Địa chỉ: Khu 2, ấp 4, Xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hotline: 0907 249 746

Luận Về Niết Bàn

Luận về Niết Bàn. Những câu hỏi và trả lời này cũng giống như một cuộc tranh luận. Một bên là người chống đối và một bên là người bảo vệ. [Câu Hỏi 1] “Có phải Niết Bàn là phi hữu (không hiện hữu) bởi vì nó không thể hiểu được, giống như sừng thỏ?” Người chống đối nói rằng không có Niết Bàn. Niết Bàn là phi hữu bởi vì nó không thể hiểu (nắm bắt) được giống như sừng thỏ. Mà cái được gọi là sừng thỏ như thế không có. Cũng vậy không có Niết Bàn.

[Trả lời] “Không phải như vậy, bởi vì Niết Bàn có thể hiểu được bằng phương tiện [thích hợp]. Vì nó có thể hiểu được [bởi một số người, hay bởi các bậc thánh] bằng phương tiện [thích hợp], nói khác hơn, bằng đạo lộ thích hợp với nó, [đó là đạo lộ của giới, định, và tuệ]; nó giống như tâm siêu thế của những người khác, [vốn chỉ có thể hiểu được bởi một số bậc thánh] bằng trí thể nhập vào tâm của người khác (tức bằng tha tâm trí).” Như vậy nó giống như tâm siêu thế. Tâm siêu thế chỉ có thể hiểu được bởi những người đã đạt đến sự giác ngộ hay những người đã đạt đến tâm siêu thế. Những bậc Thánh cao hơn có thể biết được tâm siêu thế của những bậc Thánh thấp hơn. Có bốn giai đoạn cho các Bậc Thánh. Những vị đã đạt đến giai đoạn thứ hai có thể biết tâm siêu thế của  các vị ở giai đoạn thứ nhất và v.v…Tương tự như vậy, Niết Bàn có thể được hiểu bằng phương tiện thích hợp. Điều đó muốn nói rằng người ta có thể hiểu được Niết Bàn bằng cách đi theo đạo lộ của giới, định và tuệ. Như vậy Niết Bàn là có thực. “Vì thế không nên nói rằng Niết Bàn là phi hữu bởi vì không thể hiểu được, vì không nên nói rằng những gì kẻ phàm phu ngu si không hiểu được thì cái đó không ai có thể hiểu được.”Những người này nói rằng Niết Bàn là không thể hiểu được, nhưng nó không phải không hiểu được chỉ vì họ nói như thế.

Và người bảo vệ tiếp tục. “Lại nữa không nên nói rằng Niết Bàn không hiện hữu. Vì sao không? Bởi vì nếu nói như thế thì Đạo Lộ sẽ là vô ích.” ‘Đạo Lộ’ có nghĩa là sự thực hành, sự thực hành Bát Chánh Đạo. Sẽ là vô ích nếu ngài nói rằng không có Niết Bàn. “Vì nếu Niết Bàn là phi hữu, sự tình sẽ xảy ra là chánh đạo, gồm ba uẩn bắt đầu với giới và được dẫn đầu bởi chánh kiến là vô ích. Tuy nhiên nó không vô ích vì nó dẫn đến Niết Bàn.” Tôi không thích chữ ‘Uẩn’ ở đây. Nó có thể làm cho bạn bối rối. Tôi chỉ muốn nói là ‘nhóm’ thôi. Ở đây ‘các nhóm bắt đầu với giới’ có nghĩa là Sīla (Giới), Samādhi (Định), và Paññā (Tuệ). Chúng được mô tả trong Pāḷi như sīla khandha (giới uẩn), samādhi khandha (định uẩn), và paññā khandha (tuệ uẩn).. Tuy nhiên ở đây ‘khandha’ không có nghĩa là uẩn giống như rūpa khandha (sắc uẩn) và v.v…Chúng ta chỉ cần nói ‘các nhóm’ là đủ. “Ba nhóm bắt đầu với giới và được dẫn đầu bởi chánh kiến sẽ là vô ích. Tuy nhiên nó không vô ích vì nó dẫn đến Niết Bàn.” Vì thế bạn không thể nói rằng không có Niết Bàn. Nếu bạn nói không có Niết Bàn, thời Đạo Lộ sẽ là vô nghĩa. Nhưng đạo lộ không vô nghĩa vì nó dẫn đến Niết Bàn. Vì thế có Niết Bàn. Đó là những gì tác giả muốn nói.

