Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

HỎI ĐÁP

Thiền Sư Pa Auk Sayadaw Trả Lời
Câu Hỏi 147: Nếu một người cảm thấy rằng mọi tham, sân và si của họ không còn nữa, họ có thể tuyên bố mình là một bậc A-la-hán được không? Hay họ cần phải tự kiểm tra lại mình như thế nào?
Trả Lời Câu Hỏi 147: Chúng ta phải biết rằng phiền não có ba giai đoạn:
1. Anusaya kilesa: giai đoạn ngủ ngầm ở đây các phiền não vẫn còn là những khuynh hướng tiềm tàng trong dòng tương tục danh-sắc;
2. Pariyuṭṭhāna kilesa: giai đoạn ám ảnh khi những phiền não trồi lên bề mặt như một yếu tố tâm tích cực; và
3. Vītikkama kilesa: giai đoạn vi phạm khi những phiền não thúc đẩy những hành động của thân và lời nói.
.Các bậc A-la-hán đã tiêu diệt hoàn toàn cả ba giai đoạn phiền não này.Đối với hàng phàm nhân, khi không có những phiền não khởi lên trong tâm, họ có thể cảm giác rằng những phiền não của họ đã bị tiêu diệt hết rồi. Tuy nhiên, điều đó xảy ra chỉ là vì họ nhất thời đè nén được những phiền não thuộc giai đoạn ám ảnh — Pariyuṭṭhāna kilesa, và giai đoạn vi phạm — Vītikkama kilesa với minh sát trí mạnh mẽ hay bậc thiền nào đó mà thôi. Thực sự ra họ vẫn chưa đạt đến được bất cứ Thánh Đạo Tuệ nào cả, vì thế những phiền não thuộc giai đoạn ngủ ngầm (tuỳ miên phiền não) chắc chắn vẫn còn trong họ. Bao lâu những phiền não ngủ ngầm này chưa được bứng gốc, khi họ chạm trán với những yếu tố kích thích nào đó, những phiền não thuộc hai giai đoạn ám ảnh và vi phạm trên có thể khởi lên trở lại như thờng.
Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là câu chuyện của ngài Trưởng-lão Mahānāga (Mahānāga Mahāthera). Ngài là thầy của Dhammadinna, một bậc A-la-hán và đã hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) trong hơn sáu mươi năm. Nhưng ngài vẫn còn là một phàm nhân (puthujjana). Mặc dù ngài còn là phàm nhân, song không có phiền não nào khởi lên trong tâm ngài trong hơn sáu mươi năm qua, bởi vì pháp hành chỉ và quán của ngài rất mạnh và đầy năng lực. Hơn nữa giới hạnh của ngài còn cực kỳ trong sạch. Do những điều này, ngài tự nghĩ trong thâm tâm: ‘Ta đã đạt đến thánh quả A-la-hán rồi.’
Một hôm, đệ tử của ngài, A-la-hán Dhammadinna đang ngồi nghỉ trong phòng, và vị ấy nghĩ: ‘Không biết thầy ta, Trưởng-lão Mahānāga (Mahānāga Mahāthera), hiện đang sống tại Uccavalika, đã hoàn tất công việc tu tập của mình hay chưa? Vị ấy thấy rằng thầy mình vẫn còn là một phàm nhân và rằng nếu thầy ngài không hiểu sự thực này, ông cũng sẽ chết như một phàm nhân mà thôi. Vị ấy liền dùng năng lực thần thông bay vào hư không và đáp xuống gần Trưởng-lão Mahānāga, lúc đó đang ngồi trong phòng của ngài. Vị ấy đảnh lễ thầy, làm phận sự là người đệ tử của mình, rồi ngồi xuống một bên. Trưởng-lão Mahānāga hỏi: ‘Hiền giả Dhammadinna, sao ông đến bất ngờ thế?’ Tôn-giả Dhammadinna trả lời ‘Bạch ngài con đến để hỏi một số câu hỏi’. ‘Hãy hỏi đi, hiền giả. Nếu chúng tôi biết, chúng tôi sẽ nói’. Tôn-giả Dhammadinna đã hỏi một ngàn câu hỏi. Trưởng-lão Mahānāga trả lời từng câu hỏi một không chút do dự.
‘Bạch ngài trí của ngài thật nhạy bén; ngài đã đạt đến trạng thái này từ bao giờ vậy? Tôn-giả Dhammadinna hỏi. Trưởng-lão Mahānāga trả lời ‘Sáu mươi năm trước này hiền giả’. — ‘Bạch ngài, ngài có hành thiền định không? — ‘Điều đó không khó, này hiền giả.’ — ‘Vậy bạch ngài, hãy tạo ra một con voi.’ Trưởng-lão Mahānāga tạo ra một con voi hoàn toàn trắng. ‘Bây giờ, bạch ngài, hãy làm cho con voi ấy tiến thẳng đến ngài với đôi tai căng ra, đuôi duỗi thẳng ra, đặt cái vòi của nó vào trong miệng và rống lên một tiếng rống khủng khiếp đi.’ Trưởng-lão Mahānāga làm y như vậy. Nhìn thấy cái tướng mạo đáng sợ của con voi đang đi nhanh đến mình, Trưởng-lão bật dậy và định chạy trốn. Lúc ấy Tôn-giả Dhammadinna với tay nắm lấy vạt y của ngài, và nói ‘Bạch ngài, nơi một người mà các lậu hoặc đã đoạn tận có còn chút sợ sệt nào không?
