Bốn Loại Người
1. Người khổ vô nhân (Duggati Ahetuka Puggala)
Có số người mang kiết sinh (paṭisandhi) trong những cõi bất hạnh, buồn khổ gọi là apāya (ác thú). Những người như vậy gọi là Duggati Ahetuka Puggala[1] – người khổ vô nhân (tức người ở trong những cõi khổ không có các nhân vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) kèm theo tâm tái sinh của họ). Người vô nhân này cũng có thể thấy trong cõi nhân loại và những cõi Chư Thiên thấp kém nữa, họ được gọi là người lạc vô nhân (sugati ahetuka puggala: người sống trong các cõi lành nhưng không có các nhân vô tham, vô sân và vô si đi kèm theo tâm tái sinh của họ).
2.a) Người lạc vô nhân (suggati Ahetuka)
Trong đời này có số người sinh ra với tâm tục sinh lạc vô nhân (sugati ahetuka – paṭisandhi-citta: tâm tục sinh của những người trong cõi vui không kèm theo các nhân vô tham, vô sân, và vô si). Những người này có thiện nghiệp rất yếu, do đó phải bị đui mù, câm điếc hoặc khờ khạo bẩm sinh. Có số không có giới tính bẩm sinh; và có số là người bán nam bán nữ.
2.b) Chư Thiên lạc vô nhân
Do thiện nghiệp yếu, có số dù tái sinh là Chư Thiên nhưng với tâm tục sinh lạc vô nhân (sugati ahetuka – paṭisandhi citta) nên không có quyền lực và cũng không có chỗ ở xứng đáng. Họ phải tìm đến nương náu gần thiên cung của những vị Chư Thiên cao hơn như bhumma-devas (Chư Thiên ở trên địa cầu) hoặc rukkha-deva (Chư Thiên ở trên cây), họ không bao giờ được ăn uống tử tế và hầu như phải sống nhờ vào những đồ ăn thừa mà người ta đem quăng bỏ. Đôi khi họ hù doạ phụ nữ và trẻ con để “moi” thực phẩm từ họ và sống nhờ vào vật thực do những người này cúng để làm cho họ nguôi giận (một kiểu hối lộ). Những chư thiên bất hạnh này sống rất khốn khổ dù họ thuộc cõi Tứ Đại Thiên Vương (catumahārajaka). Cũng như có những người thông minh trong số những người nghèo khổ, ở đây cũng thế, trong số những vị Chư Thiên bất hạnh có thể có những vị không phải vô nhân (ahetuka) mà là người nhị nhân (dvihetuka) hoặc tam nhân (tihetuka) như sẽ được giải thích dưới đây. Một số vị Chư Thiên bất hạnh được biết đã thành tựu Đạo (Magga) và Quả (Phala) trong thời kỳ Đức Phật của chúng ta.
3. Người nhị nhân (Dvihetuka)
Trong phần nói về bố thí (dāna) chúng tôi đã giải thích chi tiết về thiện nhị nhân cao thượng hay thù thắng (dvihetuka-ukkattha-kusala) và thiện tam nhân hạ liệt (tihetuka-omaka-kusala) rồi. Có số người được tái sinh làm người hoặc Chư Thiên nhờ thiện nghiệp của họ. Song vì họ đã làm những việc thiện này không có vô si (amoha) đi kèm, hoặc cho dù có vô si (amoha) thì việc thiện ấy cũng được làm với cetanā hay thiện ý yếu ớt, hoặc thậm chí cetanā có sắc bén chăng nữa, vẫn có chút hối tiếc đối với thiện sự đó, nên họ chỉ có hai nhân vô tham và vô sân trong tâm tục sinh (paṭisandhi citta) của họ. Chính vì thế họ trở thành người nhị nhân.
Hai loại người vô nhân (ahetuka puggalas) đã nói ở trên và người nhị nhân (dvihetuka puggala) này có paṭisandhi (kiết sinh) rất yếu ớt vì thế họ không có cơ hội để đắc thiền (jhāna), hay Đạo Quả (magga – phala) trong kiếp hiện tại. Song nếu họ hành thiền, việc thực hành đó sẽ là một nhân tốt giúp họ trở thành người tam nhân (tihetuka) trong tương lai; và họ sẽ đạt đến thiền hoặc Đạo Quả dễ dàng vì đã có kinh nghiệm về thiền trong quá khứ. Bởi thế, cho dù không thể đắc thiền hay Đạo Quả trong kiếp hiện tại, những người này cũng nên lo cố gắng hành thiền trong đời này đi.