 

[Câu Hỏi 2] “Nhưng sự vô ích của Đạo Lộ, chẳng phải do những gì được đạt đến là sự vắng mặt (phi hữu), [đó là, sự vắng mặt của năm uẩn do sự đoạn tận của các phiền não] đó sao?” Sau khi đoạn tận các phiền não, năm uẩn không còn hiện hữu.

[Trả Lời] “Không phải như vậy. Bởi vì, mặc dù có sự vắng mặt của [các uẩn] quá khứ và tương lai, tuy nhiên không có sự đạt đến Niết Bàn [chỉ đơn giản vì sự vắng mặt ấy].” Người chống đối xem sự vắng mặt của năm uẩn là Niết Bàn. Nếu sự vắng mặt của năm uẩn là Niết Bàn, thời hiện giờ quá khứ không hiện hữu, hiện giờ tương lai cũng không hiện hữu, như vậy đó sẽ là Niết Bàn sao? Không có việc đạt đến Niết Bàn chỉ đơn giản vì quá khứ hiện giờ không có mặt, tương lai hiện giờ không có mặt, các uẩn quá khứ không có mặt, các uẩn tương lai không có mặt. Nếu bạn nói rằng sự vắng mặt hay sự phi hữu của năm uẩn là Niết Bàn, thời nó sẽ là khác.

[Câu Hỏi 3] “Vậy thì Niết Bàn là sự vắng mặt của [các uẩn] hiện tại?” Sự vắng mặt của các uẩn hiện tại là Niết Bàn. Đó chằng phải là Niết Bàn sao? người chống đối hỏi?

[Trả Lời] ‘Không phải như vậy.” Vì rằng đó chỉ là một sự mâu thuẫn về từ ngữ. Hiện tại không thể vắng mặt. “Bởi vì sự vắng mặt của hiện tại là một điều không thể xảy ra, vì lẽ nếu chúng vắng mặt thời sự phi hữu của chúng sẽ xảy ra (hay chúng sẽ là phi hữu). [Ngoài ra nếu Niết Bàn cũng là sự vắng mặt của các uẩn hiện tại,] thời điều đó sẽ đưa đến cái lỗi là loại trừ sự sanh khởi (không phải ‘sanh khởi’ mà là ‘chứng đắc’) chứng đắc Hữu Dư Y Niết Bàn (Niết Bàn giới với những kết quả của chấp thủ quá khứ còn lại, có các uẩn như sự hỗ trợ của nó vào sát-na Đạo.” Phần thứ hai của đoạn này muốn nói rằng việc xem sự vắng mặt của các uẩn hiện tại là Niết Bàn sẽ dẫn đến việc loại trừ sự chứng đắc hữu dư y Niết Bàn. Có nghĩa rằng vào sát-na tâm Đạo vẫn có các uẩn, các uẩn hiện tại. Nếu bạn nói rằng sự vắng mặt của các uẩn hiện tại là Niết Bàn, thời sẽ không có việc chứng đắc Niết Bàn vào sát-na tâm Đạo bởi vì vào sát-na Đạo vẫn có các uẩn. Nếu bạn nói rằng sự vắng mặt của các uẩn là Niết Bàn, thời không thể có Niết Bàn vào sát-na tâm Đạo được. Niết Bàn đó là là kết quả của chấp thủ quá khứ còn lại. Điều đó có nghĩa rằng Niết Bàn trước khi chết. Có hai loại Niết Bàn — Niết Bàn trước khi viên tịch của vị A-la-hán và Niết Bàn sau khi vị A-la-hán viên tịch. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về điều này sau này. Khi một vị A-la-hán viên tịch, không còn các uẩn. Loại Niết Bàn đó là khả dĩ, nhưng loại Niết Bàn kia (hữu dư y Niết Bàn) là bất khả nếu bạn xem sự vắng mặt của các uẩn là Niết Bàn bởi vì các uẩn không vắng mặt vào sát-na tâm Đạo.

