoặc thú tướng (gati-nimitta, dấu hiệu về nơi sẽ tái sanh). Tâm người ấy sẽ hướng về những đối tượng này do sự dính mắc. Họ rất giống như một người đang chết đuối vơ lấy bất cứ vật gì có thể nắm được. Khi người này đang nắm bắt đối tượng cận tử (ārammaṇa) thì tâm tử khởi lên. Và khi họ bỏ lại các uẩn, tâm này lui vào quá khứ. Nhưng do không loại bỏ được sự dính mắc, đối tượng nhận được từ tâm tử của kiếp sống trước, tác động đến tâm tục sanh vừa khởi lên trong kiếp hiện tại này. Như vậy kiếp sống mới bắt đầu với một tâm mới; và vì tâm này nối kết quá khứ với hiện tại nên nó được gọi là paṭisandhi citta, kiết sanh thức hay tâm tục sanh. Khi tâm khởi lên, các tâm sở và sắc (rūpa) vốn nương vào chúng cũng khởi  lên. Nếu tham ái (taṇhā) không được đoạn trừ thì danh-sắc này sẽ tiếp tục xuất hiện không ngừng suốt các kiếp sống. Vì vậy, tham ái là nhân tạo ra thế gian, và vì thế gian này là một khổi khổ, nên nó phô bày Sự Thực về Nhân Sanh Khổ (Tập Đế) cho mọi người thấy.

Thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm đều là những nhân tố sanh ra khổ, và chính trên tỷ số đó mà tham ái trở thành tập đế. Do tập đế này, chúng ta thích thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm. Và rồi một lần nữa dukkha lại sanh. Đây là Khổ Đế và Tập Đế.

 

THIỀN TRÊN TỨ ĐẠI

 

Tâm khởi lên khi có sự xúc chạm giữa căn và cảnh. Một hành giả bắt đầu thực hành với việc tập trung tâm trên hiện tượng tâm khởi nguồn từ bốn thuộc tính vật chất này, đó là pathavī (đất hay tính cứng), āpo (nước hay tính lưu chảy), tejo (lửa, nhiệt lượng) và vāyo (gió hay yếu tố chuyển động). Khi Kinh Đại Niệm Xứ nói, “Khi đi tôi biết tôi đang đi,” thì phải hiểu đó là một lời hướng dẫn để người hành thiền biết yếu tố chuyển động đang phát huy qua sự tiếp xúc kích thích tâm. Khi bạn ngồi, hãy biết rằng bạn đang ngồi, ghi nhận sự căng của thân do hành động ngồi tạo ra. Tiếp đó bạn có thể hay biết về các hiện tượng thân hay tâm khác đang xảy ra cùng với oai nghi bạn sử dụng. Chẳng hạn, bạn có thể để ý thấy rằng khi bạn ngồi, hai chân bạn chạm vào nhau, hai tay bạn cài vào nhau, y phục bạn đang mặc dính vào thân bạn, v.v…và v.v…Khi bạn quan sát chúng với chánh niệm bạn sẽ nhận ra bản chất những hoạt động của sắc phát sanh khi căn và cảnh tiếp xúc với nhau.

 

MỘT BƯỚC DỄ DÀNG TRONG THIỀN

 

Để cả người trẻ lẫn người già đều có thể chọn hành thiền, chúng tôi kê ra đây những gì chúng tôi xem là một lộ trình hành thiền minh sát dễ dàng nhất bắt đầu với việc ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của bụng. Khi bạn thở vô (hít vào) bụng trở nên căng ra, và khi bạn thở ra nó chùng xuống. Bạn sẽ kinh nghiệm sự chuyển động phồng lên và xẹp xuống của thành bụng và nhận ra nó là sự hoạt động của phong đại (vāyo). Bạn ghi nhận điều này. Tức là bạn tập trung tâm trên sự phồng và xẹp của bụng với trí tuệ hiểu rõ bản chất của hiện tượng. Sẽ không có sự dừng lại giữa hai chuyển động liên tiếp nhau. Hãy giữ cho tâm bạn gắn chặt trên sự bắt đầu của chuyển động phồng rồi theo dõi cho đến khi nó chấm dứt và chuyển qua sự bắt đầu của chuyển động xẹp cho đến khi nó chấm dứt. Nhưng nếu, trong tiến trình theo dõi, bạn để ý thấy có một sự dừng lại nào đó sau hơi thở vô hay sau hơi thở ra, bạn phải chánh niệm rằng bạn đang ngồi trong lúc đó (nếu bạn ngồi trong lúc hành thiền). Thỉnh thoảng những ý tưởng sẽ hình thành trong tâm bạn. Bạn có thể nghĩ đến một cái gì đó. Hay bạn có thể có ý định làm điều này điều nọ gì đó. Hãy ghi nhận tất cả những sự hình thành ý nghĩ này. Bất cứ khi nào tâm bạn “bơi”, như cách nói của người Miến, ra khỏi dòng chánh niệm, bạn hãy theo dõi nó. Đừng để cho nó thoát khỏi sự kiểm soát tâm của bạn. Bạn tiếp tục ghi nhận hiện tượng suy nghĩ. Sau đó bắt đầu ghi nhận những chuyển động của bụng bạn lại. Đối khi bạn có thể gặp những cảm thọ, hầu hết là bất lạc, bởi vì bạn cảm thấy tê cứng và mệt, hay nóng và đau khi ngồi thiền. Trong trường hợp đó hãy ghi nhận sự mệt và đau này; và khi những cảm giác đó biến mất tập trung sự chú ý của bạn vào sự phồng xẹp của bụng lại. Nói tóm lại, hãy ghi nhận những chuyển động của bụng, cả hoạt động của thân lẫn thái độ tâm lý cũng như sự kinh nghiệm của bạn sao để cho không có khoảng ngưng nào khiến tâm bạn nhàn rỗi trong suốt tiến trình thiền. Nếu bạn không có đối tượng đặc biệt nào để tập trung sự chú ý của bạn trên đó, bạn hãy tiếp tục ghi nhận sự phồng xẹp, tức sự căng cứng và chùng xuống của bụng, như thường lệ.

Khi năng lực tập trung của bạn tốt hơn bạn sẽ để ý thấy rằng mỗi chuyển động của cơ bao gồm nhiều diễn biến của các hành động rõ rệt có thể được gọi là những tình tiết và mỗi tình tiết ấy sanh lên rồi liền biến mất. Mỗi sự xuất hiện và biến mất xảy ra nối tiếp nhau rất rõ ràng có thể nhận thấy được. Sự quan sát này áp dụng cho đối tượng tâm. Nhưng tâm ghi nhận, chủ thể quan sát, cũng vận hành theo cùng một cách như đối tượng, tức là thoắt hiện thoắt biến mất nối tiếp nhau một cách nhanh chóng. Khi sự quan sát của bạn càng lúc càng trở nên sắc bén hơn, bạn sẽ nhận ra mọi phần của hiện tượng xảy ra và biến mất như thể mỗi phần tự tách ra khỏi phần kia để làm theo ý riêng của nó vậy. Khi tâm ghi nhận và đối tượng xảy ra như thể vì mục đích tan biến hay diệt, lúc này sự thực vô thường của nó trở nên rõ ràng với bạn. Chúng mãi mãi ở trong trạng thái thay đổi như vậy. Chính sự sanh diệt này là bản chất cố hữu của chúng. Cái gì vô thường là bất toại nguyện. Cái gì bất toại nguyện là khổ. Bây giờ bạn đã đạt đến trí hiểu biết về Khổ Đế. Sự giác ngộ này xua tan bóng tối vô minh (avijjā). Do đó, tham ái (taṅhā) không còn tự xác định mình là đối tượng của bạn nữa. Khi không có tham ái, thủ (upādāna) không thể tác hành như kẻ đồng loã của nó. Vì thủ không sanh nên hành không thể hoạt động để làm thoả mãn những ước muốn do tâm và đối tượng của nó gợi lên. Điều đó có nghĩa rằng nghiệp không được được tạo thành hay hành nghiệp không phát sanh. Khi hành nghiệp chấm dứt thì thức tái sanh không thể xảy ra. Như vậy sẽ không có sự sanh mới, tức không có các uẩn (khandhas) mới. Điều này biểu thị cho sự diệt khổ và nhân sanh khổ. Ở khoảnh khắc đặc biệt khi bạn nhận ra sự diệt này bạn chứng ngộ Niết-bàn. Có thể điều này chỉ xảy ra trong một sát-na, nhưng sát-na đó vô cùng quý giá. Ghi nhận và biết rõ các hiện tượng xảy ra cuối cùng dẫn đến diệt trí (trí hiểu biết về sự diệt) tương đương với sự chứng đắc hiệp thế về Đạo Diệt Khổ Thánh Đế.

Do đó, kinh thường nói rằng Tứ Thánh Đế ở ngay trong tấm thân của người hành thiền.

Khi Hành Xả Trí được thành tựu, hành giả bị hút vào thiền đến nỗi họ cảm thấy thân mình, cùng với thọ và tưởng của nó, dừng lại. Vì thế Kinh nói thêm:

Trong Niết-bàn thân này, cùng với cảm giác xúc chạm và sự vận hành của các xứ (āyatanas) diệt. Hành giả phải hay biết về sự diệt này.

 

Trong thực tế đây là sự chứng ngộ Niết-bàn qua Thánh Đạo. Vì thế chú giải nói thêm:

Trong tấm thân dài một sải tay này thế gian được công bố, nơi đây Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Diệt Khổ Thánh Đế có thể được khám phá. Này hiền giả hãy biết rằng với những lời này, những chữ này Ta không công bố thực tại của Tứ Thánh Đế ở trong những vật vô tri như cỏ cây, mà trong tấm thân do tứ đại tạo thành này.

 

  Khổ Đế hiển nhiên ở khắp mọi nơi; nhưng Tập Đế thì chỉ có thể viện dẫn từ bản chất nội tại của tất cả phàm nhân không thể loại trừ phiền não khỏi tâm. Trước khi một người bước lên Đạo Lộ họ có thể tìm kiếm Nhân (sanh khổ) qua sự tự xét chính mình. Nói theo quy ước thì Diệt Đế có mặt trong các Bậc Thánh bất chấp sự thực rằng họ vẫn còn một số tàn dư của phiền não và các uẩn vẫn còn bên trong họ.

Tuy nhiên đối với các bậc A-la-hán khi phiền não đã được đoạn trừ hoàn toàn, sự diệt được nói là đã thành tựu. Bát Thánh Đạo thuộc Đạo Đế có thể được khám phá trong thân của vị A-la-hán đang hướng đến Đạo Quả. Ở đây kinh muốn chỉ ra rằng sự bình yên của Niết-bàn chỉ có thể được thực chứng với sự diệt hoàn toàn của danh-sắc và các pháp đồng sanh của nó.

 

KHỔ VÀ NHÂN SANH KHỔ HIỆN RÕ

TRONG QUÁ TRÌNH TẠO THÀNH Ý TƯỞNG

 

Ở một phần trước tôi đã trình bầy cách các thủ uẩn sanh qua sự tương tác của các căn như mắt, tai,…và các cảnh như sắc, thinh,... như thế nào. Bây giờ chúng ta sẽ bàn về sự tương tác giữa tâm và pháp (đối tượng của tâm) ­­— mà trong ngôn ngữ thông thường gọi là ý tưởng — làm phát sanh các thủ uẩn. Một sự hồi quan vào bản chất của ý tưởng này sẽ nói lên sự thực liên quan đến khổ và nhân sanh của nó.

Khi bạn suy nghĩ bạn biết chỗ suy nghĩ nằm ở đâu. Hiển nhiên là nó nằm trong thân bạn và trong tâm cơ (sắc ý vật) của bạn. Thêm vào đó là cảnh pháp (đối tượng tâm). Dựa vào ba yếu tố này tiến trình hình thành ý tưởng, suy nghĩ, ý định, ước muốn, …. sanh khởi. Nếu bạn không kịp thời ghi nhận bản chất thực của tiến trình này, bạn có thể bị dẫn đến chỗ tin rằng toàn bộ thân vật lý cùng với sắc ý vật của nó là tự ngã của bạn. “Đây là Tôi,” bạn có thể tự nhủ, “Thân này là của tôi. Chính Tôi là người đang suy nghĩ. Đây là suy nghĩ của tôi. Tôi là cảnh pháp. Hay, anh ta là cảnh pháp (đối tượng của tâm).” Bạn có thể hình thành những ý niệm như vậy trong đầu. Nhưng trong thực tế các pháp (dhammas) sanh khởi khi bạn nghĩ và cố gắng để biết những gì bạn nghĩ hoàn toàn chỉ là các thủ uẩn, upādānakkhandhā. Các uẩn này là một khối khổ. Thấy được như vậy là bạn đã thấy Khổ Đế. Năm thủ uẩn này có thể được phân loại như sau:

Vào lúc hình thành ý tưởng, ý vật và thân tạo thành chỗ cho tâm khởi. Chúng tạo thành sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandhā).
Kế tiếp suy nghĩ nảy sanh. Tất cả tư duy và ý niệm này tạo thành thức thủ uẩn (viññānupādānakkhandhā).
Kế tiếp thọ sanh, thường phân biệt giữa lạc và khổ.
Kế tiếp tưởng khởi lên ghi nhận đối tượng tâm. Chúng tạo thành tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandhā).
Kế tiếp các hành xuất hiện. Chúng tạo thành hành thủ uẩn (Saṅkhārupādānakkhandhā).

 

 Uẩn đề cập cuối cùng, những sản phẩm của ý chí, rất dễ nhận ra; bạn có thể tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi. Khi thức khởi lên thông qua hành động thấy, nghe,… các hành liền xảy ra dưới hình thức của những suy nghĩ và cảm xúc. Đây là cách tham ái và sự dính mắc vào các dục lạc sanh khởi. Khi bạn thấy hay nghe cái gì đó, bạn phân biệt giữa tốt và xấu hay giữa thiện và bất thiện. Và lúc đó sẽ có một sự ham thích đối với cái bạn xem là khả lạc. Nhưng khi chúng không phải là thứ bạn thích, thì tức giận, chán ghét, và ghê tởm liền xộc vào tâm trí bạn. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng của ngã mạn thuyết phục bạn hình thành những tà kiến. Rồi hoài nghi, ghanh tỵ, lo lắng và bất an kéo đến quấy rầy bạn. Trái lại, bạn cũng hoàn toàn có thể phát triển được những thiện tâm như đức tin, lòng nhân hậu, chánh niệm, thái độ điềm đạm, cảm thông, từ ái, và v.v… nếu bạn có những ý nghĩ tích cực và đúng đắn về những đối tượng giác quan bạn quan sát. Tất cả những khuynh hướng này, dù là thiện hay bất thiện, cũng chỉ là hành uẩn (Saṅkhārupādānakkhandhā). Khi bạn có ý định ngồi, hay đứng, hay đi, hay nói, là hành (saṅkhāra) này đang làm việc. Nếu chủ ý (tư-cetanā) của bạn là thiện, thiện nghiệp (kusala kamma) đã được tạo thành; ngược lại là akusala kamma (bất thiện nghiệp). Thế gian của hành thủ uẩn này đích thực là Vũ Trụ; và Vũ Trụ này là một khối khổ. Những người không thường áp dụng trí tuệ minh sát vào những thực tại tuyệt đối của khổ qua việc hành thiền minh sát sẽ phát triển một cảm giác thích thú sai lầm đối với những tư duy và ý tưởng của họ, hy vọng cho một cái gì đó tốt hơn ngay cả khi họ đang phải đối mặt với những khổ đau. Họ hài lòng với ý niệm về sự hiện hữu của bản ngã. Họ khát khao sự thành công của nó, nhầm lẫn khổ đau là hạnh phúc. Theo cách này chấp thủ tăng trưởng trong họ; và họ thực hiện đủ mọi loại nỗ lực để thoả mãn ham muốn của bản ngã. Để làm khuây khoả chúng, họ sẽ không do dự sát sanh, hay trộm cắp, hay lừa đảo, hay phạm vào các tội ác khác. Tuy nhiên cũng có những người làm điều thiện với ý định tích luỹ phước thiện cho những kiếp sống tương lai hay trong vòng luân hồi của họ. Hành nghiệp phát sanh hợp theo những phước thiện hay tội lỗi mà họ đã thành tựu. Khi chết, nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng xuất hiện như những đối tượng giác quan để được nhận thức bằng các giác quan (căn xứ); và tuỳ thuộc vào những gì xuất hiện trong con mắt tâm của họ, như chúng ta nói theo cách nói thông thường, kiết sanh thức hình thành trong kiếp sống mới kế tiếp ở đây các căn mới và các đối tượng giác quan tương tác như trước để tạo ra chấp thủ, tham ái, và sự dính mắc, tất cả chỉ để hoàn chỉnh cái vòng khổ luân cũ. Vì toàn bộ sợi dây tham ái (taṅhā), chấp thủ (upādāna), nghiệp (kamma) và hữu (bhava) chỉ có nghĩa là Khổ Đế. Chỉ khi cắt đứt được sợi dây này với Hành Xả Trí thì sự bình yên của Niết-bàn mới có thể được thiết lập. Vì thế Đức Phật nói:

Ở đâu tâm và tưởng diệt, ở đó có sự diệt của tất cả xứ (āyatanas), và điều này cần phải được tuệ tri (bởi người hành thiền).

Sự diệt này là Niết-bàn. Trong Kinh chữ mana (ý) được dùng, và điều này cần làm sáng tỏ. Từ này được dùng dựa trên sự kết hợp của hai loại tâm, đó là tâm hữu phần (bhavaṅga) và tâm chuyển hướng (avajjana). Bhavaṅga là trạng thái tâm xảy ra khi một người đang ngủ say. Nó không quan trọng như tâm chuyển hướng (avajjana) vốn cần phải được quan sát một cách sít sao nhờ vậy bạn mới biết được sự diệt của nó. Trong Kinh chữ dhamma saññā (pháp tưởng), cũng được dùng. Nó có nghĩa là sự nhận thức đối tượng giác quan. Nhưng sự nhận thức này chúng ta thường nói là tâm (citta) cho dễ hiểu. Vì thế tôi đã dịch avajjana (tâm chuyển hướng) này chỉ đơn giản là citta thôi. Những gì muốn nói ở đây là sự diệt của tâm tiếp nhận đối tượng, tâm biết thông thường, và cuối cùng tâm hiểu rõ đối tượng. Điều này tượng trưng cho ba giai đoạn hoạt động của tâm. Sự diệt của chúng biểu thị sự huỷ diệt hoàn toàn của tất cả hành: và trong trường hợp này gọi là Niết-bàn. Chỉ khi hành thiền minh sát chúng ta mới có thể hiểu rõ được pháp (dhamma) này. Khi tâm hướng về Niết-bàn, và khi tâm Đạo và tâm Quả được chứng ngộ thì mọi hình thức tâm đều diệt.

 

          KHÁM PHÁ NIẾT-BÀN NƠI THẾ GIAN CHẤM DỨT

 

Ở một phần trước tôi có nói rằng khi chúng ta đang ghi nhận hiện tượng thấy, cả nhãn xứ và tưởng về sắc (sắc tưởng) đều tan biến, cũng vậy khi chúng ta ghi nhận hiện tượng nghe, cả nhĩ xứ và tưởng về âm thanh (thinh tưởng) đều tan biến; khi chúng ta ghi nhận hiện tượng ngửi, cả tỷ xứ và tưởng về mùi (hương hay khí tưởng) đều tan biến; khi chúng ta ghi nhận hiện tượng nếm, cả thiệt xứ và tưởng về vị (vị tưởng) đều tan biến; khi chúng ta ghi nhận hiện tượng xúc chạm, cả thân xứ và xúc tưởng đều tan biến; và khi chúng ta ghi nhận sự hình thành của ý tưởng, cả tâm và pháp tưởng đều tan biến. Biết được sự tan biến hay sự diệt của sắc tưởng, thinh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, và pháp tưởng tại sáu căn môn này có nghĩa là sự chứng ngộ Diệt Đế (Chân Lý về sự Diệt Nhân Sanh Khổ). Tất nhiên khám phá sự diệt này không phải chỉ bằng suy nghĩ hay tưởng tượng đơn thuần, mà bằng việc hành thiền thực sự trên danh-sắc cho đến khi thành tựu Hành Xả Trí. Khi Diệt Đế đã thực sự được chứng ngộ bạn sẽ có được sự tin chắc rằng các pháp hữu vi là khổ. Bạn cũng sẽ đi đến kết luận rằng khát khao cái khổ ấy tự nó chính là khổ. Khi tham ái bị xua tan, hữu mới hay tái sanh mới không thể sanh. Vào lúc đạt đến giác ngộ, Đức Phật đã thốt lên bài kệ Khải Hoàn (Udāna[8]) này, tỏ rõ sự thoả mãn vì đã chiến thắng được tham ái:

“Anekajātisaṃsāraṃ,
Sandhāvissaṃ anibbisaṃ.
Gahakāraṃ gavesanto,
Dukkhājāti punappunaṃ.

Gahakāraka! diṭṭhosi

Puna geham na kāhasi,

Sabbā te phāsukā bhaggā

Gahakūṭam visaṅkhatam.

Visaṅkhāraṁgataṁ cittaṃ

Taṅhānaṃ khaya majjhagā.

 

(Lang thang bao kiếp sống,

Ta tìm nhưng chẳng gặp

Người xây dựng nhà này

Khổ thay! Phải tái sanh.

 

Ôi người làm nhà kia!

Nay ta đã thấy ngươi

Ngươi không làm nhà nữa

Đòn tay ngươi bị gẫy

Kèo cột ngươi bị tan

Tâm Ta đạt tịch diệt

Tham ái thảy tiêu vong.)

 

Ta đã trải qua vô số kiếp trong luân hồi mong tìm được người xây căn nhà (năm uẩn này) nhưng vô vọng vì thiếu trí. Tái sanh đi tái sanh lại quả thực là khổ! Hỡi người thợ làm nhà kia, bây giờ Ta đã thấy ngươi! Ngươi sẽ không còn làm nhà nữa, vì rui mè, kèo cột của ngươi đã bị kéo đổ và cây đòn nóc đã bị phá hủy. Tâm ta, khuynh hướng về sự diệt của các hành nghiệp, đã đạt đến sự đoạn tận tham.

Không cần phải nói, người xây nhà chính là taṅhā (tham ái), xây dựng nên căn nhà của các uẩn (khandhas) trong luân hồi. Chính tham ái này tạo ra tái sanh (jāti), nỗi khiếp sợ lớn nhất trong tất cả những khổ đau mà người ta có thể phải gặp. Nếu người xây nhà này không được khám phá ra, nó sẽ tiếp tục xây đi xây lại căn nhà ngũ uẩn. Có thể bạn không có bất kỳ khuynh hướng muốn đi xuống các cõi khổ nào, nhưng taṅhā (tham ái) sẽ nhất quyết bắt bạn phải đến cư trú trong căn nhà nó đã xây dựng ở đó. Nếu bạn không có Toàn Giác Trí (Sammāsambodhi ñāṇa) bạn sẽ không bao giờ tìm được nó. Trước khi chứng được trí này Đức Phật đã phải trải qua vô số kiếp tái sanh trong luân hồi. Ngày nay, việc tụng đọc hai bài kệ Khải Hoàn (Udāna Gāthas) này khi xác nhận (một nghi thức giống như lễ an vị) một ngôi bảo tháp (thờ xá-lợi) hoặc tượng Phật đã trở thành tục lệ của người Phật tử Miến Điện. Và cũng không gì lạ đối với người cư sĩ khi tụng Pháp Duyên Sanh (Paṭiccasamuppāda) theo chiều thuận và theo chiều nghịch trong buổi lễ đó. Pháp Duyên Sanh đã được Đức Phật quán xét vào ngày thứ bảy trước khi giác ngộ. Nghi lễ xác định được gọi là “Anekazatin” ở Miến Điện. Tuy nhiên tục lệ này không phổ biến ở Thái lan và Tích lan.

 

APPATIṬṬHA, KHÔNG CÓ CHỖ ĐẶT CHÂN

 

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là Niết-bàn không có chỗ đặt chân. Niết-bàn không có vị trí. Khi kinh nói Niết-bàn trú trong tấm thân dài một sải tay này, đó chỉ là nói theo phép ẩn dụ. Điều này đã được nhấn mạnh nhiều lần. Chắc chắn, không thể chỗi cãi được là khổ đế (Dukkha saccā) và tập đế (Samudaya saccā) thực sự ở trong thân của bất kỳ người nào. Đạo đế (Magga saccā) nằm ngầm trong hành giả đang hành thiền minh sát để đạt đến Thánh Đạo. Diệt đế (Nirodha saccā), vốn là Niết-bàn, trú trong thân của các Bậc Thánh, những người đã hướng đến Đạo và Quả. Vì thế có thể nói rằng Niết-bàn luôn luôn hiện hữu trong thân của các bậc A-la-hán.

Nhưng điều này không hàm ý rằng Niết-bàn tồn tại cùng với các Bậc Thánh trong nghĩa nặng về vật chất của từ. Tất cả phiền não đã bị huỷ diệt trong tâm của các Bậc Thánh. Sự huỷ diệt này được nêu ra một vị trí chỉ theo nghĩa biểu trưng; và điều này đã được đề cập một cách rõ ràng trong Chú Giải Thanh Tịnh Đạo như vầy:

Niết-bàn không có vị trí. Nhưng khi nói về sự diệt của các phiền não, nơi trú của các phiền não phải được đề cập. Vì thế một vị trí đã được nêu ra theo cách ẩn dụ (đó là trong tâm).

Về điểm này Abhidhamma rất dứt khoát. Abhidhammā (Vi-diệu Pháp)  tuyên bố rõ rằng Niết-bàn không liên quan đến thân. Niết-bàn được đạt tới ở ngoài thân, bahiddha. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng Niết-bàn không có xứ sở, không có nơi trú và không có vị trí.

 

PHẦN V

 

SỰ DIỆT CỦA THAM ÁI

 

Chữ Nibbāna xuất phát từ chữ vāna vốn có nghĩa là Dục hữu (kāmabhava), Sắc hữu (rūpabhava) và Vô sắc hữu (arūpabhava). Nó thích thú với cả các đối tượng giác quan lẫn các ý nghĩ. Nó nhảy hết đối tượng đến đối tượng khác theo cách thông thường hoặc bất thường, theo đúng trình tự hoặc không đúng trình tự. Nó di chuyển giống như con thoi lúc dệt vải. Thực sự ra, nghĩa ban đầu của từ vāna này liên quan đến sự dệt may. Những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương lai dệt thành một mẫu vẽ muôn mầu muôn sắc theo trí tưởng tượng của con người.

Niết-bàn có mục đích là giải thoát khỏi nanh vuốt của tham ái Kinh nói; “Vānato nikkhantanti nibbānaṃ” — Niết-bàn là sự xuất ly khỏi tham ái. Ở một bài Kinh khác thì nói: N’ atthi vanam etthāti nibbānaṃ” — Tham ái không có trong Niết-bàn. Tất cả những điều này đều chỉ ra rằng mục đích của tham ái không phải là Niết-bàn.

Dục ái (kāmataṅhā) coi trọng việc phân biệt giới tính. Nó yêu thích những dục lạc xuất phát từ các giác quan như mắt, tai, v.v… Nó cảm thấy buồn chán nếu không có ngũ dục. Tham ái cũng phát triển trong các cõi sắc giới và vô sắc giới. Những người còn bị ám ảnh bởi tham ái không thể nhận ra những bất hạnh của sự hiện hữu, và vì thế họ không ham thích Niết-bàn nơi mà không còn tái sanh. Người ta cầu nguyện cho sớm được Niết-bàn; nhưng nếu họ được bảo là họ sẽ được chuyển tới đó ngay lập tức với mọi thay đổi trừ việc quay trở lại kiếp sống hiện tại, họ sẽ do dự như cách của người hâm mộ (Niết-bàn) trong câu chuyện sau.

 

HÃY ĐỂ TÔI SUY NGHĨ LẠI ĐÃ

 

Một người cư sĩ mộ đạo nọ cầu nguyện trước tượng Phật cho anh ta được đạt đến Niết-bàn càng sớm càng tốt. Nghe những lời cầu nguyện thường xuyên của anh ta, một gã chơi khăm kia ẩn mình sau bức tượng Phật đã nói với một giọng vang như sấm, “Con cầu nguyện như vậy là đủ rồi. Hôm nay Ta sẽ đưa con đến Niết-bàn.” Người nguyện Niết-bàn ấy trả lời, “Ôi tốt quá, tốt quá! Nhưng để con về nhà hỏi ý kiến vợ con xem đã.” Khi về đến nhà anh ta kể lại sự việc xảy ra với vợ và xin lời khuyên của cô ta. Cô vợ nói “Ôi anh thật là một con người may mắn, đừng do dự gì nữa, hãy đi nhanh lên.” Người chồng ngây thơ lúc đó mới hỏi, “Hãy suy nghĩ kỹ xem liệu em có thể cai quản việc nhà mà không có anh được không.” Cô vợ trả lời, “Cứ đi đi, đừng lo! Em không cần phải suy nghĩ gì đâu.” Người chồng vặn lại, “Dù em không muốn suy nghĩ cho thấu đáo thì cũng phải để anh suy nghĩ chứ.” Đây có thể không phải là một câu chuyện có thực; nhưng nó có vẻ hết sức thực tế.

 

MIỄN CƯỠNG KIẾM PHƯỚC CHO NIẾT-BÀN

 

Tích luỹ phước qua việc hành thiền minh sát sẽ đưa người ta đến gần hơn Niết-bàn; nhưng ít người thực sự làm điều đó. Chúng tôi thường phải tốn rất nhiều công sức để thuyết phục một tín đồ hành thiền. Hãy xét đến trường hợp của Hoàng Hậu Khemā, vợ của Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la) xem. Mặc dù đức Vua đã là một đệ tử thuần thành, hoàng hậu cũng chưa bao giờ đến thăm Đức Phật. Vua phải dùng một số mưu mẹo để thúc bà đi đến chùa. Nhưng một lần nọ bà được diện kiến Đức Phật, mọi việc đều tốt đẹp; và bà trở thành bậc thánh A-la-hán ngay lúc bà lắng nghe Pháp. Cũng có một câu chuyện khác về Kāla, con trai của trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapindika).

 

CÔNG TỬ KĀLA

 

Anāthapindika, một trưởng giả giàu có, được nghe tin về Đức Phật trong lúc ông đang buôn bán tại Rajagaha. Ông liền đến thăm ngài và nghe Pháp. Ngay lập tức ông trở thành một bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna), và thỉnh Bậc Đạo Sư đến cư trú tại Sāvatthi (Xá-vệ). Ông đã mua lại khu vườn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta) với giá 18 triệu đồng tiền vàng, xây dựng một ngôi tịnh xá hết 18 triệu, và tổ chức một buổi lễ lạc thành hết 18 triệu đồng tiền vàng nữa. Ông dâng cúng ngôi tịnh xá ấy đến Đức Phật và các đệ tử của ngài. Hàng ngày ông sẽ cúng dường thức ăn đến 500 vị Tỳ-kheo, giữ Bát quan trai giới và khuyến khích những người trong gia đình làm theo gương ông. Mặc dù ông đã trở thành một đại thí chủ của ngôi chùa, con trai ông, công tử Kāla vẫn không có khuynh hướng về Phật Pháp.

Công tử có đủ lý do để không có chút lòng tin đối với Đức Phật và Pháp của ngài, vì vào những ngày ấy người ta hành theo tà giáo của Purāna Kassapa. Thời đó cũng có nhiều người theo thuyết duy linh. Một số tôn thờ Phạm Thiên như một vị thần. Nếu không được gặp Đức Phật có lẽ bản thân ông Anāthapindika cũng đã bị kéo vào đủ các loại giáo phái hiện hành thời đó. Công tử Kāla cũng là một đệ tử của các trường phái dị giáo ấy. Và có thể sẽ là bất tiện cho cậu ta để chuyển từ tôn giáo này sanh tôn giáo khác.

Người cha nghĩ đến hạnh phúc của con trai: “Con trai ta không biết gì về Đức Phật. Nó cũng không hiểu rõ Pháp và Tăng. Nó không có ước muốn đi đến Chùa. Nó không có khuynh hướng nghe pháp. Nó lãng tránh làm những công việc phục vụ chư Tăng. Nếu nó chết như một kẻ ngoại đạo chắc chắn nó sẽ đi đến địa ngục Avīci (A-tỳ). Việc con trai của một người Phật tử lại không phải là Phật tử thì thực là không phải phép. Nếu nó đoạ địa ngục trong khi ta vẫn còn đang sống thì đó sẽ là điều tồi tệ nhất. Thông thường tiền bạc có thể làm thay đổi tâm của nhiều người. Ta phải liều hối lộ để gởi nó vào chùa mới được.” Nghĩ như vậy xong, ông trưởng giả liền bảo con trai rằng ông sẽ cho cậu 100 đồng nếu như cậu chịu đi đến chùa. Đứa con chấp nhận lời đề nghị.

Khi đi đến chùa Công tử Kāla chọn một góc ấm cúng để được ngủ một cách ngon lành, vì cậu không quan tâm đến việc nghe pháp. Sáng hôm sau khi trở về nhà, người cha cho anh ta ăn uống đầy đủ vì tin rằng con trai mình đã giữ giới Bát Quan Trai. Công tử Kāla là người hám tiền nên cậu ta chỉ đồng ý dùng bữa sau khi đã được trả tiền. Qua lần sau ông trưởng giả bảo anh rằng nếu như con chịu nghe Pháp và kể lại cho cha chỉ một bài kệ thôi, con sẽ được thưởng 1,000 đồng.

Công tử Kāla lại đi đến chùa và lần này cậu ta chăm chú lắng nghe những gì Đức Phật thuyết. Bậc Đạo Sư biết anh ta rất rõ, vì thế ngài cố ý thuyết những bài pháp khiến cho con trai ông trưởng giả không thể ghi nhớ một cách dễ dàng được. Vì đã giao kèo với cha là phải thuật lại những gì Đức Phật thuyết cho dù đó chỉ là một bài kệ, nên lúc này cậu rất chú ý lắng nghe để hiểu. Sau khi có được sự hiểu biết, đức tin phát triển trong cậu, và ngay khoảnh khắc tâm lý này Đức Phật đã thuyết một bài pháp đi thẳng vào tâm cậu. Nhờ tích lũy các Ba-la-mật trong nhiều kiếp quá khứ, Công tử Kāla lập tức đắc Nhập Lưu và trở thành bậc Thánh Tu-đà-hoàn.

Một khi đã là bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna), đức tin của của cậu nơi Phật Pháp (Buddha Dhamma) trở nên vững chắc, mọi hoài nghi và tà kiến được tiêu trừ. Vào cái ngày đặc biệt ấy cậu không trở về nhà một mình sớm, thay vào đó cậu ở lại cùng với hội chúng của Đức Phật. Khi mọi người đi đến nhà ông trưởng giả để dự lễ trai tăng, cậu đi theo họ. Nhưng khi về đến nhà cậu lo lắng rằng cha cậu có thể đưa tiền cho cậu trước mặt Đức Phật, vì không muốn mọi người biết rằng cậu đi đến chùa với một động cơ đặc biệt. Một ý thức hổ thẹn đã xâm chiếm tâm cậu. Theo thường lệ cậu sẽ dùng cơm sau Đức Phật và chư Tăng; nhưng lần này cậu cẩn thận không để mọi người chú ý tới mình. Tuy nhiên, ông Anāthapindika lại đi đến bên cậu để trả tiền như đã hứa ông nói rằng đó là một phần thưởng dành cho việc cậu đi đến chùa giữ Bát Quan Trai giới và nghe pháp. Cậu vô cùng xấu hổ và từ chối nhận tiền. Người cha thuật lại toàn bộ sự việc cho Đức Phật, nói rằng đây quả thực là một ngày đặc biệt vì con trai ông không còn giống như những lần trước bị tham trói buộc nữa mà đã rạng ngời hạnh phúc.

Sau đó Đức Phật nói: “Này ông trưởng giả, con trai ông nay đã trở thành một bậc nhập lưu, cao quý hơn cả một vị chuyển luân vương, và hơn cả chư thiên và Phạm thiên.”

 

BẬC THÁNH NHẬP LƯU

THẮNG XA VUA CHUYỂN LUÂN VƯƠNG

 

Hầu hết mọi người đều thích làm vua. Đối với họ ngay cả người đứng đầu một ngôi làng (tộc trưởng) cũng có sức hấp dẫn của nó. Một vương quốc tốt hơn một công quốc (lãnh địa của một ông hoàng). Một vương quốc to lớn tốt hơn một vương quốc nhỏ bé. Một hoàng đế có quyền lực hơn một vua chư hầu. Nếu một người trở thành vị chuyển luân vương (cakkavatti), vua của bốn châu lục, thì không có gì phải nói thêm nữa. Sử dụng Luân báu (bánh xe quyền lực có phép thần thông) và toả sáng với hương giới của mình, tất cả các vị hoàng đế và vua chúa đều cúi đầu trước vị ấy. Nhờ giới đức mà tất cả thần dân của ngài đều có được đời sống sung túc, đoàn kết và chính trực.

Cuộc sống xa hoa mà một vị chuyển luân vương thụ hưởng trở nên vô nghĩa nếu so sánh với trạng thái bình yên mà một vị Thánh Nhập Lưu thành tựu. Hạnh phúc của vị chuyển luân vương sẽ chỉ kéo dài trong suốt cuộc đời của vị ấy. Nếu vị ấy cai trị thế gian bằng vương pháp, vị ấy có thể được tái sanh thiên giới sau khi chết; nhưng không ai có thể nói chắc được là vị ấy sẽ hướng đến Niết-bàn hay bốn đoạ xứ sau đó. Nhưng một khi hành giả đã trở thành một bậc Nhập Lưu, mọi cánh cửa đi đến bốn cõi khổ sẽ được đóng lại cho vị ấy. Nếu vị ấy sanh lên thiên giới, vị ấy chỉ có bảy kiếp nữa để đi, vì cuối của bảy kiếp này, vị ấy nhất định sẽ hướng đến Đạo Quả A-la-hán và rồi đạt đến trạng thái huỷ diệt hoàn toàn vòng khổ luân sau khi nhập vô dư Niết-bàn. Do đó Đức Phật đã tán dương Công tử Kāla là người có kiếp sống vượt xa kiếp sống của một chuyển luân vương.

 

CŨNG THẮNG XA CHƯ THIÊN VÀ PHẠM THIÊN

 

Một bậc Nhập Lưu cũng cao quý hơn một thiên nhân hay Phạm thiên. Có sáu Cõi Trời dục giới, Tứ Đại Thiên Vương được xem là thấp nhất trong thứ tự sáu cõi đó. Tuy nhiên, ngay cả ở cõi này, chư thiên cũng hưởng được cuộc sống trường thọ. Một ngày trong cõi đó tương đương với 50 năm sống trên quả đất. Thọ mạng của một vị thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương là 500 năm cõi trời tương đương với 9 triệu năm cõi nhân loại. Con người sống 100 năm; như vậy đời sống của một vị thiên tử dài hơn đời sống của con người 90 ngàn lần. Chư thiên không chỉ có tuổi thọ hơn con người mà cả sắc đẹp cũng vậy. Họ hưởng được hạnh phúc nhiều hơn chúng ta. Chư thiên cõi Đao Lợi (Tāvatiṁsa — 忉利天 Đao Lợi Thiên) vượt xa chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương. Thọ mạng của họ dài hơn ba lần thọ mạng của những cư dân cõi thấp. Tính theo năm quả đất thì thọ mạng của họ là 36 triệu năm. Tuổi thọ ở cõi Yāma dài gấp bốn lần tuổi thọ cõi Đao Lợi, và thọ mạng ở cõi đó là144 triệu năm quả đất. Tuổi thọ cõi Đâu Suất (Tusitā) là 576 triệu năm, cõi Hoá Lạc Thiên (Nimmānarati) là 2304 triệu và cõi Tha Hoá Tự Tại (Paranimmitavasavatti) là 9.216 triệu năm. Bất luận tuổi thọ của họ dài thế nào, khi họ chết, họ cũng không thể thoát khỏi bốn cõi khổ nếu họ tình cờ tái sanh trong cõi nhân loại này để thân cận bạn ác và phạm vào những ác nghiệp. Bất chấp những chứng đắc siêu nhiên của họ, do không khuynh hướng về Niết-bàn, họ không thể tránh khỏi việc phải xoay chuyển trong luân hồi; và bị già, bệnh và chết chi phối. Nhưng các bậc Nhập Lưu (Sotāpanna) tránh xa khỏi bốn ác đạo (hay bốn khổ thú — địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la) và họ chỉ còn bảy kiếp tái sanh trước khi đạt đến Niết-bàn tối hậu.

Kiếp sống của các vị Phạm thiên (Brahmā) cao quý và tốt hơn kiếp sống của chư thiên. Họ bất động trước những cám dỗ của ngũ dục. Họ cũng hưởng thụ sự bình yên của thiền. Kiếp sống của họ kéo dài từ một phần ba kiếp cho đến 84 ngàn kiếp quả địa cầu. Nhưng khi vị Phạm thiên chết, họ quay trở lại thế giới của ngũ dục và ở đây nếu do một dịp không may nào đó họ tình cờ phạm vào điều ác, họ cũng sẽ phải đi xuống bốn cõi khổ. Khi họ trở lại cõi dục họ cũng phải chịu khổ luân như già và chết chi phối. Tuy nhiên đối với bậc Thánh Nhập Lưu  không có bốn cõi khổ chờ đợi họ, và họ nhất định hướng đến Niết-bàn sau bảy lần tái sanh.

 

CŨNG THẮNG XA PHẠM THIÊN VƯƠNG

 

Nếu Vua của Phạm Thiên chỉ là một chúng sanh bình thường không khuynh hướng về Pháp, vị ấy không thể thoát khỏi bốn khổ thú và cũng không thoát khỏi khổ luân (dukkha vaṭṭa). Một bậc Thánh Nhập Lưu không có sự sợ hãi đối với chúng vì các vị chỉ còn bảy kiếp tái sanh trước khi nhập Niết-bàn ở đây mọi khổ đau chấm dứt.

Những gì Tôi muốn nhấn mạnh trong câu chuyện của Công tử Kāla này là, trước tiên, cậu phải được dỗ dành để  đi nghe Pháp mặc dù cậu đã có được sự hoàn thiện (Ba-la-mật) đủ để chuẩn bị cho trạng thái nhập lưu, và thứ hai, tham ái là điều đáng nguyền rủa đối với Niết-bàn. Một người bị ám ảnh với tham sẽ không chịu nghe bất cứ lời dạy nào chỉ đường đến Niết-bàn. Ở đây tôi cũng muốn nhắc cho quý vị nhớ rằng khi một bậc thánh Nhập lưu đã ở trong tầm nhìn của Niết-bàn, họ chỉ còn bảy kiếp tái sanh và trong suốt bảy kiếp đó, như một điều tất nhiên, vị ấy sẽ phải chịu những khổ đau. Tuy nhiên cuối cùng vị ấy sẽ là một bậc A-la-hán, bậc diệt tận mọi phiền não.

 

CHÚNG SANH TRONG CÁC CÕI DỤC

KHÔNG THÍCH CUỘC SỐNG CỦA PHẠM THIÊN

 

Các chúng sanh trong cõi dục luôn khát khao những dục lạc xuất phát từ sự phân biệt giới tính. Phạm thiên (Brahma) không có giới tính và vì thế họ không có bất kỳ sự mong muốn nào đối với các dục lạc xuất phát từ quan hệ tình dục. Họ rất hạnh phúc trong trạng thái đó. Tuy nhiên con người dục vọng không thích những Phạm thiên không có tình cảm ấy. Họ xem việc không có những dục lạc là khổ (dukkha). Các vị Phạm thiên sống không ăn uống. Ở đâu không có nhu cầu về ăn uống ở đó ước muốn đối với thực phẩm không thể sanh; và điều này tự nó sẽ là hạnh phúc vì việc không cần phải đi kiếm ăn hàng ngày sẽ loại trừ được rất nhiều điều phiền phức. Nhưng những chúng sanh cõi dục lại yêu thích những khoái lạc về vị giác; vì thế đối với họ không có những khoái lạc này đồng nghĩa với khổ. Ở đâu xúc không có mặt, ở đó không có sự hưởng thụ những cảm giác xúc chạm thích thú. Nhưng tình trạng (vô xúc) này cũng có thể đem lại sự hạnh phúc, vì nó loại trừ tham muốn. Do bản chất tự nhiên này, những người nhập vào trạng thái thiền Sắc Giới sẽ cảm thấy an vui. Nhưng đối với những chúng sanh cõi dục vốn xem sự sống ở những cõi Sắc giới là khổ sẽ không cảm thấy vui như vậy vì họ luôn luôn bị ám ảnh với những khát khao dục lạc.

 

CÁC CHÚNG SANH TRONG CÕI SẮC GIỚI

KHÔNG THÍCH KHÔNG CÓ SẮC HAY THÂN

 

Trong cõi Vô Sắc Giới, các danh pháp như tâm và ý chí vượt trội hơn. Có bốn cõi vô sắc, đó là ākāsānañcāyatana, cõi không vô biên xứ; viññāṇañcāyatana, cõi thức vô biên xứ; akiñcaññāyatana, cõi vô sở hữu xứ; và nevasaññānāsaññāyatana, cõi phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Những ai tự mình hoàn thiện trong các thiền vô sắc (arūpa jhāna) có thể tái sanh vào bất kỳ một trong bốn Cõi Vô Sắc ở đây sắc hoàn toàn vắng mặt. Họ sống trong thế giới của ý niệm không có sự khổ đau về thân xác. Những người có sự khát khao đối với những thú vui nhục dục (kāma), và sắc (rūpa), không thích tái sanh vào các Cõi Vô Sắc Giới này. Nhưng những cư dân của các cõi vô sắc ấy thì lại rất hạnh phúc với tình trạng tâm lý của mình. Tuy nhiên họ ở trong đường cùng. Họ không thể biết được sự xuất hiện của Chư Phật hay về sự giác ngộ của Chư Phật. Do không có thân vật lý, họ thiếu các giác quan và vì thế họ không thể tiếp thu được những lời dạy của các ngài. Không vị Phật nào có thể dạy Pháp (Dhamma) cho họ. Họ sống rất lâu, chẳng hạn, hai mươi, bốn mươi, sáu mươi hoặc tám mươi bốn kiếp; và khi họ chết họ có thể tái sanh lại trong cõi Dục Giới. Ālara và Udaka, những người đầu tiên dạy thiền cho Đức Bồ Tát trước khi ngài hành khổ hạnh, đã mất cơ hội vô giá để thấy ánh sáng của Pháp khi ngài đạt đến sự giác ngộ, bởi vì họ đã tái sanh vào cõi Vô Sắc Giới, vốn được kể trong bát nạn (tám loại hiện hữu xa rời Đạo giải thoát)[9]. Nếu một người tái sanh vào bất kỳ một trong bốn cõi Vô Sắc Giới này như một phàm nhân, họ chắc chắn sẽ lỡ mất Đạo. Nhưng nến họ tái sanh vào đó như một bậc Thánh Nhập lưu, hay Nhất Lai, hay Bất Lai, nhờ hành thiền minh sát, họ có thể đạt đến trạng thái A-la-hán và rồi sau đó nhập Vô Dư Niết-bàn.

 

THAM ÁI KHÔNG HAM THÍCH NIẾT-BÀN

 

Niết-bàn giới vô-dư-y (anupādisesa Niết-bàn), sự diệt hoàn toàn của các uẩn (khandhās), không được ưa thích bởi bất kỳ hình thức tham ái nào — dục ái, Sắc ái và Vô Sắc ái. Phần lớn những người không tin về sự vô ích của các uẩn và hành nghiệp đều không thích Niết-bàn vô-dư-y (anupādisesa), tức Niết-bàn bỏ lại đằng sau mọi sanh y. Hôm trước tôi có nói về Lāḷudāyi, một vị Tỳ-kheo thời Đức Phật càu nhàu về việc: “Trong Niết-bàn không còn các cảm thọ thì có gì là lạc?” Đối với vị ấy khi không còn các cảm thọ thì Niết-bàn có vẻ chỉ là một khối khổ. Những người vô tín ngưỡng, những người đã phát triển một sự chấp thủ vào các uẩn và các hành nghiệp, giễu cợt ý niệm về Niết-bàn xem đó như sự chấm dứt của mọi cái chết, vì nó chắc chắn không còn quay trở lại sự sống sau khi chết.

Tôi đã từng nói rằng tham ái không thế tìm được chỗ cư trú của nó trong Niết-bàn. Vì trong Kinh có nói: Naṭṭhi vānam etasmiṅ adhigati nibbānam, khi Niết-bàn được đạt đến, tham ái sẽ không còn hiện hữu.

 

THÁNH ĐẾ VỀ SỰ DIỆT KHỔ

 

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Diệt Đế được trình bày như sau:

Katamañca bhikkhave dukkhanirodho ariyasaccam? Yo tassāyeva taṇhāya asesavirāganirodho cago paṭinissaggo mutti anālayo. Ayam vuccati bhikkhave dukkhanirodho ariyasaccam.

Và, này các Tỳ-kheo thế nào là thánh đế về sự diệt khổ?Đó là sự tàn tạ và chấm dứt hoàn toàn của chính khát ái ấy, sự từ bỏ, sự đoạn trừ, sự giải thoát, và xả ly khỏi khát ái ấy.

Này các Tỳ-kheo, Ta nói đây là Thánh Đế về Sự Diệt Khổ.  

 

Ở đây tham ái bị tiêu diệt hoàn toàn nhờ bước đi trên Thánh Đạo A-la-hán. Khi tham ái vắng mặt, nghiệp không thể sanh, và do nghiệp không sanh nên không có hữu mới hay không có sự trở thành mới, không có danh (nāma), không có sắc (rūpa), và không có các uẩn (khandhas). 

Vào ngày thứ năm mươi sau khi giác ngộ, Đức Phật đã trầm tư trên bản chất của Niết-bàn và thấy nó vi tế đến nỗi khó có thể hiểu được một cách dễ dàng.

Idampi kho ṭhānam duddasam, yadidam sabbasaṅkhārasamatho sabbūpadpaṭinissaggo taṇhākkhayo vīrāgo nirodho nibbānam.

Quả thật Niết-bàn hiện hữu nơi tất cả hành diệt, nơi tất cả sanh y được từ bỏ, nơi tất cả ước muốn không còn nữa, nơi tất cả dục tham tàn lụi và nơi khối khổ chấm dứt.

 

BỐN SANH Y (UPADHIS)

 

Upadhis là nền móng của sự sống hay căn cứ tạo ra thân (vật lý), là chỗ trú của lạc và khổ hay hạnh phúc và khổ đau. Có bốn sanh y, đó là, dục sanh y (kāmupadhi), uẩn sanh y (khandhupadhi), phiền não sanh y (kilesupadhi) và thắng hành sanh y (abhisaṅkhārūpadhi).

Dục sanh y (kāmupadhi) là năm thứ dục lạc hay ngũ dục. Chúng là những nhân sanh ra khổ, nhưng kẻ phàm phu cho rằng chúng cũng đem lại hạnh phúc hay sự thích thú.

Uẩn sanh y muốn nói tới năm uẩn, vốn đem lại khổ đau cho chúng ta. Tuy nhiên kẻ phàm phu nói rằng chúng cũng là những nguồn hạnh phúc. Đối với họ thấy những cảnh sắc đẹp, nghe những âm thanh dễ chịu, ngửi những mùi thơm, nếm những món ăn ngon, có được sự xúc chạm mềm mại và nghĩ về những điều khả ý tất cả đều là những thú vui. Nhưng đối với các bậc A-la-hán thì những gốc của lạc này là khổ.

Chẳng phải chúng ta kiếm sống cốt là để thoả mãn những đòi hỏi của khoái lạc đó sao? Trong cái công việc lập đi lập lại hàng ngày của chúng ta, đôi khi chúng ta phải liều mạng để giữ lấy gì chúng ta kiếm được. Khi chúng ta dốc hết sức mình để hiện thực hoá những ước muốn của chúng ta, quyền lợi sẽ va chạm khi những cuộc tranh cãi nổ ra thậm chí giữa những bạn bè hoặc anh chị em của chúng ta. Khi ý thức sở hữu tài sản quan trọng hơn hết trong tâm trí chúng ta, những rạn nứt phát triển ngay cả giữa cha mẹ và con cái. Các vụ kiện dân sự về quyền thừa kế tại toà án xảy ra theo cách này. Căn nguyên của những bi kịch trong cuộc sống như vậy có thể bắt nguồn từ sự dính mắc vào ngũ dục.

Tất cả khổ đau đều phát sinh từ Danh-Sắc (nāma-rūpa). Ở đâu các uẩn này không sanh, ở đó khổ diệt. Vì thế các uẩn (khandhas) được nhìn nhận là Uẩn sanh y (khandhupadhi).

Tham, sân, si là những phiền não căn bản. Chúng luôn luôn tạo ra khổ đau trong luân hồi. Chúng hoạt động trong mọi cảnh giới, dù là cảnh giới chư thiên, hay nhân loại, hay cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng thế. Vì chúng tạo thành căn bản cho khổ sanh nên chúng được gọi là Phiền não sanh y (kilesupadhi).

Sự tích luỹ các thiện nghiệp và bất thiện nghiệp được gọi là Thắng hành (abhisaṅkhāra). Nhờ bố thí, giữ giới và tu tập tâm, một người có thể được sanh lên cõi trời, như một vị thiên tử hay Phạm Thiên, lúc đó họ có thể nghĩ kiếp sống của mình là mẫu mực của hạnh phúc. Con người trong thế gian này, khi thọ hưởng quả của những thiện nghiêp, họ cũng nghĩ rằng họ đang thọ hưởng hạnh phúc. Nhưng các vị A-la-hán thấy họ phải chịu khổ, vì số phận của họ do các thắng hành hay sự tích luỹ nghiệp của họ quyết định, nếu những thiện nghiệp của họ ra đi, họ có thể phải đi xuống các cõi khổ. Vị vậy, các hành nghiệp (kamma-formation) được cho là Thắng hành sanh y (abhisaṅkhārupadhi[10]). Trong Niết-bàn cả bốn sanh y (upadhis) này bị tận diệt hoàn toàn.

 

NIRODHA ĐƯỢC GIẢI THÍCH TRONG KINH KEVAṬṬA

 

Trong Pháp Duyên Sanh (Paṭiccasamuppāda) Đức Phật dạy rằng sự diệt của vô minh dẫn đến sự diệt của các hành nghiệp, sự diệt của hành nghiệp dẫn đến sự diệt của thức trong tiến trình dẫn đến tái sanh và hiện hữu mới. Vì vậy, trong các bản chú giải sự diệt (nirodha), hay sự giải thoát được giải thích là đồng nghĩa với Niết-bàn. Nhưng ở đây chỉ cần nói rằng nó là sự diệt hay sự giải thoát khỏi tham ái là đủ. Chúng ta sẽ tham khảo bài Kinh Kevaṭṭa trong Sīlakkhandha Vagga để có những giải thích chi tiết thêm.

Viññāṇam anidassanam, anantam sabbatopabham; ettha āpoca pathavī tejo vāyo na gādhati

Ettha dīghañca  rassañca, aṇum thūlam subhāsubham, etta nāmañca rūpañca, asesam aparujjhati. Viññānassa nirodhena, etthetam uparujjhoti.

 

Ở đây thức là không thể thấy (nó chỉ có thể được biết bởi Thánh Đạo). Ở đây thức là vô biên. Nó chói sáng với sự thanh tịnh. Nó không có các đại chủng như đất, nước, lửa và gió. Nó không dài cũng không ngắn; không lớn cũng không nhỏ; không tịnh cũng không bất tịnh đối với mắt. Trong Niết-bàn tất cả sắc nghiêng về tâm hoàn toàn diệt. Chỗ nào thức diệt, cả danh và sắc (nāmārūpa) đều diệt.

Thực vậy, Niết-bàn không thể thấy được với mắt thường; nó chỉ có thể được thấy với tuệ nhãn (con mắt trí tuệ của Đạo trí). Do đó Niết-bàn không thể đem so sánh (với một cái gì). Nó không có bắt đầu cũng không có chấm dứt, nó không sanh cũng không diệt. Bạn không thể nói rằng chính ở đây Niết-bàn sanh và ở kia Niết-bàn diệt. Không ai có thể khám phá ra sự khởi đầu và chấm dứt của một hiện tượng khi các hành nghiệp diệt hoàn toàn.

Niết-bàn là sự thanh tịnh bản nguyên. Sự ô nhiễm của tâm có thể là do tham ái, giống như tham, sân, si làm ô nhiễm tâm, tâm sở và danh pháp vậy. Trên thực tế, chúng thậm chí còn có thể làm ô nhiễm cả những thiện nghiệp của chúng ta nữa. Nhưng trong Niết-bàn những phiền não như thế không thể sanh. Vì lý do đó chúng ta có thể nói sự thanh tịnh của nó là trong sáng và rõ ràng. Ngôn ngữ bóng bẩy này dẫn đến sự mô tả Niết-bàn như là ánh sáng. Nhưng ánh sáng là kết quả của sự xúc chạm giữa căn và cảnh và biểu thị tính vật chất. Trong Niết-bàn vật chất (sắc) hầu như vắng mặt; vì thế nếu xem nó như ánh sáng trong nghĩa đen là đi ngược lại lời dạy của Đức Phật.

Từ sabbatopabham xuất hiện trong đoạn trích trên từ Kinh Kevaṭṭa có một hàm ý khác, nó nhấn mạnh rằng Niết-bàn là đích đến có thể đạt tới được bằng cách hành thiền (kammaṭṭhāna, Thanh Tịnh Đạo và Vi-diệu Pháp đề cập đến 40 đề mục hành thiền, nhưng trong kinh điển chỉ 38 được trình bày trừ āloka kasina (kasina biến xứ ánh sáng và ākāsa kasina (biến xứ hư không). Theo nghĩa đen, kasina có nghĩa là toàn bộ và toàn diện. Nó là một hình ảnh được người hành thiền khái niệm hoá như ánh sáng mở rộng khắp mọi nơi một cách toàn vẹn không giới hạn. Hay, nói cách khác, nó là một dụng cụ quán trên đó một khái niệm được tưởng tượng ra. Vì thế āloka kasina thường được dịch là “dụng cụ ánh sáng”, và ākāsa kasina là “dụng cụ hư không”. Thực hành bất kỳ một trong những đề mục nghiệp xứ (kammaṭṭhāna[11]) này đều có thể đưa người hành thiền đến sự chứng đắc Niết-bàn. Nếu một người muốn đi ra biển, họ có thể đi đến đó từ bất kỳ nơi nào trên bờ biển. Nếu bạn muốn tắm trong hồ, thì từ bất kỳ điểm nào của bờ hồ bạn cũng có thể đi xuống hồ nước ấy. Tương tự, nếu bạn muốn đạt đến Niết-bàn bạn có thể chọn bất kỳ con đường nào trong số 38 con đường mà phương pháp nghiệp xứ (kamaṭṭhānas) mô tả. Nhưng, tất nhiên, bạn không thể đi đến nơi mong muốn của bạn chỉ bằng phương pháp tu tập thiền chỉ (samatha). Bạn phải thực hành thiền minh sát sau khi có định. Một mình thiền minh sát (vipassanā) có thể dẫn bạn đến an chỉ thiền mà từ đó bạn có thể nguyện đạt đến Niết-bàn tối hậu bằng việc chứng đắc Đạo-Quả tâm.

Có lần một vị tỳ-kheo trẻ đi vào rừng cùng với bạn đồng hành của mình, một sa-di, để tìm vật liệu làm cây chà răng. Trên đường đi vị sa-di thấy một tử thi. Ngay lập tức vị ấy hành thiền trên tử thi và đắc sơ thiền. Sau khi xuất thiền vị ấy quay lại quán sự sanh và diệt của các uẩn cho đến khi đắc được Đạo Quả thứ hai và thứ ba theo tuần tự. Khi vị ấy đang cố gắng đạt đến giai đoạn thứ tư của thiền dẫn đến A-la-hán Thánh Đạo, vị ấy nghe tiếng gọi từ xa của vị sư huynh. Vị ấy liền xả thiền và chỉ cái xác cho sư huynh, vị sư huynh cũng ngay lập tức hành thiền và đạt đến đạo quả Bất Lai (anāgāmi). Có vẻ như rằng cả hai vị sư — tỳ-kheo và sa-di này đã rất quen với phương pháp thiền minh sát và vì thế họ đều trở thành bậc thánh Bất Lai. Điều này cho thấy rằng bất kỳ đề mục nào trong số 38 đề mục tu tập tâm đều có thể dẫn đến Thánh Đạo và Niết-bàn.

 

VỀ THẦN THÔNG

 

Đến đây tôi sẽ nói cho quý vị biết tại sao Đức Phật lại thuyết Kinh Kevaṭṭa.

Một lần nọ thanh niên Kevaṭṭa, đi đến Đức Phật và thỉnh cầu ngài cho phép các vị tỳ-kheo thực hiện thượng nhân pháp (uttarimanussadhammā) và thần thông (pāṭihāriya[12]).

“Kinh thành Nālandā này thịnh vượng,” Kevaṭṭa nói, “và dân chúng có lòng tín kính đối với Đức Thế Tôn. Nhưng lòng tín kính của họ sẽ trở nên sâu sắc hơn nếu Thế Tôn chỉ định một vị tỳ-kheo nào đó thị hiện pháp thượng nhân thần thông mỗi nửa tháng hoặc hàng tháng.”

Mặc dù Kevaṭṭa thỉnh cầu ba lần với niềm tin sâu sắc rằng chính nhờ thị hiện phép thần thông mà các thiện tín này sẽ tăng thêm niềm tin nơi Đức Phật, nhưng Đức Thế Tôn từ chối; trong khi Đức Phật thấy trước những phản ứng xuất phát từ việc thực hiện thần thông của các vị tỳ-kheo.

 

THẦN THÔNG

 

Những phép lạ do iddhividha abhiññā (biến hoá thông) tạo ra có thể làm hiện lên nhiều hình thù và hình dạng khác nhau. Trong Kinh Điển điều này được diễn đạt như sau “từ một (thân), vị ấy biến thành nhiều (thân).” Người sở hữu thắng trí này có thể biến hình ảnh của chính mình ra một trăm hay một ngàn lần. Vị ấy có thể bay ngang qua hư không, đi trên nước, độn thổ, đưa những vật ở xa lại gần và những vật ở gần ra xa.

Khi Đức Phật chế ngự Aṅgulimāla ngài đã biến một mảnh đất nhỏ thành một vùng rộng lớn, và một tảng đá nhỏ thành một quả đồi. Điều này làm cho kẻ sát nhân (Aṅgulimāla) kiệt sức khi đuổi theo Đức Phật để giết, vì ông ta phải chạy một quãng đường rất xa trong khi Đức Thế Tôn chỉ đi từ từ. “Này Sa-môn!” cuối cùng ông ta hét lên, “Hãy dừng lại khi Ta dừng lại!” Và ông ta đã dừng chạy. “Này Aṅgulimāla!” Đức Phật đáp, “Ta đã dừng lại trong khi ngươi vẫn còn đang chạy đó thôi.”

Aṅgulimāla rất bối rối khi nghe Đức Phật nói rằng chính ông mới là người đang chạy trong khi vị đại sa-môn đã dừng, mà trong thực tế thì ngược lại. Vì thế ông muốn tìm lời giải thích từ Đức Phật. Đức Phật nói “Này Aṅgulimāla! Ta đã dừng cuộc hành trình qua luân hồi vì Ta đã loại bỏ hoàn toàn mọi phiền não. Còn ngươi vẫn ôm ấp những phiền não khi đi loanh quanh trong vũng xoáy của luân hồi (samsāra).” Ngay lập tức Aṅgulimāla thấy được ánh sáng của trí tuệ và thỉnh cầu Đức Phật cho phép gia nhập Tăng Đoàn. “Hãy đến đây, tỳ-kheo!” Đức Phật nói và kẻ sát nhân trước đây trở thành một vị tỳ-kheo. Trong trường hợp này gần đã được làm thành có vẻ xa nhờ thực hiện biến hoá thần thông.

