Một trong những lễ hội quan trọng nhất của Phật giáo là Ðại Lễ Tam Hợp (Vesàkha)[*]. Vesàkha là gì? Vesàkha là tên một tháng ở Ấn Ðộ, đó là tháng năm (tương đương với tháng tư âm lịch), và đây cũng là tháng mà vào ngày trăng tròn của nó (tức ngày rằm) Ðức Phật đã đản sanh, thành đạo và Niết Bàn, chính vì vậy lễ này được đặt theo tên của tháng (Vesàkha). Ðể giải thích thêm điều này, chúng ta hãy ngược dòng thời gian để tìm lại lịch sử Ðức Phật.
Cuộc đời của Ðức Phật là một câu chuyện rất phi thường về lòng vị tha, tinh thần phục vụ và những lý tưởng vĩ đại khác. Sinh ra ở Ấn Ðộ vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha (rằm tháng tư âm lịch) năm 623 trước Công Nguyên, tên của Ngài là Siddattha Gotama (Sĩ Đạt Đa Cồ Ðàm); cha Ngài Suddhodana, là vua nước Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ); mẹ Ngài là Ma Gia hoàng hậu. Ngày sinh của Gotama được kèm theo bởi những điềm lạ như là: người mù thấy đường, người điếc nghe được, người câm biết nói, người gù thẳng lưng và người què đi được; vì thế Đức Vua cho mời vào hoàng cung một vị ẩn sĩ nổi tiếng tên là Asita (A Tư Ðà), đạo sĩ A-Tư-Ðà nổi tiếng trong vương quốc không những về trí tuệ và thông thái, mà còn về tài đoán điềm giải mộng của ông nữa. Khi đạo sĩ Asita nhìn thấy hoàng nhi, ông cười một cách hân hoan, nhưng sau đó lại khóc một cách cay đắng; Đức Vua thấy vậy vội hỏi lý do, Asita trả lời rằng những điềm lạ tỏ rõ rằng hoàng nhi sau này sẽ thành Phật, mang lại sự giải thoát cho thế gian, chính sự kiện thiêng liêng này đã khiến ông vô cùng hoan hỷ. Giải thích về sự đau buồn của mình, Asita nói rằng, nay ông đã quá già không còn sống được bao lâu nữa để chứng kiến sự kiện hân hoan này, và ngày chết của ông đang đến gần tới nỗi ông không thể cầm được những giọt nước mắt.
Ðức vua hỏi tiếp: "Thái tử con ta sẽ thấy điều gì khiến cho nó phải xuất gia tu hành như vậy?". Ðối với vấn đề này, Asita trả lời "bốn dấu hiệu". Vua nóng ruột hỏi thêm "bốn dấu hiệu đó là gì?" Asita trả lời "một người già, một người bệnh, một người chết và một tu sĩ". Vua liền nói: "Từ lúc này trở đi, không được phép để cho bốn loại người này đến gần con ta, như vậy nó sẽ không trở thành Phật được; điều mà ta muốn thấy là con trai ta sẽ có quyền lực cai trị khắp bốn châu thiên hạ này". Thế là Đức Vua cắt đặt canh phòng bốn hướng quanh hoàng thanh, mỗi hướng xa khoảng một dặm, để không một ai trong bốn loại người này có thể lọt vào tầm mắt của thái tử.
Như vậy thái tử Gotama đã trải qua những năm tháng đầu đời trong vinh hoa, phú quý và được giáo dục kỹ lưỡng, chỉ thấy quanh mình những điều đẹp mắt vừa ý. Tuy nhiên năm 29 tuổi, sự thực đã hé mở trước mắt Ngài, và thế là Ngài quyết định hiến trọn đời mình để tìm cho ra câu trả lời cho ba vấn đề trọng đại: chúng ta từ đâu đến, tại sao chúng ta lại có mặt ở đây (thế gian này) và chúng ta sẽ đi về đâu (sau khi chết)? Sự quyết định này xảy ra như là hệ quả của bốn sự kiện trọng đại hay bốn dấu hiệu mà đạo sĩ Asita đã đề cập, những dấu hiệu này đã buộc Ngài phải chú tâm đến vấn đề sanh, lão, bệnh, tử của kiếp nhân sinh "tại sao người ta lại phải già?" Ngài hỏi nhưng không ai có thể trả lời được. Bệnh đau từ đâu đến để rồi tước đoạt đi của con người, ngay cả cái hạnh phúc tạm bợ nhất; cái thể xác cứng lạnh, im lìm đang nằm bất động trên giường chết kia có ý nghĩa gì? Liệu cái tâm có chết ở đó không; phải chăng chết là chấm dứt hết mọi việc, hay đó là một sự giải thoát, một cánh cửa mở để đi vào thế giới bên kia? Từ những vấn đề này đã làm cho vị hoàng tử trẻ phải trầm tư sâu lắng, nhưng không sao tìm được câu trả lời cho đến khi Ngài thành Phật. Thế rồi Ngài gặp một tu sĩ, dấu hiệu thứ tư mà đạo sĩ Asita đã tiên đoán, khuôn mặt của thầy đầy an lạc và điềm tĩnh, khẳng định sự giải thoát khỏi già, đau, bệnh, chết, như đã hé mở cho vị hoàng tử trẻ một điều gì; qua hình ảnh của người tu sĩ thánh thiện, hoàng tử như đã được chỉ cho thấy là hạnh phúc thực sự nằm ở trong sự an lạc và hiểu biết.