[Câu Hỏi 4] “Vậy thì sẽ không lỗi nếu nói Niết Bàn sự phi hữu của các phiền não. Nếu đó là Niết Bàn thời chỉ có sự không có mặt, sự không hiện hữu của các phiền não, như vậy sẽ không mắc lỗi chăng?

[Trả Lời] Người bảo vệ nói: không phải thế. “Bởi vì nếu nói thế hóa ra Thánh Đạo sẽ là vô nghĩa. Vì nếu Niết Bàn là sự phi hữu của các phiền não, thời, vì các phiền não cũng [có thể] không hiện hữu trước sát-na Thánh Đạo, điều này hóa ra Thánh Đạo sẽ là vô nghĩa.” Sự phi hữu của các phiền não — có thể có sự phi hữu của các phiền não trước khi Thánh Đạo sanh. Đôi khi các phiền não không sanh khởi. Nếu sự không sanh khởi của phiền não đó là Niết Bàn thời Thánh Đạo sẽ là vô nghĩa. Bạn không cần phải cố gắng để đạt đến Thánh Đạo làm gì vì bạn đã có Niết Bàn rồi vậy.

[Câu Hỏi 5] “ Nhưng chẳng phải rằng Niết bàn là sự  hủy diệt, như trong đoạn "Hiền giả, đó là Niết bàn, tức sự hủy diệt tham, sân, si" (S. iv,252)?” — ở đây câu hỏi đang nói về phương diện khác. Người chống đối nêu ra đoạn kinh nói “Hiền giả, sự hủy diệt của tham…của sân…của si,…là Niết Bàn.” Niết Bàn chỉ là sự hủy diệt của tham, sân và si. Như vậy Niết Bàn không có điều gì khác, mà chỉ có sự hủy diệt, chỉ có sự biến mất của các phiền não. Vị ấy đặt vấn đề theo cách đó.

[Trả Lời] Người bảo vệ nói “Không phải như vậy, bởi vì nếu là vậy thì hóa ra Đạo Quả A-la-hán cũng sẽ chỉ là sự diệt đơn thuần. Vì điều đó cũng đã được mô tả theo cách [tương tự] bắt đầu với ‘Này hiền giả, cái được xem là sự hủy diệt của tham, sân, si là Đạo Quả A-la-hán].” Câu trả lời ở đây tiếp theo sau đoạn ‘sự hủy diệt của tham, sân, si là Niết Bàn’, nếu bạn theo đoạn văn kinh này thời Niết Bàn chỉ là sự diệt đơn thuần, cũng có một đoạn khác trong cùng bài kinh nói rằng Đạo Quả A-la-hán là sự hủy diệt. Như vậy Đạo Quả A-la-hán sẽ chỉ là sự hủy diệt đơn thuần. Vì thế không nên giải thích Niết Bàn theo cách đó. Niết Bàn không thể được xem như chỉ là sự hủy diệt đơn thuần cũng không phải là sự biến mất đơn thuần của các phiền não.

“Và quan trọng hơn nữa sự sai lầm theo sau đó sẽ là: Niết Bàn chỉ có tính cách tạm thời, v.v…; vì nếu Niết Bàn là sự diệt đơn thuần, hóa ra Niết Bàn sẽ chỉ có tính cách tạm thời, có đặc tính bị tạo tác, và có thể đạt được không cần đến chánh tinh tấn; và một cách chính xác thì do đặc tánh bị tạo tác nên nó sẽ được gồm trong pháp hữu vi, và nó sẽ bị thiêu đốt với những ngọn lửa của tham, v.v…, và do sự thiêu đốt của tham,…thành ra Niết Bàn là khổ.” Niết Bàn sẽ là khổ. Niết Bàn là sự hủy diệt, là sự biến mất của các phiền não. Vì lẽ các phiền não là hữu vi, nên chúng bị thiêu đốt. Chúng là khổ. Và nếu Niết Bàn là hữu vi Niết Bàn cũng sẽ là khổ. Vì thế Niết Bàn không nên được giải thích theo cách đó.