Tôn-giả Moggalāna (Mục-kiền-liên) sau khi chuyển hoá Kosiya, một kẻ keo kiệt, đã đưa ông cùng với vợ từ làng Sakkara đến Chùa Kỳ-Viên ở Rājagaha (Vương Xá) bằng năng lực thần thông. Ngài đã thực hiện thần thông đưa cổng chùa Kỳ-Viên đến tận bậc cửa dinh thự của phú ông Kosiya. Trong trường hợp này xa được làm cho thành gần.

 

NĂNG LỰC THẦN THÔNG

 

Chắc chắn những phép thần thông như vậy sẽ góp phần vào việc làm tăng thêm lòng mộ đạo của tín đồ; nhưng chúng cũng có thể bị hoài nghi bởi những người không có đức tin, họ có thể nói: “Ở xứ Gandhāra có những pháp sư có thể biến hoá ra những hình dạng và hình ảnh kỳ diệu. Thầy (chỉ Đức Phật) của ông chắc hẳn chỉ tinh thông trong cái loại phép thuật Gandhāran đó mà thôi.” Trong thực đế, Đức Phật thực sự đã hỏi Kevaṭṭa theo cách đó và người này đã thừa nhận rằng điều đó có thể xảy ra. Tất nhiên đây sẽ không phải là lợi ích của Giáo Pháp.

Cũng có một số mặt hạn chế khác liên quan tới việc phô diễn các năng lực thần thông. Nếu các vị sư chấp nhận những món quà cúng dường để đáp lại việc phô diễn thần thông dù với những động cơ chân thành, điều đó cũng sẽ đi ngược lại việc giữ giới thanh tịnh sinh mạng (ājīva sīla). Nếu thần thông được phép thì hàng tín đồ sẽ nghiêng về những vị sư có thể thực hiện thần thông hơn những vị sư bình thường thực hành giới, và trong trường hợp đó giới mà những vị thực hiện thần thông giữ sẽ bị cho là đã phạm. Điều này được xem là bất thiện. Một vị sư có thể đã đạt đến Đạo Quả A-la-hán, nhưng vị ấy có thể không có thần thông. Do sự kiện này đức tin của người cư sĩ và tín đồ có thể bị suy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phồn vinh của Giáo Pháp (sāsanā). Nếu sự tình là vậy vị sư phô diễn thần thông đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm, vị ấy được xem là đã phạm vào bất thiện nghiệp và điều này sẽ không đem lại lợi ích gì cho vị ấy. Khi Trưởng lão Pindola thực hiện thần thông theo đề nghị của Tôn giả Mục-kiền-liên (Mahā Moggallāna) để lấy chiếc bát bằng gỗ trầm, Đức Phật đã cấm phô diễn năng lực thần thông trong Tăng chúng.

 

THA TÂM THÔNG

 

Cetopariya abhiññā là thắng trí (biết) tâm người khác hay còn gọi là tha tâm thông. Biết tâm người khác tự nó là một năng lực thần thông.

Có một câu chuyện kể về việc Đức Phật chuyển hoá các du sĩ ngoại đạo dưới quyền lãnh đạo của Ưu-lâu-tần-loa Ca Diếp (Uruvela Kassapa). Một lần nọ giáo chủ của giáo phái ngoại đạo này mời Đức Phật đến dự một buổi tiệc. Tuy nhiên Đức Phật không đến dự đúng ngày đã định mà chỉ đến vào ngày hôm sau. Được hỏi lý do tại sao, Đức Phật nói, “Có đúng chăng khi nói rằng vào cái ngày tổ chức bữa tiệc ấy một ý nghĩ đã khởi lên trong đầu ông rằng thật tốt lành thay nếu Ta (Như Lai) không đến theo như lời mời, vì nếu Ta đến và phô diễn các pháp thần thông, đức tin của công chúng đối với Ta sẽ tăng lên bội phần hơn đối với ông?” Lúc đó một ý nghĩ khởi lên nơi Kassapa rằng Đức Phật quả thực là người có quyền lực nhất vì ngài có thể đọc được tâm của người khác. Ngay lập tức lòng sùng kính đối với Đức Phật khởi phát trong ông. Chính theo cách này Kassapa đã được Đức Phật chuyển hoá bằng năng lực thần thông gọi là tha tâm thông của mình.

Có lần Đức Phật đang đi khất thực trong làng Uttarakā cùng với Sunakkhatta, một vị sư thuộc bộ tộc Licchāvi. Trên đường đi Sunakkhatta nhìn thấy Korakkhattiya, một du sĩ ngoại đạo đang hành “hạnh-con chó” qua đó ông ta giả cách cư xử như một con chó. Trong tiền kiếp, Sunakkhatta từng đam mê cách hành này cho nên khi nhìn thấy vị ấy đã phát triển một sự ham thích đối với vị đạo sĩ hạnh con chó đó. Đức Phật khiển trách ông ta, ngài nói rằng, “Thật đáng kinh ngạc thay ông lại tự nhận mình là một sa-môn Thích tử!” Sunakkhatta phản ứng trước điều này và hỏi Đức Thế Tôn lý do vì sao lại đưa ra lời nhận xét miệt thị như thế. Một lần nữa Đức Phật khiển trách ông: “Này Sunakkhattha!, ông đang tỏ lòng tôn kính vị cẩu hành giả đó sao. Sự kính trọng của ông đối vị đạo sĩ ăn giống như chó ấy thật không đúng chỗ.” Đây cũng là một ví dụ về việc ứng dụng tha tâm thông khi Đức Phật có cơ hội khiển trách các đệ tử của mình.

Ngoài việc tạo ra sự kinh ngạc, có lẽ cách khiển trách như vậy còn có thể lôi cuốn đức tin của những tín đồ chân chánh; tuy nhiên nó cũng có những bất lợi của nó. “Những người đồng tình có đức tin,” Đức Phật nói, “có thể tán dương loại thần thông này; nhưng những người không có đức tin sẽ nói rằng bậc Đạo Sư chỉ đang áp dụng chú thuật mà những người thông thạo thần chú maṅilā thực hành mà thôi.” Không muốn cung cấp thêm bất kỳ lý do gì cho sự phỉ báng như vậy nên Đức Phật đã cấm Thần Thông (parihāriya) này.

 

GIÁO HOÁ THẦN THÔNG

  

Trong việc truyền bá giáo pháp, Đức Phật dựa vào giáo hoá thần thông (anusāsani parihāriya) hơn là các sức mạnh siêu nhiên khác. Những lời chỉ giáo của ngài cho các đệ tử luôn luôn liên hệ đến chánh tư duy. Sự khuyên bảo của ngài chủ yếu liên quan đến việc ghi nhận và quan sát các hiện tượng. Những lời dạy của ngài chỉ khích lệ người ta làm điều thiện và lánh xa điều ác. Có thể nói phương pháp giáo dục của ngài là hoàn hảo. Bất cứ người nào thực hành theo những gì ngài dậy đều có thể trở nên thành thạo trong việc thiết lập giới, niệm và tuệ cho đến khi chứng đắc Đạo Quả. Trong nghệ thuật thuyết phục, thần thông (iddhi) có thể có hiệu lực mạnh mẽ nhất, nhưng nó không thể làm cho những phiền não huỷ diệt mà đây lại là điều quan trọng nhất trong giáo pháp của ngài. Đức Phật đã thuật lại trường hợp sau của một vị tỳ-kheo đang đi tìm con đường dẫn đến sự diệt của bốn đại.

 

SỰ DIỆT XẢY RA Ở ĐÂU?

 

Một vị tỳ-kheo nọ muốn biết bốn đại — đất, nước, lửa, gió, diệt hoàn toàn không còn dư tàn ở đâu. Do có năng lực thần thông (iddhividha abhiññā) nên vị ấy đã đi lên sáu cõi trời Dục giới để tìm câu trả lời. Tất cả các vị chư thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Catumahārāja), Tam Thập Tam Thiên (Tāvatimsā), Dạ-ma (Yāmā), Đâu-Suất (Tusitā), Hoá Lạc Thiên (Nimmānārati) và Tha Hoá Tự Tại (Paranimmittavassavatī) nói với vị ấy rằng họ không biết gì về nó và chỉ dẫn vị ấy đi đến Đại Phạm Thiên để có được lời giải đáp cho điều bí ẩn về bốn đại này.

Vì thế vị ấy đi đến Đại Phạm Thiên (Mahā Brahma) và hỏi ông về nơi sự diệt của bốn đại xảy ra.

“Ô, này tỳ-kheo!” Vị Đại Phạm thiên nói “Ta là bậc vĩ đại nhất, Ta vượt trên tất cả. Không có ai trên Ta. Ta thấy tất cả (bậc biến nhãn). Mọi thứ có mặt là do ước muốn của Ta. Ta là Chúa Tể của Vũ Trụ. Ta tạo ra Quả Đất và những cư dân của nó. Ta là đấng sáng tạo. Ta là cha của tất cả những chúng sanh đang sanh, đang hiện hữu và tất cả những chúng sanh sẽ sanh trong tương lai.”

Kinh Phạm Võng (Brahmạāla Sutta) luận bàn về thuyết sáng tạo. Theo bài kinh, vào lúc bắt đầu hình thành thế gian, một vị Phạm Thiên xuất hiện trong Cõi Phạm Thiên. Lúc đó vị ấy chỉ có một mình. Vì vị ấy có tuổi thọ lâu dài, nhưng cảm thấy bị bức bách bởi sự cô đơn và vì thế vị ấy tự nghĩ nếu có những bạn đồng hành ở đây sẽ là điều tuyệt vời biết mấy. Lúc bấy giờ một số người trên quả đất này đắc thiền và được tái sanh trong cõi nơi vị Đại Phạm Thiên đang sống. Những vị mới tới này không có thần lực như vị Đại Phạm Thiên. Vì thế vị ấy nghĩ rằng họ có mặt ở đây là do vị ấy muốn họ đến. Khi hết tuổi thọ họ chết, nhưng vị Đại Phạm Thiên vẫn còn sống. Do đó, các vị Phạm Thiên thấp kém này công nhận ông ta như sáng tạo chủ của họ.

Tuy nhiên vị tỳ-kheo không phải đến để hỏi xem vị Đại Phạm Thiên này có thực sự là vị Đại Phạm Thiên tạo ra Vũ Trụ hay không. Vị ấy chỉ muốn biết nơi tận cùng của đất, nước, lửa, gió. Vì thế vị ấy lập lại điều bí ẩn đó; và vị Đại Phạm Thiên vẫn tiếp tục nói rằng ông ta là đấng sáng tạo. Khi người hỏi cứ khăng khăng hỏi, ông ta cuối cùng cũng buộc phải nói cho vị ấy biết sự thật trong sự vắng mặt của các vị phạm thiên khác, vì ông không muốn để cho họ biết về sự ngu dốt của mình, từ đó đánh mất uy tín như đấng toàn tri (all-knowing) và toàn năng (all-powerful).

“Ô này thầy tỳ-kheo!” ông thổ lộ, “Ta không bết tí gì về sự diệt của các đại cả. Thầy đã sai lầm khi đến tìm Ta trong khi Đức Phật mới là người có thể trả lời câu hỏi của thầy. Hãy đến hỏi vị ấy đi!”

Chỉ lúc đó vị tỳ-kheo mới đi đến Đức Phật và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Nơi đâu bốn đại diệt không còn dư tàn?”

Đức Phật ví vị Tỳ-kheo như con chim từ một con tàu bay ra ngoài biển để tìm đất liền. Do không thể đạt đến đất liền, nó quay trở lại con tàu. “Đáng lẽ ông không nên đặt câu hỏi theo cách ông đã đặt,” Đức Phật nói, “câu hỏi của ông gợi ý như thể có một nơi xác định ở bên ngoài thân ở đây sự diệt của các đại xảy ra vậy. Trong thực tế, không có một nơi như vậy. Lẽ ra ông nên hỏi ở đâu đất, nước, lửa, gió mất chân đứng; tức là ở đâu chúng mất đi sự hiện hữu. Cũng vậy, lẽ ra ông nên hỏi ở đâu dài, ngắn, lớn, nhỏ tốt và xấu mất chân đứng. Và, lẽ ra ông cũng nên hỏi ở đâu danh và sắc hoàn toàn diệt không còn dư tàn. Nếu ông hỏi như vậy, ông sẽ có câu trả lời.”

Sau đó Đức Phật nói lên bài kệ (gāthā) bắt đầu với “viññāṇaṃ anidassanaṃ, anantaṃ sabbatopabhaṃ,” đã được giải thích một cách bao quát trước đây. Trong Niết-bàn tứ đại cùng với danh sắc không có chân dứng. Tức là, chúng không hiện hữu.

Bài kệ đầy đủ được giải thích ở trên:

“Viññāṇam anidassanam, anantam sabbatopabham; ettha āpoca pathavī tejo vāyo na gādhati

Ettha dīghañca  rassañca, aṇum thūlam subhāsubham, etta nāmañca rūpañca, asesam aparujjhati. Viññānassa nirodhena, etthetam uparujjhoti.

 

Ở đây thức là không thể thấy (nó chỉ có thể được biết bởi Thánh Đạo). Ở đây thức là vô biên. Nó chói sáng với sự thanh tịnh. Nó không có các đại chủng như đất, nước, lửa và gió. Nó không dài cũng không ngắn; không lớn cũng không nhỏ; không tịnh cũng không bất tịnh đối với mắt. Trong Niết-bàn tất cả sắc nghiêng về tâm hoàn toàn diệt. Chỗ nào thức diệt, cả danh và sắc (nāmārūpa) đều diệt.”

Từ trước đến đây tôi đã giải thích các đức của Niết-bàn bắt đầu với trạng thái giải thoát khỏi thế giới của tham ái (taṅhā) đến trạng thái diệt của các hành (saṅkhāra) mà tôi tin tất cả những gì phải được nói đã được nói.

Khi các bạn lắng nghe một cách chăm chú với sự kính trọng với bài pháp về Niết-bàn này, mong các bạn nhận sẽ được phần thưởng là sự giác ngộ Đạo Quả có thể dẫn dắt các bạn đến Niết-bàn nơi tất cả Hành chấm dứt khi mọi tham ái diệt.

 

PHẦN VI

 

Lễ hội Rằm tháng Thadingyut[13] đã thu hút đông đảo mọi người tụ tập; và vì thế thuyết một thời pháp thích hợp với dịp này sẽ là mục đích của tôi. Đa số người Phật tử Miến Điện chúng ta đều biết về cuộc đời và sự nhập diệt (parinibbāna) của Trưởng-lão ni Mahā Pajāpati Gotamī, hôm nay tôi sẽ nói về bà, vì tiểu sử của bà có thể tiết lộ những điểm đáng chú ý về bản chất của Niết-bàn.

Qua một loạt bài giảng vừa rồi quý vị có thể hiểu rõ niết-bàn là gì rồi. Có thể nói, Niết-bàn biểu thị sự diệt của các phiền não, nghiệp, quả của nghiệp, và các uẩn danh-sắc. Tuy nhiên, một số người có thể ra đi với quan niệm cho rằng, bởi vì sự diệt luôn được nhấn mạnh, nên nó có nghĩa là hư vô. Thực ra Niết-bàn là một thực tại tuyệt đối; và nếu thực tại đó bị phủ nhận thì sẽ không có gì ngoài những phiền não, nghiệp, quả của nghiệp và các uẩn, và con người sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy luân hồi hay vòng sanh tử luân hồi này. Vòng luân hồi thực sự có thể dừng lại hay bị huỷ diệt với việc thực hành Trung Đạo (Majjhimāpaṭipadā) một cách chuyên cần. Các bậc thánh A-la-hán thoát khỏi luân hồi sau khi parinibbāna (nhập vô dư Niết-bàn). Điều đó cho thấy rằng lạc của Niết-bàn thực sự có thể được thiết lập trong kiếp sống này. Người ta thường cho rằng ung thư là chứng bệnh không thể chữa được, vì không có thuốc trị, trong khi những bệnh khác có thuốc chữa. Điều này chỉ ra rằng nhiều phương thuốc có thể hữu hiệu cho một số bệnh mặc dù thực thế là ung thư vẫn không thể chữa được. Do vì những phương thuốc chữa trị như vậy là có thực, nên phương thuốc để chữa trị dứt điểm những đau khổ do phiền não là có thực. Một khi nó đã được chữa khỏi, sự an lạc của Niết-bàn được thiết lập

 

SỰ BÌNH YÊN CỦA NIẾT BÀN LÀ CÓ THỰC

 

Tính xác thực về sự bình yên của Niết-bàn đã được Đức Phật nói rõ trong đoạn Kinh sau:

Atthi bhikkhave ajātaṃ abhūtaṃ akataṃ asaṅkhataṃ: no cetaṃ bhikkhave abhavissa ajātaṃ abhūtaṃ akataṃ asaṅkhataṃ; nayiddha jātassa bhūtassa katassa saṅkhatassa nissaraṇaṃ paññāyetha. Yasma ca kho bhikkhave atthi ajataṃ abhūtaṃ akataṃ asaṅkhataṃ; tasma jatāssa bhūtassa katassa saṅkhatassa nissaraṇaṃ paññāyati.

 Này các Tỳ-kheo có cái Không Sanh, Không Bị Làm Ra, Không Được Tạo Ra và Không Hữu Vi. Nếu không có cái Không Sanh, Không Bị Làm Ra, Không Được Tạo Ra và Không Hữu Vi, thời trong thế giới này sẽ chỉ có danh và sắc được sanh ra, được làm ra, được tạo ra, và hữu vi, trong trường hợp này một người sẽ không thể biết cách làm thế nào để thoát khỏi vòng luân hồi này[14].

 

Ở đây tôi sẽ nói cho các bạn biết về sự chấm dứt của vòng khổ đau mà Trưởng lão Ni Mahā Pajāpati Gotamī đã thành tựu khi đạt đến Niết-bàn Vô Dư Y.

 

MAHĀ PAJĀPATI GOTAMĪ

 

Mẹ của Đức Phật là bà Mahā Māyā Devī (Hoàng Hậu Ma-gia). Em gái bà là Mahā Pajāpati Gotamī, cả hai cùng là con gái của Vua Añjana của xứ Devadaha, gần Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Vua Suddhodana đã cưới  cả hai chị em bà. Các nhà chiêm tinh trong triều đình đã tiên đoán rằng những hoàng nhi mà hai hoàng hậu này sanh ra sẽ trở thành Chuyển-luân vương.

Theo các bậc cổ đức thì tuổi thọ trung bình của con người là một trăm năm. Vì mục đích trình tự thời gian tuổi thọ này được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn còn được chia thành ba phân đoạn thời gian. Đó là lý do vì sao các vị Phật mẫu thường sanh con ở chặng cuối của giai đoạn thứ hai; và dựa trên sự kiện này tôi đã tính ra rằng Hoàng Hậu Ma-gia hạ sanh Thái tử Siddhattha khi bà đã qua tuổi 56. Theo những tiêu chuẩn ngay nay thì điều đó có thể là bất khả, nhưng vào cái thời tuổi thọ lâu dài ấy thì việc xác định tuổi như tôi tính là điều hợp lý.

Bảy ngày sau khi hạ sinh Thái tử, người đã được tiền định sẽ thành Phật, bà chết và được tái sanh lên cõi trời Tusītā (Đâu Suất) như một vị thiên nam. Mahā Pajāpati Gotamī, lúc đó có lẽ khoảng 54 tuổi, kế vị chị cả làm chánh cung hoàng hậu, và không lâu sau bà cũng hạ sanh Thái tử Nanda. Bà nuôi dưỡng cả hai vị hoang tử, nhưng bà cho con nuôi bú sữa của mình còn giao con riêng của mình cho vú nuôi chăm sóc.

Lớn lên đến tuổi 16 Thái tử Siddhatta kết hôn với công chúa Yasodharā (Da-du-đà-la), con gái của Vua Suppabuddha (Thiện Giác) của xứ Devadaha. Sống trong sự xa hoa của hoàng gia, ngài hưởng thụ cuộc sống sung mãn cho đến khi ngài trở nên nhàm chán đối với nó; và ở tuổi 29 ngài từ bỏ thế gian để trở thành một sa-môn. Trong sáu năm hành pháp khổ hạnh mà cuối cùng ngài phải từ bỏ vì nhận ra rằng chúng chẳng giúp ích gì được cho ngài trong việc tầm cầu Chân Lý và Giác Ngộ. Sau đó ngài hành theo trung đạo (majjimapaṭipadā) và đạt đến sự giác ngộ vào ngày rằm tháng tư khi ngài 35 tuổi.

Sau khi chứng thành Phật Quả, ngài đi đến Vườn Nai ở Isipatana; và vào ngày rằm tháng sáu ngài thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta) cho nhóm năm vị đạo sĩ trong đó Kiều Trần Như (Kondañña) trở thành bậc thánh nhập lưu ngay ngày đầu tiên vị ấy nghe Pháp. Bốn vị kia cũng tuần tự đắc như vậy sau một, hai, ba, và bốn ngày. Vào ngày thứ năm Đức Phật thuyết Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana Sutta) khi cả năm vị tỳ-kheo đều trở thành bậc Thánh A-la-hán. Trong suốt mùa hạ thứ nhất 55 vị sư do ngài Yasa dẫn đầu đã đắc đạo quả A-la-hán.

Cuối mùa an cư thứ nhất, Đức Phật đã quy tụ được quanh ngài 60 vị A-la-hán và ngài chỉ thị cho các vị đi khắp xứ sở để truyền bá Giáo Pháp (Dhamma). Bản thân ngài đã tế độ cho một ngàn vị đạo sĩ do Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp lãnh đạo. Tất cả họ đều trở thành bậc thánh A-la-hán và cùng đi với Đức Phật đến Rājagaha. Trong lần cu hội đầu tiên, đức Vua Tần-bà-sa-la và một trăm mười ngàn thần dân của ông đã nồng nhiệt chào đón ngài, dịp này Đức Phật đã thuyết Tứ Thánh Đế. Sau khi chứng ngộ Chân Lý, đức Vua cho xây dựng ngôi tịnh Xá Trúc Lâm (Veluvana) cho Đấng Gíac Ngộ cư trú để thuyết pháp cho dân chúng quanh vùng Rājagaha và Linh Thứu Sơn (Gijjhakūṭa). Khi Đức Vua Suddhonana (Tịnh Phạn Vương) biết được điều này, ông đã gởi mười vị quan đầu triều, mỗi vị cùng đi với 1000 tuỳ tùng, để thuyết phục con ông, lúc này là Đức Phật, trở về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu). Nhưng không một ai trong những sứ giả này từng quay về vì tất cả họ đều xin xuất gia dưới sự che chở của Giáo Pháp. Cuối cùng đức Vua gởi Kāḷudādāyi (Ka-lưu-đà-di) ra lệnh một cách dứt khoát ông phải ngâm vang lời ca ngợi vẻ đẹp của mùa hè bằng sáu mươi vần kệ, vì đó thường là mùa đẹp nhất để du lịch ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào. Tôi có đưa ra dưới đây bản dịch của tôi về hai bài kệ có thể được tụng đọc như một lời kinh cầu.

Cây rừng đã rụng lá

Khoác lên tán lá mới

Màu đỏ rực của lửa

Nhấn chìm cả khu rừng.

Hỡi này Bậc Đại Nhân

Giờ là lúc để người

Quay trở về Cố Hương!

 

Mùa này thật êm dịu.

không quá lạnh quá nóng.

Cỏ xanh phủ cánh đồng

Báo hiệu sự trù phú

Không hề có nạn đói

Hỡi này Bậc Đại Thánh

Giờ là lúc để người

Quay trở về Cố Hương!

 

Như vậy vào đầu tuần trăng khuyết của tháng Ba Đức Phật đã rời Thành Vương Xá (Rājagaha), một quãng đường dài 60 Do-tuần[15] (yojanas), mỗi ngày đi được một do tuần, để đến Thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu). Ngài về đến cố hương vào ngày trăng tròn tháng Năm. Tất cả thân quyến đều đến đón chào Ngài và đưa Ngài về ngôi Tịnh Xá Nigrodhārāma[16].

Những người đàn ông của dòng tộc Sāriyan nổi tiếng về sự ngã mạn của họ, Đức Phật lúc đó mới 36 tuổi, vì thế những quyến thuộc lớn tuổi hơn Ngài đã miễn cưỡng đến đảnh lễ Ngài. Họ thích đứng phía sau và đẩy những người anh em, con, cháu, chắt nhỏ tuổi hơn lên trước đảnh lễ Đức Thế Tôn. Để cho toàn bộ dòng tộc Thích Ca có thể biết đến những ân đức của Đấng Giác Ngộ, Đức Phật đã thực hiện thần thông tạo ra một hành lang khổng lồ và tự hiện thân ra đi kinh hành trên đó trong khi thân trên phun ra nước và thân dưới phun ra lửa. Nhìn thấy điều này, Đức Vua Tịnh Phạn đã cúi đầu đảnh lễ (shikkoed) con mình, và sau đó tất cả mọi người đều làm theo gương ông.

 

 

VUA TỊNH PHẠN VÀ HOÀNG HẬU GOTAMI

TRỞ THÀNH BẬC THÁNH NHẬP LƯU

 

Sáng hôm sau Đức Phật, cùng với 20 ngàn vị tỳ-kheo, đi khất thực quanh kinh thành Kapilavatthu. Công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā) từ cửa sổ cung điện nhìn thấy cảnh này và báo sự việc cho Đức Vua, bà nói rằng việc đi ăn xin như vậy đã hạ thấp phẩm giá của một người con vua. Vua Tịnh Phạn cảm thấy xấu hổ vội vã rời khỏi ngai vàng đi gặp Đức Phật để phản đối. Vua nói “Tại sao con lại đi quanh kinh thành ăn xin làm cho cha phải xấu hổ như vậy? Con nghĩ rằng cha không thể nuôi nổi con và 20 ngàn đệ tử của con sao?” Đức Phật nói với cha rằng đi khất thực là pháp hành của ba đời Chư Phật (Thánh phổ hệ) trong trường hợp không có thí chủ nào thỉnh cầu họ đến nhà trai tăng. Rồi Ngài nói lên bài kệ: —

“Không nên xao lãng những nguyên tắc đã được công bố về hạnh khất thực của sa-môn.

Nên hành hạnh khất thực vì sự tốt đẹp và cao quý của nó; và người thực hành hạnh này không những có thể ngủ ngon trong đời hiện tại mà còn ngủ ngon cả trong đời tương lai nữa.”

Sau khi nghe xong bài kệ này, đức Vua dồn hết tâm trí vào ý nghĩa của lời kệ, thấy được ánh sáng của pháp (dhamma) và trở thành một bậc nhập lưu (sotāpanna).

Các bản chú giải nói rằng chính sự phát triển của hỷ (pīti) khi suy nghĩ đến tính chất cao quý của những ân đức Phật mà người ta có thể có được minh sát trí vào bản chất vô thường của chính hiện tượng hỷ ấy khi nó sanh và diệt. Đối với những người hành thiền ngày nay, thiền cả ngày chưa đủ để  phát triển Định (samādhi). Vì thế có thể họ phải mất một tuần hoặc khoảng đó để có được định và để nhận ra bản chất vô thường của tâm và thân hay danh-sắc. Tuy nhiên, đối với Đức Vua Tịnh Phạn sự chứng ngộ Pháp là quan trọng vì vua đã có đủ Ba-la-mật cho sự chứng ngộ này từ thời quá khứ. Vì thế khi vua hiểu được rằng sa-môn hạnh mà Đức Phật và Tăng Chúng đòi hỏi phải có là không được hỏi xin vật thực bằng lời nói mà chỉ đơn giản đứng trước nhà người thí chủ sẽ dâng nào đó, vua trở nên rất hài lòng với Đức Phật vì hạnh ấy. Điều đó dẫn đến sự phát triển của hỷ nơi đức vua. Vua hành thiền trên trạng thái hỷ đó và chứng ngộ bản chất sanh-diệt của nó. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy minh sát trí phát triển và vua trở thành một bậc nhập lưu.

Đức Vua rước lấy bát từ tay Đức Phật và thỉnh ngài cùng tất cả chư tăng đến cung điện của mình với ý định thực hiện một cuộc đại cúng dường.

Một lần khác trước sự hiện diện của Hoàng Hậu Mahā Pajāpatti Gotamī (Ma-ha Ba-xà- ba-đề Gô-ta-mi) và các quan đại thần, Đức Phật một lần nữa tán dương những đức của Sa-môn hạnh, khi nghe những lời này kế mẫu của Đức Phật cũng trở thành bậc Thánh nhập lưu.

 

EM CÙNG CHA KHÁC MẸ — NANDA

VÀ CON TRAI LA-HẦU-LA

 

Ngày hôm sau Đức Vua tổ chức một buổi lễ phong chức cho Hoàng tử Nanda, con trai của vua với nhiếp chính Mahā Pajāpatti Gotamī, và để đánh dấu dịp này vua đã cúng dường trai tăng đến Đức Phật cùng với các đệ tử của ngài. Khi buổi lễ chấm dứt, Đức Phật đưa bình bát của mình cho Nanda, em cùng cha khác mẹ với ngài, và trở lại tu viện. Nanda bất đắc dĩ phải đi theo Đức Phật, và khi vị hôn thê của ông, công chúa Janapadakalyāni, nhìn thấy Nanda, đã van nài “Hãy sớm quay trở về với em, hỡi Hoàng tử thân yêu!”

Nhưng khi về đến tu viện ông được Đức Phật hỏi xem có muốn trở thành một sa-môn không. Ông miễn cưỡng đồng ý vì lòng kinh sợ và tôn kính bậc Giác Ngộ. Đúng thời ông được nhận vào Tăng Đoàn. Một tuần sau, theo lệnh của mẹ (Công chua Da-du-đà-la) Rāhula (La-hầu-la) con trai ngài cũng đi đến tu viện để hỏi xin quyền thừa kế từ cha. Nhưng Đức Phật lại bảo Tôn-giả Xá-lợi-phất xuất gia cho con, và như vậy Rāhula trở thành một Sa-di. Không lâu sau đó Đức Phật thuyết  một thời pháp về Tiền thân Mahā Dhammapāla cho Đức Vua Tịnh Phạn nghe, và vua ngay lập tức đạt đến Đạo Quả A-na-hàm (anāgāmi).

Rời Kapilavatthu, Đức Phật đến trú ngụ ở ngôi làng Anupiya Nigama trong vương quốc Malla; trong khi ở tại đó, Bhaddiya, Đức Vua dòng Sākiyas, Anuruddha (A-nậu-lâu-đà), Ānandā (A-nan), Bhagu, Kimbila, và Devadattha (Đề-bà-đạt-đa), các vị hoàng tử cùng với người thợ hớt tóc Upāli đã đi đến ngài và thỉnh cầu được xuất gia. Trong mùa hạ đầu tiên ở đó, Bhaddiya trở thành một vị A-la-hán trong khi Anuruddha đắc được thiên nhãn trí (dibbacakkhu ñāṇa), và Ānandā đắc nhập lưu. Đề-bà-đạt-đa cũng đắc được các thắng trí thần thông (iddhividha abhiññā)

 

SỰ NHẬP NIẾT BÀN (PARINIBBĀNA)

CỦA VUA SUDDHODANA, BẬC A-LA-HÁN

 

Đức Phật lại rời Anupiya Nigama đến Rājagaha (Vương Xá) để trải qua mùa an cư thứ hai tại đó. Trong khi Đức Phật đang nhập hạ tại tinh xá Kūṭāgārasāla trong Rừng Mahāvana (Đại Lâm) ở Vesāli, Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) băng hà trong cung điện riêng của ngài ở Kapilavatthu. Trước khi chết vua đã hành thiền trên Pháp (dhamma) và đắc Đạo Quả A-la-hán. Như vậy Đức Vua đã chết cái chết của Vô Dư Niết-Bàn. Đức Phật có trở về tham dự lễ tang của cha ngài.

 

NHẬN NỮ GIỚI VÀO TĂNG ĐOÀN

 

Sau khi Vua Tịnh Phạn nhập Niết-bàn, Hoàng Hậu Mahā Pajāpatti đi đến Đức Phật để xin phép cho nữ giới được nhận vào Tăng Đoàn. Ba lần cầu xin và ba lần bị từ chối. Tuyên bố này được đưa ra dựa trên thẩm quyền của các bản chú giải Trưởng Lão Ni Kệ: Các bản dịch khác thì cho rằng bà đã xin phép cho nữ giới được gia nhập Tăng Đoàn ngay từ mùa hạ đầu tiên ở Kapilavatthu; nhưng luận cứ của các bản chú giải được xem là đáng tin cậy hơn. Câu chuyện diễn ra như sau:

Khi Đức Phật đang trú tại tinh xá Kūṭāgārasāla ở Vesāli, trên đường trở về từ Kapilavatthu nơi ngài tham dự lễ tang của đức Vua Suddhodana, năm trăm hoàng tử của cả hai dòng tộc Sākiya và Koliya[17] đã thỉnh cầu Đức Phật cho phép họ xuất gia; và đúng thời họ được nhận vào Tăng Đoàn. Những người vợ của họ, giờ không còn chồng, trở nên chán đời và đi đến Gotamī để cầu thỉnh Đức Phật cho phép phụ nữ được gia nhập Tăng Đoàn vì tất cả họ đều muốn trở thành các tỳ-kheo Ni. Mahā Pajāpatti và 500 công chúa này đã tự cạo đầu và đắp y vàng đi bộ 51 do tuần (yoyanas) đến Vesalī, một đoạn đường mất hai tháng. Họ đến đó với đôi chân sưng phồng.

Tại cổng tinh xá, Mahā Pajāpatti đã khóc và nghĩ rằng nếu bà và năm trăm công chúa này không được phép xuất gia thì tất cả họ sẽ không biết xoay sở ra sao nơi đất khách chỉ với đầu cạo trọc và tấm y vàng mà thôi.

 

ĀNANDĀ CAN THIỆP

 

Khi Tôn giả Ānandā thấy tình cảnh này, ngài nói với kế mẫu của Đức Phật hãy đứng chờ một lát trong khi ngài đi đến Bậc Giác Ngộ để xin phép. Như thường lệ Đức Phật đã từ chối cho phép. Lúc đó Tôn giả Ānandā bạch hỏi; “Bạch Đức Thế Tôn! Nữ nhân không thể đạt đến Bốn Thánh Đạo và Bốn Thánh Quả nếu họ trú trong Pháp dưới đôi cánh che chở của Giáo Pháp sao?” Đức Phật thừa nhận rằng họ có thể. “Bạch Đức Thế Tôn!” Tôn giả Ānandā lại cầu xin, “Nếu sự tình là vậy, xin Đức Thế Tôn hãy chấp nhận lời thỉnh cầu được xuất gia làm tỳ-kheo ni trong giáo pháp (sāsanā) này của họ đi, Mahā Pajāpatti Gotamī đã hoàn thành một sự phục vụ vĩ đại cho ngài, như một người vú nuôi và như một người mẹ nuôi, bà đã cho ngài bú bằng chính sữa của bà.”

Việc người nữ được xuất gia làm tỳ-kheo ni trong giáo pháp của các vị Phật trước là chuyện bình thường. Nhưng Đức Phật không muốn nhượng bộ ước muốn của người nữ một cách dễ dàng vì ngài thấy trước những lợi ích cho Giáo Pháp của ngài cũng như cho những tín nữ nếu sự cho phép gia nhập Tăng Đoàn được đưa ra khó khăn do giới luật nghiêm ngặt.

 

CHẤP NHẬN CHO PHÉP

 

Sau đó Đức Phật quy định: “Này Ānandā nếu Mahā Pajāpatti tự mình chấp nhận tám trọng pháp (garudhamma) thì hãy xem việc chấp nhận này là sự xuất gia của bà.”

Như vậy bà được xuất gia do chấp nhận Tám Trọng Pháp. Tuy nhiên những người nữ khác sẽ phải xuất gia theo đúng luật, thủ tục đòi hỏi phải tụng tuyên ngôn (kammavācā), hay sự biểu quyết của toàn thể chư tăng trong tu viện.

Từ đây Mahā Pajāpatti được biết đến với pháp danh Gotamī Theri (Trưởng lão ni Gotamī) và không lâu sau đó bà đắc Đạo Quả A-la-hán dưới sự hướng dẫn tu tập của Đức Phật. Khi các bậc A-la-hán đã đoạn trừ mọi phiền não, những nghiệp của họ, ngay cả khi chúng là thiện, cũng được làm cho vô hiệu, không thể tạo ra bất kỳ kết quả nào, như tái sinh chẳng hạn; và những nghiệp mới theo đó cũng ngừng sanh với họ. Liên quan tới sự kiện này, chúng ta thường nói rằng các vị A-la-hán tự mình phủ nhận các thiện nghiệp (kusala kamma) hay những nghiệp xứng đáng với phước đức. Điều này không có nghĩa là sự từ chối các thiện nghiệp; mà nó nhận mạnh đến sự vắng mặt của những quả nghiệp lẽ ra được tích luỹ từ chúng. Các vị A-la-hán vẫn làm các phận sự xứng đáng hàng ngày như kính lễ Đức Phật và Tăng, hành thiền định và thiền minh sát những những thiện nghiệp này không cho quả trên phương diện nghệp báo.

Khi Mahā Pajāpatti trở thành một vị tỳ-kheo ni, có lẽ bà đã ở cái tuổi rất già, 94 tuổi trong khi Đức Phật khoảng 40. Những người theo bà, 500 công chúa, cũng gia nhập Tăng Đoàn và sau đó tất cả đều trở thành các bậc A-la-hán do nghe bài pháp với Trưởng lão Nandaka Thera, một hoàng tử Thích Ca trước đây.

 

GOTAMĪ THERĪ NHẬP NIẾT-BÀN

 

Khi Gotamī Therī hoàn mãn 26 năm sống đời tỳ-kheo ni, bà đã đến tuổi 120, trong khi Đức Phật 66. Lúc đó bà đang cùng với 500 tỳ-kheo ni trú ngụ tại một tịnh xá không xa Kūṭāgārasālā nơi Đức Phật cũng đang tạm thời trú ngụ. Một ngày nọ khi bà đang an trú trong thiền Quả, bà nhận ra rằng đã đến thời để bà xả bỏ thọ hành (āyusaṅkhāra). Các vị đệ tử của bà, những người đệ tử của bà, lúc đó đã sáu mươi hay bảy mươi tuổi rồi, cũng có cùng quan điểm với thầy của mình rằng đã đúng thời để họ ra đi. Vì thế họ tự thân đi đến Đức Phật để thông báo cho ngài biết rằng họ sẽ nhập vô dư Niết-bàn (parinibbāna). Khi nghe tin buồn này, các đệ tử nữ của Gotamī Theri suy sụp và khóc lóc. Vì thế bà đã an ủi họ.

Ruditena alam puttā, hāsakalo’ yamajjavo. Cirappabhuti yam mayham, pattthitam ajja sijjhate Ānanda bherikāloyam, kiṃ vo assūhi puttikā.

Chớ có khóc, này các con! Đây phải được xem là một ngày hoan hỷ cho các các con!

Từ lâu, Này các con, ta đã nguyện Niết-bàn, và hôm này lời nguyện ấy đã được thực hiện. Giờ là lúc để ta đánh lên tiếng trống thoả mãn và hoan hỷ. Khóc lóc không ích gì cho các con cả đâu.

 

Việc người phụ nữ khóc khi một người thân yêu nào đó của họ bị thần chết tước đoạt đi chỉ là chuyện tự nhiên. Nhưng không có gì lạ vì chúng ta đều phải chết. Tuy nhiên điều quan trọng nhất đối với chúng ta là một khi chúng ta lìa bỏ thế gian này sang thế giới bên kia chớ đừng để bị chìm vào bốn cõi khổ. Khi cân nhắc cán cân nghiệp lực, những thiện nghiệp được thấy là đang thiếu, thì cái chết quả thực là một cơ hội cho sầu ưu và tuyệt vọng. Nhưng nó lại cung cấp chúng ta một lý do chính đáng để hoan hỷ khi chúng ta chết với một cái tâm thanh tịnh và vô nhiễm nhờ đã tích tạo được các thiện nghiệp, trong trường hợp đó, chết chỉ là lìa khỏi căn nhà cũ đến một căn nhà mới vậy thôi.

Khoảng một ngàn kiếp (kappas) trước, khi Đức Phật Thượng Liên Hoa (Padummuttara Buddha) đạt đến giác ngộ, Gotamī Therī sanh làm con gái của một vị quan trong triều. Một ngày nọ, khi cô tham dự một buổi lễ có Đức Phật là toạ chủ, cô bị thôi thúc bởi tấm gương của một vị Trưởng lão Ni, người đã chăm sóc và nuôi dưỡng đức Bồ Tát như một người con khi mẹ ngài qua đời, vì bà cũng là một kế mẫu. Đức Phật Padummuttara ban cho bà là tối thắng (etadagga) về niên lạp và thâm niên trong việc phụng sự Giáo Pháp (Sāsanā) trong số những Tỳ-kheo ni đã thấy nhiều ngày (HT Minh Châu dịch là Tối thắng trong số những Tỳ-kheo ni đã lâu ngày của Ta). Gotamī Therī, lúc đó là con gái của một vị quan trong triều như đã nói, suy xét thấy cuộc đời của một người làm mẹ Đức Phật là cao quý nhất. Vì thế cô đã phát nguyện sẽ được sanh trong tương lai như một kế mẫu cho một vị Bồ-tát (Bodhisatta); và ước nguyện của cô đã được thành tựu trong thời Đức Phật Gotama này.

Giờ đây cái chết đã cận kề, Gotamī Therī để lại một lời khuyên cho những người đang khóc, “Này các con!” bà nói, “nếu các con thực lòng thương yêu ta, hãy an trú trong pháp (dhamma) nhờ vậy Giáo Pháp của Đức Phật có thể được trường tồn. Ngài đã cho phép người nữ chúng ta được gia nhập Tăng Đoàn, và ta rất vui vì có được ân huệ này, ta tin các con cũng rất vui nữa. Nếu sự tình là vậy, hãy thực hành pháp trong tâm trạng vui vẻ ấy.”

 

LÒNG TÔN KÍNH CỦA BÀ ĐỐI VỚI ĐỨC PHẬT

 

Sau khi đã an ủi những đệ tử của mình như vậy xong bà đi đến Đức Phật và tỏ lòng tôn kính ngài bằng những lời sau.

“Bạc Đức Thế Tôn!” bà nói, “Con thường được mọi người xem như mẹ của ngài. Nhưng từ quan điểm của Pháp, ngài thực sự là cha của con. Dưới sự hướng dẫn của những lời dạy của ngài Con đã trở thành một bậc Thánh (Ariya). Con nuôi dưỡng ngài bằng sữa của mình. Ngài đã nuôi dưỡng con bằng sữa của pháp. Sữa con làm dịu cơn đói của ngài trong một thời gian. Pháp của ngài đã dập tắt cơn đói của tham ái (taṅhā) vĩnh viễn.”

Nói vậy xong, bà thốt lên những vần kệ sau:

Rañño mātā mahesīti, sulabham nāma mitthī nam. Buddhamātāti yam nāmaṁ, etam parama-dullabham.

Parinibbātu micchāmi vihāyemam kaḷevaram: Anujanhi me vīra, dukkhantakaraka nāyaka.

Cakkankusadha jakiṇṇe pāde; kamalakomale; Pasārehi panāmam te, karissam puttauttame.

 

Đối với một nữ nhân được làm hoàng hậu, mẹ của một vị chuyển luân vương còn dễ thành tựu. Nhưng để được vinh dự làm mẹ của một vị Phật, quả thực, cực kỳ khó.

Ôi Đức Phật! Bậc diệt tận khổ đau! Một con người dũng cảm! Chúa tể thế giới này! Xin ngài hãy cho phép con, xả bỏ thân này, nhập vô dư Niết-bàn!

Ôi Con trai của ta! Hãy chìa đôi chân quý, mềm mại như cánh sen, ấn chứng tướng Bánh Xe, với Móc và Lá Cờ, để ta được đảnh lễ.

 

BA BÀI KỆ CÓ THỂ ĐEM LẠI PHƯỚC BÁU

 

Bà cũng tụng đọc ba bài kệ sau báo trước điềm lành cho những ai đảnh lễ Đức Phật bằng xương bằng thịt.

Nadato parisāyam te, vāditabba pahārino; Ye te dakkhanti vadanam, dhaññā te narapuṅgava.
Dighaṅulī tambanakhe, sube ayatapaṇhike. Ye Pāde paṇamissanti, tepi dhaññā guṇandhara.
Madhurāni pahaṭṭhāni, desagghāni hitāni ca. Ye ke vākyāni sossyanti, tepi dhāññā naruttama.

Hỡi bậc Chúa tể của Nhân Loại! Khi ngài thuyết Pháp cho thính chúng, giọng của ngài vang dội như tiếng trống rền. May mắn và tốt lành thay cho những ai được thấy đôi môi tạo ra những âm thanh này bằng xương bằng thịt.
Hỡi bậc có Đức Hạnh! May mắn và tốt lành thay cho những ai được chắp tay cúi đầu đảnh lễ dưới đôi chân với những ngón chân thon thả, móng đỏ hồng và gót chân dài của ngài.
Hỡi Bậc Cao Quý nhất của Nhân Loại! May mắn và tốt lành thay cho những ai được nghe ngài nói bằng chất giọng ngọt ngào, truyền dẫn niềm hoan hỷ, xua tan những thất vọng của con người và kéo dài sự thành công.

 

Điều Gotamī Therī muốn nhấn mạnh trong những bài kệ trên là mặc dù đây sẽ lần cuối cùng của bà được diện kiến Đức Phật, được đảnh lễ ngài và nghe Pháp của ngài, nhưng đối với những người mà bà sắp bỏ lại phía sau ắt hẳn sẽ có được cơ hội quý báu để tiếp tục sống bên ngài, tôn kính ngài và nghe những lời dậy của ngài. 

Giờ đây khi bạn lắng nghe bài pháp này là bạn đang nghe lại những lời dậy của Đức Phật, vì thế bạn nên hoan hỷ! Có thể những người trong quá khứ được nghe Đức Phật bằng xương bằng thịt thuyết giảng sẽ may mắn hơn thính chúng hiện nay, vì họ có được hai lần phước báu, đó là phước được nghe trực tiếp giọng nói của ngài và phước do gặt hái được những lợi ích của pháp. Tuy nhiên, điều đáng hoan hỷ nhất ở đây là bạn có được cơ hội này để biết và hiểu những gì mà các đệ tử của Đức Phật ngày nay thuyết giảng. Nếu minh sát trí phát triển và Đạo Quả được chứng ngộ, ít nhất người ta cũng có thể là một bậc thánh nhập lưu. Nếu một người trở thành bậc nhất lai (sakadāgāmi), hay một bậc bất lai (anāgāmi), hay một bậc A-la-hán (Arahatta) thì càng tốt hơn nữa. Như vậy những thính chúng hiện nay có thể tự an ủi mình với sự thực rằng họ cũng may mắn và phước báu không kém gì những đệ tử thời Đức Phật.

Bài kệ gợi ý rằng giọng nói của Đức Phật rất dịu ngọt. Kinh điển mô tả giọng nói ấy rất giống tiếng hót của chim Ca-lăng-tần-già[18] (kalawiṅka 歌羅頻伽). Liên quan tới điều này, có câu chuyện về Hoàng Hậu Asadhimittā, vợ của Vua Sīridhammāsoka, người khi nghe giọng hót của chim này liền nhớ lại giọng nói của Đức Phật với niềm hoan hỷ, bà định tâm hành thiền và kết quả bà trở thành một bậc nhập lưu.

Bài kệ cũng nói rằng giọng nói của Đức Phật làm cho người nghe cảm thấy khoan khoái, vui vẻ. Có lần một người nông dân kia vô cùng đau khổ vì cánh đồng lúa mì của anh ta bị ngập lụt. Đức Phật vì lòng bi mẫn đã đi đến anh ta và thuyết bài Kinh Kāma, khiến cho không những tâm người nông dân hoan hỷ mà cả vợ anh ta cũng thế, cuối cùng cả hai đạt đến Đạo Quả Nhập Lưu.

Cái chết của Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) đã hành hạ Vua A-xà-thế (Ajātasattu), kẻ giết cha. Đức Phật đã thuyết cho Vua nghe Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala) một bài kinh nói về phước báu của người xuất gia. Đức Vua lấy lại được sự bình yên tâm hồn. Và nếu như không bị bất thiện nghiệp giết cha bắt kịp Vua có thể trở thành một bậc Nhập Lưu sau khi nghe xong bài kinh.

Cuối cùng, bài kệ còn chỉ ra rằng những lời dạy của Đức Phật  có thể xua tan những thất bại của con người giống như nóng nảy, sân hận, v.v… Lắng nghe Đức Phật một người có thể loại trừ những bất thiện nghiệp khi họ nhận ra những sai lầm của mình và tự sửa đổi bản thân. Chánh niệm vào lời dạy của Đức Phật sẽ dẫn một người đến chỗ thực hành thiền minh sát để huỷ diệt mọi ác nghiệp hay bất thiện nghiệp (akusala kammas). Tambadāṭhika là một đao phủ đã từng chặt đầu không biết bao nhiêu tội nhân. Nhưng khi nghe bài pháp của Tôn giả Xá-lợi-phất, tâm ông khuynh hướng về thiền minh sát; và khi chết ông được sanh làm một vị thiên tử trong cõi trời Đâu-suất (Tusitā). Aṅgulimāla còn tệ hơn Tambadāṭhika, vì ông đã giết rất nhiều người. Nhưng khi nghe lời dạy của Đức Phật, ông trở thành một vị tỳ-kheo và sau đó đắc Đạo Quả A-la-hán.                                                                                                                           

Những lời dạy của Đức Phật có lợi cho sự thịnh vượng của cuộc sống. Nếu một người thực hành dhamma (pháp), họ có thể thành tựu phước báu không chỉ trong đời sau mà còn ngay trong kiếp hiện tại. Nếu việc thực hành thường nhật được hỗ trợ bởi thiền minh sát, nó có thể dẫn một người đến Đạo Quả.

 

TÔN KÍNH TĂNG

 

Gotamī therī đi đến Tăng Đoàn trong đó có cả cháu nội Rāhulā (La-hầu-la), con trai Nanda (Nan-đá) và cháu trai Ānandā (A-nan-đa), và thốt lên hai bài kệ sau để tỏ lòng tôn kính đối với họ.

Āsī sivālayasa me, rogāvāse kaḷevare;

Nibbindā dukkhasaṅghāṭe, jarāmaraṇa gocare.

Nāmākali malākiṇṇe, parāyatte nirīhake;

Tena nibbātu micchāmi, anu maññatha puttakā.

 

Hỡi con trai và cháu nội của ta! Ta đã quá mệt mỏi với cái thân xác giống như nơi lũ rắn độc thường lui tới này, nơi chứa chấp đủ loại bệnh tật, căn nhà của khổ, nơi trú ẩn của già chết, ổ rác rưởi, phẩn uế, luôn luôn phải phụ thuộc vào người khác, không tự lực được. Thật vui sướng nếu Ta chấm dứt được cái khổ này. Hãy cho phép ta hoàn thành ước nguyện của mình.

 

Thân này do bốn đại — đất, nước, lửa và gió tạo thành. Địa đại (pathavī) biểu thị sự cứng và mềm của vật chất và được đại diện trong thân bằng hai mươi loại vật chất khác nhau gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, màng nhầy, bao tử, phổi, ruột non, ruột già, óc,… Thuỷ đại (āpo) cũng được đại diện bằng mười hai chất thuộc sinh lý như mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước tiểu, v.v… Hoả đại (tejo) được biểu thị bằng bốn loại sức nóng; trong khi phong đại (vāyo) bao gồm sáu loại gió kể cả gió liên quan đến hơi thở. Đối với tất cả hữu tình chúng sinh những đại này là nguồn gốc của khổ, vì khi chúng hoạt động không bình thường bịnh và chết sẽ là kết quả. Vì thế chúng cũng giống như bốn con rắn độc.

Thân này còn là nơi chứa đựng đủ mọi loại tật bệnh không cần phải giải thích tỉ mỉ ở đây. Gotamī therī đã bày tỏ ước muốn rời khỏi cái lãnh địa của già, bịnh và chết này.

Ba mươi hai bộ phận của thân chúng ta (kotthāso, 部份 bộ phận)  luôn luôn phải chịu tật bịnh mà mọi người ghê tởm như thể chúng là rác rưởi. Nhưng chúng ta cần phải quan tâm đến những bất tịnh của tâm hơn là thân thân vật lý này. Những bất thiện nghiệp sẽ sanh ra những quả bất thiện. Các bậc A-la-hán không phải lo lắng về chúng. Nhưng vì các tâm hành là chung cho tất cả chúng ta nên chúng ta phải quan tâm đến sự bột phát của những phiền não làm ô nhiễm chúng ta giống như rác rưởi, phẩn uế vậy.

Chúng ta thường nói: “Thân này là của tôi.” Nhưng nó có thực sự là của chúng ta không? Theo các bậc cổ đức xưa, thân này thực sự là nơi sinh sống cho tám mươi loại ký sinh trùng (hay những kẻ ăn bám). Thực sự, cái chúng ta gọi là thân của chúng ta chính là nhà của chúng. Các con côn trùng như ruồi, muỗi và rệp săn mồi trên tâm thân này. Vì thế chúng ta có thể nói rằng nó luôn luôn phụ thuộc vào người khác.

Thân người này không thể tự duy trì sức khoẻ và hạnh phúc cho chính nó. Điều này có thể được thấy rõ nhất khi nó bị đau đớn với bịnh. Nó không thể tự chữa trị cho nó, và vì thế bạn, người tuyên bố là chủ nhân của nó, phải gọi bác sĩ. Nó không thể tự chống đỡ bằng những nỗ lực của chính nó. Hạnh phúc của nó luôn luôn phải dựa vào những yếu tố bên ngoài.

 

GOTAMĪ THERĪ AN ỦI ĀNANDĀ

 

Vào lúc Gotamī therī chào từ biệt Tăng Chúng, Nanda và Rahula đã là những bậc thánh A-la-hán vì thế họ thản nhiên trước cái chết hay trước sự Bát Niết-bàn (parinibbāna) sắp xảy ra của mẹ và bà nội họ. Nhưng Ānanda lúc đó chỉ là một bậc hữu học (sekha), một vị đệ tử vẫn đang phải học tập để bước vào Thánh Đạo. Vì thế ngài suy sụp và khóc than.

Hā santin Gotamī yāti, nūma Buddhepi nibbutim: Gacchati nacire neva, aggiriva nirindha no.

Than ôi! Trưởng lão ni Gotamī sắp nhập Niết-bàn, nơi bình yên tối thượng ngự trị. Chẳng bao lâu Đức Phật cũng sẽ không còn nữa, giống như ngọn lửa tắt khi bấc đã tàn lụi vậy.

Nghe Ānanda đang than vãn số phận, Gotamī Therī an ủi ngài bằng những lời sau:

Suta sāgara gambhīra, Buddhopaṭṭhāna tappara;

Na yuttam socitum putta, hāsakā le upaṭṭhite;

tayā me saraṇam putta, nibbānam tamupāgatam.

Tayā tāta samijjhiṭṭho, pabbajjam anujāni no;

Mā putta vimano hohi, saphalo te parissamo.

Yam na diṭṭham purā ṇehi, titthikā cariyehipi:

Tam padam sukumārīhi, sattavassāhi veditam.

Hỡi A-nan-đa, bậc có kiến thức sâu rộng như đại dương, và người đã tự đặt mình vào công việc chăm sóc cho Đức Phật (thị giả của Đức Phật)! Xin chớ buồn nhân cái dịp vui mừng này. Ta nương tựa Niết-bàn như ngài đã nương tựa, với tất cả sự trợ giúp của ngài, mà ta được phép nương tựa nó.

Hỡi Ānanda, con trai ta! Theo lời thình cầu của ngài, vì lợi ích của chúng con, Đức Phật đã cho phép những người nữ chúng con được xuất gia làm Tỳ-kheo Ni. Ngài không cần phải đau khổ, vì những nỗ lực to lớn của ngài sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Hỡi Ānanda! Trước đây không có ngoại đạo (titthis) nào có thể khám phá ra Niết-bàn bất chấp những pháp hành tôn giáo của họ. Ngày nay thậm chí một bé gái bẩy tuổi cũng có thể liễu tri (veditabba) Niết-bàn.

 

Bằng cách này Gotamī Therī đã tỏ lòng kính trọng đối với Tôn giả Ānanda vì sự góp phẩn của ngài trong việc giành được sự cho phép của Đức Phật để người nữ gia nhập Tăng Đoàn. Là những cư sĩ nữ, Gotamī Therī và những người theo bà khó có thể trở thành các bậc A-la-hán. Nhưng nhờ Ānanda giờ đây họ đã là các bậc A-la-hán, và hơn thế nữa, nhiều vị Tỳ-kheo ni đã có được cơ hội thực hành Pháp và chứng đắc Đạo Quả ngay cả sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Ngoài giáo pháp này, trước khi Đức Phật giác ngộ, đã có những đạo sĩ như Sarabhaṅga, Āḷāra và Udaka dù sở hữu các năng lực thần thông nhưng họ không hề biết Niết-bàn. Khi người nữ được nhận vào Tăng Đoàn, ngay cả bé gái bảy tuổi cũng có thể quen thuộc với Niết-bàn. Do đó, Tôn giả Ānanda đã thực hiện được một sự thành tựu lớn lao trong kiếp này và ngài chắc chắn sẽ được an vui.

 

NHỮNG PHÉP LẠ CỦA GOTAMĪ THERĪ

 

Khi thời gian nhập vô dư Niết-bàn đã đến, Đức Phật yêu cầu Gotamī Therī thực hiện các thần thông của bà.

Thīnam dhammābhisamaye, ye bālā vimatim gatā; tesam diṭṭhipahā natham; iddhim dassehi Gotāmī.

Này Gotamī! Kẻ ngu thường hoài nghi về khả năng của người nữ trong việc thấy được ánh sáng của Pháp. Để xua tan hoài nghi này, bà hãy thực hiện những năng lực thần thông của mình đi.

 

Những kẻ ngoại đạo đang trong thời kỳ hưng thịnh vào thời Đức Phật bất chấp những lời dậy của ngài. Họ từ chối chấp nhận sự thật rằng người nữ hành thiền có thể đắc được Đạo Quả hay có thể đắc thiền và các năng lực thần thông. Vì sự giác ngộ của họ Đức Phật đã yêu cầu Gotamī Therī thực hiện pāṭihāriya[19] hay các pháp thần biến thông. Trước đây Đức Phật thường cấm điều đó để đẩy lùi những sự chỉ trích thù địch của kẻ ác nói rằng các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni của Đức Phật chỉ đắm chìm trong phép thuật mà thôi. Nhưng hôm nay Gotamī Therī đang đảnh lễ Đức Phật lần cuối những lời chỉ trích như vậy sẽ được xem là vô hại do sự nhập diêt của bà.

Sau đó Gotamī Therī thực hiện các phép lạ thần thông. Từ một (thân), bà hiện ra nhiều (thân). Từ nhiều thân, bà hiện ra chỉ một (thân). Tức là bà tạo ra nhiều hoá thân giống như bà và rồi giảm con số những hoá thân đó thành một. Bà bay lên hư không và độn thổ (chui vào đất). Bà biến mình thành nhiều hình dạng khác nhau, đặc biệt giả dạng sự xuất hiện của một vị chuyển luân vương với một đoàn tuỳ tùng đi theo. Sự phô bày những năng lực thần thông này của bà làm tăng thêm đức tin cho những người có lòng tin và chiếm được cảm tình của những người không có đức tin. Đây là một lời tuyên bố thông thường. Có thể thái độ võ đoán này cũng phát huy được hiệu quả khi người ta từ chối tin ngay cả khi bạn cho thấy rằng bạn có thể bay được.

 

LỜI THỈNH CẦU CUỐI CÙNG

 

Sau khi đã thực hiện các thần thông theo lệnh của Đức Phật, Gotamī Therī nói lên lời thỉnh cầu cuối cùng.

Sā visa vassa satikā, jatiyā ham mahāmune;

Ala mettāvatā vīra, nibbāyissāmi nāyaka.

 

Hỡi Bậc Đại Thánh Nhân!

Con đã đến tuổi một trăm hai mươi;

Những phép thần thông này là vừa đủ.

Hãy cho phép con nhập Niết-bàn

Nơi chấm dứt mọi khổ đau.

 

Đức Phật đồng ý bằng cách giữ im lặng. Rồi Gotamī Therī và năm trăm đệ tử của bà trở về tu viện, Đức Phật đi theo họ trong cuộc hành trình cuối cùng. Tại cổng tu viện tất cả mọi người đảnh lễ Đức Phật lần cuối.

 

NHẬP VÔ DƯ NIẾT-BÀN

 

Tất cả các vị Tỳ-kheo ni do Gotamī Therī dẫn đầu đã lui về chỗ ở của họ và ngồi quỳ theo phong cách của Yogis (hành giả). Những nữ đệ tử vây quanh họ ai cũng khóc than. Kéo một người trong họ đến bên cạnh và vỗ nhẹ trên đầu cô một cách trìu mến, vị trưởng lão ni cao hạ nhất nói lời khuyên nhủ như sau:

Alam puttā visādena, mārapāsānuvattinā;

Aniccam saṅkhatam sabbam, viyogantam calācalam.

 

Này con gái! Khóc than có ích gì cho các con. Các con chớ nên tự đầu hàng trước những mệnh lệnh của Ma Vương, Phiền Não như vậy. Tất cả pháp hữu vi (các hành danh-sắc) đều vô thường; Cuối cùng chúng ta phải chia tay chúng. Không có gì là vĩnh cửu cả.

 

Rồi, sau khi đã đưa người tín nữ trở lại chỗ của cô, Gotamī therī liền nhập thiền. Bà tuần tự đạt đến sơ thiền, rồi nhị thiền, rồi tam thiền, và rồi tứ thiền. Sau đó bà quay trở lại sơ thiền theo chiều ngược. Rồi bà lập lại tiến trình từ sơ thiền và khi đạt đến tứ thiền, tất cả các uần của bà diệt giống như một ngọn đèn tắt khi cả dầu và bấc đã cạn hết hoàn toàn. Sau đó năm trăm vị tỳ-kheo ni đệ tử cũng nhập Niết-bàn theo cách tương tự.

Những gì còn lại của Gotamī therī được đem đi hoả thiêu. Tôn giả Ānandā gôm tro cốt của bà cho vào trong một cái bình và trao lại cho Đức Phật, ngài cầm nó trong đôi tay và tỏ lòng kính trọng với kế mẫu và nói, “Cái chết của bà giống như một cành cây lớn từ cây đại thụ gẫy đổ. Bà đã vượt qua đại dương Luân Hồi (Samsāra). Vì tất cả phiền não đã chấm dứt nên mọi khổ đau cũng huỷ diệt. Khi còn sống bà là một người phụ nữ có thượng trí ngoài việc là bậc cao hạ nhất trong số các tỳ-kheo ni, bà còn sở hữu ngũ thông, vô cùng thành thạo trong Lậu Tận Trí (āsavakkhaya ñāṇa), và là một tỳ-kheo ni hoàn hảo.”

 

TÁN DƯƠNG NIẾT-BÀN

 

Sau đó Đức Phật nói lên hai bài kệ sau:

Ayoghana hatasseva, jalato jātavedassa;

Anupubbhūpasantassa, yathā na ñāyate gati.

Evam sammā vimuttānam, kāmabandhogha tārinam;

Paññāpetum gati natthi, pattānam acalam sukham.

 

Giống như khi người thợ rèn đập chiếc búa tạ trên đe, những tia lửa toé ra chỉ một thoáng rồi tắt. Không cách nào biết được những tia lửa ấy đi về đâu như thế nào, cũng vậy không cách nào biết được vận mệnh (của các bậc A-la-hán) về đâu khi những bộc lưu của ái dục đã được vượt qua và sự bình yên tĩnh lặng đã được thiết lập.