Bức xúc trước tình cảnh đáng thương của đồng loại, thái tử lén rời khởi hoàng cung năm Ngài vừa tròn 29 tuổi, để lại đằng sau tất cả những quyến luyến của trần gian, kể cả vợ đẹp con thơ, Ngài lang thang không chút di sản và một mình một bóng giữa những núi rừng trùng điệp ở Ấn Ðộ, tham vấn bất cứ vị đạo sư nào Ngài gặp xem họ có thể hé mở chút ánh sáng nào về bí ẩn của kiếp nhân sinh không. Câu trả lời mà Ngài nhận được, luôn luôn là câu trả lời phủ định, những vị đạo sư cũng như luận sư thời ấy, những người tự hào có thể lý giải bất cứ điều gì, thế nhưng họ không thể nào trả lời được những gì Ngài đang nhiệt tâm tìm kiếm. Ngài xoay qua hành pháp khổ hạnh ép xác, và qua những khổ hạnh nghiêm khắc này Ngài đã nổi tiếng như một bậc Thánh nhịn ăn và du phương đây đó, bao quanh Ngài có rất nhiều môn đệ, họ tôn sùng Ngài vì những nhiệt tâm không mệt mỏi và lòng cam đảm phi thường của Ngài. Hao mòn vì dầm mưa dãi nắng, đau đớn vì những pháp khổ hạnh và khổ sở vì thiếu ăn uống, cuối cùng sức khoẻ của Ngài suy sụp. Sau đó Ngài nhận ra rằng mọi nỗ lực tự hành xác đều không đem lại kết quả, và cũng chẳng đến gần đáp án cho những vấn đề trọng đại của Ngài là bao, so với những năm tháng sống trong hoàng cung thụ hưởng mọi tiện nghi vật chất. Khi thấy rõ được sự tự hành xác là vô bổ như vậy, Ngài bắt đầu ăn uống theo cách thức hợp lý trở lại, thế nhưng lập tức Ngài bị những đệ tử của mình bỏ rơi, vì họ cho rằng bậc Thánh vĩ đại đã ăn uống lại, giống như một người tội lỗi ăn vậy.
Bị bỏ rơi và phủ vây bởi những điều bất trắc giữa rừng gìa cô quạnh, thái tử Gotama lại tiếp tục cuộc hành trình lang thang vô định của mình, cuối cùng ngồi lại dưới bóng mát của cây Bồ đề, tại đây Ngài quyết định ở lại cho đến khi nào tự mình tìm ra chân lý. Chậm rãi, từng giờ trôi qua, lắng sâu trong thiền định, trí tuệ của Ngài phát triển đến mức toàn hảo nhất của nó, tâm Ngài... không còn bị đoanh vây bởi những âu lo và những vấn đề nan giải nữa, Ngài nhìn thấy rất rõ tiến trình của kiếp nhân sinh, thấy cả nguyên nhân của các vấn đề và cách chữa trị của nó. Chính tại đây thái tử Cồ Ðàm đã trở thành một vị Phật - vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha (rằm tháng tư âm lịch) - năm đó Ngài vừa 35 tuổi.
Trí tuệ viên mãn, thoát khỏi đám mây mù của vô minh, Ngài rời khỏi chỗ ngồi dưới gốc cây Bồ đề và ra đi thuyết giảng chân lý giải thoát; ngang qua cố đô Benares Ngài dừng chân tại một tỉnh nhỏ của Saranath, nơi đây Ngài gặp lại 5 người đệ tử đã bỏ rơi Ngài. Ðức Phật thuyết phục họ lắng nghe và Ngài thuyết bài Pháp đầu tiên của Ngài, năm người này đã trở thành những đệ tử đầu tiên trong tôn giáo, mà sau này là tôn giáo lớn nhất thế giới.
Trong suốt 45 năm Ðức Phật đã thuyết giảng chân lý giải thoát, giáo lý mà Ngài gọi là Dhamma (Pháp), Ðạo Lý về Con Ðường Trung Dung. Ðức Phật đã xoá bỏ hai cực đoan lợi dưỡng và khổ hạnh, hướng dẫn hàng đệ tử của mình một đạo lý vĩ đại nhất, đạo lý mà ngày nay thế gian vẫn áp dụng và đem lại kết quả tốt đẹp như cách đây 2500 năm trước khi Ngài thuyết giảng lần đầu. Ðức Phật nhập diệt năm Ngài đúng 80 tuổi vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha (rằm tháng tư).
Hoài niệm ba sự kiện thiêng liêng này, hàng năm người Phật tử chúng ta long trọng cử hành đại lễ Tam Hợp (Vesàkha) [*].