[Câu Hỏi 6] “Liệu có không sai lầm chăng khi cho rằng Niết Bàn là một loại hủy diệt mà sau đó không còn xuất hiện nữa?”  Giả sử các phiền não đã bị hủy diệt và chúng không xuất hiện lại nữa. Thời sự hủy diệt ấy có thể được gọi là ‘Niết Bàn’ không, người chống đối nói. Ví dụ như một người hành thiền định (jhāna). Nhờ hành thiền người ấy có thể ngăn hay người ấy có thể tránh sự sanh khởi của các phiền não, không phải bằng cách diệt hoàn toàn mà chỉ bằng cách nhốt chúng lại. Rồi sau đó người ấy đạt đến sự giác ngộ. Vậy thì Niết Bàn sẽ không có mặt vào sát-na giác ngộ, mà (có mặt) vào thời điểm khi người ấy có thể nhốt các phiền não lại. Đó là những gì người chống đối muốn nói.

[Trả Lời] “Không phải như vậy. Bởi vì không có loại hủy diệt nào như vậy cả. Và ngay cả nếu có, những sai lầm đã nói ở trước sẽ là không tránh khỏi. Cũng chính vì điều này mà hóa ra Thánh Đạo là Niết Bàn. Vì Thánh Đạo là nhân sanh ra sự hủy diệt của các cấu uế, và đó là lý do tại sao nó được gọi là sự ‘hủy diệt’; và sau đó không còn có sự sanh khởi của các cấu uế nữa.” Sau tâm Đạo các phiền não không còn nữa. Đạo sẽ được gọi là ‘Niết Bàn’ chứ không phải tự thân Niết Bàn. “Nhưng chính vì loại diệt này được gọi là ‘sự diệt kể trong vô-sanh’, [đó là Niết Bàn,] nói một cách văn hoa thì (sự diệt này) đóng vai trò như cận y duyên [cho Đạo] mà [Niết Bàn] được gọi là ‘Diệt’ như một ẩn dụ cho nó mà thôi.” Bạn có hiểu điều này không? Có hai vấn đề — sự diệt gồm trong vô sanh và Niết Bàn. ‘Niết Bàn đóng vai trò như cận y duyên’ đơn giản muốn nói rằng Niết Bàn chỉ như một đối tượng. Vì Niết Bàn đóng vai trò như một cận y duyên (serve as a decisive support- upanissaya-paccaya- for the Path) cho Đạo, nên Niết Bàn được nói là nhân và sự diệt gồm trong vô sanh là quả. Ở đây Niết Bàn được gọi là sự ‘diệt’ nhưng chỉ như phép ẩn dụ thôi. Trong trích đoạn ở trên Niết Bàn được mô tả như sự diệt. Sự diệt của tham, sân, và si là Niết Bàn. Chúng ta phải hiểu rằng sự diệt thực sự không phải là Niết Bàn. Sở dĩ Niết Bàn được mô tả như sự diệt bởi vì nó là nhân hay điều kiện cho sự diệt mà thôi. Niết Bàn đóng vai trò như một điều kiện cho sự diệt. Đó là lý do vì sao Niết Bàn được gọi là ‘sự diệt’. Nó không phải là cụm từ diễn đạt trực tiếp. Có một số loại ẩn dụ được dùng theo cách này.

 

Ví dụ, chúng ta hay nói rằng đường là đờm (sugar is phlegm). Nếu bạn ăn nhiều đường, bạn sẽ có đờm. Vì vậy người ta mới nói đường là đờm. Hay có thể nói muối là huyết áp. Muối thực sự không phải là huyết áp, nhưng nó là nhân sanh ra huyết áp. Vì thế người ta mới nói muối là huyết áp. Ở đây Niết Bàn được gọi là sự diệt. Niết Bàn thực sự không phải là sự diệt, nhưng nó là nhân cho sự diệt hay nó là điều kiện cho sự diệt. Đó không phải là cách nói trực tiếp.