 

Khi người thợ rèn đập chiếc búa tạ trên cái đe, những tia lửa toé ra chỉ một thoáng rồi tắt. Không cách nào biết được chúng đi về đâu. Các bậc A-la-hán đã vượt qua con sóng thuỷ triều đang ùa tới của trận lụt phiền não như dục bộc lưu, kiến bộc lưu, hữu bộc lưu và vô minh bộc lưu. Khi không còn tham ái, thì nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng không thể làm phát sanh các hành danh-sắc được. Với thiền minh sát tâm tử, thuộc parinibbāna (vô dư Niết-bàn), vất bỏ danh-sắc vốn ngừng trôi chảy với sự chứng đắc Niết-bàn. Tất cả những hành nghiệp đều dừng lại. Vì thế không cách nào biết được bậc A-la-hán đi về đâu trong 31 cõi này. Trong ví dụ này những tia lửa thì vô thường và không thực vì thế chúng là phi-hữu. Tương tự nāma (danh) và rūpa (sắc), vốn tạo thành căn bản của cuộc sống trước khi vô dư Niết-bàn, là vô thường, không thực và phi-hữu.

Những người chấp vào ý niệm về tự ngã (atta) có thể đưa ra một nhận định cho rằng ngã tánh của các bậc A-la-hán đã đi vào hư vô. Nhưng đầu tiên và trước hết phải nhớ rằng không có ngã tánh. Cái chúng ta thường gọi là một cá nhân chỉ là một sự đại diện của hiện tượng sanh-diệt của các uẩn. Dựa vào hiện tượng này, chấp thủ (upādāna) sanh; nhưng nó chỉ là một khối khổ. Khi giới, định và thiền minh sát được thực hành một cách đúng đắn, loại mệt mỏi (do phải mang gánh năngh ngũ uẩn) giống như Gotamī therī nói sẽ được phát triển. Lúc đó sợi dây chấp thủ danh-sắc sẽ bị cắt đứt hoàn toàn. Vì thế sau tâm tử của vị A-la-hán, mọi nền móng của hiện hữu đều bị huỷ diệt. Điều này không có nghĩa là hư vô, mà nó muốn nói tới thực tại của sự chấm dứt hoàn toàn vòng khổ luân.

Khi không có sanh hữu mới sanh khởi trên sự diệt khổ thời già, bệnh, chết và các loại khổ đau khác đi kèm với nó biến mất hoàn toàn.

Người ta có thể hỏi là nếu chúng ta đi lên cõi trời nơi đây không có già, bệnh, chết điều đó sẽ chẳng phải tốt hơn nhiều sao? Nhưng đây chỉ là chủ nghĩa lý tưởng ở mức độ cao nhất của nó mà thôi. Loại thiên đàng này chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng. Phàm cái gì đã sanh cái đó phải diệt. Cõi chư thiên và Phạm thiên quả thực là những thiên đàng. Nhưng ở đó bạn sẽ thấy danh-sắc luôn luôn trong tình trạng thay đổi, lúc sanh, lúc diệt liên tục. Do đó khi thời hạn hiện hữu (hết tuổi thọ) của họ kết thúc, họ cũng chết!

Như vậy chỉ với sự diệt của nāma (danh) và rūpa (sắc) vốn cho chúng ta thấy sự thực của khổ (Khổ Đế) hạnh phúc chân thực mới có thể được tìm thấy. Nhờ Đạo và Quả, tham ái vốn tiết lộ cho chúng ta sự thực về nhân sanh khổ (Tập Đế) mới có thể bị huỷ diệt. Chỉ lúc đó các uẩn (khandhas) mới ngừng sanh sau tâm tử liên hệ tới Niết-bàn. Khi tất cả chúng diệt thì vô dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna) kể như thành tựu.

 

LỜI KHUYẾN GIÁO CỦA ĐỨC PHẬT

 

Kinh Apādāna Pāḷi, ở đây một giải trình về Gotamī Therī được đưa ra, trong đó có lời khuyến giáo của Đức Phật cho hàng đệ tử (uyyojana gāthā):

Atta dīpā tato hotha, satipaṭṭhāna gocarā;

Bhāvetvā satta bojjhaṅge, dukkhassantam karissatha.

 

Hãy là hòn đảo cho chính mình, và an trú trong lĩnh vực của bốn niệm xứ (hay các đối tượng của niệm).

Sau khi đã tu tập các pháp giác chi (bojhaṅga— bảy pháp cần thiết cho sự chứng đắc thượng trí), các người sẽ thành tựu Đạo Quả nơi mọi khổ đau chấm dứt.

 

Bốn lĩnh vực quán niệm là kāyānupassanā (quán thân), vedanānupassanā (quán thọ), cittānupassanā (quán tâm) và dhammānupassanā (quán pháp). Đức Phật đã khuyên các đệ tử của ngài thực hành quán niệm như đã mô tả trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta) và an lập mình trong lĩnh vực của sự quán niệm ấy. Đây chính là việc xây dựng một một hòn đảo cho họ để sống trên đó. Nếu bốn cách quán niệm này được thực hành họ có thể mong đợi thành tựu bảy pháp giác chi dẫn đến thượng trí lót đường cho Niết-bàn.

Kết luận, tôi xin cầu nguyện cho mọi người trong thính chúng đã lắng nghe bài pháp này với lòng tôn kính và sự chú tâm thích hợp. Cầu mong mọi người sớm đạt đến Niết-bàn nhờ những thiện tâm và thiện nghiệp của quý vị trong việc thực hành quán niệm hợp với những quy tắc của tứ niệm xứ dẫn đến sự thành tựu bảy pháp giác chi và chứng đắc thượng trí.

 

TV Viên Không tháng 4 năm 2024

 

 

Sabba Dānaṃ Dhamma Dānaṃ Jināti

(Pháp Thí Thắng Mọi Thí)

PHƯƠNG DANH CHƯ PHẬT TỬ HÙN PHƯỚC ẤN TỐNG

SÁCH  TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

 

- GĐ cố Tu Nữ Diệu Tâm và Hoàng Ngọc (cháu bà Tu Nữ Diệu Tâm) và các con cháu, GĐ cô Thuỷ (Bình Dương), Sư Cô Như Nguyện Phòng Phát Hành Chùa Bửu Long, Cô Thanh Hạnh

-  Nhóm Kusala Mitta; Phan Binh, Phan Thân, Nguyễn Thị Đấu, Nguyễn Thị Diệu Trang (USA),  Nguyên Giang, GĐ Diệu Phương (HH mẹ bà Hoàng Thị Ngọc), GĐ Cô Giáo Lan;  GĐ Lê Minh (cô giáo Lan); GĐ Trung Thủy Tiên; GĐ Cô Diệu Anh; Cộng Đồng Sống Tỉnh Thức.

- Hà Nội: GĐ Nguyễn Kim Liên, GĐ Hồng Hiển,

- Hải Ngoại: Cô Nguyễn Thị Hồng Ánh (Canada);  GĐ Hoàng Thụy Bạch Liên (Đức), GĐ Hoàng Minh Bá và (GĐ Anh chú Bá); GĐ Hà Diễm (Canada);

- Long An: Gia đình Tâm Hiền,  Gia đình Võ Tấn Phát, Trần Thu Hà ( Đức), Huỳnh thị Kim Phượng, Võ thị Hoàng An(Nhựt), Trần thị Nỉ ((Long an)

 

 

 

 

 

 

HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

65 Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Email: nhaxuatbanhongduc65@gmail.com

ĐT: 024.39260024     Fax: (024) 39260031

 

TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

Tỳ-kheo Pháp Thông Dịch

 

Chịu trách nhiệm xuất bản

Giám đốc BÙI VIỆT BẮC

Chịu trách nhiệm nội dung

Tổng biên tập LÝ BÁ TOÀN

Biên tập: PHAN THỊ NGỌC MINH

Sửa bản in: Tỳ-kheo Pháp Thông

Trình bày: Cao Hữu Trung

Bìa: Sumanā Kim Lan

Đối tác liên kết:

Cao Hữu Trung

68 Nguyễn Trãi, P3, Q5, TpHCM

 

In … cuốn, 14,5cm x 20,5cm tại Xí Nghiệp in Fahasa, 774 Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình, Tp HCM. Số XNĐKXB: …. Số QĐXB của NXB: …

 

 

 

 

[1] Về đoạn này, bản dịch của Hoà Thượng Minh Châu cũng như bản dịch của Sister Upalavanna tương đối dễ hiểu hơn nên chúng tôi dẫn ra đây để độc giả rộng đường tham khảo:

(Ðối tác)

-- Thưa Ni sư, lạc thọ lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, lạc thọ lấy khổ thọ làm tương đương.

-- Thưa Ni sư, khổ thọ lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, khổ thọ lấy lạc thọ làm tương đương.

-- Thưa Ni sư, bất khổ bất lạc thọ lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, minh lấy giải thoát làm tương đương.

-- Thưa Ni sư, giải thoát lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, giải thoát lấy Niết-bàn làm tương đương?

-- Thưa Ni sư, Niết-bàn lấy gì làm tương đương?

-- (Trung Bộ Kinh Q.I)

 

Noble lady, what is the counterpart of pleasant feelings?
Friend Visākha, the counterpart of pleasant feelings are unpleasant feelings.
What is the counterpart of unpleasant feelings?
Friend Visākha, the counterpart of unpleasant feelings is pleasant feelings.
Noble lady, what is the counterpart of neither unpleasant nor pleasant feelings?
Friend Visākha, the counterpart of neither unpleasant not pleasant feelings is ignorance.
 Noble Lady what is the counterpart of ignorance?
Friend, Visākha, the counterpart of ignorance is knowledge..
Noble lady, what is the counterpart of knowledge?.
Friend, Visākha, the counterpart of knowledge is release.
Noble lady what is the counterpart of release?.
Friend, Visākha, the counterpart of release is extinction.
Noble lady, what is the counterpart of extinction?.

Friend, Visākha, the questions have gone beyond limits. It is not possible to go beyond this limit. Friend, Visākha the holy life is immersed in extinction and extinction is the ultimate aim and end. If you desire approach the Blessed One and ask this question and as he explains it, bear it in mind. (Hiền giả Visākha, câu hỏi đã vượt qua giới hạn. Không thể vượt qua giới hạn này. Đời Phạm hạnh là để nhập vào sự diệt (Niết-bàn). Sự diệt này là mục đích tối hậu, là cứu cánh tối hậu. Nếu muốn hiền giả có thể đi đến Đức Thế Tôn để hỏi câu hỏi này, và Đức Thế Tôn trả lời như thế nào hãy như vậy thọ trì.)

[2] Ba vòng xoay của khổ hay tam luân­ — phiền não luân, nghiệp luân, quả luân

 

[3] Pavatta:已轉起的, 已起(發生)的, 輪轉, 生死)流轉 (dĩ chuyển khởi, dĩ khởi hay phát sanh, luân chuyển, sanh tử, lưu chuyển.

[4] 無為, 不被為作(造作) vô vi, bất bị vi tác (tạo tác), Niết-bàn là vô vi, không bị làm ra hay tạo ra.

[5] Vāsanā hay tiền kiên tật, là một ấn tượng quá khứ trong tâm ảnh hưởng đến hành vi cư xử. Tiền khiên tật có thể là tốt hoặc xấu: chẳng hạn, cảm thông khi ai đó đang cần với lòng từ mẫn hoặc ngược lại, đáp lại có tính cách phòng thủ bởi vì tình huống gợi lên một ký ức tiêu cực. Nói cách khác tiền kiên tật là khuynh hướng đáp lại những tình huống một cách tự động. Chúng có thể được xem như những mô thức cư xử đã ăn sâu trong tiềm thức. Tiền khiên tật cũng có thể có nghĩa là một mong muốn hay mong đợi cái gì đó hay cũng có thể là kiến thức bắt nguồn từ ký ức.

[6] Āsava hay lậu hoặc gần như đồng nghĩa với phiền não (kilesa). Chúng ngủ ngầm trong tất cả phàm nhân và sẵn sàng sanh khởi lên bề mặt ngay khi cơ hội có mặt.

[7] Muta: sense perceptions through nose, tongue and touch, sự nhận thức qua mũi, lưỡi và thân (xúc), thường dịch là thức tri.

[8] Udāna: n. [BSk. 〃]  自說經 (Tự Thuyết Kinh), 無問自說 (Vô Vấn Tự Thuyết), 感興語 (Cảm Hứng Ngữ) .

 

[9] Tám pháp khó thể nhập (Duppaṭijjhā dhammā):

Đây là tám phi thời phạm hạnh trú (Akkhaṇā asamayā brahmacariyavāsāya):

1. Khi trong thế gian có đức Như Lai bậc Ala hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện, và giáo pháp được thuyết giảng đưa đến an tịnh, tịch diệt, giác ngộ do bậc Thiện Thệ khai thị, hạng người này sanh trong địa ngục. (Tathāgato ca loke uppanno hoti arahaṃ sammāsambuddho, dhammo ca desiyati opasamiko parinibbāniko sambodhagāmī sugatappavedito. Ayañca puggalo nirayaṃ uppanno hoti).

2. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm loài thú. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggalo tiracchānayoniṃ uppanno hoti).

3. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm loài ngạ quỉ. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato pettivisayaṃ uppanno hoti).

4. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm chư thiên thọ mạng dài. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato dīghāyukaṃ devanikāyaṃ uppanno hoti).

5. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh vào các xứ biên địa giữa các loài mọi rợ vô trí, những nơi mà không có các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ lui tới. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato paccantimesu janapadesu paccājāto hoti milakkhūsu aviññātāresu yattha natthi gati bhikkhūnaṃ bhikkhunīnaṃ upasakānaṃ upāsi-kānaṃ).

6. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này tái sanh ở các Trung quốc độ nhưng lại có tà kiến, có quan điểm điên đảo. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti, so ca hoti micchādiṭṭhiko viparītadassano).

7. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này tái sanh ở các Trung quốc độ nhưng thiểu trí, đần độn, câm điếc, không có khả năng hiểu ý nghĩa thiện ngôn, ác ngôn. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti, so ca hoti duppañño jalo eḷamūgo na paṭibalo subhāsitadubbhāsitānaṃ atthaṃ aññātuṃ).

8. Khi trong thế gian không có đức Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện, và giáo pháp an tịnh, tịch diệt, dẫn đến giác ngộ mà bậc Thiện Thệ khai thị không được tuyên thuyết, hạng người sanh ra tại các Trung quốc độ, có trí tuệ, khôn ngoan, không câm điếc, có khả năng hiểu ý nghĩa thiện ngôn, ác ngôn . (Tathāgato ca loke anuppanno hoti arahaṃ sammāsambuddho dhammo ca na desiyati opasamiko parinibbāniko sambodhāgāmī sugatappa-vedito, ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti so ca hoti paññavā ajaḷo aneḷamūgo paṭiba-lo subhāsitadubbhāsitānaṃ atthaṃ aññātuṃ). (KTPH Tỳ-kheo Giác Giới)

 

 

[10] Abhisaṅkhāra: 行作 (hành tác), 為作 (vi tác)。

[11] Kammaṭṭhāna: 業處 (nghiệp xứ, theo nghĩa nơi để tâm làm việc), 行處 (hành xứ), 觀念 (quán niệm), 修行 (tu hành). Có thể hiểu kamaṭṭhāna như những đề mục thiền hay nơi để tâm hành thiền trên đó.

[12] Pāṭihāriya 神變 (thần biến), 神通 (thần thông).

[13] Thadingyut — Lễ Hội Ánh Sáng của người Miến. Nó được tổ chức trong ba ngày trăng tròn của tháng thứ bảy theo lịch Miến (tương đương tháng 10 DL).

[14] Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. (Hoà Thương Minh Châu dịch)

 

[15] Yojana 由旬, do tuần, 由延 do duyên, một đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ khoảng 7 dặm Anh, có chỗ nói 14 km.

[16] Nigrodhārāma: A grove near Kapilavatthu, where a residence was provided for the Buddha when he visited the city in the first year after his Enlightenment (MA.i.289). It belonged to a Sākyan named Nigrodha, who gave it to the Order. (Một khu rừng gần Kapilavatthu, nơi đây một tinh xá đã được xây dựng cho Đức Phật khi ngài đến thăm khinh thành vào năm thứ nhất sau khi giác ngộ (MA.i.289). Khu rừng này thuộc một người Thích Ca (Sākyan) tên Nigrodha, người này đã hiến dâng nó cho Tăng Đoàn của Đức Phật.)

[17] Koliya: một trong những bộ tộc theo chế độ cộng hoà thời Đức Phật. Lãnh thổ của người Sākiyan (Thích Ca) và Koliya nằm kề nhau, chia tách bởi con sông Rohinī. Cả hai đều tuyên bố có mối quan hệ với Đức Phật. Từ sau vụ tranh chấp nguồn nước sông Rohinī, một số người Koliya xin tị nạn tại Sākiya trong đó có các hoàng tử xin xuất gia này.

[18] Kalawiṅka (Ca lăng tần già) là tên của một loài chim quý, lông màu đen, mỏ đỏ, tiếng hót cực hay, êm ái, véo von hơn cả tiếng trời, thường sống thành cặp chẳng hề rời nhau, còn được gọi là mỹ âm điểu, diệu thanh điểu. Tiếng hót của loài chim này thường được ví như pháp âm của Phật. Theo Tuệ uyển âm nghĩa, quyển hạ: “Ca lăng tần già là loài chim có tiếng hót rất hay, tuyệt diệu. Loài chim này vốn sống ở Tuyết Sơn, tiếng hót hòa nhã, thánh thót, du dương, người nghe không biết chán”. Cộng mạng là một loài chim lạ, cực kỳ quý hiếm sống ở Tuyết Sơn, với đặc điểm là tuy một thân nhưng có hai đầu nên còn gọi là mạng mạng điểu hay sanh sanh điểu. (sưu tầm)

[19] pāṭihāriya:a. n. [paṭi-hṛ 的 grd., BSk. prātihārya] 神變 (thần biến), 神通 (thần thông).

TÌM HIỂU VỀ NIẾT-BÀN

(ON THE NATURE OF NIBBĀNA)

 

“Bản Chất của Niết-bàn” hay “Tìm Hiểu Về Niết-Bàn” là một cuốn sách Pháp nói về những gì liên quan đến Niết-bàn. Nó bao gồm phương pháp căn bản thực hành minh sát thực tiễn cũng như cách làm thế nào để thành tựu sự bình yên của Niết-bàn trong khi hành thiền minh sát. Những chỗ Pāḷi và Chú Giải khó hiểu đã được Tôn giả Mahāsi Sayadaw, tác giả của cuốn sách, làm cho rõ ràng và chính xác hơn. Có thể nói cuốn sách cung cấp những chỉ dẫn trong sáng, dễ hiểu cho những hành giả nào đang hành theo tà đạo với những quan niệm lầm lạc giúp họ đặt chân lên Chánh Đạo. Có thể dẫn ra đây một ví dụ, Sayadaw đã chỉ dẫn rõ ràng rằng nếu ngay lúc ban đầu hành thiền các hiện tượng xảy ra tại sáu cửa giác quan không thể ghi nhận được, thời một trong những thân hành rõ rệt nhất phải được ghi nhận trước, nghĩa là trong khi đang đi, hành động đi và sự chuyển động của tứ chi phải được quán sát và ghi nhận trước; đối với các thân hành (hoạt động của thân) khác cũng làm như vậy. Do đó, hiện tượng rõ rệt nhất của sắc (rūpa), đó là sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, được xem như nổi bật nhất để hành giả ghi nhận. Chỉ khi định (samādhi) có được đà hay lực đẩy tới thì tất cả mọi hiện tượng khác xuất hiện tại sáu cửa giác quan mới có thể được ghi nhận.

Trong cuốn sách Pháp (dhamma) này, khái niệm Niết-bàn đã được giải thích một cách đầy đủ bắt đầu từ giai đoạn chứng đắc hữu-dư y Niết-bàn (sa-upādisesa nibbāna) cho đến đích cuối cùng — vô-dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna). Khi vị A-la-hán nhập Niết Bàn vào lúc chết gọi là ‘Bát-Niết-bàn’ (Parinibbāna). Sự giải thích thêm được đưa ra là “Đức Phật thuyết rằng với sự thành tựu giai đoạn A-la-hán khi các phiền não không còn hiện hữu, nhưng tàn dư của sắc uẩn (rūpakkhandhā) vẫn còn và rằng trạng thái này được gọi là hữu-dư y Niết Bàn. Sau sự diệt độ hay ‘vô-dư-y Niết Bàn’ của một vị A-la-hán, cả tàn dư của sắc uẩn lẫn phiền não đều chấm dứt hiện hữu và các hành danh – sắc hoàn toàn tuyệt diệt. Sự chấm dứt và tuyệt diệt hoàn toàn này được gọi là vô-dư-y Niết Bàn.

Trong uốn sách này cũng như trong các bài pháp hay các bài viết về pháp của mình, Tôn giả Mahāsī Sayadaw đã giải thích cả hai phương diện — phương diện lý thuyết của pháp dựa trên kinh điển, đó là pháp học (pariyatti-pháp học), và phương diện thực tiễn của việc thực hành thiền minh sát, tức pháp hành (paṭipatti-pháp hành), nhờ đó cung cấp cho hành giả một kiến thức toàn diện về pháp. Ngài cũng nói về gánh nặng của Năm Thủ Uẩn và về gánh nặng của bất thiện pháp (akusala dhamma), của thắng hành (abhisankhāra-行作, 為作 hành tác hay vi tác), và phương pháp quăng bỏ gánh nặng để thoát khỏi mọi khổ đau phát sanh từ phiền não (kilesā), tham ái và tái sanh sau đó.

Tôn giả Mahāsī Sayadaw đã giải thích nó một cách rõ ràng và thuyết phục bằng thứ ngôn ngữ giản dị  rằng sự hiện hữu mới (tái sanh) là kết quả của thiện pháp và bất thiện pháp, hay của phước và phi phước; những kết quả của chúng được gọi là Dị Thục Quả (vipāka) trong Đạo Phật. Sự hiện hữu mới này khiến cho các hành danh và sắc uẩn có mặt và tạo ra những phiền não. Phiền não, tham ái thuộc mọi hình thức, tạo ra nghiệp (kamma). Nghiệp quá khứ đã tạo các duyên cho hiện tại, trong khi nghiệp hiện tại tạo ra các duyên (điều kiện) cho sự hiện hữu trong tương lai. Bao lâu nghiệp lực này còn tồn tại, chừng đó còn có tái sanh. Để loại trừ phiền não, nghiệp và quả của nghiệp, người ta cần phải nỗ lực để thực hành bố thí (dāna), trì giới (sīla) và hành thiền (bhāvanā) đặc biệt chú trọng đến thiền minh sát (vipassanā), loại thiền nếu thực hành cuối cùng sẽ đạt đến Đạo Quả Trí (magga-phala ñāṇa) và Niết-bàn. Vào lúc đắc đạo quả A-la-hán, tất cả nghiệp và quả của của nghiệp sẽ chấm dứt.

Liên quan đến giáo lý về Niết-bàn, Đức Phật dạy rằng: Niết-bàn là một pháp vốn là kết quả tự nhiên và chắc chắn của sự diệt tận tham ái. Và hữu ái hay sự khát khao được hiện hữu trong đời này và đời sau là một trong số những hình thức của tham ái phải được bứng gốc.

Có một số những quan niệm hiện hành về Niết-bàn theo các trường phái tư tưởng khác nhau. Một số cho rằng Niết-bàn là một thiên cung hay một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ; một trú xứ có kích thước khủng khiếp, một đô thị lớn, một vầng hào quang hay một ánh sáng chói lòa kỳ vỹ. Một số chấp vào quan niệm cho rằng Niết-bàn là một trạng thái trong đó cái ngã cá nhân bị hút hoàn toàn vào trong cái ngã vũ trụ (tiểu ngã nhập vào làm một với đại ngã),  v.v… Tất cả những quan niệm này chỉ là sự mơ tưởng phát sanh từ vô minh.

Nāgasena, Triết Gia Phật giáo vĩ đại so sánh Niết-bàn với bông sen và kết luận bằng cách nói: “Và nếu ngài hỏi, làm thế nào để biết được Niết-bàn? Tôi sẽ nói Niết-bàn được đạt đến bằng sự giải thoát khỏi khổ đau và nguy hiểm, bằng niềm tin, bằng sự bình yên, bằng sự an tịnh, bằng hỷ lạc, bằng sự tinh tế, bằng sự thanh tịnh, bằng sự tươi mát.” (Milindapañhā Mi-tiên Vấn Đáp).

“Thưa Đại Vương Niết-bàn là như vậy. Nó có thể được nhận thức bằng tâm thanh tịnh, cao thượng, chánh trực, không chướng ngại, không có những ước muốn trần tục. Có Niết-bàn, nhưng nó không thể được mô tả bằng màu sắc hay hình dạng.”

Sau hết, Niết-bàn nhắm mục đích làm cho cuộc sống của chúng ta an bình bằng cách dập tắt mọi hình thức của tham ái. Vì ngay chính ý niệm Niết-bàn đã là trạng thái tâm cùng sanh với sự an bình này. Và chính trong cái khái niệm của Đạo Phật về Niết-bàn này mà chúng ta có sự phân tích toàn diện nhất về vũ trụ. Không có sự bình an và hạnh phúc chân thực nào là khả dĩ trừ phi một người thoát khỏi những tham muốn ích kỷ và ngã mạn do ba loại ái sanh ra. Chính con đường giải thoát khỏi tham ái và đạt đến bình yên vĩnh hằng được dạy trong giáo lý về Niết-bàn này được xem như định mệnh tối cao đang chờ đợi toàn nhân loại.

Từ đầu tiên và cuối cùng về Niết-bàn được ngài Nāgasena nói trong một cụm từ: “Niết-bàn là!” Vì không có sự thảo luận nào có thể giúp một người với tâm trí hữu hạn nhận thức được cái Vô Hạn. Niết-bàn không thể được nhận thức; nó chỉ có thể được kinh nghiệm.

Hy vọng rằng sau khi đọc hết cuốn sách này một cách thấu đáo, bạn sẽ thấy được những gì Niết-bàn muốn nói mà không có bất kỳ sự mơ hồ nào. Ngài Mahāsī đã giải thích nó bằng những từ ngữ dứt khoát có thể được đúc kết như: “Niết-bàn là sự bình yên vĩnh hằng”.  Nó được tạo ra bởi sự chứng đắc A-la-hán Thánh Đạo vốn có thể đạt được bằng cách đi theo Chánh Đạo qua việc thực hành thiền minh sát (vipassanā) đích thực. Mọi dấu vết của phiền não (kilesās), nghiệp (kamma) và quả (vipāka) hoàn toàn bị xoá sạch và tuyệt diệt khi một người đạt đến Niết-bàn. Với sự hoàn thành này một trạng thái tâm được đạt đến nhờ đó mọi tham ái chuyển thành parinibbāna (Bát Niết-bàn). Đây là sự chấm dứt mọi khổ đau.

Cầu mong các bạn được an vui và giác ngộ

 

Min Swe

Thư ký

Buddha Sāsanā Nuggaha Organization

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NIBBĀNAPAṬISAMYUTTA KATHA

BẢN CHẤT CỦA NIẾT BÀN

Hay

LUẬN VỀ NIẾT-BÀN

Thiền sư Mahāsī Sayadaw

 

PHẦN I

GIỚI THIỆU

 

Phần cuối bài giảng tuần vừa rồi của tôi về Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūlavedalla Sutta), Tôi có nhắc đến cuộc đối đáp giữa nam cư sĩ Visākha và Trưởng lão ni Dhammadinnā. Visākha hỏi ”Cảm thọ lạc giống như thế nào?” Trưởng lão ni Dhammadinnā trả lời: “Nó giống như thọ khổ.” Lạc và khổ hoàn toàn đối nghịch nhau; nhưng điều mà Trưởng lão ni Dhammadinnā muốn gây ấn tượng trên nam cư sĩ Visākha là về phương diện hiện tượng, lạc và khổ là một và giống như nhau[1].

Những câu hỏi và trả lời sau đây cũng vậy:

H: Bất lạc bất khổ thọ giống như thế nào?

Đ: Nó giống như vô minh.

Khi lạc và khổ khởi lên hoặc ở thân hoặc trong tâm nó có thể dễ dàng được nhận ra. Nhưng bất khổ bất lạc hay thọ xả thì không thể cảm nhận một cách dễ dàng như vậy. Chẳng hạn, tham và sân có thể được nhận biết ngay khi chúng tự khẳng định; nhưng khi vô minh đang tác hành nó không tự hiển lộ một cách rõ ràng. Do đó, sự thể hiện của thọ xả rất giống như vô minh.

H: Vô minh giống như thế nào?

Đ: Vô minh giống như minh.

Minh ở đây có nghĩa là A-la-hán Thánh Đạo trí (ariyāmagga-ñāṇa), trong khi vô minh che đậy trí đó. Minh nhận thức Tứ Thánh Đế và truyền đạt nó đến mọi người, trong khi vô minh, không hiểu biết Tứ Đế, cố gắng che đậy chúng. Như vậy, minh ở đây là chính đề (thesis) và vô minh là phản đề (antithesis) của nó.

H: Thế nào là minh?

Đ: Đó là giải thoát (vimutti)

Vimutti (giải thoát) biểu thị kết quả của Đạo. Thực tế, Đạo (magga) và Quả (Phala) là như nhau, bởi vì chúng chỉ là những phương diện khác nhau của cùng một sự thành tựu. Quả là kết quả lợi ích của sự chứng đắc Đạo mà các bậc Thánh thành tựu. Nó là sự tái diễn. Do đó, minh và giải thoát là đồng nghĩa.

H: Vậy giải thoát giống như thế nào?

Đ: Giải thoát giống Niết Bàn.

Khi một người đắm chìm trong quả của Đạo (nhập vào thiền quả), người ấy đang trong trạng thái bình yên của Niết Bàn. Do đó Niết Bàn coi như tương đương với quả của Đạo.

H: Còn Niết Bàn giống như thế nào?

Ở giai đoạn này của câu hỏi, Trưởng Lão ni Dhammadinnā đã trừng trị Visākha. “Hiền giả đã đi quá xa!” bà nói, “Hiền giả không biết dừng lại ở chỗ hiền giả nên dừng. Theo lời dạy của Đức Phật, Niết Bàn là tối thượng. Giới, định và tuệ kết thúc ở Niết Bàn. Chúng không thể vượt qua Niết Bàn. Vì thế, lẽ ra hiền giả không nên hỏi câu hỏi Niết Bàn giống như thế nào này. Nếu hiền giả không thỏa mãn với sự giải thích của tôi, hiền giả có thể hỏi vấn đề với chính Đức Phật.”

Visākha liền đi đến Đức Phật và thuật lại với Ngài việc ông đã đặt những câu hỏi và nhận được những câu trả lời như thế nào. Đức Phật nói, “Nếu ông hỏi Ta thì Ta cũng sẽ trả lời những câu hỏi của ông y như Dhammadinnā đã trả lời mà thôi.” Đức Phật đã tán dương bà như vậy. Và đó là chỗ bài giảng của tôi chấm dứt.

Lúc đó tôi cũng nghĩ đến việc giảng một bài pháp về Niết Bàn cho quý vị hiểu. Nhưng do thiếu thời gian nên tôi không thực hiện được việc đó. Cho đến hôm nay tôi mới sắp xếp được thời gian để thuyết bài pháp này vì lợi ích của quý vị.

 

NIẾT-BÀN LÀ GÌ?

 

Niết Bàn có nghĩa là sự dập tắt hay hủy diệt. Cái gì bị dập tắt hay bị diệt? Cái khổ trong phiền não luân (kilesa vaṭṭa), nghiệp luân (kamma vaṭṭa) và quả luân (vipāka vaṭṭa) bị dập tắt hay hủy diệt. Phiền não luân bao gồm vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), và chấp thủ (upādāna). Nghiệp luân bao gồm cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp góp phần cho sự xuất hiện của vòng tử sanh luân hồi bất tận. Vòng nghiệp quả (kamma-vipāka) muốn nói đến những hậu quả của nghiệp, hoặc thiện hoặc bất thiện. Mỗi nghiệp đều tạo ra một quả gồm danh, sắc, sáu xúc xứ, thọ,…. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ chỉ là những sự thể hiện của quả nghiệp (vipāka).

Vô minh là không hiểu biết hay không nhận ra bản chất thực của hiện hữu với minh sát trí khi thấy hay nghe một cái gì. Và khi người ấy tuyên bố rằng vị ấy thấy hay nghe một cái gì, vị ấy tuyên bố như vậy với tà kiến cho rằng thực sự chính tự ngã của vị ấy thấy hay nghe. Nhưng thực tế không có cái ngã nào cả. Tà kiến này đánh lừa một người khiến họ tin rằng các pháp là thường hoặc lạc,….từ đó phát sinh tham ái, và khi ái này tăng cường độ, nó trở thành thủ. Đây là cách phiền não xây dựng lên đế chế của nó.

Ngay khi sự chấp thủ đối với các đối tượng giác quan phát triển, người ta liền ra sức nỗ lực để thỏa mãn lòng ham muốn đối với các đối tượng giác quan ấy. Sau đó các hành (saṅkhāras) sẽ bắt đầu hoạt động. Trong ngữ cảnh hiện tại saṅkhāras có thể được gọi là các hành nghiệp, vì chúng trách nhiệm cho sự tạo thành hay quyết định tính chất của nghiệp. Như kết quả của các hành này, khi cái chết xảy ra trong tiến trình hiện hữu, chắc chắc nó sẽ được theo sau bởi sự tái sanh, vì tâm tục sanh (paṭisandhi citta), khởi lên ngay sau tâm tử (cuti citta). Cái chết được theo sau bởi sự trở thành hay tái sanh. Nói cách khác, một kiếp sống mới bắt đầu. Có thể nói sự tái sanh này là kết quả của các hành nghiệp vốn tạo ra thức, danh, sắc, lục nhập (sáu xúc xứ), xúc, thọ,… liên tục không ngừng.

Do đó, duyên quả luân (vipāka vaṭṭa), phiền não luân (kilesa vaṭṭa) sanh; và duyên phiền não luân, nghiệp luân (kamma vaṭṭa) sanh. Ba luân này cứ xoay vần không dứt trong suốt cuộc luân hồi bất tận. Chỉ khi minh sát trí được áp dụng để thực hành việc ghi nhận các hiện tượng sanh diệt của các uẩn thì tâm Đạo mới được phát triển và Niết-bàn mới được đưa đến gần. Ở giai đoạn này, vô minh, cùng với phụ tá trung thành của nó là phiền não, bị hủy diệt. Khi phiền não vắng mặt thời không có nghiệp mới nào có thể được tạo thành. Bất kỳ tàn dư của nghiệp nào còn tồn tại sau sự hủy diêt của phiền não cũng sẽ bị làm cho vô hiệu hay không còn hiệu quả. Đối với một bậc A-la-hán, sau tâm tử sẽ không có kiếp sống mới nào được hình thành. Bởi vì có sự cắt đứt hoàn toàn sợi dây hiện hữu biểu thị cho sự huỷ diệt trong cái thấy Niết-bàn.

Vì thế, sự định nghĩa về Niết-bàn sẽ là như vầy:

Nibbāti vaṭṭadukkham etthāti nibbānaṃ, nibbāti vaṭṭadukkham etasmim adhigatehi va nibbānam.

Trong Niết-bàn, khổ luân (vòng khổ đau ) chấm dứt một cách bình yên. Vì thế diệt khổ là Niết-bàn. Nói cách khác, khi A-la-hán thánh Đạo được đạt đến, khổ luân chấm dứt. Tóm lại, chỉ cần lưu ý điều này ­— Niết-bàn là đồng nghĩa với sự bình yên tuyệt đối. Sự huỷ diệt (tham) khiến cho phiền não luân, nghiệp luân và quả luân diệt hoàn toàn.­Chú giải nói rằng trạng thái mát lạnh bình yên hay Santi (An Tịnh) là một đặc tính của Niết-bàn. Khi sự mát lạnh xảy ra thì than hồng của khổ bị dập tắt. Nhưng cái phải được ghi nhận với nỗ lực chuyên cần là sự huỷ diệt hoàn toàn của tam luân — phiền não luân, nghiệp luân và quả luân vốn luôn luôn tạo ra danh, sắc, hành nghiệp,…

Trong Kinh Châu Báu (Ratana Sutta), sự huỷ diệt này được mô tả như dập tắt ngọn lửa. “Nibbāti dhīrā yathāyam padīpo,” (‘Bậc trí chứng Niết-bàn ví như ngọn đèn tắt’). Với những người có trí tuệ giống như các bậc Thánh A-la-hán, tất cả hữu (sự trở thành hay tái sanh) đều bị dập tắt giống như cách ngọn đèn bị tắt vậy. Những nghiệp cũ của họ sau khi đã kiệt quệ, không có nghiệp mới tạo ra tái sanh nào có thể sanh khởi. Như vậy ngọn lửa hiện hữu đã bị dập tắt.

 

KINH BẢO HỘ CHÂU BÁU

(RATANA SUTTA PARITTA)

 

Một đoạn kệ có liên quan trong Kinh Châu Báu nói như vầy:

Khīnaṃ purā naṃ navaṁ natthi sambhavaṁ

Virattacittā yatike bhavasmiṁ

Te khīṇabijā avirūḷhichanda

Nibbanti dhārā yathā yaṁ padīpo

(Nghiệp cũ đã tiêu mòn,

Nghiệp mới không sanh khởi

Nhàm chán kiếp lai sanh,

Chủng tử dục đoạn tận

Bậc trí chứng Niết-bàn

Ví như ngọn đèn tắt.)

 

Bậc thánh A-la-hán diệt phiền não với sự huỷ diệt mọi dấu vết của chúng bằng Thánh Đạo. Và Thánh Đạo này được thành tựu nhờ minh sát trí mà vị ấy đạt được qua việc hành thiền minh sát ghi nhận sự sanh-diệt của danh và sắc xuất hiện ở sáu cửa giác quan. Một khi đã thoát khỏi các kiết sử, bậc A-la-hán không còn phạm vào bất cứ điều ác nào nữa, mặc dù vị ấy vẫn tiếp tục làm các nghiệp công đức một cách bình thường. Vị ấy làm điều thiện theo một số cách. Chẳng hạn, vị ấy thuyết Pháp hay lắng nghe người khác thuyết Pháp. Vị ấy thường xuyên lễ bái Đức Phật và các bậc Trưởng Lão. Vị ấy bố thí đồ ăn uống và y phục một cách dồi dào đến những ai cần. Vị ấy hành Giới, Định, Tuệ với lòng mộ đạo. Nhưng vì vị ấy không có những phiền não như mọi người nên những nghiệp công đức này không có hiệu lực cho quả. Tất cả những điều thiện vị ấy làm đều không cho quả. Do không có nghiệp mới nên không có kiếp sống mới đối với vị đã đặt chân lên Thánh Đạo (A-la-hán).

Tôi để ý thấy có những người cư sĩ dốt nát không những đã giải thích sai kinh điển mà còn thuyết giảng cho những người theo họ rằng không nên tạo tác thiện nghiệp (hay làm những nghiệp công đức) vì thường thì các bậc Thánh A-la-hán không làm. Nếu những lời dạy này được người ta tin và hành theo thời họ sẽ không có được chút phước báu nào; thay vào đó, họ sẽ chỉ làm những điều sẽ dẫn họ xuống bốn cõi khổ mà thôi. Bạn có thể cố ý tránh làm điều thiện. Nhưng điều đó có thể không gây hại gì cho bạn, bởi vì việc tránh đó không tạo ra những phản ứng. Tuy nhiên một khi bạn nhượng bộ cho điều ác, bạn sẽ có khuynh hướng đắm chìm trong điều ác mà không cảm thấy e sợ hay hối hận, do bị xúi giục bởi tham, sân, si, ngã mạn và tà kiến. Những ác nghiệp của bạn chắc chắn sẽ dẫn đến những ác quả tương xứng, trong trường hợp đó bạn sẽ bị dẫn độ vào những cõi khổ sau khi chết.

 

RA LỆNH NGỪNG TẠO NGHIỆP

 

Nếu bạn thực sự muốn ra lệnh cho nghiệp mới ngừng sanh khởi vào lúc nghiệp cũ diệt, bạn phải hành thiền minh sát với ý định chứng đắc Đạo Quả. Tôi sẽ nói cho bạn biết cách hành như thế nào. Trước tiên bạn phải thành thạo trong việc giữ giới.  Sau khi giới đã được làm cho vững chắc, bạn phải có được trí tuệ thiền định để hoàn thiện thiền của mình. Nếu bạn có một bậc thiền (jhāna) nào đó thì tốt; vì với thiền định làm nền tảng bạn có thể nỗ lực hành minh sát một cách dễ dàng hơn. Nhưng cho dù bạn không thể tập trung vào thiền định, bạn vẫn có thể thực hành bài tập canh chừng sáu cửa giác quan và ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc, hợp với những chỉ dẫn trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta).

Xét cho cùng thì việc ghi nhận này tự thân nó đã là thực hành thiền minh sát. Trước khi bạn có thể ghi nhận được tất cả những gì đang xảy ra tại sáu cửa giác quan, lúc ban đầu bạn nên ghi nhận bất cứ sự chuyển động nào của thân mà bạn thấy dễ ghi nhận nhất. Chẳng hạn, nếu bạn đang đi, hãy bắt đầu hành minh sát với việc ghi nhận hiện tượng đi. Nếu bạn đang ngồi hãy biết rõ chính cái hành động ngồi của bạn. Bắt đầu với sự chuyển động của thân nào, như tôi đã nói, dễ cảm thấy nhất. Riêng tôi thì tôi khuyên hành giả (yogis) nên ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của thành bụng khi chúng ta thở vào và thở ra. Trong khi bạn đang ghi nhận sự chuyển động của bụng có thể tâm bạn sẽ phóng đi. Bạn có thể nghĩ về chuyện này chuyện nó, hay bạn có thể tưởng tượng mọi thứ. Hãy ghi nhận sự suy nghĩ và tưởng tượng này. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi. Hãy ghi nhận sự mệt mỏi này. Bạn có thể cảm thấy nóng hay đau khi gắng sức. Hãy ghi nhận sự sanh và diệt của những cảm giác này. Khi thấy bạn ghi nhận hiện tượng thấy hay khi nghe ghi nhận hiện tượng nghe. Khi bạn cảm giác những cảm thọ lạc bạn cũng phải ghi nhận chúng.

 

TÂM THANH TỊNH

 

Lúc mới đầu hành thiền minh sát (vipassanā), định lực của bạn còn yếu. Vì thế tâm bạn có thể đi chệch ra ngoài đối tượng thiền. Khi tâm lang thang hay phóng tâm, hãy ghi nhận sự lang thang của nó. Khi bạn lập đi lập lại việc ghi nhận các hiện tượng nhiều lần, định lực của bạn sẽ càng lúc càng trở nên mạnh hơn, và tâm bạn lúc đó không thể rời khỏi đối tượng mà bạn đang ghi nhận nữa, mà sẽ hợp nhất với nó. Thỉnh thoảng bạn có thể tưởng tượng thế này thế kia. Hãy ghi nhận nó ngay lập tức và cuối cùng bạn sẽ quen với tiến trình suy nghĩ này. Ngay khi bạn nhận ra mình đang trong tiến trình suy nghĩ hay tưởng tượng, hãy ngừng suy nghĩ về nó và đưa tâm đến sự phồng xẹp của bụng liền. Lúc này bạn sẽ nhận ra rằng tâm ghi nhận đối tượng ở sát-na hiện tại được đi trước bởi tâm ghi nhận tương tự đã qua và rằng nó đang được theo sau bởi tâm sẽ làm cái việc ghi nhận tương tự ở sát-na kế tiếp. Khi tâm hoàn toàn bận rộn với việc ghi nhận đối tượng trong mọi lúc nó sẽ trở nên thanh tịnh. Và điều này được gọi là citta visuddhi hay tâm thanh tịnh.

 

KIẾN THANH TỊNH

 

Khi tâm đã được làm cho thanh tịnh như vậy, nó sẽ trong sáng, có thể nhận biết các đối tượng giác quan một cách rõ ràng. Sự trong sáng này sẽ đưa bạn đến chỗ thấy rõ rằng tâm ghi nhận khác biệt với các đối tượng giác quan đang được ghi nhận. Sau khi tập đi tập lại nhiều lần, hành giả sẽ đi đến kết luận rằng chỉ có hai thứ trong toàn bộ tiến trình ghi nhận này, đó là tâm biết và đối tượng được biết. Ở giai đoạn này hành giả kể như đã phát triển được trí hiểu biết về thực tại của các hiện tượng do phân tích các uẩn thành danh và sắc (nāmarūpapariccheda ñāṇa – danh-sắc phân tích trí). Một khi trí này thành thục, Kiến Thanh Tịnh (diṭṭhi visuddhi) kể như đã thành tựu.

 

THẨM SÁT TRÍ

 

Khi quan kiến của một người đã được thanh tịnh, và khi họ tiếp tục hành thiền minh sát ghi nhận các hiện tượng sanh diệt của danh và sắc, họ sẽ phân biệt được nhân và duyên cho danh sắc. Sự phân biệt này gọi là nhân duyên phân biệt trí (paccayapariggaha ñāṇa). Trí này tẩy sạch mọi hoài nghi; và giai đoạn thanh tịnh này được gọi là đoạn nghi thanh tịnh (kaṅkhāvitaraṇa visuddhi), sự thanh tịnh nhờ vượt qua hoài nghi. Nếu hành giả tiếp tục hành thiền thêm nữa, hành giả sẽ nhận ra rằng các đối tượng của sự quan sát sanh khởi đi sanh khởi lại liên tục và biến mất ngay sau khi xuất hiện. Ghi nhận tất cả những điều này, hành giả có thể phân biệt được ba giai đoạn của hiện tượng, đó là giai đoạn sanh, giai đoạn trú và giai đoạn diệt. Điều này có nghĩa là danh sắc đang xảy ra hiện giờ là do quá khứ làm duyên, và nó cũng sẽ làm duyên cho danh sắc trong tương lai. Giai đoạn trí này thẩm sát các uẩn như những tập hợp; và kết quả của sự thẩm sát như vậy nhất định sẽ là sự phát hiện ra rằng những gì xuất hiện và biến mất là vô thường, khổ và vô ngã. Trí thẩm sát này trong Pāḷi gọi là samāsana ñāṇa.

 

TRÍ THẤY SỰ SANH VÀ DIỆT CỦA CÁC UẨN

 

Khi hành giả tiếp tục ghi nhận và quan sát sự sanh và diệt của các uẩn qua sáu cửa giác quan, niệm (sati) sẽ có được sức mạnh và hành giả nhận ra sự sanh và diệt ngay tức thời khi chúng xảy ra. Nhờ đó vị ấy làm vững chắc thêm tịnh và hỷ (pītipassadhi). Trí thấy sự sanh diệt của danh sắc này là sanh diệt trí (udayabba ñāṇa).

Quan sát thêm nữa, bản chất rỗng không của các pháp hữu vi sẽ hiển lộ  cùng với sự biến mất của hình tướng và thực chất của chúng . Cả tâm biết và đối tượng biết tan rã nhanh như khi chúng xuất hiện. Trí liên quan đến sự diệt của các pháp này được gọi là diệt trí (bhaṅga ñāṇa).

 

  NHẬP LƯU

 

Sự gắn tâm vào Diệt Trí (bhaṇga ñāṇa) làm cho trí này phát sanh cái nhìn vào các pháp đang tan hoại với sự sợ hãi hoặc ghê tởm. Vì thế nó sẽ dẫn đến sự phát triển hành xả trí (saṇkhāruppekkhā ñāṇa), tức trí bình thản đối với tất cả pháp hữu vi, xem tất cả các hành nghiệp như không đáng ghê tởm cũng không đáng ưa thích. Khi trí hành xả này phát triển nhờ tiếp tục thực hành thiền minh sát, tâm biết bị hút vào sự diệt của tất cả danh, sắc và các hành (hành nghiệp). Sự chứng đắc trí này là sự chứng đắc Thánh Đạo và Thánh Quả. Khoảnh khắc giai đoạn này được đạt đến, dù chỉ một lần duy nhất, người hành thiền liền trở thành một bậc Nhập Lưu (Sotāpanna). Với vị ấy tất cả nghiệp quá khứ đi đến chấm dứt; và nghiệp bất thiện mới vốn có thể kéo vị ấy xuống bốn ác đạo cũng không phát sanh.  

Nếu một bậc Nhập Lưu tiếp tục hành thiền minh sát và phát triển minh sát trí bắt đầu với sanh diệt trí (udayabbaya ñāṇa), vị ấy sẽ chứng đắc Thánh Đạo và Thánh Quả phù hợp với một bậc Nhất-Lai và trở thành Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmi).

Tiếp tục hành thiền minh sát, bậc Nhất Lai tiến lên giai đoạn kế tiếp như một bậc Thánh Bất Lai (anāgāmi). Ở giai đoạn này, tất cả những nghiệp quá khứ có thể dẫn vị ấy đến cõi dục, kāmabhava (dục hữu), sẽ chấm dứt và không nghiệp mới nào hướng vị ấy xuống bốn ác đạo có thể sanh. Ở đây người ta có thể hỏi liệu những thiện nghiệp (kusala kammas) thuộc dục giới (kāmāvacara) có thể không sanh khởi được không. Chắc chắn những thiện nghiệp ấy sẽ xuất hiện, nhưng vì chúng không đi kèm với dục ái, kāmabhava (dục hữu), hay mong muốn tái sanh trong cõi dục, nên họ sẽ không trở lại (cõi dục). Nhưng một câu hỏi khác lại nảy sanh là liệu những thiện nghiệp dục giới ấy có không cho quả không. Do việc mọi nghiệp phải tạo ra quả, nên chắc chắn chúng sẽ tiếp tục tạo ra quả; nhưng trong trường hợp này quả sẽ là Thánh Đạo và Thánh Quả. Điều này có thể được biết từ câu chuyện của gia chủ Ugga

 

ĐẠO QUẢ A-LA-HÁN NHỜ BỐ THÍ

 

Một lần nọ, gia chủ Ugga, đặt bát đến Đức Phật và các vị đệ tử của ngài, nguyện rằng ông làm việc bố thí (dāna) này với mục đích đắc được những gì ông xem là phần thưởng cao quý nhất. Phải nhớ rằng, vào lúc thực hành pháp bố thí ấy, ông đã là một bậc thánh Bất Lai; và như vậy phần thưởng cao quý nhất mà ông nghĩ trong tâm đương nhiên sẽ là Đạo Quả A-la-hán, giai đoạn kế tiếp mà một bậc Thánh A-na-hàm nguyện đạt đến. Khi ông chết, ông được tái sanh làm một vị Phạm Thiên (Brahma) trong cõi Tịnh Cư Thiên (Suddhāvāsa). Nhớ đến Đức Phật, ông đi xuống quả đất để đảnh lễ bậc Đạo Sư. “Thế nào rồi!” Đức Phật hỏi: “Ông đã hiểu rõ những gì ông yêu quý nhất chưa?” Vị Phạm thiên trả lời, “Có, con đã hiểu.” Không lâu sau đó ông đắc Đạo Quả và trở thành một bậc Thánh A-la-hán. Điều này cho thấy rằng một bậc A-na-hàm có thể chứng đắc Đạo Quả như kết quả của thiện nghiệp vị ấy đã làm lúc sinh thời của vị ấy ở cõi dục.

 

ĐẠO QUẢ A-LA-HÁN NHỜ THIỀN MINH SÁT

 

Mặc dù Đạo Quả A-la-hán có thể được thành tựu nhờ bố thí (dāna) như đã nói, nhưng phải nhớ rằng nó không đến một cách tự nhiên hay tự động không cần phải hành thiền minh sát. Một vị Bất Lai vẫn phải hành thiền với ý định chứng đắc Đạo Quả thích hợp với một bậc A-la-hán. Nếu tiếp tục hành thiền minh sát vị ấy sẽ thấy Niết-bàn. Một khi đã trở thành bậc A-la-hán, mọi phiền não như vô minh và tham ái bị huỷ diệt hoàn toàn. Tất cả nghiệp quá khứ của vị ấy chấm dứt. Ở giai đoạn này, vị ấy có thể hành bố thí, giữ giới, thiền minh sát, v.v…, như thói quen của vị ấy; nhưng tất cả những thiện nghiệp này, do không còn phiền não, nên không tạo ra quả. Chúng ta có thể nói rằng tất cả nghiệp của vị ấy đều trở thành vô hiệu lực (trên phương diện cho quả).

Hàng phàm nhân có một sự dính mắc rất lớn đối với thế gian mà họ đang sống trong đó. Họ muốn có một cuộc sống không bị quấy nhiễu bởi già, bệnh và chết. Nhưng họ vẫn phải bị chi phối bởi quy luật tử sanh. Vì vậy họ phải chết. Nhưng khi họ chết họ lại mong muốn được tái sanh trong một thế giới khác tốt đẹp hơn cái thế giới mà họ bỏ lại đằng sau. Ngay cả những bậc Nhập Lưu và Nhất Lai cũng không thể loại trừ được sự dính mắc này một cách hoàn toàn. Chẳng hạn, những bậc Bất Lai sau khi chết vẫn nguyện được tái sanh lên các cõi Phạm Thiên Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới. Đó là lý do vì sao sau khi từ bỏ cõi đời này các vị tái sanh lên các cõi Phạm Thiên ấy. Với các bậc A-la-hán, không còn khao khát hay tham ái đối với sự sống.

 

KHÔNG KHAO KHÁT CHẾT CŨNG KHÔNG KHAO KHÁT SỐNG

 

Bài kệ sau đây thường được các vị A-la-hán nói lên trong niềm vui thành tựu (Đạo Quả A-la-hán) của họ:

Nābinandāmi maraṇaṃ

Nābinandāmi jīvitaṃ,

Kālanca paṭikankhāmi,

Nibbisaṃ bhatako yathā.

 

Ta không khao khát chết

Cũng không khao khát sống;

Ta chờ thời Niết Bàn

Như người làm chờ lương

(Ta không mong muốn chết cũng không khao khát sống; Nhưng ta háo hức chờ đến thời (để nhập Niết Bàn) cũng giống như người làm công ăn lương chờ tới ngày được người ta trả lương cho mình vậy.)

 

Những người không có đức tin thường xuyên tạc hạnh phúc của Niết Bàn bằng cách nói rằng chính những người nói về Niết Bàn cũng hoài nghi về tính xác thực của nó. Họ lý luận “Một người làm điều thiện được nói là có thể sanh vào cõi chư thiên hay chứng nhập Niết Bàn sau khi chết. Nếu sự tình là vậy, sẽ chẳng phải tốt hơn cho những người giới đức ấy tự kết liễu mạng sống của mình để được thành tựu hạnh phúc cõi trời nhanh hơn hay sao? Nhưng sự thực là chẳng ai dám từ bỏ mạng sống hiện tại của mình vì hạnh phúc (Niết-bàn) tương lai cả. Điều này cho thấy rằng không người nào thực sự tin vào những gì bản thân họ thuyết giảng.” Tuy nhiên ở đây, những người chỉ trích không có hảo ý này đang làm việc trên những tiền đề sai lạc. Một bậc A-la-hán không có mong muốn đối với cái được gọi là  hạnh phúc trong kiếp kế sau khi ngài nhập Niết-bàn. Thực tế là vị ấy không mong muốn chết cũng không mong muốn sống. Về phương diện đó vị ấy giống như một người làm công ăn lương đề cập trong bài kệ ở trên. Một người là công ăn lương làm việc không phải vì người ấy yêu thích công việc của mình. Lý do duy nhất tại sao người ấy làm việc là người ấy sợ mất việc. Nếu mất việc anh ta có thể tìm đâu ra cơm ăn áo mặc cho bản thân mình? Vì thế anh ta phải cẩn thận để giữ công việc cho mình, tuy nhiên vẫn trông chờ ngày phát lương. Tương tự như vậy, một vị A-la-hán không có sự ưa thích đối với chết cũng không có sự ưa thích đối với sống. Vị ấy chỉ chờ thời nhập vô dư Niết-bàn, sự huỷ diệt của năm uẩn, vì chỉ khi vị ấy thành tựu bát Niết-bàn vị ấy mới có thể quăng bỏ được gánh nặng (năm uẩn) này.

Các vị A-la-hán xem sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn như gánh nặng. Thân này phải được chăm sóc và nuôi dưỡng, phải được mặc quần áo và cho ăn. Nó không những phải được cho ăn với đồ ăn mà còn phải có những đối tượng hấp dẫn các giác quan (căn) của nó nữa. Nó phải thường xuyên được củng cố với bốn oai nghi (iriyapatha), đi, đứng, nằm, ngồi. Nó phải được hít thở để sống. Thực vậy, vì sức khoẻ của nó, nó phải thường xuyên được chăm sóc. Đối với các vị A-la-hán tất cả những công việc này là gánh nặng.

Chỉ nói riêng kiếp cuối cùng của vị A-la-hán (trước khi chứng đắc Niết-bàn), từ lúc kiết sanh thức khởi lên khi thụ thai trong bào thai người mẹ vị ấy đã phải đeo mang cái gánh nặng năm uẩn này. Và từ lúc đó trở đi các hành nghiệp bắt đầu vận hành và do sự vận hành này mà danh-sắc (nāma-rūpa) phát sanh không ngừng. Tái sanh là do nghiệp (kamma) và các phiền não thừa hưởng từ quá khứ tạo ra. Nhìn từ kiếp sống hiện tại, vị ấy chỉ là sản phẩm của các uẩn quá khứ, nó hình thành như kết quả của nghiệp và phiền não quá khứ. Càng nghiên cứu sâu thêm vào quá khứ theo cách này, bạn sẽ càng khám phá ra rằng chỉ có các hiện tượng sanh khởi không ngừng của các uẩn mà thôi. Do đó, bạn không bao giờ có thể biết được “sự hiện hữu” bắt đầu khi nào.

Hãy nghĩ xem cái nào bắt đầu trước, quả trứng hay con gà, và hột xoài hay cây xoài. Con gà đẻ ra trứng từ đó nở ra những con gà con, rồi những con gà con này lớn lên thành những con gà mái đẻ; tiến trình này cứ tiếp diễn vô cùng tận và người ta không bao giờ biết được đâu là thuỷ tổ. Điều này cũng có thể áp dụng cho trường hợp cây xoài và hột xoài.

Có lẽ, người ta có thể đưa ra quan điểm cho rằng con gà và cây (xoài) là khởi thuỷ, hiện hữu ngay lúc bắt đầu của thế gian. Nhưng khi xét đến các uẩn danh-sắc, bạn không bao giờ có thể biết được sự khởi đầu của chúng. Sau khi đã mang lấy gánh nặng năm uẩn từ cái thời vô thủy này, một vị A-la-hán chỉ ôm ấp một ước nguyện duy nhất, đó là, trút bỏ cái gánh nặng này khỏi đôi vai khi thời nhập Niết Bàn (pari-nibbāna) đến mà thôi.

Hàng phàm phu dưới sự thống trị của các phiền não phải chấp nhận cái gánh nặng từ lúc tâm tử nối tiếp với tâm tục sanh không biết bao nhiêu lần trong suốt vòng luân hồi này. Gánh nặng đã nặng càng trở nên nặng hơn khi luân hồi tiếp diễn. Với các vị A-la-hán, vì không khao khát đối với sự hiện hữu tương lai, chủng tử dục tàn héo và sự tái sanh mới không thể xảy ra. Như vậy gánh nặng được nhẹ đi. Đây là điều khao khát của các vị.

 

TÁI SANH DO THAM ÁI

 

Ám ảnh với tham ái, con người chấp thủ mãnh liệt vào kiếp sống hiện tại của họ. Nếu chết có thể được miễn trừ, họ muốn được sống một cách vĩnh hằng. Và nếu đó là điều không thể xảy ra, họ thích được bắt đầu một kiếp sống mới đúng theo nghĩa đen. Vì thế con người khó có thể chấp nhận ý tưởng về sự không tái sanh. Đối với họ chính nghiệp (kammas) làm mới các uẩn của họ với thức tái sanh sau khi tâm tử đã hoàn tất lộ trình của nó. Do không có tham ái đối với một kiếp sống mới, bậc A-la-hán ước muốn chấm dứt các uẩn của mình. Ước muốn một kiếp sống mới là tham ái (taṇhā). Ước muốn đối với sự huỷ diệt là duy tác dục (kiriyā chanda), một loại tâm không cho quả. (Những thiện nghiệp của Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán được gọi là kiriyā (duy tác) bởi vì những hành động đó không tích luỹ nghiệp do đã vượt qua thiện  ác). Ở đây chúng ta cần lưu ý sự khác nhau giữa taṇhā (tham ái) và chanda (dục hay ước muốn). Tham ái thì năng động còn dục thụ động; một cái thì mong muốn hiện hữu còn cái kia mong muốn chấm dứt sự hiện hữu hay chấm dứt tái sanh luân hồi.

 

          KHÔNG THAM ÁI, KHÔNG TÁI SANH

 

Với các bậc thánh A-la-hán, do không có tham ái, hạt giống của nghiệp thức (kammaviññāṇa), khô héo và chết. Nghiệp thiện hay bất thiện là mảnh đất; tâm tạo-nghiệp là nước và phân. Khi một người sắp chết, họ nhớ lại những hành động (nghiệp) thiện hoặc ác mà họ đã làm trong cuộc sống của mình. Lại nữa, người ấy có thể thấy những cảnh sắc hay nghe những âm thanh kết hợp với những nghiệp của mình. Đây là thấy nghiệp tướng (kamma-nimitta). Trong một vài trường hợp, người sắp chết có thể thấy những tướng hay biểu tượng báo trước số phận của họ sau khi chết. Đây là thú tướng (gati-nimitta — thú tướng, nơi họ sẽ đi đến sau khi chết).

Ở đây, cho phép tôi thêm vào một ghi chú để làm sáng tỏ ý nghĩa của từ kammaviññāṇa. Nó là một từ đồng nghĩa với abhisaṅkhāraviññāṇa (thắng hành tâm) vốn tự khẳng định vào lúc sắp chết như tốc hành tâm cận tử (maranāsanna javaṇa), với sự bổ sung của nghiệp thiện hoặc bất thiện. Nó không vô hiệu lực giống như tâm duy tác (kiriya citta) mà là tâm tích cực. Và vì thế nó tiếp nhận các đối tượng giác quan vào lúc chết và khiến cho kiết sanh thức (paṭisandhiviññāṇa) khởi lên sau khi chết. Điều này hợp với lời dạy trong  Kinh Điển Pāḷi: “Duyên hành (nghiệp) thức sanh, ‘saṅkhāra paccaya viññāṇaṃ’.” Đối với các bậc A-la-hán vào lúc Bát Niết-bàn nghiệp thức (tâm nghiệp) không có chỗ mà chỉ có các tâm duy tác (kiriya cittas) vốn không thể tạo ra bất kỳ quả nào xuất hiện. Khi tâm Bát Niết-bàn thực sự sanh khởi, không có kiết sanh thức, không có danh (nāma), không có sắc (rūpa) nào có thể xuất hiện trở lại. Do đó, có thể nói rằng không có hữu (tái sanh) nào sanh khởi bởi vì hạt giống của nghiệp thức không có mặt hay vô hiệu lực. Những người có học Kinh Điển Pāḷi phải nhớ điều này.

Khi một vị A-la-hán sắp nhập Niết-bàn, vị ấy không bị quấy rầy bởi nghiệp (kamma), nghiệp tướng (kamma-nimitta) và thú tướng (gati-nimitta). Tâm tích cực cũng không hoạt động, và do đó không quả nghiệp nào có thể ngóc đầu lên được. Chỉ có những tâm duy tác kết hợp với thiền minh sát hoạt động. Ngoài những tâm duy tác ra chỉ có tâm tử thuộc Parinibbāna, và khi vị A-la-hán thực sự Niết-bàn thì hạt giống nghiệp trở thành vô hiệu lực. Do đó, có một sự huỷ diệt hoàn toàn của hiện hữu.