Ngay lúc đó vị Trưởng-lão nhận ra rằng ông vẫn còn là một phàm nhân. Ông quỳ dưới chân của Tôn-giả Dhammadinna và nói: ‘Hãy giúp tôi, Hiền-giả Dhammadinna.’ — ‘Bạc ngài, con sẽ giúp ngài, con đến đây cũng là vì lý do đó. Xin ngài đừng lo.’ Rồi Tôn-giả giải thích một đề tài thiền cho Trưởng-lão. Vị Trưởng-lão nhận đề tài thiền và đi len con đường kinh hành, và với bước chân thứ ba ngài đả đạt đến A-la-hán Thánh quả.
Bởi lẽ đó, công bố sự chứng đắc của mình là điều không tốt, vì quý vị có thể đã tự đánh giá quá về mình như Trưởng-lão Mahānāga. Tốt hơn quý vị nên tự kiểm tra lại mình theo lời dạy của Đức Phật một cách thận trọng. Chẳng hạn, một vị thánh Nhập-lưu (Sotāpanna), đã hoàn toàn tiêu diệt thân kiến (sakkayadiṭṭhi), hoài ngi, ghanh tỵ, ích kỷ và giới cấm thủ. Vị ấy có niềm tin bất động nơi Đức Phật, Giáo Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha). Vị ấy sẽ không bao giờ cố ý phạm giới dù phải hy sinh thân mạng và ngay cả trong giấc mơ. Mặc dù vị ấy có thể phạm những sai lầm trong hành động, lời nói và ý nghĩ một cách vô ý, song vị ấy không bao giờ che dấu chúng mà sẽ thú nhận những sai lầm đó với người khác. Vị ấy đã tiêu diệt hoàn toàn quan niệm sai lầm về một linh hồn hay bản ngã bởi vì vị ấy đã thấu triệt pháp duyên sanh và tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các hành. Có hai loại bản ngã: tối thượng ngã (parama-atta) và sinh mệnh ngã (jīva-atta). Tối thượng ngã có nghĩa là một đấng sáng tạo. Sinh mệnh ngã có nghĩa là một bản ngã đi từ một hiện hữu này đến một hiện hữu khác (cái ngã luân hồi) hay cái ngã diệt hoàn toàn sau khi chết. Vì thế đôi khi nếu quý vị phát hiện ra rằng mình có ý định phạm giới hay có sự hoài nghi đối với Tam Bảo hay vẫn chấp vào tà kiến cho rằng danh-sắc này là ta hay tự ngã của ta, hoặc tin nơi một đấng sáng tạo, chắc chắn quý vị không thể trở thành một bậc Thánh Nhập-Lưu được, nói gì đến bậc Thánh A-la-hán. Một bậc Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmi) đã làm giảm nhẹ sức mạnh của tham dục, sân hận và si mê. Một bậc Thánh Bất Lai (anāgāmī) đã tuyệt diệt hay bứng gốc tất cả sân hận và dục vọng. Vì thế các vị sẽ không còn nóng giận, lo lắng hay sợ hãi. Các vị không còn dính mắc vào bất cứ dục lạc thế gian nào nữa. Dù là một người tại gia cư sĩ, các vị cũng từ bỏ hết thảy tiền tài, vàng bạc, v.v…Do đó nếu quý vị vẫn còn nóng giận, lo lắng hay sợ hãi hoặc nếu quý vị còn nhận tiền, vàng, v.v… quý vị không thể là một vị Thánh A-na-hàm được. Khi quý vị tiếp xúc với bất kỳ một trong sáu dục trần khả ý, đó là các sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp khả ý, nếu tham ái dù nhỏ nhoi nhất còn khởi lên nơi quý vị, quý vị chắc chắn không trở thành một bậc Thánh Bất lai được. Hoặc khi quý vị tiếp xúc với sáu trần cảnh bất khả ý, không vừa lòng, nếu một sự khó chịu dù nhỏ nhoi nhất còn khởi lên nơi quý vị, quý vị cũng không thể trở thành một bậc Thánh Bất Lai (A-na-hàm) được. Một bậc A-la-hán đã tuyệt diệt tất cả những phiền não còn lại, bao gồm ngã mạn, trạo cử, dã dượi, hôn trầm và vô minh. Vị ấy không còn khát khao đối với sự hiện hữu. Các căn của vị ấy thanh tịnh và hoàn hảo. Đối diện với những thăng trầm của cuộc đời (được và mất; danh và ô danh; khen và chê, hạnh phúc và khổ đau) tâm vị ấy không dao động, vô nhiễm và vững chắc. Các vị luôn luôn thấy tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các hành. Chỉ khi các vị tác ý đến những khái niệm (chế định theo tục đế) các vị mới biết rằng ‘đây là đàn ông, đàn bà, cha, con, v.v…’ Nếu quý vị vẫn có sự dính mắc vào cuộc sống của mình hay nếu quý vị còn cảm thấy hãnh diện với những thành tựu của mình, quý vị không thể trở thành một bậc A-la-hán được. Nếu quý vị không có năng lực chánh niệm mạnh mẽ như vậy để thấy những tính chất vô thường, khổ hay vô ngã của các hành, quý vị không thể trở thành một bậc A-la-hán được.
Đây chỉ là vài ví dụ để quý vị tự xem xét lại mình. Quý vị nên nghiên cứu cẩn thận kinh điển Nguyên Thuỷ (Theravada) dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo để có được một sự hiểu biết thấu đáo hơn về cách làm thế nào để kiểm tra lại kinh nghiệm thiền của mình.
(Thiền Sư Pa Auk Sayadaw)

28-02-2022 - 1100 lượt xem

back-to-top.png