[*] Trong truyền thống Bắc Tông, ngày nầy thường được gọi là ngày Phật Đản. Tuy nhiên, trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, đây là Ngày Tam Hợp, kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng cao quý trong lịch sử Đạo Phật (Bình Anson chú thích).
TRIẾT LÝ CĂN BẢN CỦA ÐẠO PHẬT
Ðạo Phật dựa căn bản trên sự kiện rằng vô minh chính là nguyên nhân gây ra mọi bất hạnh trong thế gian này, và rằng chỉ tự mình chứng ngộ sự thực (chân lý) mới có thể chiến đấu với cái vô minh này. Ðức Phật dạy: "Từ vô minh sinh ra bất thiện, và tội lỗi, nếu nhân loại thấy rõ được như vậy, họ có thể hành động chân chánh". Do đó chánh kiến là điều tuyệt đối cần thiết cho một cuộc sống tri thức và tâm linh chân chánh.
Con người, trong cái si mê mù quáng của họ, đã tạo ra không biết bao nhiêu là điều ác và khổ đau trong thế gian này, vì thế Chân Ðế đầu tiên trong Tứ Ðế là Sự Thực về Khổ. Hàng ngày chúng ta có thể nhận ra quanh mình những hậu quả mà người ta phải gặt hái do lòng tham muốn đối với những gì mà họ không có, cũng như hậu quả của việc cố gắng tránh né những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải nhận lãnh. Chúng ta cũng biết rằng, trong hầu hết các trường hợp, thì tham vọng hay lòng khát khao đã là nguyên nhân chính khiến cho con người hư hỏng. Ðức Phật dạy rằng cái khuynh hướng muốn sở hữu của con người là kẻ thù nguy hiểm nhất của họ, bởi vì tham muốn tích luỹ đã tước đi của họ lý trí và sự hiểu biết. Như vậy chúng ta đi đến Chân Ðế Thứ Hai của Tứ Ðế, đó là nguyên nhân của khổ hay Tập Ðế. Nguyên nhân chính của khổ đau và bất hạnh là lòng tham muốn sở hữu, và khát khao muốn giữ những gì đã có.
Dính mắc vào một vật là sẽ đau buồn khi mất nó, không ưa hay ghét bỏ một điều gì, cũng sẽ mất vui khi phải gần nó. Ðức Phật dạy rằng tham muốn ích kỷ đối với những đối tượng vật chất thế gian, hậu quả là phải hy sinh kho báu tinh thần của mình để giữ lấy đối tượng của lòng tham ấy, mà có thể đối tượng đó còn kém giá trị hơn là đằng khác. Do đó, chúng ta thấy là lòng tham ích kỷ đã huỷ hoại mất khả năng phân biệt về giá trị của chúng ta, vì lòng tham đặt sở hữu thế gian lên trên trí tuệ và quyền lợi cá nhân lên trên những nguyên tắc đạo đức.
Chân Ðế Thứ Ba là sự giải thoát khỏi khổ đau, điều này được đạt đến nhờ sự tận diệt mọi tham muốn ích kỷ. Song song với điều này chúng ta thấy rằng chấp thủ là nhân căn để của sự sợ chết, và rằng khi một cá nhân không chấp giữ vào những sở hữu của mình thì việc nó đến hay đi cũng không khiến họ phải xao động. Trong khi đó, nếu bị dính mắc vào vật sở hữu thì họ sẽ than khóc khi nó mất, và nếu như đó là điều mà họ ghét thì họ cũng sẽ khóc than khi phải gần nó. Ngày nào đôi mắt họ còn có khả năng nhỏ lệ (đối với việc còn - mất của thế gian), ngày ấy bảo đảm họ không thể có trí tuệ được. Con đường trung dung là con đường của Ðức Phật, để bước vào con đường trung dung này chúng ta phải hiểu rõ Bát Chánh Ðạo, đó là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh, đây chính là Chân Ðế Thứ Tư.
Nằm dưới các pháp này (Bát Chánh Ðạo) là một triết lý rất thâm diệu, vì Bát Chánh Ðạo được dựa trên bốn pháp cùng tột đó là: Tâm, Tâm sở, Sắc pháp và Niết Bàn. Tuy nhiên, đạo Phật không phải là một chủ đề để người ta nghiên cứu, đơn thuần trên quan điểm lịch sử và văn học; ngược lại, đạo Phật cần phải được học và đem ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, vì không thực sự hành chắc chắn người ta không thể nếm được hương vị giải thoát. Ðạo Phật cần được nghiên cứu và thực hành, nhưng trên hết những lời dạy của Ðức Phật vẫn là phải chứng ngộ; tự chứng là cứu cánh tối thượng, chưa bao giờ nhân loại chúng ta cần đến lời dạy của Ðức Phật hơn ngày nay. Ðó chính là con đường chỉ cho chúng ta thấy rằng hạnh phúc chỉ đến với trí tuệ, trí tuệ này là kết quả của cuộc sống chân chánh, và chỉ chừng đó thôi là đủ.
Trích trong "Phật Pháp Giảng Giải" Thiiitla Sayadaw, TK Pháp Thông dịch./.
04-05-2019 - 2690 lượt xem