 

[Câu Hỏi 7] “Tại sao không tuyên bố Niết Bàn trong tướng trạng của nó?” Tại sao không nói thẳng ra Niết Bàn là gì? Tại sao không gọi nó là nhân cho sự diệt?

[Trả Lời] Câu trả lời ở đây là: Vì Niết Bàn cực kỳ vi tế. Ngay cả Đức Phật cũng đã do dự khi dạy Pháp này bởi vì nó vi tế đến nỗi thính chúng sẽ không sẵn lòng để hiểu.

  • Học nhân: Có một vấn đề ở đây. Nếu ngài nói rằng Niết Bàn là nhân cho sự diệt, vậy thì phải Niết Bàn đến trước sự diệt.
  • Thầy: ‘Nhân cho’ có nghĩa là một điều kiện cho. Niết Bàn không tạo ra sự diệt, mà Niết Bàn chỉ là một điều kiện cho sự diệt mà thôi.
  • Học nhân: Nó nghe như có vẻ sự diệt là bước kế tiếp sau Niết Bàn. Ngài có hiểu ý con nói không ạ? Nó là một bước kế tiếp, một bước cao hơn.
  • Thầy: Chúng ta không thể nói Niết Bàn là quá khứ, hay hiện tại, hay vị lai. Niết Bàn là một loại Pháp (dhamma) nào đó. Khi tâm Đạo sanh, nó lấy Niết Bàn kể như đối tượng và đồng thời nó diệt các phiền não. Vì thế sự diệt có mặt. Sự diệt của các phiền não xảy ra ở sát-na tâm Đạo. Và tâm Đạo chỉ có thể sanh khi nó lấy Niết Bàn làm đối tượng. Nếu không có cái gọi là Niết Bàn như vậy, tâm Đạo không thể sanh. Đó là lý do tại sao Niết Bàn được nói là một điều kiện cho sự diệt của các phiền não.

[Câu Hỏi 8] “Khi tâm Đạo có mặt, Niết-bàn có mặt, vậy có phải Niết Bàn không phải phi sở tạo (uncreated, phi sở tạo: không do tạo tác mà có)?” Nếu sự tình là vậy, thời chỉ khi có tâm Đạo mới có sự diệt của các phiền não. Sự diệt này được xem như Niết-bàn. Như vậy Niết-bàn không phải phi sở tạo (không phải không được tạo ra). Niết-bàn do cái gì đó tạo thành. Đó là những gì người chống đối muốn nói.

[Trả Lời] “Không phải như vậy, bởi vì Niết-bàn không thể được khơi dậy bằng Đạo (Có nghĩa rằng Niết-bàn không do Đạo lộ tạo ra.); đạo lộ chỉ có thể đạt đến Niết-bàn, chứ không tạo ra nó (gạch bỏ cụm từ không thể được khơi dậy đi); đó là lý do vì sao nó là phi sở tạo. Chính vì Niết-bàn là phi sở tạo mà nó không có già và chết. Chính vì không có sự tạo thành, không có già và chết của nó mà Niết-bàn là thường.” Ở đây ‘thường’ được nói tới và vì thế có sự tranh luận khác.

[Câu Hỏi 9] “Vậy hoá ra Niết-bàn cũng vậy, [được quả quyết là] có một loại thường hằng của vi trần (nguyên tử) và v.v… sao?” Tôi nghĩ câu này không chính xác. Những gì người chống đối muốn nói ở đây là (có phải) bạn nói Niết-bàn là thường không. Nếu Niết-bàn là thường, thời các vi trần, v.v… cũng là thường. Vi trần (atom)  v.v… được dạy trong các truyền thống triết học khác. Có sáu truyền thống triết học Ấn giáo. Chúng được gọi là ‘darshan’ (thuyết giả) trong Sanskrit. Một số các triết thuyết này chấp nhận vi trần như một nhân của sự tạo tác (sáng tạo) hay các vi trần là sự thực tối hậu (pháp chân đế). Vi trần được xem là bất khả hoại, là thường hằng. “Vì Niết-bàn là thường, nên các vi trần, v.v… cũng là thường phải không?”