 

GIỐNG NHƯ NGỌN ĐÈN TẮT

 

Một lần nọ, theo chỉ dẫn của Đức Phật, Tôn-giả Ānandā đã tụng Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) khi đi quanh kinh thành Vesāli. Trong khi tụng ngọn lửa của một cây đèn dầu đang cháy phụt tắt bởi vì dầu và tim (bấc) đã hoàn toàn cạn. Tôn-giả Ānandā quan sát “Giống như ngọn đèn này đã bị tắt, tất cả pháp hữu vi cũng đã bị dập tắt (trong vị A-la-hán).” Ngọn lửa có mặt nhờ bấc và dầu. Nếu cây đèn được đổ đầy dầu mới và thay bấc mới, ngọn đèn sẽ tiếp tục tỏa sáng. Khi quan sát kỹ một ngọn lửa người ta sẽ thấy rằng sự đốt cháy được hỗ trợ liên tục bởi dầu do bấc hút lên. Những người quan sát ngẫu nhiên để ý thấy toàn bộ hiện tượng (cháy) chỉ là một tiến trình liên tục. Theo cách tương tự, các uẩn (khandhas), do nghiệp (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu), và vật thực (āhāra) tạo ra, được làm mới lại liên tục, lúc sanh lúc diệt. Nếu bạn muốn biết trạng thái tự nhiên này, hãy duy trì ghi nhận bất cứ điều gì xảy ra ở sáu cửa giác quan của bạn khi bạn thấy, nghe, cảm giác hay biết một đối tượng giác quan. Bạn sẽ để ý thấy rằng một hiện tượng xuất hiện và diệt ngay lập tức giống như khi nó sanh. Khi chánh niệm có được sức mạnh, bạn sẽ nhận ra sự diệt tức thời của tất cả mọi hiện tượng thấy, nghe, v.v… Đối với những người bình thường thì tất cả những hiện tượng này là liên tục. Vì vậy các uẩn (khandhas) cũng giống như một ngọn lửa (sanh diệt liên tục).

Vì sự diệt của các uẩn cũng giống như ngọn lửa bị dập tắt, những người bị ám ảnh với ý niệm về tự ngã thường nghĩ và nói rằng vị A-la-hán như một cá nhân hay con người đã biến mất. Sự thật thì cái được gọi là cá nhân con người không có căn cứ thực tế. Theo ngôn ngữ quy ước, những gì chúng ta mô tả như một cá nhân, suy cho cùng chỉ là một hợp thể của danh (nāma) và sắc (rūpa) hay tâm và thân tự chúng thể hiện. Với các bậc thánh A-la-hán, những pháp cấu thành (hữu vi) này bị diệt tận. Diệt ở đây không có nghĩa là sự biến mất của một cá nhân.

Nếu một người chấp chặt vào niềm tin cho rằng cá nhân hay người ấy biến mất, họ sẽ phạm tội đoạn kiến (uccheda diṭṭhi- tà kiến cho rằng sự hiện hữu chấm dứt cùng với cái chết). Như Tôi đã nói, không có cá nhân hay con người nào cả. Chúng ta chỉ có một chuỗi danh-sắc tiếp nối nhau sanh và diệt. Vị A-la-hán là một ví dụ điển hình của hiện tượng sanh và diệt nối tiếp nhau ấy. Ngoài các uẩn (khandhas) không có cá nhân hay con người nào. Vì thế, với các vị A-la-hán sự diệt có nghĩa là sự chấm dứt của chuỗi sanh và diệt của các uẩn. Chính với sự diệt này trong tâm mà Tôn-giả Ānandā ám chỉ đến ngọn lửa đã tắt.

 

Ý NGHĨA CỦA NIẾT-BÀN

 

Chữ Nibbāti xuất hiện trong Kinh Ratana (Kinh Châu Báu) có nghĩa là sự diệt tận hay dập tắt [消盡(煩惱), tiêu tận hay diệt tận (phiền não)]. Về mặt từ nguyên, nó xuất phát từ ‘ni’, một tiếp đầu ngữ phủ định, và ‘va’, nghĩa là tham ái. Như vậy Niết-bàn biểu thị sự chấm dứt hay sự dập tắt những ngọn lửa tham, sân, si vốn là nhân căn để của khổ. Kinh nói: ‘nibbāti vaṭṭadukkhaṃ etthati nibbānaṃ’ nghĩa là ở đâu vattadukkhaṃ (khổ luân, vòng xoay của khổ) ngừng xoay ở đó có Niết-bàn. Vào lúc thấy Niết-bàn, chứng đắc Đạo Quả, như kết quả của việc hành thiền minh sát, những phiền não như tham ái và vô minh bị diệt trừ, nhờ đó không tạo cơ hội cho nghiệp và và quả của nghiệp phát sanh dưới hình thức của thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, v.v… Đây là sự chấm dứt của phiền não luân (kilesa vaṭṭa), nghiệp luân (kamma vaṭṭa) và quả luân (vipāka vaṭṭa). Ở đây, theo phép ẩn dụ tính chất đặc biệt của Niết-bàn được dùng cho vị trí của Niết-Bàn trong định nghĩa này, nhưng trong thực tế Niết-Bàn không có nơi chốn.

Kinh cũng nói: Nibbāti vaṭṭadukkham etasmim adhigateti vā nibbānaṃ, có nghĩa là: Khi Niết-Bàn được đạt đến, vòng khổ luân bị huỷ diệt. Ở đây Kinh nhấn mạnh rằng Đạo và Quả là công cụ dẫn đến sự chấm dứt khổ. Như vậy Niết-Bàn cũng có thể được mô tả như phương tiện nhờ đó sự chấm dứt khổ được thành tựu. Nhưng điều này cũng chỉ nói theo nghĩa bóng mà thôi.

Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là bản chất của Niết-Bàn là sự huỷ diệt của mọi phiền não. Với sự huỷ diệt của vòng phiền não (phiền não luân), sự hiện hữu mới không phát sanh, và tất cả đều là sự tĩnh lặng.  Có thể tóm tắt lại cho dễ nhớ như sau:

Nibbāna là nơi vòng khổ luân dừng lại.

Nibbāna là công cụ dẫn đến sự chấm dứt của khổ luân.

Trong nghĩa đầy đủ nhất thì bản chất của Niết-Bàn là sự chấm dứt của vòng luân hồi khổ.

Đối với hành giả minh sát, những phiền não trở nên trơ ì chỉ trong một khoảnh khắc trong lúc đang hành thiền minh sát. Chúng không thể bị bứng gốc hoàn toàn. Sự diệt hoàn toàn chỉ khả dĩ với sự chứng đắc Thánh Đạo, dẫn đến việc tâm đạo chảy vào dòng hủy diệt.

Theo nghĩa bóng, Niết Bàn được trình bày như nơi chấm dứt mọi khổ đau do phiền não tạo ra. Còn theo phép ẩn dụ, bản chất của Niết Bàn được mô tả như chính yếu tố tĩnh lặng, kết quả của sự chấm dứt khổ đau. Trong thực tế, bản chất của Niết Bàn chính là sự hủy diệt của Tam Luân (phiền não luân, nghiệp luân và khổ luân). Đặc tính của nó, theo chú giải, là sự an tịnh (santi).

 

Ý NGHĨA CỦA SANTI

 

Santi cũng có nghĩa là sự diệt của tất cả Khổ Luân. Bản chất hay đặc tính của nó là sự an tịnh. Khi tất cả khổ đau đã được diệt trừ sự bình an tuyệt đối ngự trị tối cao trong Niết Bàn. Tôi nghĩ điều này cần phải được làm sáng tỏ ở đây. Nhưng để có một sự hiểu biết rõ hơn trước tiên tôi sẽ giải thích chi tiết bản chất của tam luân (vaṭṭa).  

 

KILESA VAṬṬA

 

Theo Pháp Duyên Sanh thì phiền não luân (vòng phiền não) được vô minh (avijjā), ái (taṅhā) và thủ (upādāna) làm cho chuyển động. Sự sanh khởi không ngừng của các pháp hữu vi như danh và sắc, tại sáu môn được xem như bất toại nguyên bởi vì bản chất ngắn ngủi, vô thường của chúng. Điều này mang lại không gì khác ngoài Khổ (dukkha). Hiện thực về bản chất của hiện hữu này bị che đậy bởi những âm mưu của tham ái; và vì thế chân lý vẫn mãi bị che phủ, không được hiểu biết một cách đúng đắn. Sự xa rời chân lý này là vô minh (avijjā). Các dục lạc xuất phát từ những cảnh sắc và âm thanh khả ái và những mẩu kiến thức thú vị đều là khổ; nhưng vô minh chấp nhận chúng là lạc (sukha). Do vô minh hay sự không hiểu biết này người ta nghĩ, “Ta hiện hữu. Nó hiện hữu. Sự hiện hữu này là vĩnh hằng.” Đối với người ấy các đối tượng giác quan mà anh ta quan sát có vẻ tốt đẹp, hấp dẫn. Khi anh ta xem chúng là tốt đẹp, anh ta khao khát chúng; và sự khao khát này thúc giục anh ta thoả mãn chúng, do kết quả này chấp thủ được tạo ra. Những nỗ lực có chủ ý của anh ta nhằm đạt được ước muốn của mình dẫn đến hành nghiệp và nghiệp hữu (kammabhava), như kết quả của nghiệp thiện hoặc nghiệp bất thiện.

 

KAMMA VAṬṬA

 

Khi ba phiền não chính­ —­ vô minh, ái, và thủ được kể ra thì những phiền não phụ tuỳ của chúng như sân (dosa), mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi) cũng phải được xét đến. Thúc đẩy bởi ái, lobha (tham) tự khẳng định mình. Do tham kích động, một người cố gắng hết sức để có được cái mà anh ta mong muốn bằng mọi giá. Khi không được thoả mãn, sân sanh khởi. Không chế ngự được, anh ta tranh giành cái đối tượng của lòng tham ấy bất chấp phải hy sinh sinh mạng và tài sản của đồng loại. Một hành động như vậy được đi kèm với si (moha), một hình thức khác của vô minh vốn đi cùng với các pháp bất thiện (akusala). Như vậy khi một người cảm thấy sân hận hay tham muốn thì si luôn luôn có mặt làm trầm trọng thêm tình huống. Kế tiếp, nói về ngã mạn (māna). Nó làm cho người ta nghĩ quá cao về bản thân mình. Vì nó không cho phép ai bằng mình, nên nó cố gắng để đạt được uy quyền tối cao. Người ngã mạn, ám ảnh bởi quan niệm sai lầm cho rằng họ luôn luôn đúng; và với thái độ này họ luôn tính toán để duy trì những mộng tưởng sai lầm của họ hoặc bằng cách thuyết phục hoặc bằng lối tuyên truyền hung hăng. Tất cả những hành động này đều bắt nguồn từ phiền não luân và làm cho vòng nghiệp hay nghiệp luân (kamma vaṭṭa) tăng trưởng.

Sát nhân, trộm cắp và nói dối là những hành động bất thiện trong khi bố thí và trì giới là thiện. Hàng phàm nhân và thậm chí các bậc thánh, ngoại trừ bậc thánh A-la-hán, đều phải chịu sự vận hành của vòng phiền não (phiền não luân); và vì vậy, những hành động mà họ làm có thể là phước hoặc phi phước. Khi sự chủ ý hay tư tâm sở trong lúc thực hiện những hành động này kết hợp với tham, sân và si thì đó là bất thiện nghiệp và sẽ tạo ra những quả xấu hay phi phước. Ở đâu ba phiền não chính này vắng mặt, các thiện nghiệp (kusala kamma) hay phước nghiệp được thành tựu. Những ác nghiệp chỉ đường đến các cõi khổ, trong khi những thiện nghiệp đưa đến nhân giới, thiên giới và Phạm thiên giới. Thông thường những thiện nghiệp dẫn đến trường thọ, khoẻ mạnh và tài sản vật chất. Và nếu muốn một người thậm chí có thể nguyện đắc các Đạo Quả và Niết Bàn tối hậu, nhờ thực hiện các thiện nghiệp. Nếu một người muốn không bị tái sanh trong bốn cõi khổ hoặc bị những quả nghiệp xấu quấy rầy, họ phải tránh sát sanh, trộm cắp, v.v…Nếu một người muốn được tái sanh vào nhân giới, thiên giới và Phạm thiên giới, họ phải hành bố thí, trì giới và tu thiền. Người nguyện đắc Đạo Quả và Niết-bàn tối hậu, phải hành vipassanā hay thiền minh sát.

 

TRÁNH XA KẺ NGU

 

Ngày nay một số người hiểu biết sai lầm về Pháp (Dhamma), thuyết giảng những tà kiến của họ nói rằng những ai mong muốn chấm dứt khổ đau không còn tái sanh thì không nên hành bố thí, giữ giới và tu thiền, vì tất cả những thiện nghiệp này xuất phát từ vòng nghiệp luân do vô minh, ái và thủ hay phiền não luân tạo điều kiện. Rồi đến lượt nó, vòng nghiệp luân này cũng tạo ra thức tái sanh, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, v.v… Nếu sự tình là như vậy thì thật là vô ích, vì làm điều thiện chỉ kéo dài thêm vòng tái sanh luân hồi mà thôi. Dòng suy nghĩ như vậy rõ ràng đã tạo ra sự sai lệch trong tâm của những người thiếu trí. Một khi đã chấp nhận những lời dạy này họ sẽ không còn làm điều thiện nữa,  họ sẽ không còn bố thí, không còn giữ giới, không còn tu tập từ tâm, và cuối cùng nhưng không kém quan trọng là họ thậm chí còn không thực hiện những lễ nghi tại các chùa tháp và tu viện. Người ta nói rằng họ bị trĩu nặng bởi những cảm giác hối hận vì đã làm một số những thiện nghiệp như bố thí! Đối với những người có tư tưởng thiên lệch như vậy, mọi công đức lẽ ra đã tích tạo được do làm điều thiện sẽ bị quăng bỏ vào hư không. Nhưng những nghiệp phi phước chắc chắn sẽ tích luỹ cùng với họ mà kết quả tất yếu là họ sẽ đi đến địa ngục. Họ sẽ không có khả năng để cưỡng lại lòng tham, vì thế họ sẽ không ngại nghĩ điều ác, nói điều ác và làm điều ác bất khi nào họ cố gắng để thoả mãn những ước muốn của họ. Họ cũng sẽ khó có thể kềm chế được tâm sân phát sanh do không được thoả mãn những ước muốn của họ.

Kusala citta hay tâm khuynh hướng về làm điều thiện và akusala citta tâm khuynh hướng về điều ác không cùng sanh, cái sanh trước cái sanh sau. Cũng như khi đi, chân trái dở lên trong khi chân phải đứng vững trên đất. Khi chân phải dở lên, chân trái đứng vững. Hai chân không thể  dở lên hay đặt xuống cùng lúc được. Hai tâm (cittas) phải hoạt động theo cùng một cách. Trong khi những hành động thiện đang hoạt động, những hành động bất thiện sẽ không hoạt động. Nhưng những thiện nghiệp lúc nào cũng phải là kết quả của sự nỗ lực có chủ ý; trong khi những nghiệp bất thiện hầu như không đòi hỏi phải có bất kỳ sự chủ ý đặc biệt nào. Chúng luôn luôn đến một cách tự nhiên tuân theo sự sai khiến của tham, sân và v.v… Ngay cả khi một người đang hành Dhamma (Pháp) để chế ngự chúng, chúng cũng ngóc đầu dậy ít nhất khi có cơ hội. Do đó, chắc chắn rằng khi một người từ bỏ điều thiện (kusala), điều ác nhất định sẽ tăng trưởng. Con đường đi đến các cõi khổ luôn mở rộng cho một người làm điều ác. Xét cho cùng, chính vì những tà kiến người thầy ấp ủ mà người đệ tử đã lầm đường lạc lối. Chính vì những chỉ dẫn sai lầm ấy mà Đức Phật đã nói trong Kinh Hạnh Phúc (Maṅgala Sutta):

Asevanā ca bālānaṃ

Paṇḍitānañca sevanā

Pūjā ca pūjanīyānaṃ

Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ

Không gần gũi kẻ ác

Thân cận bậc trí hiền

Đảnh lễ người đáng lễ

Là phúc lành cao thượng.

 

VIPĀKA VAṬṬA (QUẢ LUÂN)

 

Những hành động, hoặc thiện hoặc bất thiện sẽ tạo ra những kết quả, tốt hay xấu. Và vì thế, nghiệp luân tạo ra quả luân (vipāka vaṭṭa). Để thoát khỏi vòng này, người ta phải hành bố thí, giữ giới và tu tập tâm, đặc biệt là tu tập thiền minh sát vốn cuối cùng sẽ đưa người ta đến Đạo Quả của bậc A-la-hán hay A-la-hán Thánh Đạo. Lúc đó tái sanh dừng lại không tạo cơ hội cho sự sanh khởi của “hữu (bhava)” mới, hay của danh (nāma) và sắc (rūpa) mới. Vì thế quả luân (vipāka vaṭṭa) có thể được định nghĩa như sự tái diễn của các uẩn hay của các pháp hữu vi, như kết quả của nghiệp thiện và bất thiện.

 

LOANH QUANH LUẨN QUẨN

 

Vaṭṭa (luân) chỉ có nghĩa đi loanh quanh (luân hồi). Phiền não luân chuyển sang nghiệp luân, rồi đến lượt nó, nghiệp luân chuyển thành quả luân, và theo cách này chúng cứ luân hồi, xoay chuyển trong một vòng tròn bất tận không biết đâu là đầu đâu là cuối. Không ai có thể làm dừng lại cái bánh xe luân hồi này.

Liên quan đến bản chất của nghiệp và quả, một người có thể dễ dàng ngưng làm điều thiện; nhưng anh ta sẽ hoàn toàn không thể kháng lại điều ác. Nếu bạn không làm được những thiện nghiệp, chắc chắn những ác nghiệp sẽ thắng thế hơn trong bạn. Những quả nghiệp do thiện nghiệp tạo ra sẽ rất có lợi cho bạn, vì chúng có thể đưa bạn đến cõi người và các cõi chư thiên; nhưng những phi phước do phiền não thúc ép được tích luỹ bởi ác nghiệp chắc chắn sẽ kéo bạn xuống địa ngục. Nếu nghiệp của bạn thuận lợi, bạn sẽ có cơ hội gần gũi với những người có trí và giới đức; nhưng nếu nghiệp xấu đang vận hành bạn sẽ trở thành kẻ đồng hành với những yếu tố ác và bạn có thể tiếp tục phạm vào những ác nghiệp (akusala-kamma) suốt cuộc đời bạn. Trong cuộc đời một người, có thể họ đã làm hàng tỷ nghiệp; nhưng vào lúc lìa khỏi cõi đời này chỉ có một nghiệp tạo ra quả (tái sanh),  làm cho những nghiệp còn lại trở thành vô hiệu hay không cho quả.

Tuy nhiên những nghiệp còn lại này sẽ là báo nghiệp (trì nghiệp hay chướng nghiệp); và một khi bạn đi xuống các cõi khổ, bạn sẽ chịu khổ ở đó trong nhiều kiếp. Nếu một người trở thành peta (ngạ quỷ), họ sẽ mãi mãi bị đói khát; hoặc họ có thể bị thiêu sống, hay bị đả thương bằng kiếm hay các vũ khí giết người khác. Đối với những khổ đau này họ chỉ có thể khóc than chứ không thoát ra được. Nếu một người bị tái sanh làm thú, làm­ một con bọ hay một con côn trùng nào đó, hay làm một con trâu, một con bò, một con ngựa, hay một con voi — họ sẽ đối mặt với những khổ đau không thể nói hết được; vì, trong thế giới loài vật, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu­, và cuối cùng kẻ yếu sẽ trở thành bữa ăn cho kẻ mạnh. Tôi kể ra những ví dụ này để các bạn biết những gì sẽ xảy ra đối với người tích tạo nhiều điều phi phước hay nhiều ác nghiệp.

Ngay cả khi những nghiệp thuận lợi đang vận hành và một người được tái sanh làm người, họ cũng không thể thoát khỏi già, bệnh và chết vốn gây ra sầu, bi, ưu, não,… mà tất cả đều là khổ. Nếu không may mắn, họ còn phải sống trong cảnh nghèo hèn trong kiếp sống mới của mình. Hoặc, một người có thể bị áp bức hay bị hiếp đáp bởi những kẻ mạnh. Hay họ có thể bị cám dỗ để phạm vào những tội ác. Và rồi, như kết quả của những ác nghiệp này họ có thể lại phải đi xuống các cõi khổ sau khi chết. Nếu may mắn, một người có thể được sanh lên cõi chư thiên; nhưng cho dù là ở cõi chư thiên; một người vẫn có thể cảm thấy buồn khổ, thay vì vui sướng, khi thấy rằng những ước muốn của mình không được thành tựu hoàn toàn. Hoặc, thậm chí như một chư thiên, nếu một người quên Pháp (Dhamma) trong việc theo đuổi các dục lạc, họ cũng có thể phải rơi xuống các cõi khổ sau khi chết ở cõi chư thiên.

Không có cách nào thoát khỏi ba vòng xoay của khổ[2] này trừ khi một người thực hành Bát Chánh Đạo đã được Đức Phật nói rõ như con đường trung đạo trong Kinh Chuyển Pháp Luân.  Thực hành Bát Chánh Đạo là thực hành sự tu tập giới, định và tuệ là những đối tượng chính của việc phát triển tâm như đã được nói ở một phần trước. Người hành thiền trong Giáo Pháp này đã quen với thiền minh sát tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna vipassanā) vốn mô tả các phương pháp ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc hay của tâm và thân cũng như lục nhập (sáu căn), xúc, thọ, … do quả luân của kiếp sống hiện tại làm duyên.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THOÁT KHỎI TAM LUÂN

 

Tôi sẽ giải thích chi tiết pháp hành thiền minh sát này ở đây cho quý vị hiểu. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ là những công việc của sáu thức, đó là, nhãn thức với cảnh sắc, nhĩ thức với cảnh thinh, tỷ thức với  cảnh khí, thiệt thức với cảnh vị, thân thức với cảnh xúc, và ý thức với cảnh pháp. Thức hay tâm luôn luôn được đi kèm bởi các tâm sở của nó, và được gọi chung là Danh (nāma). Trú xứ của các căn, thân, dĩ nhiên là Sắc (rūpa). Khi con mắt, cảnh sắc, và xứ (āyatana), gặp nhau thời xúc được thành tựu và kết quả là thọ (vedanā) phát sanh. Năm quả thuộc quả luân (vipāka vaṭṭa) này, đó là danh (nāma), sắc (rūpa), xứ (āyatana), xúc (phassa)và thọ (vedanā) thuộc sát-na hiện tại, vì lẽ chúng xảy ra hàng ngày; và nếu chúng không được thiền trên đó với minh-sát trí, tham ái sẽ phát triển hợp theo loại thọ được tạo ra, dù là lạc hay bất lạc. Ái sanh ra thủ. Do không thể ghi nhận năm quả thuộc quả luân đúng như thực, là vô minh. Như vậy vô minh, ái, thủ tạo thành phiền não luân từ đây nghiệp luân sanh ra và đến lượt nó nghiệp luân tạo ra quả luân. Để ngăn vòng thứ nhất (phiền não luân) này không cho sanh khởi thì công việc của vòng quả luân phải được quan sát và ghi nhận với Tam Tướng vô thường, khổ và vô ngã, vì thực tại tuyệt đối của các pháp hữu vi sẽ xua tan mọi phiền não. Khi vô minh vắng mặt, ái không thể sanh; và ái không có mặt, thủ sẽ tàn lụi. Lúc đó, do vòng nghiệp luân ngừng hoạt động nên những quả nghiệp cũng không thể được tạo ra. Theo cách này cả ba vòng xoay (tam luân) giảm lần.

Ở đây tôi xin trích dẫn một đoạn Kinh trong Nidānavagga Samyutta:

 Katamo ca bhikkhave lokassa samudayo. Cakkhuñca paticca rūpe ca upajjati cakkhuviññāṇaṃ: tiṇṇaṃ sangati phasso; phassa paccayā vedanā; vedanā paccayā taṇhā, taṇhā paccayā upādānaṃ; upādāna paccayā bhavo; bhava paccayā jāti; jāti paccayā jarāmaranaṃ, soka parideva dukkhadomaṇassupāyāsā sambhavanti. Ayaṃ kho bhikkhave lokassa samudayo.

Thế nào, này các Tỳ-kheo, là tập khởi (hay nguồn gốc) của thế gian này? Duyên con mắt và cảnh sắc, nhãn thức sanh khởi. Sự gặp gỡ của ba ­— con mắt, đối tượng và thức (căn, trần, thức) — tạo ra xúc. Do xúc, thọ sanh; do thọ, ái sanh; do ái thủ sanh; do thủ, hữu sanh; do hữu, tái sanh sanh. Và tái sanh tạo ra già, chết kèm theo bởi sầu, bi, khổ, ưu và não. Và này các Tỳ-kheo, đây là cách khối khổ gọi là thế gian hình thành.

 

Như vậy từ hành động thấy, tập khởi của sự sống, và vòng khổ luân của nó phát sanh khiến cho vòng xoay của sự sanh và rồi tái sanh bất tận chuyển động. Con mắt nắm lấy đối tượng của nó, và cái thấy sanh khởi tạo ra một cảm thọ tương ứng với cái nó thấy. Nếu hiện tượng này không được phân tích với minh sát trí để xác định đúng đắn bản chất của các pháp, tham ái sẽ tàn phá cuộc đời bạn khi bạn ra sức cố gắng để hoàn thành mong muốn của mình bằng mọi phương tiện. Rồi nghiệp dẫn đến tái sanh và tái sanh đó mang lại những nỗi  khổ của già và chết. Điều này cũng áp dụng cho các căn hay giác quan khác. Theo cách này vòng Luân Hồi (saṃsāra) hay bánh xe sanh hữu xoay chuyển mãi không ngừng.

 

HUỶ DIỆT SỰ HIỆN HỮU

 

Vòng luân hồi này được cắt đứt như thế nào? Tôi sẽ nói cho các bạn biết về sự huỷ diệt của vòng tái sanh luân hồi, dựa trên cùng bài Kinh trong Nidānavagga Samyutta ở trên.

Katamo ca bhikkhave lokassa atthaṅgamo: Cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇam tiṇṇam saṇgati phasso; phassapaccaya vedanā; vedanāpaccayā taṇhā; tassāyeva taṇhāya asesavirāga nirodhā upādānanirodho; upādāna nirodhā bhavaniroho; bhavanirodhā jāti nirodho; jātinirodhā jarāmaranaṃ, soka, parideva, dukkha, domanassupāyāsā nirujjhanti. Eva me tassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti. Ayam kho bhikkhave lokassa atthaṅgamo.

Thế nào, này các tỳ-kheo là sự huỷ diệt của thế gian hay sự hiện hữu? Duyên con mắt và cảnh sắc, nhãn thức sanh. Sự gặp gỡ của ba yếu tố — con mắt, đối tượng và thức — tạo ra xúc. Do xúc thọ sanh; do thọ, ái sanh. Tham ái đó bị huỷ diệt hoàn toàn (bằng A-la-hán Thánh Đạo) không còn dư tàn. Khi ái diệt thì thủ cũng diệt; khi thủ diệt, hữu cũng diệt, khi hữu diệt, sanh cũng diệt; khi sanh diệt thì già và chết không thể sanh khởi. Và lúc đó sầu, bi, khổ, ưu, não bị phá huỷ hoàn toàn. Theo cách này, tất cả ba vòng xoay của khổ đi đến chấm dứt. Này các tỳ-kheo, đây là cách khối khổ gọi là thế gian bị huỷ diệt.

Từ hành động thấy, thọ sanh; và khi thọ này được quan sát và ghi nhận một cách đúng đắn bằng thiền minh sát, tất cả ba vòng xoay của khổ sẽ bị huỷ diệt. Để có một sự hiểu biết thêm về đề tài Tôi sẽ trích dẫn bài Kinh Sammasa trong Tương Ưng (Samyutta).

Ye hi keci bhikkhave etarahi samaṇā vā bhramanā vā yamloke piyarūpaṃ; taṁ aniccato passanti; dukkhato anattato rogato bhayato passanti; te taṇhaṁ pajahanti­ — upadhiṁ pajahanti — ; ye dukkhaṁ pajahanti; te parimuccanti jātiyā jarāya maraṇena sokehi parivedehi domanassehi upāyāsehi; parimuccanti dukkhasmāti vadāmi.

“Ở đây, này các tỳ-kheo, có một số sa-môn hay Bà-la-môn quán thấy rằng cái xuất hiện là khả lạc và khả ái rốt cuộc cũng vô thường, khổ, và vô ngã, được coi là bệnh tật, và đáng ghê tởm. Họ từ bỏ tham ái, và do tham ái được từ bỏ sanh y (nền tảng của tái sanh) cũng được từ bỏ và cuối cùng đoạn trừ tất cả khổ. Như vậy họ được giải thoát khỏi sự nắm giữ của tái sanh với những hệ luỵ của nó — sầu, bi, khổ, ưu và não. Và ta nói rằng bằng cách này họ đã được giải thoát khỏi mọi khổ đau.”

Theo bài Kinh này, nếu một người thấy một đối tượng và quán trên hiện tượng của nó trong ánh sáng của Tam Tướng — vô thường, khổ, vô ngã, thời tham ái sẽ được diệt trừ ngay khoảnh khắc minh-sát trí sanh; và lúc đó tất cả vòng xoay của khổ sẽ bị dừng lại. Sát-na chứng ngộ đặc biệt ấy là sát-na của sự thật. Nó là sát-na tadaṅga nibbāna (tadaṇga nibbāna 一向涅槃 nhất hướng niết bàn) hay sát-na huỷ diệt tạm thời tất cả vòng khổ luân do phiền não, nghiệp và quả tạo ra.

 

GIỐNG NHƯ THÂN CÂY SA-LA

 

Khi minh-sát trí được tu tập và khi Đạo và Quả được chứng đắc, tất cả phiền não đều bị huỷ diệt. Lúc đó nghiệp lực ngưng vận hành và không có nghiệp mới nào được tạo ra. Vì vậy sau khi Bát-Niết bàn, tức là sau khi tâm tử xảy ra, các uẩn (khandhas) dừng lại. Đây gọi là vô-dư-y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna), Niết-bàn không còn sanh y. Nó có nghĩa là các uẩn và tham ái  đã bị trút bỏ hoàn toàn. Thực sự thì vào lúc chứng Đạo, sự diệt hoàn toàn đã có hiệu lực rồi; nhưng nó không rõ ràng như khi cái chết tối hậu hay Bát Niết-bàn xảy ra. Khi một cây sa-la (nguyên văn: cây cọ) bị cắt làm đôi, thân trên rơi xuống đất, thân dưới vẫn đứng thẳng. Thân dưới này làm phát sinh cái ảo tưởng cho rằng cây không bị gì cả, vẫn còn sống. Nhưng khi nó mục và đổ xuống thì toàn bộ cái cây biến mất. Một vị A-la-hán cũng giống như cái thân cây đó. Vị ấy đã đoạn trừ các uẩn và tham ái hoàn toàn vào lúc chứng Đạo. Nhưng các uẩn cũ vẫn còn, và vì thế sự diệt không dễ nhận ra. Nhưng với sự thành tựu của Bát Niết-bàn, vị ấy biến mất hoàn toàn cũng như thân cây sa-la. Trước đây tôi đã đề cập đến bài kệ do tôn-giả Ānanda tụng, nói về sự diệt của các uẩn được ví giống như ngọn đèn tắt. Tất cả những ngụ ngôn này đều nhằm mô tả cách các uẩn diệt như thế nào.

Sau khi đã trục xuất tất cả phiền não, không có khổ nào sanh nữa. Nhưng vì chưa vất bỏ thân vật lý, bậc A-la-hán vẫn phải trải nghiệm những bất tiện ở thể xác có thể được hiểu như khổ thân. Các hành nghiệp vẫn tiếp tục làm công việc của chúng bên trong cái ngã vật chất này, vì thế những khổ đau liên hệ đến thân của vị A-la-hán vẫn còn. Tuy nhiên khi Niết-bàn được thành tựu, sự bình yên cùng với pháp đồng sanh của nó là mát mẻ sẽ ở cùng với vị ấy.

NIẾT BÀN ­­­­­­— LẠC

 

Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) thường hoan hỷ nói, “Chư hiền! Niết-bàn quả thực là lạc! Quả thực, Niết-bàn là lạc!” Tỳ-kheo Lāludayi cảm thấy không thuyết phục với lời tuyên bố này, vì thế vị ấy đã hỏi, “Lạc này sẽ nằm ở đâu trong thế gian (năm uẩn) này, khi mà trong Niết-bàn không có thọ cũng không có dục?”

Thực sự là vậy, không có thọ (vedanā) trong Niết-bàn. Thế thì lạc có thể ở đâu? Tỳ-kheo Lāludayi đã lao vào nơi mà ác ma sợ không dám đặt chân đến, bởi vì vị ấy là một kẻ ngu si. Vị ấy có biệt danh là Lāludayi, trong Pāḷi Lālu là một từ chỉ kẻ hay đùa.

Tôn-giả Xá-lợi-phất trả lời “Quả thực, trong Niết-bàn không có thọ cũng không có dục; và sự vắng mặt (của thọ và dục) này tự nó là lạc.”

Có hai loại lạc, lạc liên hệ tới ngũ dục và lạc không liên hệ tới ngũ dục. Khi sáu đối tượng giác quan mang lại sự thoả mãn hay lạc, nó được gọi là vedayita sukha, lạc xuất phát từ cảm thọ. Trong cõi dục, năm thứ lạc của giác quan — thấy, nghe, ngửi, nếm, và xúc chạm được xem như tốt nhất. Không ai thích bị tước đoạt chúng. Những người thích nhai trầu hay hút thuốc đều không muốn sống trong một môi trường ở đấy những thứ xa xỉ này bị từ chối. Những kẻ háu ăn không thích sanh vào cõi Phạm thiên nơi mà việc ăn uống tuyệt đối không cần thiết. Trong cõi Phạm thiên không có sự phân biệt giới tính. Sự vắng mặt của hoạt động tình dục làm cho năm món dục lạc trở nên dư thừa; nhưng những người thích khoái cảm lại không thích sự vắng mặt ấy. Ở đâu vô minh và tham ái thắng thế, ở đó Niết-bàn không được mong muốn vì thiếu các dục lạc. Lāludayi là một điển hình về loại người không thích Niết-bàn. Tôn-giả Xá-lợi-phất phải quở trách vị ấy, ngài nói rằng sự vắng mặt của thọ (vedanā) chính là Niết-bàn. Sự bình yên và hạnh phúc chân thực không xuất  phát từ các dục lạc mà từ avedayita sukha (lạc không xuất phát từ cảm thọ hay không liên hệ tới ngũ dục).

 

LẠC CHÂN THỰC

 

Lạc chân thực là santi sukho, lạc của sự bình yên và an tịnh. Bạn có thể nghĩ rằng các dục lạc sẽ cho bạn hạnh phúc; nhưng đó không phải là hạnh phúc chân thực. Những khoái lạc này chỉ giống như sự thoả mãn mà người hút thuốc có được từ việc hút thuốc. Chúng cũng giống như khoái lạc của một người đang khổ vì ngứa cảm thấy rằng việc gãi sẽ đem lại cho họ những cảm giác khoái lạc vậy.

Giả sử bạn bị buộc phải hưởng những khoái lạc của việc ngắm nhìn những nam thanh nữ tú, hay những bức tranh đẹp không chút ngừng nghỉ trong thời gian một phút hay một giờ, hay trong một tháng, một năm… Liệu bạn có thể làm được điều đó không? Giả sử bạn được yêu cầu phải nghe một bản nhạc hay suốt cả ngày, hay suốt cả tháng. Bạn có làm được không? Nếu bạn đang ăn những món cao lương mỹ vị, liệu bạn có thể tiếp tục thưởng thức được những món ấy hết ngày này sang ngày khác không? Bạn có thể hưởng những xúc chạm khả lạc vô hạn định được không? Nếu tất cả những thú vui có thể được tận hưởng không ngừng nghỉ hay ngủ, chắc chắn cuối cùng bạn sẽ trở nên nhàm chán mà thôi. Chẳng phải sự nghỉ ngơi hay ngủ là một khoảnh khắc bình yên đem lại hạnh phúc chân thực mà không cần có sự can thiệp của các đối tượng giác quan đó sao?

Người chỉ quen với việc hưởng thụ sẽ coi trọng chúng. Sự hưởng thụ được xem là chí thiện đối với anh ta. Trong thời Đức Phật một chủ thuyết phổ biến giữa những người ngoại đạo hàm ý rằng khổ đau có thể được chấm dứt ngay trong kiếp sống hiện tại này mà không cần diệt hữu (tái sanh). Những người theo chủ thuyết đó được gọi là diṭṭhadhammanibbānavādis, Hiện tại Niết-bàn luận thuyết giả. Họ thường thuyết rằng: “Hãy hưởng thụ mọi loại lạc thú ở chỗ nào có thể (hưởng thụ). Đây là cái chí thiện.” Điều này được đề cập trong Kinh Phạm Võng (Brahmājāla Sutta). Những người chỉ biết lạc của thiền hay lạc của Phạm thiên và loại trừ các loại lạc khác thì ca tụng nó đến tận mây xanh. Thực vậy, Phạm Thiên Baka đã nói với Đức Phật rằng lạc của Phạm thiên là tối thượng lạc.

Người ta thường nghĩ rằng loại đồ ăn mua ở thành phố hay thị trấn có vẻ ngon hơn đồ ăn ở làng quê. Tương tự, người ta thường nghĩ rằng lạc của thiền tốt hơn các dục lạc. Trong thực tế, loại lạc đạt được nhờ Đạo và Quả tốt hơn lạc của thiền. Tiến thêm một bước nữa, lạc của Niết-bàn còn tốt hơn lạc của Đạo và Quả của nó.

 

LẠC SƠ THIỀN TỐT HƠN LẠC XUẤT PHÁT TỪ CÁC DỤC LẠC

 

 Tôn-giả Xá-lợi-phất có lần đã nhận xét về lạc của sơ thiền như sau, trước tiên ngài chỉ ra bản chất của các dục lạc.

Một sắc trần (cảnh sắc) làm phát sanh nhãn thức, một thinh trần (cảnh thinh) làm phát sanh nhĩ thức, một hương trần làm phát sanh tỷ thức, một vị trần làm phát sanh thiệt thức và xúc trần (cảnh xúc) làm phát sanh thân thức. Tất cả những đối tượng giác quan này lôi cuốn tâm, sinh ra cảm giác yêu thích hay ưa mến, tạo ra khoái cảm và kích động tham dục. Tất cả chúng tạo thành ngũ dục (kāmaguna-năm dục công đức). Trong cõi dục những ai có cơ hội được hưởng ngũ dục này đều cảm thấy như họ đã đạt đến hạnh phúc.

Khi hành sơ thiền, các dục lạc được từ bỏ. Người đắc thiền bị cuốn hút  vào các thiền chi tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggata).  Dòng hỷ lạc của sơ thiền chảy liên tục không gián đoạn không giống như những niềm vui trần tục của các giác quan phát sanh một cách thất thường. Trong cõi dục người ta có thể lúc này cảm thấy vui nhưng lúc khác lại thấy buồn. Nhưng cảm giác hỷ lạc của thiền có thể kéo dài không gián đoạn trong một khoảng thời gian dài hơn. Nếu, trong khoảng thời gian trước khi tập trung trên lạc của thiền này, người hành thiền có tình cờ nhớ đến các dục lạc mà mình đã thọ hưởng trước khi nhập vào trạng thái an chỉ, họ sẽ bị hối hận, chịu đựng sự khổ tâm không khác gì cái đau của một vết thương cũ bị bồi thêm một cú đánh mới vậy. Điều đó có nghĩa rằng khi một hành giả nhập thiền, chỉ riêng cái ký ức về các dục lạc thôi cũng đủ để tạo ra cái cảm giác ghê tởm và sợ hãi. Vì thế vị ấy mong mỏi sự chứng đắc Niết-bàn, nơi đây thọ (vedanā) không sanh.

 

NHỮNG GIAI ĐOẠN LẠC KHÁC NHAU CỦA THIỀN

 

Khi một người nhập vào nhị thiền, thiền thứ hai sau sơ thiền, hỷ và lạc có được đà nhập vào nhất tâm chiếm ưu thế liên tục không có bất kỳ chướng ngại nào trong suốt một hoặc hai giờ liền. Nếu, do tình cờ tâm sơ thiền sanh khởi trong lúc tầm và tứ, người hành thiền đang tập trung trên nhị thiền sẽ cảm giác khổ đau khi nghĩ đến tâm thiền ấy cũng giống như một người cảm thấy đau đớn khi bị bồi thêm một cú đấm mới vào vết thương cũ vậy. Những nhận xét này cũng áp dụng cho những người đang nhập tam thiền và tứ thiền khi nhớ đến các bậc thiền thấp hơn trong suốt lúc nhập định.

Điều này cho thấy rằng lạc xuất phát từ sơ thiền vượt xa lạc xuất phát từ các dục lạc. Cũng vậy, lạc của nhị thiền vượt xa lạc của sơ thiền, lạc của tam thiền vượt xa lạc của nhị thiền, và lạc của tứ thiền vượt xa lạc của tam thiền. So với lạc của các thiền (sắc giới) này thì hỷ lạc của bốn thiền vô sắc (arūpa jhāna) còn vượt xa hơn nữa. Bốn thiền vô sắc là: Không vô biên xứ (Akāsanañcayatana)  thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana), vô sở hữu xứ (Akiñcaññāyatana) và phi tưởng phi phi tưởng xứ (N’evasaññān’asaññāyatana). Mỗi thiền chứng sau tốt hơn thiền chứng trước. Nhưng ngay cả trong thiền chứng vô sắc (arūpa jhāna) cao nhất, đó là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, những cảm thọ cực kỳ vi tế vẫn có thể sanh. Vì thế lạc của Niết-bàn ở đây mọi cảm thọ đều dừng lại vượt xa loại thọ mà người ta có thể gặp trong trạng thái vô sắc.

Như vậy, lạc của Niết-bàn cao hơn lạc của thiền. Người hành thiền biết rằng hỷ và lạc được kinh nghiệm ở giai đoạn Hành Xả Trí (saṅkharūpakkha ñāṇa) vượt xa hỷ lạc được kinh nghiệm ở giai đoạn Sanh Diệt Trí (udayabbaya ñāṇa). Khi quả của Đạo được thành tựu, hỷ và lạc kinh nghiệm ở giai đoạn ấy là tối thượng. Do đó chúng ta có thể nói rằng avedayita sukha (lạc vô thọ) hay santi sukha (an tịnh lạc) vượt xa vedayita sukha (lạc hữu thọ). Những ai không thể hành minh sát hay thiền định dù có thể thưởng thức được các cấp độ hạnh phúc hay lạc khác nhau đến đâu như đã liệt kê ở đây thì cũng phải đi đến kết luận rằng an tịnh lạc (santi sukha) là tối thượng.

Họ cũng có thể nhận ra rằng trong Đạo Phật, có những lý tưởng cao siêu mà họ không dễ gì đo lường được; và điều này có thể dùng như một động lực nhằm cố gắng phát triển niềm tin trong pháp (dhamma).

Lời dạy của ba đời chư Phật đều nói rằng Niết-bàn là tối thượng. Nó là sự chấm dứt của mọi cảm thọ. Khi không còn các cảm thọ, sự bình yên và mát mẻ ngự trị tối thượng. Tất cả khổ đau liên quan đến già, bệnh, chết và sự tan hoại chấm dứt. Vì Niết-bàn là bất tử nên lạc của nó là bất khả hoại. Và do đó nó là lạc tối hượng.

Trước khi đóng lại phần này tôi sẽ tóm lược lại những gì đã nói.

Niết-bàn là chỗ vòng khổ luân chấm dứt. Nó cũng là khí cụ qua đó sự chấm dứt này được tạo ra. Như vậy có thể nói Niết-bàn là trạng thái huỷ diệt vòng khổ luân.

Vô minh, ái, thủ tạo thành vòng phiền não (phiền não luân).

Những nghiệp mà một người phạm theo sự sai khiến của phiền não luân tạo thành nghiệp luân, dù là thiện hay bất thiện.

Các uẩn được sanh ra vào lúc tái sanh như kết quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp tạo thành Quả luân.

Hạnh phúc hay lạc xuất phát từ sự tiếp xúc với sáu đối tượng giác quan được gọi là vedayita sukha (lạc hữu thọ).

Sự bình yên và an tịnh kết hợp với sự vắng mặt của thọ phát sanh do  sáu đối tượng giác quan được gọi là avedayita sukha (lạc vô thọ).

 

Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để nghe một bài pháp về Niết-bàn. Đối với người thuyết cũng vậy, những cơ hội để thuyết một bài pháp như thế này là rất hiếm. Trong cuộc đời Đức Phật, Ngài thường hay thuyết về Niết-bàn liên hệ đến một câu chuyện (Nibbāna Paṭisamyutta Kathā). Sự kiện này được ghi lại trong Udāna Pāḷi (Kinh Phật Tự Thuyết, thuộc Tiểu Bộ Kinh) và dịp tới tôi sẽ có một số điều để nói về nó.

 

PHẦN II

 

Trong bài giảng về Niết-bàn lần trước, tôi đã xác định nó như sự chấm dứt của ba khổ luân (ba vòng xoay của khổ - phiền não luân, nghiệp luân và quả luân). Hôm nay tôi sẽ cố gắng để phân biệt sự khác nhau giữa saṅkhāra và Niết-bàn theo Kinh Điển Pāli, bộ Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga). Saṅkhāra là một từ có nhiều nghĩa, thông thường nó muốn nói tới các trạng thái tâm. Nó cũng còn được dịch là ý hành hay các hoạt động duyên sanh (hữu vi), hay tâm hành hay hành nghiệp. Tuy nhiên ở đây chỉ áp dụng cho các pháp hữu vi phải chịu sự thay đổi vô thường.

 

Saṅkhāra và Nibbāna

 

  1. Uppāda và Anuppāda

Kinh nói: Uppādo saṅkhāra; anuppādo nibbāna, sanh là hữu vi, và không sanh là Niết-bàn

Trong thâm tâm người hành thiền biết rằng mọi pháp hữu vi đều sẽ sanh khởi trở lại mỗi lần nó diệt đi. Khi Hành-xả trí (saṅkhāruppekkha ñāṇa) phát triển vị ấy bắt đầu ý thức được một trạng thái vượt qua hiện tượng sanh diệt này. Điều đó muốn nói rằng nó đã vượt qua pháp hữu vi (saṅkhāra) để đến gần hơn Niết-bàn. Saṅkhāra đối nghịch hoàn toàn với Niết-bàn; và hai pháp này không tương hợp nhau. Nếu pháp này có mặt, pháp kia biến mất. Ở đâu không có sanh, ở đó có Niết-bàn; và ngược lại ở đâu có sanh ở đó không có Niết-bàn. Không có ánh sáng trong bóng tối, và không có bóng tối trong ánh sáng.

Với những chúng sanh hữu tình, nāma (danh) và rūpa (sắc) làm mới lại trạng thái của nó vào thời tục sinh. Nó xảy ra theo cách này. Liền sau kiết sanh thức (tâm tục sinh), bhavaṇga hay hữu phần sanh. Chính từ sát-na sanh này sắc do tâm tạo xuất hiện.  Tiến trình này tiếp tục và danh-sắc cứ nối tiếp nhau sanh ra phù hợp với các loại tâm tương thích với đối tượng được nhận thức không ngừng. Chẳng hạn, ý thức phát sinh khi người ta nghĩ đến một đối tượng, và ý-xúc xuất hiện khi người ta xúc chạm nó; và do ý xúc này nāma-rūpa được tạo điều kiện, hay danh và sắc của thực thể tâm vật lý được sanh ra. Sự “trở thành” này diễn ra suốt cuộc đời, sau khi sự tái sanh đã xảy ra. Khi kiếp sống này chấm dứt, nó được làm mới lại trong kiếp sau và điều này cứ tiếp diễn bất tận. Nói cách khác, các pháp hữu vi, do nghiệp, tâm, thời tiết và vật thực cùng tác động, gọi là saṅkhāra (hành) có thể được nhận thức bằng minh sát trí. Sau khi hành thiền nhiều lần, hành giả sẽ kinh nghiệm thấy rằng tâm của mình trôi chảy không ngừng giống như một dòng suối vào cái vùng phi hữu (non esse) một cách tự động. Khoảnh khắc chứng nghiệm sự diệt ấy là khoảnh khắc an lạc của Niết-bàn và tự nó được cảm nhận qua Đạo trí và Quả trí.

 

PAVATTA VÀ APPAVATTA

 

Kinh nói: Pavattaṃ saṅkhārā; appavattaṃ nibbānaṃ. Có nghĩa: sanh là hữu vi, và không sanh là Niết-bàn. Pavatti chính xác có nghĩa là một tiến trình hiện hữu giữa tâm tái sanh (kiết sanh thức) và tâm tử (thời bình nhật).

Nāma và rūpa hay danh-sắc được tạo thành liên tục qua tiến trình sanh và diệt và chúng trôi chảy giống như một dòng suối. Khi một đối tượng của tâm hay đối tượng của giác quan đi vào dòng này, các loại tâm khác, chẳng hạn như ý thức tâm hay ý xúc sanh khởi, như đã nói ở trước, tương thích với đối tượng được nhận thức. Các pháp hữu vi được tạo thành theo cách này và dòng đời tiếp diễn giống như một dòng suối trôi chảy. Vì vậy mà hàng phàm nhân nghĩ rằng cái khối danh sắc tương tục này hiện hữu không phải chịu bất cứ sự thay đổi nào. Họ nghĩ rằng cái thân mà họ đang thấy ngay lúc hiện tại này cũng giống với cái thân đã hiện hữu khi họ còn trẻ. Từ những quan niệm đại loại như vậy làm phát sinh sự tham chấp đối với tự ngã và ý tưởng về sự thường hằng của cái tôi. Do sự tham chấp này, họ không thấy được những thực tại đang là. Khi họ cảm giác một cảm thọ lạc đang xâm chiếm tâm họ, họ nhầm lẫn đó là hạnh phúc. Khi không thể nắm bắt được sự thực cùng tột về bản chất của các pháp hữu vi giống như danh và sắc, họ bị dẫn dắt đến chỗ tin vào thường, lạc, ngã, và tịnh.

Người hành thiền, nhờ tuệ giác, biết rõ tiến trình hình thành và hoại diệt của các pháp hữu vi. Cho nên niềm tin vào vô thường của người ấy rất vững chắc. Vị ấy cũng nhận ra rằng cái gì vô thường là bất toại nguyện, và cái gì bất toại nguyện là khổ. Vị ấy thấy không có cái “Tôi” trong bất kỳ hiện tượng danh sắc nào. Khi vị ấy ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc, vị ấy nhận thức được rằng cái vòng hình thành và hoại diệt này là bất tận. Những gì vị ấy thấy với sự trợ giúp của thiền minh sát như vậy là Pavatta[3] (sanh khởi). Tập trung tâm không ngừng trên sự sanh diệt, vị ấy đạt đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa), khi vị ấy khuynh hướng về sự bình yên (Niết-bàn giới) ở đây dòng danh-sắc ngừng trôi chảy. Vì không có gì sanh khởi giai đoạn này nên nó được gọi là apavatta (不轉起 bất chuyển khởi hay 無作用 vô tác dụng). Khoảnh khắc ấy, tức khoảnh khắc khi trí này khai mở nhờ tâm đạo và tâm quả, là khoảnh khắc của sự thật khi người hành thiền trở thành một với Niết-bàn.

 

NIMITTA VÀ ANIMITTA

 

Kinh nói: Nimittaṃ saṅkhāra; animittaṃ nibbānaṃ, có tướng là saṅkhāra (hữu vi); và không có những tướng ấy là Niết-bàn. Nói cách khác Niết-bàn là vô tướng.

Những người không chuyên tâm hành thiền minh sát tin rằng các đối tượng mà họ thấy có hình thù hay hình tướng hay kích thước xác định. Ngay cả những người hành thiền lúc ban đầu cũng nghĩ như vậy. Hợp theo quy luật của Satipaṭṭhāna (Niệm Xứ), khi đi vị ấy có thể ghi nhận sự thật rằng vị ấy đang đi, nhưng vị ấy không thể giũ bỏ cái biết rằng trong tiến trình đi, chân vị ấy đang nhấc lên và thân vị ấy đang chuyển động. Vị ấy cảm nhận được cái cảm giác chuyển động của thân mình. Tương tự, khi vị ấy đang ghi nhận sự phồng và xẹp của bụng, vị ấy luôn luôn bị nhớ về cái hình dạng hay hình thù của bụng. Điều đó có nghĩa rằng vị ấy đang biết những tướng hiện tại của các hành vốn phải chịu thay đổi. Những tướng này là Hành (Saṅkhāra).

Tuy nhiên khi vị ấy đạt đến một giai đoạn minh sát trí cao hơn, vị ấy chỉ biết yếu tố chuyển động (vāyo, phong đại) sanh lên rồi biến mất. Lúc này vị ấy mới có sự tin chắc rằng tất cả đều vô thường. Theo cách này, vị ấy đạt đến diệt trí (bhaṅga ñāṇa), trí biết về sự diệt của các pháp hữu vi.

 

VÔ TƯỚNG CẢM NHẬN QUA DIỆT TRÍ

 

Thanh Tịnh Đạo nói:

Nāne tikkhe vahante saṅkhāresu lahum upaṭṭhahantesu uppādam vā thitin vā pavattam vā nimittaṃ vā na sampāpuṇāti, khaya vaya bheda nirodhe yeva sati santiṭṭhati.

Khi, trí của hành giả được làm cho sắc bén nhờ hành thiền, việc ghi nhận và sự nhận biết đối tượng dưới sự quan sát trở nên nhanh đến mức, khi vị ấy nhận biết các hành (saṅkhāra) vị ấy có thể mở rộng niệm chỉ đến sự diệt của các hiện tượng. Điều đó xảy ra theo cách này.

Bản dịch của Ngài Ñāṇamoli trong Thanh Tịnh Đạo có hơi khác: Khi trí của vị ấy làm việc (saṅkhāra) một cách sắc bén, các hành nhanh chóng trở nên rõ ràng. Lúc đó vị ấy không còn mở rộng niệm đến sự sanh hay sự hiện diện hay sự xuất hiện của tướng nữa mà đưa niệm tập trung trên chỉ sự diệt của chúng như sự huỷ diệt, rơi rụng và tan rã. (Đây là bản dịch của Ngài Ñāṇamoli trong cuốn Visuddhimagga do R. Semage, Colombo, 1956 xuất bản.)

Mỗi sát-na tâm có ba sát-na tiểu, đó là sanh (uppādi) kể như sự bắt đầu, trú (thīti) kể như chặng giữa và diệt (bhaṅga) kể như sự chấm dứt của hiện tâm xảy ra.

Trước khi hành minh sát, người hành thiền không ý thức được ba sát-na tiểu của sát-na tâm này. Do đó, đối với vị ấy tất cả hình dạng, khái niệm chế định và tướng đều chỉ ra rằng mọi hiện tượng xảy ra như một chuỗi tương tục của các sự kiện. Vị ấy nghĩ rằng các sự kiện trôi chảy giống như một dòng suối không gián đoạn. Khi vị ấy bắt đầu tu tập bước đầu tiên trong thiền minh sát, đó là Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa pariccheda ñāṇa) trí đạt đến nhờ phân tích danh sắc hay thân và tâm thành những phần cùng tột của chúng, những ý niệm về sự tương tục của vị ấy giảm thiểu đến một mức nào đó.  Khi trí thẩm sát tam tướng hay tư duy trí (sammāsana ñāṇa, 思惟智 tư duy trí) phát triển trong vị ấy, vị ấy có được trí hiểu biết về sự sanh và diệt của các sự kiện quá khứ, hiện tại và vị lai như sanh (uppāda), trú (thīti) và diệt (bhaṅga). Tuy nhiên ngay cả như vậy vị ấy vẫn nghĩ rằng chúng là vững bền vì lẽ chúng móc nối hay liên kết với nhau thành một chuỗi. Khi vị ấy chứng được Sanh Diệt Trí (Udayabbaya ñāṇa), trí về sự sanh và diệt của các uẩn, vị ấy mới biết về sự bắt đầu, uppāda, và sự chấm dứt (bhaṅga), của sát-na tâm, nhưng sát-na trú hay sự xảy ra thực sự, pavatta (chuyển khởi hay hiện hành), không rõ ràng. Khi Diệt trí (Bhaṅga ñāṇa) được chứng ngộ, những tướng của các hành liên quan đến sự sanh khởi và phát triển lắng xuống chỉ còn lại sự diệt cho người hành thiền ghi nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng giờ đây vị ấy đã thấy Niết-bàn. Chỉ khi gắn tâm vào Tam Tướng ­— anicca, dukkha, anatta, vị ấy mới có thể nhận ra các hành (saṅkhāra). Và chỉ khi vị ấy đạt đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa), trí xả đối với các các hành (các pháp hữu vi), vị ấy mới có thể phát triển thái độ dửng dưng đối với tất cả tướng biểu thị cho các hành (saṅkhāra), đó là sự sanh, trú và diệt. Cuối cùng khi vị ấy suy xét trên Đạo, quả, tham đã đoạn trừ, tham còn phải đoạn trừ thêm nữa và Niết-bàn với phản khán trí (paccavekhaṇa ñāṇa), lúc đó vị ấy đạt đến giai đoạn tối hậu ở đây tất cả tướng của hành biến mất.

 

NIẾT BÀN: ĐẶC TÍNH, NHIỆM VỤ VÀ SỰ THỂ HIỆN

Các bản chú giải mô tả Niết-bàn bằng đặc tính, nhiệm vụ, và sự thể hiện của nó. Đặc tính của Niết-bàn là sự bình yên, nhiệm vụ của nó là bất tử và sự thể hiện của nó là vô tướng. Tuệ tri vô tướng chỉ có thể được thành tựu nhờ đạo trí và quả trí với sự trợ giúp của phản khán trí. Khi các bậc Thánh suy xét trên Đạo và quả thì sự vắng mặt của hình dạng, khái niệm chế định và tướng mới trở nên rõ ràng.

 

NIẾT BÀN LÀ VÔ TƯỚNG

 

Trong Milinda Pañhā (Mi Tiên Vấn Đáp) Ngài Nāgasena nói với đức Vua Milinda rằng không gì có thể được xem là đồng đẳng với Niết-bàn. Nó không có hình thù hay hình dáng, nó không có kích cỡ, và không có kích thước. Nó không thể được nhận thức bằng lý trí, hay bằng sự tranh luận, hay trình bày theo cách ẩn dụ. Niết-bàn nằm ngoài sự so sánh. Nó không trắng cũng không đen, không sáng cũng không tối, không lớn cũng không nhỏ. Niết-bàn là sự chấm dứt của tam luân — phiền não luân, nghiệp luân và quả luân. Tôi có viết lời giới thiệu trong tác phẩm “Thiền Minh Sát” của tôi xuất bản năm 1973 như sau:

Niết-bàn không phải là một toà lâu đài hay một cung điện. Nó không phải là thành phố, không phải là ánh sáng. Không có hào quang trong Niết-bàn. Nó không có yếu tố trong sáng và mát mẻ. Vì lâu đài, cung điện, thành phố, ánh sáng, hào quang, trong sáng và mát mẻ đều không phải là vô vi (asaṅkhata)[4] , hay những thực tại tối hậu (paramattha).

Tôi đã viết lời giới thiệu đó một cách khách quan không có ý định công kích hay bài bác bất cứ điều gì hay người nào. Nhưng sau đó tôi tìm thấy một cuốn sách mô tả Niết-bàn như một sự phát triển của ánh sáng. Những người đọc có thể nghĩ rằng tôi đang viết một bài chỉ trích tác giả cuốn sách đó. Nhưng không! Tôi viết không mảy may nghĩ về điều đó. Tôi chỉ lập lại những lời trong Mi Tiên Vấn Đáp khi nói rằng Niết-bàn là Vô Sắc (không hình tướng). Một hành giả khi đang tập trung trên đối tượng minh sát với Hành Xả Trí (saṅkhāruppekkhā ñāṇa), Thuận Thứ Trí (anuloma ñāṇa) và Chuyển Tộc Trí (gotrabhū ñāṇa – trí chuyển từ phàm tộc sang Thánh tộc với Niết-bàn là đối tượng), sẽ bị lạc vào dòng tâm thừa nhận sự diệt của tất cả hành. Ở giai đoạn này, cả tâm ghi nhận lẫn đối tượng ghi nhận có vẻ như đang tan ra.

 

ĀYŪHANĀ VÀ ANĀYŪHANĀ

 

Kinh nói: Āyūhanā saṅkhāra; anāyūhanā nibbānaṃ, sự tích luỹ (nghiệp) là hữu vi và sự không tích lũy là Niết-bàn. Hàm ý ngữ pháp của āyūhanā là “xây dựng hay tập hợp” như trong việc xây dựng một căn nhà ở đây những người thợ xây dựng tập hợp những vật liệu lại theo một cách thích hợp nào đó. Những nỗ lực tích luỹ nghiệp tạo thành saṅkhāra (hành). Ở đâu không có những nỗ lực như vậy, ở đó bạn sẽ tìm thấy Niết-bàn.

Vì nhiệm vụ của hành (saṇkhāra) tích luỹ, đặc tính của nó là Tạo thành, có thể là thụ động hay chủ động. Khi sự hình thành được làm duyên bởi bốn yếu tố — nghiệp lực, tâm, thời tiết và vật thực, nó là thụ động. Danh (Nāma) và sắc (rūpa) tuỳ thuộc vào bốn yếu tố này. Khi chúng ta nói tất cả hành là vô thường, khổ và vô ngã là chúng ta muốn nói đến danh và sắc này. Tâm sở (cetasika) là pháp đồng sanh của tâm, và nó cũng được gọi là hành uẩn (saṇkhārakkhandhā). Khi nó hoạt động để tạo ra thân hành, khẩu hành và ý hành, thì đặc tính của hành (saṇkhāra) được nói là chủ động. Cetanā là tư hay ý chí là một thành phần của tâm sở. Nó tạo ra dị thục quả (vipāka), hoặc tốt hoặc xấu, phù hợp với thân hành, khẩu hành và ý hành đã thực hiện một cách tốt đẹp hay không tốt đẹp. Có thể nói những thiện nghiệp (kusala kamma) và bất thiện nghiệp (akusala kamma) phát sanh theo cách này, và chính nghiệp này là saṇkhāra chủ động khiến cho có sự hiện hữu mới sau khi các uẩn cũ diệt. Chỗ nào Cetanā không xảy ra, chỗ đó danh sắc mới không sanh.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trước, khi không có phiền não, các nghiệp chủ yếu trở thành duy tác. Các phiền não bị huỷ diệt khi đạt đến Đạo Quả nhờ thiền minh sát. Thoát khỏi ảnh hưởng của các phiền não (kilesas), các nghiệp quá khứ bị làm cho kiệt sức, và chúng hoàn toàn không thể đưa đến sự hình thành của một hiện hữu mới. Với các bậc A-la-hán tất cả khandhās (các uẩn) đều dừng lại cùng với sự diệt của tham ái và trạng thái Niết-bàn này được gọi là vô dư y (anupādisesa).