4. Người tam nhân (Tihetuka)
Do tâm thiện tam nhân cao thượng (tihetuka-ukakattha kusala citta), người ta có thể tái sinh vào cõi nhân loại hoặc vào cõi Chư thiên, như một người tam nhân – tức người thông minh và có trí tuệ có thể thành tựu thiền nếu cố gắng thực hành. Họ cũng có thể đắc các Đạo và Quả nếu họ đã hoàn tất các pháp Ba-la-mật (pārami). Ngày nay chúng ta có thể thấy đa số là người tam nhân. Chỉ có lười biếng và thiếu giới luật mới ngăn không cho họ trở thành các bậc thánh mà thôi. Như vậy, do khác nhau về tâm tục sinh (paṭisandhi citta), nên mới có bốn loại người: khổ vô nhân, lạc vô nhân, nhị nhân, và tam nhân như vừa kể.
Tám loại Thánh nhân
Hạng người tam nhân, do hành thiền và nếu như đắc Tu-đà-hoàn-đạo (sotāpatthi-magga) sẽ trở thành người sơ đạo hay người Tu-đà-hoàn-đạo. Cũng vậy, nếu như đắc Tu-đà-hoàn-quả (sotāpatthi-phala) họ trở thành người sơ quả hay người Tu-đà-hoàn-quả. Khi họ thành tựu cao hơn, họ lần lượt trở thành:
Loại người thứ tám được gọi là bậc A-la-hán. Các vị Độc giác Phật (Paccekabuddhas) và Toàn giác Phật (Buddhas) cũng là các bậc A-la-hán song với trí tuệ thù thắng hơn.
Nghiệp là cha mẹ đích thực của chúng ta
Nghiệp riêng của mỗi người sẽ quyết định tâm tục sinh (paṭisandhi-citta) của họ và như vậy cũng quyết định luôn số phận của họ. Nghiệp quyết định kiếp kế tiếp của chúng ta không chỉ khác nhau ở kiết sinh ban đầu, mà còn cả ở ngoại hình, thân phận của cha mẹ, tình trạng giàu sang, v.v… Chúng ta hãy so sánh hai người, một đã hết sức cố gắng làm điều thiện với trí thông minh của mình trong khi ngưòi kia thì không, hoặc nếu có làm thì cũng làm rất miễn cưỡng. Khi cả hai chết và được tái sinh trong cõi nhân loại này, người trước sẽ thụ thai trong bào thai của người mẹ giàu có, biết chăm sóc thai nhi đúng cách. Người sau sẽ thụ thai trong thai bào của người mẹ nghèo hèn, không biết cách làm thế nào để chăm sóc thai nhi. Vì thế ngay cả vào lúc người mẹ mang thai, đã có sự khác biệt rất lớn giữa hai đứa trẻ. Vào lúc sinh ra cũng vậy, đứa trẻ đầu sẽ được sinh ra một cách thoải mái, trong khi đứa kia với nhiều đau đớn và gian nan. Sau khi sinh, sự khác biệt càng ngày càng rõ rệt hơn và theo thời gian, sự chênh lệch còn lớn hơn nữa. Đứa trẻ nhà giàu được nuôi dưỡng kỹ lưỡng và được ăn học đến nơi đến chốn. Trong khi đứa trẻ nhà nghèo sẽ phải chịu cảnh ngược lại. Nói chung, đứa trẻ đầu sẽ sống một cuộc sống phong lưu, được cha mẹ, ông bà, và họ hàng thân tộc chăm sóc và yêu mến, trong khi đứa kia sẽ phải nhọc nhằn phấn đấu để sống còn.
Kết luận
Như vừa đề cập ở trên, nghiệp (kamma) mà ta đã làm trong quá khứ có ảnh hưởng rất lớn đối với số phận của chúng ta ngay từ giai đoạn đầu của sự thụ thai. Biết được những quả khác nhau của nghiệp là như vậy, chúng ta không nên trách cứ người khác sao chỉ thiên vị người giàu sang và có thế lực. Thực ra, chính vận may thiên vị người giàu đấy thôi. Vì thế, bạn chỉ nên tự trách sự vô minh và những ác nghiệp của bạn, đồng thời hãy cố gắng hết sức mình để trở thành người thành đạt và giới đức qua việc thực hiện các thiện sự.
Chỉ biết ganh tỵ hay đố kỵ người giàu mà không tự mình nỗ lực thì thực là ngớ ngẩn vô ích. Ganh tỵ và đố kỵ sẽ chỉ kéo bạn vào vực sâu của khổ đau để gặp bất hạnh nhiều hơn nữa trong các kiếp sống tương lai mà thôi.
ÿ
[1] Nhân (hetu): có sáu nhân được xem như những điều kiện đạo đức của nghiệp thiện và ác, đó là: tham, sân, si, và si cho các ác nghiệp; vô tham, vô sân và vô si cho các thiện nghiệp. Các từ vô nhân (ahetuka), nhị nhân (dvihetuka) và tam nhân (tihetuka) chỉ các tâm tục sinh có đi kèm theo bởi không nhân, hai nhân hoặc ba nhân.
05-05-2017 - 7506 lượt xem