[Trả Lời] “Không phải vậy. Bởi vì không có bất kỳ nhân nào [vốn tạo ra sự sanh khởi của nó].” Điều này cũng không chính xác. Phải nói rằng: ‘Vì không có bất kỳ lý do nào (chứ không phải nhân) ; có thể chứng minh sự thực rằng nó tạo ra sự sanh khởi của Niết-bàn cả.’ Trong đoạn trên những từ ngữ (được dùng) trong luận lý học Hindu đã được dùng. Để hiểu đoạn này bạn phải hiểu luận lý học Hindu và Phụ Chú-giải về luận lý ấy. Nó rất khó hiểu. Chữ ‘hetu’ ở đây có nghĩa là ‘lý do’. Bạn có quen với phương pháp suy luận trong luận lý học không?  Tôi đã từng viết một cuốn sách về phương pháp suy luận Hindu bằng tiếng Miến. Hiện tại tôi quên mất phương pháp đó rồi. Chắc tôi phải đọc lại nó. Có cái gọi là phương pháp suy luận trong luận lý học (logic) Hindu mà bạn phải chấp nhận một cái gì đó.

Một ví dụ kinh điển là:  có lửa trên núi bởi vì có khói. Ở đâu có khói, ở đó có lửa, chẳng hạn như ở trong bếp. Có khói trên núi, vì thế núi có lửa. Đây là năm giai đoạn của lý luận học. Để thuyết phục mọi người bạn phải sử dụng năm bước này. Bước thứ nhất chỉ là lời tuyên bố về sự thực: Có lửa trên núi. Kế tiếp ‘Vì sao?’ ai đó có thể hỏi. Bởi vì có khói. Lửa và khói có liên quan như thế nào? Ở đâu có khói ở đó có lửa, chẳng hạn ở bếp. Tất nhiên đây không phải bếp ở Mỹ. Bếp ở Mỹ dùng gas nên không có khói. Vì thế ở đâu có khói ở đó có lửa, chẳng hạn ở trong bếp. Hiện giờ, có khói trên núi, vì thế có lửa trên núi. Đây được gọi là ‘phương pháp suy luận’. Câu thứ hai được gọi là ‘hetu’ (lý do). Tạo sao ông nói có lửa trên núi? Bởi vì tôi thấy khói trên đó. Câu đó được gọi là lý do (hetu). Hetu ở đây không phải nhân. Đó là lý do mà người được hỏi nêu ra. Bởi vì không có bất kỳ lý do nào, nên không có lý do để chứng minh rằng vi trần (atom) là thường cả.

[Câu Hỏi 10] “Bởi vì Niết-bàn có sự thường hằng, nên, những thứ này [đó là, vi trần, v.v…] cũng là thường phải không? Ý của câu hỏi kế tiếp là bởi vì Niết-bàn là thường, nên các vi trần cũng là thường.

[Trả Lời] “Không phải như vậy. Bởi vì [trong lời tuyên bố (xác nhận) ấy] sự cấu thành của lý do không có căn cứ theo luận lý học (‘Nhân không sanh khởi’ là không chính xác), [nói khác hơn. Nói rằng Niết-bàn là thường không phải để xác định một lý do tại sao vi trần, v.v… phải là thường.” Theo Phật Giáo Theravāda (Phật Giáo Thượng Toạ Bộ) sự thường hằng của vi trần không được xác nhận. Nói rằng bởi vì Niết-bàn là thường, nên vi trần cũng là thường là một lý do không xác đáng, một lời tuyên bố không có căn cứ vững chắc.

[Câu Hỏi 11] “Vậy chúng là thường bởi vì chúng không có sự sanh khởi (sự vắng mặt nhân sanh khởi của chúng), như Niết-bàn chăng?”