 

KHÔNG NỖ LỰC CÁC HÀNH NGHIỆP KHÔNG DỪNG LẠI

 

Có gợi ý cho rằng, anāyūhanā (非努力, phi nỗ lực) là đối nghịch của sự nỗ lực tích luỹ những hành động tạo ra nghiệp. Nếu điều này không được xem xét trong ánh sáng thích hợp của nó, nó có thể bị hiểu sai cho rằng người ta không nên nỗ lực để tích luỹ nghiệp. Những gì muốn nói ở đây là khi không có phiền não, nghiệp không thể tích luỹ, và do đó đối với các vị A-la-hán những thiện nghiệp có vẻ không cần thiết. Bạn không nên thừa nhận một cách vội vã quan niệm cho rằng nếu bạn không làm gì cả thời sẽ không có nghiệp lực, và nếu không có nghiệp lực thì sẽ không có quả của nghiệp. Điều đó có thể là khả dĩ, nhưng lại không thể thực hiện được. Một vài nhân tố giải thích sai Kinh Điển và nói, “Mọi nỗ lực đều dẫn đến khổ. Không nỗ lực là dừng lại và dừng lại là Niết-bàn. Bố thí, giữ giới và hành thiền để phát triển tâm linh là thừa. Hãy giữ tâm bất động. Tâm bất động này sẽ dẫn đến Niết-bàn.” Năm 1951, khi tôi đi đến Yangon, tôi được nghe qua radio những lời dạy mà có thể làm hài lòng những người không quan tâm đến nỗ lực thực hành pháp này. Những lời dạy như vậy trái ngược với những gì Đức Phật dậy. Trong Kinh Tạng luôn nói rằng tất cả điều ác (akusala) nên tránh và tất cả điều thiện — bố thí, trì giới, tu tập tâm phải được thực hành. Không ở đâu trong kinh nói điều thiện không nên làm cả!  Không tích chứa thiện nghiệp, ác nghiệp có thể chằng bao giờ được xoá bỏ.

 

THAM DỤC THIÊN VỀ ĐIỀU ÁC

 

Làm điều thiện cần phải có đức tin, hảo ý và nỗ lực. Vì thế điều thiện rất khó làm. Để hoàn thành nó giống như đi ngược thuỷ triều vậy. Tuy nhiên điều ác lại dễ làm, vì không cần thiết phải có một sự nỗ lực đặc biệt hay thúc đẩy nào để làm chúng. Nó vận hành một cách tự nhiên. Do đó, chúng ta có thể nói rằng người làm điều ác trôi giạt với thuỷ triều. Những việc làm xấu hay bất thiện nghiệp chỉ được kiểm soát ở một mức độ nào đó khi có sự can thiệp của luật pháp và sự thận trọng. Đối với hàng phàm nhân chỉ có hai điều chọn lựa — làm điều thiện (kusala kamma) hay làm điều ác (akusala kamma) mà thôi. Vì bao lâu điều thiện còn chưa làm, điều ác sẽ thắng thế. Nếu, cứ mỗi một trăm phút hết chín mươi phút dành để làm điều ác với tâm bất thiện (akusala citta), thì sẽ chỉ còn lại mười phút cho tâm thiện làm theo cách của nó. Nếu mười phút ít ỏi làm điều thiện này mà bị bỏ đi nữa, điều ác sẽ thắng thế trong bạn đủ cả trăm phút.

Một người không tu tập tâm sẽ không thể nào biết được cách chế ngự điều ác. Vì, khi đối diện với muốn vàn đối tượng khác nhau đem lại sự thích thú cho các giác quan, làm thế nào một người bình thường có thể kiểm soát được tâm mình không để dính mắc vào các dục lạc cho được? Họ sẽ mãi mãi hài lòng với những đối tượng hấp dẫn nào họ thấy hay nghe.oọ se

Một người có gia đình khó mà kiềm chế trong việc đáp ứng những mong muốn của gia đình, anh ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm được để thực hiện nó. Một người độc thân, dù không bị những ràng buộc của hôn nhân, nhưng cũng sẽ không thể kháng lại sự cám dỗ mà các đối tượng giác quan khả lạc mang đến. Vì lẽ anh ta có tất cả những đặc quyền thọ hưởng những gì có sẵn để thọ hưởng, nên anh ta sẽ không quan tâm đến việc kiểm soát những dục tham, sân hận và si mê của mình. Anh ta chắc chắn sẽ bộc lộ sự tức giận của mình nếu gặp bất kỳ đối tượng nào mà anh ta xem như không mong muốn. Liên quan đến việc kiểm soát tâm này, có câu chuyện kể về một người chú và người cháu nọ. Người cháu thường nói, “Hãy để tâm yên, cứ trao dây cương cho nó, nó có thể tự tránh khỏi phiền não.” Người chú có vẻ đã chán ghét những lời nói lém lỉnh như vậy bèn tát vào má đứa cháu. Khi được hỏi tại sao lại làm như vậy, người chú giải thích rằng chú đang kiểm tra tính xác thực của lời tuyên bố cháu đưa ra thôi mà. Người cháu, không cần phải nói, trở nên rất tức giận. Sân hận chỉ có thể được loại trừ khi một người đạt đến A-la-hán Thánh Đạo qua việc hành thiền minh sát.

Trong thời Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) nổi tiếng vì sự điềm tĩnh. Ngài không bao giờ sân hận. Một vị Bà-la-môn kia, không tin Tôn giả đã chiến thắng được sự giận dữ, đi đến phía sau ngài và đánh vào ngài một cái. Tuy nhiên Tôn giả Xá-lợi-phất vẫn tiếp tục đi một cách bình thản. Chỉ lúc đó người Bà-la-môn mới nhận ra lỗi lầm của mình và cầu xin tha lỗi. Một bậc Thánh A-la-hán có sự bình thản nhờ đã diệt mọi sân hận,… bằng việc thực hành thiền minh sát làm phát sinh tâm Đạo.

Khi nhìn thấy những điều đáng ghét bạn có thể kiểm soát được tâm bạn để không cảm thấy ghê tởm, buồn bã, chán nản hay phiền muộn không? Có thể bạn chẳng bao giờ biết cách làm thế nào để kiểm soát tâm mình nếu không hành thiền minh sát.

 

THIẾU THIỆN PHÁP, BẤT THIỆN PHÁP SẼ THỐNG TRỊ

 

Ở đâu thiện pháp không được thực hành, ở đó bất thiện pháp sẽ thắng thế. Nếu một người hành bố thí, giữ giới và tu thiền, cho dù người ấy không nguyện đắc Đạo Quả, người ấy vẫn có thể thoải mái tái sanh trong cõi người hoặc cõi chư thiên. Sau này, trong tình trạng khó khăn không thể chứng đắc Đạo Quả, nếu một người tiếp tục hành thiền ở bất cứ nơi đâu được sanh ra, cuối cùng họ vẫn có thể bước trên Đạo Lộ. Nhưng nếu họ sao lãng làm điều thiện, không tích luỹ thiện nghiệp, thời ác nghiệp của họ sẽ dẫn đến những kết quả tương xứng với những gì họ đã làm, và họ sẽ phải chịu khổ vì chúng. Thậm chí họ có thể phải đi đến các cõi khổ. Vì thế, những chỉ dẫn không làm điều thiện phải được xem xét với sự hiểu biết. Đó là lý do vì sao tôi luôn luôn kêu gọi mọi người phải làm điều thiện. Hãy để tôi nhắc lại ở đây rằng anāyūhanā (phi nỗ lực) không có nghĩa là tránh làm điều thiện. Mà nó chỉ có nghĩa là từ bỏ thiện (kusala) hay bất thiện (akusala) làm sanh khởi tâm tục sanh mà thôi. Thiện nghiệp giúp phát triển bố uý trí (bhaya ñāṇa 怖畏智), trí thấy các pháp tan hoại như đáng sợ hãi, quá hoạn trí (ādinava ñāṇa -過患智) trí thấy những pháp đáng sợ hãi như có lỗi hay nguy hiểm, và yểm ly trí (nibbidā ñāṇa 厭離 智) trí thấy các pháp có lỗi như đáng nhàm chán.

 

BẬC THÁNH A-LA-HÁN KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ THIỆN NGHIỆP

 

Các bậc Thánh A-la-hán không bao giờ phạm vào những điều ác vì đã thoát khỏi mọi phiền não như tham, sân và vô minh. Điều đó rất rõ ràng. Tuy nhiên, câu hỏi có thể phát sanh là liệu những thiện nghiệp mà các ngài đã làm có tích lũy phước báu không. Như tôi đã giải thích trước đây, các ngài vẫn tích lũy phước báu do thực hành bố thí, giữ giới, hành thiền định, thiền minh sát, hành tâm từ và đảnh lễ Đức Phật, nhưng vì không còn phiền não, nên những thiện nghiệp ấy không tạo ra quả. Trong bài kệ Đảnh Lễ Namakara có thể các bạn còn nhớ, Đức Phật đã mô tả như sau: Như Lai đã từ bỏ cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp vì nghiệp luân và phiền não luân (vòng xoay của nghiệp và phiền não) đã diệt. Các bậc Thánh A-la-hán cũng như vậy. Nhưng không giống Đức Phật các vị A-la-hán không thể loại bỏ được vāsanā[5] (tiền khiên tật), ấn tượng về những thiện nghiệp hay ác nghiệp còn đọng lại trong tâm. Ở đây trong bài kệ Đảnh Lễ sự từ bỏ cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp có nghĩa là những nghiệp ấy được làm cho vô hiệu bởi vì các phiền não đã bị huỷ diệt bằng tâm Đạo. 

Đối với hàng phàm nhân, những nghiệp thiện hoặc bất thiện cả ở quá khứ lẫn hiện tại, đều có thể tạo ra quả trong hình thức kiết sanh thức. Có thể nói những hữu tình chúng sanh trải qua vô số kiếp sống theo cách này. Vì bao lâu các uẩn còn tiếp tục sanh khởi, khổ đau không bao giờ hết.

 

PAṬISANDHI VÀ APPAṬISANDHI                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

 

Vô-ngại-giải Đạo đã nói về kiết sanh (paṭisandhi) này như sau: Paṭisandhi saṅkhārā; appaṭisandhi nibbānaṃ. Có nghĩa, kiết sanh là hữu vi; không kiết sanh là Niết-bàn (vô vi).

Nó được gọi là paṭisandhi hay kiết sanh là vì nó nối kết cái khe hở tách rời sát-na cuối của kiếp sống trước với sát-na khởi đầu của kiếp sống sau. Kiếp sống quá khứ nối liền với kiếp sống hiện tại một cách bất tận bao lâu quy luật của nghiệp còn vận hành. Sự nối kết này tạo ra kiếp sống trong cõi địa ngục, hoặc trong cõi ngạ quỷ (peta), hoặc trong cõi bàng sanh, hoặc, cũng có thể trong các cõi giới khác. Phải sanh đi sanh lại trong những cõi khổ vừa nói quả thực là khủng khiếp. Trừ phi một người đạt đến Đạo Quả A-la-hán bằng không họ sẽ miệt mài trong cõi luân hồi. Ngay cả các bậc Thánh Nhập Lưu (sotāpanna) cũng sẽ phải trải qua bảy lần trong cõi dục giới. Một bậc Nhất Lai (sakdāgāmi) phải đi qua hai kiếp sống nữa. Một bậc Bất Lai (anāgāmi) sẽ lang thang trong cõi Tịnh Cư (suddhavāsa) nơi đây nhất định vị ấy sẽ đắc A-la-hán. Đối với những chúng sanh còn lại sẽ ở trong cõi của phiền não chuẩn bị cho những cuộc tái sanh bất tận. Tuy nhiên, như tôi đã nói, với các bậc A-la-hán cả ba vòng xoay của nghiệp, phiền não và quả đã dừng lại. Đây là không kiết sanh (appaṭisandhi), đặc tính của Niết-bàn. Do đó chúng ta có thể nói rằng Niết-bàn là Vô Sanh.

Những người đã phát triển được các minh sát trí — bhaya ñāṇa (bố uý trí), ādinava ñāṇa (quá hoạn trí) và nibbidā  ñāṇa (yểm ly trí), thường cảm thấy chán nản và trở nên ghê tởm đối với vòng khổ luân sau khi chứng ngộ chân lý bằng tâm Đạo. Mong chờ Niết-bàn, họ hành thiền minh sát để diệt các phiền não và đặt chân vào Đạo Quả. Điều này tự nó là sự chứng ngộ Niết-bàn; nhưng vì nền tảng của sự hiện hữu vẫn chưa được đoạn trừ nên nó được gọi là hữu dư y Niết-bàn (saupādisesa nibbāna) khác với vô dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna), ở đây không còn các uần sau khi diệt tận mọi tham dục.

 

BA GÁNH NẶNG

 

Chúng ta đang đeo mang những gánh nặng — gánh nặng của phiền não, gánh nặng của sự tích tụ (abhisankhāra ) và gánh nặng của năm uẩn.

  • Gánh Nặng Phiền Não

Kilesa hay phiền não bao gồm tất cả mọi cảm xúc mạnh mẽ như tham, sân, và si. Nó đặt một gánh nặng lên chúng ta ­—­ một gánh nặng của tội lỗi, vì con người rất dễ phạm tội sát sanh, trộm cắp, v.v…, do những cảm xúc mạnh mẽ của mình sai khiến.

  • Gánh Nặng Tích Tụ (Ābhisaṅkhāra)

Sự tích luỹ các nghiệp, thiện hay bất thiện mà một người thực hiện, là abhisaṅkhāra, vốn là một tên khác chỉ hành nghiệp. Nó cũng là một gánh nặng. Khi những nghiệp được thực hiện là ác, chúng dẫn người làm điều ác xuống các cõi khổ như địa ngục, ngạ quỷ,…. Khi một người được tái sanh trong những điều kiện hạnh phúc, chẳng hạn trong cõi trời, như kết quả của thiện nghiệp, anh ta vẫn sẽ phải khổ với tuổi già, tật bệnh và cái chết. Dù anh ta có hài lòng với số phận (những quả nghiệp) hay không, anh ta cũng không thể tránh khỏi ba tình trạng — già, bệnh, chết không mong muốn này. Vì thế dù muốn hay không muốn, khi đã mang cái gánh nặng của nghiệp, anh ta không thể tránh khỏi vòng khổ luân. Ngay cả khi anh ta được tái sanh làm người, anh ta có thể phải tái sanh trong cảnh bần cùng thiếu thốn, khổ sở với tật bệnh và phiền muộn với sức khoẻ yếu kém. Cho dù anh ta có những quả nghiệp thiện đang chờ đợi, anh ta có thể không có cơ hội để hưởng những quả ấy nếu nghiệp xấu bắt kịp anh ta sau đó. Anh ta sẽ buộc phải chịu đựng những đau khổ như thường. Trong hiện thực cuộc sống, có thể xảy ra trường hợp anh ta tránh được sự trừng phạt của pháp luật vì tội ác của mình. Nếu may mắn có được một luật sư giỏi bào chữa, anh ta có thể thoát khỏi vụ xử như một người vô tội. Trong những tình tiết giảm nhẹ, anh ta có thể hối lộ để được tự do. Và rồi có lệnh ân xá để cứu anh ta. Nhưng với Kamma (nghiệp) thì không thoát khỏi luật quả báo. Nó có thể ngủ ngầm hàng kiếp trong quá trình luân hồi, nhưng khi nó tìm được một cơ hội để ngóc đầu lên, nó sẽ làm cho sự hiện diện của nó được cảm nhận. Do đó gánh nặng của nghiệp và quả của nghiệp thật nặng thay!

Cách duy nhất để buông bỏ gánh nặng abhisaṅkhāra (tích tụ) là phải hành thiền minh sát. Nếu người hành thiền đạt đến trạng thái của một bậc nhập lưu (sotāpanna), tất cả nghiệp bất thiện dừng lại; và vị ấy không bao giờ còn đi xuống bốn cõi khổ nữa. Nếu vị ấy đạt đến Đạo Quả A-la-hán, tất cả mọi gánh nặng sẽ được nhấc ra khỏi vai vị ấy, “hữu (sự trở thành)” mới sẽ không sanh. Nhưng trước khi một bậc A-la-hán nhập vào trạng thái vô dư Niết-bàn (parinibbāna), những nghiệp xấu của vị ấy có thể vẫn cho quả. Kinh nói rằng ngay cả Đức Phật cũng không thể tránh được quả của nghiệp, hay quả của những nghiệp xấu còn dư tàn (từ những kiếp quá khứ).

  • Gánh Nặng Năm Uẩn

Do gánh nặng abhisaṅkhāra (tích tụ) chúng ta phải mang cái gánh nặng năm uẩn hết kiếp này sang kiếp khác. Các uẩn mới phát sanh như kết quả của các uẩn cũ quá khứ. Chúng rất năng động, di chuyển không ngừng, hết đi, đến đứng, hết nằm đến ngồi,…. Chúng phải được cho ăn uống, tắm rửa và mặc quần áo. Chúng thích khoái lạc vì thế chúng phải được dỗ dành với những đối tượng đem lại cho chúng những cảm giác khả lạc (thọ lạc). Trong nỗ lực để hoàn thành những ước muốn của chúng con người buộc phải làm những điều tội lỗi. Khi đã phạm vào một tội ác, nó không chỉ tác động đến tự thân anh ta mà còn đến cả môi trường chung quanh kẻ tội phạm nữa, và đó là sự kết thúc của nó. Nhưng khi một ác nghiệp được làm, nó khiến người phạm tội lo lắng suốt cả cuộc đời. Để thoát khỏi chúng anh ta sẽ phải tích luỹ những thiện nghiệp cùng với sự phát triển các tưởng thiện, hành thiện và thức thiện. Khi một người về già, họ mới cảm nhận được sự nằng nề của gánh nặng. Họ biết rằng nó phải được mang không chỉ trong một thoáng ngắn ngủi mà suốt đời, nói đúng ra là suốt kiếp luân hồi (saṃsāra), không giây phút nghỉ ngơi, không có bất kỳ giới hạn nào về trọng lượng hay khoảng cách, hay thời gian. Ở một phần trước tôi đã nói về tam luân ­— phiền não luân, nghiệp luân và quả luân. Về cơ bản, tam luân này có liên quan đến ba gánh nặng mà tôi đang nói về.

Tóm lại, tất cả những phiền não của tâm giống như tham, sân, si tạo thành gánh nặng của Phiền não, tất cả những thiện nghiệp và ác nghiệp tạo thành gánh nặng của Abhisaṅkhārā (tích tụ), và tất cả năm uẩn tạo thành gánh nặng của Năm Uẩn.

 

DỠ BỎ GÁNH NẶNG

 

Vì lẽ các bậc A-la-hán nhờ tâm Đạo đã diệt tận mọi phiền não, nên việc đặt gánh nặng phiền não xuống kể như đã hoàn thành, và vì lý do đó những nghiệp quá khứ của các ngài sẽ trở thành vô hiệu sau khi Bát Niết Bàn. Điều này có nghĩa là những nghiệp quá khứ không thể tạo ra “sanh hữu” mới cho các ngài nữa. Nhưng trong lúc sinh thời của các ngài, những nghiệp ấy vẫn tiếp tục cho quả. Chú giải nói rằng Đức Phật được sống phong lưu trong suốt cuộc đời là nhờ những thiện nghiệp của ngài. Nhưng ngài cũng bị nữ du sĩ ngoại đạo Sundari cáo buộc ngài vô đạo đức, bởi vì quả nghiệp quá khứ của ngài lúc đó đang vận hành chống lại ngài. Với Trưởng lão Sīvali, sự hào phóng là đặc điểm của ngài, bởi vì ngài đã bố thí một cách hào phóng trong những kiếp quá khứ. Với Trưởng lão Losaka sự nghèo đói và thiếu thốn luôn luôn làm khổ ngài vì nghiệp bất thiện ganh tỵ và bỏn xẻn quá khứ của ngài.

 

SỢI DÂY SANH HỮU

 

Các bậc A-la-hán thường được mô tả như bậc Thánh đã đặt gánh nặng xuống (hay không còn gánh nặng trên vai). Sự thành tựu của các ngài là chứng đắc Đạo Quả. Với các ngài sợi dây sanh hữu đã bị cắt đứt. Theo cách nói hiện đại chúng ta có thể dùng sự diễn đạt: cắt đứt xích xiềng. Nhưng với các bậc A-la-hán nó còn hơn cả cắt đứt những xích xiềng trói buộc con người nữa. Samyojana (kiết sử), sự trói buộc của những dục vọng làm cho con người rối ren trong vòng luân hồi bất tận, đã bị các bậc A-la-hán cắt đứt hoàn toàn. Sau khi đã thoát khỏi xích xiềng của sanh hữu, sự tái sanh mới đối với các ngài không còn cần thiết nữa. Một người dễ duôi trong Pháp, không cắt đứt được xích xiềng sanh hữu vốn có thể, không lúc này thì lúc khác kéo anh ta xuống bốn cõi khổ nếu những nghiệp anh ta làm là xấu. Vì thế trong Kinh Pháp Cú có nói, “Một phàm nhân dễ duôi trong Pháp sẽ lấy bốn cõi khổ làm nơi thường trú của mình.”

 

Con người sống trong căn nhà của họ. Nếu hoàn cảnh buộc họ phải đến thăm nhà của người khác, họ có thể ở đó trong một thời gian nào đó với tư cách là khách và rồi phải trở lại căn nhà riêng của họ. Tương tự như vậy, khi địa chỉ thường trú của họ là địa ngục, thỉnh thoảng họ có thể đến thăm những cõi sống cao hơn rồi lại phải quay về với nơi ở hợp pháp của họ. Đôi khi, những người sinh vào thế giới này như đàn ông hay đàn bà, nhờ những thiện nghiệp của mình họ có thể đi lên cõi Phạm thiên. Nhưng sợi dây dục hữu lại kéo họ xuống cõi người. Vì thế họ chết như một vị Phạm thiên rồi phải tái sanh làm người đàn ông hay đàn bà trở lại trong cõi người này.

Khi sợi dây dắt (bò) ngắn con bò không thể lang thang ra ngoài những gì sợi dây ấy cho phép. Theo cách tương tự nếu một người bị cột bằng một sợi dây với phạm vi hạn hẹp của sanh hữu họ không thể vượt qua phạm vi đó. Khi sợi dây sanh hữu chỉ cho phép họ lang thang trong cõi sắc giới và vô sắc giới, họ sẽ chẳng thể nào vượt qua được những giới hạn ấy để đạt đến Niết-bàn. Vì thế họ phải tiếp tục sống trong khổ đau, trong già, bệnh và chết. Nhưng các bậc A-la-hán biết rằng họ đã cắt đứt vĩnh viễn sợi dây sanh hữu ấy.

 

NGŨ CĂN

 

Các bậc thánh A-la-hán đã diệt tận các lậu hoặc[6] (āsava), và phiền não (kilesa). Giống như tất cả hữu tình chúng sanh khác, bậc A-la-hán cũng có các căn hay giác quan thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm vì các căn này nằm trong thân vật lý của họ. Do các căn này còn nguyên vẹn, nên các ngài vẫn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm với các đối tượng và phân biệt được cái nào trong chúng là tốt hay xấu. Có thể nói giác quan của các ngài hoạt động bình thường như mọi người vì các ngài vẫn chưa thể loại trừ được các cảm thọ (vedanā). Các ngài vẫn biết khổ là gì và hạnh phúc hay lạc là như thế nào. Nhưng vì các ngài đã loại trừ được phiền não như tham, sân,… nên các ngài không cảm thấy khó chịu, dù các ngài vẫn có thể nhận ra sự bất an của thân. Khi điều kiện thời tiết thay đổi các ngài có thể cảm thấy nóng hoặc lạnh, hay cảm thấy khoẻ hay không khoẻ. Khi gặp những đối tượng giác quan không hài lòng, các ngài có thể cảm thấy không thoải mái về thân, nhưng về tâm các ngài vẫn thản nhiên. Các ngài hầu như không quan tâm đến tạc hay khổ. Dù những cảm thọ lạc sanh khởi do các đối tượng giác quan tạo ra cũng không có tham, hay sân hay vô minh nào sanh khởi nơi các ngài.

 

DIỆT DỤC

 

Rāga hay tham dục không còn sanh khởi nơi vị A-la-hán, sân và vô minh cũng vậy. Khi thấy, nhãn thức sanh; vị ấy biết nhưng không có những cảm giác tham, sân và vô minh. Tất cả cảm xúc mạnh mẽ này đã tàn lụi trong vị ấy. Sự diệt của những cảm xúc mạnh mẽ này được gọi là Hữu dư y Niết Bàn — sự huỷ diệt những ngọn lửa tham, sân và vô minh với sanh y vẫn còn.

Một khi A-la-hán Thánh Đạo được chứng vị A-la-hán sẽ thọ hưởng Hữu Dư Y Niết Bàn cho đến khi nhập vào Vô Dư Niết Bàn (parinibbāna). Vị ấy an vui tuyệt đối trong trạng thái hữu dư y Niết Bàn vì đã loại bỏ được tất cả khổ do phiền não luân gây ra. Tuy nhiên thân ngũ uẩn vẫn còn và nếu trường hợp ngài chứng Đạo trong cõi Phạm Thiên thân ngũ uẩn này có thể kéo dài một hay hai ngàn năm nữa. Về một phương diện nào đó thì điều này là tốt, vì trong cõi phạm thiên khổ thân và những đối tượng bất lạc không hiện hữu. Nhưng đối với những vị đắc Đạo trong cõi người, họ sẽ phải chịu đựng những cái khổ mà xác thịt này thừa hưởng, chẳng hạn, sự nhọc nhằn trong việc đi khất thực, phải tắm rửa hàng ngày,… Như vậy, dù là một bậc thánh A-la-hán , các ngài cũng phải mang cái gánh nặng ngũ uẩn bất chấp sự thực rằng ngài không còn dính mắc vào chúng.

Trưởng lão Bākula, người được xem là tối thắng về sức khoẻ (vô bệnh đệ nhất) trong số những đệ tử của Đức Phật, sống đến 160 tuổi, trở thành bậc A-la-hán lúc 80 và nhập vô dư Niết Bàn tám mươi năm sau. Điều đó có nghĩa rằng ngài đã mang cái gánh nặng năm uẩn này trong 160 năm và chỉ sau khi nhập vô dư Niết Bàn ngài mới được giải thoát khỏi sự trói buộc của các uẩn cũng như những nhọc nhằn của kiếp người. Nhưng ngài không mong muốn sống lâu cũng không muốn chết sớm. Ở một đoạn trước tôi đã nói về điều này rồi — rằng một vị A-la-hán không mong muốn sống cũng không mong muốn chết mặc dù ngài háo hức chờ vô dư Niết Bàn.

 

ANUPĀDISESA NIBBĀNA

Anupādisesa nibbāna (Vô dư y Niết Bàn) là sự huỷ diệt tất cả những cảm xúc mãnh liệt (tham, sân, si) cùng với các uẩn. Vì điều này đã được giải thích trong Itivuttaka như vậy. Trong Itivuttaka Đức Phật nói Anupādisesa nibbāna (Vô dư y Niết Bàn) là sự chứng đắc của một bậc thánh tỳ-kheo A-la-hán nhờ đoạn tận các lậu hoặc và phiền não, đời Phạm hạnh đã tành tựu, đã thực hành tất cả những gì cần phải thực hành (việc cần làm đã làm xong), đã đặt xuống gánh nặng của năm uẩn, đã cắt đứt sợi dây sanh hữu (hữu kiết sử), đã được giải thoát nhờ chánh trí, đã loại bỏ các cảm thọ (vedanā), vì không còn thích thú, và cuối cùng, sau khi đã đạt được sự bình yên và tĩnh lặng trong suốt cuộc đời.

Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là Thọ (vedanā) diệt cùng với sự nhập Vô dư y Niết Bàn của vị A-la-hán. Đối với phàm nhân và ngay cả đối với các bậc hữu học, thọ không thể bị loại bỏ. Họ có thói quen chấp nhận nó như là cái gì đó thích thú, và do đó một sự chấp thủ đã sanh khởi trong họ. Bị dính mắc vào thọ (vedanā), họ chấp nhận nó thậm chí cho đến sát-na tâm tử. Vì thế, thọ tiếp tục trôi chảy, như nó đã từng, và xuất hiện cùng với thức tái sanh. Kết quả là sanh hữu mới sanh khởi. Nhưng với vị A-la-hán sự diệt của thọ đã được bắt đầu trong đời sống của vị ấy. Liên quan đến sự diệt này có thể mọi người còn nhớ đến sự giống nhau đã được rút ra từ ngọn đèn đang tắt. Sự tắt này bắt đầu trong đời sống của vị ấy. Vì lẽ thọ đã được kìm lại như vậy nên cơ hội cho sự trở thành không thể có được sau vô dư Niết-bàn của vị ấy.

Những gì đã được nói về thọ cũng áp dụng chính xác cho tưởng (saññā), hành (saṅkhāra) và thức (viññāṇa), vốn tất cả đều diệt khi thọ diệt. Cùng với sắc (rūpa), chúng (thọ, tưởng, hành và thức) tạo thành năm uẩn dựa vào quả của nghiệp để hiện hữu. Với sự vô hiệu lực của các uẩn và quả (vipāka), cuối cùng bậc Thánh A-la-hán thành tựu sự diệt không còn tàn dư của sanh y (vô dư y Niết-bàn).

 

HAI BÀI KỆ ĐÁNG CHÚ Ý

 

Liên quan đến hai Niết-bàn giới này, hai bài kệ (gathas) rút ra từ Itivuttaka (Phật Tuyết Như Vậy) rất đáng chú ý:

Duve imā cakkhumatā padāsitā,

Nibbānadhātu anissitena tādimā:

Ekā hi dhātu idha diṭṭhadhammikā,

Saupādisesā bhavanettisaṅkhayā.

Anupādisesā pana samparāyikā

Yamhi nirujjhanti bhavāni sabbaso.

Hai Niết-bàn giới này,

Ðược vị có pháp nhãn,

Trình bày và thuyết giảng,

Không y tựa như vậy,

Một loại Niết-bàn giới,

Ở đây, thuộc hiện tại

Còn có các dư y,

Nuôi dưỡng hữu bị diệt.

Không dư y Niết bàn,

Lại thuộc về tương lai,

Với vị đạt giới này,

Mọi hữu diệt hoàn toàn.

 

Ye etadaññāya padaṃ asaṅkhataṃ,

Vimuttacittā bhavanettisaṅkhayā;

Te dhammasārādhigamā khaye ratā,

Pahaṃsu te sabbabhāvāni tādino.

Những ai với chánh trí,

Biết con đường vô vi,

Tâm tư được giải thoát,

Nuôi dưỡng hữu bị diệt,

Những ai chứng đạt được

Gốc lõi của các pháp,

Hoan hỷ trong diệt tận,

Những vị ấy như vậy,

Ðã từ bỏ hoàn toàn,

Tất cả mọi sanh hữu.

 

Không y tựa (vào những tà kiến do tham ái tạo ra), an trú trong xả toàn diện (đối với các đối tượng giác quan, khả ý hay bất khả ý), và vận dụng tuệ nhãn, Đức Phật đã trình bày rõ hai Niết-bàn giới — Niết-bàn Giới Hữu Dư Y (Saupādisesa Nibbāna), sự diệt của các phiền não vẫn còn căn cứ tái sanh, và điều này được thấy rất rõ ngay trong hiện tại. Nó biểu thị sự cắt đứt của sợi dây sanh hữu (hữu kiết sử đoạn tận).

Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna) chỉ thể hiện rõ ràng sau Bát Niết-bàn (pariibbāna). Trong Niết-bàn giới này, sự huỷ diệt của sanh hữu là toàn diện. Biết hai Niết-bàn giới này là Vô Vi hay Không Tạo Tác nhờ tâm Đạo, các bậc Thánh A-la-hán được giải thoát khỏi bị tái sanh. Sau khi đã chứng ngộ lõi cây của Pháp, và sau khi đã thành tựu xả đối với các trần cảnh, tốt hoặc xấu, các vị hoan hỷ trong sự diệt của các hành.

 

Trong bài giảng trước, Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna)  đã được trình bày như một nơi chốn ở đây bình yên giới cư trú. Điều này được nói theo cách ẩn dụ mà thôi. Vì Niết-bàn không có nơi chốn. Nó không phải là nhân cũng không phải là quả. Trong các bản Chú giải, Hữu Dư Y Niết-bàn được trình bày như sự diệt của tham (rāga), và không chỉ định bất kỳ nơi chốn hay nhân và quả nào. 

Sẽ không hoàn toàn thích đáng khi nói rằng Đạo và Quả của nó nghiêng về phía đối tượng của chúng — Niết-bàn, là nhân và sự diệt của các phiền não trong hai Niết-bàn giới là quả. Người ta cũng có thể cho rằng sự Bình Yên mà Đạo và Quả nghiêng về là Niết-bàn bình thường còn hai Niết-bàn giới đang xem xét ở đây là Niết-bàn đặc biệt. Tuy nhiên cả hai Niết-bàn chỉ là một và có cùng sự an tịnh (santi), một trong những đặc tính của Niết-bàn.

Niết bàn là phi thời gian. Và vì thế sẽ không thích hợp tương tự khi hỏi liệu Đạo, ở sát-na diệt của phiền não, nghiêng về phía Niết-bàn ngay trong tiến trình hình thành của nó, tức là, trong thời hiện tại phải không, hay nó mong chờ  Niết-bàn tương lai với sự huỷ diệt của các uẩn sau Bát Niết-bàn (nhập diệt) của vị A-la-hán. Nhưng ở đây Niết-bàn là kālavimutti, vượt ngoài khái niệm về thời gian. Hãy xét về các tuỳ miên (anussayas), những khuynh hướng góp phần vào sự hình thành của tham, sân, và si. Phàm nhân có những khuynh hướng này rất nhiều. Chúng sanh khởi khi những điều kiện thuận lợi. Chúng không thể được gán cho là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Vì lẽ chúng là phi thời gian, sự diệt của chúng cũng phi thời gian.

Chúng ta cũng hãy xem xét đến hiện tượng diệt. Nó không phải là một cái gì đó đang xảy ra cũng không phải là một cái gì đó đang sanh. Bạn không thể nói rằng nó đã sanh hay nó đang sanh, hay nó sẽ sanh. Nó đến cùng một lúc với sát-na khi tâm Đạo sanh. Khi các phiền não diệt, các uẩn, tuỳ thuộc vào chúng, mất đi cơ hội để sanh. Hiện tượng xảy ra trong trường hợp này là phi thời gian (kālavimutti). Do đó không ích lợi gì khi hỏi liệu tâm Đạo khuynh hướng về hiện tại hay tương lai.

Ở đâu vòng sanh (upāda), trú (thiti), diệt (bhaṅga) đang hoạt động thì pháp (dhamma) tốt nhất vẫn là tập trung và thiền trên Quả của Đạo. Khi đạt đến cái Tuyệt Đối cùng với sự biến mất  của ba sát-na tiểu — sanh, trú, diệt của sát-na tâm, Niết-bàn được chứng ngộ. Nó là giai đoạn cao nhất. Khi các bậc A-la-hán xuất khỏi thiền quả (suốt quá trình chứng quả của Đạo) họ thường bầy tỏ niềm hân hoan của họ như sau:

Susakhaṃ vata nibbānaṃ, samāsambuddha desitaṃ;

Asokaṃ virajaṃ, khemaṃ yattha dukkhaṃ nirujjhati.

Tất cả khổ bị diệt tại Niết-bàn nơi không có ưu sầu, không có cấu uế của phiền não và hiểm nguy. An lạc thay là Niết-bàn đã được Đấng Chánh Biến Tri tuyên thuyết.

 

Do đó, các bậc A-la-hán khuynh hướng về trạng thái an lạc này của Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna) nơi tất cả sắc, tâm và tâm sở đều tận diệt. Vì lẽ các ngài đã loại trừ vòng khổ luân nên sanh hữu không sanh.

 

PHẦN III

Bài giảng sẽ được tiếp tục với bài Kệ Khải Hoàn mà Đức Phật đã thốt lên nhân dịp Tôn giả Bāhiyadārucīriya, Bậc A-la-hán nhập Niết-bàn Giới Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna).

Yattha āpo ca pathavī,

tejo vāyo na gadhati;

Na tattha sukhā jotanti,

adhicco nappakāsati;

Natattha candimā bhāti,

tamo tattha na vijjati.

Yadā ca attanā vedi,

Muni monena brāhmano;

Atha rūpa arūpā ca,

Sukhadukkhā pamuccati.

 

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không chấp trước,

Tại đây sao không chói,

Mặt trời không chiếu sáng,

Tại đây trăng không chiếu,

Tại đây u ám không,

Khi ẩn sĩ Phạm chí,

Tự mình với trí tuệ,

Thể nhập vào Chánh pháp,

Vị ấy được giải thoát

Khỏi sắc và vô sắc,

Khỏi an lạc, đau khổ.

 

Trong lĩnh vực của Niết-bàn, không có thuỷ đại, không có địa đại, không có hoả đại (nóng và lạnh), hay phong đại. Không có những ngôi sao toả rạng, không có mặt trời và không có mặt trăng chiếu sáng. Tuy vậy, bóng tối vẫn không có mặt.

Một  bậc hiền nhân thể nhập Niết-bàn bằng chính nỗ lực của mình khi vị ấy đạt đến giác ngộ nhờ Đạo trí, và cuối cùng trở thành một bậc A-la-hán. Lúc đó vị ấy được giải thoát khỏi sắc và vô sắc, giải thoát khỏi lạc và khổ.

 

Dựa vào tứ đại — đất, nước, lửa, gió —  sắc sanh khởi khiến cho có sự dính mắc vào các đối tượng giác quan như sắc, thinh, hương, vị, xúc,… Khi các đại này bị dập tắt, sắc hoà tan vào hư vô. Nó không có mặt trong Niết-bàn. Ở đâu không có sắc ở đó không có ánh sáng hay bóng tối.

Tôi đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại nhiều lần điểm này rằng Niết-bàn không có chỗ đặt chân ở bất kỳ đâu, bởi vì để xác định vị trí chỗ dừng lại của danh và sắc đang sanh xảy ra là điều không thể. Trong một bài kinh (Sutta) nó đã được tuyên bố một cách dứt khoát rằng Niết-bàn vô xứ sở. Và trong một Kinh khác nó đã được đề cập như: trong tấm thân dài một sải (1m82) tứ Thánh Đế đã được công bố. Tuy nhiên, trong Abhidhammā (Vi-diệu Pháp) nói rằng Niết-bàn ở ngoài thân. Bạn sẽ tìm thấy những giải thích về điều này khi tôi nói về sáu nội xứ và ngoại xứ (Āyatana) sau này.

Sắc hay vật chất hiện hữu trong cõi Sắc Giới và danh hay tâm trong cõi Vô Sắc Giới. Nhưng Parinibbāna (Bát Niết-bàn) giải thoát một bậc A-la-hán khỏi sự thống trị của danh và sắc. Như vậy chúng ta có thể nói về sự nhập Niết-bàn của Tôn giả Bāhiyadārucīriya như sự giải thoát khỏi vòng khổ luân.

 

CÂU CHUYỆN VỀ TÔN GIẢ BĀHIYADĀRUCĪRIYA

 

Thời Đức Phật, một thương buôn có tên là Bāhiya, đã vượt qua bảy vùng biển để buôn bán. Trong các chuyến mạo hiểm trước vị ấy đã thành công; nhưng chuyến cuối cùng, con tàu của vị ấy bị đắm. Tất cả thuỷ thủ và người trên tàu đều bị chết đuối duy chỉ mình vị ấy được cứu. Vị ấy bị sóng đánh vào bờ biển của bến cảng Supparaka. Do bị tung ném trên biển, vị ấy mất hết quần áo. Khi trôi dạt vào đất liền, vị ấy tự làm cho mình một chiếc áo lá đan lại với nhau bằng những chiếc que nhỏ. Vị ấy trộm lấy cái bát xin ăn từ một miếu thờ, và với chiếc bát ấy vị ấy đi quanh làng để khất thực. Nhờ chiếc áo lá vị ấy mặc, dân làng lầm tưởng vị ấy là một bậc A-la-hán và cúng dường vị ấy rất nhiều đồ ăn và y phục. Nhưng Bāhiya tự nhủ rằng nếu mình mặc y phục do họ cúng dường thì lòng kính trọng của mọi người đối với mình như một bậc A-la-hán sẽ tiêu tan. Vì thế vị ấy giữ lại chiếc áo lá để mặc. Dân làng tiếp tục tôn kính vị ấy như một bậc A-la-hán và nhờ vậy tiếng tăm của vị ấy lan truyền đi khắp mọi nơi. Theo thời gian, chính vị ấy cũng tin rằng mình thực sự là một bậc A-la-hán.

Lúc bấy giờ có một vị Phạm thiên, một bậc Bất Lai (anāgāmi) trên cõi Phạm thiên, biết được những việc làm của Bāhiya. Ngài liền đi xuống cõi người để gặp Bāhiya và nói sự thực rằng vị ấy không phải là bậc A-la-hán và cũng không đang hành Pháp xứng đáng một bậc A-la-hán.

“Này Bāhiya!” Vị Phạm thiên nói, “ông là một trong bảy người trong chúng ta đã hành pháp trong suốt thời Đức Phật Kassapa. Trong số bảy người ấy Ta là lớn nhất, và hiện giờ được tái sanh làm một bậc Bất Lai trong cõi Phạm thiên này. Thời ấy niềm tin của ông trong pháp (dhamma) mãnh liệt đến nỗi khi ông được một bậc A-la-hán cúng dường thức ăn ông đã từ chối vì sợ rằng nó sẽ cản trở con đường chứng đắc Pháp. Bây giờ ông đã trở thành một kẻ mạo phạm, hài lòng với sự sung túc mà ông đạt được do lừa đảo. Ông không phải là A-la-hán, cũng không có những phẩm chất đạo đức của một bậc A-la-hán.”

Khi nghe những lời này, Bāhiya trở nên cực kỳ xấu hổ và thỉnh cầu vị Phạm thiên hướng dẫn cho mình đến diện kiến một bậc A-la-hán, nếu có. Vị Phạm thiên lúc đó mới nói rằng Đức Phật, bậc A-la-hán đích thực, hiện đang trú ngụ trong ngôi chùa Kỳ Viên ở Sāvatthi.

Bāhiya đi đến chùa Kỳ Viên theo chỉ dẫn, nhưng khi vị ấy đến được đó Đức Phật đã đi vào làng khất thực. Ngay lập tức vị ấy đuổi theo Đức Phật, và khi gặp Đức Thế Tôn, ông thỉnh cầu thuyết pháp. Nhưng lời thỉnh cầu của ông bị từ chối, vì thời gian và cơ hội không thích hợp. Nhưng Bāhiya cứ nằng nặc thỉnh cầu Đức Phật thới ba lần. Cuối cùng Đức Phật kham nhẫn và đưa ra cho vị ấy lời khuyên sau:

 

THẤY CHỈ LÀ THẤY

 

Trong Kinh Bāhiya Đức Phật dạy:

Tasmātiha te Bāhiya evam sikkhitabbam, “Diṭṭhe diṭṭhamattam bhavissati, sute sutamattam bhavissati, mute mutamattam bhavissati, viññāte viññātamattam bhavissati” ti; evañhi te Bāhiya sikkhitabbam.

Này Bāhiya, do ông nài nỉ (ta dạy), nên bây giờ Như Lai dạy ông phải hành như vầy: Khi ông thấy, ông chỉ thấy nó; khi ông nghe, ông chỉ nghe nó; khi ông thức tri (mute[7]), ông chỉ thức tri nó; và khi ông nghĩ, ông chỉ nghĩ nó. Ông phải hành theo cách nhận thức hiện tượng chỉ như nó (đang) xảy ra như vậy.

Đây là phương pháp minh sát (vipassanā) gọi là diṭṭhe diṭṭhamattam (thấy chỉ là thấy, và không còn gì nữa). Có sáu môn qua đó sáu căn nhận thức sáu đối tượng giác quan tương ứng. Ở đây, để ngắn gọn, chỉ bốn ví dụ về sự nhận thức được đưa ra. Khi một người thấy một đối tượng, anh ta không để yên cái thấy. Anh ta không dừng lại ở cái thấy. Anh ta không chỉ thấy nó. Anh ta đi xa hơn cái thấy đó và chú tâm vào những thứ đi kèm theo hành động thấy, chẳng hạn, hình thù và hình dáng của cái được thấy, cân lường trong tâm xem nó là đáng ưa hay đáng ghét và cảm nhận những cảm thọ khổ hay lạc phản ứng theo tính chất của nó. Tất nhiên anh ta hài lòng khi nó đem lại cho anh ta niềm vui; nhưng nếu anh ta thấy cái mà anh ta xem như xấu xí, anh ta không chỉ trở nên thất vọng mà còn ghê tởm và giận dữ. Ngay cả khi anh ta không quan tâm tới nó, sự thực vẫn là cái tôi (ego-entity) đã xuất hiện trong anh ta. “Tôi thấy nó,” anh ta nghĩ; và cái “Tôi” ấy đối với anh ta có vẻ như thường hằng. Nếu anh ta chỉ thấy nó và ghi nhận rằng anh ta đã thấy nó, mà không ngẫm nghĩ về bản chất của chủ thể thấy nó, về đối tượng được thấy và những thứ có liên quan với cái thấy, thời đó sẽ chỉ đơn thuần thấy chỉ là thấy. Nhưng để thấy một vật và dừng lại ở chỉ là cái thấy không dễ làm chút nào. Nếu bạn không nhận ra chỉ có hành động thấy vì (bạn) đang thấy, chắc chắn bạn sẽ chấp cái nhận thức về người hay vật mà bạn thấy, nghĩ trong tâm không biết người ấy hay vật ấy có khả ái với bạn hay không. Nếu bạn thích những gì bạn thấy, cảm giác ưa thích hay tham sẽ phát sanh; nhưng nếu bạn không, sân sẽ gặm nhấm trái tim bạn. Ngay cả khi bạn không quan tâm tới người mà bạn thấy, bạn cũng đã phát triển trong tâm cái ý niệm về người và sự thường hằng của người ấy. Bạn sẽ thấy khó để dứt mình ra khỏi cái ý niệm về ngã thể. Chỉ có hành thiền minh sát bạn mới biết cách làm thế nào để thấy chỉ là thấy (hay chỉ thấy những gì bạn thấy) và không thêm gì nữa một cách đúng đắn.

Không hành thiền minh sát, việc một người có thể dừng lại ngay ở chỗ chỉ nghe khi nghe, chỉ ngửi khi ngửi, chỉ nếm khi nếm, và chỉ xúc chạm khi xúc chạm, sẽ là điều không thể xảy ra. Điều khó làm nhất là dừng lại ở chỗ chỉ suy nghĩ khi suy nghĩ. Do đó người hành thiền được khuyên là nên ghi nhận liên tục các hiện tượng khi chúng xảy ra. Lúc ban đầu hầu như bạn không thể ghi nhận được mọi hiện tượng thấy, nghe,… vì thế hãy bắt đầu với một hiện tượng đặc biệt nào đó khi bạn hành thiền. Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) Đức Phật dậy rằng khi đi hành giả phải ghi nhận đi. Ghi nhận ở đây là quan sát hiện tượng chuyển động, sự hoạt động của phong đại (vāyo). Khi đứng, ghi nhận đứng; khi ngồi, ghi nhận ngồi. Trong suốt những chuyển động như vậy bạn có thể kinh nghiệm một số điều hiển nhiên đang xảy ra trong thân bạn. Hãy ghi nhận chúng. Riêng tôi, tôi khuyên bạn quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của bụng khi hành thiền.

Khi bạn đang quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của bụng theo đúng phương pháp thiền, tâm bạn có thể lang thang (phóng tâm), và bạn sẽ bắt đầu nghĩ điều này điều nọ. Ghi nhận cái bạn đang nghĩ về đó. Thỉnh thoảng, khi hành thiền, bạn có thể cảm thấy mệt, hay cảm thấy nóng bức, ngột ngạt hay đau nhức. Những cảm giác này cũng phải được ghi nhận. Khi bạn cảm thấy mệt, bạn có thể cải thiện oai nghi của mình. Ghi nhận từng chuyển động bạn đang thực hiện để tìm sự thoải mái. Khi đang hành thiền có thể bạn nghe thấy những âm thanh lạ, cũng phải ghi nhận khi chúng sanh. Tóm lại, bạn phải ghi nhận mọi hoạt động của mình, cả ở thân và tâm, cùng với các cảm thọ bạn cảm giác. Khi không có gì đặc biệt để ghi nhận, hãy tập trung tâm trên bụng như lúc ban đầu.

Khi định phát triển bạn sẽ nhận thấy rằng, khi bạn thấy, cái thấy được thiết lập trong giây lát chỉ để tan biến ngay trong sát-na kế tiếp. Đối với các hiện tượng nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ cũng cần được hiểu như vậy. Khi bạn ghi nhận hoạt động nghe, thì cả âm thanh và sự nhận thức về âm thanh ấy đều biến mất. Khi bạn ghi nhận cảm giác đau, thì cả sự tổn thương gây ra cái đau và cảm giác đau biến mất. Bạn tập trung trên cái thấy, ghi nhận trong tâm cái bạn biết như đang thấy. Liền đó, cái thấy, sự ghi nhận và tâm biết liền tan biến. Lúc ấy trí hiểu biết sẽ sanh lên trong bạn rằng cái gì sanh lên sẽ diệt và do đó hiện tượng thấy là vô thường, Trí hiểu biết về bản chất vô thường này là aniccānupassanā ñāṇa (vô thường tuỳ quán trí). Cái gì sanh lên chỉ để tan hoại thì bất toại nguyện; và do đó hiện tượng này xét cho cùng chỉ là khổ (dukkha). Trí nhận thức sự thực liên quan đến khổ này là dukkhānupassanā ñāṇa (khổ tuỳ quán trí). Thêm nữa, anattānupassanā ñāṇa (vô ngã tuỳ quán trí) hay trí nhận thức về bản chất không thật của các pháp, cũng phát triển khi bạn có được sự tin chắc rằng bản chất của các pháp chỉ xảy ra theo đường lối tự nhiên của chúng.

Bāhiya, nhờ có đầy đủ Ba-la-mật (pārami) đã đắc tuệ giác khi nghe những gì Đức Phật dậy cho ông. Khi vị ấy thấy một đối tượng, vị ấy ghi nhận chỉ những gì vị ấy thấy và không làm thêm gì nữa. Khi vị ấy quan sát hiện tượng như nó  xảy ra, không có gì sanh khởi trong tâm vị ấy ngoài sự thực rằng vị ấy đang thấy. Khi quan sát hiện tượng vị ấy không tự nghĩ, “Ta thấy nó. Chính cái tự ngã này của ta đang thấy nó.” Khi tâm vị ấy được xả ly chấp thủ thì ngã mạn và tà kiến cùng với ý niệm về tự ngã được xua tan.

Đức Phật đã nói thêm cho vị ấy rằng,…

Tato tvaṃ Bāhiya nevidha na huraṃ na ubhayamantarena, esevanto dukkhassa.

Này Bāhiya! Nếu không có sự chấp thủ khởi lên khi ông thấy, thời với ông sẽ không có đời này và đời sau. Sự hiện hữu bị phủ nhận như vậy sẽ giải thoát ông khỏi vòng khổ luân. Trong trạng thái đó ông đã đạt đến sự tối hậu — Niết Bàn.

Với sự biến mất của chấp thủ, ngã mạn và tà kiến, mọi phiền não dừng lại. Ở đâu không có phiền não, ở đó sự hiện hữu, dù trong đời hiện tại hay trong đời tương lai, có thể nói là đã tuyệt diệt. Không-trở thành (tức không còn tái sanh) có nghĩa là sự chấm dứt của khổ hay còn được gọi là Vô Dư Y Niết-bàn (Anupādisesa Nibbāna).

Ở đây những dẫn giải trong Udāna aṭṭhakathā đã gợi ý thêm. Có mười hai xứ — sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, sáu nội xứ gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm và sáu ngoại xứ gồm sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Khi một người, nhờ phát triển trí tuệ minh sát, thoát khỏi những những phiền não như tham (chấp thủ), v.v…  , họ cũng thoát khỏi sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Những khái niệm Tôi hay “tự ngã” của tôi không còn trú trong ý môn (căn), trong đối tượng (trần) và trong thức. Khi những nhiệm vụ của các căn xứ này dừng lại chính là Niết-bàn.

Điều này hợp với kinh nghiệm thực tiễn của người hành thiền. Ở giai đoạn đầu của thiền minh sát, người hành thiền thường phải hướng tâm mình vào ý môn, đối tượng và thức để ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc. Có thể nói lúc nào vị ấy cũng phải hay biết về sự sanh và diệt của các uẩn. Khi minh sát trí thuần thục, tâm vị ấy trôi vào sự diệt của tất cả hiện tượng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và hay biết, lúc này vị ấy được nói là đã đối diện với Niết-bàn.

 

BĀHIYA TRỞ THÀNH MỘT BẬC A-LA-HÁN

 

Trong khi Bāhiya chăm chú nghe lời dạy của Đức Phật, vị ấy trở thành một bậc A-la-hán. Sau đó Đức Phật tiếp tục đi khất thực như thường lệ, Bāhiya cũng trên đường đi tìm vải mà người khác quăng bỏ để làm thành tấm y của vị sư, vì bây giờ vị ấy đã có ý định xuất gia. Nhưng không may thay, một con bò đang chăm con đã tấn công vị ấy. Và vị ấy chết ngay tại chỗ.

Khi Đức Phật trên đường trở về chùa, ngài nhìn thấy thi thể của A-la-hán Bāhiya. Đức Phật đã cho hoả táng xác ngài theo nghi thức thích hợp và nói với các đệ tử dựng lên một ngôi tháp thờ (cetiya) để tưởng nhớ. Các vị tỳ-kheo trong chùa đã hỏi Đức Phật về sanh thú của Bāhiya. Đức Phật trả lời rằng Bāhiya đã trở thành một bậc A-la-hán trước khi chết, và vì thế vị ấy đã nhập Niết-bàn Vô Dư Y (Anupādisesa Nibbāna), sau đó Đức Phật nói lên bài kệ đã trích dẫn ở trước liên quan đến Niết-bàn ở đây tứ đại không hiện hữu:

Yattha āpo ca pathavī,

tejo vāyo na gadhati;

Na tattha sukhā jotanti,

adhicco nappakāsati;

Natattha candimā bhāti,

tamo tattha na vijjati.

Yadā ca attanā vedi,

Muni monena brāhmano;

Atha rūpa arūpā ca,

Sukhadukkhā pamuccati.

 

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không chấp trước,

Tại đây sao không chói,

Mặt trời không chiếu sáng,

Tại đây trăng không chiếu,

Tại đây u ám không,

Khi ẩn sĩ Phạm chí,

Tự mình với trí tuệ,

Thể nhập vào Chánh pháp,

Vị ấy được giải thoát

Khỏi sắc và vô sắc,

Khỏi an lạc, đau khổ.

 

Chú giải nói rằng Bāhiya chết vì bị húc bởi một con bò vốn là một phụ nữ trong một tiền kiếp trước. Kiếp đó Bāhiya đã phạm sai lầm là hiếp và cướp đoạt tài sản của cô ta; cô này trước khi chết đã thề sẽ trả thù. Sau đó rất nhiều lần cô tái sanh làm Da-xoa nữ để giết chết ngài.

Như vậy ngài đã nhiều lần chết trong tay của nữ Dạ-xoa này. Nghiệp bất thiện của ngài đi theo ngài như một cái bóng, gây ra những khổ đau không nói hết được và thường là trong bốn cỗi khổ. Tất cả đều là kết quả của ác nghiệp ngài đã tạo. Nếu không đắc A-la-hán sau khi gặp Đức Phật, chắc chắn ngài sẽ còn phải tiếp tục chịu khổ do những ác nghiệp ấy. Tuy nhiên, bây giờ, mặc dù cái chết của ngài là do một con bò gây ra theo cách đã mô tả, tất cả khổ đều dừng lại cùng với sự chứng đắc Vô Dư Y Niết-bàn của ngài. Vì thế Đức Phật đã coi cái chết của ngài như một sự chiến thắng. Thực vậy, Đức Phật đã tôn vinh ngài như bậc tối thắng trong số các đệ tử của ngài về vấn đề đắc các thắng trí trong thời gian nhanh nhất có thể.

 

MẮT VÀ SẮC TƯỞNG

 

Trong Tương Ưng Sáu Xứ (Salāyatana Samyutta) điều này đã được Đức Thế Tôn nói:

Tasmātiha bhikkhave se āyatane veditabbe; Yattha cakkhu ca nirujjhati, rūpasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Này các tỳ-kheo!  ý-xứ hướng đến Niết-bàn phải được tuệ tri, ở đâu con mắt (nhãn căn), và cảnh sắc do mắt nhận thức (rūpasaññā-sắc tưởng), cùng diệt. Sự diệt (về tập khởi của nhãn thức) này chính là Niết-bàn.

 

Đức Phật đã nói như vậy về sự diệt của hai xứ (āyatana) — nội xứ (các căn) và ngoại xứ (đối tượng).  Đây là cách Niết-bàn được chứng ngộ nhờ hành thiền trên hiện tượng thấy. Khi một hành giả đang quan sát sự phồng xẹp của bụng, hay quan sát sự chuyển động của thân khi đang ngồi hay đang đứng, hay quan sát hiện tượng thấy, nghe, v.v…trong lúc hành thiền, tự nhiên vị ấy sẽ hay biết về tiến trình diệt. Như vậy, diệt trí (bhaṅga ñāṇa) đã phát triển trong vị ấy. Từ quan điểm của chủ thể thấy, tuyệt đối không có gì cho vị ấy để nói, “Nó (cái thấy ấy) là tôi” hay “Tôi hiện hữu.” Và từ quan điểm của đối tượng được thấy, cũng không có gì để chỉ ra, “Nó là một vật. Nó là một người.” Như vậy người ta không thể tìm thấy bất kỳ cái gì đáng để dính mắc. Khi sự kiện này được minh sát, hành giả có được Hành Xả Trí (saṅkhārūppekkha ñāṇa), sự hay biết về các trạng thái của tâm, thân và các tâm hành. Cuối cùng vị ấy sẽ hay biết được sự diệt của tất cả uẩn. Khi đạt đến giai đoạn này, thậm chí bạn có thể cảm giác rằng tất cả vật chất trong thân bạn đã biến mất. Đó là lý do vì sao kinh nói: “Cakkhu ca niujjhati,” (con mắt diệt), ý muốn nói rằng cơ quan thấy hay nhãn căn dừng (hoạt động). Khi hành thiền thêm, hành giả sẽ để ý thấy rằng cảnh sắc, tâm và nhãn thức, tất cả cái liên quan đến hiện tượng thấy, đã bị quét sạch mọi điều tưởng tượng. Câu trích dẫn liên quan là “Rūpasaññā ca nirujjhati” nghĩa là “và sắc tưởng cũng diệt” (sự nhận thức của con mắt về sắc diệt). Nói chung, điều này biểu thị sự diệt của căn (nội xứ) và cảnh (ngoại xứ). Một khi hai xứ này diệt, Niết Bàn có thể được nói là đã trong tầm mắt.

 

TAI VÀ THANH TƯỞNG

 

Yattha sotañca nirujjhati, saddasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết Bàn nhĩ xứ diệt, và thanh tưởng cũng diệt.

Tuệ tri sự diệt của hai xứ (nhĩ xứ và thanh xứ) liên quan đến sự nghe này là Niết Bàn.

Khi Hành Xả Trí phát triển, nếu bạn nghe một âm thanh, bạn ghi nhận nó; và ngay khi bạn ghi nhận nó, bạn liền hay biết về sự tan hoại của các uẩn danh, sắc và các tâm hành. Ở giai đoạn này bạn cảm thấy rằng toàn thân bạn, cùng với nhĩ căn của nó, hoàn toàn biến mất. Nó như thể là bạn không nghe tiếng, và do đó bạn không có sự nhận thức về nó vậy.

 

MŨI VÀ KHÍ TƯỞNG

 

Yattha ghānañca nirujjhati, gandhasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết Bàn tỷ xứ diệt, và khí tưởng (hương tưởng) cũng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — tỷ xứ và khí xứ liên quan đến sự ngửi này là Niết Bàn.

 

Khi Hành Xả Trí phát triển, bạn sẽ ngửi mùi khi gặp nó. Khi bạn tiếp tục hành thiền trên sự ngửi đó, bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây bạn biết được sự diệt của danh, sắc và các tâm hành. Toàn bộ tiến trình nhận thức của khứu giác (khí tưởng) dường như hoàn toàn biến mất khi bạn ghi nhận nó.

 

LƯỠI VÀ VỊ TƯỞNG

 

Yattha jivhā ca nirujjhati, rasasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết-bàn thiệt xứ diệt, và vị tưởng cũng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — thiệt xứ và vị xứ liên quan đến sự nếm này là Niết-bàn.

 

Khi Hành Xả Trí phát triển, người hành thiền có thể ghi nhận vị của đồ ăn mình đang ăn; và từ sự ghi nhận này vị ấy tiến đến giai đoạn ở đây vị ấy nhận ra các uẩn danh, sắc và các tâm uẩn diệt như thế nào.

Chú giải đề cập đến rất nhiều trường hợp ở đây các vị tỳ-kheo đạt đến Đạo Quả A-la-hán khi họ hành thiền trên vị của món cháo họ đang ăn. Khi họ đang ăn cháo với chánh niệm, họ hay biết được sự diệt của các uẩn danh sắc và các tâm hành.

 

THÂN VÀ XÚC TƯỞNG

 

Yattha Kāyo ca nirujjhati, phoṭṭhabba-saññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết-bàn thân xứ diệt, và xúc tưởng cũng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — thân xứ và xúc xứ liên quan đến sự xúc chạm của thân này là Niết-bàn.

Đối với một hành giả đang hành thiền, thân là đối tượng phải được quan sát trong mọi lúc. Nếu Hành Xả Trí phát triển khi vị ấy đang ghi nhận thân tạo ra xúc tưởng, vị ấy hay biết được sự diệt của danh, sắc, các tâm hành, và tâm ghi nhận biến mất hoàn toàn.  

 

Ý VÀ PHÁP TƯỞNG

 

Yattha mano ca nirujjhati, dhammasaññā ca nirujjhati, se āyatane veditabbe.

Trong Niết-bàn ý cùng với pháp tưởng diệt. Tuệ tri sự diệt của hai xứ — ý xứ và pháp xứ này là Niết-bàn.

Đây là sự khám phá Niết-bàn xuyên qua sự nhận thức của tâm. Sự khám phá này có thể được xem là thường xuyên nhất. Khi người hành thiền ghi nhận sự sanh và diệt của các hiện tượng, saṅkhārupekkhā ñāṇa hay hành xả trí phát triển, những đối tượng thô biến mất, các đối tượng vi tế hơn thay thế chỗ của chúng. Đến đây vị ấy nghĩ rằng toàn thân mình đã biến mất chỉ có tưởng (sự nhận thức) còn lại. Vì, khi vị ấy ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, thì sự phồng và xẹp biến mất, vị ấy chỉ còn hay biết thực tại là mình đang nhận thức sự phồng xẹp mà thôi.  Khi tập trung trên sự thực này, danh, sắc và các tâm hành dừng lại. Và chính cái biết về sự diệt này là Niết-bàn.

 

SỰ DIỆT CỦA CÁC XỨ LÀ NIẾT-BÀN

 

Tóm lại, sự diệt của các xứ (āyatanas — sáu nội xứ và sáu ngoại xứ) là Niết-bàn. Trong chú giải Kinh Pañcattaya, sự phủ định của sáu xúc xứ này được trình bày là Niết-bàn. Tôn giả Ānandā xác nhận điều này bằng cách nói rằng, theo Đức Phật, Niết-bàn có nghĩa là sự diệt của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, và tất nhiên sự diệt này chỉ muốn nói đến sự ngưng hoạt động của chúng mà thôi. Duyên các nội xứ — mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, những ý niệm về ngã-thể (ego-entity) khởi lên, và lúc dó chúng ta nói rằng, đây là một cá nhân, đây là một người đàn ông, đây là một người đàn bà… Khi những ý niệm vị kỷ này bị xua tan, bình yên được thiết lập cùng với sự diệt của khổ liên quan đến già, chết. Sự diệt của các ngoại xứ — sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp chỉ là thứ yếu so với sự diệt khổ; nhưng vì chúng là những thứ phụ thuộc của các nội xứ nên chỉ khi chúng diệt thì những thứ khác mới diệt theo. Sự phủ định của hai xứ này là Niết-bàn.

