RỪNG THIỀN VIÊN KHÔNG
Tọa lạc tại xã Tóc Tiên thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu , thiền viện Viên Không hiện là nơi tu tập của hơn 30 Tăng sĩ Phật giáo Nguyên thủy, và là nơi quay về nương tựa tâm linh của rất nhiều cư sĩ Phật giáo, những người đã chọn giáo lý Nguyên thủy làm căn bản hành trì.
Thiền viện được khai sơn tại chân núi Dinh, trải qua những năm đầu khi cảnh vật còn hoang sơ, điều kiện sinh hoạt tại đây còn rất khó khăn, chưa có lưới điện và khan hiếm nguồn nước, đặc thù thổ nhưỡng đá sỏi khô cằn, cây xanh không phải là mảng màu chủ đạo như chúng ta thấy ngày nay. Với nỗ lực tôn tạo một không gian tu học lý tưởng: con người và thiên nhiên hài hòa, không gian thiền viện đủ rộng để có sự tĩnh lặng trong tu học, nhưng cũng đủ gần để Tăng chúng có được sự tương tác và gần gũi, ấm áp trong nếp sống hàng ngày. Chắc chắn sẽ có đôi điều làm khách phương xa không khỏi ngạc nhiên trong lần đầu tiên đến thăm: Gian Chánh điện nhỏ, đơn sơ nhưng rất trang nghiêm, thanh tịnh. Tượng đức Phật màu vàng với kích thước vừa phải được đặt trang trọng phía trong tủ kính, bên trong luôn sáng đèn giúp mọi người có thể chiêm ngưỡng tôn tượng Đức Phật rõ nét bất kể đêm ngày. Gian phòng nhỏ, với sức chứa khoảng.....người lúc nào cũng lộng gió nhờ hai dãy cửa sổ dường như không bao giờ đóng, bên trái là hướng chính vào Chánh điện, phía bên phải là dãy cửa sổ bán nguyệt phóng tầm nhìn ra vườn hoa lan tươi tắn, soi bóng lung linh xuống ao cá nhỏ xinh, một chiếc cầu cũng nhỏ được xây lên nối đôi bờ...toàn bộ khung cảnh không quá đặc sắc, trau chuốt đến rườm rà như cách trang trí, xây dựng thường thấy ở các ngôi chùa, mà ở đây, thiên nhiên và bàn tay con người hòa điệu đủ để làm dịu lòng khách đến thăm.
Không gian bên ngoài Chánh điện thoáng đãng, xanh mát, đẹp mắt với những con đường đá uốn lượn, đó đây thấp thoáng những con dốc nhỏ dẫn sâu vào núi, trên những con đường nên thơ này, liêu cốc của chư Sư được xây dựng một cách tận tâm và ý nhị. Tận tâm vì dù đơn sơ nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt. Ý nhị vì sự e ấp, kín đáo, không quá ồn ào, phô trương của những mái nhà nhỏ này, khi tất cả đều được xây dựng để có thể ẩn mình thấp thoáng dưới một tàng cây, hay một tảng đá...chỉ vừa đủ để người bên ngoài trông thấy một lối đi, một cái cổng, nhưng không đủ mời gọi để ai ai cũng có thể bước vào, một cảm giác gần mà xa, xa mà gần thật khó tả...
Âm thanh thường trực nơi đây có lẽ là âm thanh của gió. Gió nhờ lá cây mà thành hình hài. Những buổi sớm mai náo động bởi bản hợp ca của không biết bao nhiêu là loài chim, và tất cả lá cây chốc lát lại xạc xào hòa nhịp như một dàn bè cần mẫn. Một bản hợp tấu của đất trời mà chỉ những ai đã bỏ lại tất cả những ồn ào náo nhiệt ngoài kia, mới có đặc quyền thưởng thức!
Cách Chánh điện hơn năm trăm thước, chỗ lối vào chính là dãy nhà khách hai tầng với lối kiến trúc giản dị, tông màu vàng-nâu chủ đạo của Thiền môn nổi bật trên nền đá xám bên dưới, nét nghiêm nghị của dãy nhà bỗng mềm mại hơn khi hòa lẫn với màu xanh của cây cối chung quanh. Đây là nơi nghỉ chân, lưu trú của khách khi đến viếng thăm hay tu học tại thiền viện, bên dưới là dãy phòng dành cho Phật tử nữ; tầng một được dùng làm Tăng xá và phòng học vào các ngày trong tuần. Các phòng tuy nhỏ nhưng luôn thoáng, sạch, được thiền viện trang bị chu đáo những vật dụng cần thiết, tạo điều kiện rất tốt cho Phật tử đến thăm viếng hay tu học.
Thiền viện hiện được sự dẫn dắt của ngài Trưởng Lão Hộ Pháp – một bậc Đại Hiền Trí (Agga Mahapandita) của Phật Giáo Nguyên thủy Việt Nam - người vẫn đang cố gắng gìn giữ truyền thống tu tập của đạo Phật gốc qua việc hành trì và giáo huấn hàng hậu học. Người đã giúp chuyển ngữ rất nhiều đầu sách có giá trị của các vị thiền sư, học giả trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, góp phần đưa người học Phật đến gần hơn với những lời dạy quý giá của đức Phật hơn 2000 năm trước.
Tàn một ngày, khi những nhạc phẩm rộn rã lặng đi rồi, thì họa phẩm hiện ra: một hoàng hôn sẫm tím, im lìm, tất cả bóng cây đồng loạt lặng thinh, như một nghi lễ trang nghiêm chào tiễn biệt một ngày nữa vừa qua, một ngày được sống trọn vẹn, trọn vẹn với hơi thở, với đất trời, với giáo Pháp, với Tăng đoàn Viên Không.
Viên Không – hai con chữ tưởng như trái ngược, nhưng lại bù đắp cho nhau một cách trọn vẹn: Viên là Không, Không là Viên; Sự Viên mãn trong cái Không-có-gì, Không-là-gì; Và, khi Không-còn-là-gì, Không-còn-có-gì, Không-còn-muốn-gì, ta sẽ thấy thật đủ đầy, viên mãn. Đây có lẽ là một bài học lớn, một mục tiêu lớn mà toàn thể những con người nơi đất Phật này ngày đêm hướng đến: hóa Không để được