[Trả Lời] “Không phải như vậy. Bởi vì vi trần và v.v… chưa từng được thiết lập như những sự thật. (Đó là theo quan niệm của người Phật tử.) Lý do hợp với luận lý học đã nói ở trước xác nhận rằng chỉ có Niết-bàn là thường [một cách chính xác mà nói là vì nó không được tạo ra].” Và “Niết-bàn là vô sắc bởi vì nó vượt qua đặc tính riêng của sắc pháp.” Đây là lời tuyên bố khác. Những câu hỏi và trả lời số 9, 10, và 11 này dùng những thuật ngữ theo lô-gic hay luận lý học vì thế chúng ta phải hiểu Luận Lý Học Hindu để hiểu được những đoạn này một cách rõ ràng.

Kế tiếp, Niết-bàn được mô tả như vô sắc. Niết-bàn là nāma (danh pháp) hay rūpa (sắc pháp) mặc dù nó không phải là tâm cũng không phải là một tâm sở. Niết-bàn là Danh Pháp, không phải là sắc pháp.

Mục đích của Chư Phật chỉ có một không nhiều.” Thực sự những gì muốn nói ở đây là (Đạo Phật) chỉ có một mục đích duy nhất bởi vì không có sự khác nhau trong mục đích của Chư Phật v.v…Mục đích của Chư Phật, hay sự giác ngộ của Chư Phật, sự huỷ diệt phiền não của Chư Phật và sự huỷ diệt phiền não của những ngưới khác là như nhau. “Mục đích của Chư Phật chỉ một không nhiều” – Tôi nghĩ nói như thế không rõ lắm. Nó là mục đích duy nhất bởi vì không có sự khác nhau về mục đich của Chư Phật, v.v…

Kế tiếp Luận sư mô tả hai loại Niết-bàn — Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn. Hữu dư y Niết-bàn là Niết-bàn trong khi các vị A-la-hán còn đang sống hay trước khi nhập diệt và Vô dư y Niết-bàn là Niết-bàn sau khi nhập diệt của vị A-la-hán. Trước khi nhập diệt vị A-la-hán vẫn có ngũ uẩn. Các ngài vẫn có thân và tâm. Thân và tâm này là ‘quả của chấp thủ trong quá khứ’. ‘Hữu Dư Y’ (với quả của chấp thủ quá khứ) có nghĩa là trong khi các vị còn sống. “Vô Dư Y’ (Không còn năm uẩn quả của chấp thủ quá khứ) là khi các ngài nhập diệt hay chết.

Đoạn 74 “Bởi vì Niết-bàn có thể được đạt đến bằng phân biệt trí (minh sát trí) được thành tựu nhờ sự kiên trì không mệt mỏi; và bởi vì nó là lời của Bậc Nhất Thiết Trí (Đức Phật), về đặc tính riêng Niết-bàn không phải phi-hữu trong nghĩa tối hậu; vì điều này đã được nói: ‘Này các tỳ-kheo, có một cái không sanh, một cái không trở thành, một cái không được làm ra, một cái không được tạo thành (vô vi).”  Đây là một đoạn Kinh quan trọng thường được nhiều người trích dẫn.

Trên đây là phần định nghĩa liên quan đến sự Diệt Khổ (Thánh Đế Thứ Ba).” Có ai muốn hỏi gì không?

  • Học nhân: Bạch Ngài, ở đoạn 69 ngài có nói về Đạo Quả A-la-hán, vậy Đạo Quả A-la-hán thực sự có nghĩa là gì?
  • Thầy: Nó thực sự có nghĩa là A-la-hán Thánh Đạo và A-la-hán Thánh Quả.
  • Học nhân: Như vậy có phải chúng giống như Niết-bàn chăng?
  • Thầy: Không phải vậy. Niết-bàn là một pháp riêng rẽ. Đạo là một pháp. Quả là một pháp khác nữa. Như vậy Niết-bàn vẫn là một pháp khác. Chúng ta sẽ gặp lại điều này ở phần nói về Pháp Duyên Sanh (Paṭicca Samuppāda) sau.
  • Tường Giải Thanh Tịnh Đạo Tập IV TK Pháp Thông Dịch

09-04-2022 - 836 lượt xem

back-to-top.png