 

GẮN CHẶT TÂM TRÊN NIẾT-BÀN

 

Trong Milinda Pañhā (Mi Tiên Vấn Đáp), có một đoạn đề cập đến việc hướng sự chú ý vào Niết-bàn.

Tassa taṃ cittaṃ aparāparam manasikaroto pavatam samatikkamitvā appavattam okkamati, appavattamanuppatto mahārāja sammāpaṭipanno nibbānam sacchikarotīti vuccati.

Hành giả gắn tâm không ngừng (trên một pháp) tác ý vượt qua sự sanh khởi (pháp hữu vi) đến trạng thái bất sanh.

Thưa Đai Vương! Nếu vị ấy, nhờ hành theo chánh đạo, đạt đến trạng thái bất sanh như vậy có thể nói vị ấy đã đối mặt với Niết-bàn.

 

Nếu người hành thiền nhận biết được sự hoại diệt của các pháp khi quan sát sự sanh diệt của chúng, một ý thức nhàm chán tấn công vị ấy và vị ấy liền phát triển ước muốn từ bỏ chúng. Danh và Sắc sanh lên rồi diệt, trôi chảy không ngừng  giống như một dòng suối. Khi người hành thiền tập trung trên cái dòng trôi chảy này, vị ấy chỉ nhận thức nó một cách tự động. Vị ấy không vượt qua được giai đoạn tưởng tri này. Sau đó vị ấy trở nên dửng dưng đối với nó, bởi vì bây giờ vị ấy đã phát triển được Hành Xả Trí. Tập trung vào hiện tượng ấy thêm nữa, vị ấy khám phá ra rằng tâm nhận thức và đối tượng được nhận thức diệt cùng nhau. Đây là sự chuyển tiếp từ sanh đến bất sanh. Mọi người chắc còn nhớ đến những gì tôi đã nói ở đâu đó về Niết-bàn: Cái gì sanh là hữu vi (saṅkhāra); và cái gì không sanh là Niết-bàn.

 

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐÚNG

 

Tôn giả Nāgasena (Na-tiên) đã bắt Đức Vua Milanda hành theo chánh đạo như đã được giải thích ở đây.

Bất kỳ người nào mong muốn chứng đắc Niết-bàn trước tiên phải thành tựu giới thanh tịnh (sīla visuddhi). Một người tại gia cư sĩ ít nhất phải giữ ngũ giới và ājīvaṭṭhamaka sīla (活命第八戒 hoạt mạng đệ bát giới — Giới này liên quan đến việc thực hành Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng), Chánh ngữ có thể được tu tập bằng cách tránh nói dối, tránh nói lời gây chia rẽ, tránh nói lời thô lỗ và tránh nói lời vô ích. Chánh nghiệp được thành tựu nhờ tránh sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Chánh mạng có nghĩa là cách sinh sống chân chánh. Sau khi đã thành tựu giới thanh tịnh này, tâm thanh tịnh (citta visuddhi) phải được thực hành thông qua định hay các bậc thiền (jhāna). Nếu một người đã tu tập hoàn hảo, vị ấy có thể hành sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền theo tuần tự. Vào lúc chứng thiền, các triền cái (nivaraṇas) sẽ được loại trừ. Triền cái hay những pháp ngăn che tiến bộ là tham dục, sân hận, hôn trầm-thuỵ miên, trạo cử-hối hận và hoài nghi. Sau khi chứng thiền, vị ấy phải hành minh sát.

Ngay cả khi một hành giả không mong muốn đắc các bậc thiền, vị ấy cũng bắt buộc phải nỗ lực để có được cận định (upacāra samādhi). Thậm chí nếu vị ấy không thể làm được điều này (tức hành để có cận định), vị ấy phải bắt đầu với việc tập trung tâm trên tứ đại, hay 18 loại sắc (thực tính), hay 12 xứ, hay năm uẩn, hay ít nhất cũng phải trên hai phương diện danh-sắc (nāmarūpa). Theo Kinh Đại Niệm Xứ, vị ấy phải tập trung tâm trên bốn oai nghi, trên các hoạt động của thân do tứ đại — đất, nước, lửa, gió và nóng, lạnh gây ra, trên các cảm thọ, trên tâm, v.v… Kinh nói, “Khi đi, vị ấy biết mình đi.” Theo cách này vị ấy ghi nhận để biết rằng vị ấy đang đứng khi đứng, đang ngồi khi ngồi, v.v…Nhờ vậy tâm sẽ không lang thang. Nó sẽ như thể dính chặt vào đối tượng ghi nhận. Lúc đó, khi tất cả các triền cái được loại trừ, bạn biết rằng bạn đã thành tựu tâm thanh tịnh. Giai đoạn này được xác nhận là sát-na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi), một loại niệm được thiết lập trong sát-na, cũng tốt như khi đạt đến cận định vậy. Nói tóm lại, thanh tịnh tâm có nghĩa là một trạng thái tâm không bị cản trở bởi những thân hành thấp hèn và phiền não.

Một hành giả đã hoàn thành thanh tịnh tâm xong thì tiếp tục ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc liên quan đến tam tướng — vô thường, khổ và vô ngã. Vị ấy suy ngẫm: “Sắc là vô thường; thọ là vô thường, v.v…”

Sau đó vị ấy trở nên nhàm chán và ghê tởm đối với tất cả danh-sắc này. Do nhàm chán, vị ấy trở nên dửng dưng đối với danh, sắc và các hành bằng tất cả sự chân thật, vị ấy không còn tham đắm đối với chúng. Do mệt mỏi với sự sống, vị ấy trở nên nhàm chán, từ bỏ mọi ước muốn, và cuối cùng đạt được sự giải thoát. Lúc này Đạo được thành tựu.

Vô-ngại-giải Đạo (Paṭisambhidā Magga) đề cập đến nhiều giai đoạn tuệ minh sát phải được người hành thiền chứng đắc theo tuần tự.

Tuy nhiên những ai miễn cưỡng hành minh sát hay chỉ khuyến khích người khác hành minh sát sẽ tuyên bố những điều lẽ ra không nên tuyên bố. Họ thường nói rằng: “Bây giờ chúng ta đã biết về bản chất bất toại nguyện của các hành nghiệp rồi, hành thiền đâu cần thiết nữa hay hành thiền cũng bằng thừa. Nếu bạn tập trung vào khổ, bạn sẽ phải đương đầu với khổ. Bạn chỉ cần buông xả tâm, mọi việc kể như xong. Bạn không cần phải phiền phức ghi nhận nó làm gì.” Một lời khuyên như vậy rõ ràng mâu thuẫn với giáo lý mà Đức Phật tuyên bố. Thực sự những người hay khuyên dạy này biết được gì? Sự hiểu biết của họ về các hành là khổ chỉ ở bề mặt. Họ không thể đi sâu vào những thực tại tuyệt đối. Nếu họ thực sự thấy rõ khổ (dukkha) là gì, họ chắc chắn sẽ cảm thấy nhàm chán nó và cố gắng để thoát ly khỏi nó. Họ quả quyết rằng họ biết khổ, nhưng thực sự họ lại không cảm thấy danh-sắc đó là bất toại nguyện. Cảm giác nhàm chán không phát triển trong tâm họ. Vì thế họ không có ước muốn đoạn trừ chúng. Mà thực tế họ thích ôm giữ và chấp nhận chúng hơn.

 

CẢM GIÁC NHÀM CHÁN

 

Trí hiểu biết về các pháp xấu xa như đáng nhàm chán là Nibbidā ñāna (‘厭離智’ yểm ly trí). Cảm giác nhàm chán này được mô tả trong các bản chú giải với hình ảnh tương tự một ngư dân bắt cá bằng một cái nơm. Khi anh ta nghĩ rằng một con cá đã bị bắt, anh ta liền thọc tay vào cái nơm ấy và kéo nó ra. Nhưng anh khám phá ra rằng anh đã bắt trúng một con rắn với ba khoang tròn quanh cổ. Nhận ra mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng nhất trong đời, anh ta trở nên nhàm chán với chính mình và cảm thấy ghê tởm đối với con rắn độc. Anh ta quay nó ba lần quanh đầu và cuối cùng quăng nó ra xa với hết sức mình.

Những ai xem các uẩn danh-sắc như đáng mong muốn cũng rất giống như người đánh cá nắm con rắn trong tay vậy. Trước khi biết được mình đã nắm cái gì, anh ta rất vui thích, nhưng khi phát hiện ra nó có ba khoang quanh cổ, anh ta trở nên vô cùng kinh hãi. Khi một hành giả ghi nhận sự sanh và diệt của các uẩn, vị ấy sẽ được nhắc nhở về tam tướng vô thường, khổ và vô ngã, và khi vị ấy áp chúng trên các hiện tượng vị ấy đang thiền, vị ấy sẽ nhận thức rõ rằng tất cả pháp hữu vi đều xấu xa và đáng nhàm chán. Không một người bình thường nào có thể xem cái thân năm uẩn của mình rất giống một con rắn như vậy. Chỉ hiểu biết đơn thuần sự giống nhau của nó với một sinh vật đáng ghê tởm nào đó sẽ không đủ khiến người ta nhàm chán với chính thân của mình. Họ thực sự phải bị thuyết phục về thực tại khổ đau của con người trên phương diện lý thuyết.

Chỉ khi một hành giả có được cái nhìn thấu suốt vào bản chất thực của danh và sắc (tâm và thân) họ mới cảm thấy ghê tởm đối với chúng và xem tất cả sự tham chấp của mình là vô ích và rỗng không. Cuối cùng vị ấy phát triển được thái độ thản nhiên đối với sự sanh và diệt của các uẩn để đạt đến Hành Xả Trí, khi tất cả hành có thể được nhìn với tâm xả. Lúc ban đầu hành giả phải thực hiện một nỗ lực đặc biệt để đạt đến giai đoạn trí này, nhưng với sự thực hành liên tục xả sẽ sanh một cách tự nhiên ngay khi quán sự sanh diệt của các pháp hữu vi. Khi bạn có được trí này bạn cảm thấy rằng mình ngay lập tức hiểu biết rất rõ về các hiện tượng, nhưng không bị ảnh hưởng bởi chúng, dù chúng có vừa ý hay không vừa ý. Tham không sanh trong tâm bạn khi nó chăm chú trên các đối tượng khả lạc. Bạn cũng sẽ không bị bối rối bởi những đối tượng không vừa ý. Bây giờ bạn đã phát triển được khả năng kham nhẫn trước mọi hoàn cảnh theo cách của các vị A-la-hán. Ở giai đoạn phát triển tâm linh này, có thể có những lúc tâm bạn muốn lang thang ra khỏi đối tượng quán, nhưng khi bạn lấy lại kinh nghiệm tâm bạn sẽ không còn đi ra khỏi đối tượng trên đó nó quán nữa.

Với phương pháp hành thiền minh sát đúng này, bạn tiến từ Hành Xả Trí đến Thuận Thứ Trí (anuloma ñāṇa), một loại trí chuẩn bị cho sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế. Sự bình yên được thiết lập ngay khi bạn vất bỏ trạng thái sanh để có được cái bất-sanh như đối nghịch của nó.

Niết-bàn không thể được thấy với mắt trần. Nó chỉ có thể được thấy ở bên trong như sự diệt của tất cả các hiện tượng.

Như kết quả của việc lắng nghe bài pháp này với sự chú tâm tôn trọng, cầu mong các bạn có thể thực hành thiền minh sát đúng cách trên sự diệt của tất cả khổ do ý môn, do các đối tượng giác quan và tâm gây ra, và được giải thoát khỏi sự trói buộc của hai xứ — đó là nội xứ và ngoại xứ để đạt đến giai đoạn tối hậu nơi đây dòng tương tục danh-sắc vĩnh viễn dừng lại!

 

PHẦN IV

 

Niết-bàn, sự diệt của tham và sân, là sự đối lập hoàn toàn của phiền não. Từ “saṅkhāra nirodho,” (“hành diệt”) có nghĩa là sự diệt của tất cả những hành nghiệp, được áp dụng cho Niết-bàn. Vì thế nó đối nghịch trực tiếp với saṅkhāra. Khi bản chất của Niết-bàn được giải thích, nó chỉ thích hợp nếu phiền não (kilesa) và hành (saṅkhāra) cũng được giải thích. Vì thế đến đây tôi sẽ cố gắng để giải thích nó.

 

SỰ CHÚ TÂM KÍNH TRỌNG

 

Khi Đức Phật đang trú ngụ tai Kỳ Viên Tịnh Xá ở Sāvatthi (Xá-vệ), ngài thường thuyết về Niết-bàn cho các vị đệ tử vào buổi tối ở căn phòng trước hương thất của ngài. Và điều này đã được nói:

Này các tỳ-kheo, hãy lóng tai với ước muốn chân thành khi nghe Pháp,  để có được lợi ích về mặt trí tuệ, và với chánh niệm và định chú tâm trên một đối tượng.

 

Ở đây cũng vậy, tôi thúc giục mọi người hãy nghe bài giảng này giống như cách các vị tỳ-kheo chăm chú vào lời dạy của Đức Phật, toàn tâm toàn ý tập trung vào pháp (dhamma) với lòng kính trọng.

 

SỰ CHÚ TÂM CỦA DẠ-XOA NỮ

 

Có lần, khi Đức Phật đang thuyết pháp, một nữ dạ-xoa (yakkha), cùng với những đứa con của mình đi loanh quanh gần chùa Kỳ Viên để tìm thức ăn. Mặc dù dạ-xoa được xếp loại như chư thiên, nhưng địa vị của họ rất thấp. Họ không có trú xứ riêng, cũng chẳng bao giờ được ăn mặc đầy đủ. Punabbasumātā — tên của dạ-xoa nữ, một cái tên được ghép từ tên con gái Uttarā và con trai Punabbasu của cô.

Khi nữ dạ-xoa này đi đến cổng chính dẫn vào chùa Kỳ-Viên, tất cả đều yên lặng. Cô nghĩ ở đó có thể đang có bố thí, vì thế cô đi vào với hy vọng có được cái gì đó để ăn.

Khi vào đến bên trong điện thờ, cô thấy mình ở giữa một hội chúng gồm các vị tỳ-kheo và cư sĩ đang lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Vì Đức Phật thuyết pháp với một chất giọng ngọt ngào, cô lắng nghe chăm chú như bị mê hoặc hoàn toàn. Nhưng các con cô, do bị cơn đói quấy rầy, chúng không thể giữ yên lặng. “Mẹ ơi! Hãy cho chúng con đồ ăn đi!” chúng khóc la.

“Này các con thân!” Punabbasumātā khẩn nài,”Làm ơn hãy giữ yên lặng trong lúc bậc Đại Đạo Sư của trời người đang thuyết pháp. Ngài đang nói về Niết-bàn, pháp chặt đứt mọi xích xiềng của khổ đau. Tình yêu và sự trung thành đối với Niết-bàn đang trỗi dậy mãnh liệt trong mẹ.”

Niết-bàn là sự chấm dứt khổ. Do đó khi một người bị đau khổ vì sầu ưu, họ khao khát Niết-bàn. Đó là điều tự nhiên. Khi một người đang trong điều kiện sức khoẻ tốt nhất, họ không quan tâm tới y tế. Trong tình trạng khoẻ mạnh không ai xem vấn đề sức khoẻ là quan trọng. Nhưng khi về già và trở nên suy yếu, họ mới suy ngẫm đến những lợi ích của sức khoẻ. Vì muốn chữa bệnh, bây giờ họ phải biết lắng những nghe người có thiện ý kê toa thuốc cho mình với sự chú tâm kính trọng.

Tương tự như vậy Punabbasumātā đã chăm chú lắng nghe bài pháp về Niết-bàn của Đức Phật. Có thể lúc này cô đang khổ sở vì đói bụng; và vì cơ cực cô phải đi xin ăn cho bản thân và con cái. Sanh trong cõi dục này cô cần phải chăm lo cho những đứa con mà mình sinh ra nữa. Nhưng do phải chịu muôn vàn khổ đau nên cô khao khát Niết-bàn. Cô nói với những đứa con của mình rằng cô yêu chúng, nhưng cô nhấn mạnh rằng tình yêu và sự trung thành của cô với Niết-bàn còn lớn hơn tình mẫu tử đó.

Piyo loke sako putto,

Piyo loke sako pati,

Tato piyatarā mayham,

Assa dhammassa magganā

(Đời ái lạc con mình,

Đời ái lạc chồng mình,

Nhưng đối với đạo pháp

Mẹ ái lạc nhiều hơn. Tương Ưng I).

Yêu con, yêu chồng là đường lối thế gian. Nhưng ta yêu Pháp hơn yêu chúng. Vì yêu chồng và yêu con ta không thể thoát khỏi khổ.  Chỉ nhờ nghe pháp ta mới có thể được giải thoát khỏi vòng khổ luân.

Những người mẹ sùng đạo thường chú tâm nghe pháp một cách kính trọng; nhưng họ bị quấy rầy bới những đứa con đang kêu khóc; nhưng những đứa con của nữ dạ-xoa này có vẻ ngoan ngoãn và biết vâng lời. Sau khi bị mẹ trách móc chúng đã lắng nghe bài pháp của Đức Phật một cách chăm chú và kính trọng.

Đức Phật thấy trước rằng cả hai mẹ con nữ dạ-xoa này sẽ trở thành bậc nhập lưu, sotāpannas sau khi nghe pháp. Vì thế ngài đã thuyết về Tứ Thánh Đế. Punabbasumātā và con trai nhờ đó trở thành những bậc nhập lưu.

Sau khi trở thành bậc thánh nhập lưu, cuộc đời cô thay đổi hoàn toàn. Ngay lập tức cô biến thành một thiên nữ giáng trần, xinh đẹp, xiêm y lộng lẫy. Con gái cô, Uttarā, do còn quá nhỏ để hiểu pháp; tuy vậy nó cũng có được lợi ích từ tích luỹ phước của người mẹ.

 

VỀ BẢN CHẤT CỦA NIẾT-BÀN

 

Trong Udāna (Kinh Phật Thuyết Như Vậy) đoạn kinh sau đã được Đức Phật thốt lên trong niềm vui chiến thắng liên quan đến bản chất của Niết-bàn. Bài kệ khải hoàn này sau đó đã được sát nhập vào Kinh Điển Pāḷi như Nibbāna-paṭisamyutta Udāna (Cảm Hứng Ngữ Liên Hệ Đên Niết Bàn).

Atthi bhikkhave tadāyatanam; yattha neva pathavī na āpo, na tejo, na vāyo, na ākāsānañcāyatanam, na viññāṇañcāyatanam, na akiñcanaññāyatanm, na nevasaññānāsaññāyatanm; nāyam loko na paro loko; na ubbo candimasuriyā; tatrāpāham bhikkhave neva āgatim vadāmi, na gatim, na ṭhitim, na cutim, na upapattim; uppatiṭṭham appavattam anārammaṇa mevetam; esevanto dukkhassa.

(Này các Tỳ-kheo! Niết-bàn mà sáu xứ hướng đến là thực. Nhưng tại đó không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên xứ, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố trong Niết-bàn không có đến, không có đi, không có trú. Niết-bàn là Bất-Tử, Bất-Sanh, Vô Vi. Nó không có xứ sở. Không có gì từng xảy ra ở đó. Nó không có cảnh hay đối tượng giác quan. Niết-bàn là sự đoạn tận khổ đau.)

 

NIẾT BÀN LÀ CÓ THỰC

 

Vì lẽ Niết-bàn có nghĩa là sự chấm dứt của danh, sắc, và các hành cho nên người ta thường đưa ra những gợi ý cho rằng Niết-bàn không biểu thị cho một cái gì, và vì thế nó là vô ích. Tuy nhiên, Niết-bàn là thực tại tuyệt đối, là thực tại vô hiệu hoá những hoạt động của danh, sắc và các hành mà Đạo trí, Quả trí và Phản Khán trí khuynh hướng về. Nó là đối tượng tâm hay pháp mà trí này hướng tới. Chư Phật, các vị A-la-hán và các bậc Thánh đã xác chứng sự thực về thực tại của nó. Vì lợi ích của sự tranh luận, chúng ta hãy giả sử rằng không có Niết-bàn nơi đây tất cả ba vòng xoay — phiền não luân, nghiệp luân, quả luân dừng lại. Thời sẽ không một ai trong Vũ Trụ này có thể tìm được sự bình yên. Không có Niết-bàn phiền não sẽ tàn phá cuộc sống của chúng ta để tạo ra nghiệp, và nghiệp sẽ tạo ra quả, rồi quả sẽ tạo điều kiện cho sự sanh khởi của một thân ngũ uẩn mới dự phần bởi khổ. Chỉ có Đạo Quả mới có thể huỷ diệt các phiền não, và sự huỷ diệt này sẽ đặt dấu chấm hết cho vòng khổ luân. Sự chấm dứt của khổ là có thực. Chư Phật và các bậc thánh A-la-hán thực sự đã đạt đến giai đoạn thực tại này, và sau khi các vị nhập Vô Dư Niết Bàn (parinibbāna) tất cả khổ đều chấm dứt.

 

KHÔNG CÓ TỨ ĐẠI TRONG NIẾT-BÀN

 

Trong Niết-bàn không có địa đại (yếu tố đất hay tính rắn chắc), không có thuỷ đại (yếu tố nước hay chất lỏng), không có hoả đại (yếu tố lửa hay nhiệt lượng) và không có phong đại (yếu tố gió hay lực chuyển động), mà thông thường chúng ta có thể gặp trong Dục giới, như nhân giới hay thiên giới, hay trong Sắc giới (thế giới của các vị Phạm thiên hữu sắc),v.v… Do sở hữu tính rắn chắc (địa đại) con người, chư thiên và Phạm thiên mang lấy những hình dạng và hình thù. Sự diệt có nghĩa là sự chấm dứt của những hình dạng và hình thù có khối lượng ấy. Không có khối lượng (địa đại), sẽ không có thủy đại, hoả đại và phong đại.

 

SẮC KHÔNG HIỆN HỮU TRONG NIẾT-BÀN

 

Không có tứ đại thì không thể có sắc y đại sanh (upādā rūpa — sắc do nương tứ đại hình thành), chẳng hạn, mắt và đối tượng của mắt, tai và đối tượng của tai v.v… Vì chúng không có mặt nên sẽ không có hiện tượng thấy, nghe, v.v… xảy ra trong Dục Giới như tâm dục giới và trong Sắc Giới như tâm sắc giới.

Hãy suy xét điều này. Không có mắt người ta không thể thấy; không có tai không thể nghe; không có mũi không thể ngửi; không có lưỡi không thể nếm; và không có thân không thể cảm giác sự xúc chạm. Các sắc thần kinh (pasāda rūpas — tịnh sắc) là những trung khu cảm giác hay năm giác quan tạo thành căn cứ của thức. Không có các giác quan, thức không thể sanh. Trong cõi Phạm Thiên (Brahmas), chỉ có thần kinh nhãn (cakkhu pasāda, tịnh nhãn) và thần kinh nhĩ (sota pasāda, tịnh nhĩ), còn thần kinh tỷ (ghāna pasāda, tịnh tỷ), thần kinh thiệt (jivhā pasāda, tịnh thiệt), và thần kinh thân (kāya pasāda, tịnh thân) vắng mặt. Vì thế các vị Phạm Thiên có thể có mũi và lưỡi trong những hình thức thô hay có thân hình kích thước to lớn, nhưng không biết mùi là gì, vị là gì và những cảm giác trên thân là gì. Tuy nhiên trong tất cả hữu tình chúng sanh, dù là người hay chư thiên hay phạm thiên đều có hadaya vatthu, chỗ trú của tâm thường được gọi là tâm cơ hay sắc ý vật. Vì thế trong tam giới, tư duy, trí tuệ và an chỉ thiền đều có thể xảy ra.

 

SỰ VẮNG MẶT CỦA TÂM DỰA VÀO SẮC

 

Như trên đã nói, vì không có tứ đại trong Niết Bàn nên tất cả sắc (rūpa) dựa trên tứ đại này không hiện hữu. Bởi vì sự vắng mặt của các sắc này, nên không có tâm thuộc dục giới (kāmāvācara), hay sắc giới (rūpāvācara), như tâm sơ thiền chẳng hạn. Vì để ngắn gọn tôi chỉ nói về tâm (citta), nhưng phải nhớ rằng bất cứ khi nào tâm được đề cập thì các tâm sở (cetasikas) của nó cũng bao gồm trong đó.

Bây giờ câu hỏi phát sanh là liệu trong Niết Bàn tâm (citta) không dựa vào sắc (rūpa), chẳng hạn như tâm vô sắc giới (arūpāvācara citta) vẫn còn sanh không.

 

SỰ VẮNG MẶT CỦA TÂM VÔ SẮC GIỚI

 

Ở đây Kinh cũng đã rất dứt khoát về sự vắng mặt của Tâm Vô Sắc Giới (Arūpāvācara), trong Niết Bàn, dù đó là tâm Không vô biên xứ, hay tâm Thức vô biên xứ, hay tâm Vô sở hữu xứ, hay tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ. trong cõi Không Vô Biên, kiết sanh hay tái sanh bắt đầu với sự xuất hiện của tâm quả (vipāka citta) và các tâm sở của nó. Bình thường đối với hàng phàm nhân, trong suốt quá trình sống giữa kiết sanh và tử (tức trong thời bình nhật), các tâm thiện hay tâm bất thiện cùng với những pháp đồng sanh của chúng sanh khởi. Khi những phàm nhân này được tu tập đúng đắn trong pháp họ được gọi là bậc hữu học (sekhas). Những bậc hữu học này có thể trở thành Thánh A-la-hán khi họ trái sanh trong cõi Không Vô Biên Xứ. Trong trường hợp đó, chỉ những tâm thiện và tâm duy tác sanh khởi cùng với các pháp đồng sanh tương ứng của chúng. Nhưng sắc vắng mặt ở cõi đó. Có thể nói chỉ có nāma (danh), tâm, và tâm sở — tất cả trong trạng thái thay đổi liên tục — có mặt. Trong cõi đó mọi hiện tượng đều là tâm lý. Tôi nghĩ những chúng sanh chỉ có tâm này (phạm thiên vô sắc) không cần ăn, không cần mặc cũng không cần trú xứ. Tuy nhiên đối với những hoạ sĩ hay nghệ sĩ vẽ tranh thì thường mô tả cõi này và các cõi Vô Sắc khác là có những cung điện và các toà thiên cung... Nhưng trong Niết Bàn chúng sẽ là dư thừa, vì trong Niết Bàn không có tâm cũng không có sắc.

Ngày nay những người không phải Phật tử đã rất mực quan tâm đến (các chương trình) không gian, nhưng không gian có trong tâm họ là không gian trong nghĩa vật chất. Do đó không gian này không thể được đánh đồng với ý niệm về sự hiện hữu trong cõi không vô biên xứ (Hư Không Vô Biên). Ở đây Đức Phật phân biệt rất rõ cõi có tâm và các tâm sở cùng với trạng thái thiền (jhāna) với cõi vô tưởng nơi đây tất cả các pháp đồng sanh với nó và tâm thiền đều bị vô hiệu hoá. Một hành giả tập trung tâm trên sự sanh-diệt của các uẩn có thể đạt đến giai đoạn Hành Xả Trí. Nếu vị ấy đạt đến giai đoạn này, vị ấy sẽ cảm thấy sự biến mất của cái ngã vật lý, chỉ kinh nghiệm một dòng ý thức bềnh bồng trong hư không. Khi trí của vị ấy phát triển thêm dòng ý thức này sẽ càng lúc càng trở nên rõ hơn. Nói đúng hơn, đây không phải là trạng thái an chỉ thiền trong Không Vô Biên mà là một loại tuệ minh sát giống với thiền đó mà thôi.

Từ những gì đã nói ở trên, cũng có thể viện dẫn rằng không có tâm và các tâm sở thuộc cõi Thức vô biên xứ; và tương tự như vậy đối với tâm và các tâm sở thuộc Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cõi cuối cùng này được xem là cao nhất ở đây tưởng vi tế đến nỗi nó có thể được mô tả như một giai đoạn nằm ở giữa tưởng và vô-tưởng. Cũng vi tế tương tự là xúc (phassa), thọ (vedanā), tâm (citta) và các tâm sở (cetasika) có thể gặp trong cõi đó. Trong Niết Bàn những trạng thái vi tế nhất của tâm cũng hoàn toàn không có.

Những người thiếu niềm tin trong pháp và không thể thực hiện được sự chứng thiền hay samāpatti (nhập định), sẽ không chấp nhận những lời dạy liên quan đến các cõi hiện hữu vừa đề cập ở trên. Cái mà những người hoài nghi này nên làm là hãy thực hành thiền định và thiền minh sát như lời Đức Phật dậy. Nếu họ làm được điều này họ sẽ đắc thiền, kể cả phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, lúc đó họ sẽ nhận ra sự khác nhau giữa trạng thái thiền trong Cõi Vô Sắc và Niết Bàn nơi đây một trạng thái như vậy không còn cần thiết nữa.

 

TRONG NIẾT-BÀN KHÔNG CÓ CẢ DANH VÀ SẮC

 

Trong Niết-bàn không có những thứ như danh (nāma) hay tâm hay các tâm sở mà người ta có thể gặp ở cõi Dục Giới hay Sắc Giới. Do đó danh và sắc thuộc 31 cõi hoàn toàn vắng mặt trong Niết-bàn là điều tự nhiên. Nhưng có số người lại thích đưa ra một gợi ý khác thường cho rằng sau khi Đức Phật và các đệ tử A-la-hán của ngài nhập Vô Dư Niết-bàn (Parinibbāna), họ có được một loại danh-sắc đặc biệt trong Niết-bàn. Một kiểu suy nghĩ lạ thường như vậy có thể hấp dẫn đối với những người chưa thể loại bỏ cái ảo tưởng về atta hay tự ngã.  

Liên quan đến sự gợi ý này một vị Sayadaw đa văn nọ lý luận rằng nếu có một loại danh-sắc đặc biệt trong Niết-bàn, thời cũng phải có một loại tái sanh đặc biệt để sanh ra loại già, bệnh, chết đặc biệt từ đó tạo ra một loại sầu, bi, khổ, ưu, não đặc biệt,…Khi Kinh nói dứt khoát Niết-bàn là sự diệt thời vượt qua nó và lập ra cái ý niệm về một loại hiện hữu đặc biệt sẽ là điều không thích hợp. Sự diệt chỉ rõ không có gì ngoài hư vô. Niết-bàn, vốn không liên quan đến danh-sắc (nāma-rūpa), nên không thể được làm cho nó dính líu đến đời này hay đời sau.

 

NIẾT-BÀN NẰM NGOÀI TAM GIỚI

 

Ở đây Kinh nói, “Nāyaṃ loko, na paroloko.” Nghĩa là “không ở trong thế giới này cũng không ở trong thế giới khác.” Không có sắc không thể có khái niệm về bóng tối; và không có khái niệm về bóng tối, không thế có khái niệm về ánh sáng. Vì vậy trong Niết-bàn không có mặt trời cũng không có mặt trăng. Ở đâu không phát sanh thân năm uẩn mới ở đó không thể có bóng tối và ánh sáng. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu có thể có những hữu tình chúng sinh đi đến Niết-bàn như cách những chúng sinh từ cõi địa ngục đi đến cõi người, hay những chúng sinh từ cõi người  đi đến cõi chư thiên hay không. Vấn đề là trong Niết-bàn không có khứ lai hay đến đi như vậy. Để mô tả sự chứng đắc Niết-bàn theo cách nói thông thường là chư Phật và chư vị A-la-hán “nhập” (đi vào) Niết-bàn, hay cụ thể hơn nhập vô dư Niết-bàn (anupādisesa Nibbāna). Điều này không có nghĩa là sự đi đến của các uẩn mới mà là sự cắt đứt của dòng danh-sắc tạo ra sự hiện hữu. Nó là sự diệt hoàn toàn của các uẩn; và sự diệt này được nhìn nhận là Vô Dư Y Niết-bàn  (Anupādisesa Nibbāna). Vì vậy Niết-bàn không phải là một nơi ở đây các chúng sinh từ các cõi sống khác đáp xuống.

Cũng không có người nào đi ra khỏi hay được vận chuyển từ Niết-bàn đến các cõi sống khác. Các chúng sinh có thiện nghiệp rời khỏi cõi người để đi đến thiên giới; và những chúng sinh từ cõi trời cũng có thể đi xuống quả đất này như những con người. Hoặc ai có những bất thiện nghiệp có khuynh hướng thích đi xuống bốn ác đạo hơn. Nhưng trong Niết-bàn không những chuyện đến đi như vậy.

 

NHỮNG THUỘC TÍNH CỦA NIẾT-BÀN

NIẾT-BÀN KHÔNG CÓ KHỐI LƯỢNG

 

Người ta thường hỏi là liệu Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán có tồn tại như những cá nhân trong Niết-bàn không. Không có khối lượng trong Niết-bàn. Vì Niết-bàn không được xây dựng bằng một loại vật chất (sắc) hay tâm đặc biệt nào, nên nó không thể được xem như một quả núi sừng sững giữa bầu trời giống như thiên giới hay quả đất trên đó người ta cư trú.

 

NIẾT-BÀN LÀ BẤT TỬ VÀ BẤT SANH

 

Con người được sanh ra để chết, rồi lại tái sanh và chết,...không ngừng trong 31 cõi. Niết-bàn thì Bất tử và Bất sanh. Trong thế giới của chư thiên (devas) và Phạm thiên (Brahmas) sanh có nghĩa là sự xuất hiện thình lình, và chết cũng biến mất thình lình (hoá sanh, và hoá tử). Có thể nói Niết-bàn là sự diệt hay chấm dứt của tất cả Uẩn (khandhas). Trong sự diệt này không có gì xuất hiện cũng không có gì biến mất.

 

NIẾT BÀN KHÔNG XỨ SỞ

 

Niết-bàn không có xứ sở, vì thế không thể định vị nó. Niết-bàn không ở chỗ này cũng không ở chỗ kia. Nó không ở trên các cõi trời. Mặc dù dưới dạng danh-sắc (nāma-rūpa), Niết-bàn được xem là danh pháp, nhưng trong nội dung đó nó không phải là tâm (citta) cũng không phải tâm sở (cetasikas). Vì thế ba phương diện của tâm, đó là sanh (upāda), trú (ṭhīti) và diệt (bhaṅga), không hiện hữu trong Niết-bàn. Nói một cách bóng bẩy thì Niết-bàn trú ngay trong tấm thân dài một sải tay này.

 

KHÔNG CÓ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NĀMARŪPA

 

Trong thân năm uẩn này, nāma và rūpa hay danh-sắc luôn trong tình trạng thay đổi và vì thế chúng ta nói chúng trôi chảy không ngừng giống như một dòng suối. Một người hành thiền sau khi đã chứng được trí về sự sanh và diệt của các hành sẽ biết được danh-sắc sanh lên và diệt liền như thế nào. Khi vị ấy phát triển được Hành Xả Trí trong tự thân vị ấy có cảm giác rằng toàn bộ dòng danh-sắc này đã dừng lại hay không còn trôi chảy nữa. Đây là sự diệt.

 

NIẾT-BÀN KHÔNG MANG ĐẾN CHO BẠN

CÁC ĐỐI TƯỢNG GIÁC QUAN

 

Không có danh, sắc, tâm, tâm sở, v.v…, không thể có các đối tượng giác quan; và trong sự vắng mặt của các đối tượng giác quan các hành không có cơ hội sanh khởi để thực hiện vai trò của chúng.

 

NIẾT BÀN LÀ SỰ CHẤM DỨT KHỔ

 

Vì lẽ không có tứ đại và nāma-rūpa (danh-sắc), nên mọi thứ đều chấm dứt, và điều này đem lại sự bình yên vĩnh hằng. Tất cả khổ đoạn tận.

 

ROHITASSA SUTTA

 

Niết-bàn không toạ lạc ở bất cứ đâu, nhưng nói một cách bóng bẩy thì Niết-bàn nằm ngay trong thân của vị A-la-hán. Điều này được đề cập trong Kinh Rohitassa của Tương Ưng và Tăng Chi Bộ Kinh.

Khi Đức Phật đang trú tại Kỳ Viên tịnh xá ở Xá-vệ (Sāvatthi), một vị thiên (deva) tên là Rohitassa đã đi đến ngài và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Liệu một người có thể đi đến tận cùng của thế giới ở đây không có trở thành (hữu), không có già, không có chết và không có tái sanh?”

 

KHÔNG AI CÓ THỂ ĐI ĐẾN TẬN CÙNG THẾ GIỚI

 

Đức Phật đã trả lời câu hỏi này như sau:

Yutta kho āvuso na jāyati, na jīyati, na mīyati, na vacati, na upappajjati; nāham “tam gamanena lokassa antaṁ ñātayyaṃ daṭṭheyyaṃ patteya” yanti vadāmi.

Này hiền giả! Ta chưa bao giờ xác nhận một người có thể đi đến tận cùng thế gian ở đây không có trở thành (becoming), không có già, không có chết và không có tái sanh. Ta chưa bao giờ nói rằng bằng những phương tiện như vậy, như vậy tận cùng của thế gian có thể được đạt đến, được chứng ngộ, được biết.

Rohitassa rất hài lòng với lời giải thích của Đức Phật. Một thời vị ấy từng là một đạo sĩ có năng lực thần thông (thắng trí) và với nó vị ấy đã cố gắng tìm kiếm tận cùng của thế gian. Với một bước từ cõi này đến cõi khác, vị ấy đã đi khắp cùng vũ trụ trong suốt một trăm năm; nhưng cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ của vị ấy không đem lại kết quả gì.  Vào cuối sứ mệnh của mình, vị ấy chết và được tái sanh làm một vị thiên trong chính cái thế gian mà vị ấy đã chu du khắp nơi như một đạo sĩ quyền năng. Tuy nhiên cái thế gian vị ấy nghĩ trong tâm vẫn chỉ là thế gian vật chất. Còn cái thế gian mà Đức Phật nghĩ trong tâm khi trả lời vị ấy là cái vòng khổ luân do dòng chảy không ngừng của danh-sắc gây ra. Chỉ khi vòng này dừng lại người ta mới có thể đạt đến tận cùng của thế giới.

 

KHỔ VÀ SỰ TẬN CÙNG CỦA THẾ GIAN

 

Sau đó Đức Phật nói tiếp:

Na kho panāham āvuso appatvā lokassa antam dukkhassa antakiriyam vadāmi; api ca khvāham āvuso imasmim yeva vyāmamatte kaḷevare sasaññimhi samanake lokañca paññapemi lokasamudayaña lokanirodhañca lokanirodhagāminiñca paṭipadam.

 

“Và, này hiền giả, Ta không nói rằng tất cả khổ sẽ chấm dứt mà không đạt đến tận cùng của thế gian. Nhưng, trong nghĩa thông thường, Ta nói rằng thế gian hay vũ trụ nằm trong tấm thân dài một sải tay có tưởng và thức này. Ta cũng dạy sự sanh khởi của thế gian, sự diệt của thế gian và con đường dẫn đến sự diệt của thế gian.”

 

Nếu một người không thể đi đến tận cùng của thế gian bằng những nỗ lực của thân vật lý, họ có thể đi đến đó bằng sự vận dụng trí tuệ. Thế gian Đức Phật muốn nói ở đây là thế gian của khổ. Một người không đạt đến tận cùng của thế gian bằng trí tuệ thì cũng không thế đạt đến trạng thái diệt khổ. Toàn bộ cái thế gian do dòng danh-sắc trôi chảy không ngừng này làm duyên là cái thế gian của khổ và vượt qua nó là Niết-bàn.

 

BỐN THÁNH ĐẾ NẰM TRONG TỰ THÂN

 

Trong tấm thân dài một sải tay này có thể tuyên bố thế gian. Thân này là Khổ, và vì thế nó tiết lộ Sự Thực về Khổ (Khổ Thánh Đế). Nhân sanh khổ cũng có thể được tìm thấy trong đó, vì thế nó dạy cho chúng ta biết Sự Thực về Nhân Sanh Khổ (Tập Thánh Đế). Sự giải thoát khỏi khổ có thể được tìm thấy trong thân này, và như vậy nó cũng chỉ cho chúng ta thấy Sự Thực về Sự Diệt Khổ (Diệt Khổ Thánh Diệt Đế). Và, sự diệt này có thể được chứng ngộ trong tự thân. Do đó, nó chỉ cho chúng ta biết Con Đường Dẫn Đến sự Diệt Khổ (Đạo Diệt Khổ Thánh Đế). Như vậy cả bốn Thánh Đế đều có thể được khám phá trong thân của các chúng sanh thuộc thế gian này.

Bạn không thể định vị Niết-bàn. Trước khi nhập Niết-bàn (parinibbāna) các vị A-la-hán vẫn phải mang gánh nặng của các uẩn vốn chỉ ngừng sanh sau khi nhập Vô Dư Niết-bàn. Có thể nói sự diệt này xảy ra bên trong thân của các vị A-la-hán. Vì vậy, theo quy ước, chúng ta nói sự hiện hữu của Niết-bàn nằm ở bên trong thân năm uẩn của chúng ta. Tuy nhiên theo Abhidhammā (Vi-diệu Pháp), Niết-bàn không liên quan tới thân này. Đó là lý do vì sao trong Udāna (Kinh Phật Tự Thuyết) Niết-bàn được mô tả như appatiṭṭham có nghĩa là “không có chỗ đứng,  無足場 —vô túc trường, không có chỗ đặt chân.”

 

THẾ GIAN BÊN TRONG CHÚNG TA

 

Khổ Đế là cái khổ cố hữu trong năm thủ uẩn (upādānakkhandhā), khởi lên trong căn xứ khi suy nghĩ đến đối tượng giác quan đi vào căn môn. Khi bạn nhìn vào một vật, nhãn căn tiếp nhận hình ảnh của đối tượng qua nhãn môn, và xúc thiết lập giữa căn và cảnh để cho bạn biết rằng bạn đã thấy vật ấy. Hiện tượng thấy này khá rõ ràng. Bạn biết rằng bạn có mắt, và cảm giác rằng bạn hoàn toàn sở hữu chúng. Bạn, kể như người thấy, có mặt. Đối tượng bạn thấy là rõ ràng và làm vừa lòng tâm bạn. Đối với hiện tượng nghe, nếm,… còn lại cũng suy xét theo cách tương tự như vậy. Bất cứ khi nào một trong những hiện tượng này sanh khởi, sự dính mắc hay chấp thủ vào các đối tượng giác quan đang được quan sát sẽ phát triển. Khi bạn thấy một người nào đó, bạn nhận ra người đó là đàn ông hay đàn bà và mang những nét có vẻ hợp ý bạn. Ngay lập tức bạn bị dính mắc và anh ta hay cô ta. Như vậy con mắt và đối tượng của con mắt (cảnh sắc) tạo thành Sắc Thủ Uẩn (rūpupādānakkhandhā).

Khi bạn nhận ra mình thấy (cái gì đó), bạn nên biết rằng thức (viṇṇāṇa) đang hoạt động. Lúc này bạn có Thức Thủ Uẩn (viññāṇupādānakkhandhā). Sau khi thấy một đối tượng, thọ, lạc hay khổ, sanh khởi trong bạn. Thọ là vedanā. Bây giờ bạn đã phát triển — Thọ Thủ Uẩn (vedanupādānakkhandhā). Bạn thường ghi nhớ những gì mình thấy để khi có dịp cần đến bạn có thể nhớ lại. Tưởng (saññā) kể như đã phát triển trong bạn; và lúc này bạn có Tưởng Thủ Uẩn (saññupādānakkhandhā). Kế tiếp những hoạt động ý chí xảy ra trong tâm bạn liên hệ đến những thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp mà bạn phạm. Những trạng thái tâm nằm ngoài lãnh vực của thọ và tưởng này tạo thành Hành (saṅkhāra) và bạn bị dính mắc vào nó. Khi có sự dính mắc thì Hành Thủ Uẩn (saṅkhārupādānakkhandha) kể như đã sanh. Như vậy từ hành động thấy, nghe, v.v…, cả năm thủ uẩn đã phát sanh. 

Những thủ uẩn này luôn luôn sanh khởi trong chúng ta; nhưng sự sanh khởi của chúng xảy ra tức thời đến nỗi chúng ta khó mà nhận ra nó. Hầu như chúng ta luôn luôn thất bại trong việc nắm bắt cái khoảnh khắc khi hiện tượng xảy ra. Nhưng với thiền chánh niệm hoặc thiền minh sát chúng ta có thể ghi nhận sự sanh và diệt của các thủ uẩn để nhận ra sự thực rằng trạng thái thay đổi liên tục này là cực kỳ bất toại nguyện, và chính sự bất toại nguyện ấy là Dukkha (khổ).

Năm thủ uẩn tạo thành thế gian này. Chúng tiết lộ cho chúng ta biết Sự Thực về Khổ (Khổ Thánh Đế). Vì một người bình thường không thể ghi nhận thấy chỉ là thấy, do đó họ không thể hiểu được bản chất thực của hiện tượng ngay khoảnh khắc nó sanh, họ cảm giác rằng cái thấy của họ là khả lạc. Họ xem khổ (dukkha) là lạc (sukha); và như vậy một sự ưa thích lạc đã phát triển. Ái trở nên mãnh liệt thành thủ. Khi người ấy cố gắng để hoàn thành ước muốn của mình, làm khuây khoả cái cảm giác dính mắc của mình, hành nghiệp xảy ra. Bây giờ hành (saṅkhāra) bắt đầu hoạt động. Do hành nghiệp này một người lúc sắp chết nhận thức qua ý môn những nghiệp (kamma) mình đã làm, hoặc nghiệp tướng (kamma-nimitta, dấu hiệu liên quan đến nghiệp), hoặc thú tướng (gati-nimitta, dấu hiệu về nơi sẽ tái sanh). Tâm người ấy sẽ hướng về những đối tượng này do sự dính mắc. Họ rất giống như một người đang chết đuối vơ lấy bất cứ vật gì có thể nắm được. Khi người này đang nắm bắt đối tượng cận tử (ārammaṇa) thì tâm tử khởi lên. Và khi họ bỏ lại các uẩn, tâm này lui vào quá khứ. Nhưng do không loại bỏ được sự dính mắc, đối tượng nhận được từ tâm tử của kiếp sống trước, tác động đến tâm tục sanh vừa khởi lên trong kiếp hiện tại này. Như vậy kiếp sống mới bắt đầu với một tâm mới; và vì tâm này nối kết quá khứ với hiện tại nên nó được gọi là paṭisandhi citta, kiết sanh thức hay tâm tục sanh. Khi tâm khởi lên, các tâm sở và sắc (rūpa) vốn nương vào chúng cũng khởi  lên. Nếu tham ái (taṇhā) không được đoạn trừ thì danh-sắc này sẽ tiếp tục xuất hiện không ngừng suốt các kiếp sống. Vì vậy, tham ái là nhân tạo ra thế gian, và vì thế gian này là một khổi khổ, nên nó phô bày Sự Thực về Nhân Sanh Khổ (Tập Đế) cho mọi người thấy.

Thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm đều là những nhân tố sanh ra khổ, và chính trên tỷ số đó mà tham ái trở thành tập đế. Do tập đế này, chúng ta thích thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm. Và rồi một lần nữa dukkha lại sanh. Đây là Khổ Đế và Tập Đế.

 

THIỀN TRÊN TỨ ĐẠI

 

Tâm khởi lên khi có sự xúc chạm giữa căn và cảnh. Một hành giả bắt đầu thực hành với việc tập trung tâm trên hiện tượng tâm khởi nguồn từ bốn thuộc tính vật chất này, đó là pathavī (đất hay tính cứng), āpo (nước hay tính lưu chảy), tejo (lửa, nhiệt lượng) vāyo (gió hay yếu tố chuyển động). Khi Kinh Đại Niệm Xứ nói, “Khi đi tôi biết tôi đang đi,” thì phải hiểu đó là một lời hướng dẫn để người hành thiền biết yếu tố chuyển động đang phát huy qua sự tiếp xúc kích thích tâm. Khi bạn ngồi, hãy biết rằng bạn đang ngồi, ghi nhận sự căng của thân do hành động ngồi tạo ra. Tiếp đó bạn có thể hay biết về các hiện tượng thân hay tâm khác đang xảy ra cùng với oai nghi bạn sử dụng. Chẳng hạn, bạn có thể để ý thấy rằng khi bạn ngồi, hai chân bạn chạm vào nhau, hai tay bạn cài vào nhau, y phục bạn đang mặc dính vào thân bạn, v.v…và v.v…Khi bạn quan sát chúng với chánh niệm bạn sẽ nhận ra bản chất những hoạt động của sắc phát sanh khi căn và cảnh tiếp xúc với nhau.

 

MỘT BƯỚC DỄ DÀNG TRONG THIỀN

 

Để cả người trẻ lẫn người già đều có thể chọn hành thiền, chúng tôi kê ra đây những gì chúng tôi xem là một lộ trình hành thiền minh sát dễ dàng nhất bắt đầu với việc ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của bụng. Khi bạn thở vô (hít vào) bụng trở nên căng ra, và khi bạn thở ra nó chùng xuống. Bạn sẽ kinh nghiệm sự chuyển động phồng lên và xẹp xuống của thành bụng và nhận ra nó là sự hoạt động của phong đại (vāyo). Bạn ghi nhận điều này. Tức là bạn tập trung tâm trên sự phồng và xẹp của bụng với trí tuệ hiểu rõ bản chất của hiện tượng. Sẽ không có sự dừng lại giữa hai chuyển động liên tiếp nhau. Hãy giữ cho tâm bạn gắn chặt trên sự bắt đầu của chuyển động phồng rồi theo dõi cho đến khi nó chấm dứt và chuyển qua sự bắt đầu của chuyển động xẹp cho đến khi nó chấm dứt. Nhưng nếu, trong tiến trình theo dõi, bạn để ý thấy có một sự dừng lại nào đó sau hơi thở vô hay sau hơi thở ra, bạn phải chánh niệm rằng bạn đang ngồi trong lúc đó (nếu bạn ngồi trong lúc hành thiền). Thỉnh thoảng những ý tưởng sẽ hình thành trong tâm bạn. Bạn có thể nghĩ đến một cái gì đó. Hay bạn có thể có ý định làm điều này điều nọ gì đó. Hãy ghi nhận tất cả những sự hình thành ý nghĩ này. Bất cứ khi nào tâm bạn “bơi”, như cách nói của người Miến, ra khỏi dòng chánh niệm, bạn hãy theo dõi nó. Đừng để cho nó thoát khỏi sự kiểm soát tâm của bạn. Bạn tiếp tục ghi nhận hiện tượng suy nghĩ. Sau đó bắt đầu ghi nhận những chuyển động của bụng bạn lại. Đối khi bạn có thể gặp những cảm thọ, hầu hết là bất lạc, bởi vì bạn cảm thấy tê cứng và mệt, hay nóng và đau khi ngồi thiền. Trong trường hợp đó hãy ghi nhận sự mệt và đau này; và khi những cảm giác đó biến mất tập trung sự chú ý của bạn vào sự phồng xẹp của bụng lại. Nói tóm lại, hãy ghi nhận những chuyển động của bụng, cả hoạt động của thân lẫn thái độ tâm lý cũng như sự kinh nghiệm của bạn sao để cho không có khoảng ngưng nào khiến tâm bạn nhàn rỗi trong suốt tiến trình thiền. Nếu bạn không có đối tượng đặc biệt nào để tập trung sự chú ý của bạn trên đó, bạn hãy tiếp tục ghi nhận sự phồng xẹp, tức sự căng cứng và chùng xuống của bụng, như thường lệ.

Khi năng lực tập trung của bạn tốt hơn bạn sẽ để ý thấy rằng mỗi chuyển động của cơ bao gồm nhiều diễn biến của các hành động rõ rệt có thể được gọi là những tình tiết và mỗi tình tiết ấy sanh lên rồi liền biến mất. Mỗi sự xuất hiện và biến mất xảy ra nối tiếp nhau rất rõ ràng có thể nhận thấy được. Sự quan sát này áp dụng cho đối tượng tâm. Nhưng tâm ghi nhận, chủ thể quan sát, cũng vận hành theo cùng một cách như đối tượng, tức là thoắt hiện thoắt biến mất nối tiếp nhau một cách nhanh chóng. Khi sự quan sát của bạn càng lúc càng trở nên sắc bén hơn, bạn sẽ nhận ra mọi phần của hiện tượng xảy ra và biến mất như thể mỗi phần tự tách ra khỏi phần kia để làm theo ý riêng của nó vậy. Khi tâm ghi nhận và đối tượng xảy ra như thể vì mục đích tan biến hay diệt, lúc này sự thực vô thường của nó trở nên rõ ràng với bạn. Chúng mãi mãi ở trong trạng thái thay đổi như vậy. Chính sự sanh diệt này là bản chất cố hữu của chúng. Cái gì vô thường là bất toại nguyện. Cái gì bất toại nguyện là khổ. Bây giờ bạn đã đạt đến trí hiểu biết về Khổ Đế. Sự giác ngộ này xua tan bóng tối vô minh (avijjā). Do đó, tham ái (taṅhā) không còn tự xác định mình là đối tượng của bạn nữa. Khi không có tham ái, thủ (upādāna) không thể tác hành như kẻ đồng loã của nó. Vì thủ không sanh nên hành không thể hoạt động để làm thoả mãn những ước muốn do tâm và đối tượng của nó gợi lên. Điều đó có nghĩa rằng nghiệp không được được tạo thành hay hành nghiệp không phát sanh. Khi hành nghiệp chấm dứt thì thức tái sanh không thể xảy ra. Như vậy sẽ không có sự sanh mới, tức không có các uẩn (khandhas) mới. Điều này biểu thị cho sự diệt khổ và nhân sanh khổ. Ở khoảnh khắc đặc biệt khi bạn nhận ra sự diệt này bạn chứng ngộ Niết-bàn. Có thể điều này chỉ xảy ra trong một sát-na, nhưng sát-na đó vô cùng quý giá. Ghi nhận và biết rõ các hiện tượng xảy ra cuối cùng dẫn đến diệt trí (trí hiểu biết về sự diệt) tương đương với sự chứng đắc hiệp thế về Đạo Diệt Khổ Thánh Đế.

Do đó, kinh thường nói rằng Tứ Thánh Đế ở ngay trong tấm thân của người hành thiền.

Khi Hành Xả Trí được thành tựu, hành giả bị hút vào thiền đến nỗi họ cảm thấy thân mình, cùng với thọ và tưởng của nó, dừng lại. Vì thế Kinh nói thêm:

Trong Niết-bàn thân này, cùng với cảm giác xúc chạm và sự vận hành của các xứ (āyatanas) diệt. Hành giả phải hay biết về sự diệt này.

 

Trong thực tế đây là sự chứng ngộ Niết-bàn qua Thánh Đạo. Vì thế chú giải nói thêm:

Trong tấm thân dài một sải tay này thế gian được công bố, nơi đây Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Diệt Khổ Thánh Đế có thể được khám phá. Này hiền giả hãy biết rằng với những lời này, những chữ này Ta không công bố thực tại của Tứ Thánh Đế ở trong những vật vô tri như cỏ cây, mà trong tấm thân do tứ đại tạo thành này.

 

  Khổ Đế hiển nhiên ở khắp mọi nơi; nhưng Tập Đế thì chỉ có thể viện dẫn từ bản chất nội tại của tất cả phàm nhân không thể loại trừ phiền não khỏi tâm. Trước khi một người bước lên Đạo Lộ họ có thể tìm kiếm Nhân (sanh khổ) qua sự tự xét chính mình. Nói theo quy ước thì Diệt Đế có mặt trong các Bậc Thánh bất chấp sự thực rằng họ vẫn còn một số tàn dư của phiền não và các uẩn vẫn còn bên trong họ.

Tuy nhiên đối với các bậc A-la-hán khi phiền não đã được đoạn trừ hoàn toàn, sự diệt được nói là đã thành tựu. Bát Thánh Đạo thuộc Đạo Đế có thể được khám phá trong thân của vị A-la-hán đang hướng đến Đạo Quả. Ở đây kinh muốn chỉ ra rằng sự bình yên của Niết-bàn chỉ có thể được thực chứng với sự diệt hoàn toàn của danh-sắc và các pháp đồng sanh của nó.

 

KHỔ VÀ NHÂN SANH KHỔ HIỆN RÕ

TRONG QUÁ TRÌNH TẠO THÀNH Ý TƯỞNG

 

Ở một phần trước tôi đã trình bầy cách các thủ uẩn sanh qua sự tương tác của các căn như mắt, tai,…và các cảnh như sắc, thinh,... như thế nào. Bây giờ chúng ta sẽ bàn về sự tương tác giữa tâm và pháp (đối tượng của tâm) ­­— mà trong ngôn ngữ thông thường gọi là ý tưởng — làm phát sanh các thủ uẩn. Một sự hồi quan vào bản chất của ý tưởng này sẽ nói lên sự thực liên quan đến khổ và nhân sanh của nó.

Khi bạn suy nghĩ bạn biết chỗ suy nghĩ nằm ở đâu. Hiển nhiên là nó nằm trong thân bạn và trong tâm cơ (sắc ý vật) của bạn. Thêm vào đó là cảnh pháp (đối tượng tâm). Dựa vào ba yếu tố này tiến trình hình thành ý tưởng, suy nghĩ, ý định, ước muốn, …. sanh khởi. Nếu bạn không kịp thời ghi nhận bản chất thực của tiến trình này, bạn có thể bị dẫn đến chỗ tin rằng toàn bộ thân vật lý cùng với sắc ý vật của nó là tự ngã của bạn. “Đây là Tôi,” bạn có thể tự nhủ, “Thân này là của tôi. Chính Tôi là người đang suy nghĩ. Đây là suy nghĩ của tôi. Tôi là cảnh pháp. Hay, anh ta là cảnh pháp (đối tượng của tâm).” Bạn có thể hình thành những ý niệm như vậy trong đầu. Nhưng trong thực tế các pháp (dhammas) sanh khởi khi bạn nghĩ và cố gắng để biết những gì bạn nghĩ hoàn toàn chỉ là các thủ uẩn, upādānakkhandhā. Các uẩn này là một khối khổ. Thấy được như vậy là bạn đã thấy Khổ Đế. Năm thủ uẩn này có thể được phân loại như sau:

  1. Vào lúc hình thành ý tưởng, ý vật và thân tạo thành chỗ cho tâm khởi. Chúng tạo thành sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandhā).
  2. Kế tiếp suy nghĩ nảy sanh. Tất cả tư duy và ý niệm này tạo thành thức thủ uẩn (viññānupādānakkhandhā).
  3. Kế tiếp thọ sanh, thường phân biệt giữa lạc và khổ.
  4. Kế tiếp tưởng khởi lên ghi nhận đối tượng tâm. Chúng tạo thành tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandhā).
  5. Kế tiếp các hành xuất hiện. Chúng tạo thành hành thủ uẩn (Saṅkhārupādānakkhandhā).

 

 Uẩn đề cập cuối cùng, những sản phẩm của ý chí, rất dễ nhận ra; bạn có thể tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi. Khi thức khởi lên thông qua hành động thấy, nghe,… các hành liền xảy ra dưới hình thức của những suy nghĩ và cảm xúc. Đây là cách tham ái và sự dính mắc vào các dục lạc sanh khởi. Khi bạn thấy hay nghe cái gì đó, bạn phân biệt giữa tốt và xấu hay giữa thiện và bất thiện. Và lúc đó sẽ có một sự ham thích đối với cái bạn xem là khả lạc. Nhưng khi chúng không phải là thứ bạn thích, thì tức giận, chán ghét, và ghê tởm liền xộc vào tâm trí bạn. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng của ngã mạn thuyết phục bạn hình thành những tà kiến. Rồi hoài nghi, ghanh tỵ, lo lắng và bất an kéo đến quấy rầy bạn. Trái lại, bạn cũng hoàn toàn có thể phát triển được những thiện tâm như đức tin, lòng nhân hậu, chánh niệm, thái độ điềm đạm, cảm thông, từ ái, và v.v… nếu bạn có những ý nghĩ tích cực và đúng đắn về những đối tượng giác quan bạn quan sát. Tất cả những khuynh hướng này, dù là thiện hay bất thiện, cũng chỉ là hành uẩn (Saṅkhārupādānakkhandhā). Khi bạn có ý định ngồi, hay đứng, hay đi, hay nói, là hành (saṅkhāra) này đang làm việc. Nếu chủ ý (tư-cetanā) của bạn là thiện, thiện nghiệp (kusala kamma) đã được tạo thành; ngược lại là akusala kamma (bất thiện nghiệp). Thế gian của hành thủ uẩn này đích thực là Vũ Trụ; và Vũ Trụ này là một khối khổ. Những người không thường áp dụng trí tuệ minh sát vào những thực tại tuyệt đối của khổ qua việc hành thiền minh sát sẽ phát triển một cảm giác thích thú sai lầm đối với những tư duy và ý tưởng của họ, hy vọng cho một cái gì đó tốt hơn ngay cả khi họ đang phải đối mặt với những khổ đau. Họ hài lòng với ý niệm về sự hiện hữu của bản ngã. Họ khát khao sự thành công của nó, nhầm lẫn khổ đau là hạnh phúc. Theo cách này chấp thủ tăng trưởng trong họ; và họ thực hiện đủ mọi loại nỗ lực để thoả mãn ham muốn của bản ngã. Để làm khuây khoả chúng, họ sẽ không do dự sát sanh, hay trộm cắp, hay lừa đảo, hay phạm vào các tội ác khác. Tuy nhiên cũng có những người làm điều thiện với ý định tích luỹ phước thiện cho những kiếp sống tương lai hay trong vòng luân hồi của họ. Hành nghiệp phát sanh hợp theo những phước thiện hay tội lỗi mà họ đã thành tựu. Khi chết, nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng xuất hiện như những đối tượng giác quan để được nhận thức bằng các giác quan (căn xứ); và tuỳ thuộc vào những gì xuất hiện trong con mắt tâm của họ, như chúng ta nói theo cách nói thông thường, kiết sanh thức hình thành trong kiếp sống mới kế tiếp ở đây các căn mới và các đối tượng giác quan tương tác như trước để tạo ra chấp thủ, tham ái, và sự dính mắc, tất cả chỉ để hoàn chỉnh cái vòng khổ luân cũ. Vì toàn bộ sợi dây tham ái (taṅhā), chấp thủ (upādāna), nghiệp (kamma) và hữu (bhava) chỉ có nghĩa là Khổ Đế. Chỉ khi cắt đứt được sợi dây này với Hành Xả Trí thì sự bình yên của Niết-bàn mới có thể được thiết lập. Vì thế Đức Phật nói:

Ở đâu tâm và tưởng diệt, ở đó có sự diệt của tất cả xứ (āyatanas), và điều này cần phải được tuệ tri (bởi người hành thiền).

Sự diệt này là Niết-bàn. Trong Kinh chữ mana (ý) được dùng, và điều này cần làm sáng tỏ. Từ này được dùng dựa trên sự kết hợp của hai loại tâm, đó là tâm hữu phần (bhavaṅga) và tâm chuyển hướng (avajjana). Bhavaṅga là trạng thái tâm xảy ra khi một người đang ngủ say. Nó không quan trọng như tâm chuyển hướng (avajjana) vốn cần phải được quan sát một cách sít sao nhờ vậy bạn mới biết được sự diệt của nó. Trong Kinh chữ dhamma saññā (pháp tưởng), cũng được dùng. Nó có nghĩa là sự nhận thức đối tượng giác quan. Nhưng sự nhận thức này chúng ta thường nói là tâm (citta) cho dễ hiểu. Vì thế tôi đã dịch avajjana (tâm chuyển hướng) này chỉ đơn giản là citta thôi. Những gì muốn nói ở đây là sự diệt của tâm tiếp nhận đối tượng, tâm biết thông thường, và cuối cùng tâm hiểu rõ đối tượng. Điều này tượng trưng cho ba giai đoạn hoạt động của tâm. Sự diệt của chúng biểu thị sự huỷ diệt hoàn toàn của tất cả hành: và trong trường hợp này gọi là Niết-bàn. Chỉ khi hành thiền minh sát chúng ta mới có thể hiểu rõ được pháp (dhamma) này. Khi tâm hướng về Niết-bàn, và khi tâm Đạo và tâm Quả được chứng ngộ thì mọi hình thức tâm đều diệt.

 

          KHÁM PHÁ NIẾT-BÀN NƠI THẾ GIAN CHẤM DỨT

 

Ở một phần trước tôi có nói rằng khi chúng ta đang ghi nhận hiện tượng thấy, cả nhãn xứ và tưởng về sắc (sắc tưởng) đều tan biến, cũng vậy khi chúng ta ghi nhận hiện tượng nghe, cả nhĩ xứ và tưởng về âm thanh (thinh tưởng) đều tan biến; khi chúng ta ghi nhận hiện tượng ngửi, cả tỷ xứ và tưởng về mùi (hương hay khí tưởng) đều tan biến; khi chúng ta ghi nhận hiện tượng nếm, cả thiệt xứ và tưởng về vị (vị tưởng) đều tan biến; khi chúng ta ghi nhận hiện tượng xúc chạm, cả thân xứ và xúc tưởng đều tan biến; và khi chúng ta ghi nhận sự hình thành của ý tưởng, cả tâm và pháp tưởng đều tan biến. Biết được sự tan biến hay sự diệt của sắc tưởng, thinh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, và pháp tưởng tại sáu căn môn này có nghĩa là sự chứng ngộ Diệt Đế (Chân Lý về sự Diệt Nhân Sanh Khổ). Tất nhiên khám phá sự diệt này không phải chỉ bằng suy nghĩ hay tưởng tượng đơn thuần, mà bằng việc hành thiền thực sự trên danh-sắc cho đến khi thành tựu Hành Xả Trí. Khi Diệt Đế đã thực sự được chứng ngộ bạn sẽ có được sự tin chắc rằng các pháp hữu vi là khổ. Bạn cũng sẽ đi đến kết luận rằng khát khao cái khổ ấy tự nó chính là khổ. Khi tham ái bị xua tan, hữu mới hay tái sanh mới không thể sanh. Vào lúc đạt đến giác ngộ, Đức Phật đã thốt lên bài kệ Khải Hoàn (Udāna[8]) này, tỏ rõ sự thoả mãn vì đã chiến thắng được tham ái:

Anekajātisaṃsāraṃ,
Sandhāvissaṃ anibbisaṃ.
Gahakāraṃ gavesanto,

Dukkhājāti punappunaṃ.

Gahakāraka! diṭṭhosi

Puna geham na kāhasi,

Sabbā te phāsukā bhaggā

Gahakūṭam visaṅkhatam.

Visaṅkhāraṁgataṁ cittaṃ

Taṅhānaṃ khaya majjhagā.

 

(Lang thang bao kiếp sống,

Ta tìm nhưng chẳng gặp

Người xây dựng nhà này

Khổ thay! Phải tái sanh.

 

Ôi người làm nhà kia!

Nay ta đã thấy ngươi

Ngươi không làm nhà nữa

Đòn tay ngươi bị gẫy

Kèo cột ngươi bị tan

Tâm Ta đạt tịch diệt

Tham ái thảy tiêu vong.)

 

Ta đã trải qua vô số kiếp trong luân hồi mong tìm được người xây căn nhà (năm uẩn này) nhưng vô vọng vì thiếu trí. Tái sanh đi tái sanh lại quả thực là khổ! Hỡi người thợ làm nhà kia, bây giờ Ta đã thấy ngươi! Ngươi sẽ không còn làm nhà nữa, vì rui mè, kèo cột của ngươi đã bị kéo đổ và cây đòn nóc đã bị phá hủy. Tâm ta, khuynh hướng về sự diệt của các hành nghiệp, đã đạt đến sự đoạn tận tham.

Không cần phải nói, người xây nhà chính là taṅhā (tham ái), xây dựng nên căn nhà của các uẩn (khandhas) trong luân hồi. Chính tham ái này tạo ra tái sanh (jāti), nỗi khiếp sợ lớn nhất trong tất cả những khổ đau mà người ta có thể phải gặp. Nếu người xây nhà này không được khám phá ra, nó sẽ tiếp tục xây đi xây lại căn nhà ngũ uẩn. Có thể bạn không có bất kỳ khuynh hướng muốn đi xuống các cõi khổ nào, nhưng taṅhā (tham ái) sẽ nhất quyết bắt bạn phải đến cư trú trong căn nhà nó đã xây dựng ở đó. Nếu bạn không có Toàn Giác Trí (Sammāsambodhi ñāṇa) bạn sẽ không bao giờ tìm được nó. Trước khi chứng được trí này Đức Phật đã phải trải qua vô số kiếp tái sanh trong luân hồi. Ngày nay, việc tụng đọc hai bài kệ Khải Hoàn (Udāna Gāthas) này khi xác nhận (một nghi thức giống như lễ an vị) một ngôi bảo tháp (thờ xá-lợi) hoặc tượng Phật đã trở thành tục lệ của người Phật tử Miến Điện. Và cũng không gì lạ đối với người cư sĩ khi tụng Pháp Duyên Sanh (Paṭiccasamuppāda) theo chiều thuận và theo chiều nghịch trong buổi lễ đó. Pháp Duyên Sanh đã được Đức Phật quán xét vào ngày thứ bảy trước khi giác ngộ. Nghi lễ xác định được gọi là “Anekazatin” ở Miến Điện. Tuy nhiên tục lệ này không phổ biến ở Thái lan và Tích lan.

 

APPATIṬṬHA, KHÔNG CÓ CHỖ ĐẶT CHÂN

 

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là Niết-bàn không có chỗ đặt chân. Niết-bàn không có vị trí. Khi kinh nói Niết-bàn trú trong tấm thân dài một sải tay này, đó chỉ là nói theo phép ẩn dụ. Điều này đã được nhấn mạnh nhiều lần. Chắc chắn, không thể chỗi cãi được là khổ đế (Dukkha saccā)tập đế (Samudaya saccā) thực sự ở trong thân của bất kỳ người nào. Đạo đế (Magga saccā) nằm ngầm trong hành giả đang hành thiền minh sát để đạt đến Thánh Đạo. Diệt đế (Nirodha saccā), vốn là Niết-bàn, trú trong thân của các Bậc Thánh, những người đã hướng đến Đạo và Quả. Vì thế có thể nói rằng Niết-bàn luôn luôn hiện hữu trong thân của các bậc A-la-hán.

Nhưng điều này không hàm ý rằng Niết-bàn tồn tại cùng với các Bậc Thánh trong nghĩa nặng về vật chất của từ. Tất cả phiền não đã bị huỷ diệt trong tâm của các Bậc Thánh. Sự huỷ diệt này được nêu ra một vị trí chỉ theo nghĩa biểu trưng; và điều này đã được đề cập một cách rõ ràng trong Chú Giải Thanh Tịnh Đạo như vầy:

Niết-bàn không có vị trí. Nhưng khi nói về sự diệt của các phiền não, nơi trú của các phiền não phải được đề cập. Vì thế một vị trí đã được nêu ra theo cách ẩn dụ (đó là trong tâm).

Về điểm này Abhidhamma rất dứt khoát. Abhidhammā (Vi-diệu Pháp)  tuyên bố rõ rằng Niết-bàn không liên quan đến thân. Niết-bàn được đạt tới ở ngoài thân, bahiddha. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng Niết-bàn không có xứ sở, không có nơi trú và không có vị trí.

 

PHẦN V

 

SỰ DIỆT CỦA THAM ÁI

 

Chữ Nibbāna xuất phát từ chữ vāna vốn có nghĩa là Dục hữu (kāmabhava), Sắc hữu (rūpabhava) và Vô sắc hữu (arūpabhava). Nó thích thú với cả các đối tượng giác quan lẫn các ý nghĩ. Nó nhảy hết đối tượng đến đối tượng khác theo cách thông thường hoặc bất thường, theo đúng trình tự hoặc không đúng trình tự. Nó di chuyển giống như con thoi lúc dệt vải. Thực sự ra, nghĩa ban đầu của từ vāna này liên quan đến sự dệt may. Những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương lai dệt thành một mẫu vẽ muôn mầu muôn sắc theo trí tưởng tượng của con người.

Niết-bàn có mục đích là giải thoát khỏi nanh vuốt của tham ái Kinh nói; “Vānato nikkhantanti nibbānaṃ” Niết-bàn là sự xuất ly khỏi tham ái. Ở một bài Kinh khác thì nói: N’ atthi vanam etthāti nibbānaṃ”Tham ái không có trong Niết-bàn. Tất cả những điều này đều chỉ ra rằng mục đích của tham ái không phải là Niết-bàn.

Dục ái (kāmataṅhā) coi trọng việc phân biệt giới tính. Nó yêu thích những dục lạc xuất phát từ các giác quan như mắt, tai, v.v… Nó cảm thấy buồn chán nếu không có ngũ dục. Tham ái cũng phát triển trong các cõi sắc giới và vô sắc giới. Những người còn bị ám ảnh bởi tham ái không thể nhận ra những bất hạnh của sự hiện hữu, và vì thế họ không ham thích Niết-bàn nơi mà không còn tái sanh. Người ta cầu nguyện cho sớm được Niết-bàn; nhưng nếu họ được bảo là họ sẽ được chuyển tới đó ngay lập tức với mọi thay đổi trừ việc quay trở lại kiếp sống hiện tại, họ sẽ do dự như cách của người hâm mộ (Niết-bàn) trong câu chuyện sau.

 

HÃY ĐỂ TÔI SUY NGHĨ LẠI ĐÃ

 

Một người cư sĩ mộ đạo nọ cầu nguyện trước tượng Phật cho anh ta được đạt đến Niết-bàn càng sớm càng tốt. Nghe những lời cầu nguyện thường xuyên của anh ta, một gã chơi khăm kia ẩn mình sau bức tượng Phật đã nói với một giọng vang như sấm, “Con cầu nguyện như vậy là đủ rồi. Hôm nay Ta sẽ đưa con đến Niết-bàn.” Người nguyện Niết-bàn ấy trả lời, “Ôi tốt quá, tốt quá! Nhưng để con về nhà hỏi ý kiến vợ con xem đã.” Khi về đến nhà anh ta kể lại sự việc xảy ra với vợ và xin lời khuyên của cô ta. Cô vợ nói “Ôi anh thật là một con người may mắn, đừng do dự gì nữa, hãy đi nhanh lên.” Người chồng ngây thơ lúc đó mới hỏi, “Hãy suy nghĩ kỹ xem liệu em có thể cai quản việc nhà mà không có anh được không.” Cô vợ trả lời, “Cứ đi đi, đừng lo! Em không cần phải suy nghĩ gì đâu.” Người chồng vặn lại, “Dù em không muốn suy nghĩ cho thấu đáo thì cũng phải để anh suy nghĩ chứ.” Đây có thể không phải là một câu chuyện có thực; nhưng nó có vẻ hết sức thực tế.

 

MIỄN CƯỠNG KIẾM PHƯỚC CHO NIẾT-BÀN

 

Tích luỹ phước qua việc hành thiền minh sát sẽ đưa người ta đến gần hơn Niết-bàn; nhưng ít người thực sự làm điều đó. Chúng tôi thường phải tốn rất nhiều công sức để thuyết phục một tín đồ hành thiền. Hãy xét đến trường hợp của Hoàng Hậu Khemā, vợ của Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la) xem. Mặc dù đức Vua đã là một đệ tử thuần thành, hoàng hậu cũng chưa bao giờ đến thăm Đức Phật. Vua phải dùng một số mưu mẹo để thúc bà đi đến chùa. Nhưng một lần nọ bà được diện kiến Đức Phật, mọi việc đều tốt đẹp; và bà trở thành bậc thánh A-la-hán ngay lúc bà lắng nghe Pháp. Cũng có một câu chuyện khác về Kāla, con trai của trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapindika).

 

CÔNG TỬ KĀLA

 

Anāthapindika, một trưởng giả giàu có, được nghe tin về Đức Phật trong lúc ông đang buôn bán tại Rajagaha. Ông liền đến thăm ngài và nghe Pháp. Ngay lập tức ông trở thành một bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna), và thỉnh Bậc Đạo Sư đến cư trú tại Sāvatthi (Xá-vệ). Ông đã mua lại khu vườn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta) với giá 18 triệu đồng tiền vàng, xây dựng một ngôi tịnh xá hết 18 triệu, và tổ chức một buổi lễ lạc thành hết 18 triệu đồng tiền vàng nữa. Ông dâng cúng ngôi tịnh xá ấy đến Đức Phật và các đệ tử của ngài. Hàng ngày ông sẽ cúng dường thức ăn đến 500 vị Tỳ-kheo, giữ Bát quan trai giới và khuyến khích những người trong gia đình làm theo gương ông. Mặc dù ông đã trở thành một đại thí chủ của ngôi chùa, con trai ông, công tử Kāla vẫn không có khuynh hướng về Phật Pháp.

Công tử có đủ lý do để không có chút lòng tin đối với Đức Phật và Pháp của ngài, vì vào những ngày ấy người ta hành theo tà giáo của Purāna Kassapa. Thời đó cũng có nhiều người theo thuyết duy linh. Một số tôn thờ Phạm Thiên như một vị thần. Nếu không được gặp Đức Phật có lẽ bản thân ông Anāthapindika cũng đã bị kéo vào đủ các loại giáo phái hiện hành thời đó. Công tử Kāla cũng là một đệ tử của các trường phái dị giáo ấy. Và có thể sẽ là bất tiện cho cậu ta để chuyển từ tôn giáo này sanh tôn giáo khác.

Người cha nghĩ đến hạnh phúc của con trai: “Con trai ta không biết gì về Đức Phật. Nó cũng không hiểu rõ Pháp và Tăng. Nó không có ước muốn đi đến Chùa. Nó không có khuynh hướng nghe pháp. Nó lãng tránh làm những công việc phục vụ chư Tăng. Nếu nó chết như một kẻ ngoại đạo chắc chắn nó sẽ đi đến địa ngục Avīci (A-tỳ). Việc con trai của một người Phật tử lại không phải là Phật tử thì thực là không phải phép. Nếu nó đoạ địa ngục trong khi ta vẫn còn đang sống thì đó sẽ là điều tồi tệ nhất. Thông thường tiền bạc có thể làm thay đổi tâm của nhiều người. Ta phải liều hối lộ để gởi nó vào chùa mới được.” Nghĩ như vậy xong, ông trưởng giả liền bảo con trai rằng ông sẽ cho cậu 100 đồng nếu như cậu chịu đi đến chùa. Đứa con chấp nhận lời đề nghị.

Khi đi đến chùa Công tử Kāla chọn một góc ấm cúng để được ngủ một cách ngon lành, vì cậu không quan tâm đến việc nghe pháp. Sáng hôm sau khi trở về nhà, người cha cho anh ta ăn uống đầy đủ vì tin rằng con trai mình đã giữ giới Bát Quan Trai. Công tử Kāla là người hám tiền nên cậu ta chỉ đồng ý dùng bữa sau khi đã được trả tiền. Qua lần sau ông trưởng giả bảo anh rằng nếu như con chịu nghe Pháp và kể lại cho cha chỉ một bài kệ thôi, con sẽ được thưởng 1,000 đồng.

Công tử Kāla lại đi đến chùa và lần này cậu ta chăm chú lắng nghe những gì Đức Phật thuyết. Bậc Đạo Sư biết anh ta rất rõ, vì thế ngài cố ý thuyết những bài pháp khiến cho con trai ông trưởng giả không thể ghi nhớ một cách dễ dàng được. Vì đã giao kèo với cha là phải thuật lại những gì Đức Phật thuyết cho dù đó chỉ là một bài kệ, nên lúc này cậu rất chú ý lắng nghe để hiểu. Sau khi có được sự hiểu biết, đức tin phát triển trong cậu, và ngay khoảnh khắc tâm lý này Đức Phật đã thuyết một bài pháp đi thẳng vào tâm cậu. Nhờ tích lũy các Ba-la-mật trong nhiều kiếp quá khứ, Công tử Kāla lập tức đắc Nhập Lưu và trở thành bậc Thánh Tu-đà-hoàn.

Một khi đã là bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna), đức tin của của cậu nơi Phật Pháp (Buddha Dhamma) trở nên vững chắc, mọi hoài nghi và tà kiến được tiêu trừ. Vào cái ngày đặc biệt ấy cậu không trở về nhà một mình sớm, thay vào đó cậu ở lại cùng với hội chúng của Đức Phật. Khi mọi người đi đến nhà ông trưởng giả để dự lễ trai tăng, cậu đi theo họ. Nhưng khi về đến nhà cậu lo lắng rằng cha cậu có thể đưa tiền cho cậu trước mặt Đức Phật, vì không muốn mọi người biết rằng cậu đi đến chùa với một động cơ đặc biệt. Một ý thức hổ thẹn đã xâm chiếm tâm cậu. Theo thường lệ cậu sẽ dùng cơm sau Đức Phật và chư Tăng; nhưng lần này cậu cẩn thận không để mọi người chú ý tới mình. Tuy nhiên, ông Anāthapindika lại đi đến bên cậu để trả tiền như đã hứa ông nói rằng đó là một phần thưởng dành cho việc cậu đi đến chùa giữ Bát Quan Trai giới và nghe pháp. Cậu vô cùng xấu hổ và từ chối nhận tiền. Người cha thuật lại toàn bộ sự việc cho Đức Phật, nói rằng đây quả thực là một ngày đặc biệt vì con trai ông không còn giống như những lần trước bị tham trói buộc nữa mà đã rạng ngời hạnh phúc.

Sau đó Đức Phật nói: “Này ông trưởng giả, con trai ông nay đã trở thành một bậc nhập lưu, cao quý hơn cả một vị chuyển luân vương, và hơn cả chư thiên và Phạm thiên.”

 

BẬC THÁNH NHẬP LƯU

THẮNG XA VUA CHUYỂN LUÂN VƯƠNG

 

Hầu hết mọi người đều thích làm vua. Đối với họ ngay cả người đứng đầu một ngôi làng (tộc trưởng) cũng có sức hấp dẫn của nó. Một vương quốc tốt hơn một công quốc (lãnh địa của một ông hoàng). Một vương quốc to lớn tốt hơn một vương quốc nhỏ bé. Một hoàng đế có quyền lực hơn một vua chư hầu. Nếu một người trở thành vị chuyển luân vương (cakkavatti), vua của bốn châu lục, thì không có gì phải nói thêm nữa. Sử dụng Luân báu (bánh xe quyền lực có phép thần thông) và toả sáng với hương giới của mình, tất cả các vị hoàng đế và vua chúa đều cúi đầu trước vị ấy. Nhờ giới đức mà tất cả thần dân của ngài đều có được đời sống sung túc, đoàn kết và chính trực.

Cuộc sống xa hoa mà một vị chuyển luân vương thụ hưởng trở nên vô nghĩa nếu so sánh với trạng thái bình yên mà một vị Thánh Nhập Lưu thành tựu. Hạnh phúc của vị chuyển luân vương sẽ chỉ kéo dài trong suốt cuộc đời của vị ấy. Nếu vị ấy cai trị thế gian bằng vương pháp, vị ấy có thể được tái sanh thiên giới sau khi chết; nhưng không ai có thể nói chắc được là vị ấy sẽ hướng đến Niết-bàn hay bốn đoạ xứ sau đó. Nhưng một khi hành giả đã trở thành một bậc Nhập Lưu, mọi cánh cửa đi đến bốn cõi khổ sẽ được đóng lại cho vị ấy. Nếu vị ấy sanh lên thiên giới, vị ấy chỉ có bảy kiếp nữa để đi, vì cuối của bảy kiếp này, vị ấy nhất định sẽ hướng đến Đạo Quả A-la-hán và rồi đạt đến trạng thái huỷ diệt hoàn toàn vòng khổ luân sau khi nhập vô dư Niết-bàn. Do đó Đức Phật đã tán dương Công tử Kāla là người có kiếp sống vượt xa kiếp sống của một chuyển luân vương.

 

CŨNG THẮNG XA CHƯ THIÊN VÀ PHẠM THIÊN

 

Một bậc Nhập Lưu cũng cao quý hơn một thiên nhân hay Phạm thiên. Có sáu Cõi Trời dục giới, Tứ Đại Thiên Vương được xem là thấp nhất trong thứ tự sáu cõi đó. Tuy nhiên, ngay cả ở cõi này, chư thiên cũng hưởng được cuộc sống trường thọ. Một ngày trong cõi đó tương đương với 50 năm sống trên quả đất. Thọ mạng của một vị thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương là 500 năm cõi trời tương đương với 9 triệu năm cõi nhân loại. Con người sống 100 năm; như vậy đời sống của một vị thiên tử dài hơn đời sống của con người 90 ngàn lần. Chư thiên không chỉ có tuổi thọ hơn con người mà cả sắc đẹp cũng vậy. Họ hưởng được hạnh phúc nhiều hơn chúng ta. Chư thiên cõi Đao Lợi (Tāvatiṁsa — 忉利天 Đao Lợi Thiên) vượt xa chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương. Thọ mạng của họ dài hơn ba lần thọ mạng của những cư dân cõi thấp. Tính theo năm quả đất thì thọ mạng của họ là 36 triệu năm. Tuổi thọ ở cõi Yāma dài gấp bốn lần tuổi thọ cõi Đao Lợi, và thọ mạng ở cõi đó là144 triệu năm quả đất. Tuổi thọ cõi Đâu Suất (Tusitā) là 576 triệu năm, cõi Hoá Lạc Thiên (Nimmānarati) là 2304 triệu và cõi Tha Hoá Tự Tại (Paranimmitavasavatti) là 9.216 triệu năm. Bất luận tuổi thọ của họ dài thế nào, khi họ chết, họ cũng không thể thoát khỏi bốn cõi khổ nếu họ tình cờ tái sanh trong cõi nhân loại này để thân cận bạn ác và phạm vào những ác nghiệp. Bất chấp những chứng đắc siêu nhiên của họ, do không khuynh hướng về Niết-bàn, họ không thể tránh khỏi việc phải xoay chuyển trong luân hồi; và bị già, bệnh và chết chi phối. Nhưng các bậc Nhập Lưu (Sotāpanna) tránh xa khỏi bốn ác đạo (hay bốn khổ thú — địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la) và họ chỉ còn bảy kiếp tái sanh trước khi đạt đến Niết-bàn tối hậu.

Kiếp sống của các vị Phạm thiên (Brahmā) cao quý và tốt hơn kiếp sống của chư thiên. Họ bất động trước những cám dỗ của ngũ dục. Họ cũng hưởng thụ sự bình yên của thiền. Kiếp sống của họ kéo dài từ một phần ba kiếp cho đến 84 ngàn kiếp quả địa cầu. Nhưng khi vị Phạm thiên chết, họ quay trở lại thế giới của ngũ dục và ở đây nếu do một dịp không may nào đó họ tình cờ phạm vào điều ác, họ cũng sẽ phải đi xuống bốn cõi khổ. Khi họ trở lại cõi dục họ cũng phải chịu khổ luân như già và chết chi phối. Tuy nhiên đối với bậc Thánh Nhập Lưu  không có bốn cõi khổ chờ đợi họ, và họ nhất định hướng đến Niết-bàn sau bảy lần tái sanh.

 

CŨNG THẮNG XA PHẠM THIÊN VƯƠNG

 

Nếu Vua của Phạm Thiên chỉ là một chúng sanh bình thường không khuynh hướng về Pháp, vị ấy không thể thoát khỏi bốn khổ thú và cũng không thoát khỏi khổ luân (dukkha vaṭṭa). Một bậc Thánh Nhập Lưu không có sự sợ hãi đối với chúng vì các vị chỉ còn bảy kiếp tái sanh trước khi nhập Niết-bàn ở đây mọi khổ đau chấm dứt.

Những gì Tôi muốn nhấn mạnh trong câu chuyện của Công tử Kāla này là, trước tiên, cậu phải được dỗ dành để  đi nghe Pháp mặc dù cậu đã có được sự hoàn thiện (Ba-la-mật) đủ để chuẩn bị cho trạng thái nhập lưu, và thứ hai, tham ái là điều đáng nguyền rủa đối với Niết-bàn. Một người bị ám ảnh với tham sẽ không chịu nghe bất cứ lời dạy nào chỉ đường đến Niết-bàn. Ở đây tôi cũng muốn nhắc cho quý vị nhớ rằng khi một bậc thánh Nhập lưu đã ở trong tầm nhìn của Niết-bàn, họ chỉ còn bảy kiếp tái sanh và trong suốt bảy kiếp đó, như một điều tất nhiên, vị ấy sẽ phải chịu những khổ đau. Tuy nhiên cuối cùng vị ấy sẽ là một bậc A-la-hán, bậc diệt tận mọi phiền não.

 

CHÚNG SANH TRONG CÁC CÕI DỤC

KHÔNG THÍCH CUỘC SỐNG CỦA PHẠM THIÊN

 

Các chúng sanh trong cõi dục luôn khát khao những dục lạc xuất phát từ sự phân biệt giới tính. Phạm thiên (Brahma) không có giới tính và vì thế họ không có bất kỳ sự mong muốn nào đối với các dục lạc xuất phát từ quan hệ tình dục. Họ rất hạnh phúc trong trạng thái đó. Tuy nhiên con người dục vọng không thích những Phạm thiên không có tình cảm ấy. Họ xem việc không có những dục lạc là khổ (dukkha). Các vị Phạm thiên sống không ăn uống. Ở đâu không có nhu cầu về ăn uống ở đó ước muốn đối với thực phẩm không thể sanh; và điều này tự nó sẽ là hạnh phúc vì việc không cần phải đi kiếm ăn hàng ngày sẽ loại trừ được rất nhiều điều phiền phức. Nhưng những chúng sanh cõi dục lại yêu thích những khoái lạc về vị giác; vì thế đối với họ không có những khoái lạc này đồng nghĩa với khổ. Ở đâu xúc không có mặt, ở đó không có sự hưởng thụ những cảm giác xúc chạm thích thú. Nhưng tình trạng (vô xúc) này cũng có thể đem lại sự hạnh phúc, vì nó loại trừ tham muốn. Do bản chất tự nhiên này, những người nhập vào trạng thái thiền Sắc Giới sẽ cảm thấy an vui. Nhưng đối với những chúng sanh cõi dục vốn xem sự sống ở những cõi Sắc giới là khổ sẽ không cảm thấy vui như vậy vì họ luôn luôn bị ám ảnh với những khát khao dục lạc.

 

CÁC CHÚNG SANH TRONG CÕI SẮC GIỚI

KHÔNG THÍCH KHÔNG CÓ SẮC HAY THÂN

 

Trong cõi Vô Sắc Giới, các danh pháp như tâm và ý chí vượt trội hơn. Có bốn cõi vô sắc, đó là ākāsānañcāyatana, cõi không vô biên xứ; viññāṇañcāyatana, cõi thức vô biên xứ; akiñcaññāyatana, cõi vô sở hữu xứ; và nevasaññānāsaññāyatana, cõi phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Những ai tự mình hoàn thiện trong các thiền vô sắc (arūpa jhāna) có thể tái sanh vào bất kỳ một trong bốn Cõi Vô Sắc ở đây sắc hoàn toàn vắng mặt. Họ sống trong thế giới của ý niệm không có sự khổ đau về thân xác. Những người có sự khát khao đối với những thú vui nhục dục (kāma), và sắc (rūpa), không thích tái sanh vào các Cõi Vô Sắc Giới này. Nhưng những cư dân của các cõi vô sắc ấy thì lại rất hạnh phúc với tình trạng tâm lý của mình. Tuy nhiên họ ở trong đường cùng. Họ không thể biết được sự xuất hiện của Chư Phật hay về sự giác ngộ của Chư Phật. Do không có thân vật lý, họ thiếu các giác quan và vì thế họ không thể tiếp thu được những lời dạy của các ngài. Không vị Phật nào có thể dạy Pháp (Dhamma) cho họ. Họ sống rất lâu, chẳng hạn, hai mươi, bốn mươi, sáu mươi hoặc tám mươi bốn kiếp; và khi họ chết họ có thể tái sanh lại trong cõi Dục Giới. Ālara và Udaka, những người đầu tiên dạy thiền cho Đức Bồ Tát trước khi ngài hành khổ hạnh, đã mất cơ hội vô giá để thấy ánh sáng của Pháp khi ngài đạt đến sự giác ngộ, bởi vì họ đã tái sanh vào cõi Vô Sắc Giới, vốn được kể trong bát nạn (tám loại hiện hữu xa rời Đạo giải thoát)[9]. Nếu một người tái sanh vào bất kỳ một trong bốn cõi Vô Sắc Giới này như một phàm nhân, họ chắc chắn sẽ lỡ mất Đạo. Nhưng nến họ tái sanh vào đó như một bậc Thánh Nhập lưu, hay Nhất Lai, hay Bất Lai, nhờ hành thiền minh sát, họ có thể đạt đến trạng thái A-la-hán và rồi sau đó nhập Vô Dư Niết-bàn.

 

THAM ÁI KHÔNG HAM THÍCH NIẾT-BÀN

 

Niết-bàn giới vô-dư-y (anupādisesa Niết-bàn), sự diệt hoàn toàn của các uẩn (khandhās), không được ưa thích bởi bất kỳ hình thức tham ái nào — dục ái, Sắc ái và Vô Sắc ái. Phần lớn những người không tin về sự vô ích của các uẩn và hành nghiệp đều không thích Niết-bàn vô-dư-y (anupādisesa), tức Niết-bàn bỏ lại đằng sau mọi sanh y. Hôm trước tôi có nói về Lāḷudāyi, một vị Tỳ-kheo thời Đức Phật càu nhàu về việc: “Trong Niết-bàn không còn các cảm thọ thì có gì là lạc?” Đối với vị ấy khi không còn các cảm thọ thì Niết-bàn có vẻ chỉ là một khối khổ. Những người vô tín ngưỡng, những người đã phát triển một sự chấp thủ vào các uẩn và các hành nghiệp, giễu cợt ý niệm về Niết-bàn xem đó như sự chấm dứt của mọi cái chết, vì nó chắc chắn không còn quay trở lại sự sống sau khi chết.

Tôi đã từng nói rằng tham ái không thế tìm được chỗ cư trú của nó trong Niết-bàn. Vì trong Kinh có nói: Naṭṭhi vānam etasmiṅ adhigati nibbānam, khi Niết-bàn được đạt đến, tham ái sẽ không còn hiện hữu.

 

THÁNH ĐẾ VỀ SỰ DIỆT KHỔ

 

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Diệt Đế được trình bày như sau:

Katamañca bhikkhave dukkhanirodho ariyasaccam? Yo tassāyeva taṇhāya asesavirāganirodho cago paṭinissaggo mutti anālayo. Ayam vuccati bhikkhave dukkhanirodho ariyasaccam.

Và, này các Tỳ-kheo thế nào là thánh đế về sự diệt khổ?Đó là sự tàn tạ và chấm dứt hoàn toàn của chính khát ái ấy, sự từ bỏ, sự đoạn trừ, sự giải thoát, và xả ly khỏi khát ái ấy.

Này các Tỳ-kheo, Ta nói đây là Thánh Đế về Sự Diệt Khổ.  

 

Ở đây tham ái bị tiêu diệt hoàn toàn nhờ bước đi trên Thánh Đạo A-la-hán. Khi tham ái vắng mặt, nghiệp không thể sanh, và do nghiệp không sanh nên không có hữu mới hay không có sự trở thành mới, không có danh (nāma), không có sắc (rūpa), và không có các uẩn (khandhas). 

Vào ngày thứ năm mươi sau khi giác ngộ, Đức Phật đã trầm tư trên bản chất của Niết-bàn và thấy nó vi tế đến nỗi khó có thể hiểu được một cách dễ dàng.

Idampi kho ṭhānam duddasam, yadidam sabbasaṅkhārasamatho sabbūpadpaṭinissaggo taṇhākkhayo vīrāgo nirodho nibbānam.

Quả thật Niết-bàn hiện hữu nơi tất cả hành diệt, nơi tất cả sanh y được từ bỏ, nơi tất cả ước muốn không còn nữa, nơi tất cả dục tham tàn lụi và nơi khối khổ chấm dứt.

 

BỐN SANH Y (UPADHIS)

 

Upadhis là nền móng của sự sống hay căn cứ tạo ra thân (vật lý), là chỗ trú của lạc và khổ hay hạnh phúc và khổ đau. Có bốn sanh y, đó là, dục sanh y (kāmupadhi), uẩn sanh y (khandhupadhi), phiền não sanh y (kilesupadhi) và thắng hành sanh y (abhisaṅkhārūpadhi).

Dục sanh y (kāmupadhi) là năm thứ dục lạc hay ngũ dục. Chúng là những nhân sanh ra khổ, nhưng kẻ phàm phu cho rằng chúng cũng đem lại hạnh phúc hay sự thích thú.

Uẩn sanh y muốn nói tới năm uẩn, vốn đem lại khổ đau cho chúng ta. Tuy nhiên kẻ phàm phu nói rằng chúng cũng là những nguồn hạnh phúc. Đối với họ thấy những cảnh sắc đẹp, nghe những âm thanh dễ chịu, ngửi những mùi thơm, nếm những món ăn ngon, có được sự xúc chạm mềm mại và nghĩ về những điều khả ý tất cả đều là những thú vui. Nhưng đối với các bậc A-la-hán thì những gốc của lạc này là khổ.

Chẳng phải chúng ta kiếm sống cốt là để thoả mãn những đòi hỏi của khoái lạc đó sao? Trong cái công việc lập đi lập lại hàng ngày của chúng ta, đôi khi chúng ta phải liều mạng để giữ lấy gì chúng ta kiếm được. Khi chúng ta dốc hết sức mình để hiện thực hoá những ước muốn của chúng ta, quyền lợi sẽ va chạm khi những cuộc tranh cãi nổ ra thậm chí giữa những bạn bè hoặc anh chị em của chúng ta. Khi ý thức sở hữu tài sản quan trọng hơn hết trong tâm trí chúng ta, những rạn nứt phát triển ngay cả giữa cha mẹ và con cái. Các vụ kiện dân sự về quyền thừa kế tại toà án xảy ra theo cách này. Căn nguyên của những bi kịch trong cuộc sống như vậy có thể bắt nguồn từ sự dính mắc vào ngũ dục.

Tất cả khổ đau đều phát sinh từ Danh-Sắc (nāma-rūpa). Ở đâu các uẩn này không sanh, ở đó khổ diệt. Vì thế các uẩn (khandhas) được nhìn nhận là Uẩn sanh y (khandhupadhi).

Tham, sân, si là những phiền não căn bản. Chúng luôn luôn tạo ra khổ đau trong luân hồi. Chúng hoạt động trong mọi cảnh giới, dù là cảnh giới chư thiên, hay nhân loại, hay cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng thế. Vì chúng tạo thành căn bản cho khổ sanh nên chúng được gọi là Phiền não sanh y (kilesupadhi).

Sự tích luỹ các thiện nghiệp và bất thiện nghiệp được gọi là Thắng hành (abhisaṅkhāra). Nhờ bố thí, giữ giới và tu tập tâm, một người có thể được sanh lên cõi trời, như một vị thiên tử hay Phạm Thiên, lúc đó họ có thể nghĩ kiếp sống của mình là mẫu mực của hạnh phúc. Con người trong thế gian này, khi thọ hưởng quả của những thiện nghiêp, họ cũng nghĩ rằng họ đang thọ hưởng hạnh phúc. Nhưng các vị A-la-hán thấy họ phải chịu khổ, vì số phận của họ do các thắng hành hay sự tích luỹ nghiệp của họ quyết định, nếu những thiện nghiệp của họ ra đi, họ có thể phải đi xuống các cõi khổ. Vị vậy, các hành nghiệp (kamma-formation) được cho là Thắng hành sanh y (abhisaṅkhārupadhi[10]). Trong Niết-bàn cả bốn sanh y (upadhis) này bị tận diệt hoàn toàn.

 

NIRODHA ĐƯỢC GIẢI THÍCH TRONG KINH KEVAṬṬA

 

Trong Pháp Duyên Sanh (Paṭiccasamuppāda) Đức Phật dạy rằng sự diệt của vô minh dẫn đến sự diệt của các hành nghiệp, sự diệt của hành nghiệp dẫn đến sự diệt của thức trong tiến trình dẫn đến tái sanh và hiện hữu mới. Vì vậy, trong các bản chú giải sự diệt (nirodha), hay sự giải thoát được giải thích là đồng nghĩa với Niết-bàn. Nhưng ở đây chỉ cần nói rằng nó là sự diệt hay sự giải thoát khỏi tham ái là đủ. Chúng ta sẽ tham khảo bài Kinh Kevaṭṭa trong Sīlakkhandha Vagga để có những giải thích chi tiết thêm.

Viññāṇam anidassanam, anantam sabbatopabham; ettha āpoca pathavī tejo vāyo na gādhati

Ettha dīghañca  rassañca, aṇum thūlam subhāsubham, etta nāmañca rūpañca, asesam aparujjhati. Viññānassa nirodhena, etthetam uparujjhoti.

 

Ở đây thức là không thể thấy (nó chỉ có thể được biết bởi Thánh Đạo). Ở đây thức là vô biên. Nó chói sáng với sự thanh tịnh. Nó không có các đại chủng như đất, nước, lửa và gió. Nó không dài cũng không ngắn; không lớn cũng không nhỏ; không tịnh cũng không bất tịnh đối với mắt. Trong Niết-bàn tất cả sắc nghiêng về tâm hoàn toàn diệt. Chỗ nào thức diệt, cả danh và sắc (nāmārūpa) đều diệt.

Thực vậy, Niết-bàn không thể thấy được với mắt thường; nó chỉ có thể được thấy với tuệ nhãn (con mắt trí tuệ của Đạo trí). Do đó Niết-bàn không thể đem so sánh (với một cái gì). Nó không có bắt đầu cũng không có chấm dứt, nó không sanh cũng không diệt. Bạn không thể nói rằng chính ở đây Niết-bàn sanh và ở kia Niết-bàn diệt. Không ai có thể khám phá ra sự khởi đầu và chấm dứt của một hiện tượng khi các hành nghiệp diệt hoàn toàn.

Niết-bàn là sự thanh tịnh bản nguyên. Sự ô nhiễm của tâm có thể là do tham ái, giống như tham, sân, si làm ô nhiễm tâm, tâm sở và danh pháp vậy. Trên thực tế, chúng thậm chí còn có thể làm ô nhiễm cả những thiện nghiệp của chúng ta nữa. Nhưng trong Niết-bàn những phiền não như thế không thể sanh. Vì lý do đó chúng ta có thể nói sự thanh tịnh của nó là trong sáng và rõ ràng. Ngôn ngữ bóng bẩy này dẫn đến sự mô tả Niết-bàn như là ánh sáng. Nhưng ánh sáng là kết quả của sự xúc chạm giữa căn và cảnh và biểu thị tính vật chất. Trong Niết-bàn vật chất (sắc) hầu như vắng mặt; vì thế nếu xem nó như ánh sáng trong nghĩa đen là đi ngược lại lời dạy của Đức Phật.

Từ sabbatopabham xuất hiện trong đoạn trích trên từ Kinh Kevaṭṭa có một hàm ý khác, nó nhấn mạnh rằng Niết-bàn là đích đến có thể đạt tới được bằng cách hành thiền (kammaṭṭhāna, Thanh Tịnh Đạo và Vi-diệu Pháp đề cập đến 40 đề mục hành thiền, nhưng trong kinh điển chỉ 38 được trình bày trừ āloka kasina (kasina biến xứ ánh sáng và ākāsa kasina (biến xứ hư không). Theo nghĩa đen, kasina có nghĩa là toàn bộ và toàn diện. Nó là một hình ảnh được người hành thiền khái niệm hoá như ánh sáng mở rộng khắp mọi nơi một cách toàn vẹn không giới hạn. Hay, nói cách khác, nó là một dụng cụ quán trên đó một khái niệm được tưởng tượng ra. Vì thế āloka kasina thường được dịch là “dụng cụ ánh sáng”, và ākāsa kasina là “dụng cụ hư không”. Thực hành bất kỳ một trong những đề mục nghiệp xứ (kammaṭṭhāna[11]) này đều có thể đưa người hành thiền đến sự chứng đắc Niết-bàn. Nếu một người muốn đi ra biển, họ có thể đi đến đó từ bất kỳ nơi nào trên bờ biển. Nếu bạn muốn tắm trong hồ, thì từ bất kỳ điểm nào của bờ hồ bạn cũng có thể đi xuống hồ nước ấy. Tương tự, nếu bạn muốn đạt đến Niết-bàn bạn có thể chọn bất kỳ con đường nào trong số 38 con đường mà phương pháp nghiệp xứ (kamaṭṭhānas) mô tả. Nhưng, tất nhiên, bạn không thể đi đến nơi mong muốn của bạn chỉ bằng phương pháp tu tập thiền chỉ (samatha). Bạn phải thực hành thiền minh sát sau khi có định. Một mình thiền minh sát (vipassanā) có thể dẫn bạn đến an chỉ thiền mà từ đó bạn có thể nguyện đạt đến Niết-bàn tối hậu bằng việc chứng đắc Đạo-Quả tâm.

Có lần một vị tỳ-kheo trẻ đi vào rừng cùng với bạn đồng hành của mình, một sa-di, để tìm vật liệu làm cây chà răng. Trên đường đi vị sa-di thấy một tử thi. Ngay lập tức vị ấy hành thiền trên tử thi và đắc sơ thiền. Sau khi xuất thiền vị ấy quay lại quán sự sanh và diệt của các uẩn cho đến khi đắc được Đạo Quả thứ hai và thứ ba theo tuần tự. Khi vị ấy đang cố gắng đạt đến giai đoạn thứ tư của thiền dẫn đến A-la-hán Thánh Đạo, vị ấy nghe tiếng gọi từ xa của vị sư huynh. Vị ấy liền xả thiền và chỉ cái xác cho sư huynh, vị sư huynh cũng ngay lập tức hành thiền và đạt đến đạo quả Bất Lai (anāgāmi). Có vẻ như rằng cả hai vị sư — tỳ-kheo và sa-di này đã rất quen với phương pháp thiền minh sát và vì thế họ đều trở thành bậc thánh Bất Lai. Điều này cho thấy rằng bất kỳ đề mục nào trong số 38 đề mục tu tập tâm đều có thể dẫn đến Thánh Đạo và Niết-bàn.

 

VỀ THẦN THÔNG

 

Đến đây tôi sẽ nói cho quý vị biết tại sao Đức Phật lại thuyết Kinh Kevaṭṭa.

Một lần nọ thanh niên Kevaṭṭa, đi đến Đức Phật và thỉnh cầu ngài cho phép các vị tỳ-kheo thực hiện thượng nhân pháp (uttarimanussadhammā) và thần thông (pāṭihāriya[12]).

“Kinh thành Nālandā này thịnh vượng,” Kevaṭṭa nói, “và dân chúng có lòng tín kính đối với Đức Thế Tôn. Nhưng lòng tín kính của họ sẽ trở nên sâu sắc hơn nếu Thế Tôn chỉ định một vị tỳ-kheo nào đó thị hiện pháp thượng nhân thần thông mỗi nửa tháng hoặc hàng tháng.”

Mặc dù Kevaṭṭa thỉnh cầu ba lần với niềm tin sâu sắc rằng chính nhờ thị hiện phép thần thông mà các thiện tín này sẽ tăng thêm niềm tin nơi Đức Phật, nhưng Đức Thế Tôn từ chối; trong khi Đức Phật thấy trước những phản ứng xuất phát từ việc thực hiện thần thông của các vị tỳ-kheo.

 

THẦN THÔNG

 

Những phép lạ do iddhividha abhiññā (biến hoá thông) tạo ra có thể làm hiện lên nhiều hình thù và hình dạng khác nhau. Trong Kinh Điển điều này được diễn đạt như sau “từ một (thân), vị ấy biến thành nhiều (thân).” Người sở hữu thắng trí này có thể biến hình ảnh của chính mình ra một trăm hay một ngàn lần. Vị ấy có thể bay ngang qua hư không, đi trên nước, độn thổ, đưa những vật ở xa lại gần và những vật ở gần ra xa.

Khi Đức Phật chế ngự Aṅgulimāla ngài đã biến một mảnh đất nhỏ thành một vùng rộng lớn, và một tảng đá nhỏ thành một quả đồi. Điều này làm cho kẻ sát nhân (Aṅgulimāla) kiệt sức khi đuổi theo Đức Phật để giết, vì ông ta phải chạy một quãng đường rất xa trong khi Đức Thế Tôn chỉ đi từ từ. “Này Sa-môn!” cuối cùng ông ta hét lên, “Hãy dừng lại khi Ta dừng lại!” Và ông ta đã dừng chạy. “Này Aṅgulimāla!” Đức Phật đáp, “Ta đã dừng lại trong khi ngươi vẫn còn đang chạy đó thôi.”

Aṅgulimāla rất bối rối khi nghe Đức Phật nói rằng chính ông mới là người đang chạy trong khi vị đại sa-môn đã dừng, mà trong thực tế thì ngược lại. Vì thế ông muốn tìm lời giải thích từ Đức Phật. Đức Phật nói “Này Aṅgulimāla! Ta đã dừng cuộc hành trình qua luân hồi vì Ta đã loại bỏ hoàn toàn mọi phiền não. Còn ngươi vẫn ôm ấp những phiền não khi đi loanh quanh trong vũng xoáy của luân hồi (samsāra).” Ngay lập tức Aṅgulimāla thấy được ánh sáng của trí tuệ và thỉnh cầu Đức Phật cho phép gia nhập Tăng Đoàn. “Hãy đến đây, tỳ-kheo!” Đức Phật nói và kẻ sát nhân trước đây trở thành một vị tỳ-kheo. Trong trường hợp này gần đã được làm thành có vẻ xa nhờ thực hiện biến hoá thần thông.

Tôn-giả Moggalāna (Mục-kiền-liên) sau khi chuyển hoá Kosiya, một kẻ keo kiệt, đã đưa ông cùng với vợ từ làng Sakkara đến Chùa Kỳ-Viên ở Rājagaha (Vương Xá) bằng năng lực thần thông. Ngài đã thực hiện thần thông đưa cổng chùa Kỳ-Viên đến tận bậc cửa dinh thự của phú ông Kosiya. Trong trường hợp này xa được làm cho thành gần.

 

NĂNG LỰC THẦN THÔNG

 

Chắc chắn những phép thần thông như vậy sẽ góp phần vào việc làm tăng thêm lòng mộ đạo của tín đồ; nhưng chúng cũng có thể bị hoài nghi bởi những người không có đức tin, họ có thể nói: “Ở xứ Gandhāra có những pháp sư có thể biến hoá ra những hình dạng và hình ảnh kỳ diệu. Thầy (chỉ Đức Phật) của ông chắc hẳn chỉ tinh thông trong cái loại phép thuật Gandhāran đó mà thôi.” Trong thực đế, Đức Phật thực sự đã hỏi Kevaṭṭa theo cách đó và người này đã thừa nhận rằng điều đó có thể xảy ra. Tất nhiên đây sẽ không phải là lợi ích của Giáo Pháp.

Cũng có một số mặt hạn chế khác liên quan tới việc phô diễn các năng lực thần thông. Nếu các vị sư chấp nhận những món quà cúng dường để đáp lại việc phô diễn thần thông dù với những động cơ chân thành, điều đó cũng sẽ đi ngược lại việc giữ giới thanh tịnh sinh mạng (ājīva sīla). Nếu thần thông được phép thì hàng tín đồ sẽ nghiêng về những vị sư có thể thực hiện thần thông hơn những vị sư bình thường thực hành giới, và trong trường hợp đó giới mà những vị thực hiện thần thông giữ sẽ bị cho là đã phạm. Điều này được xem là bất thiện. Một vị sư có thể đã đạt đến Đạo Quả A-la-hán, nhưng vị ấy có thể không có thần thông. Do sự kiện này đức tin của người cư sĩ và tín đồ có thể bị suy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phồn vinh của Giáo Pháp (sāsanā). Nếu sự tình là vậy vị sư phô diễn thần thông đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm, vị ấy được xem là đã phạm vào bất thiện nghiệp và điều này sẽ không đem lại lợi ích gì cho vị ấy. Khi Trưởng lão Pindola thực hiện thần thông theo đề nghị của Tôn giả Mục-kiền-liên (Mahā Moggallāna) để lấy chiếc bát bằng gỗ trầm, Đức Phật đã cấm phô diễn năng lực thần thông trong Tăng chúng.

 

THA TÂM THÔNG

 

Cetopariya abhiññā là thắng trí (biết) tâm người khác hay còn gọi là tha tâm thông. Biết tâm người khác tự nó là một năng lực thần thông.

Có một câu chuyện kể về việc Đức Phật chuyển hoá các du sĩ ngoại đạo dưới quyền lãnh đạo của Ưu-lâu-tần-loa Ca Diếp (Uruvela Kassapa). Một lần nọ giáo chủ của giáo phái ngoại đạo này mời Đức Phật đến dự một buổi tiệc. Tuy nhiên Đức Phật không đến dự đúng ngày đã định mà chỉ đến vào ngày hôm sau. Được hỏi lý do tại sao, Đức Phật nói, “Có đúng chăng khi nói rằng vào cái ngày tổ chức bữa tiệc ấy một ý nghĩ đã khởi lên trong đầu ông rằng thật tốt lành thay nếu Ta (Như Lai) không đến theo như lời mời, vì nếu Ta đến và phô diễn các pháp thần thông, đức tin của công chúng đối với Ta sẽ tăng lên bội phần hơn đối với ông?” Lúc đó một ý nghĩ khởi lên nơi Kassapa rằng Đức Phật quả thực là người có quyền lực nhất vì ngài có thể đọc được tâm của người khác. Ngay lập tức lòng sùng kính đối với Đức Phật khởi phát trong ông. Chính theo cách này Kassapa đã được Đức Phật chuyển hoá bằng năng lực thần thông gọi là tha tâm thông của mình.

Có lần Đức Phật đang đi khất thực trong làng Uttarakā cùng với Sunakkhatta, một vị sư thuộc bộ tộc Licchāvi. Trên đường đi Sunakkhatta nhìn thấy Korakkhattiya, một du sĩ ngoại đạo đang hành “hạnh-con chó” qua đó ông ta giả cách cư xử như một con chó. Trong tiền kiếp, Sunakkhatta từng đam mê cách hành này cho nên khi nhìn thấy vị ấy đã phát triển một sự ham thích đối với vị đạo sĩ hạnh con chó đó. Đức Phật khiển trách ông ta, ngài nói rằng, “Thật đáng kinh ngạc thay ông lại tự nhận mình là một sa-môn Thích tử!” Sunakkhatta phản ứng trước điều này và hỏi Đức Thế Tôn lý do vì sao lại đưa ra lời nhận xét miệt thị như thế. Một lần nữa Đức Phật khiển trách ông: “Này Sunakkhattha!, ông đang tỏ lòng tôn kính vị cẩu hành giả đó sao. Sự kính trọng của ông đối vị đạo sĩ ăn giống như chó ấy thật không đúng chỗ.” Đây cũng là một ví dụ về việc ứng dụng tha tâm thông khi Đức Phật có cơ hội khiển trách các đệ tử của mình.

Ngoài việc tạo ra sự kinh ngạc, có lẽ cách khiển trách như vậy còn có thể lôi cuốn đức tin của những tín đồ chân chánh; tuy nhiên nó cũng có những bất lợi của nó. “Những người đồng tình có đức tin,” Đức Phật nói, “có thể tán dương loại thần thông này; nhưng những người không có đức tin sẽ nói rằng bậc Đạo Sư chỉ đang áp dụng chú thuật mà những người thông thạo thần chú maṅilā thực hành mà thôi.” Không muốn cung cấp thêm bất kỳ lý do gì cho sự phỉ báng như vậy nên Đức Phật đã cấm Thần Thông (parihāriya) này.

 

GIÁO HOÁ THẦN THÔNG

  

Trong việc truyền bá giáo pháp, Đức Phật dựa vào giáo hoá thần thông (anusāsani parihāriya) hơn là các sức mạnh siêu nhiên khác. Những lời chỉ giáo của ngài cho các đệ tử luôn luôn liên hệ đến chánh tư duy. Sự khuyên bảo của ngài chủ yếu liên quan đến việc ghi nhận và quan sát các hiện tượng. Những lời dạy của ngài chỉ khích lệ người ta làm điều thiện và lánh xa điều ác. Có thể nói phương pháp giáo dục của ngài là hoàn hảo. Bất cứ người nào thực hành theo những gì ngài dậy đều có thể trở nên thành thạo trong việc thiết lập giới, niệm và tuệ cho đến khi chứng đắc Đạo Quả. Trong nghệ thuật thuyết phục, thần thông (iddhi) có thể có hiệu lực mạnh mẽ nhất, nhưng nó không thể làm cho những phiền não huỷ diệt mà đây lại là điều quan trọng nhất trong giáo pháp của ngài. Đức Phật đã thuật lại trường hợp sau của một vị tỳ-kheo đang đi tìm con đường dẫn đến sự diệt của bốn đại.

 

SỰ DIỆT XẢY RA Ở ĐÂU?

 

Một vị tỳ-kheo nọ muốn biết bốn đại — đất, nước, lửa, gió, diệt hoàn toàn không còn dư tàn ở đâu. Do có năng lực thần thông (iddhividha abhiññā) nên vị ấy đã đi lên sáu cõi trời Dục giới để tìm câu trả lời. Tất cả các vị chư thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Catumahārāja), Tam Thập Tam Thiên (Tāvatimsā), Dạ-ma (Yāmā), Đâu-Suất (Tusitā), Hoá Lạc Thiên (Nimmānārati) và Tha Hoá Tự Tại (Paranimmittavassavatī) nói với vị ấy rằng họ không biết gì về nó và chỉ dẫn vị ấy đi đến Đại Phạm Thiên để có được lời giải đáp cho điều bí ẩn về bốn đại này.

Vì thế vị ấy đi đến Đại Phạm Thiên (Mahā Brahma) và hỏi ông về nơi sự diệt của bốn đại xảy ra.

“Ô, này tỳ-kheo!” Vị Đại Phạm thiên nói “Ta là bậc vĩ đại nhất, Ta vượt trên tất cả. Không có ai trên Ta. Ta thấy tất cả (bậc biến nhãn). Mọi thứ có mặt là do ước muốn của Ta. Ta là Chúa Tể của Vũ Trụ. Ta tạo ra Quả Đất và những cư dân của nó. Ta là đấng sáng tạo. Ta là cha của tất cả những chúng sanh đang sanh, đang hiện hữu và tất cả những chúng sanh sẽ sanh trong tương lai.”

Kinh Phạm Võng (Brahmạāla Sutta) luận bàn về thuyết sáng tạo. Theo bài kinh, vào lúc bắt đầu hình thành thế gian, một vị Phạm Thiên xuất hiện trong Cõi Phạm Thiên. Lúc đó vị ấy chỉ có một mình. Vì vị ấy có tuổi thọ lâu dài, nhưng cảm thấy bị bức bách bởi sự cô đơn và vì thế vị ấy tự nghĩ nếu có những bạn đồng hành ở đây sẽ là điều tuyệt vời biết mấy. Lúc bấy giờ một số người trên quả đất này đắc thiền và được tái sanh trong cõi nơi vị Đại Phạm Thiên đang sống. Những vị mới tới này không có thần lực như vị Đại Phạm Thiên. Vì thế vị ấy nghĩ rằng họ có mặt ở đây là do vị ấy muốn họ đến. Khi hết tuổi thọ họ chết, nhưng vị Đại Phạm Thiên vẫn còn sống. Do đó, các vị Phạm Thiên thấp kém này công nhận ông ta như sáng tạo chủ của họ.

Tuy nhiên vị tỳ-kheo không phải đến để hỏi xem vị Đại Phạm Thiên này có thực sự là vị Đại Phạm Thiên tạo ra Vũ Trụ hay không. Vị ấy chỉ muốn biết nơi tận cùng của đất, nước, lửa, gió. Vì thế vị ấy lập lại điều bí ẩn đó; và vị Đại Phạm Thiên vẫn tiếp tục nói rằng ông ta là đấng sáng tạo. Khi người hỏi cứ khăng khăng hỏi, ông ta cuối cùng cũng buộc phải nói cho vị ấy biết sự thật trong sự vắng mặt của các vị phạm thiên khác, vì ông không muốn để cho họ biết về sự ngu dốt của mình, từ đó đánh mất uy tín như đấng toàn tri (all-knowing) và toàn năng (all-powerful).

“Ô này thầy tỳ-kheo!” ông thổ lộ, “Ta không bết tí gì về sự diệt của các đại cả. Thầy đã sai lầm khi đến tìm Ta trong khi Đức Phật mới là người có thể trả lời câu hỏi của thầy. Hãy đến hỏi vị ấy đi!”

Chỉ lúc đó vị tỳ-kheo mới đi đến Đức Phật và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Nơi đâu bốn đại diệt không còn dư tàn?”

Đức Phật ví vị Tỳ-kheo như con chim từ một con tàu bay ra ngoài biển để tìm đất liền. Do không thể đạt đến đất liền, nó quay trở lại con tàu. “Đáng lẽ ông không nên đặt câu hỏi theo cách ông đã đặt,” Đức Phật nói, “câu hỏi của ông gợi ý như thể có một nơi xác định ở bên ngoài thân ở đây sự diệt của các đại xảy ra vậy. Trong thực tế, không có một nơi như vậy. Lẽ ra ông nên hỏi ở đâu đất, nước, lửa, gió mất chân đứng; tức là ở đâu chúng mất đi sự hiện hữu. Cũng vậy, lẽ ra ông nên hỏi ở đâu dài, ngắn, lớn, nhỏ tốt và xấu mất chân đứng. Và, lẽ ra ông cũng nên hỏi ở đâu danh và sắc hoàn toàn diệt không còn dư tàn. Nếu ông hỏi như vậy, ông sẽ có câu trả lời.”

Sau đó Đức Phật nói lên bài kệ (gāthā) bắt đầu với “viññāṇaṃ anidassanaṃ, anantaṃ sabbatopabhaṃ,” đã được giải thích một cách bao quát trước đây. Trong Niết-bàn tứ đại cùng với danh sắc không có chân dứng. Tức là, chúng không hiện hữu.

Bài kệ đầy đủ được giải thích ở trên:

“Viññāṇam anidassanam, anantam sabbatopabham; ettha āpoca pathavī tejo vāyo na gādhati

Ettha dīghañca  rassañca, aṇum thūlam subhāsubham, etta nāmañca rūpañca, asesam aparujjhati. Viññānassa nirodhena, etthetam uparujjhoti.

 

Ở đây thức là không thể thấy (nó chỉ có thể được biết bởi Thánh Đạo). Ở đây thức là vô biên. Nó chói sáng với sự thanh tịnh. Nó không có các đại chủng như đất, nước, lửa và gió. Nó không dài cũng không ngắn; không lớn cũng không nhỏ; không tịnh cũng không bất tịnh đối với mắt. Trong Niết-bàn tất cả sắc nghiêng về tâm hoàn toàn diệt. Chỗ nào thức diệt, cả danh và sắc (nāmārūpa) đều diệt.”

Từ trước đến đây tôi đã giải thích các đức của Niết-bàn bắt đầu với trạng thái giải thoát khỏi thế giới của tham ái (taṅhā) đến trạng thái diệt của các hành (saṅkhāra) mà tôi tin tất cả những gì phải được nói đã được nói.

Khi các bạn lắng nghe một cách chăm chú với sự kính trọng với bài pháp về Niết-bàn này, mong các bạn nhận sẽ được phần thưởng là sự giác ngộ Đạo Quả có thể dẫn dắt các bạn đến Niết-bàn nơi tất cả Hành chấm dứt khi mọi tham ái diệt.

 

PHẦN VI

 

Lễ hội Rằm tháng Thadingyut[13] đã thu hút đông đảo mọi người tụ tập; và vì thế thuyết một thời pháp thích hợp với dịp này sẽ là mục đích của tôi. Đa số người Phật tử Miến Điện chúng ta đều biết về cuộc đời và sự nhập diệt (parinibbāna) của Trưởng-lão ni Mahā Pajāpati Gotamī, hôm nay tôi sẽ nói về bà, vì tiểu sử của bà có thể tiết lộ những điểm đáng chú ý về bản chất của Niết-bàn.

Qua một loạt bài giảng vừa rồi quý vị có thể hiểu rõ niết-bàn là gì rồi. Có thể nói, Niết-bàn biểu thị sự diệt của các phiền não, nghiệp, quả của nghiệp, và các uẩn danh-sắc. Tuy nhiên, một số người có thể ra đi với quan niệm cho rằng, bởi vì sự diệt luôn được nhấn mạnh, nên nó có nghĩa là hư vô. Thực ra Niết-bàn là một thực tại tuyệt đối; và nếu thực tại đó bị phủ nhận thì sẽ không có gì ngoài những phiền não, nghiệp, quả của nghiệp và các uẩn, và con người sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy luân hồi hay vòng sanh tử luân hồi này. Vòng luân hồi thực sự có thể dừng lại hay bị huỷ diệt với việc thực hành Trung Đạo (Majjhimāpaṭipadā) một cách chuyên cần. Các bậc thánh A-la-hán thoát khỏi luân hồi sau khi parinibbāna (nhập vô dư Niết-bàn). Điều đó cho thấy rằng lạc của Niết-bàn thực sự có thể được thiết lập trong kiếp sống này. Người ta thường cho rằng ung thư là chứng bệnh không thể chữa được, vì không có thuốc trị, trong khi những bệnh khác có thuốc chữa. Điều này chỉ ra rằng nhiều phương thuốc có thể hữu hiệu cho một số bệnh mặc dù thực thế là ung thư vẫn không thể chữa được. Do vì những phương thuốc chữa trị như vậy là có thực, nên phương thuốc để chữa trị dứt điểm những đau khổ do phiền não là có thực. Một khi nó đã được chữa khỏi, sự an lạc của Niết-bàn được thiết lập

 

SỰ BÌNH YÊN CỦA NIẾT BÀN LÀ CÓ THỰC

 

Tính xác thực về sự bình yên của Niết-bàn đã được Đức Phật nói rõ trong đoạn Kinh sau:

Atthi bhikkhave ajātaṃ abhūtaṃ akataṃ asaṅkhataṃ: no cetaṃ bhikkhave abhavissa ajātaṃ abhūtaṃ akataṃ asaṅkhataṃ; nayiddha jātassa bhūtassa katassa saṅkhatassa nissaraṇaṃ paññāyetha. Yasma ca kho bhikkhave atthi ajataṃ abhūtaṃ akataṃ asaṅkhataṃ; tasma jatāssa bhūtassa katassa saṅkhatassa nissaraṇaṃ paññāyati.

 Này các Tỳ-kheo có cái Không Sanh, Không Bị Làm Ra, Không Được Tạo Ra và Không Hữu Vi. Nếu không có cái Không Sanh, Không Bị Làm Ra, Không Được Tạo Ra và Không Hữu Vi, thời trong thế giới này sẽ chỉ có danh và sắc được sanh ra, được làm ra, được tạo ra, và hữu vi, trong trường hợp này một người sẽ không thể biết cách làm thế nào để thoát khỏi vòng luân hồi này[14].

 

Ở đây tôi sẽ nói cho các bạn biết về sự chấm dứt của vòng khổ đau mà Trưởng lão Ni Mahā Pajāpati Gotamī đã thành tựu khi đạt đến Niết-bàn Vô Dư Y.

 

MAHĀ PAJĀPATI GOTAMĪ

 

Mẹ của Đức Phật là bà Mahā Māyā Devī (Hoàng Hậu Ma-gia). Em gái bà là Mahā Pajāpati Gotamī, cả hai cùng là con gái của Vua Añjana của xứ Devadaha, gần Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Vua Suddhodana đã cưới  cả hai chị em bà. Các nhà chiêm tinh trong triều đình đã tiên đoán rằng những hoàng nhi mà hai hoàng hậu này sanh ra sẽ trở thành Chuyển-luân vương.

Theo các bậc cổ đức thì tuổi thọ trung bình của con người là một trăm năm. Vì mục đích trình tự thời gian tuổi thọ này được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn còn được chia thành ba phân đoạn thời gian. Đó là lý do vì sao các vị Phật mẫu thường sanh con ở chặng cuối của giai đoạn thứ hai; và dựa trên sự kiện này tôi đã tính ra rằng Hoàng Hậu Ma-gia hạ sanh Thái tử Siddhattha khi bà đã qua tuổi 56. Theo những tiêu chuẩn ngay nay thì điều đó có thể là bất khả, nhưng vào cái thời tuổi thọ lâu dài ấy thì việc xác định tuổi như tôi tính là điều hợp lý.

Bảy ngày sau khi hạ sinh Thái tử, người đã được tiền định sẽ thành Phật, bà chết và được tái sanh lên cõi trời Tusītā (Đâu Suất) như một vị thiên nam. Mahā Pajāpati Gotamī, lúc đó có lẽ khoảng 54 tuổi, kế vị chị cả làm chánh cung hoàng hậu, và không lâu sau bà cũng hạ sanh Thái tử Nanda. Bà nuôi dưỡng cả hai vị hoang tử, nhưng bà cho con nuôi bú sữa của mình còn giao con riêng của mình cho vú nuôi chăm sóc.

Lớn lên đến tuổi 16 Thái tử Siddhatta kết hôn với công chúa Yasodharā (Da-du-đà-la), con gái của Vua Suppabuddha (Thiện Giác) của xứ Devadaha. Sống trong sự xa hoa của hoàng gia, ngài hưởng thụ cuộc sống sung mãn cho đến khi ngài trở nên nhàm chán đối với nó; và ở tuổi 29 ngài từ bỏ thế gian để trở thành một sa-môn. Trong sáu năm hành pháp khổ hạnh mà cuối cùng ngài phải từ bỏ vì nhận ra rằng chúng chẳng giúp ích gì được cho ngài trong việc tầm cầu Chân Lý và Giác Ngộ. Sau đó ngài hành theo trung đạo (majjimapaṭipadā) và đạt đến sự giác ngộ vào ngày rằm tháng tư khi ngài 35 tuổi.

Sau khi chứng thành Phật Quả, ngài đi đến Vườn Nai ở Isipatana; và vào ngày rằm tháng sáu ngài thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta) cho nhóm năm vị đạo sĩ trong đó Kiều Trần Như (Kondañña) trở thành bậc thánh nhập lưu ngay ngày đầu tiên vị ấy nghe Pháp. Bốn vị kia cũng tuần tự đắc như vậy sau một, hai, ba, và bốn ngày. Vào ngày thứ năm Đức Phật thuyết Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana Sutta) khi cả năm vị tỳ-kheo đều trở thành bậc Thánh A-la-hán. Trong suốt mùa hạ thứ nhất 55 vị sư do ngài Yasa dẫn đầu đã đắc đạo quả A-la-hán.

Cuối mùa an cư thứ nhất, Đức Phật đã quy tụ được quanh ngài 60 vị A-la-hán và ngài chỉ thị cho các vị đi khắp xứ sở để truyền bá Giáo Pháp (Dhamma). Bản thân ngài đã tế độ cho một ngàn vị đạo sĩ do Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp lãnh đạo. Tất cả họ đều trở thành bậc thánh A-la-hán và cùng đi với Đức Phật đến Rājagaha. Trong lần cu hội đầu tiên, đức Vua Tần-bà-sa-la và một trăm mười ngàn thần dân của ông đã nồng nhiệt chào đón ngài, dịp này Đức Phật đã thuyết Tứ Thánh Đế. Sau khi chứng ngộ Chân Lý, đức Vua cho xây dựng ngôi tịnh Xá Trúc Lâm (Veluvana) cho Đấng Gíac Ngộ cư trú để thuyết pháp cho dân chúng quanh vùng Rājagaha và Linh Thứu Sơn (Gijjhakūṭa). Khi Đức Vua Suddhonana (Tịnh Phạn Vương) biết được điều này, ông đã gởi mười vị quan đầu triều, mỗi vị cùng đi với 1000 tuỳ tùng, để thuyết phục con ông, lúc này là Đức Phật, trở về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu). Nhưng không một ai trong những sứ giả này từng quay về vì tất cả họ đều xin xuất gia dưới sự che chở của Giáo Pháp. Cuối cùng đức Vua gởi Kāḷudādāyi (Ka-lưu-đà-di) ra lệnh một cách dứt khoát ông phải ngâm vang lời ca ngợi vẻ đẹp của mùa hè bằng sáu mươi vần kệ, vì đó thường là mùa đẹp nhất để du lịch ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào. Tôi có đưa ra dưới đây bản dịch của tôi về hai bài kệ có thể được tụng đọc như một lời kinh cầu.

Cây rừng đã rụng lá

Khoác lên tán lá mới

Màu đỏ rực của lửa

Nhấn chìm cả khu rừng.

Hỡi này Bậc Đại Nhân

Giờ là lúc để người

Quay trở về Cố Hương!

 

Mùa này thật êm dịu.

không quá lạnh quá nóng.

Cỏ xanh phủ cánh đồng

Báo hiệu sự trù phú

Không hề có nạn đói

Hỡi này Bậc Đại Thánh

Giờ là lúc để người

Quay trở về Cố Hương!

 

Như vậy vào đầu tuần trăng khuyết của tháng Ba Đức Phật đã rời Thành Vương Xá (Rājagaha), một quãng đường dài 60 Do-tuần[15] (yojanas), mỗi ngày đi được một do tuần, để đến Thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu). Ngài về đến cố hương vào ngày trăng tròn tháng Năm. Tất cả thân quyến đều đến đón chào Ngài và đưa Ngài về ngôi Tịnh Xá Nigrodhārāma[16].

Những người đàn ông của dòng tộc Sāriyan nổi tiếng về sự ngã mạn của họ, Đức Phật lúc đó mới 36 tuổi, vì thế những quyến thuộc lớn tuổi hơn Ngài đã miễn cưỡng đến đảnh lễ Ngài. Họ thích đứng phía sau và đẩy những người anh em, con, cháu, chắt nhỏ tuổi hơn lên trước đảnh lễ Đức Thế Tôn. Để cho toàn bộ dòng tộc Thích Ca có thể biết đến những ân đức của Đấng Giác Ngộ, Đức Phật đã thực hiện thần thông tạo ra một hành lang khổng lồ và tự hiện thân ra đi kinh hành trên đó trong khi thân trên phun ra nước và thân dưới phun ra lửa. Nhìn thấy điều này, Đức Vua Tịnh Phạn đã cúi đầu đảnh lễ (shikkoed) con mình, và sau đó tất cả mọi người đều làm theo gương ông.

 

 

VUA TỊNH PHẠN VÀ HOÀNG HẬU GOTAMI

TRỞ THÀNH BẬC THÁNH NHẬP LƯU

 

Sáng hôm sau Đức Phật, cùng với 20 ngàn vị tỳ-kheo, đi khất thực quanh kinh thành Kapilavatthu. Công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā) từ cửa sổ cung điện nhìn thấy cảnh này và báo sự việc cho Đức Vua, bà nói rằng việc đi ăn xin như vậy đã hạ thấp phẩm giá của một người con vua. Vua Tịnh Phạn cảm thấy xấu hổ vội vã rời khỏi ngai vàng đi gặp Đức Phật để phản đối. Vua nói “Tại sao con lại đi quanh kinh thành ăn xin làm cho cha phải xấu hổ như vậy? Con nghĩ rằng cha không thể nuôi nổi con và 20 ngàn đệ tử của con sao?” Đức Phật nói với cha rằng đi khất thực là pháp hành của ba đời Chư Phật (Thánh phổ hệ) trong trường hợp không có thí chủ nào thỉnh cầu họ đến nhà trai tăng. Rồi Ngài nói lên bài kệ: —

“Không nên xao lãng những nguyên tắc đã được công bố về hạnh khất thực của sa-môn.

Nên hành hạnh khất thực vì sự tốt đẹp và cao quý của nó; và người thực hành hạnh này không những có thể ngủ ngon trong đời hiện tại mà còn ngủ ngon cả trong đời tương lai nữa.”

Sau khi nghe xong bài kệ này, đức Vua dồn hết tâm trí vào ý nghĩa của lời kệ, thấy được ánh sáng của pháp (dhamma) và trở thành một bậc nhập lưu (sotāpanna).

Các bản chú giải nói rằng chính sự phát triển của hỷ (pīti) khi suy nghĩ đến tính chất cao quý của những ân đức Phật mà người ta có thể có được minh sát trí vào bản chất vô thường của chính hiện tượng hỷ ấy khi nó sanh và diệt. Đối với những người hành thiền ngày nay, thiền cả ngày chưa đủ để  phát triển Định (samādhi). Vì thế có thể họ phải mất một tuần hoặc khoảng đó để có được định và để nhận ra bản chất vô thường của tâm và thân hay danh-sắc. Tuy nhiên, đối với Đức Vua Tịnh Phạn sự chứng ngộ Pháp là quan trọng vì vua đã có đủ Ba-la-mật cho sự chứng ngộ này từ thời quá khứ. Vì thế khi vua hiểu được rằng sa-môn hạnh mà Đức Phật và Tăng Chúng đòi hỏi phải có là không được hỏi xin vật thực bằng lời nói mà chỉ đơn giản đứng trước nhà người thí chủ sẽ dâng nào đó, vua trở nên rất hài lòng với Đức Phật vì hạnh ấy. Điều đó dẫn đến sự phát triển của hỷ nơi đức vua. Vua hành thiền trên trạng thái hỷ đó và chứng ngộ bản chất sanh-diệt của nó. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy minh sát trí phát triển và vua trở thành một bậc nhập lưu.

Đức Vua rước lấy bát từ tay Đức Phật và thỉnh ngài cùng tất cả chư tăng đến cung điện của mình với ý định thực hiện một cuộc đại cúng dường.

Một lần khác trước sự hiện diện của Hoàng Hậu Mahā Pajāpatti Gotamī (Ma-ha Ba-xà- ba-đề Gô-ta-mi) và các quan đại thần, Đức Phật một lần nữa tán dương những đức của Sa-môn hạnh, khi nghe những lời này kế mẫu của Đức Phật cũng trở thành bậc Thánh nhập lưu.

 

EM CÙNG CHA KHÁC MẸ — NANDA

VÀ CON TRAI LA-HẦU-LA

 

Ngày hôm sau Đức Vua tổ chức một buổi lễ phong chức cho Hoàng tử Nanda, con trai của vua với nhiếp chính Mahā Pajāpatti Gotamī, và để đánh dấu dịp này vua đã cúng dường trai tăng đến Đức Phật cùng với các đệ tử của ngài. Khi buổi lễ chấm dứt, Đức Phật đưa bình bát của mình cho Nanda, em cùng cha khác mẹ với ngài, và trở lại tu viện. Nanda bất đắc dĩ phải đi theo Đức Phật, và khi vị hôn thê của ông, công chúa Janapadakalyāni, nhìn thấy Nanda, đã van nài “Hãy sớm quay trở về với em, hỡi Hoàng tử thân yêu!”

Nhưng khi về đến tu viện ông được Đức Phật hỏi xem có muốn trở thành một sa-môn không. Ông miễn cưỡng đồng ý vì lòng kinh sợ và tôn kính bậc Giác Ngộ. Đúng thời ông được nhận vào Tăng Đoàn. Một tuần sau, theo lệnh của mẹ (Công chua Da-du-đà-la) Rāhula (La-hầu-la) con trai ngài cũng đi đến tu viện để hỏi xin quyền thừa kế từ cha. Nhưng Đức Phật lại bảo Tôn-giả Xá-lợi-phất xuất gia cho con, và như vậy Rāhula trở thành một Sa-di. Không lâu sau đó Đức Phật thuyết  một thời pháp về Tiền thân Mahā Dhammapāla cho Đức Vua Tịnh Phạn nghe, và vua ngay lập tức đạt đến Đạo Quả A-na-hàm (anāgāmi).

Rời Kapilavatthu, Đức Phật đến trú ngụ ở ngôi làng Anupiya Nigama trong vương quốc Malla; trong khi ở tại đó, Bhaddiya, Đức Vua dòng Sākiyas, Anuruddha (A-nậu-lâu-đà), Ānandā (A-nan), Bhagu, Kimbila, và Devadattha (Đề-bà-đạt-đa), các vị hoàng tử cùng với người thợ hớt tóc Upāli đã đi đến ngài và thỉnh cầu được xuất gia. Trong mùa hạ đầu tiên ở đó, Bhaddiya trở thành một vị A-la-hán trong khi Anuruddha đắc được thiên nhãn trí (dibbacakkhu ñāṇa), và Ānandā đắc nhập lưu. Đề-bà-đạt-đa cũng đắc được các thắng trí thần thông (iddhividha abhiññā)

 

SỰ NHẬP NIẾT BÀN (PARINIBBĀNA)

CỦA VUA SUDDHODANA, BẬC A-LA-HÁN

 

Đức Phật lại rời Anupiya Nigama đến Rājagaha (Vương Xá) để trải qua mùa an cư thứ hai tại đó. Trong khi Đức Phật đang nhập hạ tại tinh xá Kūṭāgārasāla trong Rừng Mahāvana (Đại Lâm) ở Vesāli, Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) băng hà trong cung điện riêng của ngài ở Kapilavatthu. Trước khi chết vua đã hành thiền trên Pháp (dhamma) và đắc Đạo Quả A-la-hán. Như vậy Đức Vua đã chết cái chết của Vô Dư Niết-Bàn. Đức Phật có trở về tham dự lễ tang của cha ngài.

 

NHẬN NỮ GIỚI VÀO TĂNG ĐOÀN

 

Sau khi Vua Tịnh Phạn nhập Niết-bàn, Hoàng Hậu Mahā Pajāpatti đi đến Đức Phật để xin phép cho nữ giới được nhận vào Tăng Đoàn. Ba lần cầu xin và ba lần bị từ chối. Tuyên bố này được đưa ra dựa trên thẩm quyền của các bản chú giải Trưởng Lão Ni Kệ: Các bản dịch khác thì cho rằng bà đã xin phép cho nữ giới được gia nhập Tăng Đoàn ngay từ mùa hạ đầu tiên ở Kapilavatthu; nhưng luận cứ của các bản chú giải được xem là đáng tin cậy hơn. Câu chuyện diễn ra như sau:

Khi Đức Phật đang trú tại tinh xá Kūṭāgārasāla ở Vesāli, trên đường trở về từ Kapilavatthu nơi ngài tham dự lễ tang của đức Vua Suddhodana, năm trăm hoàng tử của cả hai dòng tộc Sākiya và Koliya[17] đã thỉnh cầu Đức Phật cho phép họ xuất gia; và đúng thời họ được nhận vào Tăng Đoàn. Những người vợ của họ, giờ không còn chồng, trở nên chán đời và đi đến Gotamī để cầu thỉnh Đức Phật cho phép phụ nữ được gia nhập Tăng Đoàn vì tất cả họ đều muốn trở thành các tỳ-kheo Ni. Mahā Pajāpatti và 500 công chúa này đã tự cạo đầu và đắp y vàng đi bộ 51 do tuần (yoyanas) đến Vesalī, một đoạn đường mất hai tháng. Họ đến đó với đôi chân sưng phồng.

Tại cổng tinh xá, Mahā Pajāpatti đã khóc và nghĩ rằng nếu bà và năm trăm công chúa này không được phép xuất gia thì tất cả họ sẽ không biết xoay sở ra sao nơi đất khách chỉ với đầu cạo trọc và tấm y vàng mà thôi.

 

ĀNANDĀ CAN THIỆP

 

Khi Tôn giả Ānandā thấy tình cảnh này, ngài nói với kế mẫu của Đức Phật hãy đứng chờ một lát trong khi ngài đi đến Bậc Giác Ngộ để xin phép. Như thường lệ Đức Phật đã từ chối cho phép. Lúc đó Tôn giả Ānandā bạch hỏi; “Bạch Đức Thế Tôn! Nữ nhân không thể đạt đến Bốn Thánh Đạo và Bốn Thánh Quả nếu họ trú trong Pháp dưới đôi cánh che chở của Giáo Pháp sao?” Đức Phật thừa nhận rằng họ có thể. “Bạch Đức Thế Tôn!” Tôn giả Ānandā lại cầu xin, “Nếu sự tình là vậy, xin Đức Thế Tôn hãy chấp nhận lời thỉnh cầu được xuất gia làm tỳ-kheo ni trong giáo pháp (sāsanā) này của họ đi, Mahā Pajāpatti Gotamī đã hoàn thành một sự phục vụ vĩ đại cho ngài, như một người vú nuôi và như một người mẹ nuôi, bà đã cho ngài bú bằng chính sữa của bà.”

Việc người nữ được xuất gia làm tỳ-kheo ni trong giáo pháp của các vị Phật trước là chuyện bình thường. Nhưng Đức Phật không muốn nhượng bộ ước muốn của người nữ một cách dễ dàng vì ngài thấy trước những lợi ích cho Giáo Pháp của ngài cũng như cho những tín nữ nếu sự cho phép gia nhập Tăng Đoàn được đưa ra khó khăn do giới luật nghiêm ngặt.

 

CHẤP NHẬN CHO PHÉP

 

Sau đó Đức Phật quy định: “Này Ānandā nếu Mahā Pajāpatti tự mình chấp nhận tám trọng pháp (garudhamma) thì hãy xem việc chấp nhận này là sự xuất gia của bà.”

Như vậy bà được xuất gia do chấp nhận Tám Trọng Pháp. Tuy nhiên những người nữ khác sẽ phải xuất gia theo đúng luật, thủ tục đòi hỏi phải tụng tuyên ngôn (kammavācā), hay sự biểu quyết của toàn thể chư tăng trong tu viện.

Từ đây Mahā Pajāpatti được biết đến với pháp danh Gotamī Theri (Trưởng lão ni Gotamī) và không lâu sau đó bà đắc Đạo Quả A-la-hán dưới sự hướng dẫn tu tập của Đức Phật. Khi các bậc A-la-hán đã đoạn trừ mọi phiền não, những nghiệp của họ, ngay cả khi chúng là thiện, cũng được làm cho vô hiệu, không thể tạo ra bất kỳ kết quả nào, như tái sinh chẳng hạn; và những nghiệp mới theo đó cũng ngừng sanh với họ. Liên quan tới sự kiện này, chúng ta thường nói rằng các vị A-la-hán tự mình phủ nhận các thiện nghiệp (kusala kamma) hay những nghiệp xứng đáng với phước đức. Điều này không có nghĩa là sự từ chối các thiện nghiệp; mà nó nhận mạnh đến sự vắng mặt của những quả nghiệp lẽ ra được tích luỹ từ chúng. Các vị A-la-hán vẫn làm các phận sự xứng đáng hàng ngày như kính lễ Đức Phật và Tăng, hành thiền định và thiền minh sát những những thiện nghiệp này không cho quả trên phương diện nghệp báo.

Khi Mahā Pajāpatti trở thành một vị tỳ-kheo ni, có lẽ bà đã ở cái tuổi rất già, 94 tuổi trong khi Đức Phật khoảng 40. Những người theo bà, 500 công chúa, cũng gia nhập Tăng Đoàn và sau đó tất cả đều trở thành các bậc A-la-hán do nghe bài pháp với Trưởng lão Nandaka Thera, một hoàng tử Thích Ca trước đây.

 

GOTAMĪ THERĪ NHẬP NIẾT-BÀN

 

Khi Gotamī Therī hoàn mãn 26 năm sống đời tỳ-kheo ni, bà đã đến tuổi 120, trong khi Đức Phật 66. Lúc đó bà đang cùng với 500 tỳ-kheo ni trú ngụ tại một tịnh xá không xa Kūṭāgārasālā nơi Đức Phật cũng đang tạm thời trú ngụ. Một ngày nọ khi bà đang an trú trong thiền Quả, bà nhận ra rằng đã đến thời để bà xả bỏ thọ hành (āyusaṅkhāra). Các vị đệ tử của bà, những người đệ tử của bà, lúc đó đã sáu mươi hay bảy mươi tuổi rồi, cũng có cùng quan điểm với thầy của mình rằng đã đúng thời để họ ra đi. Vì thế họ tự thân đi đến Đức Phật để thông báo cho ngài biết rằng họ sẽ nhập vô dư Niết-bàn (parinibbāna). Khi nghe tin buồn này, các đệ tử nữ của Gotamī Theri suy sụp và khóc lóc. Vì thế bà đã an ủi họ.

Ruditena alam puttā, hāsakalo’ yamajjavo. Cirappabhuti yam mayham, pattthitam ajja sijjhate Ānanda bherikāloyam, kiṃ vo assūhi puttikā.

Chớ có khóc, này các con! Đây phải được xem là một ngày hoan hỷ cho các các con!

Từ lâu, Này các con, ta đã nguyện Niết-bàn, và hôm này lời nguyện ấy đã được thực hiện. Giờ là lúc để ta đánh lên tiếng trống thoả mãn và hoan hỷ. Khóc lóc không ích gì cho các con cả đâu.

 

Việc người phụ nữ khóc khi một người thân yêu nào đó của họ bị thần chết tước đoạt đi chỉ là chuyện tự nhiên. Nhưng không có gì lạ vì chúng ta đều phải chết. Tuy nhiên điều quan trọng nhất đối với chúng ta là một khi chúng ta lìa bỏ thế gian này sang thế giới bên kia chớ đừng để bị chìm vào bốn cõi khổ. Khi cân nhắc cán cân nghiệp lực, những thiện nghiệp được thấy là đang thiếu, thì cái chết quả thực là một cơ hội cho sầu ưu và tuyệt vọng. Nhưng nó lại cung cấp chúng ta một lý do chính đáng để hoan hỷ khi chúng ta chết với một cái tâm thanh tịnh và vô nhiễm nhờ đã tích tạo được các thiện nghiệp, trong trường hợp đó, chết chỉ là lìa khỏi căn nhà cũ đến một căn nhà mới vậy thôi.

Khoảng một ngàn kiếp (kappas) trước, khi Đức Phật Thượng Liên Hoa (Padummuttara Buddha) đạt đến giác ngộ, Gotamī Therī sanh làm con gái của một vị quan trong triều. Một ngày nọ, khi cô tham dự một buổi lễ có Đức Phật là toạ chủ, cô bị thôi thúc bởi tấm gương của một vị Trưởng lão Ni, người đã chăm sóc và nuôi dưỡng đức Bồ Tát như một người con khi mẹ ngài qua đời, vì bà cũng là một kế mẫu. Đức Phật Padummuttara ban cho bà là tối thắng (etadagga) về niên lạp và thâm niên trong việc phụng sự Giáo Pháp (Sāsanā) trong số những Tỳ-kheo ni đã thấy nhiều ngày (HT Minh Châu dịch là Tối thắng trong số những Tỳ-kheo ni đã lâu ngày của Ta). Gotamī Therī, lúc đó là con gái của một vị quan trong triều như đã nói, suy xét thấy cuộc đời của một người làm mẹ Đức Phật là cao quý nhất. Vì thế cô đã phát nguyện sẽ được sanh trong tương lai như một kế mẫu cho một vị Bồ-tát (Bodhisatta); và ước nguyện của cô đã được thành tựu trong thời Đức Phật Gotama này.

Giờ đây cái chết đã cận kề, Gotamī Therī để lại một lời khuyên cho những người đang khóc, “Này các con!” bà nói, “nếu các con thực lòng thương yêu ta, hãy an trú trong pháp (dhamma) nhờ vậy Giáo Pháp của Đức Phật có thể được trường tồn. Ngài đã cho phép người nữ chúng ta được gia nhập Tăng Đoàn, và ta rất vui vì có được ân huệ này, ta tin các con cũng rất vui nữa. Nếu sự tình là vậy, hãy thực hành pháp trong tâm trạng vui vẻ ấy.”

 

LÒNG TÔN KÍNH CỦA BÀ ĐỐI VỚI ĐỨC PHẬT

 

Sau khi đã an ủi những đệ tử của mình như vậy xong bà đi đến Đức Phật và tỏ lòng tôn kính ngài bằng những lời sau.

“Bạc Đức Thế Tôn!” bà nói, “Con thường được mọi người xem như mẹ của ngài. Nhưng từ quan điểm của Pháp, ngài thực sự là cha của con. Dưới sự hướng dẫn của những lời dạy của ngài Con đã trở thành một bậc Thánh (Ariya). Con nuôi dưỡng ngài bằng sữa của mình. Ngài đã nuôi dưỡng con bằng sữa của pháp. Sữa con làm dịu cơn đói của ngài trong một thời gian. Pháp của ngài đã dập tắt cơn đói của tham ái (taṅhā) vĩnh viễn.”

Nói vậy xong, bà thốt lên những vần kệ sau:

Rañño mātā mahesīti, sulabham nāma mitthī nam. Buddhamātāti yam nāmaṁ, etam parama-dullabham.

Parinibbātu micchāmi vihāyemam kaḷevaram: Anujanhi me vīra, dukkhantakaraka nāyaka.

Cakkankusadha jakiṇṇe pāde; kamalakomale; Pasārehi panāmam te, karissam puttauttame.

 

Đối với một nữ nhân được làm hoàng hậu, mẹ của một vị chuyển luân vương còn dễ thành tựu. Nhưng để được vinh dự làm mẹ của một vị Phật, quả thực, cực kỳ khó.

Ôi Đức Phật! Bậc diệt tận khổ đau! Một con người dũng cảm! Chúa tể thế giới này! Xin ngài hãy cho phép con, xả bỏ thân này, nhập vô dư Niết-bàn!

Ôi Con trai của ta! Hãy chìa đôi chân quý, mềm mại như cánh sen, ấn chứng tướng Bánh Xe, với Móc và Lá Cờ, để ta được đảnh lễ.

 

BA BÀI KỆ CÓ THỂ ĐEM LẠI PHƯỚC BÁU

 

Bà cũng tụng đọc ba bài kệ sau báo trước điềm lành cho những ai đảnh lễ Đức Phật bằng xương bằng thịt.

  1. Nadato parisāyam te, vāditabba pahārino; Ye te dakkhanti vadanam, dhaññā te narapuṅgava.
  2. Dighaṅulī tambanakhe, sube ayatapaṇhike. Ye Pāde paṇamissanti, tepi dhaññā guṇandhara.
  3. Madhurāni pahaṭṭhāni, desagghāni hitāni ca. Ye ke vākyāni sossyanti, tepi dhāññā naruttama.
  1. Hỡi bậc Chúa tể của Nhân Loại! Khi ngài thuyết Pháp cho thính chúng, giọng của ngài vang dội như tiếng trống rền. May mắn và tốt lành thay cho những ai được thấy đôi môi tạo ra những âm thanh này bằng xương bằng thịt.
  2. Hỡi bậc có Đức Hạnh! May mắn và tốt lành thay cho những ai được chắp tay cúi đầu đảnh lễ dưới đôi chân với những ngón chân thon thả, móng đỏ hồng và gót chân dài của ngài.
  3. Hỡi Bậc Cao Quý nhất của Nhân Loại! May mắn và tốt lành thay cho những ai được nghe ngài nói bằng chất giọng ngọt ngào, truyền dẫn niềm hoan hỷ, xua tan những thất vọng của con người và kéo dài sự thành công.

 

Điều Gotamī Therī muốn nhấn mạnh trong những bài kệ trên là mặc dù đây sẽ lần cuối cùng của bà được diện kiến Đức Phật, được đảnh lễ ngài và nghe Pháp của ngài, nhưng đối với những người mà bà sắp bỏ lại phía sau ắt hẳn sẽ có được cơ hội quý báu để tiếp tục sống bên ngài, tôn kính ngài và nghe những lời dậy của ngài. 

Giờ đây khi bạn lắng nghe bài pháp này là bạn đang nghe lại những lời dậy của Đức Phật, vì thế bạn nên hoan hỷ! Có thể những người trong quá khứ được nghe Đức Phật bằng xương bằng thịt thuyết giảng sẽ may mắn hơn thính chúng hiện nay, vì họ có được hai lần phước báu, đó là phước được nghe trực tiếp giọng nói của ngài và phước do gặt hái được những lợi ích của pháp. Tuy nhiên, điều đáng hoan hỷ nhất ở đây là bạn có được cơ hội này để biết và hiểu những gì mà các đệ tử của Đức Phật ngày nay thuyết giảng. Nếu minh sát trí phát triển và Đạo Quả được chứng ngộ, ít nhất người ta cũng có thể là một bậc thánh nhập lưu. Nếu một người trở thành bậc nhất lai (sakadāgāmi), hay một bậc bất lai (anāgāmi), hay một bậc A-la-hán (Arahatta) thì càng tốt hơn nữa. Như vậy những thính chúng hiện nay có thể tự an ủi mình với sự thực rằng họ cũng may mắn và phước báu không kém gì những đệ tử thời Đức Phật.

Bài kệ gợi ý rằng giọng nói của Đức Phật rất dịu ngọt. Kinh điển mô tả giọng nói ấy rất giống tiếng hót của chim Ca-lăng-tần-già[18] (kalawiṅka 歌羅頻伽). Liên quan tới điều này, có câu chuyện về Hoàng Hậu Asadhimittā, vợ của Vua Sīridhammāsoka, người khi nghe giọng hót của chim này liền nhớ lại giọng nói của Đức Phật với niềm hoan hỷ, bà định tâm hành thiền và kết quả bà trở thành một bậc nhập lưu.

Bài kệ cũng nói rằng giọng nói của Đức Phật làm cho người nghe cảm thấy khoan khoái, vui vẻ. Có lần một người nông dân kia vô cùng đau khổ vì cánh đồng lúa mì của anh ta bị ngập lụt. Đức Phật vì lòng bi mẫn đã đi đến anh ta và thuyết bài Kinh Kāma, khiến cho không những tâm người nông dân hoan hỷ mà cả vợ anh ta cũng thế, cuối cùng cả hai đạt đến Đạo Quả Nhập Lưu.

Cái chết của Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) đã hành hạ Vua A-xà-thế (Ajātasattu), kẻ giết cha. Đức Phật đã thuyết cho Vua nghe Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala) một bài kinh nói về phước báu của người xuất gia. Đức Vua lấy lại được sự bình yên tâm hồn. Và nếu như không bị bất thiện nghiệp giết cha bắt kịp Vua có thể trở thành một bậc Nhập Lưu sau khi nghe xong bài kinh.

Cuối cùng, bài kệ còn chỉ ra rằng những lời dạy của Đức Phật  có thể xua tan những thất bại của con người giống như nóng nảy, sân hận, v.v… Lắng nghe Đức Phật một người có thể loại trừ những bất thiện nghiệp khi họ nhận ra những sai lầm của mình và tự sửa đổi bản thân. Chánh niệm vào lời dạy của Đức Phật sẽ dẫn một người đến chỗ thực hành thiền minh sát để huỷ diệt mọi ác nghiệp hay bất thiện nghiệp (akusala kammas). Tambadāṭhika là một đao phủ đã từng chặt đầu không biết bao nhiêu tội nhân. Nhưng khi nghe bài pháp của Tôn giả Xá-lợi-phất, tâm ông khuynh hướng về thiền minh sát; và khi chết ông được sanh làm một vị thiên tử trong cõi trời Đâu-suất (Tusitā). Aṅgulimāla còn tệ hơn Tambadāṭhika, vì ông đã giết rất nhiều người. Nhưng khi nghe lời dạy của Đức Phật, ông trở thành một vị tỳ-kheo và sau đó đắc Đạo Quả A-la-hán.                                                                                                                           

Những lời dạy của Đức Phật có lợi cho sự thịnh vượng của cuộc sống. Nếu một người thực hành dhamma (pháp), họ có thể thành tựu phước báu không chỉ trong đời sau mà còn ngay trong kiếp hiện tại. Nếu việc thực hành thường nhật được hỗ trợ bởi thiền minh sát, nó có thể dẫn một người đến Đạo Quả.

 

TÔN KÍNH TĂNG

 

Gotamī therī đi đến Tăng Đoàn trong đó có cả cháu nội Rāhulā (La-hầu-la), con trai Nanda (Nan-đá) và cháu trai Ānandā (A-nan-đa), và thốt lên hai bài kệ sau để tỏ lòng tôn kính đối với họ.

Āsī sivālayasa me, rogāvāse kaḷevare;

Nibbindā dukkhasaṅghāṭe, jarāmaraṇa gocare.

Nāmākali malākiṇṇe, parāyatte nirīhake;

Tena nibbātu micchāmi, anu maññatha puttakā.

 

Hỡi con trai và cháu nội của ta! Ta đã quá mệt mỏi với cái thân xác giống như nơi lũ rắn độc thường lui tới này, nơi chứa chấp đủ loại bệnh tật, căn nhà của khổ, nơi trú ẩn của già chết, ổ rác rưởi, phẩn uế, luôn luôn phải phụ thuộc vào người khác, không tự lực được. Thật vui sướng nếu Ta chấm dứt được cái khổ này. Hãy cho phép ta hoàn thành ước nguyện của mình.

 

Thân này do bốn đại — đất, nước, lửa và gió tạo thành. Địa đại (pathavī) biểu thị sự cứng và mềm của vật chất và được đại diện trong thân bằng hai mươi loại vật chất khác nhau gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, màng nhầy, bao tử, phổi, ruột non, ruột già, óc,… Thuỷ đại (āpo) cũng được đại diện bằng mười hai chất thuộc sinh lý như mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước tiểu, v.v… Hoả đại (tejo) được biểu thị bằng bốn loại sức nóng; trong khi phong đại (vāyo) bao gồm sáu loại gió kể cả gió liên quan đến hơi thở. Đối với tất cả hữu tình chúng sinh những đại này là nguồn gốc của khổ, vì khi chúng hoạt động không bình thường bịnh và chết sẽ là kết quả. Vì thế chúng cũng giống như bốn con rắn độc.

Thân này còn là nơi chứa đựng đủ mọi loại tật bệnh không cần phải giải thích tỉ mỉ ở đây. Gotamī therī đã bày tỏ ước muốn rời khỏi cái lãnh địa của già, bịnh và chết này.

Ba mươi hai bộ phận của thân chúng ta (kotthāso, 部份 bộ phận)  luôn luôn phải chịu tật bịnh mà mọi người ghê tởm như thể chúng là rác rưởi. Nhưng chúng ta cần phải quan tâm đến những bất tịnh của tâm hơn là thân thân vật lý này. Những bất thiện nghiệp sẽ sanh ra những quả bất thiện. Các bậc A-la-hán không phải lo lắng về chúng. Nhưng vì các tâm hành là chung cho tất cả chúng ta nên chúng ta phải quan tâm đến sự bột phát của những phiền não làm ô nhiễm chúng ta giống như rác rưởi, phẩn uế vậy.

Chúng ta thường nói: “Thân này là của tôi.” Nhưng nó có thực sự là của chúng ta không? Theo các bậc cổ đức xưa, thân này thực sự là nơi sinh sống cho tám mươi loại ký sinh trùng (hay những kẻ ăn bám). Thực sự, cái chúng ta gọi là thân của chúng ta chính là nhà của chúng. Các con côn trùng như ruồi, muỗi và rệp săn mồi trên tâm thân này. Vì thế chúng ta có thể nói rằng nó luôn luôn phụ thuộc vào người khác.

Thân người này không thể tự duy trì sức khoẻ và hạnh phúc cho chính nó. Điều này có thể được thấy rõ nhất khi nó bị đau đớn với bịnh. Nó không thể tự chữa trị cho nó, và vì thế bạn, người tuyên bố là chủ nhân của nó, phải gọi bác sĩ. Nó không thể tự chống đỡ bằng những nỗ lực của chính nó. Hạnh phúc của nó luôn luôn phải dựa vào những yếu tố bên ngoài.

 

GOTAMĪ THERĪ AN ỦI ĀNANDĀ

 

Vào lúc Gotamī therī chào từ biệt Tăng Chúng, Nanda và Rahula đã là những bậc thánh A-la-hán vì thế họ thản nhiên trước cái chết hay trước sự Bát Niết-bàn (parinibbāna) sắp xảy ra của mẹ và bà nội họ. Nhưng Ānanda lúc đó chỉ là một bậc hữu học (sekha), một vị đệ tử vẫn đang phải học tập để bước vào Thánh Đạo. Vì thế ngài suy sụp và khóc than.

Hā santin Gotamī yāti, nūma Buddhepi nibbutim: Gacchati nacire neva, aggiriva nirindha no.

Than ôi! Trưởng lão ni Gotamī sắp nhập Niết-bàn, nơi bình yên tối thượng ngự trị. Chẳng bao lâu Đức Phật cũng sẽ không còn nữa, giống như ngọn lửa tắt khi bấc đã tàn lụi vậy.

Nghe Ānanda đang than vãn số phận, Gotamī Therī an ủi ngài bằng những lời sau:

Suta sāgara gambhīra, Buddhopaṭṭhāna tappara;

Na yuttam socitum putta, hāsakā le upaṭṭhite;

tayā me saraṇam putta, nibbānam tamupāgatam.

Tayā tāta samijjhiṭṭho, pabbajjam anujāni no;

Mā putta vimano hohi, saphalo te parissamo.

Yam na diṭṭham purā ṇehi, titthikā cariyehipi:

Tam padam sukumārīhi, sattavassāhi veditam.

Hỡi A-nan-đa, bậc có kiến thức sâu rộng như đại dương, và người đã tự đặt mình vào công việc chăm sóc cho Đức Phật (thị giả của Đức Phật)! Xin chớ buồn nhân cái dịp vui mừng này. Ta nương tựa Niết-bàn như ngài đã nương tựa, với tất cả sự trợ giúp của ngài, mà ta được phép nương tựa nó.

Hỡi Ānanda, con trai ta! Theo lời thình cầu của ngài, vì lợi ích của chúng con, Đức Phật đã cho phép những người nữ chúng con được xuất gia làm Tỳ-kheo Ni. Ngài không cần phải đau khổ, vì những nỗ lực to lớn của ngài sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Hỡi Ānanda! Trước đây không có ngoại đạo (titthis) nào có thể khám phá ra Niết-bàn bất chấp những pháp hành tôn giáo của họ. Ngày nay thậm chí một bé gái bẩy tuổi cũng có thể liễu tri (veditabba) Niết-bàn.

 

Bằng cách này Gotamī Therī đã tỏ lòng kính trọng đối với Tôn giả Ānanda vì sự góp phẩn của ngài trong việc giành được sự cho phép của Đức Phật để người nữ gia nhập Tăng Đoàn. Là những cư sĩ nữ, Gotamī Therī và những người theo bà khó có thể trở thành các bậc A-la-hán. Nhưng nhờ Ānanda giờ đây họ đã là các bậc A-la-hán, và hơn thế nữa, nhiều vị Tỳ-kheo ni đã có được cơ hội thực hành Pháp và chứng đắc Đạo Quả ngay cả sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Ngoài giáo pháp này, trước khi Đức Phật giác ngộ, đã có những đạo sĩ như Sarabhaṅga, Āḷāra và Udaka dù sở hữu các năng lực thần thông nhưng họ không hề biết Niết-bàn. Khi người nữ được nhận vào Tăng Đoàn, ngay cả bé gái bảy tuổi cũng có thể quen thuộc với Niết-bàn. Do đó, Tôn giả Ānanda đã thực hiện được một sự thành tựu lớn lao trong kiếp này và ngài chắc chắn sẽ được an vui.

 

NHỮNG PHÉP LẠ CỦA GOTAMĪ THERĪ

 

Khi thời gian nhập vô dư Niết-bàn đã đến, Đức Phật yêu cầu Gotamī Therī thực hiện các thần thông của bà.

Thīnam dhammābhisamaye, ye bālā vimatim gatā; tesam diṭṭhipahā natham; iddhim dassehi Gotāmī.

Này Gotamī! Kẻ ngu thường hoài nghi về khả năng của người nữ trong việc thấy được ánh sáng của Pháp. Để xua tan hoài nghi này, bà hãy thực hiện những năng lực thần thông của mình đi.

 

Những kẻ ngoại đạo đang trong thời kỳ hưng thịnh vào thời Đức Phật bất chấp những lời dậy của ngài. Họ từ chối chấp nhận sự thật rằng người nữ hành thiền có thể đắc được Đạo Quả hay có thể đắc thiền và các năng lực thần thông. Vì sự giác ngộ của họ Đức Phật đã yêu cầu Gotamī Therī thực hiện pāṭihāriya[19] hay các pháp thần biến thông. Trước đây Đức Phật thường cấm điều đó để đẩy lùi những sự chỉ trích thù địch của kẻ ác nói rằng các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni của Đức Phật chỉ đắm chìm trong phép thuật mà thôi. Nhưng hôm nay Gotamī Therī đang đảnh lễ Đức Phật lần cuối những lời chỉ trích như vậy sẽ được xem là vô hại do sự nhập diêt của bà.

Sau đó Gotamī Therī thực hiện các phép lạ thần thông. Từ một (thân), bà hiện ra nhiều (thân). Từ nhiều thân, bà hiện ra chỉ một (thân). Tức là bà tạo ra nhiều hoá thân giống như bà và rồi giảm con số những hoá thân đó thành một. Bà bay lên hư không và độn thổ (chui vào đất). Bà biến mình thành nhiều hình dạng khác nhau, đặc biệt giả dạng sự xuất hiện của một vị chuyển luân vương với một đoàn tuỳ tùng đi theo. Sự phô bày những năng lực thần thông này của bà làm tăng thêm đức tin cho những người có lòng tin và chiếm được cảm tình của những người không có đức tin. Đây là một lời tuyên bố thông thường. Có thể thái độ võ đoán này cũng phát huy được hiệu quả khi người ta từ chối tin ngay cả khi bạn cho thấy rằng bạn có thể bay được.

 

LỜI THỈNH CẦU CUỐI CÙNG

 

Sau khi đã thực hiện các thần thông theo lệnh của Đức Phật, Gotamī Therī nói lên lời thỉnh cầu cuối cùng.

Sā visa vassa satikā, jatiyā ham mahāmune;

Ala mettāvatā vīra, nibbāyissāmi nāyaka.

 

Hỡi Bậc Đại Thánh Nhân!

Con đã đến tuổi một trăm hai mươi;

Những phép thần thông này là vừa đủ.

Hãy cho phép con nhập Niết-bàn

Nơi chấm dứt mọi khổ đau.

 

Đức Phật đồng ý bằng cách giữ im lặng. Rồi Gotamī Therī và năm trăm đệ tử của bà trở về tu viện, Đức Phật đi theo họ trong cuộc hành trình cuối cùng. Tại cổng tu viện tất cả mọi người đảnh lễ Đức Phật lần cuối.

 

NHẬP VÔ DƯ NIẾT-BÀN

 

Tất cả các vị Tỳ-kheo ni do Gotamī Therī dẫn đầu đã lui về chỗ ở của họ và ngồi quỳ theo phong cách của Yogis (hành giả). Những nữ đệ tử vây quanh họ ai cũng khóc than. Kéo một người trong họ đến bên cạnh và vỗ nhẹ trên đầu cô một cách trìu mến, vị trưởng lão ni cao hạ nhất nói lời khuyên nhủ như sau:

Alam puttā visādena, mārapāsānuvattinā;

Aniccam saṅkhatam sabbam, viyogantam calācalam.

 

Này con gái! Khóc than có ích gì cho các con. Các con chớ nên tự đầu hàng trước những mệnh lệnh của Ma Vương, Phiền Não như vậy. Tất cả pháp hữu vi (các hành danh-sắc) đều vô thường; Cuối cùng chúng ta phải chia tay chúng. Không có gì là vĩnh cửu cả.

 

Rồi, sau khi đã đưa người tín nữ trở lại chỗ của cô, Gotamī therī liền nhập thiền. Bà tuần tự đạt đến sơ thiền, rồi nhị thiền, rồi tam thiền, và rồi tứ thiền. Sau đó bà quay trở lại sơ thiền theo chiều ngược. Rồi bà lập lại tiến trình từ sơ thiền và khi đạt đến tứ thiền, tất cả các uần của bà diệt giống như một ngọn đèn tắt khi cả dầu và bấc đã cạn hết hoàn toàn. Sau đó năm trăm vị tỳ-kheo ni đệ tử cũng nhập Niết-bàn theo cách tương tự.

Những gì còn lại của Gotamī therī được đem đi hoả thiêu. Tôn giả Ānandā gôm tro cốt của bà cho vào trong một cái bình và trao lại cho Đức Phật, ngài cầm nó trong đôi tay và tỏ lòng kính trọng với kế mẫu và nói, “Cái chết của bà giống như một cành cây lớn từ cây đại thụ gẫy đổ. Bà đã vượt qua đại dương Luân Hồi (Samsāra). Vì tất cả phiền não đã chấm dứt nên mọi khổ đau cũng huỷ diệt. Khi còn sống bà là một người phụ nữ có thượng trí ngoài việc là bậc cao hạ nhất trong số các tỳ-kheo ni, bà còn sở hữu ngũ thông, vô cùng thành thạo trong Lậu Tận Trí (āsavakkhaya ñāṇa), và là một tỳ-kheo ni hoàn hảo.”

 

TÁN DƯƠNG NIẾT-BÀN

 

Sau đó Đức Phật nói lên hai bài kệ sau:

Ayoghana hatasseva, jalato jātavedassa;

Anupubbhūpasantassa, yathā na ñāyate gati.

Evam sammā vimuttānam, kāmabandhogha tārinam;

Paññāpetum gati natthi, pattānam acalam sukham.

 

Giống như khi người thợ rèn đập chiếc búa tạ trên đe, những tia lửa toé ra chỉ một thoáng rồi tắt. Không cách nào biết được những tia lửa ấy đi về đâu như thế nào, cũng vậy không cách nào biết được vận mệnh (của các bậc A-la-hán) về đâu khi những bộc lưu của ái dục đã được vượt qua và sự bình yên tĩnh lặng đã được thiết lập.

 

Khi người thợ rèn đập chiếc búa tạ trên cái đe, những tia lửa toé ra chỉ một thoáng rồi tắt. Không cách nào biết được chúng đi về đâu. Các bậc A-la-hán đã vượt qua con sóng thuỷ triều đang ùa tới của trận lụt phiền não như dục bộc lưu, kiến bộc lưu, hữu bộc lưu và vô minh bộc lưu. Khi không còn tham ái, thì nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng không thể làm phát sanh các hành danh-sắc được. Với thiền minh sát tâm tử, thuộc parinibbāna (vô dư Niết-bàn), vất bỏ danh-sắc vốn ngừng trôi chảy với sự chứng đắc Niết-bàn. Tất cả những hành nghiệp đều dừng lại. Vì thế không cách nào biết được bậc A-la-hán đi về đâu trong 31 cõi này. Trong ví dụ này những tia lửa thì vô thường và không thực vì thế chúng là phi-hữu. Tương tự nāma (danh) và rūpa (sắc), vốn tạo thành căn bản của cuộc sống trước khi vô dư Niết-bàn, là vô thường, không thực và phi-hữu.

Những người chấp vào ý niệm về tự ngã (atta) có thể đưa ra một nhận định cho rằng ngã tánh của các bậc A-la-hán đã đi vào hư vô. Nhưng đầu tiên và trước hết phải nhớ rằng không có ngã tánh. Cái chúng ta thường gọi là một cá nhân chỉ là một sự đại diện của hiện tượng sanh-diệt của các uẩn. Dựa vào hiện tượng này, chấp thủ (upādāna) sanh; nhưng nó chỉ là một khối khổ. Khi giới, định và thiền minh sát được thực hành một cách đúng đắn, loại mệt mỏi (do phải mang gánh năngh ngũ uẩn) giống như Gotamī therī nói sẽ được phát triển. Lúc đó sợi dây chấp thủ danh-sắc sẽ bị cắt đứt hoàn toàn. Vì thế sau tâm tử của vị A-la-hán, mọi nền móng của hiện hữu đều bị huỷ diệt. Điều này không có nghĩa là hư vô, mà nó muốn nói tới thực tại của sự chấm dứt hoàn toàn vòng khổ luân.

Khi không có sanh hữu mới sanh khởi trên sự diệt khổ thời già, bệnh, chết và các loại khổ đau khác đi kèm với nó biến mất hoàn toàn.

Người ta có thể hỏi là nếu chúng ta đi lên cõi trời nơi đây không có già, bệnh, chết điều đó sẽ chẳng phải tốt hơn nhiều sao? Nhưng đây chỉ là chủ nghĩa lý tưởng ở mức độ cao nhất của nó mà thôi. Loại thiên đàng này chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng. Phàm cái gì đã sanh cái đó phải diệt. Cõi chư thiên và Phạm thiên quả thực là những thiên đàng. Nhưng ở đó bạn sẽ thấy danh-sắc luôn luôn trong tình trạng thay đổi, lúc sanh, lúc diệt liên tục. Do đó khi thời hạn hiện hữu (hết tuổi thọ) của họ kết thúc, họ cũng chết!

Như vậy chỉ với sự diệt của nāma (danh) và rūpa (sắc) vốn cho chúng ta thấy sự thực của khổ (Khổ Đế) hạnh phúc chân thực mới có thể được tìm thấy. Nhờ Đạo và Quả, tham ái vốn tiết lộ cho chúng ta sự thực về nhân sanh khổ (Tập Đế) mới có thể bị huỷ diệt. Chỉ lúc đó các uẩn (khandhas) mới ngừng sanh sau tâm tử liên hệ tới Niết-bàn. Khi tất cả chúng diệt thì vô dư y Niết-bàn (anupādisesa nibbāna) kể như thành tựu.

 

LỜI KHUYẾN GIÁO CỦA ĐỨC PHẬT

 

Kinh Apādāna Pāḷi, ở đây một giải trình về Gotamī Therī được đưa ra, trong đó có lời khuyến giáo của Đức Phật cho hàng đệ tử (uyyojana gāthā):

Atta dīpā tato hotha, satipaṭṭhāna gocarā;

Bhāvetvā satta bojjhaṅge, dukkhassantam karissatha.

 

Hãy là hòn đảo cho chính mình, và an trú trong lĩnh vực của bốn niệm xứ (hay các đối tượng của niệm).

Sau khi đã tu tập các pháp giác chi (bojhaṅga— bảy pháp cần thiết cho sự chứng đắc thượng trí), các người sẽ thành tựu Đạo Quả nơi mọi khổ đau chấm dứt.

 

Bốn lĩnh vực quán niệm là kāyānupassanā (quán thân), vedanānupassanā (quán thọ), cittānupassanā (quán tâm) và dhammānupassanā (quán pháp). Đức Phật đã khuyên các đệ tử của ngài thực hành quán niệm như đã mô tả trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta) và an lập mình trong lĩnh vực của sự quán niệm ấy. Đây chính là việc xây dựng một một hòn đảo cho họ để sống trên đó. Nếu bốn cách quán niệm này được thực hành họ có thể mong đợi thành tựu bảy pháp giác chi dẫn đến thượng trí lót đường cho Niết-bàn.

Kết luận, tôi xin cầu nguyện cho mọi người trong thính chúng đã lắng nghe bài pháp này với lòng tôn kính và sự chú tâm thích hợp. Cầu mong mọi người sớm đạt đến Niết-bàn nhờ những thiện tâm và thiện nghiệp của quý vị trong việc thực hành quán niệm hợp với những quy tắc của tứ niệm xứ dẫn đến sự thành tựu bảy pháp giác chi và chứng đắc thượng trí.

 

TV Viên Không tháng 4 năm 2024

 

 

Sabba Dānaṃ Dhamma Dānaṃ Jināti

(Pháp Thí Thắng Mọi Thí)

PHƯƠNG DANH CHƯ PHẬT TỬ HÙN PHƯỚC ẤN TỐNG

SÁCH  TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

 

- GĐ cố Tu Nữ Diệu Tâm và Hoàng Ngọc (cháu bà Tu Nữ Diệu Tâm) và các con cháu, GĐ cô Thuỷ (Bình Dương), Sư Cô Như Nguyện Phòng Phát Hành Chùa Bửu Long, Cô Thanh Hạnh

-  Nhóm Kusala Mitta; Phan Binh, Phan Thân, Nguyễn Thị Đấu, Nguyễn Thị Diệu Trang (USA),  Nguyên Giang, GĐ Diệu Phương (HH mẹ bà Hoàng Thị Ngọc), GĐ Cô Giáo Lan;  GĐ Lê Minh (cô giáo Lan); GĐ Trung Thủy Tiên; GĐ Cô Diệu Anh; Cộng Đồng Sống Tỉnh Thức.

- Hà Nội: GĐ Nguyễn Kim Liên, GĐ Hồng Hiển,

- Hải Ngoại: Cô Nguyễn Thị Hồng Ánh (Canada);  GĐ Hoàng Thụy Bạch Liên (Đức), GĐ Hoàng Minh Bá và (GĐ Anh chú Bá); GĐ Hà Diễm (Canada);

- Long An: Gia đình Tâm Hiền,  Gia đình Võ Tấn Phát, Trần Thu Hà ( Đức), Huỳnh thị Kim Phượng, Võ thị Hoàng An(Nhựt), Trần thị Nỉ ((Long an)

 

 

 

 

 

 

HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

65 Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Email: nhaxuatbanhongduc65@gmail.com

ĐT: 024.39260024     Fax: (024) 39260031

 

TÌM HIỂU VỀ NIẾT BÀN

Tỳ-kheo Pháp Thông Dch

 

Chịu trách nhim xuất bản

Giám đốc BÙI VIỆT BẮC

Chịu trách nhiệm nội dung

Tổng biên tập LÝ BÁ TOÀN

Biên tập: PHAN THỊ NGỌC MINH

Sửa bản in: Tỳ-kheo Pháp Thông

Trình bày: Cao Hữu Trung

a: Suma Kim Lan

Đối tác liên kết:

Cao Hữu Trung

68 Nguyễn Trãi, P3, Q5, TpHCM

 

In … cuốn, 14,5cm x 20,5cm ti Xí Nghiệp in Fahasa, 774 Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình, Tp HCM. Số XNĐKXB: …. Số QĐXB của NXB: …

 

 

 

 

[1] Về đoạn này, bản dịch của Hoà Thượng Minh Châu cũng như bản dịch của Sister Upalavanna tương đối dễ hiểu hơn nên chúng tôi dẫn ra đây để độc giả rộng đường tham khảo:

(Ðối tác)

-- Thưa Ni sư, lạc thọ lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, lạc thọ lấy khổ thọ làm tương đương.

-- Thưa Ni sư, khổ thọ lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, khổ thọ lấy lạc thọ làm tương đương.

-- Thưa Ni sư, bất khổ bất lạc thọ lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, minh lấy giải thoát làm tương đương.

-- Thưa Ni sư, giải thoát lấy gì làm tương đương?

-- Hiền giả Visakha, giải thoát lấy Niết-bàn làm tương đương?

-- Thưa Ni sư, Niết-bàn lấy gì làm tương đương?

-- (Trung Bộ Kinh Q.I)

 

  • Noble lady, what is the counterpart of pleasant feelings?
  • Friend Visākha, the counterpart of pleasant feelings are unpleasant feelings.
  • What is the counterpart of unpleasant feelings?
  • Friend Visākha, the counterpart of unpleasant feelings is pleasant feelings.
  • Noble lady, what is the counterpart of neither unpleasant nor pleasant feelings?
  • Friend Visākha, the counterpart of neither unpleasant not pleasant feelings is ignorance.
  •  Noble Lady what is the counterpart of ignorance?
  • Friend, Visākha, the counterpart of ignorance is knowledge..
  • Noble lady, what is the counterpart of knowledge?.
  • Friend, Visākha, the counterpart of knowledge is release.
  • Noble lady what is the counterpart of release?.
  • Friend, Visākha, the counterpart of release is extinction.
  • Noble lady, what is the counterpart of extinction?.

Friend, Visākha, the questions have gone beyond limits. It is not possible to go beyond this limit. Friend, Visākha the holy life is immersed in extinction and extinction is the ultimate aim and end. If you desire approach the Blessed One and ask this question and as he explains it, bear it in mind. (Hiền giả Visākha, câu hỏi đã vượt qua giới hạn. Không thể vượt qua giới hạn này. Đời Phạm hạnh là để nhập vào sự diệt (Niết-bàn). Sự diệt này là mục đích tối hậu, là cứu cánh tối hậu. Nếu muốn hiền giả có thể đi đến Đức Thế Tôn để hỏi câu hỏi này, và Đức Thế Tôn trả lời như thế nào hãy như vậy thọ trì.)

[2] Ba vòng xoay của khổ hay tam luân­ — phiền não luân, nghiệp luân, quả luân

 

[3] Pavatta:已轉起的, 已起(發生), 輪轉, 生死)流轉 (dĩ chuyển khởi, dĩ khởi hay phát sanh, luân chuyển, sanh tử, lưu chuyển.

[4] 無為, 不被為作(造作) vô vi, bất bị vi tác (tạo tác), Niết-bàn là vô vi, không bị làm ra hay tạo ra.

[5] Vāsanā hay tiền kiên tật, là một ấn tượng quá khứ trong tâm ảnh hưởng đến hành vi cư xử. Tiền khiên tật có thể là tốt hoặc xấu: chẳng hạn, cảm thông khi ai đó đang cần với lòng từ mẫn hoặc ngược lại, đáp lại có tính cách phòng thủ bởi vì tình huống gợi lên một ký ức tiêu cực. Nói cách khác tiền kiên tật là khuynh hướng đáp lại những tình huống một cách tự động. Chúng có thể được xem như những mô thức cư xử đã ăn sâu trong tiềm thức. Tiền khiên tật cũng có thể có nghĩa là một mong muốn hay mong đợi cái gì đó hay cũng có thể là kiến thức bắt nguồn từ ký ức.

[6] Āsava hay lậu hoặc gần như đồng nghĩa với phiền não (kilesa). Chúng ngủ ngầm trong tất cả phàm nhân và sẵn sàng sanh khởi lên bề mặt ngay khi cơ hội có mặt.

[7] Muta: sense perceptions through nose, tongue and touch, sự nhận thức qua mũi, lưỡi và thân (xúc), thường dịch là thức tri.

[8] Udāna: n. [BSk. 說經 (Tự Thuyết Kinh), 無問自 (Vô Vấn Tự Thuyết), 感興語 (Cảm Hứng Ngữ) .

 

[9] Tám pháp khó thể nhập (Duppaijjhā dhammā):

Đây là tám phi thời phạm hạnh trú (Akkhaā asamayā brahmacariyavāsāya):

1. Khi trong thế gian có đức Như Lai bậc Ala hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện, và giáo pháp được thuyết giảng đưa đến an tịnh, tịch diệt, giác ngộ do bậc Thiện Thệ khai thị, hạng người này sanh trong địa ngục. (Tathāgato ca loke uppanno hoti araha sammāsambuddho, dhammo ca desiyati opasamiko parinibbāniko sambodhagāmī sugatappavedito. Ayañca puggalo niraya uppanno hoti).

2. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm loài thú. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggalo tiracchānayoni uppanno hoti).

3. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm loài ngạ quỉ. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato pettivisaya uppanno hoti).

4. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm chư thiên thọ mạng dài. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato dīghāyuka devanikāya uppanno hoti).

5. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh vào các xứ biên địa giữa các loài mọi rợ vô trí, những nơi mà không có các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ lui tới. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato paccantimesu janapadesu paccājāto hoti milakkhūsu aviññātāresu yattha natthi gati bhikkhūna bhikkhunīna upasakāna upāsi-kāna).

6. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này tái sanh ở các Trung quốc độ nhưng lại có tà kiến, có quan điểm điên đảo. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti, so ca hoti micchādiṭṭhiko viparītadassano).

7. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này tái sanh ở các Trung quốc độ nhưng thiểu trí, đần độn, câm điếc, không có khả năng hiểu ý nghĩa thiện ngôn, ác ngôn. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti, so ca hoti duppañño jalo eamūgo na paibalo subhāsitadubbhāsitāna attha aññātu).

8. Khi trong thế gian không có đức Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện, và giáo pháp an tịnh, tịch diệt, dẫn đến giác ngộ mà bậc Thiện Thệ khai thị không được tuyên thuyết, hạng người sanh ra tại các Trung quốc độ, có trí tuệ, khôn ngoan, không câm điếc, có khả năng hiểu ý nghĩa thiện ngôn, ác ngôn . (Tathāgato ca loke anuppanno hoti araha sammāsambuddho dhammo ca na desiyati opasamiko parinibbāniko sambodhāgāmī sugatappa-vedito, ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti so ca hoti paññavā ajao aneamūgo paiba-lo subhāsitadubbhāsitāna attha aññātu). (KTPH Tỳ-kheo Giác Giới)

 

 

[10] Abhisaṅkhāra: 行作 (hành tác), 為作 (vi tác)

[11] Kammaṭṭhāna: 業處 (nghiệp xứ, theo nghĩa nơi để tâm làm việc), 行處 (hành xứ), 觀念 (quán niệm), 修行 (tu hành). Có thể hiểu kamaṭṭhāna như những đề mục thiền hay nơi để tâm hành thiền trên đó.

[12] Pāṭihāriya 神變 (thần biến), 神通 (thần thông).

[13] Thadingyut — Lễ Hội Ánh Sáng của người Miến. Nó được tổ chức trong ba ngày trăng tròn của tháng thứ bảy theo lịch Miến (tương đương tháng 10 DL).

[14] Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. (Hoà Thương Minh Châu dịch)

 

[15] Yojana 由旬, do tuần, 由延 do duyên, một đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ khoảng 7 dặm Anh, có chỗ nói 14 km.

[16] Nigrodhārāma: A grove near Kapilavatthu, where a residence was provided for the Buddha when he visited the city in the first year after his Enlightenment (MA.i.289). It belonged to a Sākyan named Nigrodha, who gave it to the Order. (Một khu rừng gần Kapilavatthu, nơi đây một tinh xá đã được xây dựng cho Đức Phật khi ngài đến thăm khinh thành vào năm thứ nhất sau khi giác ngộ (MA.i.289). Khu rừng này thuộc một người Thích Ca (Sākyan) tên Nigrodha, người này đã hiến dâng nó cho Tăng Đoàn của Đức Phật.)

[17] Koliya: một trong những bộ tộc theo chế độ cộng hoà thời Đức Phật. Lãnh thổ của người Sākiyan (Thích Ca) và Koliya nằm kề nhau, chia tách bởi con sông Rohinī. Cả hai đều tuyên bố có mối quan hệ với Đức Phật. Từ sau vụ tranh chấp nguồn nước sông Rohinī, một số người Koliya xin tị nạn tại Sākiya trong đó có các hoàng tử xin xuất gia này.

[18] Kalawiṅka (Ca lăng tần già) là tên của một loài chim quý, lông màu đen, mỏ đỏ, tiếng hót cực hay, êm ái, véo von hơn cả tiếng trời, thường sống thành cặp chẳng hề rời nhau, còn được gọi là mỹ âm điểu, diệu thanh điểu. Tiếng hót của loài chim này thường được ví như pháp âm của Phật. Theo Tuệ uyển âm nghĩa, quyển hạ: “Ca lăng tần già là loài chim có tiếng hót rất hay, tuyệt diệu. Loài chim này vốn sống ở Tuyết Sơn, tiếng hót hòa nhã, thánh thót, du dương, người nghe không biết chán”. Cộng mạng là một loài chim lạ, cực kỳ quý hiếm sống ở Tuyết Sơn, với đặc điểm là tuy một thân nhưng có hai đầu nên còn gọi là mạng mạng điểu hay sanh sanh điểu. (sưu tầm)

[19] ihāriya:a. n. [pai-h grd., BSk. prātihārya] 神變 (thần biến), 神通 (thần thông).

24-11-2024 - 18 lượt xem

Các bài viết khác

back-to-top.png